- Phần Giới Thiệu
- Chương Thứ Nhất - Đề Mục Kinh
- Nhân Duyên Và Thời Điểm Phật Nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm
- PHẦN CHÁNH TÔNG
- Chương Thứ Hai - BẢY ĐOẠN PHẬT HỎI VỀ TÂM
- Chương Thứ Ba - Chỉ Rõ Tánh Thấy
- Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Nhất
- Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Hai
- Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Ba
- A Nan Đã Hiểu Được Chơn Tâm Nhưng Chưa Dám Nhận
- Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Tư & Năm
- Chương Thú Tư - A Nan Nghi “Chơn Tâm” Đồng Với Thuyết “Tự Nhiên” Của Ngoại Đạo
Có tất cả sáu nhân duyên khiến cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm :
1) Thị Đa Văn, Hốt Định Lực nghĩa là cậy vào đa văn mà xao lãng định lực : Tôn giả A Nan làm thị giả Đức Phật trên 25 năm và được nổi danh là đệ nhất đa văn vì sau mỗi pháp hội Ngài đều ghi nhớ những lời Như Lai một cách tự nhiên, sâu thẳm tuyệt vời. Tuy là người học rộng, biết nhiều, nhưng A Nan rất thờ ơ không xem trọng việc tu dưỡng định lực. Hằng ngay Ngài không dụng công tham thiền mà chỉ chuyên học kinh xem sách nên định lực rất kém. Học kinh xem sách chỉ là Văn tự Bát Nhã mà không tu tập Thực tướng Bát Nhã thì không bao giờ giác ngộ được. Vì thế khi đối diện với tà chú Saticala là Ngài bị nàng Ma đăng già hớp hồn ngay. Ngoài ra, Ngài có lòng ỷ lại rằng mình là anh em chú bác của Phật thì nhất định Phật sẽ giúp Ngài thành Phật, cho nên có tu hay không cũng không thành vấn đề. Vì ỷ nại như thế nên Ngài không ngồi thiền, mà không tham thiền, không dụng công thì không bao giờ có định lực.
2) Cảnh Cuồng Huệ, Hộ Tà Dư nghĩa là cảnh cáo những kẻ thông minh thiên phú, nhưng cậy vào trí óc khôn ngoan của mình để mưu điều bất chánh. Những người có tâm “cuồng huệ” thường làm những việc ngược ngạo, điên đảo, không chánh đáng, nhưng họ vẫn cố chấp cho rằng những việc làm của mình là đúng. Vì thế kinh Lăng Nghiêm sẽ là lời cảnh cáo giúp họ thức tỉnh, sửa đổi lỗi lầm, đi theo con đường chánh đạo, quay về sống với tư tưởng chân chính và loại bỏ những ý đồ gian ác xấu xa. Do đó, cổ nhân có dạy rằng :
“Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện” nghĩa là nếu con người tuy có làm việc thiện mà cứ đem rêu rao, muốn cho mọi người đều biết tới thì đó không phải là chân chánh làm việc thiện mà chỉ ham cái danh “thiện” mà thôi.
“Ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác” nghĩa là đã làm việc ác mà cố tình che đậy, sợ mọi người biết được thì đó nhất định là việc đại ác. Vì vậy nếu chúng sinh đừng chấp việc làm của mình, lìa xa hai bên, không thiện không ác, tâm trở về tự tánh thanh tịnh bản nhiên thì lúc đó sẽ được “như như bất động, liễu liễu thường minh”.
3) Chỉ Chân Tâm, Hiển Căn Tánh : Kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh thuộc loại đốn giáo. Đó là trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Bộ kinh này là nói về “tánh thấy” tức là “kiến tánh” để giúp chúng sinh quay về sống với chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh của chính mình. Nói cách khác kinh Lăng Nghiêm là chỉ ra chơn tâm vốn có và làm hiển lộ căn tánh bổn nhiên của mỗi chúng sinh.
4) Thị Tánh Định, Khuyến Thực Chứng nghĩa là thị hiện tánh định và khuyến khích sự thực chứng. Pháp môn tu định có rất nhiều loại và dĩ nhiên không nhất thiết chỉ có Phật giáo mới dạy pháp môn này mà ngay cả ngoại đạo cũng dạy tu định. Nhưng sự khác biệt ở đây là đạo Phật chỉ dạy chúng sinh tu chánh định, chớ không tu tà định bởi vì đối với việc tu định thì hễ “sai một ly, đi một dặm”. Trên bước đường tu hành, hành giả sẽ đối diện với biết bao ma chướng và nghiệp chướng. Trong kinh này, Đức Phật dạy tu “năm mươi loại ấm ma” để giúp cho hành giả tăng trưởng công phu, vun bồi định lực để khai tâm mở tánh mà có “hoát nhiên đại ngộ”.
