TINH HOA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
CHƯƠNG XI
THIỀN TÔNG
Đại thừa Quán môn
Junjiro Takakusa - Tuệ Sỹ dịch và chú
CHƯƠNG XI
THIỀN TÔNG
Đại thừa Quán môn
Junjiro Takakusa - Tuệ Sỹ dịch và chú
1. CÁC TÔNG PHÁI PHẬT GIÁO THỜI LIÊM THƯƠNG (1180-1335)
Phật giáo dưới thời Nại lương (Nara, 710-794) là một nền triết học suy lý và tư biện; trong lúc dưới thời Bình an (Heian; 749-1185), mặt ngoài, là một chủ nghĩa chiết trung hay tổng hợp dị biệt giữa Thần đạo (Shinto) với các quan điểm Phật giáo, và mặt trong, là một cuộc thống nhất học thuyết chân tâm (hiển giáo). Phật giáo thời này đã có ảnh hưởng lớn đối với sinh hoạt xã hội và văn hóa về mọi phương diện qua chủ trương về năng lực hộ trì của nó (mật giáo). Trong triều Liêm thương (Kamakura, 185-1335), đặc tính nổi bật của Phật giáo là óc thực tiễn, quốc gia,và tinh thần khá cởi mở trong việc truyền đạo, độc đoán trong tôn chỉ, đơn giản và chuyên biệt hơn trước, nhưng rộng rãi trong việc ứng dụng hay thể hiện lý tưởng; vì tất cả các tông phái Phật giáo trong thời kỳ này đều rao giảng về sự cứu độ, tức con đường đi đến giác ngộ – cho tất cả, nghĩa là giải thoát toàn diện.
Hoạt động tôn giáo trong thời kỳ này, trên một phương diện nào đó, đã chống đối mãnh liệt các tông phái chính thống trước kia, mà hình như đang kết thúc trong sự khoa đại của công trình tư biện hay của hiệu nghiệm lễ bái, đồng thời gây nên đà thoái hóa nhanh chóng cho sinh hoạt tôn giáo triết học trên tổng quát bằng cái hào nhoáng quí tộc và hình thức nghi lễ của chúng. Người ta đã thấy rõ điều hệ trọng là phải phục hồi nền tôn giáo nhất nguyên và thực tiễn của Thánh Đức Thái tử (Shôtoku, 574-622). Sự nhất trí của các ý tưởng chỉ đạo và sự cần thiết phải cải hóa tinh thần trong quần chúng đã tạo ra kiểu mẫu tôn giáo chung cho thời đại đó. Đương nhiên mối hoài vọng về Thánh Đức Thái tử đã bừng dậy mãnh liệt, và người ta thấy rõ mức tăng gia đáng kể về các ảnh tượng, các đền thờ và các lễ tưởng niệm dành cho Thái tử, thậm chí các nhóm nghệ sĩ liên hệ với Thái tử cũng tăng gia, suốt trong thời kỳ này. Một trong các tông phái Phật giáo được thành lập trong thời gian đó đã tôn thờ ngài coi như là khai tổ của Nhật bản.
Phật giáo dưới thời Liêm thương (Kamakura), đạo Phật của “Toàn giác”, có thể được tổng kê vào bảy tông phái:
1. Thiền tông; quán môn:
a. Lâm tế tông (Rinzai) do Vinh Tây (Eisai, 1141-1215) lập.
b. Tào Động tông (Sôtô) của Đạo Nguyên (Dôgen, 1200- 1253).
2. Phổ Hóa tông (Fuke) chuyên tu khổ hạnh nội quán, do Giác Tâm (Kakushin) lập năm 1255.
3. Tịnh độ tông (Jôdo), tín ngưỡng Di-đà do Pháp Nhiên (Hônen, 1133-1212) lập.
4. Chân Tông, tín ngưỡng Di-đà, do Thân Loan (Shinran, 1173-1262) lập.
5. Thời tông, tín ngưỡng Di-đà, do Nhất Biến (Ippen, 1239- 1289) lập.
6. Nhật liên tông, tín ngưỡng Pháp hoa, do Nhật Liên (Nichiren, 1222-1282) lập.
7. Tân luật tông, (Shin-Ritzu), do Duệ Tôn (Eison, 1201-1290), người tái thiết Luật tông.
2. CƯƠNG YẾU
Thừa kế giòng A-ri-en cổ đại, Ấn độ có truyền thống tư duy được thực hành trong tất cả các trường phái triết học cũng như tôn giáo. Có sáu phái triết học (darśana), trong số đó, Du-già (Yoga) là một phái đặc biệt chuyên về tư duy hay tập trung tư tưởng.
