Quyển Dưới

Saturday, 17 June 20235:49 PM(View: 478)
Quyển Dưới
PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ KINH
Chánh Trí dịch và giảng giải 
Khởi sự giảng tại Chùa Xá Lợi, đêm Rằm tháng 8 năm Canh Tý (nhằm 5.10.1960)
 
QUYỂN DƯỚI

I. CÓ CHÁNH ĐỊNH MỚI VÃNG SANH

 
Phật bảo A Nan: Những chúng sanh nào được sanh về nước Phật ấy đều phải đứng hẳn vào chỗ tụ của chánh định. Tại sao thế? Vì nơi nước Phật ấy, không có tà tụ, cũng không có bất định tụ. Chư Phật Như Lai ở khắp mười phương, đông như cát sông Hằng, đều một lòng khen ngợi uy thần, công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ. Trong hàng chúng sanh, có chúng sanh nào nghe được danh hiệu của Phật Vô Lượng Thọ mà vui mừng tin tưởng cho đến một niệm hết lòng hồi hướng, nguyện sanh về nước Phật ấy, tất được sanh sang, ở mãi trong bất thối chuyển, trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng Chánh pháp.


Huyền nghĩa:

Chánh định là tập trung tư tưởng, nhớ nghĩ vào một chỗ và chỗ ấy phải hoàn toàn chân chánh. 

Người ác, tập trung tư tưởng (tụ) vào việc bất chánh, như đào tường khoét vách, như trả oán trả thù, họ cũng “định”, nhưng là một cái định vào nẻo tà.

Muốn tập trung tư tưởng vào một chỗ chân chánh thì chỗ ấy phải là ở Phật, vì không còn ai hay không còn gì chân chánh hơn Phật. Những kẻ phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng Chánh Pháp, nhất định không được thanh tịnh, vì họ có tin Chánh Pháp đâu mà nhất tâm niệm Phật, hay vì họ đã quá mù tối đến nỗi giết cha, hại Phật.

II. BA HẠNG VÃNG SANH


Phật bảo A Nan: Số trời người trong mười phương thế giới chí tâm nguyện sanh về nước Phật ấy, chia ra làm ba hạng.


Hạng thứ nhất là những người bỏ nhà cửa, ném ham muốn mà làm Sa môn, phát tâm Bồ đề, hướng về chỗ, chuyên tưởng Phật Vô Lượng Thọ, tu tập mọi công đức, nguyện sanh về nước của Ngài. Hạng chúng sanh này, đến giờ phút lâm chung, được Phật Vô Lượng Thọ cùng các đệ tử hiện ra trước mặt, rồi theo Phật Vô Lượng Thọ mà sanh sang nước Ngài, liền tự nhiên hóa sanh trong hoa bảy báu,ở vững trong bất thối chuyển, trí huệ mạnh mẽ, thần thông tự tại. Bởi cớ, này A Nan, nếu có chúng sanh nào muốn trong đời này thấy được Phật Vô Lượng Thọ thì nên phát tâm Bồ đề vô thượng, tu tập công đức, Phật bảo A Nan: Hạng thứ nhì là hạng dân chúng của các cõi trời, người, chí tâm nguyện sanh về nước Phật, tuy chẳng thể làm bậc Sa môn, đại tu công đức, phát tâm bồ đề vô thượng, như một hướng chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ, làm lành ít nhiều, vâng giữ trai giới, phát tâm xây đúc tháp tượng, ăn uống theo Sa môn, treo phướng đốt đèn, tán hoa đốt hương, lấy đó mà hồi hướng, nguyện sanh về nước Phật. Những hạng người ấy, khi gần chết, Phật Vô Lượng Thọ hóa hiện ra, thân tướng ánh sáng, tốt đẹp đầy đủ như Phật thật, cùng với các đệ tử, hiện ra trước người sắp chết. Những người này sẽ theo Phật hiển hóa ma sanh sang nước Phật, đứng vững trong bất thối chuyển, công đức và trí huệ như hạng thứ nhất, nhưng kém hơn. Phật bảo A Nan: Hạng chót hết là những dân chúng của các cõi trời, người, hết lòng muốn sanh về nước Phật, giả sử không hay làm mọi công đức thì nên phát tâm bồ đề vô thượng, một hướng chuyên ý cho đến mười niệm, tưởng nhớ Phật Vô Lượng Thọ, nguyện sanh về nước Ngài. Nếu nghe được Pháp sâu, vui mừng tin tưởng, không sanh nghi hoặc, thậm chí một niệm tưởng nhớ Phật Vô Lượng Thọ, cho đến tâm thành nguyện sanh về nước Ngài, thì những người ấy, khi gần chết, nằm mộng thấy Phật Vô Lượng Thọ, cũng được vãng sanh, công đức và trí huệ giống như hạng thứ hai, nhưng kém hơn.  Huyền nghĩa: Có ba đường lối để được về cõi thanh tịnh:

1.- Xuất gia tu hành, chuyên tưởng Phật Vô Lượng Thọ, tu tập mọi công đức và nguyện sanh về Tây phương. Ấn chứng: khi lâm chung, được Phật Vô Lượng Thọ cùng các hàng đệ tử hiện ra trước mặt, rồi theo Phật mà về nước Ngài.

2.- Tại gia tu hành, làm lành, trai giới, bỏ việc đời theo nẻo đạo, chuyên niệm Phật,hương đăng, tháp tượng cúng dường, nguyện sanh về Tây phương. Ấn chứng: khi gần chết, Phật A Di Đà (tức Phật Vô Lượng Thọ) cùng các đệ tử hiện ra trước mặt, rồi cùng Phật sanh sang Cực lạc.

3.- Tại gia lòng lành, tuy chưa làm được mọi thứ công đức, nhưng mong muốn giải thoát (phát tâm bồ đề), một lòng hướng về Phật Vô Lượng Thọ trong mười niệm mà không loạn và nguyện sanh về nước Ngài. Ấn chứng: khi gần chết, nằm mộng thấy Phật Vô Lượng Thọ rồi cũng được vãng sanh, công đức trí huệ giống như hạng thứ hai, nhưng kém hơn. Vậy tùy công phu tu tập mà kết quả có khác, không phải trong sự vãng sanh, mà trong chỗ thấy Phật. Thứ nhất thấy Phật thiệt hiện ra (tức Kiến tánh), hạng thứ nhì thấy hóa Phật (tức là thấy theo hình tướng tượng trưng mà bấy lâu đã lễ bái, tin tưởng), còn hạng thứ ba không thấy được trong lúc thức mà thấy trong giấc mộng, vì nhờ đã hết sức tin tưởng. Nhưng dầu thấy bằng cách nào, người được thấy đều hưởng được như nhau, là vui lòng theo Phật mà không còn vương víu với một vật gì ở thế gian. Ai vui mà đi như thế là quả đã vãng sanh vậy.

(trích tạp chí Từ Quang số 126-127, tr. 61-67,

Sài Gòn tháng 7-8 năm 1962)


Phật bảo A Nan: Oai thần của Phật Vô Lượng Thọ không cùng. Chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới vô lượng vô biên, không Phật nào là không ca ngợi (oai thần ấy). Chư Bồ tát ở hằng sa nước Phật phương Đông đều sang đến nước Phật Vô Lượng Thọ cung kính cúng dường, cùng với đại chúng Bồ tát, Thanh văn, nghe nhận kinh pháp, tuyên bố đạo hóa. Các Bồ tát ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương cạnh, phương trên, phương dưới, đều cũng như thế. Lúc bấy giờ, Thế Tôn mới nói bài tụng như sau:

1.- Đông phương các nước Phật,

Nhiều như cát sông Hằng,

Bồ tát ở nước ấy

Sang chầu Vô Lượng Giác.

 

2.- Nam, Tây, Bắc, bốn hướng (cạnh)

Trên, dưới, đều như thế,

Bồ tát các phương này

Sang chầu Vô Lượng Giác.

 

3.- Tất cả chư Bồ tát,

Mỗi cầm hoa thánh mầu,

Hương báu, áo vô giá,

Cúng dường Vô Lượng Giác.

 

4.- Tự nhiên nhạc trời tấu,

Thông phát hòa nhã âm,

Ca ngợi Tối thắng tôn

Cúng dường Vô Lượng Giác.

 

5.- Rốt được thần thông huệ

Đi vào cửa Pháp sâu,

Đầy đủ kho công đức

Trí mầu không sánh kịp.

 

6.- Huệ nhật soi thế gian

Làm tan mây sanh tử,

Cung kính quanh ba vòng

Cúi đầu lễ Vô thượng.

 

7.- Thấy nước Phật nghiêm tịnh

Nhiệm mầu khó nghĩ bàn,

Nhân phát tâm vô thượng

Nguyện nước mình cũng thế.

 

8.- Ngay đó Phật Vô Lượng

Dung nhan khởi tươi cười

Miệng xuất vô lượng quang

Khắp soi mười phương nước;

 

9.- Xoay hào quang quanh mình

Ba vòng rồi nhập đảnh

Tất cả loài trời, người

Nhảy nhót đến mừng rỡ.

 

10.- Bồ tát Quán Thế Âm

Sửa áo cúi đầu thưa:

Bạch Phật cớ sao cười,

Xin Phật cho biết ý. 

 

11.- Tiếng Phạm như sấm nổ,

Tám âm suốt diệu vang:

Sẽ thọ ký Bồ tát,

Nay thuyết nhân cố thính,

 

12.- Nay Bồ tát mười phương,

Ta đều biết nguyện ngươi

Chí cầu đất nghiêm tịnh

Quyết tâm sau thành Phật.

 

13.- Nên tỉnh biết các “pháp”

Giống như mộng, huyễn, vang

Lưỡng túc bao nguyện mầu,

Hẳn thành nước tịnh ấy.

 

14.- Thông suốt các “pháp tánh”

Tất cả KHÔNG, VÔ NGÃ,

Chuyên cầu đất thanh tịnh

Ắt thành nước như thế.

 

15.- Chư Phật bảo Bồ tát:

Nên chầu Phật An Dưỡng,

Nghe pháp vui lãnh làm,

Sớm được xứ thanh tịnh.

 

16.- Đến nước nghiêm tịnh rồi

Chừng ấy được thần thông,

Tất nơi Vô Lượng Tôn,

Thọ ký thành Đẳng giác.

 

17.- Chư Phật bảo Bồ tát:

Nên chầu Phật An Dưỡng,

Nghe pháp vui lãnh làm,

Sớm được xứ thanh tịnh.

 

18.- Sức nguyện gốc của Phật,

Nghe danh muốn vãng sanh,

Đều được đến nước Phật

Tự đặt chỗ không lui.

 

19.- Bồ tát hết lòng nguyện

Nguyện nước mình không khác,

Khắp nhớ độ tất cả, 

Danh rạng rỡ mười phương.

 

20.- Phụng sự ức Như Lai,

Bay hóa khắp các nước,

Cung kính vui vẻ đi,

Xong về An dưỡng quốc.

 

21.- Nếu người không gốc thiện,

Chẳng thể nghe kinh này.

Người thanh tịnh giữ giới

Bèn được nghe chánh pháp.

 

22.- Từng năng thấy Thế Tôn,

Ắt năng tin thử sự.

Khiêm kính nghe theo làm,

Mới vui nghe Phật dạy.

 

23.- Kiêu ngạo cùng lười biếng

Khó lòng tin thử pháp.

Kiếp trước có thấy Phật

Mới vui nghe Phật dạy.

 

24.- Thanh văn hoặc Bồ tát

Không năng đạt thánh tâm

Tỷ lọt lòng đã đui

Mà muốn dẫn người khác.

