Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật

Tuesday, 10 May 201610:20 AM(View: 3858)
Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật

Ý NGHĨA LỄ TẮM PHẬT
HT. Tuyên Hóa

letamphat


Nguồn gốc của lễ tắm Phật bắt nguồn từ sự tích đức Phật đản sinh, Tương truyền khi Phật giáng sinh, có chín vị rồng tới phun nước tắm rửa cho Ngài. Cùng với nước là hương hoa do các vị trời rơi xuống làm thanh tịnh thân Phật. Về sau Ấn Độ, các tự viện thường hay để tượng một vị Phật sơ sinh, mỗi ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên mình Phật như là một hành động tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình. Về sau không rõ đích xác nguyên do gì truyền thống này lần lần cải biến.

Ở Trung Hoa, vào đời Đường, đời Tống, tắm Phật là một pháp hội rất lông trọng, mỗi năm được tổ chức một lần vào ngày Phật đản sinh. Nhất là ở Nhật Bản, vào khoảng năm 840, niên hiệu Thừa Hòa thứ bảy trở về sau, mỗi năm nhằm vào ngày tám tháng tư lễ tắm Phật được cử hành vô cùng trang nghiêm trong hoàng cung. Vì vậy, ở Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, lễ Phật đản là một ngày vô cùng quan trọng được gọi là Phật Sinh Hội, Dục Phật Hội, Quán Phật Hội, đều là chỉ vào nghi thức tắm Phật cử hành trong ngày ấy.

Lý do nghi thức tắm Phật được tín đồ Phật giáo tôn trọng và cung kính thực hành hàng năm vì nó là một phương pháp rất hay để người tu phản tỉnh. Phương pháp tắm Phật thì rất giản dị: bạn lên trước tượng vị Phật sơ sinh đặt giữa một bồn nước, thông thường là nước pha trộn bởi các vị hương thơm như nước thơm chiên đàn hương bạch đàn hương, uất đàn hương, long não, xạ hương, tử chiên đàn, đinh hương, v.v... Bạn quỳ xuống đảnh lễ ba lạy để bày tỏ lòng thành kính và khiêm cung đối với vị Phật sơ sinh. Bạn cũng có thể cúng dường hương hoa, phẩm vật, để bày tỏ lòng kính mộ của mình. Xong bạn dùng một cái muỗng múc nước hương thơm, từ từ rưới lên thân mình Phật ba lần. Mỗi khi tắm Phật như vậy, bạn cần quán tưởng rằng thân Phật cũng ví như là thân tâm của mình vậy. Ba muỗng nước rưới lên thân Phật, sẽ gội rửa ba nghiệp ác do thân, miệng và ý của mình tạo ra. Nếu nước hương thơm là thứ dùng để tắm thân Phật, thì Phật pháp là thứ mà bạn phải dùng để tẩy rửa cấu bẩn của hành động, suy nghĩ và lời nói. Nhưng điều tuyệt diệu là vị Phật sơ sinh trước kia được tắm, vốn là một em bé thanh tịnh vô nhiễm; sau khi tắm xong, bụi trần gội sạch, em bé đó trở về lại với sự vô nhiễm thanh tịnh sẵn có. Cũng vậy, hành động, lời nói và suy nghĩ của kẻ phàm chúng ta trãi qua bao kiếp, tích tập vô số thói hư tật xấu, tà kiến ác hạnh, ngu si chấp trước, khiến ta ở trong vòng mê mờ vẩn đục; song bản tánh xưa nay của chúng ta chưa hề bị ô nhiễm, hệt như vị Phật sơ sinh thanh tịnh vô cấu. Nếu dùng Phật Pháp như nước tẩy, tắm gội tam nghiệp, tức là nếu ta sửa đổi thói hư tật xấu, xả trừ chấp trước, minh tâm kiến tánh, thì ta sẽ khôi phục lại được thể tánh thanh tịnh sẵn có xưa nay.

Bởi vậy điều then chốt trong lễ tắm Phật là ta phải hết sức thành tâm, tụ thần chú ý, tâm niệm sáng suốt, thì nghi thức tắm Phật sẽ là một phương tiện xảo thù thắng để ta tiêu trừ nghiệp chướng chấp trước. Để giúp cho sự tập trung chuyên nhất của thân khẩu ý, đồng thời biến sự tắm Phật thành sự tẩy trừ nghiệp chướng, chư Tổ khi xưa đã khuyên dạy ta đọc câu chú sau đây: Án, đi sa đi sa, xăng che, sô pô hô. Với câu chú này, nếu ta thành tâm tụng niệm sẽ làm tâm ta không khởi vọng tưởng, dẹp trừ phiền não, và do đó tự nhiên an tịnh siêu nhiên.

Bồ Đề Hải
______________________________________________
BÀI KỆ TẮM PHẬT

(Phiên âm)

Ngã kim quán mộc chư Như lai

Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ

Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu

Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân.  

Án, Mâu Ni Mâu Ni Tam Mâu Ni tát Phạ hạ.

(Việt dịch)

Nước thơm dâng tắm các Như Lai

Thanh tịnh trang nghiêm trí hiển bày

Phiền não từ nay xin nguyện đoạn

Đồng nhau đi trọn đạo Bồ đề.

Án Mâu Ni Mâu Ni Tam Mâu Ni Tát Phạ hạ.

Praise for Bathing the Buddha:

We are now coming up to bath Tathagatas

For accumulating purity, wisdom, dignity, merit and virtue.

May all sentient beings rid themselves of impurity

And may all realize the pure entity of Tathagatas.

(bản dịch Anh ngữ của Phật Quang Sơn Tây Lai tự)