Hệ thống Du-già là khía cạnh thực hành của triết lý Số luận (Saṃkhyā), vốn là nhị nguyên luận. Theo Số luận, Thần ngã (Ātman) và Tự tính (Prakṛti), một đàng thì mù, một thì què, không thể hành sự nếu không được hợp nhất. Ngã có tác dụng tri thức, nhưng không thể hoạt động nếu không có tác dụng chất thể của Tự tính. Khi cả hai hợp lại, mới thấy được con đường và hoạt động tùy ý. Ngã, như kẻ tổ chức một tuồng hát, chỉ chăm sóc diễn viên trình diễn và hoạt động trong vở kịch đó, dầu trên thực tế, chỉ có Tự tính là vận hành và chu tất. Chỉ có tự tu tập mới mang lại tự do, nghĩa là, độc lập của Ngã. Phương pháp tự tu tập thực ra là hệ thống Du-già của Patanjali (thế kỷ thứ hai trước TL). Hệ thống Số luận, nguyên lai tà đạo vì là Vô thần, chỉ thừa nhận sự hiện hữu của Tự Ngã (Ātman) mà không nhận có Đại Ngã (Mahātma; Brahman). Nhưng khi thực hành về tư duy trừu tượng, đối tượng với sự tập trung tư tưởng rất cần thiết và do đó học thuyết này chấp nhận một hình thức của Tự nhiên Thần giáo (nhưng không phải là Hữu thần). Đến giai đoạn sau cùng của tư duy khi sự tách rời hoàn toàn giữa Ngã và Tự tính đã có hiệu quả, thì đối tượng của tư duy, Brahman, Đại Ngã hay Thượng đế, bất cứ là gì, không còn cần thiết nữa.
Đại khái có tám yếu tố của Du-già (tập trung tư tưởng): 1. Chế giới (yama); 2. Nội chế (niyama); 3. Tọa pháp (āsana); 4. Sổ tức; quán hơi thở (prāṇayama); 5. Chế cảm (pratyāhāra); 6. Tổng trì (dhāraṇa); 7. Tĩnh lự (dhyāna, tập trung tư tưởng). Những tập luyện này của nhà Du-già thật ra cũng giống như các nhà thuộc học phái Du-già luận (yogacāra) của Phật giáo. Yogacāra (tương ưng tu) có nghĩa là “thực hành sự tập trung tư tưởng” và có nhiều điểm chung với triết lý Du-già. Du-già luận là duy tâm luận của Phật giáo do Vô Trước (Asaṅga) đề xướng và được em là Thế Thân (Vasubandhu) hệ thống hóa thành học thuyết Duy thức (vijñaptimātra) và Huyền Trang đưa vào Trung quốc thành Pháp Tướng tông. Theo Nghĩa Tịnh, nhà chiêm bái Ấn độ nổi tiếng, học thuyết này là một trong hai trường phái Đại thừa ở Ấn độ (Trung luận và Du-già luận). Điều này được Sayana, trong bản chú giải cho Vedānta Sūtra xác nhận, mà trong đó, cả hai được xem như là những hệ thống Phật giáo duy nhất hiện hữu đương thời.