 

25.- Như Lai trí như biển

Rộng sâu không bờ bến,

Hai Thừa không thể lượng,

Chỉ Phật riêng hiểu rõ.

 

26.- Giả sử tất cả người

Đầy đủ đều đắc đạo,

Trong sáng biết “vốn không”,

Ức kiếp suy Phật trí.

 

27.- Hết sức cố giảng thuyết,

Đến chết như không biết:

Phật huệ không ranh bạn

Như thế giữ lòng thanh. 

 

28.- Đời sống rất khó được

Phật giáng cũng khó gặp.

Làm người khó tín, huệ,

Bằng nghe, gắng sức cầu.

 

29.- Nghe pháp mà chẳng quên,

Thấy, kính, được phúc lớn.

Gần Phật như bạn thân,

Bởi cớ nên phát ý.

 

30.- Thế giới lò đầy lửa,

Muốn qua phải nghe pháp.

Đến khi thành Phật đạo,

Rộng cứu giòng sanh tử.

 

Huyền nghĩa:

 

A Di Đà là Vô Lượng Quang, mà Quang tiêu biểu cho Giác ngộ, vậy Vô Lượng Quang là Vô Lượng Giác.

Bồ tát là hạng những truy cầu sự Giác ngộ, thì tâm trí phải hướng về đó, vì vậy bài tụng nói “chư Bồ tát mười phương sang chầu Phật Vô Lượng Giác”. Chẳng những hướng mà còn phải lấy thanh tịnh (hoa thanh), giới đức (hương báu) và nhẫn nhục (áo vô giá) làm lễ phẩm cúng dường Phật Giác ngộ.


Làm được hai việc ấy, Bồ tát sẽ nghe được tiếng nhiệm mầu như từ trên không vang xuống (nhạc trời) nhưng thật sự là tiếng của Chân tâm, và rốt được thần thông nghe thấy những gì mà tai phàm mắt tục không nghe thấy, đi sâu vào Chân lý (cửa Pháp), công đức, trí huệ đầy đủ, thoát vòng sanh tử và thấy rõ Chân tánh (lễ Vô lượng Phật). Đó là nghĩa sâu của những đoạn từ 1 đến 7 trong bài tụng.

Vậy thanh tịnh là điều kiện cốt yếu của giác ngộ (thành Phật), và muốn thực hiện được điều kiện này, cần thức tỉnh mà biết rằng:

- Đứng về mặt tướng mà luận, thì các pháp (sự vật) tuy có (existant), mà không thật (irréel), cho nên Phật xem vạn vật như nhưng điều trông thấy trong giấc chiêm bao (mộng), như những trò hát thuật (huyễn), như tiếng dội trong hang (vang), như làn điện xẹt (điện), như bóng trăng dưới nước trong gương (ảnh) - đoạn (đoạn 13 và 14).

- Đứng về mặt tánh mà xét, thì các pháp đều do các chất hợp thành, vì vậy nếu có thì các chất là có, còn vật thì thật là không, vì ngoài chất không có vật. Đến như tìm cái anh chủ tể trong vật, như tìm cái “ta" ở con người, “cái hội" ở một nhóm người “cái bàn” ở sự kết hợp của những mảnh gỗ, thì đến chết cũng không tìm ra. Do đây, Phật dạy các pháp là “vô ngã” - (đoạn 15)

- Có thanh tịnh là có sự an ổn trong tâm (paix intérieure) mà Kinh gọi là “chầu Phật an dưỡng”. Thanh tịnh và an ổn đã có thì nhất định sẽ thành Chánh giác (đoạn 16 và 17 ).

- Nhưng được cùng không được, không phải do ngoại duyên mà do cái muốn mạnh hay yếu của mỗi người. Đây là nghĩa của câu “sức nguyện (nguyện lực hay force de volonté) là gốc của sự thành “Phật” (đoạn 18).

- Hễ là Bồ tát quên mình vì người, thì phải đem hết thiện chí vừa tự sửa mình trong sạch, vừa giúp đỡ người, việc gì cũng làm nhưng không để cho đời lôi kéo, làm xong rồi thôi, lòng an nhiên như không có làm gì hết (trở về an dưỡng quốc) (đoạn 19 và 20).

Lý thì như vậy, nhưng không phải dễ mà nghe, dễ mà hiểu, mà tin, mà hành những lời Phật dạy, nếu không phải là người đã từng sống trong sự thức tỉnh (từng năng thấy Thế Tôn), không kiêu ngạo tự hào và không lười biếng. Vui nghe lời Phật, không phải là bậc tầm thường đâu, mà là những người trong kiếp trước đã thấy Phật, với nghĩa hoặc có thấy thật nhờ sanh đồng thời với Phật, hoặc đã phát tâm tu hành và thấy được một phần ánh sáng Giác ngộ. Nên nhớ: trí Phật như biển, rộng sâu không bờ đáy, đừng lấy óc phàm mà mong đo lường. 

Phật bảo A Nan: Bồ tát  ở nước ấy đều sẽ đến chỗ rốt ráo, sanh trở lại có một lần rồi bổ xứ làm Phật, trừ khi nào các vị phát nguyện, vì chúng sanh, rộng tu công đức, vừa tự trang nghiêm, muốn khắp độ thoát tất cả chúng sanh.  

A Nan! Trong nước Phật ấy, chư Thanh văn có thân ánh sáng xa một tầm (8 thước), còn ánh sáng của hàng Bồ tát thì xa đến trăm do tuần. Có hai Bồ tát được tôn tôn kính bậc nhất, ánh sáng oai thần chiếu soi ba ngàn đại thiên thế giới.

A Nan bạch Phật: Danh hiệu của hai vị Bồ tát ấy là gì? 

Phật nói: Một, tên Quán Thế Âm, hai, Đại Thế Chí. Hai Bồ tát ấy, ở tại nước này tu hạnh Bồ tát, khi mạng dứt, chuyển hóa sanh về nước Phật kia. A Nan! Nếu có chúng sanh nào sanh về nước Phật kia, thì những chúng sanh ấy tất phải đầy đủ 32 tướng tốt, trí huệ thành tựu viên mãn, vào sâu mọi pháp cho đến chỗ rốt ráo thiết yếu và nhiệm mầu, thần thông không ngại, các căn sáng bén. Hạng căn cơ cùn cạn thì thành tựu được hai “nhẫn”, hạng căn bén thì được cái nhẫn chẳng thể kể xiết gọi là “Vô sanh pháp nhẫn”. Lại nữa, những Bồ tát ấy, dẫn đến khi thành Phật, không trở lại nẻo ác, thần thông tự tại, thường biết các đời trước của mình, trừ trường hợp sanh về phương khác, nơi thế giới có năm loại nhơ bẩn thì thị hiện đồng một tướng như ở nước của ta vậy. 

Phật bảo Phật bảo A Nan: Bồ tát ở nước Phật ấy, nhờ oai thần của Phật,cho nên trong thời gian ngắn của một bữa ăn, đi sang vô lượng thế giới của mười phương, cung kính cúng dường chư Phật Thế tôn. Tùy lòng nhớ tưởng mà hoa, hương, múa, nhạc, khăn đội, cờ xí, vô số vô lượng những đồ vật cúng dường tự nhiên hóa sanh, đúng với lòng nghĩ mà tới, mỗi mỗi đều quý báu, nhiệm mầu, đặc biệt, cõi thế gian không bao giờ có. Khi tung lên trên chư Phật,Bồ tát và hàng Thanh văn, thì những vật ấy, tại trong hư không, hóa thành lọng hoa sắc sáng như mặt trời, khí thơm khắp xông. Vòng tròn của hoa ấy tới bốn trăm dặm, rồi rộng lớn thêm cho đến che trùm ba ngàn đại thiên thế giới. Những lọng hoa ấy, tùy hiện ra trước hay sau mà thứ tự hóa mất. Những Bồ tát ấy đều tự nhiên vui mừng, trong hư không, cùng nhau trổi nhạc trời, để dùng tiếng nhiệm mầu mà ca ngợi những đức Phật, nghe lãnh kinh pháp, hoan hỷ vô lượng. Cúng dường Phật xong, tuy chưa ăn cơm, nhưng bỗng thấy tự nhiên nhẹ nhàng, bèn trở về nước mình.

 

Phật bảo A Nan: Vì các hàng thanh văn và Bồ tát, Phật Vô Lượng Thọ Lúc ban bố tuyên thuyết Pháp mầu, tập hội tất cả thính chúng tại Giảng đường xây cất bằng bảy báu, rộng tuyên nói đạo giáo, diễn xướng diệu pháp, không ai là không vui mừng, tâm giải, được đạo. Ngay lúc ấy, bốn phương tự nhiên gió nổi, khắp thổi cây báu, làm phát sanh năm thứ âm thanh. mưa đổ vô lượng hoa báu, hoa này theo gió mà bay khắp nơi, tự nhiên cúng dường, như thế không lúc nào dứt. Tất cả người cõi Thiên đều chở lên trời trăm ngàn hoa thơm, muôn thứ múa nhạc, cúng dường Phật Vô Lượng Thọ cùng chư Bồ tát, thanh văn, tung hoa thơm rộng khắp, tấu các thứ âm nhạc, trước sau lui tới rồi cùng nhau mở lối tránh đi. Đương lúc ấy, ai ai cũng vui vẻ sung sướng không thể nói xiết.

 

Huyền nghĩa:

Người thường sống trong vô minh, cho nên đen tối, “không có ánh sáng”. Hàng tu hành Thanh văn, Bồ tát sống trong giác ngộ, cho nên thân “có ánh sáng”. Nhưng ánh sáng của Thanh văn không bằng ánh sáng của Bồ tát - 8 thước đối với 96 muôn thước - chỉ vì Thanh văn chưa thấy xa và chưa hành lớn bằng Bồ tát.

 

Có hai Bồ tát được trọng kính hơn hết và ánh sáng oai thần rộng chiếu hơn hết là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Tại sao thế? Tại vì không Từ bi (Quán Thế Âm) và không Trí huệ (Đại Thế Chí) thì không thành Phật để cho đời tôn trọng và để soi sáng cho chúng sanh.

III. CÔNG ĐỨC CỦA CHƯ BỒ TÁT

Phật nói với A Nan: Những lời giảng thuyết của các Bồ tát sanh về nước Phật Vô Lượng Thọ đều là tuyên dương chánh pháp, tùy thuận trí huệ, không sai không mất. Ở nước của các vị ấy, đối với vạn vật, các vị không có tâm ngã, sở; không có tâm nhiễm dính; lại qua, tới dừng, tình không bị cột, tùy ý tự tại, không chấp phải trái, không người không ta, không giành không kiện. Đối với chúng sanh, các vị có tâm đại từ bi, làm việc ích lợi, tâm mềm mại, điều phục, không giận hờn, tâm lìa xa những cái che lấp, trong sạch, không nhàm chán. Các vị có những tâm hơn người như thế, tâm sâu, tâm định như thế, diệt các phiền não, xa lánh tâm hướng về nẻo ác, rốt cuộc đến với tất cả. Việc làm của Bồ tát thành tựu đầy đủ vô lượng công đức, được thiền định sâu xa, các “thông” sáng suốt, đi đến bảy Giác, sửa tâm theo pháp Phật, mắt thịt trong sạch, không gì là không phân tách trọn vẹn. Mắt trời suốt đạt tới vô lượng vô hạn; mắt pháp quán sát các đường tới chỗ cùng tột; mắt huệ thấy cái chân thật, năng đưa đến bờ bên kia; mắt Phật đầy đủ, nhìn thấy pháp tánh, dùng trí vô ngại mà vì người diễn thuyết. Xem xét tam giới thì thấy toàn là “không”, chẳng có gì là có thật, cho nên đem hết chí mình cầu được Phật  pháp, tự ban đầy đủ biện tài, diệt trừ những cái tai hại phiền não, không cho sanh sôi nẩy nở. Theo chỗ Như lai sanh mà giải pháp Như như, biết rõ thế nào là nguyên nhân của khổ  (Tập), thế nào là sự diệt khổ (Diệt), lấy âm thanh làm phương tiện, nhưng không vui thích lời nói thế gian, vui tài chánh luận, tu tập các gốc lành, để hết tâm chí vào việc sùng bái con đường Phật. Biết tất cả các pháp đều phải về nơi vắng lặng, và cái thân sống đây cùng tất cả phiền não, hai đàng đều phải chấm  dứt. Nghe pháp thâm sâu, tâm không nghi sợ, thường hay tu hành.

