Chương Thứ Nhất - Đề Mục Kinh

Monday, 18 April 201610:01 PM(View: 3579)
Chương Thứ Nhất - Đề Mục Kinh
3) Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa.

4) Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Thập Phương Phật Mẫu Đà Ra Ni Chú.

5) Quán Đảnh Chương Cú Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm.

Nhưng khi dịch từ Phạn ngữ sang Hán tự, Ngài Bát Lạt Mật Đế chỉ lấy 19 chữ trong các đề mục trên mà ghép thành đề mục kinh cho bản Hán tự. Đó là : Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm, gọi tắt là Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Suramgama) tức là Kinh nói về Chơn tâm. Đề mục kinh chỉ vỏn vẹn có 19 chữ, nhưng đã bao hàm toàn bộ chân lý để giúp người tu theo kinh nầy đạt được tuệ giác giải thoát. Tuy đề mục kinh (lời tựa) có tất cả 19 chữ, nhưng chung quy vẫn chú trọng ba chữ Thủ Lăng Nghiêm vì 16 chữ kia cũng nằm trong ý nghĩa của ba chữ nầy.

Kinh tiếng Phạn (Sanskrist) là Sũtra. Chữ kinh được dùng trong kinh điển Phật giáo có nghĩa là khế kinh. Khế nghĩa là trên thì khế hợp với đạo lý của chư Phật và dưới thì phù hợp với căn cơ và trình độ của mọi chúng sinh để giáo hóa họ trong mọi lúc, mọi thời. Một ý nghĩa khác của kinh là thường pháp tức là một chân lý không thay đổi. Quá khứ Phật nói Pháp thế nào, hiện tại Phật nói Pháp như vậy và tương lai Phật cũng nói Pháp như thế ấy. Thí dụ như Phật Thích Ca thuyết Tứ Diệu Đế thì Phật quá khứ Ca Diếp hay Phật tương lai Di Lặc cũng nói chân lý Tứ Diệu Đế không sai không khác. Một thí dụ khác về luật vô thường và lý vô ngã, Phật Thích Ca nói con người ai ai cũng phải nằm trong chu kỳ sanh lão bệnh tử, sự vật thì phải chịu sanh, trụ, dị, diệt và thế giới vũ trụ bao la vô cùng vô tận cũng không thoát khỏi thành, trụ, hoại, không. Vì đây là chân lý nên chư Phật ba đời đều thuyết giống nhau nên giáo pháp nầy gọi là thường pháp. Vì vậy kinh chính là con đường dẫn dắt chúng sinh chứng ngộ chân lý mà có được giải thoát giác ngộ. Đạo lý Khổng Mạnh có ngũ kinh là kinh Thi, kinh Dịch, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Xuân Thu và Lảo Tử cũng có Đạo Đức kinh. Tuy nhiên những kinh nầy chỉ chú trọng vào đạo lý làm căn bản cho cuộc sống của con người để có một xã hội thái bình, yên vui, trật tự. Ngược lại, khế kinh giúp chúng sinh thấu triệt thật tướng nhân sinh vũ trụ, chứng ngộ chân lý giải thoát giác ngộ mà đạt vào cảnh giới vô sanh vô diệt.

Đảnh là điểm cao nhất trên đầu và Đảnh đầu Phật có một u thịt màu hồng nhô lên, có thể phóng hào quang mà không ai thấy được nên gọi là ”vô kiến đảnh tướng”. Đó là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật. Do đó Đại Phật Đảnh là điểm nổi lên cao nhất trên đỉnh đầu của Đức Phật. Trước khi Đức Phật Thích Ca thuyết giảng kinh Lăng Nghiêm hay bất cứ bộ kinh Đại thừa nào thì từ đỉnh đầu Ngài phóng ra hào quang soi chiếu khắp mười phương thế giới tức là Ngài dùng trí tuệ siêu việt để xem xét khế cơ và khế lý của tất cả chúng sinh có khế hợp với giáo lý của kinh không? Nói cách khác Đức Phật dùng trí tuệ siêu việt của mình để soi chiếu mà thấy rằng nếu chúng sinh có đầy đủ tri kiến để lãnh hội giáo lý thì Ngài mới giảng kinh. Vì thế Đại Phật Đảnh chính là trí tuệ, từ bi và giải thoát siêu việt của tất cả chư Phật để soi chiếu mà cứu độ chúng sinh đưa họ từ bờ mê sinh tử đến bến bờ giác ngộ thanh tịnh Niết Bàn.

Do đó nếu chúng sinh có được tâm thanh tịnh, hào quang của Đức Phật sẽ chiếu đến và tỏa sáng trong tâm của họ cũng như ánh trăng soi chiếu trên mặt nước hồ thu yên tĩnh. Ngược lại, nếu tâm của chúng sinh còn ô nhiễm cũng ví như một vũng nước bùn đục ngầu, không có thứ ánh sáng nào chiếu soi qua được. Tâm định ví như bầu trời trong sáng không mây, là trạng thái vi diệu không thể diễn tả, nghĩ bàn cho nên người có tâm thanh tịnh thì sẽ có được sức mạnh của Thủ Lăng Nghiêm đại định vậy. Đó chính là :

Tâm thanh thủy hiện nguyệt

Ý tịnh thiên vô vân.

Nghĩa là :

Khi tâm thanh tịnh thì có ánh trăng soi chiếu trên mặt nước

Khi ý tĩnh lặng thì như bầu trời không gợn tí mây.

