CHỨNG ĐẠO CA
Vĩnh Gia Huyền Giác
LỜI TỰA
Bài Chứng Đạo Ca này giải bầy hết mọi điều tâm đắc của Đại sư Vĩnh-Gia, kết quả một đời tu hành của ngài. Quí vị chẳng nên chỉ nghe lướt qua, mà phải đọc cho thuộc, kẻo uổng mất giá trị của nó. Đây là lời khuyên của Thượng Nhân Tuyên Hóa, nhân kỳ thuyết giảng "Vĩnh-Gia Chứng Đạo Ca," năm 1985 tại Kim Luân Thánh Tự, Los Angeles, Mỹ Quốc. Với tâm bi thiết tha, và cũng như Đại sư Vĩnh-Gia, Thượng nhân đã chẳng nề hà, dùng lời phương tiện trỏ thẳng cho chúng ta cái tướng chân thật của viên "Ngọc Ma-ni, ngươi chẳng biết."
Lần đầu giảng bài ca này tại đất Mỹ là năm 1965, Thượng nhân đã dùng văn ngôn để chú giải, và tập chú thích tựa đề là "Vĩnh-Gia Đại-sư Chứng Đạo Ca Thuyên Thích." Nay, nhằm mục đích quảng bá, giúp các bạn trẻ chưa quen với lối văn cổ, có thể lãnh hội được ý nghĩa của bài ca nói trên, chúng tôi mang các băng ghi âm khóa giảng của Thượng nhân năm 1985 để ấn hành thành tập văn bạch thoại này. Trước khi giảng vào nội dung ca từ, và để ứng hợp với tinh thần của Chứng Đạo Ca, Thượng nhân đã làm mười bốn câu tụng kệ (nói rõ ở đoạn sau), trong đó có hai câu như sau:
Duy nguyện Tam Bảo thùy gia hộ
Khải ngã chánh giác chuyển pháp luân
Có nghĩa là "nguyện xin Tam Bảo gia hộ, giúp đệ tử được chân chánh giác ngộ đặng chuyển bánh xe pháp." Cho nên chúng ta thấy, từng chữ Thượng-nhân giảng, đều phát ra tự đáy lòng. Người trỏ thẳng, không nề nà, căn bệnh của chúng ta, khích lệ chúng ta y theo bài ca mà tu hành. Người dạy chúng ta như sau: "Nếu quí vị đọc bài ca, thuộc lòng một cách trôi chảy, tự nhiên sẽ thông đạt, thấu hiểu đạo lý của nó."
Thấu hiểu đạo lý gì vậy? Chính là đạo lý liễu tri sanh tử bất tương quan, nghĩa là mới hay sống chết chẳng tương can. Khi gặp một hoàn cảnh khó khăn, lấy một đoạn của "Chứng Đạo Ca" ra đọc, tâm của chúng ta sẽ trở lại bình thản, vậy là cảnh ngộ dù khó khăn cũng có thể vượt qua. Thí dụ gặp chuyện oan ức, hoặc có ai nói xấu, chúng ta chỉ cần nhớ câu "mặc ai báng, mặc ai dèm, châm lửa đốt trời nhọc xác thêm"; như có ai mắng ta, thì đã có câu "ngẫm lời ác, ấy công đức, đấy mới chính là thầy ta thực."
Giả tỷ chúng ta sợ sau khi chết sẽ bị luân hồi trong lục đạo, chúng ta sẽ phải tin theo lời của Đại sư Vĩnh-Gia trong câu: "Chứng thực tướng, không nhân pháp, sát-na rũ sạch a-tỳ nghiệp... Trong mộng lao xao bầy sáu nẻo, tỉnh ra bằng bặt chẳng ba ngàn."
Khi đã hiểu thấu thời chúng ta phải gắng tu tập, như Đại sư đã nói: "Không cầu chân, không dứt vọng... Tâm là căn, pháp là trần... Tâm pháp cùng quên tánh rõ chân."
Đối với vị nào chỉ biết nghiên cứu kinh giáo, mà không dụng công tu tâm dưỡng tánh, nghĩa là không biết y theo giáo lý mà phụng hành tu tập, Vĩnh-Gia Đại sư đã có lời chỉ bảo: "Phân biệt danh tướng mãi không thôi... Châu báu của người có ích gì?"
Trong bài Chứng Đạo Ca, mỗi câu là một tiếng chuông cảnh tỉnh người học Phật pháp. Nếu có người lại nghĩ rằng bài ca này dành cho những người tu sĩ xuất gia mới đúng, còn như người thường thì khỏi bàn tới, như vậy chúng ta nên đọc câu sau đây: "Thầy ta được thấy Nhiên-Đăng Phật, bao kiếp từng làm tiên nhẫn nhục," để hiểu rằng muốn thành Phật phải tu nhân tích lũy công đức. Đại sư Vĩnh-Gia cũng nói: "Ta sớm từng qua bao kiếp tu, nào dám sai ngoa lời dối mị."
Đại sư quả quyết với chúng ta rằng những điều nói ra trong "Chứng Đạo Ca" là để dẫn chúng ta "Chứng thực tướng, không nhân pháp," đưa thẳng chúng ta vào pháp môn nhất thừa, tới chỗ ngộ đạo. Đại sư nói: "Bằng đem lời vạy dối chúng sanh, tội rút lưỡi nguyện mang cùng kiếp." Một tâm lượng Bồ-tát, tự lợi lợi tha như vậy không lẽ chúng ta không thấy lòng rung động sao? Vậy còn chờ gì mà chúng ta không nghiên cứu, không đọc tụng?
Quốc Tế Dịch Kinh Học Viện
Đêm trước ngày lễ "Tắm Phật," năm 1991