Trình Tự Của Cư sĩ Học Phật

Thứ Sáu, 02 Tháng Sáu 20236:28 CH(Xem: 697)
Trình Tự Của Cư sĩ Học Phật
TRÌNH TỰ CỦA CƯ SĨ HỌC PHẬT
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
 

Nhân đọc Thái Hư Đại Sư, thấy bài “Trình Tự của cư sĩ học Phật” hàm chứa nhiều lời chỉ bảo thiết thực, lời lẽ lại giản dị dễ hiểu, nên phỏng viết lại, làm món quà cống hiến bạn đườngtrước thềm năm mới.

- Chánh Trí-


Trình là lịch trình, con đường trải qua. Tự là tuần tự, trước sau thứ lớp.  Vậy trình tự của cư sĩ học Phật là con đường mà người tại gia tu Phật phải theo thứ lớp trải qua các giai đoạn.


Theo Thái Hư Đại sư, con đường ấy có tất cả tám giai đoạn như sau:

1. Tìm sách vỡ lòng về Phật pháp học đọc để khai tâm mở trí và kiến lập lòng tin. - Nên nhận kỹ hai chữ “vỡ lòng”. Mới bước vào đường đạo, không nên tìm những kinh sách quá cao để xem đọc, mà trái lại, phải cố học những sách dạy ta những giáo lý căn bản, để hoán cải những tri kiến phàm phu của chúng ta và làm phương khai tâm mở trí hướng về ánh sáng giác ngộ của Phật. Càng học đọc, càng thâm hiểu; càng thâm hiểu, lòng tin nơi phương pháp giải thoát của Phật càng dày, nhờ đó mà phát tâm tu hành.

2. Làm lễ quy y, tập hành thiện nghiệp. - Lễ quy y như thế nào, phần đông ai cũng biết, nhưng nhận chân những người đã kiến lập lòng tin trên sự hiểu biết giáo pháp căn bản của Phật như vừa nói. Vậy, trước có phần nào sáng suốt, nhiên hậu mới quy y, và quy y trong hoàn cảnh này mới thật là quy y chân chính.


Quy y xong, tập hành thiện, dù là những việc lành nhỏ nhặt cũng chớ từ chối.

3. Thọ ngũ giới. - Đã quy y hành thiện, một ít lâu sau, thấy tự mình đã có phần thay đổi tốt hơn trước, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, thì xin thọ năm giới là không sát sinh, không tà dâm, không vọng ngữ, không trộm cắp, không uống dùng những chất làm say, có hại cho trí tuệ.

4. Hành bát quan trai. - Đã thọ xong năm giới, hằng nắm giữ thanh tịnh, thì trong chốn nhân gian, đã vào hàng hiền thánh. Đến đây nên bước thêm một bước, học tập từng kỳ ngắn một, những hành vi đại khái Phật mà thọ Bát quan trai.


Quán có nghĩa là phân ra từng kỳ là mấy ngày, lại có nghĩa là đóng cửa không cho các việc làm ác còn có ngõ ra. Bởi vậy, theo phép thọ Bát trai giới, kỳ hạn ngắn nhất là một ngày một đêm, dài hơn một chút là hai ngày hai đêm, hoặc dài hơn là bảy ngày bảy đêm, cho đến trăm ngày trăm đêm - tức là ba tháng mười ngày - tuỳ ý người tập tu, muốn ước định mỗi kỳ dài ngắn.


Khi xin thọ Bát quan trai, người cư sĩ phải hướng về vị Đại Đức sa môn mà tuyên cáo trước đại chúng lời nguyện của mình thọ giới trong mấy ngày mấy đêm. Thọ xong rồi, suốt thời kỳ đã lập nguyện, phải ở tại chùa hoặc trong tịnh thất và giữ mình như một người xuất gia, bao nhiêu tập nhiễm, thị hiếu của thế gian phải dẹp bỏ hết. Ngày đêm tinh tấn không gián đoạn, cung kính trước Tam Bảo, giữ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cho trong sạch như Phật, không sát sinh, không trộm cắp, không dâm, không vọng ngữ, không ẩm tửu, không trang sức các thứ phấn sáp nước hoa, không mặc quần áo lụa hàng màu sắc, không nằm giường cao và rộng lớn, không giữ tiền của bạc vàng và xem hát nghe ca buổi tối, hễ quá ngọ là không ăn. Tuỳ kỳ hạn của mình tự nguyện, phải nắm giữ và tu hành như thế, ngăn đón mọi điều ác, dứt nghĩ ngợi, trí thảnh thơi, thoát ly các tục nhiễm, tiết giảm việc ăn ngủ. Sẽ có hai kết quả: gần là một người có nhân cách mới, cao thượng, nghiêm khiết, dung mạo đoan trang, mặt mày sáng rỡ; xa sẽ thông cảm với pháp giới thanh tịnh của Như Lai.