Như Lai là một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Đó là:

Ứng cúng : Xứng đáng được hưởng sự cúng dường của người và trời.

Chánh biến tri : Hiểu biết chân chính bao trùm khắp.

Minh hạnh túc : Sự giác ngộ cũng như công hạnh trọn vẹn tròn đầy.

Thiện thệ thế gian giải : Vượt qua mọi kiến giải của thế gian một cách tự tại.

Vô thượng sĩ : Bậc không ai sánh bằng.

Điều ngự trượng phu : Bậc trượng phu khéo điều phục chính mình.

Thiên nhân sư : Thầy của trời và người.

Phật : là người hoàn toàn giác ngộ.

Thế Tôn : Đấng được khắp thế gian tôn trọng.

“Như” là bản Thể của Phật pháp và Lai là dụng của Phật pháp.

“Như” là cảnh giới như như bất động của Phật và Lai là không đến từ đâu và cũng chẳng đi về đâu. Vì thế mới có câu : ”Như như bất động, lai nhi diệc lai, lai nhi bất lai” nghĩa là như như bất động, đến rồi lại đến, đến mà chẳng đến. Trong Kinh Kim Cang cũng có câu : ”Như Lai giả, vô sở tòng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” nghĩa là Đức Phật chẳng đến với chúng sinh mà Đức Phật lại ở ngay với chúng sinh. Phật pháp chẳng có gì là bí mật cả cho nên trong kinh này, chữ “mật” nghĩa là “thâm mật” tức là “sâu kín” đòi hỏi chúng sinh phải có trí tuệ viên mãn cao độ mới hiểu rõ được. Mật nhân là Bản Thể của định lực đã có sẳn trong tất cả mọi chúng sinh, không ai thiếu sót cả, nhưng chẳng ai biết được điều ấy nên gọi là mật. Mật nhân này là định lực của Như Lai và cũng là Bản Thể định lực của tất cả chúng sinh, nhưng mật nhân của chúng sinh thì chưa được hiển bày nên vẫn còn ẩn mật. Do đó định của Thủ Lăng Nghiêm rất cao sâu huyền diệu không thể dùng trí của phàm phu mà hiểu được cho nên tất cả Như lai trong mười phương thế giới đều do thành tựu đại định Thủ Lăng Nghiêm mà có được Bồ-đề Niết Bàn.

Vì thế Như Lai Mật Nhân là những mật hạnh, tuệ giác viên thông thanh tịnh tự tánh, là những điều ẩn mật mà chư Phật đã giải ngộ được và một khi thành tựu định lực nầy tức là họ đã thể nhập Phật Tri Kiến, thấy được Pháp Tánh hay hội nhập Như Lai Viên Giác Diệu Tâm của mình. Chính mười phương chư Phật ba đời cũng đều y theo kinh Thủ Lăng Nghiêm này làm nhơn địa tu hành mà được thành Phật nên gọi là Như Lai Mật Nhân.

Liễu nghĩa là thấy thấu suốt sự chân thật của tâm nghĩa là bao gồm cả pháp tánh chân như. Thật vậy, liễu nghĩa chính là sự thật chứng một cách trọn vẹn, đầy đủ tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian. Khi đạt được Bản Thể của định lực nghĩa là tu chứng được liễu nghĩa tức là không còn pháp nào để tu và chẳng còn pháp nào để chứng thì đạt đến chỗ rốt ráo, chỗ cùng tận của nghĩa lý. Do đó tu chứng liễu nghĩa là người tu theo kinh Lăng Nghiêm nầy sẽ tự mình đạt được thật tướng chân như, giải thoát viên mãn và thành tựu đạo quả Bồ-đề. Đó là cảnh giới Phật, là quả vị Phật, ngang hàng với chư Phật ba đời chớ không phải tu để thành thần, thành thánh. Đây mới chính là lối tu chứng rốt ráo.  Ngược lại bất liễu nghĩa là không thấy rõ hay thấy mập mờ chân như thật tánh. Như vậy tu chứng định Thủ Lăng Nghiêm là tu chứng đến Bảo sở (hoàn toàn, viên mãn), không giống như sự tu chứng tạm nghĩ ở Hóa thành của các vị Thanh Văn, Duyên Giác.  Do đó kinh điển Đại thừa là kinh liễu nghĩa bởi vì kinh giúp chúng sinh thấy được Thể tánh chân như của mình mà có được giải thoát giác ngộ.

Nhưng muốn đạt đến cảnh giới của chư Phật, chúng sinh phải tiếp tục hành trì Bồ-tát đạo. Vậy thế nào là Chư Bồ-tát Vạn Hạnh?