Tĩnh lự hay Thiền (dhyāna) mà Thiền tông tu tập gồm có 12 cách, ba cấp và mỗi cấp bốn loại, gọi là bốn Sắc giới thiền (rūpadhātu), bốn Vô sắc giới thiền (arūpyadhātu) và bốn Vô lượng Thiền (aprāmāṇadhyāna). Vô lượng thiền hoàn toàn giống như thiền của hệ thống Du-già. Bên nào vay mượn bên nào, chúng ta không thể nói được, mặc dầu cả hai có vẻ đều mang chất Phật giáo. Đấy là: 1. Từ vô lượng; 2. Bi vô lượng, 3. Hỉ vô lượng; và 4. Xả vô lượng. Bốn thiền này lấy tất cả chúng sinh làm đối tượng mặc dầu là chủ quan trong khi ở Sắc và Vô sắc giới thiền có Sắc giới thiên và Vô sắc giới thiên làm đối tượng. Truyền thuyết cho rằng đức Phật tu tập Vô sắc thiền với Arāḍa Kālāma, một nhà tu khổ hạnh đã đạt được trạng thái Thức vô biên; và với Udraka Ramaputra, một nhà tu khổ hạnh khác đã đạt đươc trạng thái cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Cuối cùng đức Bồ-tát vượt qua các thầy mình, và không còn gì để học hỏi nữa, tự dấn bước đi trên con đường của mình, mặc cho những lời yêu cầu nồng hậu của hai nhà tu khổ hạnh kia ở lại để dạy cho các đồ đệ của họ.
Tầm quan trọng của thiền định trong hệ thống Du già hệ ở chỗ phát triển và phục hồi những nguyên lý nhị nguyên, và giải thoát trọn vẹn Thần ngã khỏi Tự tính, trong khi phái Du già duy tâm luận của Phật giáo đặt trọng tâm nơi sự nhất thống của thế giới bên trong và bên ngoài, tổng hợp các hiện hữu nhân quả và giả tạm của chúng ta, và từ đó, mà khám phá ra một cách tiêu cực trạng thái chân Như (tathatā).
Dĩ nhiên, Phật giáo có một học thuyết đặc biệt về Thiền. Mặc dầu chiều sâu và chiều rộng của thiền quán tùy thuộc nơi căn tính cá nhân, nhưng phương pháp hay nội dung của thiền định do đức Phật thuyết giảng ở Tiểu thừa và Đại thừa đều giống nhau. Thiền đặc biệt này thường được gọi là Như lai thiền, vì nó là một phần của Thánh giáo. Phát triển cao độ nhứt trong thiền này được tìm thấy trong chỉ quán (śamathavipaśyana) của Thiên thai tông và trong bí mật du già của Chân ngôn tông.
3. LỊCH SỬ
Để hiểu Như lai thiền, học giả phải nghiên cứu về lịch sử pháp môn thiền học của Phật. Khi nói về Như lai thiền, là ám chỉ của sự hưng khởi của Tổ sư thiền qua sự xuất hiện của Bồ-đề đạt-ma (Bodhidharma) tại Trung hoa năm 520.
a. Như lai thiền
Trước tiên, Phật dạy về Tam học (triśikṣa): Tăng thượng giới (adhi-śīla), tăng thượng tâm (adhi-citta) và Tăng thượng tuệ (adhi-prajñā). Trong sáu ba-la-mật, thiền định (samādhi) là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Ngài còn dạy Thiền như là căn bản của hành động (karmasthāna: nghiệp xứ, đề mục thiền), như quán mười biến xứ, quán bất tịnh, quán vô thường, quán hơi thở… Với Phật, hình như chủ đích của thiền phải đạt đến trước hết, là sự yên tĩnh của tâm, tức chỉ, rồi sau mới là hoạt động của huệ, tức quán. Cả hai Tiểu và Đại thừa đều đồng ý về điểm này. Để phát triển ý tưởng nguyên thủy đó, và áp dụng nó rộng rãi, mỗi thừa lại chi tiết thêm những đối tượng của thiền định.
Nói chung, sự vun bồi tâm thức của Phật giáo được chia làm ba phần: 1. Gia hành vị, giai đoạn nỗ lực; 2. Kiến đạo vị, giai đoạn thấy Thánh đế; 3. Tu tập vị, giai đoạn thực hành. Hành giả, trước tiên phải dự bị sẵn sàng để tiến bước trên con đường tu tập, nghĩa là, tư tưởng của hàng hữu học. Con đường đầu tiên mà hành giả phải đi là gia hành vị, trong đó, hành giả tu chỉ và quán. Hành giả phải thực hành như sau:
b. Chỉ
A. Ngũ đình tâm quán:
1. Quán thế gian bất tịnh để diệt trừ tham dục và keo kiệt (biệt tướng).
2. Quán từ bi để vun bồi ý niệm thiện cảm với mọi người và để diệt trừ sân hận (tổng tướng).
3. Quán duyên khởi để diệt trừ vô minh hay si (biệt tướng).
4. Quán sai biệt giới để nhận thức sự sai khác giữa các quan điểm, để diệt trừ ngã kiến (tổng tướng)
5. Quán hơi thở đưa đến sự tập trung tư tưởng để đình chỉ tâm loạn động (biệt). Khi đã khuất phục tâm mê hoặc và đạt được tĩnh lặng, thì tiến đến giai đoạn kế:
c. Quán
B. Bốn niệm xứ
1. Quán thân như thân, thân bất tịnh;
2. Quán thọ như thọ, các cảm thọ là khổ;
3. Quán tâm như tâm, tâm vô thường;
4. Quán pháp như pháp, pháp là vô ngã.
Tiểu thừa Phật giáo gọi những phương pháp này là “nghiệp xứ” (kammatthāna), là một trong những phương pháp tư duy phân biệt. Có lối 40 pháp thiền như vậy liệt kê trong Thanh tịnh đạo luận (Visuddhi Magga): bốn vô lượng; mười bất tịnh; bốn vô sắc; mười biến xứ; mười niệm; một tướng và một tưởng. Chúng ta không cần phải đi sâu vào chi tiết của những thiền này.
Phương pháp tập thiền như sau:
Hành giả trước tiên phải sửa soạn tọa cụ cho đàng hoàng, rồi ngồi thẳng lưng, chân kiết già, mắt khép vừa phải, không mở cũng không nhắm kín, và nhìn thẳng phía trước chừng mười hay hai mươi thước Anh (lối ba đến bảy thước Tây). Hành giả phải ngồi thật ngay ngắn, nhưng thân mình vẫn có thể điều hòa theo hơi thở. Để điều hòa hơi thở, hành giả đếm hơi thở ra và hơi thở vào kể là một, và từ từ đếm như vậy cho đến mười, không nên bao giờ đếm xa hơn.
Tuy thân ngồi thẳng và an tịnh, nhưng tâm hành giả vẫn có thể vọng động. Do đó mà hành giả phải quán sự bất tịnh của loài người qua bịnh chết và sau khi chết.
Khi đã sẳn sàng để quán tưởng, hành giả bắt đầu tập chú tâm vào mười biến xứ. Đây là một lối định tâm về những hiện tượng sai biệt vào một trong mười biến xứ, tức xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, không và thức. Trong đó hành giả quán về một biến xứ cho đến khi màu sắc hay chất thể bị quán hiện rõ ràng trước mắt. Dụ như hành giả quán nước, thì cả thế giới chung quanh sẽ chỉ là dòng nước đang chảy.
Tiến trình của tư duy như thế chung cho tất cả các trường phái Phật giáo, Tiểu thừa cũng như Đại thừa, và là đặc sắc của Như lai thiền.
d. Tổ sư thiền
Lịch sử của Thiền tông vẫn còn là một huyền thoại. Truyền thuyết cho rằng một ngày nọ, thần Brahmā hiện đến với đức Phật bấy giờ đang ở tại núi Linh thứu, cúng dường Ngài một cành hoa Kumbhala và yêu cầu Ngài giảng pháp. Đức Phật liền bước lên tòa sư tử, và cầm lấy cành hoa trong tay, không nói một lời. Trong đại chúng không ai hiểu được ý nghĩa. Chỉ có Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) là mỉm cười hoan hỷ. Đức Thế Tôn nói: “Chính Pháp nhãn tạng này, Ta phó chúc cho ngươi, này Ma-ha Ca-diếp. Hãy nhận lấy và truyền bá”. Một lần khi A-nan (Ānanda) hỏi Ca-diếp đức Phật đã truyền dạy điều gì, thì Ca-diếp bảo: “Hãy đi hạ cột cờ xuống!” A-nan liền ngộ ngay. Cứ thế mà tâm ấn được truyền thừa. Giáo pháp này được gọi là “Phật tâm tông”.
