B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)

Wednesday, 11 January 20237:21 PM(View: 1010)
B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ 

B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)

Hỏi: Hai ngôi Phật và pháp, ngôi nào trước, ngôi nào sau? Nếu nói Phật có trước, Phật này nương theo pháp nào mà được thành đạo nên gọi là Phật? Nếu bảo pháp có trước, pháp này do Phật nào nói nên gọi là pháp?


Lại hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau?


Đáp: Phật vốn có trước pháp, cũng có sau pháp.


Hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau?


Đáp: Nếu y cứ Chân như thật tế, thì chân Phật không hình, tròn đồng thái hư, đối diện ở trước mắt, lặng sáng không gì trên, đây là Phật thật không hình tướng, Phật có trước.


Đoạn này nêu lên câu hỏi: Phật có trước hay pháp có trước, nếu Phật có trước thì Phật nương pháp nào tu để được thành Phật? Nếu nói pháp có trước thì pháp này do Phật nào nói? Câu trả lời không dứt khoát: Phật có trước pháp mà cũng có sau pháp. Hỏi: Thế nào là Phật pháp trước sau? Đáp rằng: Nếu y cứ
Phật pháp thân thì Phật có trước.

 
Lại nói:


Ta có một thân Phật,
Người đời ít kẻ biết.
Không một giọt tro bùn,
Không một điểm màu sắc.
Vàng ròng khó đúc thành,
Gỗ đá khó chạm khắc.
Thợ trời tạo chẳng nên,
Trộm đất trộm chẳng được.
Nước lửa chẳng can chi,
Nghiễm nhiên gió chẳng khác.
Lặng sáng đầy thái hư,
Đoan nghiêm rất kỳ đặc.
Tròn sáng có một thân,
Hóa thân ngàn trăm ức.


Âm:


Ngô hữu nhất khu Phật,
Thế nhân thiểu giả thức.
Vô nhất trích hôi nê,
Vô nhất điểm thái sắc.
Hoàn kim nan đào dung,
Mộc thạch nan tạc khắc.
Thiên công tạo bất thành,
Địa đạo thâu bất đắc.
Thủy hỏa bất thường can,
Nghiễm nhiên phong bất thắc.
Tịch quang mãn thái hư,
Đoan nghiêm thậm kỳ đặc.
Viên minh hữu nhất khu,
Hóa thân thiên bá ức.


Ngài nói thêm bài kệ để giải thích ý nghĩa Phật có trước:


Ta có một thân Phật, người đời ít kẻ biết.


Ai cũng có một vị Phật mà ít ai biết đến vị Phật đó.


Không một giọt tro bùn, không một điểm màu sắc.


Vị Phật đó không do tro bùn làm nên, cũng không có điểm màu sắc gì cả.


Vàng ròng khó đúc thành, gỗ đá khó chạm khắc.


Dùng vàng ròng đúc không được vị Phật này, dùng gỗ khắc chạm cũng không được.


Thợ trời tạo chẳng nên, trộm đất trộm chẳng được.


Thợ khéo ở trên trời cũng không tạo được, mà kẻ trộm ở dưới đất cũng không ăn cắp được vị Phật này.


Nước lửa chẳng can chi, nghiễm nhiên gió chẳng khác.


Vị Phật này vào nước không chìm, gặp lửa không cháy, gió thổi chẳng rung rinh.


Lặng sáng đầy thái hư, đoan nghiêm rất kỳ đặc.


Phật pháp thân lặng lẽ rỗng sáng tròn đầy như thái hư, rất trang nghiêm và kỳ đặc.


Tròn sáng có một thân, hóa thân ngàn trăm ức.


Thể thì tròn sáng có một, khi ứng hóa thì có trăm ngàn muôn ức thân.


Phật pháp thân là Phật thật có sẵn nơi mọi người, chớ không riêng của ai. Về sau, người đời không nhận được Phật pháp thân, nên mới dùng phương tiện đắp thành tượng Phật. Tượng Phật là Phật có hình tướng phỏng theo dáng Hóa thân hoặc Báo thân mà đắp, chớ Phật thật thì không có thân.

Nên Thiền sư Xuyên Lão nói: “Phật vàng chẳng độ lò đúc, Phật gỗ chẳng độ lửa, Phật đất chẳng độ nước.”