 
Lòng đại bi của các vị sâu xa, nhỏ nhặt, không vật nào là không bao trùm, che chở. Rốt cuộc chỉ  có một thừa (thặng), đến bờ bên kia.  Quyết chặt lưới nghi, huệ do tâm ra, nơi  giáo pháp của Phật, bao la không ngoài.  Trí huệ như bể cả, chánh định như non cao, ánh huệ trong sạch, sáng hơn nhật nguyệt. Các pháp trong trắng đều đầy đủ trọn vẹn giống như núi tuyết, soi mọi công đức ấy do tịnh mà ra vậy. Giống như mặt đất, sạch nhơ tốt xấu đều chứa, ấy do không có tâm (niệm) khác vậy. Giống như nước sạch, rửa hết bụi nhọc cùng các thứ cặn nhiễm vậy. Giống như lửa to, thiêu mất tất cả những củi phiền não vậy. Giống như gió lớn, đi mọi thế giới không bị chướng ngại vậy. Giống như hư không, đối với tất cả những cái có, không hề dính líu vậy. Giống như hoa sen, trong mọi thế gian, không có sự ô nhiễm vậy. Giống như xe to, chuyên chở đoàn mù ra khỏi sanh tử vậy. Giống như mây dày, làm nổi sấm sét, thức tỉnh kẻ chưa thức tỉnh vậy. Giống như mưa to, rưới pháp cam lộ, thấm ướt chúng sanh. Như núi Kim Cương, chúng ma ngoại đạo không làm lay động được vậy. Như Phạm Thiên Vương, vì là đứng đầu trên hết trong các thiện pháp. Như cây Ni câu loại là vì che trùm tất cả vậy. Như hoa ưu đàm bát, là vì ít có khó gặp vậy. Như chim Kim túy, là vì lấy oai mà hàng phục ngoại đạo. Như những loài chim rày đây mai đó, là vì không giấu chứa một vật gì vậy. Giống như con bò chúa, là vì không bò nào thắng nổi vậy. Giống như tượng chúa, là vì khéo điều phục (dạy dỗ) vậy. Như sư tử chúa, là vì không biết sợ gì vậy. Rộng như hư không, là lòng đại từ bình đẳng vậy. Xua đuổi và diệt trừ niệm ganh ghét,là vì tánh không đố kỵ đã thắng rồi vậy. Chuyên vui cầu pháp,lòng không chán nản hay tự cho là đầy đủ rồi, thường muốn nói cho rộng người nghe, chí không mỏi mệt. Đánh trống Pháp, dựng cờ Pháp, rực trời Huệ, trừ ngu tối, tu sáu điều hòa kính, hằng làm bố thí, chí mạnh tiến mãi, tâm không thối lui mềm yếu,vì người thế gian mà làm ngọn đèn sáng, mà làm miếng ruộng phước; hằng làm thầy dẫn đường, bình đẳng không thương ghét. Chỉ mong Chánh đạo, ngoài ra không còn vui thích nào khác. Nhổ tất cả những gai ham muốn để làm an mọi loài. Công đức, trí huệ tuyệt vời, không ai không tôn kính. Diệt chướng ngại của ba nhơ, dạo chơi trong chốn thần thông. Sức mạnh của nhân, của duyên, của ý, của nguyện, của phương tiện, của thường, của thiện, của định, của huệ, của “nghe" nhiều, của bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, của chánh niệm, chánh quán, của các thông minh, của sự điều phục mọi  chúng sanh  đúng theo Pháp, tất cả những sức mạnh ấy đều đầy đủ, thân hình sắc diện đều tốt đẹp, công đức và biện tài đều đầy đủ trang trọng và nghiêm chỉnh, không lấy gì sánh bằng được. Cung kính cúng dường chư Phật vô lượng, thường được chư Phật đều cùng ngợi khen. Rốt cuộc được các ba la mật của bồ tát, tu các thiền định “Vô", “Không”, “Vô tướng”, “Vô nguyện”, “Bất sanh, Bất diệt” xa lìa địa vị Thanh văn, Duyên giác.

A Nan! Chư Bồ tát ấy thành tựu vô lượng công đức như vậy, đây là ta vì ngươi mà nói sơ đó thôi. Nếu phải nói rộng ra, thì trăm ngàn muôn kiếp, cũng không thể nói hết được.

(trích tạp chí Từ Quang số 128-129, tháng 9-10 năm 1962, tr. 79-89)

IV. III. KHUYÊN TẤN TỚI VÃNG SANH



Phật bảo Bồ tát Di Lặc và chư thiên, nhân rằng: Công đức, trí huệ của hàng Thanh văn, Bồ tát ở nước Phật Vô Lượng Thọ, không thể nói cùng. Lại nữa, nước ấy đã nhiệm mầu, an lạc, trong sạch như thế, tại sao chẳng ra sức làm lành, nghĩ đến cái tự nhiên của con đường, nương vào chỗ không trên không dưới, thấu suốt đến chỗ không bờ cõi? Vậy các ngươi nên cần tinh tấn, ra sức tự cầu cho được công đức và trí huệ ấy, ắt được đi đến nơi siêu tuyệt, sanh sang nước An Dưỡng, cắt ngang năm xu hướng ác, xu hướng ác tự nhiên bị đóng, bước lên đường vô cùng cực. Chỗ dễ sang mà chẳng có người tới, nước Phật Vô Lượng Thọ chẳng có điều trái ngược, (muốn về đó) thì để cho tự nhiên dắt dẫn. Sao chẳng bỏ thế sự, nhọc làm để cầu đạo đức, để được trường sanh mãi mãi, sống vui không biết chừng nào hết.

Huyền nghĩa: Trong đoạn đầu, Kinh có câu: “...nước ấy đã nhiệm mầu, an lạc, trong sạch như thế, tại sao chẳng ra sức làm lành, nghĩ đến cái tự nhiên của con đường, nương vào chỗ không trên không dưới, thấu suốt đến chỗ không bờ cõi?”

 

Thật là giản dị mà cũng thật là thâm sâu: lời Phật có khác! Không ra sức làm lành để sang nước nhiệm mầu chỉ vì con người mê đắm cõi phàm phu thô tục; an lạc mà không muốn đến, chỉ vì con người say sống trong khổ đau lo buồn; nơi trong sạch mà không muốn vào, há chẳng tại con người đã quen sống với uế trược? Nhưng nào phải khó khăn hiểm trở gì con đường dẫn đến nước nhiệm mầu, an lạc và thanh tịnh ấy! Nho gia bảo: “Suất tánh chi vi đạo"  (Trung dung), Theo tánh tự nhiên mà không uốn nắn sửa đổi, đó là con đường (chân chánh). Câu “nghĩ  đến cái tự nhiên của con đường” không có nghĩa nào khác hơn. Phật tánh của mỗi chúng sanh là tánh tự nhiên, vì sẵn có,không cần phải rèn luyện. Cứ theo con đường tự nhiên ấy là đến cõi nhiệm mầu, an lạc…Tiếc thay, thường chúng ta không theo con đường tự nhiên ấy mà lại theo con đường nhân tạo. Thấy người nghèo khổ, tâm Phật liền vạch ngay con đường cứu tế, tại sao ta không xuôi theo, lại sửa đổi bước đi để rẽ sang con đường “nhân tạo" ích kỷ? Nói tóm, cứ theo tiếng gọi của lòng trong sạch (Chân tâm), của tánh sáng suốt (Phật tánh) mà đi đúng con đường tự nhiên. Do đây, ở chót đoạn, Kinh dạy: “để cho tự nhiên dắt dẫn”.



Nương vào chỗ không trên không dưới" là không thái quá, không bất cập, đứng giữa hai cái cực đoan thương ghét, lấy bỏ…(Trung đạo).

Thấu suốt đến chỗ không bờ cõi" là thấu suốt lẽ Vô cùng (Infini), lẽ Tuyệt đối (Absolu), tức là thông hiểu tới chỗ “chí đạo”.

Nhưng muốn không, chưa đủ, mà “cần tinh tấn, ra sức tự cầu…” Vậy ra, tuy có tiếng là dựa trên tha lực, pháp môn Tịnh độ tựu trung đòi hỏi một sức tự cầu tinh tấn mới thành tựu. 

Nhưng người đời sống trong mỏng manh, cùng nhau tranh giành những sự không khẩn thiết. Trong chỗ cực khổ, dữ dội ấy, con người để thân nhọc nhằn làm việc hầu tự cung cấp sự ích lợi cho mình. Bất luận kẻ sang người hèn, kẻ nghèo người giàu, lớn nhỏ, man nữ, tất cả đều lo về tiền của (kẻ) có (người) không đồng y như nhai, để cho buồn rầu kéo đến, lo toan sầu khổ, chồng niệm chứa lự, làm tôi mọi cho tâm, không lúc nào được an.Có ruộng thì lo cho ruộng, có nhà thì lo cho nhà, có bò ngựa, lục súc, tôi trai tớ gái, tiền bạc, của cải, quần áoo,miếng ăn mọi thứ, thì đều lo cho các thứ ấy. Chồng chất lo nghĩ, thêm nhiều thở ra, buồn, nhớ, sầu sợ,để rồi bị cái thế lực của “phi thường”: nước, lửa,trộm, giặc, kẻ thù, chủ nợ,đốt, trôi, cướp, đoạt, tan tác mòn mất, nọc độc lo buồn, không lúc nào giải được, kết chứa trong lòng, không lìa ưu não. Tâm bền ý vững cho đến không buông không bỏ thì khi lâm vào cảnh suy vỡ, thân mất mạng chung, rồi bỏ hết mà đi, không một vật nào theo được. Bậc giàu sang cũng có những tai hại ấy: lo sợ muôn bề, nhọc khổ cũng thế, cột mình với nóng lạnh, cùng ở với sự đau đớn. Hạng nghèo khó thấp thỏi, thiếu thốn tay không chẳng có ruộng thì cũng lo, muốn có ruộng; không nhà cũng lo, muốn có nhà; không có bò ngựa dê gà chó lợn, tôi trai tớ gái, tiền bạc áo quần, miếng ăn thức uống, vật này thứ nọ, cũng lo, muốn sao cho có. Đến khi được một. lại cho một là ít, có bao nhiêu cũng cho là ít,lo có cho được bằng người. Đến khi cái muốn được đầy đủ rồi thì lại làm cho nó tan nát. Rồi vì đó mà lo khổ, mất rồi kiếm trở lại, không bao giờ được, thành ra nhớ nghĩ vô ích,thành ra thân tâm đều mệt nhọc,ngồi đứng không an. Lo nghĩ theo nhau,nhọc khổ như thế, mà lại còn thắt buộc mình với nóng lạnh, cùng ở với đau nhức. Lâm vào cảnh ấy thì chung thân chết yểu, nhưng lại không những làm lành, đi trong con đường chân chánh, tiến tới chỗ đức hạnh để thọ hết, thân chết,một mình ra đi, có nơi có hướng. Con đường lành dữ, chẳng há không biết vậy.