Chư là hằng hà sa số bởi vì công hạnh của Bồ-tát vô biên vô lượng không thể nào đếm cho hết được, nhưng muốn đạt đến đạo quả Bồ-đề thì người phát tâm tu theo Bồ-tát đạo phải trải qua năm mươi lăm tiến trình từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa, Đẳng giác và sau cùng là Diệu giác tức là thành Phật. Trong Viên Giáo, Thập tín hoàn toàn không có địa vị bởi vì tâm của các vị Bồ-tát này có lúc tiến, lúc lùi. Khi đến Sơ địa thì Bồ-tát chứng được ba thứ bất thoái. Hàng Bồ-tát thuộc địa vị Thập hạnh tu lục độ vạn hạnh nhằm mục đích đào thải những tập khí của chính mình từ vô thỉ kiếp đến nay. Thí dụ như bố thí để đoạn sạch tập khí tham lam, keo kiệt. Thập hồi hướng là quay Phật sự hướng về Phật tâm bởi vì tâm Phật là tâm của chính mình. Sau khi viên mãn địa vị Tam Hiền (Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng) Bồ-tát mới vào Tứ gia hạnh và khi tu viên mãn liền đăng địa. Tứ gia hạnh là bốn phương pháp tu hành với mục đích nhằm diệt mất cả tâm lẫn Phật và diệt sạch cả số lượng khiến cho tâm đạt đến chỗ thanh tịnh. Bởi vì nếu trong tâm còn ý niệm Phật hay số lượng thì tâm vẫn chưa thanh tịnh. Do đó tâm thanh tịnh mới có thể đăng địa và khi đã đăng địa rồi thì Chân Như Phật Tánh sẽ hiển bày. Đẳng Giác Bồ-tát vẫn còn một phẩm Sanh Tướng vô minh cần phải phá sạch mới đạt đến địa vị Diệu Giác nghĩa là tự tánh hoàn toàn hiển lộ tức là thành Phật.

Vạn hạnh là vô số phương pháp mà chư vị Bồ-tát tu tập. Vì chúng sinh có tám vạn bốn ngàn phiền não chướng nên Đức Phật mới chế ra tám vạn bốn ngàn pháp môn để tiêu trừ những khổ đau phiền nảo này. Nhưng trong phần lời tựa, kinh chỉ nói đến vạn hạnh mà Lục độ ba-la-mật chính là yếu chỉ cho Bồ-tát tu hành. Do đó muốn thành tựu đạo quả Bồ-đề, chư Bồ-tát phải trải thân ra cứu độ chúng sinh trong hằng hà vô lượng kiếp thì mới thực hành Lục độ Vạn hạnh được viên mãn. Chính Đức Phật Thích Ca cũng phải tu hành trải qua ba A tăng kỳ kiếp nghĩa là chính Ngài cũng phải thực hành Bồ-tát Vạn hạnh rốt ráo để cứu độ chúng sinh trải qua hằng hà vô số kiếp thì mới thành Phật. Vì thế Phật dạy rằng : ”Trong cõi tam thiên đại thiên thế giới này, không có nơi nào mà không có dấu chân ta và cũng không có chỗ nào mà không có xương ta để lại”.

Đây mới chính thật là cuộc hành trình vô cùng vô tận với tâm nguyện cứu độ tất cả chúng sinh còn lặn hụp trong biển đời sinh tử trầm luân của chư Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến khi đạt được đạo quả viên tròn. Thế mà bây giờ nếu chúng sinh nương theo tu tập kinh Thủ Lăng Nghiêm thì cũng đạt được Bồ-tát Vạn Hạnh ngay trong đời nầy cũng như chư Bồ-tát đã thành tựu trong hằng hà sa số kiếp. Đây mới chính là pháp môn thù thắng, vi diệu. Tại sao? Khi chúng sinh chứng được Thủ Lăng Nghiêm tam muội nghĩa là thành tựu định Thủ Lăng Nghiêm thì chính họ đã có đầy đủ Vạn Hạnh và chứng được thật tướng pháp thân. Nói cách khác, nếu chúng sinh thành tựu định Thủ Lăng Nghiêm cũng tức là thành tựu Vạn Hạnh của chư Bồ-tát bởi vì chư Bồ-tát có đạt được Lục độ Vạn Hạnh viên mãn trải qua hằng hà sa số kiếp mà cứu cánh vẫn là đạt được định Thủ Lăng Nghiêm. Vì vậy, các vị Bồ-tát tu pháp lục độ vạn hạnh đều y theo kinh này nên kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng còn gọi là “Chư Bồ-tát vạn hạnh”. Sau cùng thế nào là Thủ Lăng Nghiêm?

Thủ Lăng Nghiêm dịch từ Hán tự là “Nhất Thiết Sự Cứu Cánh Kiên Cố” nghĩa là sự bền chắc nhất trong tất cả mọi thứ tức là cứu cánh bậc nhất. Đức Phật dùng chữ Thủ Lăng Nghiêm để hình dung hết thảy sự rốt ráo kiên cố bởi vì tất cả vạn sự, vạn pháp cho dù là thế gian hay xuất thế gian đều có biến hóa, thay đổi, hư hoại ngay cả đến thế giới Tây Phương Cực lạc cũng không thoát khỏi định luật thành, trụ, hoại, không này. Chỉ có Bản Tánh Chân Tâm của chính mình là rốt ráo kiên cố bởi vì Tự Tánh là Năng Biến còn vạn pháp là Sở Biến. Mà Năng Biến là chân, Sở Biến là huyển hóa. Nếu chúng sinh tu học theo định Thủ Lăng Nghiêm thì tất cả những hiện tượng vạn pháp sẽ không làm động tâm họ được.