Tụng:


Ba Phật hình nghi chẳng phải chân,
Con ngươi trong mắt trước mặt xem.
Nếu hay biết được trong nhà báu,
Hoa núi chim kêu một dáng xuân.
Ứng Phật, Hoá Phật, đều không thật,
Bóng hình muôn thứ thảy là quyền.
Cái gì có tướng đều hư vọng,
Chân Phật không hình vốn tự nhiên.


Âm:


Tam Phật hình nghi tổng bất chân,
Nhãn trung đồng tử tiền diện nhân.
Nhược năng thức đắc gia trung bảo,
Đề điểu sơn hoa nhất vạn xuân.
Ứng Phật, Hóa Phật giai vô thật,
Ảnh tượng thiên bang tổng thị quyền.
Phàm sở hữu tướng giai hư vọng,
Chân Phật vô hình bổn tự nhiên.


Nên Thiền sư Xuyên Lão nói: “Phật vàng chẳng độ lò đúc, Phật gỗ chẳng độ lửa, Phật đất chẳng độ nước.”


Câu này Thiền sư Xuyên Lão lặp lại câu nói của ngài Triệu Châu. Ngài Triệu Châu nói: “Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong.” Tượng Phật bằng vàng nếu để vào lò đúc thì không độ được lò đúc, mà bị lò đúc nung chảy ra nước; tượng Phật bằng gỗ đem để vào lửa bị lửa đốt thành tro. Tượng Phật bằng đất đem để vào nước, nước thấm ướt, đất rã ra. Bây giờ có thêm Phật xi măng, Phật thạch cao không độ được cái búa, vì búa đập vào thì xi măng bể, thạch cao bể. Chỉ có ông Phật ngồi ở trong điện Tỳ-lô của mỗi người, là không có thứ gì làm tiêu hoại được. Khi Phật ấy hóa hiện thân ra thì độ được tất cả mọi chúng sanh. Ngài Xuyên Lão tụng thêm:


Ba Phật hình nghi chẳng phải chân, con ngươi trong mắt trước mặt xem.


Ba hình chỉ cho Phật bằng vàng, Phật bằng gỗ, Phật bằng đất. Phật được tạc bằng một trong ba chất loại ấy dù có khéo đẹp thế mấy cũng không thật. Phật thật ở trong thân giả của mỗi người giống như con ngươi sáng nằm trong mắt ở trước mặt. Phải ngay đó mà nhận chớ đừng tìm kiếm ở đâu xa.


Nếu hay biết được trong nhà báu, hoa núi chim kêu một dáng xuân.


Nếu biết được mình có kho báu, tức là nhận được tánh Phật chân thật của mình thì nhìn hoa dại mọc ở kẽ đá trên núi, nghe tiếng chim hót trên cành cây, thấy đâu đâu cũng là cảnh xuân tươi đẹp. Ai biết trở về tánh Phật chân thật của chính mình thì tất cả cảnh, tất cả hiện tượng bên ngoài đều tươi sáng đẹp đẽ như hoa chim trong mùa xuân.


Ứng Phật, Hóa Phật đều không thật, bóng hình muôn thứ thảy đều quyền.


Phật ứng thân, Phật hóa thân đều không phải Phật thật, vì có hình có bóng tất cả đều là quyền là tạm không phải thật.


Cái gì có tướng đều hư vọng, chân Phật không hình vốn tự nhiên.


Chỉ có vị Phật chân thật không hình tướng là tự nhiên sẵn vậy. Ngài Xuyên Lão tụng như thế để nhắc chúng ta nhớ trở về với vị Phật thật của mình, không mắc kẹt nơi âm thanh, sắc tướng giả dối bên ngoài.


Hỏi: Thế nào Pháp có trước?


Đáp: Nếu y cứ Pháp tánh tịch diệt, thì chân kinh không quyển, rỗng trơn bặt dấu vết, nghĩa ấy như sao trời sáng rực, lặng lẽ quên lời, biển chân giáo sóng bủa mênh mông, bao la pháp giới, lặng lẽ sáng soi tự tại, suốt tột xưa nay, dọc ngang khắp trời đất, đây là chân kinh không quyển, pháp có trước. Nếu y cứ pháp tịch diệt, đó là pháp trước Phật sau.


