Tôn Giả Xá Lợi Phất Và Trưởng Giả Cấp Cô Độc

Saturday, 17 December 20164:43 PM(View: 6679)
Tôn Giả Xá Lợi Phất Và Trưởng Giả Cấp Cô Độc
TÔN-GIẢ XÁ-LỢI-PHẤT
VÀ TRƯỞNG-GIẢ CẤP-CÔ-ĐỘC

Toàn Không


Khi đức Phật trở lại du hóa tại nước Xá-Vệ trong rừng Đồng-Tử Thắng, đạo tràng Kỳ-Hoàn, thì Trưởng-giả Cấp-cô-Độc mang bệnh hiểm nghèo; hôm ấy, Trưởng-giả Cấp-cô-Độc bảo một người làm sứ-giả đi đến đảnh lễ và thăm hỏi đức Phật, rồi sau đó đến đảnh lễ Tôn-giả Xá-lợi-Phất. Người này nói ý nguyện của Trưởng-giả muốn được gặp Tôn-giả Xá-lợi-Phất, nhưng vì Trưởng-giả bị bệnh trầm trọng nên không thể đến được, và xin Tôn-giả vì lòng từ-mẫn mà đến nhà Trưởng-giả.


1)- Cách chữa bệnh kỳ lạ:


Vào sáng hôm sau, Tôn-giả Xá-lợi-Phất đi đến nhà Trưởng-giả Cấp-cô-Độc. Trưởng-giả vừa trông thấy Tôn-giả đến cửa, liền từ giường nằm muốn đứng dậy, nhưng Tôn-giả cản lại mà bảo:


- Trưởng-giả cứ nằm, đừng đứng dậy vì còn đang bệnh, bệnh trạng của Trưởng-giả hôm nay thế nào, có thuyên giảm không, ăn uống được không?


Trưởng-giả trả lời:


- Bệnh trạng của con rất nguy hiểm, ăn uống chẳng được, sự đau đớn chỉ tăng thêm mà chẳng giảm bớt chút nào! Không chừng vì vậy mà con có thể chết bất cứ lúc nào.


Tôn-giả Xá-lợi-Phất bảo:


- Này Trưởng-giả,


Ông đừng ngại, chớ nên sợ, vì nếu là kẻ phàm-phu ngu-si bất tín (không tin Phật-Pháp Tăng) thì khi chết sẽ sinh vào cõi xấu; còn Trưởng-giả không hề có sự bất tín mà chỉ có chính tín. Nhờ vậy nên sẽ diệt được đau nhức, sinh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do lòng tin ấy nên sẽ chứng qủa Tư-đà-Hàm (Thiền thứ hai), hay chứng qủa A-na-Hàm (Thiền thứ ba), vì Trưởng-giả đã chứng qủa Tu-đà-Hoàn (Thiền thứ nhất).


Nên biết, ông chớ nên ngại, đừng sợ, vì kẻ ngu-si có đủ thứ tham-lam, có đủ thứ sân-hận giận-thù, nên khi chết sinh thẳng vào cõi ác; còn ông không hề có tham, sân, mà chỉ có huệ-thí (bố-thí, cúng-dường không vụ lợi). Nhân có huệ-thí nên: sẽ tiêu diệt đau đớn thống khổ, và sinh ra thoải mái vô cùng; hoặc nhân có huệ-thí ấy mà chứng qủa thứ hai Tư-đà-Hàm hay qủa thứ ba A-na-Hàm, vì ông vốn đã chứng quả thứ nhất Tu-đà-Hoàn.


Ông không nên sợ, chớ lo, vì nếu là kẻ phàm-phu ngu-si không có đa-văn, khi chết sinh vào chỗ không tốt, còn ông có đa-văn (học rộng hiểu nhiều, ghi nhớ không quên), nhờ vậy nên sẽ diệt trừ đau đớn phiền hà, và sinh ra vui vẻ vô cùng; hoặc nhân có đa-văn nên sẽ chứng quả Tư-đà-Hàm hay A-na-Hàm, vì ông vốn đã chứng quả Tu-đà-Hoàn.


Điểm nữa: ông đừng ngại, chớ sợ, tại sao vậy? Vì kẻ làm ác có ác giới (làm các việc ác), nên khi chết liền sinh thẳng vào Địa-ngục, còn ông không hề làm các điều ác, mà chỉ có thiện giới (làm các việc lành). Vì có thiện-giới nên sẽ tiêu diệt sự đau đớn bệnh tật, và sinh ra vui vẻ sung sướng. Hoặc nhân có thiện-giới ấy nên sẽ chứng qủa thứ nhì hay quả thứ ba, vì ông đã chứng qủa thứ nhất rồi.


Trưởng-giả nên nhớ, không nên sợ, đừng sợ, vì sao? Tại vì nếu là người phàm-phu ngu-si có ác ngữ (nói dối, nói đâm thọc, nói lời độc ác, và nói lời thô bỉ nhảm nhí), nên khi chết đi sẽ sinh vào đường ác; còn Trưởng-giả không hề có ác ngữ mà chỉ có chính ngữ, có chính ngữ nên sẽ diệt tận sự đau đớn trong thân thể, sinh ra thoải mái nhẹ nhàng. Hoặc nhân có chính ngữ mà chứng qủa Tư-đà-Hàm hay A-na-Hàm, vì Trưởng-giả đã chứng Tu-đà-Hoàn.


Ông cũng chẳng phải lo, chẳng phải sợ, tại sao vậy? Vì nếu là kẻ có tà nghiệp (hành động nơi thân không chân chính như sát sanh, trộm cướp, tà dâm), nên khi chết sinh vào Địa ngục; còn ông không hề có tà nghiệp, mà chỉ làm các thiện nghiệp, chính nghiệp, nên sẽ tiêu diệt mọi buồn phiền, và sinh ra an ổn nhẹ nhàng. Hoặc nhân có chính nghiệp mà chứng qủa Tư-đà-Hàm hay A-na-Hàm, vì ông vốn đã chứng qủa Tu-đà-Hoàn.