Vị Tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma. Vốn là Thái tử thứ ba của vua Kañcipura Nam Ấn. Vâng theo lời Thầy là Bát-nhã-đala (Prajñātara), Bồ-đề-đạt-ma liền vân du sang phương đông và đến Trung hoa năm 520. Võ Đế nhà Lương vời Tổ đến Nam Kinh để triều kiến. Đế hỏi: “Từ khi tức vị đến nay, trẫm đã cho tạo chùa, sao chép kinh điển và độ tăng rất nhiều. Công đức như vậy lớn như thế nào?” “Không có công đức gì cả”, là câu trả lời. “Thế nào là Thánh đế Đệ nhất nghĩa?” “Rỗng tuếch, không có Thánh gì hết”. “Vậy ai đang diện kiến trẫm đây?” “Không biết”. Đế không ngộ được. Tổ Bồ-đề đạt-ma liền bỏ đi, vượt sông Dương tử và đến Lạc dương, kinh đô của Bắc Ngụy. Sau một thời gian ở đây, Tổ đến Ngũ đài sơn và trú tại Thiếu lâm tự, nơi đó diện bích trong chín năm trường.
Một nhà nho nhiệt tâm, Huệ Khả, tìm đến Tổ để hỏi pháp. Không được giải đáp. Thế là Huệ Khả, đứng dưới cơn tuyết rơi, chặt đứt cánh tay trái để minh chứng lòng thành thật và quyết tâm của mình. Bồ-đề-đạt-ma liền thâu nhận làm đồ đệ và truyền y bát cho. Đây là hệ Tổ Thiền (Trung hoa). Đệ ngũ tổ, Hoằng Nhẫn, có hai đệ tử xuất sắc. Một trong hai người, Huệ Năng (638-713), được truyền tâm pháp và sáng lập nên Nam tông. Đích nhắm của Tổ là đốn ngộ thiền và phái này được là nam Đốn. Vị đệ tử kia là Thần Tú (605- 706), ở phương Bắc và truyền bá hệ Tổ Thiền rất hăng say. Phái này được gọi là Bắc tông. Giáo pháp của ông là tiệm ngộ và được gọi là Bắc Tiệm. Vì Bắc Tiệm cũng giảng dạy Như Lai thiền nên Tối Trừng, tức Truyền Giáo Đại sư, được xem như là thuộc phái này. Tất cả những phái thiền Nhật bản đều thuộc nam tông.
e. Thiền Nhật bản
Thiền du nhập Nhật bản nhiều đợt. Đệ tử của Huyền Trang, Đạo Chiêu (Dôshô, 629-700), đến Trung hoa vào năm 654, lần đầu tiên mang Thiền về truyền bá tại Thiền đường Gangôji ở Nara. Kế đến là Đạo Tuấn (Dôsen), một vị Luật sư Trung hoa, đến Nara năm 710 và truyền Bắc tông, ngài truyền pháp cho Hành Biểu (Gyôhyô) năm 733 và Hành Biểu truyền cho Tối Trừng. Một vị Thiền sư Nam tông, Nghĩa Không (Gikū), là đệ tử của Diêm Quan Tề An (Enkwan Saian) đến Kyoto và giảng thiền từ 851 đến 858, tại chùa Danrinji (Đàn lâm tự) do Hoàng hậu của Ta Nga thiên hoàng (Danrin) lập nên. Ông thành công mỹ mãn trong sự nghiệp hoằng pháp. Trong những trường hợp kể trên, sự truyền bá đều được triều đình ủng hộ nhưng không bền lâu. Vị Thiền sư sau cùng này đã phải thất vọng bỏ về nước năm 858, để lại một thành tích tại Lã sinh môn (Rashōmon), Kyoto, ghi chứng: một ký lục về sự truyền bá Thiền tại Nhật bản.