5) Tiêu Đảo Tưởng, Trừ Tế Hoặc : Đại định Thủ Lăng Nghiêm là pháp môn hy hữu, hiếm có nhất ở thế gian vì nó có thể tiêu diệt muôn ngàn ức kiếp những tư tưởng điên đảo, không chánh đáng làm tâm bất tịnh. Thật vậy, kinh này có công năng tiêu trừ những tư tưởng điên đảo từ vô thỉ đến nay của tất cả mọi chúng sinh mà không cần phải trải qua ba tăng kỳ trăm ngàn ức kiếp. Kinh còn tiêu trừ ngay cả những mối nghi vi tế mà mắt thường không thấy được, tai không nghe được và tâm không nghĩ ra được. Hễ chúng sinh khởi một niệm bất giác thì liền có ba loại tế hoặc nảy sinh. Dẹp bỏ những tư tưởng điên đảo và loại trừ các mối nghi hoặc vi tế là nhân duyên thứ năm của kinh vậy.
6) Minh Nhị Môn, Lợi Kim Hậu : Kinh Lăng Nghiêm giới thiệu Bình đẳng môn và Phương tiện môn. Bình đẳng là Thực pháp, là Nhất tâm vạn pháp nghĩa là vạn pháp thì bình đẳng nhất tướng, vốn không sai khác. Còn Phuong tiện môn là Quyền pháp nghĩa là quyền biến, không phải thật, là phương tiện để dẫn vào Thực pháp. Cho nên Quyền pháp là giáo pháp tạm thời trong khi Thực pháp mới là giáo lý vĩnh viễn không thay đổi.
Vì có sáu nhân duyên đó nên Đức Phật mới thuyết kinh Lăng Nghiêm, vậy thời điểm nào kinh được ra đời?
Tôi nghe như vầy : Lúc bấy giờ tại tịnh xá Kỳ Hoàn trong thành Thất La Phiệt, Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại A La Hán đến tham dự. Chúng tỳ kheo đều là những vị đại A La Hán đạt đến vô lậu, vượt qua các cõi, theo Đức Phật chuyển pháp luân, giữ giới luật tinh nghiêm, làm mô phạm cho tam giới, ứng hiện vô số thân để hóa độ chúng sinh trong đời vị lai và cứu giúp họ vượt khỏi mọi ràng buộc của trần lao. Đứng đầu là tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả Câu Si Na, tôn giả Phú Lâu Na, tôn giả Di Đa La Ni Tử, tôn giả Tu Bồ Đề và tôn giả Ưu bà Ly. Ngoài ra còn có hàng Bích Chi Phật, Vô học và hàng sơ phát tâm đồng đến chỗ Phật.
Trong suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp, Đức Phật chỉ dùng khẩu thuyết chớ không viết kinh cho nên trước khi Thế Tôn nhập diệt, ông A Nan có bạch với Phật rằng : ”Khi kết tập kinh điển, đầu kinh nên để câu gì?...” Phật dạy rằng : ”Tôi nghe như vầy, trong lúc ấy Phật ở nơi nào…có bao nhiêu thính chúng là bậc nào…” Vì thế kinh Thủ Lăng Nghiêm này ghi chép lại những lời Phật dạy ở tịnh xá Kỳ Hoàn, thành Thất La Phiệt…và thính chúng có 1250 vị đại A La Hán…Do đó, bốn chữ “Tôi nghe như vầy” tức là “Như thị Ngả văn” của Hán tự ở đầu mỗi bộ kinh là lời của ông A Nan ghi theo di chúc của Phật để minh xác rằng kinh nầy là chính ông nghe Phật nói, chớ không phải ông tự ý đặt ra. Nhắc lại, trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất, khi tôn giả A Nan tụng thuật lại tất cả kinh điển thì trong hàng đại chúng có 500 vị đại A La Hán nghe qua. Nếu có câu nào không đồng ý thì đại chúng lên tiếng ngay, còn bằng lòng thì im lặng.