Lại nữa, ông đừng sợ, chớ sợ, vì sao thế? Vì nếu là kẻ phàm-phu ngu-si làm tà mạng (sống bằng nghề nghiệp không chính đáng như nghề trộm cắp cướp, nghề giết súc vật, nghề dùng bùa chú v.v. để sinh sống) nên khi chết sẽ sinh vào ba cõi ác; còn ông chỉ có chính mạng, nhân có chính mạng nên sẽ chấm dứt sự thống khổ, sinh ra thoải mái. Hoặc nhân có chính mạng nên sẽ chứng qủa thứ hai hay thứ ba, vì ông đã chứng qủa thứ nhất rồi.


Trưởng-giả, không sợ, đừng lo, vì sao vậy? Vì kẻ ngu-si có tà kiến, nên khi chết đi sinh vào chỗ xấu ; còn Trưởng-giả chỉ có chính kiến (hiểu biết có thiện nghiệp, ác nghiệp, thiện báo ác báo, có đời này đời khác, có luân hồi nhân quả v.v), nhân có chính kiến nên sẽ tiêu diệt hết đau đớn lo buồn. Hoặc nhân có chính kiến nên sẽ chứng qủa Tư-đà-Hàm hay A-na-Hàm, vì Trưởng-giả đã chứng qủa Tu-đà-Hoàn.


Sau nữa, ông lại càng không nên sợ, chớ sợ, vì sao? Vì kẻ ngu-si có tà giải (tà giải có nghĩa là ý thức, kiến giải, hiểu một cách tà vạy), nên khi chết sẽ sinh vào chỗ dữ; còn ông chỉ có chính giải nên sẽ tiêu diệt được sự thống khổ, sinh ra khoái lạc vô cùng; hoặc nhân có chính giải nên sẽ chứng qủa thứ nhì hay thứ ba, vì ông đã chứng qủa thứ nhất.


Sau chót, ông đừng sợ, cũng chẳng phải lo tí nào, tại sao vậy? Tại vì nếu là kẻ phàm-phu ngu-si có tà trí (hiểu biết sai) nên khi chết đi thẳng đến chỗ không tốt; còn ông không có tà trí mà chỉ có chính trí, nhân có chính trí nên sẽ chấm dứt mọi bệnh tật đau khổ, sinh ra khoan khoái nhẹ nhàng; hoặc nhân có chính trí nên sẽ chứng qủa thứ hai Tư-đà-Hàm hay qủa thứ ba A-na-Hàm, vì ông vốn đã chứng qủa thứ nhất Tu-đà-Hoàn.


Sau khi nghe Tôn-giả Xá-lợi-Phất thuyết giảng một hồi như thế, tự nhiên bệnh trạng của Trưởng-giả Cấp-cô-Độc biến mất; đang nằm, ông ngồi dậy nhẹ nhàng và khen:


- Hay thay! Hay thay! Tôn-giả thuyết pháp cho bệnh nhân thật là kỳ diệu, rất lạ, như có một điểm gì huyền bí; thưa Tôn-giả, khi con nghe bài pháp giáo hóa cho bệnh nhân vừa xong, liền chấm dứt bệnh khổ, sinh ra thoải mái vô cùng. Bây giờ bệnh của con dứt hẳn, không còn đau đớn mệt mỏi nữa, và bình phục khỏe mạnh rõ ràng.


2)-Nhân duyên Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc đối với Đức Phật.
(Tạp A-Hàm, quyển 2 từ trang 460 đến 470)


Thưa Tôn-giả, nhân tiện đây con xin kể về nhân duyên của con đối với đức Thế-Tôn và đối với Tôn-giả trước kia:


Một hôm, nhân có chút việc cần làm, con đi đến thành Vương-Xá, và tạm trú ngụ tại nhà Trưởng-giả, một người bà con. Con thấy vị Trưởng-giả sai bảo con cháu và người giúp việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, sắp xếp bàn ghế; vị Trưởng-giả ấy đích thân sắp đặt một chỗ ngồi cao, trông trang nghiêm vô cùng.


Thưa Tôn-giả, sau khi thấy vậy, con liền hỏi vị ấy rằng: “Ông vì việc hôn-nhân cưới hỏi, hay thỉnh Quốc-Vương, hay mời Đại-thần mà sửa soạn lớn lao như thế này?”


Lúc ấy, vị ấy trả lời con rằng: “Tôi không phải vì việc hôn-nhân, cũng chẳng phải thỉnh Quốc-Vương hay mời Đại-thần; nhưng tôi sửa soạn bữa cơm tiệc chay, vì trưa ngày mai tôi sẽ cúng dường đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo”.


Từ thuở nhỏ cho đến lúc ấy, con chưa từng được nghe đến danh hiệu đức Phật, nên khi nghe rồi, rất là ngạc nhiên, toàn thân con lông dựng ngược, con liền hỏi rằng: “Ông nói Phật, vậy thế nào là Phật?”


Vị Trưởng-giả trả lời con rằng: “Ông chưa được nghe sao? Có một vị dòng dõi họ Thích, từ giã vua cha giàu sang quyền quý, bỏ hết cung vàng điện ngọc, thể tần mỹ nữ. Vị ấy xa lià vợ đẹp con khôn và đại gia đình Hoàng-tộc, cắt bỏ râu tóc, khoác áo Cà-Sa, với lòng sắt đá sống nơi rừng hoang để tìm đạo; vị ấy đã chứng quả vô thượng Chính-Đẳng Chính-Giác, vị ấy gọi là Phật”.


Con lại hỏi rằng: {{Ông đã nói: “Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo”, nay tôi đã hiểu Phật, nhưng còn thế nào là đại chúng Tỳ-kheo?}}.