Khẩu quyết của Thiền Trung hoa là: “Sa môn bất kỉnh vương giả”. Thái độ này không gây được ảnh hưởng đối với những nhà quân chủ Nhật. Trong thời Kamakura, nhiều thiền sư Trung hoa được chính quyền Tướng quân (Shoguna) thỉnh vời hay tiếp đón. Đạo Long Lan Khê (Dôryū Rankei, sáng lập chùa Kenchoji năm 1249), Tổ Nguyên Vô Học (Sogen Mugaku, lập chùa Engakuji năm 1273) và Nhất Ninh Nhất Sơn (Ichinei Issan, là người, tuy không được vời thỉnh, đến chùa Shuzenji năm 1299) đã từng đến Kumakura và lo giảng dạy thiền học. Tuy nhiên, ta phải nhớ rằng, chỉ sau khi những sáng tổ xuất sắc của Thiền Nhật, là Vinh Tây và Đạo Nguyên đã khai sáng và thành công rực rỡ trong việc dẫn đạo, các Thiền sư Trung Hoa này mới có thể xuất hiện trên vũ đài được. Vinh Tây, lập chùa Kiến nhân (Kennenji) tại Kyoto, sáng tác luận Hưng Thiền hộ quốc, trong đó, sư lập luận rằng sự truyền bá thiền là để củng cố sự hưng thịnh của quốc gia. Ông đã có lý, vì tôn giáo mới này đã giúp an định và gây dũng cảm trong lòng những chiến sĩ. Thiền dạy rằng, ngay cả những chiến sĩ cũng phải tu tỉnh và nghĩ đến đạo đức cũng như trách nhiệm. Đạo Nguyên muốn chỉnh đốn những sai lầm của triều đình và quá hăng đến nổi cố vấn cho Nhiếp chính vương bấy giờ là quyền thần Thời Lại (Tokiyori) về việc vãn hồi chính thể cho Thiên hoàng. Khi đề nghị không được chấp nhận, ông liền bỏ đi ngay và về trú tại chùa Eiheiji do chính ông dựng nên tại tỉnh Echizen. Sự kiện này khiến cho quyền thần kính trọng ông thêm và y phủ dụ một đồ đệ của Đạo Nguyên mang một chứng thư cấp rất nhiều đất cho thầy. Nhà sư này vui mừng làm theo. Khi nhận được chứng thư, Đạo Nguyên nổi giận đến nổi đuổi đệ tử đó đi ngay. Sư ra lịnh phá hủy chiếc ghế ngồi dành cho nhà sư này và đào chỗ đặt ghế sâu gần thước và quăng vứt đất nơi đó đi. Sau vụ này, ông lại càng được trọng vọng hơn bao giờ hết và từ đó, pháp thiền trở nên phổ biến trong quần chúng.
Phái thiền thứ hai, Phổ Hóa, do Giác Tâm sáng lập, là người, cũng như Vinh Tây và Đạo Nguyên, du hành sang Trung hoa năm 1249 và học tập thiền với Phật Nhãn, một Đại Thiền sư bấy giờ. Năm 1255 ông hồi hương và lập nên phái thiền theo lối đầu đà khất thực, thường được gọi là phái “Hư vô tăng”, theo đó, thiền giả phải “ăn gió, nằm sương”. Phái này dần dần trở thành tập đoàn lãng sĩ (rônin) chuyên giúp chính quyền và dân chúng trong những dịp cần thiết. Phái này bị tiêu diệt sau cuộc Đại Phục hưng năm 1868.
Thiền hiện tại có ba phái chính:
1. Lâm tế tông (Rinzai) từ Trung hoa do Vinh Tây truyền nhập lần đầu tiên năm 1191, sau đó do Biện Viên (Benen) năm 1235;
2. Tào động tông do Đạo Nguyên truyền nhập năm 1127.
3. Hoàng Bá tông (Obaku) do Ẩn Nguyên (Ingan) truyền nhập năm 1654. Phái này, tuy truyền nhập sau cùng mà vẫn có đến 640 ngôi chùa.