A La Hán là quả vị thứ tư của hàng Thanh Văn. Một khi diệt được mọi kiến hoặc, tư hoặc ngay cả vi tế hoặc tức là đã diệt được phiền não chướng để tâm được hoàn toàn thanh tịnh thì tự mình giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi và chứng được Niết Bàn. Nhưng đây chỉ là hóa thành tức là tiểu Niết Bàn nghĩa là nơi dừng nghĩ tạm thời chớ chưa phải là hoàn thành Phật đạo. Các vị A La Hán phải tiếp tục chuyển sang Đại thừa, tu theo Bồ-tát vạn hạnh thì Niết Bàn đó mới gọi là bảo sở nghĩa là đây mới là Niết Bàn hoàn toàn, chân thật. Các vị A La Hán có đủ những đức tính như sau :
- Ứng cúng : là đem trí tuệ và đạo lý đã chứng mà cung cấp, cúng dường cho tất cả chúng sinh. Đây là quả Khất sĩ.
- Sát tặc : là giết hết giặc phiền não. Đây là quả Phá Ác.
- Bố ma : là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, ra khỏi nhà tam giới.
Bích Chi Phật là quả vị độc giác dành cho những người sinh ra vào thời không có Phật nên tu quán theo pháp Thập Nhị Nhân Duyên mà chứng quả Duyên Giác. Giới luật của Phật giáo được chia làm hai loại :
1) Giới Tỳ Kheo là giới Tiểu thừa : Các vị Tỳ kheo phải thọ 250 giới căn bản và các vị Tỳ kheo ni phải thọ 348 giới. 2) Giới Bồ-tát là giới Đại thừa.
Giới Tiểu thừa của hàng Thanh văn là giữ “thân” không phạm tức là thân giới trong khi đó giới Đại thừa của Bồ-tát thì giữ “ý” không phạm tức là ý giới. Bây giờ hãy lấy giới tà dâm làm thí dụ : Khi có một cô gái trẻ đẹp đi ngang qua. Nếu dựa theo giới Tiểu thừa thì người Tỳ kheo chỉ phạm giới khi nào vị nầy đụng hay xâm phạm đến cô ta, ngược lại dựa theo Bồ-tát giới thì không nhất thiết vị tu hành đụng hay xâm phạm đến nữ phái mới gọi là phạm giới mà trong tâm tưởng của vị nầy không trong sạch, khởi ý niệm tà dâm thì vị nầy đã phạm giới rồi.
Một ngày nọ có một vị tu hành lên đò để sang sông. Ngặc nổi cô lái đò lại rất trẻ đẹp nên vị sư nầy cứ lấm liếc nhìn cô ta. Khi sang bến, thay vì phải trả tiền đò như những người khác, cô lái đò đòi tiền vị tu sĩ gấp đôi. Ngạc nhiên, vị tu sĩ hỏi
- Tại sao thí chủ lại tính tiền tôi nhiều gấp đôi vậy?
Cô lái đò đáp:
- Khách đi đò thì họ chỉ đi đò nên tôi tính tiền có một, còn Ngài thì vừa đi đò vừa ngắm nghía tôi nên tôi phải tình tiền gấp đôi.
Sau khi hoàn thành Phật sự vị tu sĩ phải trở lại bến đò để về chùa, nhưng lần nầy vị tu sĩ lấy nón che mặt lại khi sang sông. Khi đến bến thay vì chỉ trả một đồng tiền đò thì cô lái đò lại đòi đến bốn đồng. Quá đỗi ngạc nhiên, vị tu hành hỏi :
- Tại sao thí chủ lại đòi tiền tôi quá nhiều thế?
Cô lái đò đáp :
- Khi qua sông thì Ngài chỉ lấy mắt nhìn tôi nên tôi đòi tiền gấp đôi, bây giờ trở về Ngài không nhìn tôi bằng mắt mà Ngài nhìn tôi bằng tâm tưởng. Cái nhìn của mắt thì có giới hạn nên tôi chỉ đòi hai đồng còn tâm tưởng thì vô biên vô lượng, ai biết Ngài đang nghĩ gì hay muốn làm gì nên tôi phải đòi tiền gấp bốn lần là như vậy.
Lúc bấy giờ nhằm ngày mãn hạ và tự tứ của chúng tăng, vì thế Bồ-tát trong mười phương cũng đến xin Phật giải quyết mọi nghi hoặc trên đường tu tập. Đức Phật trải pháp tòa, ngồi khoan thai vì đại chúng trong hội khai thị pháp chưa từng có, nghĩa lý thâm sâu, diệu âm thuyết pháp như tiếng chim ca lăng tần già vang khắp mười phương thế giới. Đứng đầu chúng Bồ-tát là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ-tát.