Bởi vì định nầy rất kiên cố, vững chắc không lay động tâm hồn của chúng sinh khi phải đối diện với tất cả hiện tượng vạn pháp trong thế gian cho nên họ sẽ không còn vô minh, phiền não đau khổ quấy phá nữa. Do đó nếu chúng sinh hành trì kinh Thủ Lăng Nghiêm thì sẽ đạt được cứu cánh bậc nhất nghĩa là phương tiện thắng diệu để đưa họ tới chỗ giải thoát giác ngộ mà không có phương tiện nào sánh kịp. Một khi chúng sinh thành tựu định Thủ Lăng Nghiêm tức là đạt được Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội thì người đó có thể viên thông tất cả các Tam Muội khác. Đó là Niệm Phật Tam Muội, Bát Nhã Tam Muội, Giải Thoát Tam Muội, Chân Như Tam Muội...Ý nghĩa của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội thật là rộng lớn nên người tu chứng được Tam Muội nầy thì cũng như là họ đã tu chứng Niệm Phật Tam Muội, Bát Nhã Tam Muội…vì tất cả những Tam Muội đó đều nằm trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội cả.

Thủ Lăng Nghiêm là cái định rốt ráo bền chắc, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên, là bản lai diện mục, là Chơn tâm, là Phật tri kiến đã có sẵn trong tất cả chúng sinh. Cái định này không hề dời đổi, không hề có tán loạn và cũng không phải do công phu tu tập mà có. Vì chúng sinh có tâm phân biệt, duyên theo trần cảnh mà phiền não phát sinh rồi chuốc lấy quả báo luân hồi, sinh sinh diệt diệt. Do đó Thủ Lăng Nghiêm là Chơn tâm sẵn có của tất cả chúng sinh và chư Phật, nó bao la trùm khắp cả vũ trụ nên gọi là “Đại”. Cái tâm ấy thường tịch tịnh không vọng động nên gọi là “Định”. Cái tâm này không bị thời gian thay đổi, hay không gian chuyển dời, xưa sao nay vậy, bao giờ cũng vẫn thường như thế, ở nơi chư Phật không thêm và ở nơi chúng sinh cũng không bớt, như như bất động nên gọi là “Kiên cố”. Như vậy khi đạt đến Thủ Lăng Nghiêm Đại Định thì tất cả vũ trụ, nhân sinh, hết thảy muôn pháp, nhân quả trước sau đều hiện rõ trong tâm, bởi thế mới có câu:”khai trí tuệ là kinh Lăng Nghiêm”.

Vậy kinh Thủ lăng Nghiêm giúp chúng sinh có được tuệ giác mà phá trừ tất cả những dục vọng, đánh tan phiền não khổ đau, tiêu trừ những vô minh đen tối và sau cùng đạt đến cứu cánh tối tượng là chứng đắc Diệu Giác Như Lai tức là thành Phật. Khác với các vị A La Hán là Niết bàn của họ chỉ là Hóa Thành tức là nơi tạm nghĩ nhưng họ phải tiếp tục tinh tấn tu hành theo Bồ-tát đạo mới viên thành Phật đạo. Ở đây Niết Bàn của Như Lai chính là Bảo Sở chân thật tức là sự thanh tịnh, tịch diệt hoàn toàn viên mãn của chư Phật.

Phật và chúng sinh thật ra vẫn đồng một thể tánh chơn tâm, nhưng chư Phật đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy. Ngược lại, chúng sinh vì mê lầm thể tánh chơn tâm nên suốt đời sống trong điên đảo khổ đau và phải chịu trầm luân trong biển sanh tử luân hồi, nhưng chơn tâm không mất. Vì không mất nên khi ngộ được chơn tâm thì chúng sinh sẽ thành Phật. Do đó ngộ được chơn tâm như người thức giấc mộng, còn không ngộ được chơn tâm như người còn ngủ chiêm bao. Do đó nội dung của kinh Lăng Nghiêm là Đức Phật chỉ dạy cho chúng sinh ngộ được chơn tâm của chính mình. Chúng sinh vì không ngộ được chơn tâm nên phải trôi nổi trong biển sinh tử luân hồi, gánh chịu biết bao phiền não khổ đau, đời đời kiếp kiếp. Còn chư Phật có được thần thông tự tại, trí tuệ vô ngại, tự do giải thoát và vĩnh viễn thoát ly sinh tử luân hồi cũng vì các Ngài đã ngộ được chơn tâm.

Đối với Phật giáo, vũ trụ được sanh ra như thế nào, con người bắt đầu từ đâu không có gì quan trọng vì tất cả chỉ là thế giới hiện tượng có sinh có diệt. Khi Đức Phật còn tại thế, một hôm Tỳ kheo Man Đồng Tử  đặt ra những câu hỏi siêu hình để hỏi Thế Tôn rằng :

- Bạch Thế Tôn! Thế giới thường hằng hay không thường hằng, hữu hạn hay vô hạn, linh hồn với thân xác là một hay là khác. Chính Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết… Ông yêu cầu Phật trả lời cho thật rõ ràng tất cả 16 vấn đề mang tính siêu hình này. Nếu Thế Tôn thấy và biết thì nói thấy và biết. Nếu không, trả lời là không. Nếu các vấn đề này không được giải thích thỏa mãn, ông ta cảnh báo sẽ từ bỏ phạm hạnh này, sẽ không theo Phật nữa.