Huyền nghĩa:

Tranh giành, lo nhọc là vì tham lam ích kỷ,tham tiền của, tham sung sướng vật chất. Không có thì mong có, mong không được là khổ (cầu bất đắc khổ), được bao nhiêu cũng không vừa lòng. Vả lại, được nào phải là được mãi, trộm cướp, lụt lội, hỏa hoạn kẻ thù,bao giờ cũng chực xâm đoạt, mà hễ mất là khổ đến (ái biệt ly khổ).

Từ trước tới đây, Kinh chỉ cái độc hại của lòng tham là sự khao khát không bao giờ thỏa mãn. Vậy nghĩ nên bỏ tham lam, mẹ đẻ của lo buồn, để cho tâm thanh tịnh, hưởng cảnh an lạc và cảnh nhiệm mầu tuyệt đối vô vi.

Làm người trong đời, cha con anh em, vợ chồng nhà cửa, họ hàng trong ngoài (nội ngoại), nên cùng nhau thương kính, không nên cùng nhau ganh ghét; kẻ có người không, thông cảm nhau, không nên tham tiếc. Lời nói, sắc mặt luôn luôn hòa dịu, đừng làm ngang trái nhau. Hoặc khi trong lòng có ý tranh chấp, có điều nóng giận (nên biết) một chút giận oán nghịch lẫn ganh ghét trong đời này, sẽ chuyển mạnh hơn lên đến thành oán lớn trong đời sau. Tại sao vậy? Vì muôn việc ở đời, hể đổi ý muốn hại nhau thì tuy không tức thời phá nhau nhanh chọng, vẫn chứa nuôi cái độc giận, làm cho tinh thân bị kết chặt với cái giân,tự nhiên chống đối với tâm thức. Không lìa xa được, (vì oán thù cột chặt) thì sẽ cùng nhau sanh trở lại trong cảnh chống báng để rồi cùng nhau báo oán trả thù. Con người ở thế gian, sống trong vòng thương muốn, sanh một mình, thác một mình, một mình đi, một mình mình đến, nên đi đúng hướng. Sống khổ cảnh nào cũng chỉ một mình mình gánh chịu,không ai thay thế. Lành dữ biến hóa, họa phước khác nơi, đều có dự trước và nghiêm nghị đợi chờ, vậy nên một mình hướng về nẻo khác mà xa lánh vậy. Kẻ nào không biết lẽ này thì lành dữ tự nhiên sẽ theo đuổi ở kiếp lai sanh trong chỗ tối tăm sâu kín. Có thể xa cách lâu dài, mỗi người mỗi ngã, nhưng gặp nhau trở lại, thật không biết lúc nào. Khó thay! Khó thay! 

Huyền nghĩa:

Nóng giận, oán thù, ganh ghét, tranh chấp, chống chỏi nhau, là những tật xấu của con người mà Kinh Phật đặt chung cho cái tên “Sân”.

Nên nhớ câu “một chút giận oán, nghịch lẫn, ganh ghét trong đời này, sẽ chuyển mạnh hơn lên đến thành  oán lên cho đời sau".

Thương nhau, ai muốn chia lìa, nhưng khi chết đến, thì ai cũng ra đi có một mình như lúc tới là sanh. Vậy phải đi cho đúng hướng và hướng ấy nhất định phải là hướng thiện, thanh.

Lại nữa, vì lấy oán trói cột nhau, cho nên khó tránh sự tái ngộ. Đó là nghĩa của câu “oan oan tương báo" mà mình thường nghe. 

Đã biết sẽ gặp lại nhau, cớ sao không bỏ mọi việc, ai cũng đem cái thời xinh tươi mạnh mẽ của mình ra mà nỗ lực cần tu điều lành, tinh tấn nguyện độ đời. Tạo được đức là sống hoài không cùng cực. Như vậy mà không cầu đạo, an lòng chờ đợi, còn ham cái vui nào khác ư?

Ấy vì người đời không tin làm lành được lành,theo đạo được đạo; không tin con người chết đi rồi còn sống lại, hễ cho nhiều thì được phước. Việc lành việc ác đều không tin, cho là không thể có việc báo ứng, rốt cuộc không có gì hết. Hãy lấy đây và tự xét, sẽ thấy đôi bên kẻ liếc người ngó, trước sau như nhau, đôi đàng cùng cho, lãnh. Cha dạy điều gì là do tiên nhân tổ phụ truyền lại, mà ông bà lại không làm lành, không biết đạo đức, thân ngu trí tối, lòng nghẹt ý đóng, cái lẽ thúc đẩy của sanh tử, đôi đường thiện ác mà tự mình không thấy, thì không còn biết nói làm sao! Kiết hung họa phước, tranh nhau mà làm, thật không có gì lạ cả. Sanh tử đạo thường, nối nhau lập ra, hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em, vợ chồng cũng lại khóc nhau, lộn lên trở xuống, cội rễ tại lẽ vô thường. Vậy nên bỏ qua đi, vì đó không phải là điều giữ gìn còn mãi. Lấy lời mà dạy, mở lối cho đi, người tin rất ít, vì lưu chuyển trong dòng sanh tử, không lúc nào nghỉ dừng. Những người như thế ngu tối quá sâu, không tin Kinh pháp, lòng không lo xa, ai ai cũng muốn khoái ý, mê muội trong ham muốn,không đạt đến đạo đức, mê chìm trong nóng giận, tham lam nơi của cải, sắc đẹp. Đó là vì không đắc đạo, sẽ hướng về nơi ác khổ, sanh tử không biết đến đâu là cùng hết. Đau đớn thay!  Thật là đáng thương thay vậy! 

Huyền nghĩa:

 

Không thấy làm lành mà ưa tạo việc ác,chỉ vì con người chưa tin luật nhân quả, báo ứng và luật luân hồi tái sanh.



Kẻ liếc qua, người ngó lại, là giữa đôi bên có sự ràng buộc rồi. Cho mà không ai lãnh, như mắng đáng mà không ai tự xem bị mắng bị đánh, thì không khác nào gió qua cửa sổ, chẳng có hậu quả gì. Đến như cho mà người lãnh, thì mối tương quan, dây thù oán, không biết ngày nào tháo mở được.

 

Mấy lời của Phật trong đoạn chót trên đây thật là tha thiết, chứng tỏ Phật thương đàn con dại không biết đâu là cùng.


Hoặc có lúc cùng chung một nhà, làm cha làm con làm anh làm em, làm chồng làm vợ, một chết một sinh, càng thêm cùng nhau thương xót ân ái nhớ tưởng lo nghĩ kết chặt, tâm ý dính liền, dầu thêm thương mến không rời, ngày qua năm hết, không sao giải được. (Vì vậy cho nên) lấy lời mà dạy đạo đức, tâm chẳng kahi mở, trong mọi tư tưởng thương mến, chẳng lìa tình dục, tối tăm đóng ngăn, ngu si mê hoặc che lấp, không năng suy tính sâu a, để sửa lòng cho đoan chính, ròng lo hành đạo, quyết dứt việc đời, lại cứ quanh vòng mãi theo tình dục rồi đến khi năm hết mạng chung,không nắm được đạo, thì chẳng biết còn làm thế nào. Nói chung một các mộc mạc, tất cả những trạng thái tâm loạn tâm rối đều do tham lam, thương mến, ham muốn gây ra. Lầm đường, thì nhiều, biết đường thật ít. Thế gian đâu đâu cũng thế, chẳng ai mà chẳng làm lợi trong chỗ đau thương. Bậc cao như bậc thấp nghèo giàu sang hèn cần cù lao khổ làm ăn mỗi mỗi đều chứa cái độc giết chóc, ác khí sâu kín. Vì cảnh dối láo mà hoạt động, trái nghịch trời  đất, chẳng tùng những tâm là cái tự nhiên chẳng phải ác. Trước còn tùy theo tâm, sau lại nghe việc của mìnhlàm, đến khi tội lỗi dẫy đầy, tuổi thọ chưa tận lại làm cho nó dứt đứt rơi xuống đường ác, nhiều đời khổ nhọc, quay quần trong cảnh ấy ngàn, muôn ức kiếp, chẳng có ngày ra khỏi đớn đau không nói xiết. Thật đáng thương thay! 

Huyền nghĩa:

Thương muốn (ái dục) mà còn thì gọi là còn bị cột trói (triền phược). Vì người đời sống theo thương muốn mà không nghĩ đến việc cổi mở (giải thoát) nên Kinh nói: “Lầm đường thì nhiều, biết đường thật ít”. Biết đường đây là đường diệt dục, giải thoát. Có diệt dục mới thanh tịnh, có giải thoát mới an lạc.

“Vì cảnh dối láo mà hoạt động”. Phải quả quyết cảnh thế gian này là huyễn hoặc không thật, vậy là một trò dối láo (mensonge), khác với sự thật (vétrité). “Trước còn tùy theo tâm” là tiếng sai sử của Tâm tánh “tự nhiên không phải ác”, rồi “sau lại nghe việc của mình làm”, tức là nghe lời đường mật thúc đẩy của tham lam, giận hờn, si mê.

Phật bảo Bồ tát Di Lặc và các hàng thiên, nhân: Ta nay nói cho các ngươi biết, vì ở thế gian con người xử sự như vậy cho nên không được đạo. Vậy nên suy tính cho chín chắn, xa lìa các ác, chọn những điều lành và ra công thi hành. Thương muốn, vinh hoa chẳng thể giữ mãi, vậy cũng nên biệt ly, không gì vui cả. Gặp Phật ra đời, nên cố gắng tinh tấn. Ai là người chí tâm nguyện sinh về nước An Lạc có thể được trí huệ sáng suốt, công đức thù thắng. Chớ nên xuôi theo cái ham muốn của lòng mà làm thiệt hại hay trái ngược với Kinh, với luật để phải đứng sau người. Nếu có điều gì nghi ngờ, chẳng giải được nghĩa kinh, khá đem ra hỏi Phật đầy đủ, ta sẽ thuyết cho nghe. 

Bồ tát Di Lặc quỳ mọp bạch rằng: Hỡi đức Phật oai thần kính trọng Lời Phật nói thật là sắc sảo. Nghe Phật nói rồi để lòng thông suốt mà suy ngẫm thì thấy rằng người đời quả đúng như vậy. Nay Phật thương xót, bày chỉ Đạo cả, thì tai mắt mở sáng, được độ thoát lâu dài. Nghe những lời Phật thuyết, không ai là không hoan hỷ. Từ hàng chư Thiên cho đến loài người và các loài thú máy cựa, tất cả đều đội ân lành, giải thoát lo khổ. Lời Phật dạy răn, rất sâu, rất phải, (chứng tỏ) một trí huệ sáng suốt, tám phương, trên dưới, việc qua, việc nay, việc tới, không việc nào mà Phật không cứu xét tận tường. Nay chúng con sở dĩ mong được giải thoát là nhờ ở các kiếp trước, trong lúc còn cầu đạo, Phật đã nhún nhường chịu khổ, đem ân đức bao trùm tất cả, phước lộc vòi vọi, sáng chiếu cùng tột, đạt đến “Không”, “Vô tướng”, khai mở và đi vào Niết bàn. Rồi Phật dạy bảo, trao truyền phép tắc, dùng oai thần mà chế ngự, tiêu trừ, biến hóa, làm cho mười phương chuyển động không cùng cực. Phật là Vua pháp, đáng tôn trọng hơn tất cả các vị Thánh, khắp vì tất cả Trời Người mà làm Thầy, tùy tâm nguyện của mỗi người mà khiến cho đắc đạo. Nay được gặp Phật, lại nghe được tiếng của Vô Lượng Thọ Phật, không ai chẳng hoan hỷ, lòng được mở sáng. 

