Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh

Monday, 05 June 20231:23 AM(View: 1213)
Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh
PHẬT THUYẾT QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH
Đời Tống, Ngài Tam  Tạng Cương Lương Da Xá, gốc người Tây Vức, dịch từ Phạm văn ra Hán văn. 
Chánh Trí dịch và giải thích.
 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Đây là một trong ba bộ kinh căn bản của Pháp môn Tịnh Độ. Nhưng nếu kinh A Di Đà chủ trương việc niệm Phật, lấy cái “nghe" chuyên chú vào sáu chữ Di Đà để tập trung tư tưởng (định), kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật lại chủ trương việc “quán tưởng”, lấy cái “thấy" chuyên chú vào cảnh vật Thế giới Cực lạc, cũng để tập trung tư tưởng.

 

Con người bị sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý )tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương vị xúc, pháp) ám ảnh ngày đêm, nên cứ hướng ngoại, theo đuổi cảnh biến dịch bên ngoài mà quyên hướng nội để thấy cảnh thường hằng hay vô lượng thọ (éternel) bên trong.

 

Muốn hướng nội được, trước phải đình chỉ cái ngó, cái nghe theo cảnh vật bên  ngoài. Lẽ ra phải nói đình chỉ sự hoạt động của tất cả sáu căn, nhưng vi mắt, tai là những căn “nhạy" nhất, con người thường nghĩ xằng làm xái vì bị tai mắt làm mờ hơn các căn kia, nên Phật dạy bảo lo trừ hai mối giặc này trước. Hai mối giặc này dẹp yên, bốn căn sau tất nhiên phải bị dẹp theo.

Dẹp thế nào? Bằng cách thay đổi món ăn, thay đổi những sở thích của mắt tai. Trước kia tai thích những cái ô trược, hạ tiện, trần tục, nay cho chúng thưởng thức những cái trong sạch, cao thượng, thánh hiền. Vì vậy không niệm chúng sanh mà niệm Phật, không quán Ta bà ngũ trược, mà quán Cực lạc thanh tịnh. Lý nhân quả được áp dụng ở đây: không nghe, không thấy cái khổ, cái trược, ắt phải được cái quả thấy nghe cái vui cái sạch.

 

Trong bài tựa “Phật thuyết Quán Vô lượng thọ Phật kinh sớ”, Đại sư Thiên Thai Trí giả có viết:

 

“Phù Lạc bang chi dữ khổ vức, kim bảo chi dữ nê sa, thai ngục chi vọng hoa trì, lâm chi tỷ quỳnh thọ, do tâm phân cầu tịnh. Kiến lưỡng thổ chi thăng trầm, hành khai thiện ác; đỗ nhị phương chi thô dịêu, dụ hình đoan tắc ảnh trực, nguyên trược tắc lưu hôn. Cố tri dục sanh Cực lạc quốc độ, tất tu thập lục diệu quán, nguyện kiến Di Đà Thế Tôn yếu hành tam chủng tịnh nghiệp; nhiên hóa nhân sự tiệm giáo tạ duyên hưng”.

 

DỊCH: Có nước vui đối với miền khổ, có vàng báu đối với cát bùn, có sống trong ngục bào thai mà mong hóa sanh trong hoa sen nơi ao báu, có rừng gai đem so sánh với cây ngọc cành vàng, là do tâm phân chia có dơ, có sạch. Có thấy hai miền, một lên cao, một chìm ngấm, là vì trong chỗ tính toán có mở hai đường thiện, ác; có thấy hai phương một thô, một diệu, là thí dụ cho hình thẳng ắt bóng ngay, nguồn đục ắt lòng dối. Bởi cớ nên biết: muốn sang nước Cực lạc, phải tu 16 phép “quán” nhiệm mầu, nguyện thấy Phật Di Đà, cần phải hành ba thứ “nghiệp sạch”, thời cố nhiên, cái nhân hóa sanh lần lần được gieo trồng, giáo pháp dựa vào duyên quán mà hưng khởi.

Quán là xét thấu, như nói quán sát. Ở đây quán là quán tưởng, nghĩa là dùng tâm, dùng tư tưởng mà thấy (voir par I'imagination).

 

Mấy ai sống mà không tư tưởng, vì đời sống con người là một dòng tư tưởng không gián đoạn. Có tư tưởng hèn hạ, bỉ ổi, con người mới sống hèn hạ, bỉ ổi. Thay được những tư tưởng xấu xa ấy bằng những tư tưởng cao thượng, trong sạch, con người sẽ sống một đời sống cao thượng, trong sạch.

 

Có tưởng là có thấy. Tưởng xấu thấy xấu, tưởng tốt thấy tốt. Thay những mơ tưởng chúng sanh bằng những mơ tưởng Phật, những mơ tưởng hướng về cảnh vật vô thường bằng những mơ tưởng hướng về những cảnh thường hằng (éternel) tức Vô lượng thọ: đó là mục tiêu của Kinh.

 

Thấy được Vô lượng thọ là giải thoát được bao nhiêu triền phược của cõi Ta bà.

 

Nhưng ai muốn thấy được, cần phải bắt đầu từ cái thô đi vào cái diệu, từ cái hữu hình đi vào cái vô hình, từ cái cụ thể lên đến cái trừu tượng, đi với tất cả chú ý không xao không động (định). Vậy mục tiêu của Kinh là dạy một phương tiện hay một pháp môn định tâm mà kết quả gọi là “Quán tưởng Tam muội" (samadhi acquis par vision imaginative).

  1. Quán Cực lạc quốc độ, Vô lượng thọ Phật, Quán thế Âm bồ tát, Đại thế chí Bồ tát. - Nghĩa sâu của danh hiệu này là: Định tâm để xét thấu coi đâu là cảnh thực vui. Thường còn là gì? Trí huệ là gì?

  1. Tịnh trừ nghiệp chướng, sanh chư Phật hiện tiền, với nghĩa: dùng sự thanh tịnh mà trừ bao nghiệp ác tích tụ làm trở ngại đường giải thoát, để giúp con người chết với đời sống bất tịnh, sanh trong Ánh sáng Giác ngộ và Giải thoát.

Lý như trên đã nói, nhưng “quán” không, không đủ. Vì quán là thay đổi bề trong, bề trong cố tập thay đổi mà bề ngoài không xuôi theo một đường, thì kết quả khó được. Vì vậy mà phải hành ba thứ “tịnh nghiệp”, có chỉ trong kinh. Được như thế là tâm hành hợp nhất, trong ngoài gì đều nhuần thấm ánh quang minh bất diệt, từ bi và trí huệ.