Vị ấy trả lời con: “Ông nên biết, còn có rất nhiều vị có dòng họ và danh hiệu khác nhau, cũng cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà-Sa, những vị này cũng rời bỏ gia-đình sống không nhà, với lòng chí thiết đi theo đức Phật để học đạo, những vị đó gọi là đại chúng Tỳ-kheo (Ngày nay gọi là chư Tăng). Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo ấy là những bậc tôi sẽ thỉnh đến vào trưa ngày mai, hiện nay đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo đang trú ngụ tại vườn Ca-lan-Đà, trong rừng Trúc, thuộc thành Vương-Xá này. Nếu ông muốn có thể đến đó hay ở lại đây đến ngày mai cũng có thể gặp được, tuỳ ý”.


Thưa Tôn-giả, nghe vị ấy nói xong, lòng con háo hức mong mỏi muốn được gặp đức Phật; nhưng con tự nhủ rằng hôm sau sẽ được cơ hội gặp Phật, nên con lấy làm vui mừng và yên tâm đi ngủ. Con đi ngủ, chẳng biết đã ngủ được bao lâu, khi thức tỉnh, trong lòng con lại nhớ ngay đến việc gặp Phật và không còn ngủ lại được nữa. Con ngồi dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy trời sáng, vì lòng chí thành của con mong muốn được yết kiến đức Phật, nên lúc đang đêm ấy mà con tưởng đã gần sáng rồi. Con liền từ nhà vị Trưởng-giả ấy đi ra, đến trạm kiểm soát nơi cổng thành, trời vẫn còn chưa sáng hẳn. Con vượt cổng thành để đi ra bên ngoài, chẳng bao lâu con đi ngang qua một nghĩa-địa, tự nhiên trời tối hẳn lại, ánh sáng biến mất, con cảm thấy sợ hãi, toàn thân nổi gai ốc. Lúc ấy con nghĩ: “Mong sao đừng có người hay ma-quỷ đến xúc nhiễu (xúc phạm quấy nhiễu)”.


Đột nhiên, con thấy có ánh sáng tỏa chiếu khắp và có tiếng nói: “Này Trưởng-giả đừng sợ, này Trưởng-giả chớ sợ, vì sao vậy? Vì kiếp trước tôi vốn là bạn của ông tên là Mật-Khí, vào lúc còn trẻ chúng ta rất qúy mến nhau; này Trưởng-giả, thuở xa xưa ấy, tôi đến chỗ Mục-kiền-Liên được Ngài thuyết pháp cho tôi và khuyến khích tôi, ban cho tôi tam tự quy y Phật, Pháp, Tăng, và trao cho tôi năm giới (Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu). Này Trưởng-giả, vì tôi đã thọ trì năm giới một cách kiên cố, nên sau khi chết tôi được sinh lên cõi trời Tứ Thiên-Vương, và ở trong trạm dừng tại cổng thành Vương-Xá; Trưởng-giả hãy đi mau lên, hãy đi nhanh lên, đi tốt hơn là đừng lại”.


Rồi vị Trời ấy nói bài tụng khuyên con như sau:


Được trăm ngựa, tỳ nữ,
Trăm xe đầy châu báu,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi đến Phật.
Trăm voi trắng tối thượng,
Với yên cương bằng vàng,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi đến Phật.
Trăm nữ nhân tuyệt đẹp,
Đeo chuỗi ngọc, tràng hoa,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi đến Phật
Chuyển-luân-Vương đệ nhất,
Ngọc-nữ báu yêu mến,
Không bằng phần mười sáu,
Một bước đi đến Phật.


Vị Trời tụng xong, tiếp tục khuyên con rằng:


“Này Trưởng-giả đi mau lên, này Trưởng-giả đi nhanh lên, qủa thật, đi tốt hơn là dừng lại”.


Bấy giờ con nghĩ: “Đức Phật có ân đức rộng lớn che chở bao trùm, đại chúng Tỳ-kheo cũng có ân đức che chở bao trùm, vì vị Trời cũng muốn khiến ta đi đến yết kiến”. Thưa Tôn-giả, con do ánh sáng của vị Trời ấy hướng dẫn mà đi đến Trúc-lâm, vườn Ca-lan-Đà, thì ánh sáng ấy biến mất.


Lúc ấy, trời còn chưa sáng tỏ, con thấy đức Thế-Tôn từ thiền thất đi ra kinh hành ở khu đất trống. Từ xa con trông thấy đức Phật có ánh hào quang rực rỡ tỏa ra chung quanh; đi gần hơn nữa, con thấy Ngài đẹp đẽ trang nghiêm, như mặt trăng giữa các vì tinh-tú. Con thấy rồi, liền hân hoan đi đến trước Phật, đảnh lễ rồi đứng lên theo Ngài kinh hành.


Bấy giờ đức Phật vừa đi đến cuối đường kinh hành, Ngài trải Ni-sư-Đàn (tọa cụ của Phật) rồi ngồi kiết-già; lúc ấy con lại đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên. Đức Thế-Tôn bắt đầu thuyết pháp cho con nghe, Ngài dùng đủ thứ phương tiện thuyết pháp làm cho con được vui thích; rồi Ngài theo thông lệ của chư Phật, trước hết nói về pháp đoan chính để người nghe vui vẻ, đó là nói về bố thí, trì giới và về pháp sinh lên cõi Trời; sau Ngài nói về tai họa của tham dục, sân hận, tà kiến v.v...


Khi đức Thế-Tôn biết con đã có tâm kham nhiễm nhu nhuyễn, có tâm hoan hỷ vươn lên, và có tâm tín chuyên nhất, Ngài liền nói về Khổ, Tập (nguyên nhân gây ra khổ), Diệt (cách diệt trừ khổ), Đạo (con đường dẫn đến đạo) cho con nghe. Ngay khi ấy, con đã thấy bốn Diệu-Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) thật rõ ràng, giống như tấm vải trắng nhuộm thành màu sắc, con cũng như vậy.