Đức Phật điềm nhiên im lặng. Sự im lặng của Đức Phật cũng giống như ông Duy Ma Cật im lặng khi được hỏi thế nào là nhập pháp môn không hai (Nguyên lý Bất Nhị). Đối với đạo Phật, chân lý không thể diễn bày bằng ngôn ngữ văn tự của con người và chỉ khi nào chúng sinh tự mình nghiệm chứng chân lý thì tự mình thấu biết. Còn đối với thế giới hiện tượng có sanh có diệt, cho dù ngày nay khoa học cố tìm tòi nghiên cứu để tìm định lý này hay định luật nọ thì cũng vẫn còn nằm trong vòng lẫn quẫn sinh diệt, chớ đâu phải là chân lý. Sự hiểu biết của Đức Phật hòa đồng với chân lý của vũ trụ bởi vì chân lý của vũ trụ và tâm thanh tịnh của Ngài đã hòa đồng trở thành một nên bao la vô cùng vô tận thì làm sao nói hết được.

Những gì Ngài thuyết cho chúng sinh chỉ là những  lá cây nằm trong bàn tay để giúp con người có phương tiện cần thiết tu học để vượt qua phiền não trần lao, còn những gì Như Lai biết thì bao la như biển rộng, như biết bao chiếc lá trong rừng già. Nói cách khác vũ trụ vạn hữu bao la như thế nào thì Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na tức là trí tuệ của Phật cũng bao la như thế ấy. Tuy trí tuệ rộng như biển cả, nhưng Ngài không nói được vì có nói chúng sinh cũng chẳng hiểu nào, chỉ là vô ích. Thí dụ như vào thời nhà Nguyễn, ông Nguyễn Trường Tộ đi kinh sứ ở Pháp về trình lại với vua quan là ở bên Pháp bóng đèn treo ngược mà vẫn cháy sáng. Tuy ông có giải thích cách mấy thì chẳng có ai tin mà còn mang tội vọng ngữ, khi quân. Đó là tại sao tuy thuyết pháp độ sanh ròng suốt 49 năm mà sau cùng Ngài nói ta chưa hề nói một chữ cho nên nếu nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Như Lai vậy. Thật vậy, trí tuệ của Phật ví như nước trong bốn biển, bao la vô cùng vô tận. Còn những kinh điển Ngài nói rất giới hạn chẳng khác gì nước trong dấu chân trâu. Vì vậy nếu nói Phật thuyết thì chẳng khác gì nói rằng trí tuệ của Phật chỉ nhỏ hẹp như nước trong dấu chân trâu chớ không còn bao la như trong bốn biển. Nói thế nếu không phỉ báng Phật thì là gì.

Phật giáo đối với nhân sinh quan và vũ trụ quan tức là thế giới hữu vi có một giải thích rất rõ ràng vì tất cả chỉ là những hiện tượng trong pháp giới duyên khởi. Đứng về mặt hiện tượng vạn hữu thì duyên khởi là pháp tắc phổ biến về tính nhân quả. Tất cả mọi pháp tồn tại đều là duyên khởi chẳng hạn to lớn như trăng sao hoặc nhỏ như vi trần, một cành hoa, một cọng cỏ không có pháp nào không là pháp duyên khởi. Đó là “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này không nên cái kia không và cái này diệt nên cái kia diệt”. Tuy vậy thế giới vũ trụ vạn hữu từ vô thỉ vô chung vô cùng vô cực này cũng không ngoài Căn, Trần và Thức. Nếu đứng về phương diện “tục đế” mà nhìn thế gian hiện tượng vạn hữu qua cái thuyết “nhơn duyên sanh” thì hoàn toàn đúng. Không những nó đúng riêng cho nền giáo lý Phật mà nó đúng với sự thật của cuộc đời, đúng với quy luật khách quan của tất cả hiện tượng vạn hữu. Tuy nhiên, nếu đứng về phương diện “chơn đế” mà quan sát để có thể thấy biết bằng tri kiến rộng rãi hơn, xuyên suốt bản thể của mọi hiện tượng vạn hữu thì “hiện tương nào cũng là hiện tượng của bản thể và không có bản thể nào ngoài hiện tượng cả”. Cũng như sóng biển nhấp nhô là nước và thể tánh yên lặng êm đềm ở dưới lòng đại dương cũng là nước, bất khả phân ly.

Phật giáo phủ nhận  có một đấng thiêng liêng nào ở ngoài có đủ tư cách sáng tạo, sắp xếp vấn đề nhân sinh vũ trụ. Trọng tâm của đạo Phật là diệt khổ để có an vui tự tại cho nên toàn bộ giáo lý của Đức Phật không ngoài mục đích hướng dẫn chúng sinh quay về sống với chơn tâm, Phật tánh của chính họ để có sự an lạc, thanh tịnh trong đời nầy. Đây mới chính là bản thể chân như của vạn pháp. Do đó khi nói về thế giới vô vi thanh tịnh, Đức Phật dạy rằng : ”Phi nhơn duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi hợp, pháp nhĩ như thị” nghĩa là thật tánh vạn pháp chẳng do nhân duyên, cũng chẳng tự nhiên sanh, cái này hòa hợp với cái khác cũng không đúng mà thật ra vạn pháp sinh ra như thế nào thì phải thấy biết như thế ấy.  Khác với khoa học là nghiên cứu tìm tòi ngoại cảnh, Phật giáo chỉ chủ trương quay về bên trong, trở về với “bản lai diện mục” tức là con người thật của chính mình. Nói cách khác, khoa học có thể được ví như một ngọn đèn chói tỏa khắp mọi nơi, trong khi đó ánh sáng huyền diệu của đạo Phật như một tia laser chuyên hội tụ vào một điểm mà thôi.