Huyền nghĩa:

Chạy theo thương, muốn, vinh hoa là những cái mình biết không thể giữ mãi, thì có gì vui đâu. Xuôi theo thương muốn mà làm thiệt hại người hay trái với lời Phật dạy, với giới luật, thì phải “đứng sau người" trên đường đạo đức.

Phật bảo Bồ tát Di Lặc: Lời ngươi rất phải vậy. Nếu có người thương kính Phật, thì đó là một điều lành lớn. Dưới gầm trời này, lâu lâu mới có Phật ra đời. Nay ta ở cõi này làm Phật, diễn thuyết kinh pháp, tuyên bố đạo giáo, chặt đứt lưới nghi, nhổ gốc ái dục, lấp nguồn mọi ác,dạo bước trong bà giới, không bị gì câu thúc ngăn ngại, trí huệ làu thông yếu điểm của mọi đạo, cầm giữ giềng mối, chiếu tỏ phân minh, mở chỉ năm “thú”, độ kẻ chưa được độ, giải quyết một cách chân chính đạo sinh tử, Niết bàn Di Lặc!  Người nên biết rằng, ngươi đã từ vô số kiếp đến nay, tu hạnh Bồ tát, muốn độ chúng sanh, như thế đã lâu lắm rồi. Những kẻ theo ngươi đắc đạo cho đến Niết bàn, đông không thể biết số. Ngươi và mười phương chư Thiên, Nhân, tất cả bốn chúng, từ kiếp xa đến nay, lăn lộn trong năm nẻo lo sợ nhọc khổ không thể nói cho hết, cho tới đời này mà đường sinh tử chẳng dứt. Nay ngươi cũng nên tự ngươi nhàm chán sự đau khổ của sinh, già, bệnh, chết, nhàm chán thứ nước ngọt bất tịnh của điều ác, là những cái không có gì vui cả. Nên tự quyết chặt đứt, giữ thân ngay thẳng, gìn hạnh chân chánh, làm thêm việc lành, sửa mình, sạch thể, tẩy trừ mọi nhơ bẩn của tâm, nói làm trung tín, ngoài trong ứng nhau. Người đời ai cũng có khả năng tự độ, (vậy nên) chuyển hướng mà cứu vớt lẫn nhau, tinh cần sáng suốt cầu nguyện, chứa chất căn lành. Tuy một đời khó nhọc, nhưng (đối với thời gian vô tận) cũng chỉ khoảnh khắc thôi, mà về sau sẽ được sinh về nước Phật Vô Lượng Thọ hưởng sự khoái lạc vô cực, mãi cùng đạo đức bắt tay, vĩnh viễn nhổ đứt cội rễ sinh tử, không còn chịu trở lại cái hoạn họa tham giận, ngu si, khổ não. Muốn sống lâu một kiếp, trăm kiếp, ngàn muôn ức kiếp trong tự tại tùy ý, đều có thể được vô vi tự nhiên, kế đó là vào con đường Niết bàn vậy. Các ngươi nên tinh tấn, cầu cho được sở nguyện của tâm mình. Không nên vì nghi hoặc mà hối tiếc, tự làm sai lầm tội lỗi, mà phải sinh vào cõi đất biên thuỳ của nước cung điện bảy báu, chịu khổ ách trong năm trăm năm vậy.

Di Lặc bạch Phật: Xin lãnh lấy lời dạy trân trọng của Phật, cần chuyên tinh tấn tu học, y theo lời Phật dạy mà hành, không dám có điều ngờ vực.

Lời Phật dạy Bồ tát Di Lặc là lời dạy chung cho tất cả chúng sanh: “...nên tự nhàm chán sự khổ của sanh, già, bệnh, chết; nhàm chán thứ nước ngọt bất tịnh của điều ác…” mà Kinh gọi là “ác lộ bất tịnh”. Bã vinh hoa, mồi phú quý là những thứ nước ngọt (cam lộ) không trogn sạch mà trong đó những con ruồi chúng sanh bị quyến rũ thường té chết.

Đem muôn ức kiếp cần tu ra so với thời gian vô tận, chỉ là khoảnh khắc. Huống chi lấy cái nhọc hữu hạn đánh đổi cái vui vô cùng, thì cái lợi hiển nhiên, tại sao không cố gắng?

(trích tạp chí Từ Quang số 130-131, tháng 11-12 năm 1962, tr. 90-98)

Phật bảo Di Lặc: Ở đời này mà các ngươi giữ được tâm ý đoan chính, không làm điều ác,thì thật là đức cả, mười phương thế giới, không ai sánh kịp vậy. Tại sao? Các hàng Thiên, nhân ở các nước Phật, tự nhiên mà làm lành, không bao giờ làm ác, thì rất dễ khai hóa. Ta nay làm Phật ở thế gian này, đứng trong 5 ác, 5 đau, 5 dốt, là những cái khổ hết sức nguy kịch mà giáo hóa quần sinh, dạy cho chúng bỏ 5 ác, khử  5 đau, lìa 5 dốt; hàng phục biến hóa tâm ý của chúng, dạy chúng nắm giữ 5 lành, thu hoạch phước đức, vượt khỏi cảnh thế gian, vào đường trường thọ Niết bàn.

Phật nói tiếp: Năm ác là gì? Năm đau là gì? Năm dốt là gì? Những gì sẽ làm tiêu hóa 5 ác khiến nắm giỡ năm lành để thu hoạch phước đức, thoát cảnh thế gian, vào nẻo Niết bàn trường thọ?

Huyền nghĩa:

Năm ác sẽ nói sau đây là những vị phạm của năm giới: chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu.

Tạo những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng và tửu thì lúc sống, bị luật pháp nhà nước tù đày trừng phạt, chết sa vào ác đạo, đau khổ, cho nên gọi là 5 đau (ngũ thống).

Đau khổ bức bách, cắt xé thân thể như bị lửa đốt, cho nên gọi 5 thiêu (ngũ thiêu).

Trên đây, là giải theo Phật học Đại từ điển. Thâm sâu hơn, có thể nói rằng sở dĩ có phạm 5 ác, là vì bị ba độc tham, sân, si sai sử. Mà sống trong tam độc vì chẳng khác sống trong nhà cháy  (hỏa trạch) mà ở trong nhà cháy thì sẽ cố nhiên phải bị thiêu đốt, những cái thiêu đốt của dục vọng, của giận hờn, của say đắm.

1) Ác thứ nhất - Phật nói: Loài thiên, loài người cho chí những loài máy cựa, hễ muốn làm ác, thì đều làm y như nhau, là mạnh hiếp yếu cho đến nước xem nhau như giặc, tàn hại, giết chóc, thậm chí đến cắn nuốt lẫn nhau, không biết tu sửa làm lành. Ác nghịch vô đạo, thì sau phải lãnh tội vạ, tự nhiên nó xô đẩy tới, vì có thần minh ghi biết. Kẻ phạm tội không chịu buông tha cho nên mới có cảnh nghèo cùng, hèn hạ, ăn mày, côi cút, điếc đui, câm ngọng, ngu si, tệ ác, cho đến điên khùng không bằng ai. Trái lại, có những bậc cao sang giàu có, tài cao sáng suốt, ấy chẳng qua những người ấy đều do đời trước biết từ hiếu làm lành, chất chứa phước đức. Thế gian có con đường thông thường của thế gian, là phép vua, lao ngục, thế mà họ không khứu sợ hãi, thận trọng, để làm ác phạm tội, lãnh chịu sự trừng phạt, muốn thoát khỏi khó được vậy. Chuyện thế gian trước mắt như thế, chí như chuyện của khi thọ chung, của đời sau, thì lại sâu sắc, nguy kịch hơn nhiều; vào chốn đen tối, chuyển sanh thọ thân khác, tỷ như chịu sự đau khổ cực hình của phép vua.Bởi cớ có ba nẻo tự nhiên, khổ não vô lượng, báu đổi cái thân, cải hình đổi lối, còn tuổi thọ chịu lãnh thì hoặc dài hoặc ngắn, hồn thần tỉnh thức, tự nhiên hướng về đó mà đến. Lẽ ra một mình, lại gặp những kẻ thù trước theo gót cùng sanh, để cùng nhau báo thù phục hận, không lúc nào dừng hết. Ác hại chưa hết, thì chưa xa lìa nhau  được, quay quần trong cái vòng ấy mãi,không có lúc ra khỏi, khó mà giải thoát,đớn đau không kể xiết. Trong trời đất,tự nhiên có cảnh ấy, tuy không ngay đây, bạo cùng ứng đến. Con đường lành dữ, nênlấy trí mà hội ý. Đây là nói đến cái thứ nhất, cái đau khổ thứ nhất, cái nung đốt thứ nhất. Khổ nhọc như thế, tỷ như lửa to đốt thân. Con người bị đốt như thế mà biết một lòng chế ý, đoan thân chính hạnh, độc làm việc lành mà không làm ác, thì sẽ riêng được độ thoát, lượm nhiều phước đức, vượt khỏi thế gian, lên cõi Thiên thượng, vào đường Niết bàn. Đó là sự lành lớn thứ nhất vậy.

Huyền nghĩa:


Ác thứ nhất là ác sát sanh hại mạng.
Câu “thần minh ghi biết” có lẽ là một lối diễn tả luật nhân quả, nghiệp báo nghiêm minh. 

Đã nói nhân quả, thì cũng như các thứ trái kia, có thứ chín chậm, có thứ chím mau, không đồng đều. Vì vậy đừng thấy trái nghiệp chưa chín mà tưởng là không có báo ứng. Kinh dạy: “Tuy không ngay đây,bạo cùng ứng đến” (tuy bất tức khởi, tốt bạo ứng chí), nghĩa là cuối cùng rồi, sự hung ác ứng nghiệm mà đến.

2) Ác thứ hai - Phật nói: Điều ác thứ hai là: Người đời, cha con, anh em, cửa nhà, chồng vợ, tóm lại đều không nghĩa lý. (Nhưng vì) không biết thuận theo Pháp nên mới sinh ra xa xí, hoang dâm, kiêu ngạo, buông lung, ai cũng muốn làm khoái ý mình, đem lòng phóng túng, dối gạt lẫn nhau, lòng miệng khác nhau, lời nói tư tưởng không thành thực, nịnh hót không trung với người, nói khéo, bợ đỡ, ghét người hiền, gièm người thiện, làm cho người sa vào hầm oan uổng. Trên, bậc làm chủ không sáng suốt trong chỗ giao phó chức việc cho bầy tôi: dưới, bầy tôi tự do gian giảo nhiều bề. Chà đạp lên pháp luật mà có người làm, là vì họ biết tình trạng của pháp luật như thế nào; tại chức vị mà không chánh, là vì bị chức vị dối lừa. Nói láo làm thương tổn hạng ngay thẳng hiền lành, không xứng với thiện tâm. Tôi dối vua, con dối cha, anh em vợ chồng, trong ngoài bè bạn quen biết cũng dối láo nhau, ai cũng mang lòng tham muốn, hờn giận, ngu si, chỉ vì muốn tự hậu đãi mình. Tham muốn cho nhiều, tâm ý ấy, người sang kẻ hèn, người trên kẻ dưới, đều đồng như nhau vậy. Hễ có tâm ý thì dầu là bà con nội ngoại, cũng có thể diệt được. Có khi trong chỗ gia đình, quen biết, làng xóm, chợ búa, cùng làm việc với hạng ngu dốt, quê mùa mà lại làm lợi làm hại lẫn nhau, làm cho giận hờn mà sanh thù oán. Giàu thì keo kiệt, tiếc của, không chia sớt với ai; thương giữ,tham nặng, lòng nhọc, thân khổ, như thế mãi cho đến cùng, không có nơi nương tựa,nhờ cậy, thành phải tới lui một mình, không một ai theo. Lành dữ, họa phước là do đời sống trước của ta sanh ra, (vì vậy) mà có kẻ sanh nơi vui sướng, có người lại vào chỗ khổ độc. Như vậy mà đợi đến sau mới ăn năn thì làm thế nào khắc phục tình thế cho kịp?