Thông thường ai cũng hiểu theo lịch sử thì, đức Phật Thích-ca sau khi thành đạo nói pháp trong bốn mươi chín năm, dạy cho mọi người tu hành hiện còn ghi chép trong Tam tạng kinh điển, pháp đó có sau, Phật có trước, vì Phật thành đạo rồi mới nói pháp. Nhưng ngài Chân Nguyên lại nói pháp có trước, nên ở đây nêu câu hỏi:


Thế nào là pháp có trước?


Đây giải thích pháp có trước là Pháp tánh tịch diệt sẵn có của tất cả chúng ta, do ngộ được pháp đó mới thành Phật, nên nói pháp có trước, Phật có sau. Pháp này cũng gọi là chân kinh không quyển. Bởi vì pháp này chỉ cho Thể chân thật không có tướng mạo, nên không có dấu vết của văn tự, không có lời ghi chép, không có sách in thành quyển, đó là cái tịch diệt sẵn có muôn đời.


Kinh nói:


Các pháp từ xưa nay,
Tướng thường tự vắng lặng.
Phật tử hành đạo rồi,
Đời sau được làm Phật.


Âm:


Chư pháp tùng bản lai,
Thường tự tịch diệt tướng.
Phật tử hành đạo dĩ,
Lai thế đắc tác Phật.


Tất cả chư Phật đều nhân nơi Pháp tánh tịch diệt mà được thành Phật. Nên kinh Lăng-già nói: “Lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, dứt mọi hí luận, mới có thể chứng Phật.” Nên biết, Pháp tánh tịch diệt là thầy chư Phật, đây là pháp trước Phật sau. Vì vậy kinh nói: “Có Phật không Phật, Pháp tánh vẫn thường trụ. Có kinh không kinh, Pháp thân vẫn hằng như vậy.” Một pháp mà có ngàn tên, ứng với duyên mà lập hiệu, chân Phật, chân kinh, Pháp tánh Pháp thân vốn đồng một thể, không có tướng khác. Nếu có người tuệ lớn, trí bậc thượng, chóng ngộ chân không, Pháp tánh như vậy, chân Phật không hình, chân kinh không quyển, chân đạo không lý, chân pháp không lời, sẽ sớm được viên chứng quả Bồ-đề.


*


Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng, Phật tử hành đạo rồi, đời sau được làm Phật.


Các pháp từ xưa tới giờ, tướng nó thường vắng lặng, người Phật tử đời này hành đạo rồi, đời sau sẽ được làm Phật. Ngày xưa có một Thiền tăng nghe hai câu kệ đầu: “các pháp từ xưa nay tướng thường tự vắng lặng”, ngài nghi ngờ tại sao các pháp từ xưa đến nay tướng thường tự vắng lặng? Ngài ôm ấp thắc mắc mãi trong lòng. Một sáng mùa xuân đang ngồi trước cửa chùa, thấy muôn hoa đua nở và nghe chim hoàng oanh đậu trên cành hót líu lo, ngài hoát nhiên ngộ đạo, liền đọc tiếp hai câu thơ:


Xuân đến trăm hoa nở,
Hoàng oanh hót trên cành(1).


Ngài ngộ là vì nhận ra rằng, các pháp Thể tánh nó vốn lặng lẽ, mà tướng của nó thì tùy duyên, duyên hợp thì muôn sự muôn vật hiện tiền, như hoa nở chim hót khi mùa xuân đến. Ngộ đạo là thấy cùng tột Bản thể của sự vật, cũng như nhận ra Thể tánh của chính mình, đồng thời cũng biết rõ tướng dụng sanh động của các pháp không lầm lẫn. Người học đạo thấu suốt cùng tột chỗ này thì không những đời sau thành Phật mà ngay hiện tại cũng đã giác ngộ.


Tất cả chư Phật đều nhân nơi Pháp tánh tịch diệt mà được thành Phật. Nên kinh Lăng-già nói: “Lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, dứt mọi hí luận, mới có thể chứng Phật.”