Thí dụ, khoa học ngày nay mới khám phá vũ trụ có được là do một vụ nổ lớn từ một vi tử (The Big Bang Theory) khoảng 13.7 tỷ năm về trước và từ đó những dãy Thiên Hà được tạo dựng. Trước năm 1913 vũ trụ đối với khoa học chỉ vỏn vẹn có dãy Ngân Hà (The Milky Way). Mãi sau khi Edwin Hubble đo được khoảng cách của dãy Thiên Hà Andromeda khoảng 900,000 năm ánh sáng thì vũ trụ mới được hiểu là do sự tạo thành của rất nhiều dãy Thiên Hà khác chớ không nhất thiết chỉ có dãy Ngân Hà mà thôi. Nhưng mãi đến năm 1965 tại phòng thí nghiệm của hảng điện thoại Bell, hai nhà khoa học Arno Penzias và Robert Dicke thuộc đại học Princeton vô tình khám phá những năng lượng rơi rớt lại trong không gian sau vụ nổ lớn 13.7 tỷ năm về trước và từ đó họ đưa ra thuyết “The Big Bang”.

Hiện nay vũ trụ vẫn còn nằm trong thời kỳ nới rộng cho đến khi tất cả những hành tinh nóng như mặt trời…đốt cháy hoàn toàn những nhiên liệu như Hydrogen, Helium…và lúc đó vũ trụ sẽ chìm vào bóng tối, băng giá. Sau đó vũ trụ sẽ thu trở lại thành vi tử như lúc ban đầu. Hiện tượng này gọi là The Big Crunch. Vì có nước và không khí nên sinh vật phát triển trên trái đất và con người hiện diện khoảng một triệu năm. Dựa theo thuyết tương đối của Einstein, khi vũ trụ nới rộng nghĩa là không gian được dãn nở trong mọi chiều thì các dãy Thiên Hà sẽ nguội dần nếu nó càng ở xa. Nhưng trên thực tế, khoa học ngày nay xác định là tuy có hàng tỷ dãy Thiên Hà cách xa trái đất mà nhiệt độ của chúng vẫn như nhau, không nguội dần như thuyết tương đối của nhà bác học Einstein. Thế thì thuyết “The Big Bang” làm sao đúng được? Khoa học không thể giải thích hiện tượng này nên bị bế tắt trong khoảng một thời gian dài cho đến khi Alan Guth, hiện là giáo sư của đại học kỷ thuật nổi tiếng MIT ở Boston đưa ra thuyết “The Inflationary Universe” nghĩa là sự tăng trưởng theo lối lạm phát của vũ trụ.

Dựa theo thuyết này thì khi vũ trụ nổ tung từ một vi tử cực nhỏ với sự tăng trưởng rất nhanh với tỷ số cực lớn là 1050 . Đây được gọi là sự tăng trưởng lạm phát của vũ trụ. Sau đó quang năng, năng lượng và những vật thể nguội dần cho đến khi vũ trụ dãn nở đến mức tối đa. Đến thời điểm này, nhiệt độ của vũ trụ tự nhiên tăng lên và cuối cùng tất cả những dãy Thiên Hà cũng từ từ nguội dần dựa theo tiến trình nới rộng như ngày nay cho nên tất cả các dãy Thiên Hà có nhiệt độ gần giống như nhau. Mặc dầu Einstein đã khám phá thuyết lượng tử và thuyết tương đối lúc ông ta còn trẻ, nhưng suốt quảng đời còn lại ông hoạt động không ngừng mà vẫn không tìm ra một công thức vật lý cho vũ trụ được.

Ở đây chúng tôi mạn phép xin được giới thiệu đến quý vị một cách tóm gọn tiến trình khám phá mới nhất của khoa học về nhân sinh vũ trụ để thấy rằng tuy khoa học có tiến bộ cách mấy, có phát minh những máy móc rất tinh vi thì những khám phá của họ vẫn nằm trong vòng tương đối sinh diệt bởi vì tất cả những khám phá đó đều là “thuyết” chớ không phải là “chân lý”. Mà đã là thuyết thì nay đúng mai sai, có gì bảo đảm. Thuyết là giả huyễn, sinh diệt, chân lý mới là sự thật vĩnh hằng, là Bản Thể tuyệt đối. Thí dụ, ngay cả nhà bác học nổi tiếng Einstein cũng tính sai, đoán lầm về vũ trụ. Ông ta cho rằng vũ trụ đang ở trạng thái quân bình, không tăng không giảm. Nhưng thật ra hiện giờ vũ trụ đang ở trong trạng thái nới rộng chớ đâu có quân bình. Ngược lại những gì mà Đức Phật chứng là chân lý chớ không phải luận thuyết. Chân lý là cái đúng ở mọi thời gian và không gian. Mà muốn nghiệm chứng được chân lý thì chỉ có một con đường duy nhất là tự mình tu chứng để nghiệm biết chớ không thể dùng ngôn ngữ văn tự của con người mà diễn giải ra được. Nói cách khác không có một phương trình vật lý hay một định lý toán học nào có thể diễn tả được chân lý cả.