Mùa hè ở Ấn Độ thì rất nóng mà lại mưa nhiều nên phái nữ thường mặc quần áo đơn sơ, không kín đáo, trong khi đó các Tỳ kheo lại đi chân đất, dễ dẫm lên các loại côn trùng, sâu bọ nên đức Phật chế ra luật kiết hạ cấm túc tất cả Tỳ kheo phải kiết hạ 90 ngày, không được ra ngoài. Trong thời gian kiết hạ Phật tử đem vật thực lại tịnh xá cúng dường.
Mãn hạ tự tứ là quy tắc được chính đức Phật chế định cho nên trong ba tháng đó chư tăng lo tham thiền niệm Phật, tu học mà không gặp được Phật. Vì thế nhân ngày mãn hạ chư vị cùng nhau đến chỗ Phật. Nếu ai có lỗi lầm gì thì thỉnh cầu chư Tăng chỉ lỗi và Phật vì họ mà tác pháp sám hối. Pháp nầy gọi là yết ma. Đối với các chùa thì ba ngày cuối hạ tự tứ là những ngày chư Tăng kiểm điểm bản thân mình có phạm giới không? Nếu có người thấy biết hay nghi mình phạm giới thì phải sám cho hết những tội nghiệp đó.
Kinh điển Phật giáo có hai loại. Khi Đức Phật thuyết pháp do lời thỉnh cầu của đại chúng mới có vấn đáp thì gọi là kinh. Đó là những bộ như kinh Kim Cang, kinh Duy Ma Cật, kinh Pháp Hoa, kinh Thủ Lăng Nghiêm…Còn loại kinh thứ hai là do Phật tự ý nói ra thì đề tựa kinh phải có chữ “Phật thuyết”. Đó là kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà… Tiếng thuyết pháp của Phật là diệu âm nghĩa là tiếng thuyết pháp vang khắp mười phương thế giới chớ không phải nhất thiết chỉ ở trong hội Lăng Nghiêm và Đức Phật vì đại chúng mà khai thị pháp chưa từng có, chưa từng nghe nên gọi là nghĩa lý thâm sâu. Khi ấy, vua Ba Tư Nặc nhân ngày kỵ giỗ của phụ vương nên làm lễ trai tăng, sắm đủ các món ăn quý báu và đích thân đến thỉnh Phật cùng chư Đại Bồ-tát vào cung thọ trai. Trong thành còn các vị trưởng giả, cư sĩ khác cũng thiết lễ trai tăng, mong được thỉnh Phật đến cúng dường. Đức Phật bảo Ngài Văn Thù phân chia các vị Bồ-tát và A La Hán đến nhà trai chủ dự lễ cúng dường. Duy có ông A Nan đã được mời riêng, đi xa chưa về nên không kịp dự vào hàng tăng chúng.
Vua Ba Tư Nặc chẳng những là một vị vua rất anh minh, một đại cư sĩ mà Ngài còn là một vị hộ pháp rất thuần thành trong thời Đức Phật còn tại thế. Ngài cai trị nước Câu Tát La có kinh thành là Xá Vệ. Có một điều kỳ diệu là nhà vua sanh ra cùng một ngày với Đức Phật. Được sinh ra trong thời Đức Phật là một phước báu rất lớn mà được sinh ra cùng một ngày với Đức Phật thì phước đức to lớn biết bao nhiêu. Nhưng đây không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có, bởi vì trong những đời quá khứ cách thời Đức Phật Thích Ca tại thế mười ngàn kiếp có Đức Phật hiệu là Long Vương Quang Như Lai. Lúc ấy có hai Tỳ kheo cùng tu theo Bồ-tát đạo. Một vị đắc được tứ địa Bồ-tát (tiền thân vua Ba Tư Nặc) và vị kia chứng được bát địa Bồ-tát (tiền thân Phật Thích Ca). Do đó khi Thái tử Tất Đạt Đa đắc thành Phật quả thì có rất nhiều Bồ-tát trong mười phương thế giới hóa thân hộ pháp.