Thưa Tôn-giả, con đã thấy Pháp, đắc Pháp; con đã đoạn nghi trừ hoặc, không còn tôn sùng ai, cũng chẳng tin theo người khác. Con không còn một chút do dự, đã trụ nơi qủa chứng, và được sự không sợ hãi đối với giáo-pháp của đức Thế-Tôn, lúc ấy con liền đứng dậy đảnh lễ đức Phật và nói: “Thưa đức Thế-Tôn, con hôm nay tự quy y Phật, Pháp, và chúng Tỳ-kheo; cúi mong đức Thế-Tôn chấp nhận cho con làm Ưu-bà Tắc (Nam Cư-sĩ) bắt đầu từ giờ này cho đến trọn đời con”.


Thưa Tôn-giả, con chắp tay thưa tiếp rằng: “Thưa Thế-Tôn, ngưỡng mong Ngài nhận lời mời của con, cùng đại-chúng Tỳ-kheo đến thành Xá-Vệ (về phương Bắc) thuộc nước Xá-Vệ để an cư mùa mưa”.


Lúc ấy đức Thế-Tôn hỏi con: “Ông tên là gì, người dân nước Xá-Vệ gọi ông bằng gì?”


Con liền thưa: “Con tên là Tu-đạt-Đa, vì con thường cung cấp cho người nghèo cô độc nên người dân trong nước Xá-Vệ gọi con là Cấp-cô-Độc”.


Đức Thế-Tôn lại hỏi: “Tại nước Xá-Vệ ông có phòng ốc gì chưa, nếu có phòng ốc thì các thầy Tỳ-kheo mới có thể vãng lai, mới có thể trú ngụ được”.


Con trả lời rằng: “Thưa Thế-Tôn, tại nước Xá-Vệ, con chưa có phòng ốc, nhưng con có thể cho xây cất, để các thầy Tỳ-kheo vãng lai cư ngụ. Mong đức Thế-Tôn cử một vị Tỳ-kheo đến nước Xá-Vệ giúp con trong việc kiến lập phòng ốc”.


Bấy giờ đức Thế-Tôn liền cử Tôn-giả (Xá-lợi-Phất) đi giúp đỡ con, khi công việc tại thành Vương-Xá xong xuôi, con cùng Tôn-giả đi đến nước Xá-Vệ; nhưng không vào thành ngay, cũng chẳng về nhà, mà lập tức đi dạo khắp nơi bên ngoài thành. Quan sát xem chỗ nào có thể đi lại tiện lợi, ban ngày không ồn ào, và ban đêm tịch tĩnh; chỗ không có muỗi mòng, cũng chẳng ruồi bọ, không nóng cũng chẳng lạnh, có thể xây cất phòng ốc cúng dàng đức Phật và đại-chúng Tỳ-kheo.


Thưa Tôn-giả, bấy giờ con chỉ thấy vườn của hoàng-thân Đồng-Tử Thắng là đủ tiêu chuẩn đã định, con quan sát kỹ rồi liền nghĩ: “Chỉ có chỗ này là thích hợp nhất, là tốt nhất, không còn chỗ nào khác tốt hơn”.


Nghĩ như vậy, con liền đi thẳng đến nhà Đồng-Tử Thắng mà nói rằng: “Thưa Hoàng-thân, Ngài có thể bán khu vườn kia lại cho tôi được không?”


Đồng-Tử liền bảo con: “Trưởng-giả nên biết, tôi không bán vườn đâu”.


Cứ như vậy, lần thứ hai, rồi lần thứ ba con nói như thế; Đồng-Tử cũng lần thứ hai từ chối, rồi lần thứ ba bảo con rằng: “Này Trưởng-giả, tôi đã nói tôi không bán vườn. Ông cứ hỏi lôi thôi mãi, ngoại trừ chỉ khi nào tiền ức triệu ông trải đầy mặt đất”.


Lúc ấy con liền nói: “Này Hoàng-thân, Ngài đã quyết định giá cả, chỉ còn việc trao tiền nữa thôi”.


Thưa Tôn-giả, con và Đồng-Tử Thắng, người thì nói đã quyết định giá cả rồi, người thì nói chưa có quyết định giá cả. Cùng nhau tranh cãi lớn, rồi dắt nhau đến vị Phán Quan xử án của nước Xá-Vệ để xin phán quyết về việc ấy. Bấy giờ vị Phán Quan sau khi nghe đôi bên trình bày, liền bảo Đồng-Tử Thắng rằng: “Này Đồng-Tử Thắng, thế là ông đã tự quyết định giá cã rồi, chỉ còn việc nhận tiền của Trưởng-giả mà thôi, không còn tranh cãi gì nữa”.


Thế là con liền trở về nhà lấy tiền, và dùng voi, xe ngựa để chuyên chở các kho bạc đem đến. Con đã xuất ra tới ức triệu tiền bạc để trải khắp mặt đất, nhưng còn một chỗ chưa khắp đến. Con còn đang suy nghĩ nên lấy bạc ở kho nào để trải chỗ đất còn dư ấy để cho đủ; bấy giờ Đồng-Tử Thắng bảo con rằng: “Này Trưởng-giả, nếu có ăn năn về số tiền ấy thì hãy mang trở về, trả lại khu vườn cho tôi”.


Con bảo Đồng-Tử Thắng: “Tôi không có ăn năn, tôi chỉ suy nghĩ xem nên lấy tiền ở kho nào để mang đến trải chỗ đất còn lại cho vừa đủ, không thừa cũng không thiếu”.


Bấy giờ Đồng-Tử Thắng tự nghĩ: “Đức Phật hẳn là một người cao cả, vĩ đại, và có oai đức lớn; đại chúng Tỳ-kheo hẳn cũng rất cao cả, và cũng có oai đức lớn. Do đó mới làm cho Trưởng-giả này thiết bày sự cúng dàng vĩ đại, coi của cải rẻ đến như thế; có lẽ ta nên xây cổng ngõ tại miếng đất còn lại để cúng dàng”, rồi Đồng-Tử Thắng bảo con: “Này Trưởng-giả, hãy thôi đi, đừng xuất tiền để trải chỗ đất còn lại nữa, vì ngay chỗ đất ấy tôi sẽ xây cổng ngõ để cúng dàng Phật và đại-chúng Tỳ-kheo”.