Khác hẳn với những tôn giáo lớn khác trên thế giới đã cột chặt con người vào những giáo điều cứng ngắc để thọ lãnh những thưởng phạt bất công, đạo Phật luôn khuyến khích chúng sinh tự mình chứng ngộ chân lý, tự mình thể nghiệm Niết bàn, tự mình có được giải thoát giác ngộ mà đạo Phật chỉ là con đường, là phương tiện, là cỗ xe để giúp chúng sinh đạt đến những cứu cánh tối thượng này. Vũ trụ là thế giới sinh diệt, bản tâm mới chính là thế giới bất tử. Đó là tại sao Đức Phật lặng thinh khi Tỳ kheo Man Đồng Tử hỏi Ngài về thế giới siêu hình. Không phải là Ngài không biết, không thể trả lời, nhưng đó không phải là cứu cánh để có giải thoát giác ngộ mà chỉ làm tăng trưởng phiền não vô minh. Thay vì trả lời những câu hỏi siêu hình của tôn giả Man Đồng Tử, Đức Phật kể cho ông ta nghe câu chuyện một người bị mũi tên độc. Đối với Phật giáo khi thấy một người bị nhiễm tên độc thì vấn đề cấp thiết là giải phẩu để giải độc ngay mà cứu sống họ. Còn vấn đề tìm cho ra ngọn ngành mũi tên và người bắn mũi tên thì không quan trọng. Bởi vì nếu không lo cứu chữa, thì người trúng tên độc sẽ chết trước khi biết được tông tích của hung thủ. Do đó vấn đề cấp thiết của con người và cũng là trọng tâm của đạo Phật là nhỗ mũi tên “khổ đau” chớ không phải đi tìm những câu trả lời cho các vấn đề siêu hình không thiết thực.

Vào thời Đức Phật còn tại thế có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp ngài Xá Lợi Phất liền hỏi :

- Niết bàn, Niết bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin cho biết đó là cái gì vậy?

Tôn giả Xá Lợi Phất bèn trả lời :

- Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu diệt lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là Niết bàn. Khi nói về Niết bàn, chính Đức Phật cũng dạy thêm rằng :

- Nếu chúng sinh nào đã từ bỏ thú vui và tham muốn, đã đầy đủ trí tuệ thì họ đã đạt đến sự giải thoát sinh tử, sự tịch tĩnh, đã đạt đến Niết bàn tức là nơi an dưỡng thường tồn, vĩnh cửu ngay ở trong cõi đời nầy. Như vậy, Niết bàn không phải là một cõi, một cảnh, một tâm trạng và dĩ nhiên Niết bàn cũng không phải là cái hư vô. Rõ ràng Niết bàn không thể dùng văn tự ngôn ngữ của con người để diễn tả, vậy Niết bàn thật sự có hay không có?

Trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Ngài Na Tiên đã trả lời câu hỏi tương tự như thế của vua Milinda rằng :

- Tâu Hoàng thượng, thật sự có Niết bàn và Niết bàn chỉ có thể lấy trí mà nhận biết. Nếu chúng sinh giữ được tâm thanh tịnh và chánh trực, thoát khỏi các nghiệp chướng và thoát khỏi được các tham muốn thấp hèn thì chính họ sẽ thấy được Niết bàn.

Nhà vua xin cho một thí dụ.

Ngài Na Tiên lại tiếp :

- Hoàng thượng biết một cái gọi là gió, nhưng Hoàng thượng có biết gió màu sắc gì, hình dáng ra sao, nó dày hay mỏng, dài hay ngắn?

Nhà vua đáp :

- Gió thì vô hình vô sắc làm sao chỉ được. Tuy không chỉ được, nhưng nó vẫn có.

Bây giờ Tỳ Kheo Na Tiên mới kết luận :

- Cũng thế, tâu Hoàng thượng, Niết bàn là cái thật sự có mà không thể dùng văn tự ngôn ngữ để diễn tả cho con người thấy được hình sắc của nó.

Thế thì làm sao biết được Niết bàn, nhà vua lại hỏi.

- Nhờ sự thoát khỏi phiền não, nghiệp chướng, nhờ sự an ổn, an lạc thanh tịnh thì có được Niết bàn.

Rồi ngài Na Tiên lại tiếp :

- Như người té vào đống lửa ngùn ngụt, nếu họ cố gắng vượt ra khỏi và lên đựoc chỗ mát thì người ấy sẽ cảm thấy sung suớng vô cùng. Cũng thế, người thoát khỏi lửa của tham, sân, si sẽ huởng cái sung sướng an tịch của Niết bàn. Cũng như người thoát ra khỏi những tâm niệm bất thiện, người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết bàn. Và sau cùng những ai thoát khỏi cái lo sợ của sanh, lão, bệnh, tử người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết bàn.

Vì sự huyền diệu của sự thật chứng và có trí tuệ sáng suốt mà Đức Phật có cốt cách siêu phàm, nhưng chính Ngài cũng xác định rằng : ”Ta không là Thượng đế, cũng không phải là thần linh, mà chỉ là một con người, nhưng con người đã chiến thắng thế gian”. Đức Phật đã chiến thắng thế gian, nhưng Ngài không cần ngai vàng để ngự trị và cũng không cần thần dân để được tôn vinh. Ngài sống rất đơn độc với ba mảnh y và một bình bát, nhưng chiến thắng được tâm mình để sống với chơn tánh mới là cái chiến thắng vĩ đại của bậc Đại giác, Đại hùng vậy. Ngược lại Thành Cát Tư Hãn, Tần Thủy Hoàng, Nã Phá Luân tuy có chiến thắng lẫy lừng trên chiến trường mà không chiến thắng nổi tâm mình, làm nô lệ cho vô minh điên đảo và cho đến chết tâm vẫn còn chất đầy tham vọng đau khổ, có ích lợi gì đâu.