Trong kinh nầy vị Bồ-tát tứ địa hóa thân làm vua Ba Tư Nặc để giúp đỡ Phật Thích Ca. Cũng trong thời Đức Phật Thích Ca cũng có cư sĩ Duy Ma Cật là vị đại Bồ-tát từ thế giới Diệu Hỉ hóa thân làm ông trưởng giả để hộ pháp cho Đức Thế Tôn. Đức Phật Thích Ca là tấm gương sáng cho tất cả mọi người đặc biệt là chúng xuất gia, còn ông Duy Ma Cật là tấm gương sáng cho chúng tại gia. Vì thế trong thế giới ngày nay, có rất nhiều Bồ-tát tùy duyên hóa thân làm cư sĩ, làm vua, làm bác sĩ, làm thợ, làm người nghèo khổ, làm người bệnh tật hay làm trăm ngàn nghề nghiệp khác nhau nhưng chỉ có một mục đích là cứu độ và giúp chúng sinh giữ gìn chánh pháp, tu theo chánh pháp và sống đúng với chánh pháp để có cuộc sống an vui tự tại và giải thoát giác ngộ. Ngay cả Đức Phật Thích Ca khi còn tu Bồ-tát trong thế giới của Ca Diếp Như Lai có danh xưng là Thiện Huệ Bồ-tát và khi Ngài còn ở cung trời Đạo Lợi trước khi nhập thai hóa thân thành Thái tử Tất Đạt Đa có danh xưng là Hộ Minh Bồ-tát.
Lúc ấy, A Nan đi một mình trên đường về chẳng có thượng tọa và A Xà Lê cùng đi và không có ai cúng dường nên trong tâm mong gặp vị trai chủ sau cùng. Khi trước, A Nan đã từng nghe đức Phật quở hai tôn giả Đại Ca Diếp và Tu Bồ-đề về pháp khất thực không bình đẳng. Ngài Đại Ca Diếp chuyên chọn khất thực nhà nghèo trong khi đó thì tôn giả Tu Bồ-đề chuyên chọn khất thực nhà giàu. A Nan quyết tuân theo pháp bình đẳng bất nhị của Như Lai. Đó là đối với trai chủ, không kể quý tộc hay hèn hạ, ngay cả thức ăn dơ sạch phải phát tâm từ bi để giúp chúng sinh thành tựu gieo trồng vô lượng công đức. A Nan nghĩ như vậy nên tay ôm bình bát, đi từng nhà dọc theo đường phố, oai nghi nghiêm chỉnh và đúng pháp mà khất thực.
Theo giới luật vị Tỳ kheo sau khi thọ giới mỗi năm kiết hạ thì được một tuổi hạ. Được 9 tuổi hạ thì gọi là Hạ tọa. Từ 10 đến 19 tuổi hạ thì gọi là Trung tọa. Từ 20 đến 29 tuổi hạ được gọi là Thượng tọa. Và sau cùng từ 30 tuổi hạ trở lên thì gọi là Trưởng lão. Nhưng Phật giáo Việt Nam không có Hạ tọa và Trung tọa mà cách xưng hô cũng khác hẳn. Vị Tăng thấp nhất thì gọi là Đại đức, trên nữa là Thượng tọa (40-60 tuổi đời) và cao nhất là Hòa thượng (trên 60 tuổi đời).
A Nan lúc đi khất thực, nhưng tâm lại khởi vọng niệm là phải khất thực đúng theo tinh thần bình đẳng. Tôn giả Đại Ca Diếp chỉ khất thực nhà nghèo mà không khất thực nhà giàu bởi vì Ngài quan niệm rằng mặc dù chúng sinh giàu nghèo sống trong thế gian đều đáng thương xót, nhưng những người nghèo thì đáng thương hơn. Theo Ngài thì người nghèo khổ cần nhiều an ủi hơn vì cuộc đời họ đã chuốc quá nhiều cay đắng. Biết bao người đầu tắt mặt tối mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Như thế làm sao họ có điều kiện bố thí để thay đổi cuộc đời? Những người mà kiếp này được giàu sang phú quý là do phước đức mà họ đã rộng tâm bố thí từ tiền kiếp nên ngày nay họ thọ báo được sống trong nhung lụa hạnh phúc. Vì lòng thương xót và tâm từ bi khiến ông Đại Ca Diếp chỉ đến nhà nghèo tạo duyên lành cho họ bố thí để ngày sau có cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhưng quan trọng hơn là giúp họ gieo duyên với Phật pháp, bồi dưỡng công đức để có cuộc sống an vui tự tại và sau cùng tiến về giải thoát giác ngộ.