Trong đời sống tầm thường, nếu lâu lâu xa lánh chức nghiệp của mình một thời gian ngắn như thế, cũng là một phương tiện hay để an nhàn tĩnh mịch, kiểm điểm cái hay dỡ mà sửa đổi, huống hồ trong việc tu hành. Mỗi lần thọ Bát quan trai có một công lực hay hơn nhiều năm giữ ngũ giới rồi mới được thọ bát quan trai, nhưng chỉ có người đã thọ năm giới và ba quy ước, sau lại thọ thêm bát quan trai, mới thâu thập được cái công hiệu vừa nói.

5. Trì tâm giới. - Đã hằng ngày nắm giữ năm giới, hoặc lâu lâu thọ bát quan trai trong một thời gian ngắn xong, nếu muốn tăng tấn, thì phải nên tịnh ý là nơi phát sinh độc phiền não, nghĩa là phải tiến tới việc trì tâm giới, sùng hành thập thiện. Thân không sát sinh, trộm cắp, dâm dục; miệng không vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, rất tốt.  Nhưng ý không tham, không sân không si, mới là hoàn hảo.


Dứt mọi ác của thân, đồng với việc giữ năm giới; dứt mọi ác của miệng, ắt cũng bỏ luôn thói đâm bị thóc thọc bị gạo, rủa sả mắng chưởi, nói giọng cầu cao, gìn giữ miệng mình càng ngày càng nghiêm mật hơn; tịnh trừ ý ác, ắt hành mười thiện.


Tuy nhiên, mười thiện là căn bản của Thánh chúng, cương lãnh của vạn đức, nhán nhóc không lường, nhặt nhạnh khó tận, nên phải tu tới cấp Bồ tát thứ hai (nhị địa) mới nắm giữ thanh tịnh được, vì phải đến quả Phật mới thành tựu viên mãn, còn bậc phàm tăng không dễ tinh nghiêm, huống là kẻ cư sĩ. Vì vậy phải cố gắng lắm lắm, và nên tìm bậc sa môn Bồ tát xin thọ mười trọng giới trong Kinh Phạm võng và hết lòng nghiêm giữ mới mong thành tựu. Suy rộng ra thì thấy có nắm giữ vẹn toàn giới luật mới có thể làm việc lành và giúp ích mọi loài hữu tình. Đó là cơ sở của vạn hạnh Bồ tát. Phải là người trí mới đạt đến chỗ siêu nhiên ấy được.

6. Tu định huệ. - Như đã nói ở các khoản trước, bắt đầu học (giải) để sanh lòng tin (tín), kế đó tập giữ giới và hành thiện. Phàm học Phật, phải lấy Tín làm mẹ, trì giới làm cơ sở. Lòng tin đầy đủ thì giới luật đến, hễ gốc vững thì đạo sinh chừng ấy có thể tiến bước mà tu định huệ. 

Định, huệ mà không rèn luyện trong lòng tin chân chính, trong việc giữ giới thanh tịnh thì định ấy sẽ là tà định của tạp ma, còn huệ kia cũng sẽ là cuồng huệ của phước nhiễm. Ngoại đạo bàng môn chỉ lấy tà định mà hại người; kẻ khôn lanh luận hay nói giỏi của thế gian thường lấy cuồng huệ mà hoặc chúng. Những cái hại vừa kể toàn do chỗ lòng tin và trí sáng chưa được sâu chặt.


Tu tập thiền định, tức tu chỉ quán. Theo Thánh giáo, có năm phép quán gọi là: Bất tịnh quán, Từ bi quán, Duyên khởi quán, Sổ tức quán, Niệm Phật quán.


Bất tịnh, Từ bi, Duyên khởi là những phương pháp để trị ba chứng Tham, Sân, Si. Tu tập ba pháp môn này không phải dễ.

Sổ tức (đếm hơi thở) là để trừ chứng tán loạn và buồn ngủ. Đây là cửa bước vào cõi Định. Còn Niệm Phật là con đường tắt để đến chỗ xa lìa các chướng ngại, lấy thói quen làm căn cứ.


Ngoài năm pháp - môn chỉ quán vừa kể, ở Trung Hoa còn lưu truyền những phương tiện khác như lễ Phật, xưng danh tụng kinh tham thoại, trì chú.


Niệm Phật, thật ra là dứt nghĩ xằng tưởng quấy, để tâm tưởng nhớ đến công đức và tướng tốt của Phật, vì vậy cũng là một pháp môn hay để đình chỉ các tưởng, y như phép chỉ quán. Trong việc Niệm Phật, lại chia ra có lễ Phật và xưng danh. Lễ Phật là giữ thân nghiêm chỉnh, hết lòng cung kính lễ bái trước tượng Phật, hoặc hằng ngày, hoặc có kỳ, như lễ bái ngày rằm, ba mươi chẳng hạn. Trong lúc lễ bái, tưởng niệm công đức, tướng tốt của Phật. Như thế thì ba nghiệp thân, khẩu, ý được trừ, lâu ngày chầy tháng, định tâm sẽ hiện, cũng như tập ngồi thiền, tu tam muội.


