Phiền Não Tức Bồ Đề

Thứ Năm, 21 Tháng Tư 20169:16 SA(Xem: 2945)
Phiền Não Tức Bồ Đề

Phiền Não Tức Bồ Đề 

H.T Tuyên Hóa

 

Vì Phật thấy chúng sanh chịu cái khổ sanh lão bịnh tử nên Ngài phát tâm xuất gia tu hành để trừ 4 thứ khổ ấy. Còn con  người mình sanh đủ phiền não mà lòng chẳng biết chẳng để ý. Có lúc phiền não hiện ra nơi mặt, có lúc mình dấu trong tâm. Khi vô minh mà nổi dậy thì chẳng có biết chuyện chi nữa. Bởi vô minh mà làm loạn thì lòng liền u mê hồ đồ, nên biết phiền não là nhân duyên chướng ngại Đạo, là tảng đá cột chân  người tu đạo vậy.  

Song le, ở phản diện mà nhìn thì ta không thể chẳng có phiền não, vì sao? Vì “phiền não là Bồ Đề”. Nếu biết vận dụng thì phiền não tức bồ đề. Nếu chẳng biết vận dụng thì bồ đề trở thành phiền não. Ví dụ, bồ đề là nước, phiền não là nước đá. Nước là nước đá, mà nước đá cũng là nước. Nước đá (ice) và nước đồng một thể, chẳng phải hai thứ. Lúc lạnh thì nước đóng băng. Trời nóng thì băng thành nước. Khi có phiền não thì băng thành nước. Đạo lý này thể dễ hiểu. Có phiền não thì hiện băng (phiền não - vô minh). Chẳng phiền não thì lọ nước (bồ đề - trí huệ).  

Điểm này các vị nhớ lấy, nhớ lấy!  Chúng ta kẻ tu đạo chẳng thể tu tám vạn bốn ngàn đại kiếp mà phiền não vẫn còn trơ trơ. Nếu hằng ngày phải ăn phiền não để sống, không ăn phiền não chắc đói chết thì đây thật là đáng thương xót lắm.  

Bịnh tật của ta do đâu mà ra? Do ba độc tham sân si mà ra. Người chẳng còn ba độc, thì bịnh gì cũng hết. Pháp Phật có Giới, Định, Huệ là thứ thuốc thần đặc biệt để trị tham sân si. Thuốc mà tới thì bịnh phải trừ, linh lắm!

 

Tâm thanh, thủy nguyệt hiện

Ý định, thiên vô vân.

 

Diễn nghĩa:

 

Lòng trong suốt nước hiện bóng trăng.

(tâm hiện Phật tánh)

Ý an định trời mây chẳng gợn.

(lòng chẳng khởi phiền não)

 

Đó là cảnh giới chẳng phiền não. Hễ tâm bình thì trăm nạn tiêu tan. Ý định thì vạn sự kiết tường. Danh ngôn này chí lý lắm, có thề chung thân dùng nó. Lại nữa:

 

Tâm lắng, niệm dừng là phú quý thật

Dứt hết tư dục ruộng phước mới chân.

 

Tâm đầy vọng tưởng dứt tuyệt, lòng lăng xăng phan duyên gạn sạch thì đó mới là thứ giàu sang chân thật nhất. Không tham cũng tức là phú quý. Vì sao người tham? Vì không biết tri túc, cứ nghĩ rằng mình thiếu, mình không đủ. Do đó phải tham phải thêm. Không có tư dục (lòng dục vọng ích kỷ, vì cá nhân mình) thì đó là ruộng phước. Nếu lòng ham muốn ích kỷ riêng tư này mà trừ hết thì đó là ruộng phước chân thật.  

Thế nào là phiền não? Là những thứ thất tình lục dục khiến tâm và thân chẳng đắc tự tại. Ưu là gì? Là lo âu buồn rầu chẳng vui. Hoạn là gì? Là những thứ tai họa khiến chuyện bất hạnh phát sanh. Những thứ trên bức bách trói buộc ta giống xiềng xích vô minh, dây thừng phiền não cột chặt mình lại, hoặc như tảng đá đè nghẹt thở  người mình.  

Đức Phật vì muốn chúng sanh lìa phiền não, rời bức bách, đắc an lạc, được giải thoát nên Ngài mới dạy chúng sanh phát tâm đại giác ngộ, tu học công đức và hạnh môn của chư Phật. Vì thế chúng ta phải lắng nghe, tin tưởng, y giáo phụng hành.  

Lòng phiền não vốn vô lượng vô biên, song nên biết  chúng vốn là ảo ảnh (bóng nước phản ánh trên mặt đường lúc trời nắng chói). Chư Bồ Tát thấy chúng sanh thì điên điên đảo đảo: cho điều thẳng thắn là cong vạy, lấy chuyện quanh co làm chính trực; đem đen làm trắng, lấy trắng làm đen. Cho việc ác là lành, lấy việc lành là xấu. Bất luận các Ngài giáo hóa làm sao, chúng sanh cũng chẳng chịu sửa đổi thói hư tật xấu, dẫy đầy chướng ngại. Nếu các Ngài có chỉ điểm lỗi lầm của ai, thì chắc chắn kẻ đó không vui lòng đâu; y sẽ tìm đủ mọi cách để bào chữa, bảo vệ lỗi lầm của y và chẳng chịu sửa lỗi để trở thành kẻ tốt đâu. Thậm chí có lúc y còn nổi lòng đại vô minh, đại phiền não. Đối với chúng sanh như thế Bồ Tát chỉ khởi lòng từ bi lân mẫn, tay dắt miệng dạy, ân cần chỉ bày không mệt. Các Ngài dạy rằng: chớ nên nói thị phi, chẳng nên sanh phiền não; rằng nếu chẳng nóng giận, chẳng đố kỵ, chướng ngại kẻ khác, thì mình có thể xuất ly biển khổ.  

Thân người là thứ giả dối. Mình chớ đem cái túi da thịt thối tha này cho là đồ bảo bối. Rồi vì thế làm gì, đi đâu cũng bảo vệ khiến thân được hưởng thụ sung sướng, sợ thân này chịu khổ. Song le, tấm thân này ở đâu cũng chỉ làm mình thêm phiền lụy thôi.