Thưa Tôn-giả, vì lòng từ-mẫn, nên con đồng ý để chỗ đất ấy lại cho Đồng-Tử Thắng xây cổng ngõ.


3)- Ngoại đạo quy phục Tôn-giả Xá-Lợi-Phất:
(Đại Thừa Kim Cang Kinh luận, từ trang 82 đến trang 85)


Khi vừa khởi công xây cất, lại xảy ra việc ngoại đạo ngăn cản, nhiều nhóm Bà-la-môn (Ấn-Độ-Giáo) đến gặp con yêu cầu hủy bỏ xây cất Tịnh-xá, nhưng tín tâm đối với đức Phật của con rất kiên cố nên họ không thể nào lay chuyển nổi; họ bèn xoay qua việc đòi tranh luận với đệ-tử Phật là Tôn-giả để đánh bại lý thuyết Phật-giáo, hầu dẹp trừ sự phát triển của Phật-giáo tại vùng Bắc (Ấn-Độ) này.


Thưa Tôn-giả, con nghe tin như thế thì đâm ra hoang mang lo sợ, vì họ huy động một lực lượng hùng hậu gồm 10 Luận-Biện-Sư nổi tiếng nhất xứ (Ấn-Độ) đến, trong khi đó chỉ có một mình Tôn-giả. Con rất lo ngại báo tin ấy với Tôn-giả, nhưng Tôn-giả trái lại không hề lo lắng, mà tỏ ra hoan-hỷ, vì Tôn-giả cho rằng đây là cơ hội tốt để thể hiện và tuyên dương lý thuyết của Phật-giáo tại miền Bắc này, rồi họ hẹn ngày và địa điểm tranh biện.


Ngày tranh luận, dù họ đông, dương oai thế lực, nhưng từ nhỏ Tôn-giả đã thừa hưởng một kiến thức siêu quần về Bà-la-môn của cha ông, và đặc biệt hơn là Tôn-giả đã đắc qủa A-La-Hán với giáo-lý của Phật. Kết qủa cuối cùng là Tôn-giả thắng lợi, khiến một số ngoại đạo tiếp thu chân-lý và xin Tôn-giả hướng dẫn quy-y Phật-Pháp. Từ đó đến nay vô số người tại miền Bắc này trở thành con Phật.


Việc xây cất Tịnh-xá chủng-viện bởi thế trở nên rất thuận lợi và nhanh chóng, rồi suốt trong mùa hè ấy, con đã cấp tốc cho xây cất hoàn tất mười sáu dãy nhà làm các giảng đường và đại giảng đường, và mười nhà lớn biệt lập, mỗi nhà đều có ngăn nhiều phòng riêng biệt làm nơi trú ngụ. Lại có nhà tắm, nơi chứa nước, ao hồ, suối, đường để đi kinh hành v.v...


Con còn nhớ rõ, lúc Tịnh-xá sắp hoàn tất, hôm ấy đang khi đi thăm công việc xây cất, Tôn-giả bỗng nhiên nói với con: “Này Trưởng-giả, ông hãy nhìn lên Trời xem có gì lạ kià.” Con vội nhìn lên nhưng chẳng thấy gì cả nên đã trả lời rằng: “Con chẳng thấy gì trên Trời cả”. Tôn-giả nói: “À phải rồi, mắt thường của con người không thấy được, Trưởng-giả hãy đến gần tôi và nương theo Thiên nhãn của tôi mà nhìn lại xem sao”. Con liền đến đứng sát Tôn-giả mà nương nhìn liền thấy rất nhiều cung-điện trang nghiêm đẹp đẽ vô cùng. Tôn-giả giải thích rằng: “Những cung điện ấy dành cho Trưởng-giả vì ông đã phát đại tâm xây cất Tịnh-xá cúng dường Phật.”.


Thưa Tôn-giả, lúc ấy con đâm ra hoang mang, và nói: “Sao nhiều cung điên quá, con biết ở cung điên nào?”. Tôn-giả bảo: “Trưởng-giả nên chọn cung điên ở cung Trời Đạo-Lợi, có thọ mạng khá lâu dài, lại biết tu hành, và khó đọa lạc”. Con ưng ý ngay và buột miệng nói: “Con ước mong sau này được sinh đến cõi Trời Đạo-Lợi”, con vừa nghĩ vừa nói xong, lạ thay các cung điện đều biến mất, chỉ còn một cung điện mà thôi, khi ấy Tôn-giả bảo: “Chỉ còn cung điện của cõi Trời Đạo-Lợi theo ý nguyện của Trưởng-giả đó”. Lúc ấy con vui mừng biết mấy.


Thời ấy Tôn giả đã giúp đỡ con rất nhiều trong việc dựng lập Tịnh-xá chủng-viện, hôm nay Tôn-giả thuyết pháp để giáo hóa người bệnh rất là kỳ lạ. Con nghe bài giáo hóa người bệnh vừa rồi, bệnh khổ nặng nề liền biến mất, lại sinh ra vui vẻ nhẹ nhàng vô cùng.


4)- Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc sinh lên cõi Trời.


Về sau, lúc đã lớn tuổi già yếu bệnh hoạn nhiều, và cảm thấy không còn sống được bao lâu nữa; Trưởng-giả Cấp cô-Độc sai sứ-giả đến đảnh lễ, thăm hỏi đức Thế-Tôn và thưa rằng bệnh tình của Trưởng-giả đã đến hồi trầm trọng, nhưng ông vẫn từ giường bệnh kính cẩn đảnh lễ đức Thế-Tôn. Sau đó: sứ-giả cũng đến thăm hỏi Tôn-giả Xá-lợi-Phất, và nói ý nguyện của Trưởng-giả là muốn được gặp Tôn-giả trước khi nhắm mắt qua đời.