Ngược lại với tôn giả Đại Ca Diếp, tôn giả Tu Bồ-đề chỉ đi khất thực nhà giàu mà không bao giờ đến nhà người nghèo. Tôn giả quan niệm rằng người nghèo khổ thì chính họ nuôi lấy bản thân hay gia đình rất là khó khăn, vất vả, lấy đâu có vật thực dư mà cúng dường đến các chư Tăng. Mặc dù lòng họ có dư muốn phát tâm cúng dường mà sức không đủ. Trong khi đó đối với người giàu có, một bữa cơm cúng cho chư Tăng thì không có gì đáng kể. Thêm nữa, người càng giàu thì càng bận rộn với việc kinh doanh buôn bán nên không có thì giờ nghe kinh học pháp, tu tâm dưỡng tánh. Tôn giả biết rằng phước đức thế gian như tên bắn trong không trung, lên cao rồi có lúc rơi xuống đất. Vì thế những người ngày nay giàu sang phú quý mà không gieo duyên lành, rộng tâm bố thí thì khi phước cạn đức tan chắc chắn đời sau phải thọ sanh vào cảnh bần cùng đói khổ. Do đó tôn giả thương xót cho người giàu và giúp họ có cơ hội phát tâm từ bi bố thí, bồi dưỡng phước đức cho ngày sau và sau cùng gieo duyên với Phật pháp mà có được giải thoát tự tại.
Như thế tuy hai tôn giả có hai quan niệm khác nhau, nhưng tựu trung vẫn nhắm vào một mục đích giúp chúng sinh tăng trưởng phước đức và sau cùng có cơ hội bồi dưỡng công đức để cùng hướng về cứu cánh tối thượng là giải thoát giác ngộ.
Tuy A Nan là thị giả của Phật và nổi tiếng là đệ nhất đa văn, nhưng ông chưa chứng được thánh quả nên vọng tưởng lúc nào cũng dấy khởi. Đối với bậc thánh, khi đi khất thực thì tâm thức của họ rất thanh tịnh, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm phát khởi vọng niệm. Ngược lại, một người không có tâm thanh tịnh thì chắc chắn dễ bị ngoại trần quyến rũ. Một bất trắc xảy đến không ngờ, lúc A Nan đang đi khất thực ngang nhà nàng Ma-Đăng-Già, một cô gái làng chơi, bị nàng dùng tà chú Phạm Thiên của đạo Satìcala bắt ông vào phòng riêng, diễn trò má tựa vai kề, nâng niu âu yếm, làm cho ông gần mất giới thể.
A Nan là anh em chú bác với Đức Phật. Ông là con của Bạch Phạn Vương (Amitodama) là em của vua Tịnh Phạn. Khi Đức Phật trở về cung thành Ca-tỳ-la-vệ thăm lại gia đình sau khi Ngài thành Phật thì vương tử A Nan vừa mới ngoài hai mươi. A Nan thấy Đức Phật phạm hạnh quá trang nghiêm và có hào quang tỏa sáng toàn thân nên cảm mến mà xuất gia. Như vậy rõ ràng ông A Nan xuất gia với tâm niệm không chân chánh bởi vì cứu cánh duy nhất của một người xuất gia chân chính là giải thoát giác ngộ, tự độ rồi độ tha chớ không phải xuất gia để có thân đẹp và có hào quang sáng chói. Trước khi xuất gia, vương tử A Nan rất đẹp trai nên đã làm siêu lòng biết bao công nương trong hoàng tộc. Biết bao công nương mơ ước có cơ hội được nâng khăn sửa áo cho Ngài. Sau khi xuất gia theo Phật, mặc dù bây giờ là một Tỳ kheo, A Nan vẫn còn dáng vẻ thanh tú và đẹp trai nên trong tăng đoàn có rất nhiều Ni cô đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Ngay cả Đại Trí Văn Thù Bồ-tát cũng khen A Nan bằng bài kệ như sau :
Tướng như trăng thu đầy
Mắt biếc tợ sen xanh
Phật pháp rộng như bể
Đều rót vào tâm A Nan
Một hôm A Nan đang đi khất thực trong thành Xá Vệ đang độ mùa hè quá nóng nực, oi bức làm ông cảm thấy rất khát nước. Khi ông đi ngang qua một giếng nước, nơi đây có một cô gái đang dùng một sợi dây thừng để kéo nước từ dưới đáy giếng lên. Thấy cô gái ông nói :
- Thưa thí chủ! Xin thí chủ từ bi vui lòng cho tôi xin gáo nước.