Người đời lòng ngu trí hẹp, thấy lành thì ghét bỏ, phỉ báng,không nghĩ đến việc mến chuộng và làm cho bằng người, chỉ muốn làm ác, vọng tạo điều phi pháp, thường mang lòng trộm cắp, trông mong những cái lợi của người. Làm cho tiêu tán mòn hết rồi lại đi tìm kiếm. Lòng vạy không ngay, sợ người đến ra mặt. Không xét không tính trước khi việc xảy ra, việc đến rồi mới hối ngộ. Trong đời này và trước mắt thì bị phép vua lao ngục, tùy tội mà định đoạt, phải lãnh họa tội. Nguyên nhân ở chỗ đời trước không tin đạo đức, không tu căn lành, rồi đời nay làm ác. Thần trời ghi biết biên tên vào bộ sổ, đến khi tuổi hết (mạng chung), thần hồn ra đi, phải rơi vào đường dữ. Bởi cớ, tự nhiên mà có ba đường (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), khổ não không lường, quây quần trong đó, đời đời kiếp kiếp, không có ngày ra, khó nỗi giải thoát, đớn đau không nói xiết. Cái đại ác thứ hai, cái đau đớn thứ hai, cái thiêu đốt thứ hai là như thế đó. 

Bị nhọc nhằn đau khổ như vậy tỷ như thân bị lửa to thui đốt. Người ở trong lò lửa ấy mà năng một lòng chế ngự ý mình, sửa thân đoan trang, làm hạnh chân chánh, chỉ có làm việc lành mà không làm việc ác, thì riêng độ thoát được thân mình, mà còn gặt hái nhiều phước đức, ra khỏi thế gian, về chốn Thượng thiên và bước vào con đường dẫn đến Niết bàn. Đây là điều lành thứ hai vậy. 

3) Ác thứ ba - Phật nói: Điều ác thứ ba là: Con người ở thế gian, nương nhau sống gởi, cùng nhau chung ở giữa khoảng trời đất, hưởng thọ nghĩ có bao năm. Trên thì có những bậc hiền minh, trưởng giả, sang trọng, giàu có, dưới thì có nghèo cùng thấp thỏi, yếu đuối ngu si; giữa hai giai cấp đó thì hạng người chằng lành, thường ôm tà dâm tà ác, chỉ nhớ nghĩ đến chuyện dâm dật, phiền não, dẫy đầy trong bụng, thương muốn chằng chịt, ngồi  đứng không an, ý tham giữ tiếc, chỉ muốn được to. Đôi mắt lấm lét, nghó nhìn sắc đẹp, nét tà dâm xuất hiện ra ngoài, vợ mình thì chán ghét, riêng tư bậy bạ, ra vô hao tổn của nhà, làm việc phi pháp. Giao kết, tụ hội kết đoàn đánh nhau, tấn công, cướp đoạt, giết chóc, cưỡng đoạt không kể gì đạo lý. Ác tâm đã hiện ra ngoài thì không sửa nghiệp được. Trộm cắp mà thích rồi, ham muốn thành nết rồi, để cho cái sợ cái nóng bức bách, thì phải đem về mà cho vợ cho con. Phóng tâm khoái ý hết sức  tìm vui thì trong lòng thân thuộc, không còn kẻ gì tôn ty, còn bà con nội ngoại trong gia đình, đều làm khổ, gây họa cho họ. Lại cũng không còn sự phép vua lệnh cấm. Những điều ác như thế liên quan đến người và quỉ, nhật nguyệt soi thấy, thân minh ghi biết. Bởi cớ có na nẻo tự nhiên khổ não khôn lường, quay quần trong đó, đời đời kiếp kiếp không có ngày ra khó mà giải thoát, đau đớn thứ ba, cái thiêu đốt thứ ba. Lao, nhọc khổ sở như vậy, tỷ như lửa to thiêu đốt con người.

Người ở trong lò lửa ấy mà năng một lòng kiềm chế ý mình, sửa thân đoan trang, làm hạnh chân chính, chỉ có việc lành mà không làm điều ác, thì riêng được độ thoát thân mình, gặt hái nhiều phước đức, ra khỏi thế gian, về chốn Thượng thiên và bước vào con đường Niết bàn. Đây là điều lành lớn thứ ba.

4)Ác thứ tư - Phật nói: Điều ác thứ tư là: Con người ở thế gian, chẳng nhớ nghĩ đến sự sửa điều lành, lại cùng nhau dạy bảo làm ác, đâm thọc, mắng chửi, nói vậy thêu dệt, gièm hại, khuấy rối, ganh ghét người làm, làm hư hỏng bậc hiền minh, thế mà gân như sung sướng,. Bất hiếu với cha mẹ, khinh lờn thầy và bậc trưởng thượng, đối với bạn bè không giữ chữ tín, khó được thành thật, tự coi mình cao mình lớn, cho mình có đạo, hoành hành uy thế, lấn lướt người khác. Thế mà tự mình không biết, làm ác mà không hổ, tự lấy sức mạnh muốn làm cho người kính nể, chẳng sợ trời đất, thần minh, nhật nguyệt, chẳng khứng làm lành, khó thể hàng phục biến hóa, tự do ngất ngưỡng,cho đó là thường, không biết lo sợ gì, thường mang tính kiêu ngạo. Những điều ác như vậy, thần trời ghi biết. Dựa vào đời trước có tạo một vài phước đức, một ít việc lành, đời nay được phò tiếp hộ trợ rồi làm ác, đến khi phước đức hết, các hồn thần lành cùng nhau bỏ đâo, thì thân còn trơ trọi, không còn chỗ nào tựa nương. Đến khi thọ mạng chấm dứt,bao nhiêu điều ác đều đổ dồn, tự nhiên mà bức bách và cùng nhau xô đẩy xuống chỗ thấp hèn. Lại thêm nỗi tên tuổi đã bị ghe chép nơi thần minh, tai ương sẽ dẫn dắt th` sẽ nhắm hướng tội báo tự nhiên mà đến. Trước không bỏ lìa, chỉ biết đi tới mãi trên con đường ác thì phải vào lò lửa, vạc dầu thân tâm gãy nát, tinh thần đau khổ. Đến lúc ấy rồi, ăn năn sao kịp! Đạo trời tự nhiên, không bao giờ sai chạy, cho nên tự nhiên có ba nẻo khổ não khôn lường,quay quần trong đó đời đời kiếp kiếp không có ngày ra, khó được giải thoát, đau đớn không thể nói. Đó là ác lớn thứ tư, cái đau đớn tứ tư, cái thiêu đốt thứ tư. Lao nhọc, khổ sở như vậy, tỷ như lửa to thiêu đốt thân người.

Ở trong lò lửa ấy mà năng một lòng kiềm chế ý mình sửa thân ngay thẳng, làm hạnh chân chính, chỉ làm việc lành, không làm điều ác, thì riêng được độ thoát thân mình, gặt hái nhiều phước đức,ra khỏi thế gian, về chốn Thượng thiên và bước vào con đường Niết bàn. Đây là điều lành lớn thứ tư.

5) Ác thứ năm - Phật nói: Điều ác thứ năm là: Con người ở thế gian lần lựa, biếng nhác, chẳng khứng làm lành, trị thân sửa nghiệp (để cho) cửa nhà họ hàng phải bị đói rét khốn khổ. Cha mẹ có dạy dỗ, thì lỏ mắt giận dỗi cãi lại, lời nói chẳng hòa, ngang trái phản nghịch,tỷ như kẻ thù. Thà không con còn hơn. Giữ cho, không chừng, người người đều lo ghét. Quên ơn trái nghĩa không lòng đền đáp thưởng công. Nghèo cùng, khốn thiếu, chẳng năng khắc phục được. Ngăn đón cạnh tranh, buông thả cướp lấy phóng túng chơi bời, làm không chân chính để mau thành công, nói càn cho được việc, tự lo châu vấp, vui rượu thích đẹp, uống ăn vô độ, buông lòng càng dỡ,ngu độn ngang ngược, đụng đâu chạm đó, chẳng biết nhân tình, cố muốn, áp bức. Thấy người có điều lành thì ganh ghét. Không nghĩa không lễ, không nghĩ đến tai vạ. Tự dùng chức phận, chẳng thể khuyên can. Lục thân quyến thuộc, khi cho khi không, chẳng năng xót nhớ. Chẳng tưởng ơn cha mẹ, chẳng nhớ nghĩa thầy bạn, chưa từng có một việc lành. Chẳng tin bậc Thánh trước, chư Phật và kinh pháp, chẳng tin hành đạo có thể ra khỏi thế gian; chẳng tin chết rồi, thần thức sanh lại; chẳng tin làm lành được lành, làm dữ được dữ. Muốn giết Chân nhân (Phật) khuấy rối chúng Tăng, muốn hại cha mẹ anh em họ hàng, sáu thân đều ghét và muốn cho chết. Người đời như thế, tâm đều tự nhiên ngu si mông muội mà cho đó là trí huệ, chẳng biết sanh là từ đâu mà lại, chết là nhắm hướng nào mà đi thẳng lòng nhân ái, chẳng ý hòa thuận Làm dữ, ngược với trời đất, thế mà hy vọng cầu lợi; muốn cầu sống lâu mà lại đi về nẻo chết. Gặp bậc từ tâm dạy dỗ, khiến cho nhớ tưởng điều lành, mở chỉ cho biết những xu hướng của sanh tử thiện ác và cái lẽ tự nhiên của những xu hướng ấy, lại chẳng chịu tin. Có khổ tâm nói với họ, cũng không giúp ích gì cho họ, vì lòng họ bị đóng ngăn, ý họ chẳng thể mở giải. Mạng sống gần hết, sự ăn năn sợ sệt đổ xô đến: nếu trước không lo tu thiện sửa theo lành tới ‘úc cùng mới hối tiếc, thì sự hối tiếc ở giờ phút chót ấy làm sao cho kịp.

Trong khoảng trời đất, năm nẻo rõ ràng,mù mịt, bâng khuâng, mênh mang, lồng lộng, lành dữ báo ứng họa phước theo nhau, tự mình mang lấy không ai thay thế. Tự nhiên mà thiện ác, họa phước được ghi tính đúng với hành động mà tai ương, lỗi lầm theo đuổi đời sống không sao buông bỏ được.