Do đó đối với nhân sinh vũ trụ, Đức Phật dạy rằng tất cả hiện tượng đều là : ”Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận” nghĩa là sanh ra ngay từ nơi này và diệt mất cũng ngay nơi này. Vì thế, đối với Phật giáo, tâm thanh tịnh mới là cứu cánh vì khi có được tâm thanh tịnh, chúng sinh sẽ nghiệm chứng chân tướng của vạn pháp. Mà chân tướng là vô hình vô sắc thì làm sao mà giải thích được. Vì thế Vĩnh Gia đại sư trong Chứng Đạo Ca có câu :

Mộng lý minh minh hữu lạc thú Giác hậu không không vô đại thiên

Tạm dịch :

Trong mộng, sáu đường vằng vặc có Giác rồi, tam giới rỗng toang hoang.

Ngày xưa, trước khi quy y theo Phật, Mã Minh là một luận sư danh tiếng. Vì nghe tiếng của Hiếp Tôn giả nên tìm đến thách thức luận chiến và đánh cuộc bằng chính thủ cấp của mình. Mã Minh đưa ra đề tài tranh luận rằng:”Tất cả ngôn ngữ đều có thể bị phủ định” nghĩa là cái gì nói ra được thì có chỗ sai lầm. Nghe xong Hiếp Tôn giả im lặng. Mã Minh thấy Hiếp Tôn giả không trả lời được cho rằng mình thắng nên sinh tâm kiêu mạn mà cho rằng Hiếp Tôn giả chỉ là hư danh, không phá nổi luận điểm của mình. Một thời gian sau, Mã Minh nghiệm biết sự sai lầm của mình vì câu nói của Mã Minh tự nó đã bị phủ định rồi. Y như giao ước, Mã Minh tìm đến để giao thủ cấp cho Hiếp Tôn giả. Nhưng Hiếp Tôn giả bây giờ mới nói : ”Tôi không cần cắt thủ cấp của ông, mà chỉ cần cắt tóc của ông thôi”. Từ đó, Mã Minh tôn Hiếp Tôn giả làm thầy và về sau trở thành vị đại luận sư rất nổi tiếng của Đại thừa. Một lần nữa, văn tự ngôn ngữ không phải là chân lý vì chúng là tương đối, sinh diệt.

Thế thì kinh Thủ Lăng Nghiêm tức là kinh nói về chơn tâm mà đã là chơn tâm, Phật tánh thì làm sao nói hay diễn tả được, nhưng người tu theo kinh này sẽ có công năng hàng phục tất cả vô minh phiền não trần lao để trở về với thể tánh chơn tâm của chính mình. Đây là con đường giải thoát giác ngộ đưa chúng sinh từ phàm phu đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nói tóm lại, kinh Lăng Nghiêm chính là tâm của chúng ta. Bởi vì :

1) Trong tất cả chúng sinh đã có sẵn bản thể chơn tâm thanh tịnh và như như bất động tức là trong ta đã có Thủ Lăng Nghiêm rồi.

2) Chúng sinh y theo chơn tâm này mà khởi tu thì cũng có lục độ vạn hạnh như chư Bồ-tát đã thành tựu trong hằng hà sa số kiếp, nên gọi là Chư Bồ-tát vạn hạnh.

3) Chúng sinh y theo chơn tâm này mà tu và y theo chơn tâm này mà chứng thì sự tu chứng này mới rốt ráo, tột cùng. Đây chính là Tu chứng liễu nghĩa.

4) Sau cùng chúng sinh y theo chơn tâm này làm nhân địa tu hành thì sẽ thành Phật như chư Phật trong mười phương thế giới. Đây là cứu cánh tột đỉnh của giải thoát giác ngộ nên gọi là Như Lai mật nhân. Vì sự huyền diệu của chơn tâm nên ngay cả Lục Tổ Huệ Năng cũng thốt luôn năm cái không ngờ. Ngài nói :

1) Không ngờ Tâm mình vốn tự thanh tịnh.

2) Không ngờ Tâm mình vốn không sinh diệt

3) Không ngờ Tâm mình vốn tự đầy đủ các pháp

4) Không ngờ Tâm mình vốn không giao động

5) Không ngờ Tâm mình hay sanh muôn pháp.

Chữ “Tâm mình” mà Lục Tổ nói ở đây chính là Chơn tâm, Phật tánh đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Phật và chúng sinh vốn đồng một thể tánh Chơn tâm. Nhưng cũng từ cái Chơn tâm thanh tịnh mà duyên khởi sinh ra muôn sinh vạn vật (muôn pháp) thì nhà Phật gọi là “Chơn không diệu hữu” nghĩa là từ cái chơn không vô cùng vô tận mà lại sinh ra tất cả một cách thần diệu không thể nghĩ bàn.

Sau cùng nội dung kinh Lăng Nghiêm là Đức Phật chỉ dạy chúng sinh ngộ được chơn tâm của chính mình và đây là phương pháp duy nhất mà mười phương chư Phật tu hành để thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là thành Phật.