Cô gái quay lại nhìn A Nan mà lòng sững sờ vui sướng vì nàng nhận ra Tỳ kheo A Nan chính là vương tử đẹp trai nhất thời bấy giờ. Nàng mắc cở, e thẹn, cúi đầu mà thưa với A Nan rằng : - Kính bạch Đại Đức! Không phải con tiếc một gáo nước với Ngài, nhưng con thuộc dòng hạ tiện Thủ Đà La nên không có tư cách cúng dường gáo nước cho Ngài. Tỳ kheo A Nan nhìn cô gái với lòng thương xót mà nói rằng :
- Này thí chủ! Tôi không phải là vương tử mà chỉ là một người tu hành nên trong tôi không có ý niệm phân biệt sang hèn cao thấp. Vậy xin thí chủ vui lòng cúng dường cho tôi một bát nước. Lời nói từ bi của A Nan đã làm cho cô gái tăng thêm sức mạnh mà quên đi thân phận thấp hèn của mình nên mạnh dạn đem bát nước đến cúng dường cho Đại Đức A Nan. A Nan uống xong, ban lời chúc lành và lặng lẻ bước đi.
Cô gái nhìn theo dáng anh tuấn và vẻ đẹp trai của A Nan mà lòng cô thiếu nữ dâng lên một ngọn sóng tình cao vút.
A Nan chẳng những có dáng dấp thanh tú mà lời nói lại hiền hòa trang nhã thì làm sao cô gái kia không đem lòng yêu mến. Cô gái mắc phải bệnh tương tư, dần dần bỏ ăn mất ngủ, hình dáng tiều tụy xanh xao, ngày đêm chỉ tưởng nhớ đến hình bóng của A Nan.
Mẹ của thiếu nữ tra hỏi mới biết con gái mình thầm yêu trộm nhớ A Nan nên bà biến sắc thất kinh. Bởi vì trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ một người thuộc dòng Sát Đế Lợi (vua chúa) như A Nan không bao giờ chấp nhận cưới một nàng dâu thuộc dòng hạ tiện Thủ Đà La. Nhưng tấm lòng thương con vô bờ bến của người mẹ không thể nào đứng nhìn con mình chết dần chết mòn vì chứng bệnh tương tư. Bà bất chấp mọi nguy hiểm và đem tất cả tài sản của mình mua cho được tà chú Phạm Thiên của đạo Satìcala để giao lại cho con mà hoàn thành ước nguyện. Thời Ấn Độ lúc Đức Phật còn tại thế, có tới 96 đạo phái khác nhau mà trong số đó có rất nhiều đạo chuyên về tà thuật. Ngày nay tại Thái lan, Ấn Độ, Campuchia vẫn có rất nhiều vị thầy pháp chuyên bán những bùa mê, ngãi yêu, bùa kêu người thân trở về… Nhiều vị còn luyện cả thiên linh cái (đầu lâu của con nít chết trong bụng mẹ) để coi bói vì vị thầy pháp nầy có thể điều khiển vong linh vào nhà thân chủ xem xét và mách lại cho họ nên họ nói cái gì cũng trúng.
Khi có được tà chú trong tay, bà mẹ bèn giao lại cho con và dặn rằng :
- Này con! Khi nào thấy Đại Đức A Nan đi khất thực ngang qua nhà mình thì con dùng thần chú nầy để thu nhiếp thân tâm A Nan, rồi dẫn vào phòng để cho con được thỏa mãn lòng mơ ước.
Vì duyên cớ nầy mà khi A Nan đến khất thực trước nhà liền bị nàng Ma-Đăng-Già dùng chú thuật bắt ông vào phòng, diễn trò má tựa vai kề, nâng niu âu yếm, làm cho ông gần mất giới thể.
A Nan lúc bấy giờ chưa chứng Thánh quả A La Hán nên không thể tiêu diệt hoàn toàn tất cả những ý niệm về sắc dục vì thế ông mới bị tà chú lôi cuốn vào con đường tội lỗi. Chỉ có các vị A La Hán tâm mới hoàn toàn thoát ly ra khỏi mọi ý niệm sắc dục, ngay cả ý niệm rất vi tế cũng không còn.
Ông A Nan gần mất giới thể cho thấy một khi vô minh ái dục chợt đến bất ngờ làm con người mất tự chủ cũng bởi vì tâm ông không định. Đến khi được Bồ-tát Văn Thù đem thần chú hóa giải thì vô minh biến mất, ái dục tiêu tan. Do đó thức tỉnh là giác còn vô minh là mê tức là giác sanh thì mê diệt nghĩa là ánh sáng trí tuệ đến thì màn đêm hắc ám vô minh sẽ tan biến.
Đức Phật biết ông A Nan đang mắc nạn Ma-Đăng-Già đến lúc nguy cấp nên khi vừa thọ trai xong, Ngài liền trở về tịnh xá Kỳ Hoàn. Sự kiện bất thường nầy làm cho vua, quan, trưởng giả và rất đông cư sĩ cùng theo Phật về tịnh xá với hy vọng sẽ được Phật dạy cho những pháp yếu mới lạ nào chăng.