Người lành làm lành là từ cái vui này đi đến cái vui khác, là từ chỗ sáng đi vào cái sáng. Kẻ ác làm ác là từ cái khổ này đi đến cái khổ khác,là từ chỗ tối đi vào tối. Ai năng biết điều này? Chỉ có Phật biết vậy.Phậtt đã lấy lời mà dạy, khai đường chỉ lối, mà người tin dùng quá ít, thành ra sanh tử không dừng, nẻo ác chẳng dứt. Người đời như vậy, khó mà kể hết được, bởi vậy tự nhiên mà có ba nẻo khổ não khôn lường, quay quần trong đó đời đời kiếp kiếp không có ngày ra, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói. Đó là ác lớn thứ năm, cái đau đớn thứ năm, cái thiêu đốt thứ năm. Lao nhọc, khổ sở như vậy,tỷ như lửa to thiêu đốt thân người.

Ở trong lò lửa ấy mà năng một lòng kềm chế ý mình sửa thân ngay thẳng,làm hạnh chân chính, lời nói việc làm phù hợp nhau, làm gì là chí thành,nói gì là đúng với lời, lòng miệng chẳng dời đổi, chỉ làm điều lành, không làm mọi điều ác thì thân riêng được độ thoát, thu gặt phước đức, ra khỏi thế gian, lên chốn Thượng thiên, vào đường Niết bàn. Đây là điều lành lớn thứ năm vậy.

(trích tạp chí Từ Quang số 132, tr. 41- 48 , tháng 1 năm 1963)

VI. MUỐN CHẾT CHẲNG ĐƯỢC

Phật bảo Bồ tát Di Lặc: Những gì ta vừa nói với chúng ngươi thuộc năm điều ác của thế gian, lao nhọc khổ não như vậy, nămthứ đớn đau, năm thứ thiêu đốt,quay quần mà sinh nhau ra. Nếu chỉ làm mọi điều ác mà chẳng sửa gốc lành, thì tự nhiên mà có xu hp´ng vào các nẻo ác, hoặc ngay đời này bị tạ ươn bệnh hoạn,muốn chốt chẳng được mà muốn sống cũng không kham. Ấy do tội dữ đưa đến, ta chỉ cho mà thấy. Tân chết rồi thì tuỳ việc làm mà nhập vào ba nẻo dữ,khổ sở khôn lường, tự mình thiêu đốt lấy mình. Rồi về sau, lâu ngày chầy tháng, cùng làm cho oán kết, từ những cái ác nhỏ khởi thành những ác lớn. Tất cả đều do tham dính tiền bạc, chẳng biết chora; bi ngu si tham muốn bức bạcg, tùy tâm mà tư tưởng, lo rầu trói buộc không thể cổi mở. Ích mình tranh lợi, không biết xét ghi. Lúc giàu sang vinh hoa thì khoái ý, chẳng hay nhẫn nhục,chẳng vụ sửa mình cho lành; oai thế, không điềm báo trước, tại có mòn nên coó mất; thân ngồi trên lao khổ, sau thành nguy to. Đạo trời rất lớn, tự nhiên bủa giăng, giềng mối của lưới, trên dưới chằng chịt lo lo,động động. khi đã lọt vào đó rồi,khổ sở là như thế. Đau đớn thay, khá thương vậy!

Phật nói với Bồ tát Di Lặc: Thế gian như vậy, Phật lấy làm thương,cho nên mới dùng sức oai thần, xua đuổi trừ diệt mọi ác khiến mọi người tựu về chốn thiện, quên boỏ những điều lo nghĩ, phụng trì kinh giới, thọ hành đạo pháp không sai không mất, rốt được ra khỏi thế gian, vào đường Niết bàn. 

Lời Phật dạy răn chẳng dám để thiếu và trái ngược. Nên cầu qua khỏi thế gian,nhổ bẻ gốc mọi ác sanh tử. Nên xa lìa ba nẻo, đường khổ đau lo sợ vô lượng. Các người nên nơi đây rộng trồng gốc đức, rải ơn cấp huệ,chớ phạm điều cấm của Đạo, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí huệ, giáo lh´a lẫn nhau. Làm đức, lập thiện, chính tâm, chính ý, trai giới, thanh tịnh một ngày một đêm hơn một trăm năm làm lành ở nước Vô Lượng Thọ. Tại sao vậy? Vì ở nước Phật ấy, vô vi tự nhiên, chứa chất các lành, không một ác nhỏ như mảy lông sợi tóc. Ở đây tu thiện mười ngày mười đêm hơn làm lành ngàn năm ở các nước Phật ở phương khác? Tại sao vậy? Các nước Phật phương khác, người làm lành nhiều người làm ác ít, tự nhiên mà có phước đức, không đất để làm ác. Duy có ở thế gian này là nhiều ác, chẳng có tự nhiên, nhọc nhằn khổ sở để cầu các tham muốn, dối gạt lẫn nhau, tâm nhọc, hình mệt, uống đắng ăn độc, làm ác như thế chưa hề yên nghỉ. 

Ta thương các ngươi, loài trời, loài người, cho nên khổ tâm răn dạy cho biết tu thiện, tùy tài năng độ lượng mà m ̉ dắt, trao cho kinh pháp, không ai không vâng dùng. Tùy sở nguyện trong lòng, ta đều kiện cho được Đạo. Những Nơi PHật để chân đến, nước, ấp, làng, xóm, không đâu là không đội ơn bố hóa. Thiên hạ hoà thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió đúng thời, tai ơng dịch lệ chẳng khởi, nước giàu dân an, binh khí vô dụng, chuộng đức, dấy nhân, chuyên tu lễ thượng.

Phật nói: Ta thương xót các ngươi,nhân dân cõi trời, cõi người, hơn cha mẹ thương nhớ con. nay ta ở nơi đây là cảnh thế gian mà làm Phật, hàng phục hóa độ năm ác, tiêu trừ năm đau, tuyệt diệt năm lửa, lấy lành trừ ác, nhổ gốc đau khổ sanh tử, khiến cho thu gặt năm đức, bước lên chỗ an ổn vô vi. Sau khi ta bỏ thế gian ra đi, Đạo lần hồi bị tiêu diệt, dân chúng dua bợ dối trá lại còn làm mọi điều ác, năm thiêu đốt, năm đau đớn trở lại như trước khi ta nói Pháp. Về sau còn nguy hơn nữa, không thể nói hết, ta nay vì chúng ngươi nói sơ như vậy đó thôi. 

Phật nói với Di Lặc: Các ngươi mỗi người nên khéo suy gẫm lời ta, răn dạy lẫn nhau, đừng để phạm kinh pháp của Phật,

 

Ngay khi ấy, bồ tát Di Lặc chắp tay bạch nói: Lời Phật nói rất hay, người đời quả đúng như vậy. Lòng thương xót khắp cùng của Như Lai ắt khiến cho tất cả đều độ thoát. Chúng tôi xin lãnh lời dạy trân trọng của Phật, chẳng dám để trái mất. 

 

Huyền nghĩa:

“Làm đức, lập thiện, chính tâm, chính ý, trai giới thanh tịnh một ngày một đêm (ở thế gian) hơn một trăm năm làm lành ở nước Vô Lượng Thọ”. Tại sao vậy? Kinh dạy: “Vì ở nước Phật ấy, vo vôi, tự nhiên, chứa chất các lành, không một ác nhỏ như mảy lông”.

 

Nghĩa ấy thế nào?

 

Không có người ác, việc ác, thời làm thiện với ai, do đó mà khó bòn các thiện.

 

Ở thế gian, ác nhiều thiện ít, ai muốn làm thiện ắt có chỗ làm thiện và gặt hái nhiều quả thiện. 

 

VII. LỄ PHẬT, ÁNH SÁNG HIỆN RA

 

Phật bảo A Nan: Ngươi hãy đứng dậy và sửa y phục cho ngay ngắn, chắp tay cung kính lễ Phật Vô Lượng Thọ, thường  cùng xưng dương tán thán chư Phật trong mười phương. Chư Phật ấy không dính níu, không bị ngăn ngại. 

 

Lúc ấy, A Nan đứng dậy, sửa y phục đứng ngay quay mặt hướng về tây, cung kính chắp tay, năm vóc gieo xuống đất, làm lễ Phật Vô Lượng Thọ, bạch nói: “Thế Tôn! Tôi nguyện thấy Phật cõi nước An lạc và chư đại chúng Bồ tát, Thanh văn”.

 

A Nan nói xong, Phật A Di Đà liền phóng quang lớn, khắp chiếu tất cả các thế giới của chư Phật; núi Kim Cang vi, núi chúa Tu Di, các núi lớn núi nhỏ. Tất cả những gì có ở khắp nơi đều đồng một sắc, tỷ như nước lụt (hồng thủy) thuở Hoại kiếp, tràn đầy thế giới, trong đó muôn vật chìm mất không thấy, linh láng bát ngát, không thấy gì khác hơn là nước và nước. Ánh sáng của Phật Vô Lượng cũng như thế. Trong ánh sáng ấy, tất cả ánh sáng của Thanh văn, Bồ tát, đều bị che mất, chỉ thấy ánh sáng của Phật mà thôi, chói lọi rõ ràng.

 

Lúc bấy giờ, A Nan liền thấy Phật Vô Lượng Thọ, oai đức vòi vọi như núi Tu Di, cao vượt lên trên hết thảy các thế giới, tướng tốt sáng tỏ, không đâu không chiếu ngời. Bốn chúng trong hội này đồng thời thấy tất cả. Bên nước kia thấy nước này cũng như vậy. 

 

Khi ấy, Phật bảo A Nan và Bồ tát Từ Thị: Hai ngươi thấy nước Phật ấy từ mặt đất trở lên cho tới cảnh trời Tịnh Cư. Những vật mầu nhiệm, nghiêm tịnh, tự nhiên trong nước ấy, các người đã thấy tất cả phải không?



A Nan đáp: Dạ phải, chúng con đã thấy. 

Các ngươi lại còn nghe Phật Vô Lượng Thọ cất tiếng vang dậy khắp tất cả thế giới, giáo hóa chúng sanh, phải vậy chăng?

Dạ phải, chúng con đã nghe.

Nhân dân của nước ấy, ngồi trên cung điện bảy báu cao trăm ngàn do tuần, đi khắp mười phương cúng dường chư Phật mà không gặp chướng ngại nào, các ngươi có thấy chăng?

Trong nhân dân của nước ấy,có hạng thai sanh, các ngươi có thấy nữa chăng?

Chúng con đã thấy.

>Cung điện của hạng thai sanh ấy, cao hoặc trăm do tuần, hoặc năm trăm do tuần, mỗi người trong cung điện ấy thọ hưởng mọi vui sướng tự nhiên như trên cảnh trời Đao Lợi.

VIII. NGHI VẤN VỀ THAI SANH

Lúc bấy giờ, Bồ tát Từ Thị bạch Phật nói: Thế Tôn! Vì nhân duyên nào mà nhân dân nước Phật ấy có hạng thai sanh, có hạng hóa sanh?

Phật Đáp Bồ tát Từ Thị: Nếu có chúng sanh nào dùng tâm nghi hoặc ma tu tập các công đức, nguyện sanh về nước ấy mà chẳng rõ trí Phật, trí chẳng thể nghĩ bàn, trí chẳng thể cân nhắc, trí rộng lớn như chiếc xe to không so sánh được, trí coa tột bậc, tuy đối với các trí ấy có lòng nghi hoặc chẳng tin, nhưng nhờ tin tội phước,tu tập g´c lành, nguyện sanh về nước ấy, thì những chúng sanh đó được sanh về các cung điện nói trên, sống năm trăm tuổi, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, chẳng th´y các bậc Thánh Bồ tát, Thanh Văn,. Bởi cớ gọi họ là thai sanh ở cõi đó. Bằng có chúng sanh nào sáng tin từ trí Phật cho tới trí cao tột bậc, làm mọi công đức, vững tin hồi hướng, thì những chúng sanh ấy từ trong những hoa bảy báu tự nhiên hóa sanh, tréo chân mà ngồi trong khoảng giây lát, thân tướng sáng rỡ và thành tựu đầy đủ trí huệ và công đức như các vị Bồ tát. 