4. TRIẾT LÝ VÀ TÔN GIÁO.
Thiền tông nặng về triết lý nhưng không phải là một nền triết học theo nghĩa hạn hẹp của nó. Đây là một học phái có chất tôn giáo hơn tất cả mọi học phái Phật giáo, nhưng không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường của danh từ này. Thiền tông không có kinh điển nào của Phật cũng không trì giữ một kỷ luật nào do Phật đặc chế ra. Nếu không kinh, không luật, thì không một học phái nào có thể ra vẻ Phật giáo. Tuy nhiên, theo ý nghĩa của Thiền, ai mà còn chấp trước vào văn từ hay luật lệ thì không bao giờ có thể thấu đáo hoàn toàn ý nghĩa chân thật của người nói. Lý tưởng hay chân lý mà đức Phật chứng ngộ chắc chắn khác hẳn với những gì mà Ngài đã giảng dạy, bởi vì giáo thuyết nhất thiết bị ước định bởi ngôn từ mà Ngài dùng, bởi thính chúng mà ngài giáo hóa và bởi hoàn cảnh xảy ra cho người nói và người nghe. Cái mà thiền nhắm đến là lý tưởng của Phật, minh nhiên và không bị ước định. Học phái này còn được gọi là “Phật tâm tông”. Phật tâm vốn cũng chỉ là tâm người thường. Chỉ cần nhìn thẳng vào tâm địa đó là có thể đưa hành giả đến giác ngộ viên mãn. Nhưng bằng cách nào?
Chủ ý chung của Phật pháp là để hành giả tự thấy đúng và tự đi đúng. Đường lối để thấy (darśana-mārga) khác biệt với đường lối để đi (bhāvāna-mārga). Người ta thường đi mà không nhìn thấy đường đi. Tôn giáo chú trọng trên thực hành, tức đi như thế nào, nhưng lại xao lãng việc giáo hóa những hoạt động trí thức để xác định con đường chân chính tu tập, tức thấy như thế nào. Để phán đoán con đường sắp đi có đúng hay không, trước nhất, học vấn hay khoa học là quan trọng, nhưng càng đi chúng ta càng khám phá ra rằng triết lý quan trọng hơn tất cả những thứ khác. Trong trường hợp mà khoa học không cung ứng một giải đáp thỏa đáng, thì chúng ta phải trông cậy vào phương pháp tư duy của thiền để soi tỏ vào bất cứ vấn đề nào được nêu ra đó.
Trước tiên, hành giả phải tìm thấy con đường rồi bắt đầu đi trên đó. Mỗi bước tiến nhờ vào tư duy sẽ đưa người vượt qua lớp sóng của nhân sinh, tiến lần đến cõi hư không của thiên giới và cuối cùng đạt đến giác ngộ viên mãn như đức Phật. Quán là con mắt trực thị và đồng thời là bước chân trên con đường chân thật. Thiền và quán là thấu kính trong đó những đối tượng bên ngoài bị tụ hội để rồi phân tán và khắc ấn tượng lên mặt của những âm bản bên trong. Sự tập trung vào thấu kính này chính là định (samādhi) và định càng sâu thì giác ngộ càng mau chóng. Những gì khắc đậm hơn vào lớp phim âm bản là huệ (prajñā) và là căn bản của những hoạt động trí thức. Qua ánh sáng trí tuệ rọi ra bên ngoài, hành giả nhìn và thấy lại cái ngoại giới sai biệt lần nữa rồi theo đó mà hành sự thích nghi vào cuộc sống thực tế.
Thiền của Tổ thiền, do đó, không phải là một phương pháp phân tách như khoa học, cũng không phải là một phương pháp tổng hợp như triết học. Đây là một hệ thống tư duy không tư duy theo thông tục, nó siêu việt tất cả những phương pháp của luận chứng hợp lý. Tư duy không cần phương pháp tư duy là để tạo cơ hội cho sự thức tỉnh của tuệ giác. Hành giả có thể áp dụng những phương pháp tu thiền của Tiểu thừa, của Du-già luận (bán đại thừa), pháp chỉ quán của Thiên thai, hay Du-già bí mật của Chân ngôn tông nếu hành giả thích, nhưng thật ra tất cả những phương pháp này đều không cần thiết.
Quan điểm riêng của Thiền tông có thể tóm tắt như sau: “dĩ tâm truyền tâm”, “bất lập văn tự”, “giáo ngoại biệt truyền”, “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, hay “Thử tâm tức Phật”. Bạch Ẩn (Hakuin) đã phát biểu ý nghĩa này rất rõ trong bài kệ về pháp “tọa thiền”: “Chúng sinh vốn là Phật; cũng như băng (cơ duyên hiện tại của chúng ta) và nước (Phật tính ẩn tàng), không có nước thì không có băng… Chính thế gian này là liên hoa cảnh giới và thân này là Phật”.