Theo lời thỉnh, Tôn-giả Xá-lợi-Phất đi cùng với Tôn-giả A-nan-Đà đến nhà Trưởng-giả Cấp cô-Độc và thăm hỏi bệnh tình; Trưởng-giả Cấp cô-Độc thưa rằng bệnh của ông không có dấu hiệu giảm bớt, mà chỉ có tăng thêm, càng ngày càng trầm trọng hơn, và có thể chết bất cứ lúc nào.


Tôn-giả Xá-lợi-Phất liền thuyết cho ông một bài pháp rất chi tiết mạch lạc, Tôn-giả bảo ông ráng thực hành, đại cương gồm những điểm sau đây:


1- Quán niệm về Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng thì sẽ không bị đọa vào ba đường ác là Ngạ-Qủy, Súc-sanh, và Địa-Ngục.


2- Quán niệm về 18 giới: sáu căn (giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, xúc thức, và ý thức) đều không phải là ta, không vướng mắc tới ta.


3- Quán niệm sáu đại: (đất, nước, gió, lửa, không gian, và tâm thức) không phải là ta, không vướng mắc tới ta.


4- Quán niệm năm uẩn (hay 5 ấm): (hình sắc, cảm thọ, tri tưởng, tâm hành, nhận thức) không phải là ta, ta không bị giới hạn bởi năm uẩn.


5- Quán niệm về thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai) không phải là ta, ta không bị giới hạn bởi thời gian. (qúa khứ đã qua rồi, hiện tại không dừng, tương lai chưa tới)


Các pháp đều do nhân duyên sinh khởi và diệt đi, thật ra tự tánh của các pháp là không sinh cũng chẳng diệt, không tới cũng chẳng đi. Khi có đầy đủ nhân duyên hội tụ thì con mắt có mặt, khi nhân duyên thiếu thì con mắt vắng mặt. Điều này cũng đúng với tất cả các pháp khác của sáu căn, sáu trần, sáu thức, năm uẩn, và thời gian.


Trong năm uẩn không gì có thể gọi được là ta, không thấy được sự thực này là vô minh (ngu si). Vì vô minh mà có hành (hành động), vì hành mà có thức (vọng thức), vì thức mà có danh sắc (danh: tên gọi, sắc: vật chất), vì danh sắc mà có sáu nhập (tai mắt mũi lưỡi thân ý), vì lục nhập mà có tiếp xúc (mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý nghĩ tưởng), vì xúc chạm mà có thọ (thụ cảm), vì cảm thọ mà có ái (yêu thích, ghét chê), vì tham ái mà có thủ (vướng mắc giữ lấy), vì thủ mà có hữu (có), vì hiện hữu mà có sinh, già, bệnh hoạn khổ não, rồi chết.


Mọi pháp đều không có tự tánh riêng biệt, và đều do nhân duyên mà phát hiện, đó gọi là quán niệm muôn pháp đều không, một phép quán cao siêu vào bậc nhất.


Khi nghe xong, nước mắt Trưởng-giả ràn rụa trào ra. Tôn-giả A-nan-Đà thấy thế bèn hỏi:


- Có phải Trưởng-giả sợ thực hành không được, nên tinh thần suy nhược chăng?


Ông trả lời:


- Thưa Tôn-giả A-nan, không phải vậy, con thực tập rất thành công, tinh thần con không chút giảm suy. Chỉ vì mặc dù đã được nghe nhiều bài pháp do Tôn-Sư giảng, con chưa hề được nghe pháp cao siêu như thế này.


Tôn-giả A-Nan-Đà nói:


- Ông nên biết giáo pháp này thường được Thế-Tôn dạy cho các Tỳ-kheo nghe.


Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc nói:


- Xin Tôn-giả A-Nan thưa lại với đức Thế-Tôn, xin Ngài cho phép giới Cư-sĩ được nghe những giáo pháp vi diệu như giáo pháp này, vì cũng có Cư-sĩ đủ sức hành trì những giáo pháp thâm diệu ấy.


Khi hai vị Tôn-giả đệ-tử Phật ra về Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc tiếp tục quán niệm giáo pháp vi diệu ấy, mấy ngày sau Trưởng-giả thở hơi cuối cùng, qua đời, và tức khắc, sinh lên cõi trời Đạo-Lợi.


Sau đó ít lâu, một đêm, vị Trời Cấp-cô-Độc từ cung trời Đạo-Lợi trở về Tịnh-xá, hào quang sáng ngời, chiếu cả một khu rộng lớn. Vị Trời Cấp-cô-Độc đến đảnh lễ đức Thế-Tôn, Thiên-tử Cấp-cô-Độc bày tỏ niềm hân hoan được gặp lại đức Thế-Tôn và chư vị Đệ-tử của Ngài trong Tịnh-xá do ông đã kiến tạo. Vị Trời Cấp-cô-Độc cũng hết mực ca tụng phẩm hạnh và tài đức của Tôn-giả Xá-lợi-Phất. Sau khi ngỏ lời từ giã, vị Trời Cấp-cô-độc đảnh lễ đức Thế-Tôn, rồi biến mất chỉ trong chớp mắt.


Thưa Tôn-giả, bây giờ con không còn bệnh nữa, và được yên ổn hoàn toàn, kính mong Tôn-giả ở lại thọ trai; Tôn-giả Xá-lợi-Phất im lặng nhận lời mời, sau khi thọ trai xong, Tôn-giả thuyết pháp cho Trưởng-giả nghe, xong Tôn-giả ra về.


Khi ấy đức Thế-Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng nghe, từ đằng xa, đức Thế-Tôn thấy Tôn-giả Xá-lợi-Phất đi lại, Ngài bảo đại chúng: “Tỳ-kheo Xá-lợi-Phất là bậc thông tuệ, tốc huệ, tiệp huệ, quảng huệ, xuất yếu huệ, minh đạt huệ, và biện tài huệ; Tỳ-kheo Xá-lợi Phất đã thành tựu thật huệ, vì sao vậy? Vì về bốn hạng Tu-đà-Hoàn mà Ta đã nói sơ lược, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-Phất triển khai thành mười hạng để nói cho Trưởng-giả Cấp cô-Độc nghe và khỏi bệnh”.