Lại nữa, này Từ Thị, những đại Bồ tát ở các nước Phật phương khác phát tâm muốn thấy Phật Vô Lượng Thọ, cung kính cúng dường, luôn cả các Thánh chúng Bồ tát, Thanh văn, thì những Bồ tát ấy khi mạng chung, được sanh về nước Vô Lượng Thọ, trong hoa bảy báu từ nhiên mà hóa sanh. Được như thế là nhờ trí huệ cao. Còn hạng thai sanh đều không trí huệ, suốt 500 năm, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp,chẳng thấy chúng Thanh Bồ tát, Thanh văn, không do âu mà cúng dường Phật được, chẳng biết ph´ap thức của Bồ tát, chẳng được tu tập công đức. Di Lặc nên biết những người như thế là những người trong các đời trước chẳng có trí huệ, ấy vì nghi hoặc mà bị đặt vào tình trạng như vậy.

Phật nói với Di Lặc: Ví dụ vua Chuyển Luân riêng có những cung điện bảy báu, mỗi mỗi đều trang nghiêm tốt đẹp, giường trướng phô bày, cờ lọng cao treo. Nếu có các vương tử nào phạm tội với vua, thì vua cho nhốt vào các cung ấy, lấy khóa vàng xiềng chân cung cấp món ăn thức uống, quần áo, giường nệm, hoa thơm. múa hát y như vua cha, không thiếu món nào. Ngươi nghĩ sao; các vương tử có chịu vui trong cảnh ấy không? Di Lặc đáp: Thưa không. Các vương tử chắc chắn tìm phương này thế nọ và cầu nơi những bậc có thế lực lớn để đưa mình ra khỏi cảnh ấy. 

Phật nói với Di Lặc: Những chúng sanh thai sanh cũng như thế. Bởi vì nghi hoặc trí Phật, cho nên sanh vào những cung điện ấy là nơi không hình phạt, cho đến một tư tưởng về việc ác cũng không có. Chỉ có điều là suốt 500 năm chẳng nghe thấy Tam Bảo, chẳng được cúng dường và tu các gốc lành, vì đó mà khổ. Tuy có thừa vui vẫn không vui  ở nơi đó. Nếu các chúng sanh này nhận thức được gốc tội của mình, tự hối tự trách một cách thâm sâu, cầu lìa khỏi nơi đó, thì liền được như ý muốn, sang đến chỗ ngự của Phật Vô Lượng Thọ mà cung kính cúng dường. Lại còn được sang khắp những nước của vô lượng vô số Phật khác, tu mọi công đức. Di Lặc nên biết, Bồ tát nào mà sanh lòng nghi ngờ thì mất sự lợi ích lớn. Bởi cớ nên phải sáng suốt tin tưởng nơi trị huệ vô thượng của chư Phật. 

 

Huyền nghĩa:

 

Theo kinh, thai sanh là hạng tu tập công đức và nguyện sanh về Tây phương mà lòng còn nghi hoặc, không tin trí Phật. Còn liên hoa hóa sanh là làm mọi công đức thêm sáng tin trí Phật và vững tin hồi hướng.

 

Đây là một lối thí dụ. Hai đàng, thai sanh và liên hoa hóa sanh, đều như nhau ở điểm đầu là tu tập công đức, nhưng lại khác nhau ở điểm sau là điểm tin trí Phật. 

 

Tin trí Phật là tin tâm mình đầy đủ trí huệ, tâm mình là Phật. Vì không tin điều này, vì còn nghi hoặc, nên hạng thứ nhất tuy làm công đức và nguyện sanh về Tây phương,vẫn còn giữ lòng phá`m, như những người thường (thai sanh), cho nên quyền gọi thai sanh. Còn ghạng người cũng tu tập công đức nhưng hồi hướng (nghĩa là đem công đức ấy mà chuyển cho kẻ khác, chứng tỏ sự giải thoát, diệt dục) lại tin mình có khả năng thành Phật, cho nên tâm được thanh tịnh, như đã chết với con người do cha mẹ giao cấu sanh ra và tái sanh trong một đời mới, sự thanh tịnh tạo thành (liên hoa hóa sanh)

 

Lại nữa, hạng thai sanh là hàng thiện nhân chưa thanh tịnh, nên chỉ được sanh về cõi Thiên hưởng  phước, mà chưa được giải thoát,thí nư các vương tử được hưởng mọi sung sướng nhưng phải tay chân bị trói buộc bằng xiềng xích vàng.

 

IX. CÁC HÀNG BỒ TÁT ĐƯỢC VÃNG SANH

 

Bồ tát Di Lặc bạch Phật: Thế Tôn! Ở thế giới này, có bao nhiêu Bồ tát “bất thối chuyển” được sanh sang cõi Phật đó (Phật Vô Lượng Thọ)?

 

Phật trả lời với Di Lặc: Ở thế giới này có 67 ức Bồ tát “bất thối chuyển”được sanh sang cõi ấy, mỗi mỗi đã từng cúng dường vô số chư Phật, gần bằng như Di Lặc vậy. Những Bồ tát “tiểu hạnh” và những người tu tập công đức nhỏ, đông không thể kể, đều sẽ vãng sanh.

 

Phật nói với Di Lặc: Chẳng những Bồ tát ở nước ta vãng sanh về nước ấy mà (chư Bồ tát) của các phương nước Phật khác cũng đều như vậy.Đức Phật thứ nhứt (trong số chư Phật khác ấy) tên là Viễn Chiếu. Ngài có 80 ức Bồ tát đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ nhì tên là Bảo Tạng, Ngài có 90 ức Bồ tát đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ ba tên là Vượng Âm, Ngài có 220 ức Bồ tát đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ tư tên là Cam Lộ Vị Ngài có 250 ức Bồ tát đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ năm tên là Long Thắng, Ngài có 14 ức Bồ tát đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ sáu tên là Thắng Lực, Ngài có một muôn bốn ngàn Bồ tát đều sẽ vãng sanh. Đức Phật  thứ bảy tên là Sư Tử, Ngài có 500 ức Bồ tát, đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ tám tên là Ly Cấu Quang, Ngài có  80 ức Bồ tát ,đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ chín tên là Đức Thủ, Ngài có 60 ức Bồ tát, đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ mười tên là Diệu Đức Sơn, Ngài có 60 ức Bồ tát đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ mười một, tên là Nhân Vương Ngài có mười ức Bồ tát, đều sẽ vãng sanh. Đức Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa, Ngài có vô số Bồ tát, không thể kể xiết, đều là những bậc bất thối chuyển, trí huệ dõng mãnh, đã từng cúng dường Phật Vô Lượng Thọ, luôn tiếp bảy ngày, tức năng nắm lấy cái phép kiên cố của hàng Đại sĩ (Bồ tát) tu tập trong trăm, ngàn, ức kiếp. Những Bồ tát ấy sẽ được vãng sanh. Đức Phật thứ mười ba tên là Vô Uý, Ngài có 790 ức Đại Bồ tát và một số tiểu Bồ tát và Tỳ kheo không thể kể xiết, tất cả sẽ được vãng sanh. Phật nói với Di Lặc: “Chẳng phải chỉ có chư Bồ tát của 14 Phật quốc này sẽ được vãng sanh, mà những hạng vãng sanh của vô lượng nước Phật trong mười phương thế giới, cũng đều như vậy, (nghĩa là) nhiều cho đến không biết là bao nhiêu. (Ở đây), ta chỉ nói những danh hiệu của chư Phật mười phương và những Bồ tát, Tỳ kheo được sanh về nước Phật (Vô Lượng Thọ) nhưng dầu có trải qua một kiếp trọn, nói đêm nói ngày cũng chưa hết được. Nay ta nói sơ lược cho ngươi.

 

X. PHẦN LƯU THÔNG

 

Phật nói với Di Lặc: Nếu có người được nghe danh hiệu của Phật kia (Vô Lượng Thọ) mà vui sướng, nhảy múa cho đến “một niệm”, ngươi nên biết người ấy được một cái lợi l\´n là đầy đủ vô thượng công đức.Bởi cớ,này Di Lặc, dù có lửa lớn đầy dẫy ba ngàn thế giới đại thiên, cũng nên xông lướt để nghe cho được kinh pháp này, vui mừng tin thích, lãnh giữ, đọc tụng và theo kinh dạy mà tu hành. Tại sao vậy? Có nhiều Bồ tát muốn nghe kinh này mà chẳng được. Chúng Sanh nào mà nghe được kinh này thì trên con Đường Vô thượng, rốt cuộc không hề lùi bước. Bởi vậy nên cần chuyên tâm tin, lãnh, nắm giữ,đọc tụng,nó sao làm vậy.

 

Phật nói: Nay ta vì chúng sanh mà nói kinh này, khiến cho thấy Phật Vô Lượng Thọ và tất cả những gì có ở nơi nước của Ngài. Việc gì nên làm, đều khá cần làm đi, đừng để sau khi ta diệt độ rồi lại sanh lòng nghi hoặc.

 

Đời sau đây, kinh đạo bị diệt hết. Ta lấy lòng từ bi thương xót, đặc biệt để lại kinh này và 

(kinh này) sẽ trụ lại trăm năm. Chúng sanh nào gặp được kinh này, thì tuỳ sở nguyện của ý mình mà đều có thể được độ. 

 

Phật nói với Di Lặc: Như Lai hiện ra ở đời là điều khó gặp, khó thấy. Kinh Đạo của chư Phật khó được, khó nghe. Các ba la mật là phương pháp tu hành tốt nhất của chư Bồ tát mà được nghe cũng là một điều khó. Gặp những bạn lành, nghe pháp rồi lại hay thực hành, đó cũng là việc khó. Bằng nghe kinh này, tin, thích, lãnh giữ, là một cái khó trong muôn ngàn cái khó và không còn cái khó nào hơn. Bởi vậy Pháp của ta như vậy, ta thuyết ra như vậy, dạy cho nhau như vậy, phải nên tin theo, đúng theo pháp mà tu hành.

 

XI. LỢI ÍCH CỦA SỰ NGHE KINH

 

Lúc bấy giờ, Thế Tôn thuyết kinh này (xong), vô lượng chúng sanh đều phát tâm Vô thượng Chánh giác. Một muôn hai ngàn na do tha người được “pháp nhãn thanh tịnh”; hai mươi ức dân chúng các cõi trời được quả A na hàm; tám mươi muôn Tỳ khưu được quả “lậu tận ý giải"; bốn mươi ức Bồ tát được bất thối chuyển, lấy công đức của lời nguyện rộng lớn mà tự trang nghiêm, và trong đời vị lai, sẽ thành Chánh giác. 

 

Lúc bấy giờ, trong ba ngàn đại thiên thế giới, sáu cách chấn động nổi lên; ánh sáng rực rỡ chiếu khắp các nước trong mười phương; trăm ngàn âm nhạc tự nhiên trổi giọng, không biết bao nhiêu hoa màu đổ xuống như mưa. 

 

Phật thuyết kinh xong, Bồ tát Di Lặc cùng chư Bồ tát từ mười phương hội lại, Trưởng lão A Nan, các đại Thanh văn, tất cả đại chúng ₫, nghe lời Phật thuyết, không ai không hoan hỷ. 

 

(tạp chí Từ Quang số 133-134, tr. 74-83,Sài Gòn tháng 2-3 năm 1963)