Chứng Phật quả là không mắc kẹt ở văn tự, không mắc kẹt ở lời nói, cũng không mắc kẹt ở cái tâm duyên theo cảnh, dứt hết những bàn luận suông mới chứng được Phật quả. Chứng Phật quả là ngộ được Pháp tánh tịch diệt, Pháp tánh ấy lìa tất cả tướng văn tự, ngôn ngữ, tâm duyên, hí luận.


Nên biết Pháp tánh tịch diệt là thầy chư Phật, đây là pháp trước Phật sau.


Phật do ngộ Pháp tánh tịch diệt mà thành Phật, nên nói pháp có trước, Phật có sau.


Vì vậy kinh nói: “Có Phật, không Phật, Pháp tánh vẫn thường trụ, có kinh không kinh, Pháp thân vẫn hằng như vậy.”


Dù cho có Phật ra đời hay không Phật ra đời, Pháp tánh vẫn thường trụ không biến đổi. Dù có kinh hay không có kinh, Pháp thân vẫn hằng như vậy. Pháp tánh hay Pháp thân không rời nhau.


Một pháp mà có ngàn tên, ứng với duyên mà lập hiệu, chân Phật, chân kinh, Pháp tánh, Pháp thân vốn đồng một thể, không có tướng khác.


Nói thì có nhiều tên như chân Phật, Pháp tánh, Pháp thân... nhưng thể của nó thì đồng không khác.


Nếu có người tuệ lớn, trí bậc thượng chóng ngộ chân không, Pháp tánh như vậy, chân Phật không hình, chân kinh không quyển, chân đạo không lý, chân
pháp không lời, sẽ sớm được viên chứng quả Bồ-đề.


Nếu người có trí tuệ lớn bậc thượng thì mau ngộ được lý chân không. Đây nói chân Phật không hình, chân kinh không quyển, chân đạo không lý, chân pháp không lời. Bây giờ chúng ta thấy tượng Phật đúc bằng đồng hay thạch cao, xi măng, hoặc gỗ, đó là Phật tượng, có tướng giả dối. Còn chân Phật thì không hình tướng, vì Phật thật là Phật pháp thân bất sanh bất diệt. Còn Phật hóa thân như Phật Thích-ca ở Ấn Độ sống tám mươi năm cũng là Phật sanh diệt. Chân kinh không quyển là chỉ cho Pháp tánh, không phải quyển kinh bằng giấy mực chữ nghĩa. Chân đạo thì không có lý lẽ, còn lý lẽ không phải là chân. Chân pháp không có lời, lời nói ngôn ngữ là do niệm khởi; niệm khởi lời nói là tướng sanh diệt không phải là chân. Người ngộ được như thế thì chứng quả Phật viên mãn.


Pháp thân thanh tịnh Phật vô tướng,
Tịch quang tròn lặng đồng hư không.
Hình nghi chẳng mượn dùng tiếng cầu,
Dung mạo dính gì với sắc pháp.
Muôn pháp đồng về biển tánh chân,
Một trần chẳng nhiễm vốn nguồn linh.
Rành rành hiển hiện chân thân Phật,
Lồ lộ Như Lai đối mặt luôn.


Âm:


Thanh tịnh pháp thân vô tướng Phật,
Tịch quang viên trạm đẳng hư không.
Hình nghi phi giả dĩ thanh cầu,
Dung mạo khởi quan ư sắc pháp.
Vạn tượng đồng qui chân tánh hải,
Nhất trần bất nhiễm bản linh nguyên.
Đường đường hiển hiện Phật chân thân,
Lộ lộ Như Lai thường đối diện.


Pháp thân thanh tịnh Phật vô tướng, tịch quang tròn lặng đồng hư không.


Pháp thân tức Phật thân không tướng mạo, nhưng ánh sáng lặng lẽ trùm cả hư không.


Hình nghi chẳng mượn dùng tiếng cầu, dung mạo dính gì với sắc pháp.


Hình tướng không thể dùng tiếng mà cầu được, dung mạo không dính dáng gì với sắc pháp. Tóm lại: Pháp thân thanh tịnh lặng lẽ, hằng giác hằng tri không có tướng mạo nên không dính dáng gì với mọi hình sắc, âm thanh.


Muôn pháp đồng về biển tánh chân, một trần chẳng nhiễm vốn nguồn linh.