5)- Qủy Già-La đấm Tôn-giả Xá-Lợi-Phất.
(Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, trang 103-104)


Một lần, Tôn-giả Xá-Lợi-Phất nhập Kim-Cang Định ở bên một gốc cây ngay chân núi Kỳ-Xà-Quật, trên núi có hai con Quỷ một con Quỷ thiện tên Ưu-Bà Ca-La, một con Quỷ ác tên Già-La, chúng nhìn thấy Tôn-giả đang ngồi thiền dưới một lùm cây cổ thụ, Quỷ ác liền nói:


- Ta sẽ đánh bể cái đầu trọc của lão Sa-môn kia.


Quỷ thiện nói cản lại:


- Đừng làm thế, vị ấy có thần-lực, nguy hiểm lắm.


- Ngươi sợ lão Sa-môn này sao? Ta chỉ đấm một cái là cái đầu trọc kia bể nát ra cho mà xem.


Nói vừa dứt, nhanh như chớp, liền vung tay đánh xuống đầu Tôn-giả như sấm nổ, trong lúc ấy Quỷ thiện sợ qúa biến mất. Quỷ ác đánh tới mà Tôn-giả chỉ cảm thấy như có một chiếc lá rơi trên đầu, rồi Tôn-giả thấy một con Quỷ máu từ miệng, mũi, tai, mắt chảy ra, và đang sa vào Địa-ngục.


Khi Tôn-giả đến vườn Ca-lan-Đà, đức Phật hỏi:


- Xá-Lợi-Phất, hôm nay ông có sao không?


- Thưa Thế-Tôn, con không sao, chỉ hơi ê đầu một chút thôi.


- Xá-Lợt-Phất, hôm nay ông nhập Kim-Cang Định rất tốt, quỷ Già-La mà đấm núi Tu-Di cũng phải vỡ nát. Sức mạnh của Định Kim-Cang vững mạnh đến như thế đó, ngay khi đánh, quỷ Già-La bị sức phản lại của Kim-Cang Định nên thất khiếu bị chảy máu mà chết và bị đọa địa ngục vì làm ác, các ông (các Tỳ-kheo) cần phải tu trì như thế.


6)- Xá-Lợi-Phất rống tiếng rống Sư-tử :
(Trung A-Hàm, quyển 1, từ trang 261 tới 272)


Sau này, khi Tôn-giả Xá-lợi-Phất muốn đi giáo hóa trong nhân gian, Ngài đi đến chỗ đức Phật đảnh lễ và thưa:


- Bạch Thế-Tôn, con an cư ba tháng ở tại nước Xá-Vệ này vừa xong, bây giờ con muốn đi du hành trong nhân gian.


Đức Phật bảo:


- Ông hãy đến đâu tùy ý, những người nào chưa được hóa độ hãy khiến họ được hóa độ, những người nào chưa được giải thoát hãy khiến họ được giải thoát v.v..


Sau khi nghe đức Phật dạy xong, Tôn-giả đảnh lễ, đi quanh Phật ba vòng, rồi lui ra về phòng riêng lấy y bát, rồi ra đi; Tôn-giả vừa ra đi, có một vị Tỳ-Kheo đến thưa với Phật rằng:


- Thưa Thế-Tôn, hôm nay Tỳ-kheo Xá-lợi-Phất sau khi khinh mạn con rồi đi du hành trong nhân gian.


Khi nghe lời ấy, đức Thế-Tôn liền bảo một Tỳ-Kheo khác đi gọi Tôn-giả Xá-lợi-Phất trở lại; lúc ấy, Tôn-giả A-Nan-Đà đang đứng phiá sau đức Phật nghe những lời ấy, liền cầm chùm chià khóa đi đến khắp các phòng, mời các Tỳ-Kheo đến đại giảng đường để nghe Tôn-giả Xá-lợi-Phất sẽ ở trước Phật mà rống tiếng rống Sư-tử. Tôn-giả A-Nan-Đà còn căn dặn: “Nếu Tôn-giả Xá-lợi-Phất nói ra những điều sâu xa, tịch tịnh, vi diệu, mọi người phải khéo ghi nhớ và thọ trì”.


Khi Tôn-giảXá-lợi-Phất được vị Tỳ-Kheo đi kịp nói lại sự việc xẩy ra và lời đức Phật bảo, Tôn-giả liền quay trở lại chỗ đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Đức Phật bảo:


- Xá-lợi-Phất, sau khi ông rời khỏi đây, có một Tỳ-Kheo đến đây nói: “Thưa Thế-Tôn, hôm nay Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất sau khi khinh mạn con rồi đi du hành trong nhân gian”, có thật sau khi khinh mạn một Tỳ-Kheo phạm hạnh rồi ông đi du hành trong nhân gian chăng?


Tôn-giả Xá-Lợi-Phất thưa:


- Bạch Thế-Tôn, nếu người nào không thực hành niệm thân trên thân, thì người ấy mới khinh mạn một vị Tỳ-Kheo phạm hạnh; còn con luôn luôn không quên thực hành niệm thân trên thân, thì sao con lại có thể khinh mạn một vị phạm hạnh?


Thưa Thế-Tôn,


Cũng như một con trâu gãy cả hai sừng, rất nhường nhịn, hiền lành, dễ chế ngự, không gây gỗ; nó từ xóm thôn này đến xóm làng khác, những nơi nó đi qua không gì bị nó xâm phạm. Con cũng như vậy, tâm con như trâu gãy cả hai sừng, không não hại, con đã tu tập thuần thục như thế.


Như con của người trọng tội, nên nó phải bị chặt hai tay, tâm ý nó rất thấp kém, nó từ xóm này đếm xóm khác, những nơi nó đi ngang qua, không có gì bị xâm phạm. Tâm con cũng giống như con của người trọng tội kia, không nhìn ngó người khác, không sân hận, con khéo tu tập tâm ý như thế.