Xưng danh niệm Phật là miệng đọc danh hiệu của chư Phật, chư Bồ tát, tâm để vào các đức tốt của các ngài, không còn nghĩ tưởng sái quấy. Pháp môn này căn cứ trên hai bộ Kinh Vô lượng Thọ Phật và Phật thuyết A Di Đà, lấy việc niệm danh hiệu của đức Phật A Di Đà hoặc một ngày, hai ngày, chí bảy ngày mà tâm không tán loạn, làm cốt yếu.


Ba phép quán Bất tịnh, Từ bi, và Duyên khởi có lẽ đã làm phát sinh hai pháp môn Tụng kinh và Tham thoại đầu.


Tụng kinh là để soi rõ những phiền não, phân biệt trọng tâm, rồi lần hồi chinh phục Tham, Sân, Si. Nhờ Tham Thoại đầu mà Tham, Sân không còn nổi dậy, đánh đổ luôn tánh Si.


Tụng kinh thì thường tụng Bát nhã tâm kinh, Pháp Hoa Kinh v.v… bất luận kinh nào, nhưng tụng một thứ thôi. Như nếu nhờ tụng Pháp Hoa mà được định, thì gọi là “đắc Pháp Hoa tam muội".


Tham thoại đầu,là tự ra cho mình một đầu đề thí dụ như: Bản lai diện mục, rồi hết sức tham cứu, nghiền ngẫm, suy tìm cho thấy được cái diệu nghĩa.


Trì chú là đọc tụng những bài dịch âm, gần giống như việc tụng kinh, niệm Phật. Muốn trì chú, phải có thầy truyền dạy chân ngôn bí giáo, lấy việc định tâm là kỷ luật, thiết lập đàn tràng, thân tay bắt ấn, quán tưởng một chữ nào đó, như chữ A phạn tự (cũng đọc là Ám hay Úm), đồng thời miệng đọc chú (chân ngôn). Ba nghiệp thân khẩu ý sẽ ứng đối với nhau một cách huyền bí. giữa tâm người hành giả và bậc Thánh đức (Phật hay Bồ tát) mà người ấy tôn thờ,sẽ có một sự giao cảm lạ thường dung hòa nhau như nước trong biển cả. Như thế cũng là tu định. Định có rồi, đem các lối quán đã chỉ mà thực hành, sẽ mau tiến bộ.


Các phép chỉ quán nói qua, hay dở ở chỗ hành. Phải hành thế nào cho tới chỗ diệt tình, sanh trí, Định Huệ đều được, rồi bắt đầu tham khảo các kinh sách khó hơn như các loại Kinh A Hàm, Bảo Tích, Bát Nhã, Thâm Mật, Lăng Già, Hoa Nghiêm, v.v… cũng như các bộ Luận Câu Xá, Thành Thực, Trung  Quán, Thành Duy Thức, Du Già Sư Địa. 

7. Cầu vãng sinh. - Từ trước đến đây đã nói về Tín, Giải và Hành. Tín, Giải mà Hành cho thâm, không hề lơ đãng thì kết quả ắt mong chờ được. Nhưng nếu cố tâm trì chí như thế mà nghiệp duyên còn nặng, ác duyên sở bức, thì không thể không cầu tha lực để thêm duyên cho sự tu hành. Cầu tha lực tức là nguyện vãng sinh, hoặc về cung Đâu Suất, nhờ oai lực của Đức Di Lặc, hoặc về Cực Lạc nhờ sự tiếp dẫn của Đức A Di Đà, và hết lòng tin tưởng rằng khi lâm chung, sẽ được Phật Thánh rước về các cõi ấy. Như thế là đủ Tín, Nguyện, Hành.

8. Phát Bồ đề tâm. - Kiên cố phát Bồ đề tâm,  thương xót các loại hữu tình  trong năm  cõi, thệ nguyện cứu vớt làm các hạnh Bồ tát,  y như Phật đã làm khi còn tu tập, thí như hoa Ưu Đàm ở trong  lò lửa thế gian,  là việc hoa Ưu Đàm ngàn năm mới nở một lần.


Tới đây, chúng ta đã thấy những giai đoạn mà người cư sĩ tu Phật cần phải trải qua, từ gần  đến  xa, từ  dễ đến khó. Tuy chẻ ra tám đoạn, nhưng tựu trung có ba là Tín, Nguyện, Hành.


Muốn đắc quả Giác ngộ,  Giải  thoát, vì lòng tin của người tu Phật không  phải lòng tin mù quáng nên phải giải, mà muốn giải, phải học cho rõ thông sự lý. Hiểu rõ rồi đem ra thực hành, nhưng thực hành có kiên cố là nhờ sự phát nguyện. Nguyện là tự thệ, tự hứa với mình, cương quyết đi tới cùng, không nửa đường bỏ dở.


(Trích từ tập số 84 - 85,
Tạp chí Từ Quang, năm 1959)