Biển Pháp tánh chân thật là thể của muôn pháp, nên muôn pháp thảy đều trở về đó. Nếu không nhiễm một tí bụi trần ấy là trở về nguồn linh của chúng ta.


Rành rành hiển lộ chân thân Phật, lồ lộ Như Lai đối mặt luôn.


Người trở về nguồn linh thì chân thân Phật hiện rõ ràng, không bị che khuất, cho nên nói: Như Lai luôn luôn đối diện ở trước mắt. Như Lai là tên khác của Pháp thân, Pháp thân thường hiển lộ ngay trước mắt của mọi người. Trong nhà thiền có một từ ngữ kiến tánh, kiến tánh tức là nhận ra Pháp thân hay thấy tánh, nhưng thấy bằng cách nào, bằng cái nhìn của con mắt phải không? Thấy tánh tức là nhận ra nơi mình có tánh thấy chân thật, nếu không có tánh thấy thì chúng ta không thể nhận thấy được tất cả người vật chung quanh. Tuy nhiên, người sáng mắt thấy người thấy vật biết mình có tánh thấy, vậy người mù mắt không thấy cảnh vật họ có tánh thấy không? Họ không thấy sự vật nhưng họ thấy tối đen, cái nhận biết của họ hiển lộ ở các cơ quan khác như mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm v.v...


Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy ngài A-nan về tánh thấy qua ví dụ nắm tay và con mắt. Phật dạy người không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay, còn người mù mắt thì không phải hoàn toàn không thấy. Cho nên Phật bảo ngài A-nan:


- Ông thử ra đường hỏi những người mù anh thấy cái gì, chắc chắn người mù trả lời: thấy trước mắt tối đen.


Ngài A-nan bạch Phật:


- Người mù thấy tối đen sao gọi là thấy?


Phật dạy:


- Người mù thấy tối đen so với người sáng mắt ở trong phòng tối, hai cái tối ấy có khác nhau không?


- Không khác.


- Nếu người mù khi chữa lành bệnh, mắt sáng thấy được cảnh vật, cũng giống như người mắt sáng ở trong nhà tối có đèn sáng, họ cũng thấy cảnh vật.


Như vậy, ai cũng có cái thấy hết, nhưng người sáng mắt thì nhìn thấy người thấy vật rõ ràng, người mù thì thấy ở trước tối đen. Tánh thấy lúc nào cũng hiện tiền trước mắt mình, nhưng không bao giờ mình dùng mắt thấy nó được, song biết mình có tánh thấy là khi mình thấy người vật bên ngoài. Vì nó không có hình tướng làm sao thấy được nó? Như vậy thì mọi người đều có cái hay thấy, tức là có tánh thấy, mà có tánh thấy là một phần Pháp thân hiển lộ, đó là Như Lai lồ lộ ngay trước mặt. Nên nhớ lồ lộ trước mặt không phải Phật hiện trước mặt mình thấy bằng mắt, mà Như Lai lồ lộ ở sáu căn của mình, tại mình không chịu nhận. Chúng ta có thói quen hễ thấy người thì khởi nghĩ người đó tên gì, đẹp xấu, tánh tình dễ chịu hay khó chịu, dòng suy tư kéo đi một mạch, cái thấy không dừng ngang chỗ thấy, mà cái thấy theo dòng nghĩ tưởng nên quên mất tánh thấy, nên chư Tổ dạy chúng ta đối duyên xúc cảnh thấy như mù, nghe như điếc. Nếu thấy người thấy vật mà không khởi niệm đẹp xấu, nghe mà không phân biệt dở hay đó là thấy như mù nghe như điếc. Giả sử chúng ta thấy có một người đi ngang qua, nếu không để ý phân biệt, có ai đó hỏi: Cô có thấy người đi ngang qua không? - Có. Nhưng hỏi: Người ấy đẹp hay xấu, cao hay thấp...? Đáp: Không biết. Như vậy là thấy tức như không thấy. Chúng ta thì không như thế mà thấy cái gì là phải phăng tìm cho ra gốc rễ, đó là chạy theo vọng tưởng phân biệt, mà quên Như Lai ở nơi mình đang hiển lộ.


(1)
 Pháp Hoa Giảng Giải (Thích Thanh Từ) trang 112.