Bấy giờ, đảnh đầu của Thế Tôn phóng ra hào quang bách bửu vô úy. Trong hào quang ấy hiện ra hoa sen báu nghìn cánh, trên đó có hóa thân Phật đang ngồi kiết già, tuyên thuyết thần chú Thủ Lăng Nghiêm :
”Án A Na Lệ Tỳ Xá Đề, Bệ Ra Bạt Xà Ra Đà Rị. Bàn Đà Bàn Đà Nễ. Bạt Xà Ra, Bàn Ni Phấn, Hổ Hồng Độ Rô Ung Phấn, Tóa Bà Ha”.
Đức Phật dạy Ngài Văn Thù Sư Lợi đem thần chú đến cứu A Nan, khiến cho tà chú kia liền tiêu diệt, rồi dẫn A Nan và Ma-Đăng-Già về chỗ Phật.
Đối với người Phật tử thì ý nghĩa đoạn kinh nầy rất sâu sắc. Ông A Nan là đệ nhất đa văn, học rộng nhớ nhiều, biển pháp đều rót vào tai của Ngài thì tại sao không thoát ra khỏi nạn dâm nữ Ma-Đăng-Già mà phải đợi đến thần chú Lăng Nghiêm thì dâm hỏa mới tan, sông ái mới cạn mà giúp ông thoát nạn? Điều này chứng minh rằng, tuy một người có nắm trong tay tất cả bí mật vi diệu của Như Lai cũng không bằng một ngày tu vô lậu nghiệp. Thật vậy, cái kiến thức mà con người có thể nghe học được từ sách vở từ chương so với cái trí tuệ siêu tuyệt của người tu chứng vốn khác nhau rất xa. Cái trí thức của kẻ phàm phu và cái trí tuệ thực chứng của bậc thượng trí có thể ví như đom đóm mà so với trăng rằm vậy. Cho nên trong thế gian người hữu học (ngay cả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm là những vị đã vào vòng thánh quả nhưng vẫn còn chịu cảnh sinh tử luân hồi) có rất nhiều, nhưng người vô học (A La Hán, những vị đã thoát ra khỏi sinh tử luân hồi) thì rất khó kiếm, rất quý. Vì thế tuy tà pháp có gây sóng gió và tai ương trong nhất thời, nhưng rồi cũng sẽ bị diệt vong. Chánh luôn thắng tà cũng như ánh sáng đến thì màn đêm đen tối sẽ biến mất.
Nàng Ma-Đăng-Già là tượng trưng cho dục vọng, nặng luyến ái đam mê. Ngược lại Đại Trí Văn Thù biểu tượng cho ánh sáng trí tuệ cho nên Bồ-tát Văn Thù đem thần chú đến có nghĩa là chỉ có ánh sáng của lý trí mới có thể rọi vào mà hóa giải dục vọng đen tối của đam mê. Do đó ái dục là gốc của sinh tử và đại định là nhân để thành Phật. Cho nên chân vọng tuy hai đường mà Thể vốn chẳng hai tức là Bất nhị.
Con người có rơi vào sinh tử luân hồi, có ràng buộc trong ngục tù tam giới cũng bởi tại tâm dâm. Tâm dâm đưa con người vào hố sâu vực thẳm, không có lối thoát. Người có tâm dâm cho dù có thiền định cũng sẽ rơi vào đường ma. Vì thế Đức Phật đã khẳng định rằng : ”Nếu không đoạn tâm dâm mà tu thiền định thì chẳng khác nào nấu cát mà muốn thành cơm, không bao giờ đạt được”. Một người có tâm dâm tức là vọng tâm điên đảo luôn phát khởi nên tâm không an, không có định. Vì sao? Bởi vì khi hành giả bắt đầu tham thiền, tâm từ từ đi vào cõi định thì những hình ảnh về dâm từ từ xuất hiện từ vi tế đến thô khiến định biến mất. Do đó trong bốn món thanh tịnh (dâm, sát, đạo, vọng), Đức Phật dạy về dâm trước nhất. Tóm lại, chúng sinh còn tâm dâm thì khó mà tu thiền, cho dù nếu có tu thiền thì vẫn rơi vào tà đạo, làm quyến thuộc của ma và không bao giờ phát sinh trí tuệ để khai mở con mắt tâm mà giác ngộ chân lý.