Lại như mặt đất dung nạp tất cả thứ sạch, đồ dơ, nước mũi, nước miếng, nước tiểu, cho đến đủ thứ phân người và phân các loài súc vật v.v.. Mặt đất không phải vì thế mà có sự thương ghét giận hờn, không lấy thế làm xấu xa, cũng chẳng thẹn thùng. Tâm con cũng như mặt đất, không phân biệt dơ sạch, không oán kết, khéo hành trì, biến mãn tất cả thế gian.


Cũng lại như ngọn lửa đốt cháy tất cả, không phân biệt thứ sạch đồ dơ, ngọn lửa không có sự yêu ghét, không kiêu hãnh, cũng chẳng hổ thẹn. Tâm con cũng như ngọn lửa, khéo điều phục, rộng lớn vô biên, thành tựu an trụ đầy đủ.


Lại nữa, như gió thổi bay những thứ nhẹ, không phân biệt là thứ gì, không phân biệt là sạch sẽ hay dơ bẩn, gió không vì thế mà có sự yêu thương hay ghét bỏ; gió thổi đến mọi chỗ, từ đồng bằng đến biển cả cho tới đồi hoang, chỗ nào cũng có gió, không e lệ, không kiêu căng, cũng chẳng thẹn thùng. Tâm con cũng vậy, luôn luôn bình đẳng như gió, khắp tất cả thế gian.


Cũng như cây chổi, quét khắp tất cả bụi, rác, nước miếng, nước mũi, không phân biệt sạch dơ; cây chổi không vì thế mà có yêu ghét, không lấy làm xấu xa, không xấu hổ, cũng chẳng ngại ngùng; tâm con cũng như cây chổi, không oán không kết, khéo tu tập đầy đủ.


Như cái chậu đựng nước lau sàn nhà, khăn lau chùi tất cả chỗ sạch chỗ dơ, rồi khăn lau được giặt vào cái chậu nước ấy; cái chậu không vì thế mà có sự thích hay không thích, cũng không lấy làm xấu xa hổ thẹn; con cũng như vậy, tâm con như cái chậu nước lau sàn nhà kia, không chọn lựa, không chê bai, cũng chẳng giận hờn.


Sau nữa, cũng như bình mỡ nứt nẻ đựng đầy mỡ rồi để dưới ánh nắng mặt trời, mỡ chảy rỉ thấm ướt khắp cả; con cũng thế, con thường quán sát thân này có chín lỗ thường chảy ra, thoát ra, rỉ ra, thấm khắp cả những đồ bất tịnh, dơ bẩn, khó coi, khó ngửi, ghê tởm, nên con không coi trọng, không qúi, không ham, không đề cao thân này.


Sau chót, cũng như con một Trưởng-giả ưa thích tuổi niên thiếu của mình, thường tắm gội sạch sẽ, xông thân thể bằng hương thơm, mặc áo trắng thêu hoa đeo vòng ngọc, đầu đội tràng hoa. Nếu đem ba xác chết: Rắn chết, chó chết và người chết, máu ứ bầm xanh, sình trương to lớn, rữa ra, rất khó chịu vì mùi hôi thối, nước dơ rỉ chảy ra dính khắp. Người niên thiếu ấy thấy thế sẽ rất sợ hãi, rất khủng khiếp, ghét vô cùng cảnh ô uế đó; con cũng như thế, thường quán sát những chỗ thối tha dơ bẩn của thân này giống như các xác chết ấy, tâm ôm lòng sợ hãi, và rất chán ghét thân này.


Thưa Thế-Tôn, nếu ai không thực hành niệm thân trên thân, có thể sẽ khinh mạn một vị phạm hạnh. Còn con không oán không kết, không sân hận, không não hại, rộng lớn vô biên, đã khéo thực hành, tu tập, hành trì niệm thân trên thân, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ, tại sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh, rồi đi du hành trong nhân gian?


Bỗng nhiên lúc ấy Tỳ-Kheo kia liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật và nói:


- Thưa Thế-Tôn, con xin sám hối, con xin sám hối, con thành thật xin hối lỗi; con như người ngu si, con như người bất định, con như người bất thiện, con như người mù quáng; con đã đem lời dối trá để vu khống cho Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất, là bậc phạm hạnh thanh tịnh. Thưa Thế-Tôn, con nay xin sám hối tội lỗi đã tạo ra, mong Ngài chấp nhận cho con; sau khi sám hối, con quyết sẽ không còn tạo tội nữa, xin Ngài chấp nhận lời sám hối của con.


Đức Phật dạy:


- Này Tỳ-Kheo, ông qủa thật là người ngu si, như người bất định, như người bất thiện, như người vô trí; Ông đã đem lời dối trá hoàn toàn không chân thật để vu báng Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất là bậc phạm hạnh thanh tịnh. Ông có thể sám hối tội lỗi, đã sám hối rồi sau này sẽ không còn tạo tội nữa; nếu có người nào sám hối tội lỗi đã phát lồ rồi, sau này không còn tạo tội nữa, như thế sẽ được trưởng thành trong Thánh pháp luật mà chẳng suy giảm.


Nói rồi, đức Phật bảo:


- Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất, ông nên sớm nhận lời sám hối của người ngu si kia, chớ để Tỳ-Kheo kia lập tức ở trước ông mà đầu bị vỡ tung ra.


Bấy giờ Tôn-Giả Xá-Lợi-Phất vì thương xót Tỳ-Kheo kia nên liền nói:


- Tôi nhận lời sám hối tội lỗi của ông, từ nay về sau ông không còn phạm tội tương tự như thế nữa đối với tất cả mọi người.


Nhận sự sám hối của Tỳ-kheo kia xong, Tôn-giả Xá-Lợi-Phất đứng dậy đảnh lễ Phật, đi quanh ba vòng, lui bước ra khỏi đại giảng đường rồi đi du hành trong nhân gian..,.


Toàn Không