Ý niệm căn bản của Thiền tông là đồng nhất tính của hữu và vô. “Chân tướng vô tướng”, “Pháp môn vô môn”, “Thánh trí vô trí”. Sự hỗ tương đồng hóa giữa hai ý tưởng đối lập, như đen và trắng, thiện và bất thiện, thanh tịnh và nhiễm ô… là kết quả của thâm nhập thiền tư duy sâu thẳm. “Pháp thân không tướng, nhưng hóa hiện mọi hình tướng” “Kim khẩu không lời, nhưng phát hiện mọi lời”. Những ý niệm cùng loại đó thường bắt gặp trong thiền tông.
Tuy nhiên, có một quá trình riêng biệt nơi Thiền tông. Khi định tâm vào tư duy tịch mặc, một “công án” được đặt ra cho hành giả để trắc nghiệm khả năng tiến bộ đến tỏ ngộ. Khi nhận một công án, hành giả bắt đầu tĩnh tọa nơi Thiền đường. Ngồi thoải mái, chân kiết già, thân ngay ngắn và thẳng lưng, tay kết thiền ấn, mắt mở nửa chừng. Đây gọi là tọa thiền, có thể kéo dài trong nhiều ngày đêm. Sinh hoạt hàng ngày, ở, ăn, ngủ, tắm… đều được giữ có chừng mực. Im lặng được tuyệt đối tuân giữ; tức khi tọa thiền, thọ thực hay tẩy trần, không ai được nói lời nào và gây tiếng động nào. Thỉnh thoảng xảy ra cuộc đối thoại gọi là “vấn đáp” giữa hành giả và Thiền sư được mệnh danh là “vân thủy” (học tu thiền), hành giả nêu những thắc mắc và Thiền sư trả lời hoặc bằng ẩn dụ hay quát mắng. Khi hành giả đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề, ông ta đến viếng thăm sư phụ nơi trượng thất, trình bày những gì đã thấu hiểu và xin được giải quyết công án. Nếu Thiền sư đắc ý, ngài sẽ nhận cho là đắc đạo; nếu không, hành giả lại phải thiền quán thêm nữa.
Thiền, thường được thực hành trong khu rừng xa vắng, có vẻ như quá bỏ xa thế giới thực tế, nhưng mà tâm thức của các hành giả thiền là luôn luôn hướng đến sự tuân giữ nghiêm mật và vi tế những giới luật. Lý tưởng này được thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày và trong kinh nghiệm cá nhân. Thường những lý tưởng này rất thực dụng. Những cách ngôn danh tiếng của các thiền sư như là “bất tác bất thực” (Tổ Bách Trượng), “nhật tân nhật nhật tân”, “Bình thường tâm là đạo”, “đi, đứng, ngồi, nằm, là Thánh giáo”, đó là điển hình cho sự thực hành của lý tưởng này. Không cần ngần ngại khi nói rằng Thiền là sự đòi hỏi một cuộc tu tập để lắng nghe tiếng nói trong im lặng, để tìm thấy hành trong vô hành, động trong bất động hay để an nhiên trong tĩnh lặng và không sợ hãi trước cái chết. Khuynh hướng này chắc chắn lôi cuốn được giai cấp võ sĩ và từ đó ngẫu nhiên dọn đường cho sự hiện diện của cấp võ sĩ đạo (bushidō).
Ngoài ra, khi ta thấy ảnh hưởng hiển nhiên của Thiền trong văn học (thi ca v.v...), kịch nghệ (kịch Nô, kịch thơ...), hội họa (thủy mặc, truyền thần), kiến trúc (chùa chiền, vách giấy, trà thất), kỹ nghệ (sơn mài…), và sinh hoạt xã hội (trà đạo, nấu chay, cắm hoa, trang trí), và hiện tại, trong ngành giáo dục của Nhật bản, có thể thấy ngay rằng Thiền hầu như không thể tách rời khỏi cuộc sống của quốc gia Nhật. Có thể là lý tưởng quốc gia về sự giản dị, thanh khiết và thành thật đã biểu lộ hầu hết ở nơi sự thực tập Thiền của Phật giáo.