Kinh Úc Già Trưởng Gỉa [40]

Friday, 19 August 20166:48 PM(View: 4232)
Kinh Úc Già Trưởng Gỉa [40]
KINH ÚC GIÀ TRƯỞNG GIẢ[40]
Hán dịch: Tào Nguy, Pháp Sư Khương Tăng Khải
Việt dịch: Thích Trí Tịnh


Như vậy tôi nghe một lúc đức Phật ở nước Xá Vệ tại tinh xá cấp Cô Độc trong rừng Kỳ Đà cùng Tỳ Kheo Tăng ngàn hai trăm năm mươi người câu hội, Bồ Tát năm ngàn người: Di Lặc Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đoạn Chánh Đạo Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Bồ Tát, chư đại Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.


Bấy giờ đức Thế Tôn cùng vô lượng trăm ngàn đại chúng cung kính vây quanh mà diễn thuyết pháp.


Úc Già Trưởng giả cùng năm trăm quyến thuộc ra khỏi thành Xá Vệ đến Kỳ Hoàn tinh xá lễ chưn Phật nhiễu ba vòng rồi ngồi một phía.


Lại có Ái Kính Trưởng giả, Danh Xưng Trưởng giả, Thiện Giữ Trưởng giả, Gia Xa Đạt Đa Trưởng giả, Thiện Tài Trưởng giả, Ái Hành Trưởng giả, Cấp Cô Độc Trưởng giả, Long Đức Trưởng giả, Thiệt Hỉ Trưởng giả. Các Trưởng giả này đều riêng cùng năm trăm Trưởng giả câu hội ra khỏi thành Xá Vệ đến tinh xá Kỳ Hoàn lễ chưn Phật nhiễu ba vòng rồi ngồi một phía.


Các Trưởng giả ấy cùng các quyến thuộc tất cả đều hướng Đại thừa trồng thiện căn dày, quyết định đến chánh đạo vô thượng.


Bấy giờ Úc Già Trưởng giả biết các Trưởng giả đã vân tập xong, thừa Phật thần lực hướng Phật chắp tay bạch rằng : Bạch đức Thế Tôn ! Nay tôi muốn có chỗ thưa hỏi xin thương mà hứa cho”.


Đức Phật phán :”Nầy Trưởng giả ! Như Lai sẽ nghe, cho phép ông hỏi, Phật sẽ theo chỗ ông hỏi mà diễn thuyết cho ông hết nghi vui mừng”.


Úc Già Trưởng giả bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn ! Nếu các thiện nam thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ đề, hiểu Đại thừa, tin Đại thừa, muốn tập họp Đại thừa, muốn ngồi lên Đại thừa, biết Đại thừa hộ các chúng sanh an úy phủ dụ, muốn an lạc trang nghiêm vững chắc tất cả chúng sanh, muốn độ kẻ chưa độ, thoát kẻ chưa thoát, an úy kẻ không được an úy, Niết bàn kẻ chưa Niết bàn, làm cầu đò lớn chở vác tất cả, nghe Phật trí vô lượng muốn tu Phật trí, phát đại trang nghiêm, biết trong sanh tử có vô lượng khổ hoạn nơi vô lượng vô số kiếp không lòng ưu não, vô lượng kiếp lưu chuyển sanh tử mà không lòng mỏi mệt. Nếu trong đây có thiện nam thiện nữ an trụ Bồ Tát thừa hoặc người xuất gia tu tập pháp hành, hoặc người tại gia tu tập pháp hành.


Lành thay đức Thế Tôn, vì thương chúng Thiên nhơn A Tu La mà đức Thế Tôn thủ hộ Đại thừa chẳng dứt ngôi Tam bửu, vì Nhứt thiết trí mà ở lâu thế gian. Xin đức Thế Tôn diễn nói chỗ giới đức tu hành của hàng tại gia Bồ Tát.


Thế nào là tại gia Bồ Tát ở bực tại gia, đức Như Lai truyền dạy tùy thuận tu hành chẳng tổn hoại pháp trợ Bồ tát, ở trong hiện pháp không có nghiệp trói che được công hạnh tăng thắng.


Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào là xuất gia Bồ Tát xa bỏ trân bửu ân ái mà đi xuất gia, nên bảo các vị ấy hành pháp thế nào, tu thiện thế nào, nên trụ thế nào, chẳng nên trụ thế nào”.


Đức Phật phán : “ Lành thay, lành thay, nầy Úc Già Trưởng giả ! Như lời ông hỏi là chỗ phải làm của các ông. Các ông lắng nghe khéo suy nghĩ. Nay Phật sẽ vì các ông mà nói chỗ trụ học được công hạnh thù thắng của các Bồ Tát tại gia và Bồ Tát xuất gia.


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia phải quy y Phật quy y Pháp quy y Tăng. Đem công đức Tam bửu ấy hồi hướng đạo chánh chơn vô thượng.


Thế nào là Bồ Tát tại gia quy y Phật ?


Tôi muốn được thành thân Phật đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm, nắm lấy căn lành ấy tập họp ba mươi hai tướng đại trượng phu, vì tập họp mà siêng tu hành tinh tấn. Đây gọi là quy y Phật.


Thế nào là Bồ Tát tại gia quy y Pháp ?


Bồ Tát này cung kính Pháp và người thuyết pháp, vì pháp muốn pháp ưa pháp, rất ưa trợ pháp, trụ pháp trì pháp hộ pháp, ở vững nơi pháp, ca ngợi nơi pháp, trụ nơi pháp hạnh, tăng thêm pháp, cầu được pháp, dùng pháp làm sức mạnh, dùng pháp làm khí trượng, chỉ có pháp là công vụ, tôi thành Vô thượng Bồ đề rồi sẽ đem chánh pháp bình đẳng ban cho tất cả chúng sanh Trời Người A Tu La. Đây gọi là quy y Pháp.


Thế nào là Bồ Tát tại gia quy y Tăng ?


Bồ tát này thấy bực Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và cùng phàm phu, thấy người Thanh Văn thừa thảy đều kính thuận mau tiếp rước lời tốt tiếng hay đi nhiễu cung kính. Phải tự nghĩ rằng lúc chúng tôi được đạo chánh chơn vô thượng vì thành công đức Thanh Văn mà diễn thuyết pháp. Dầu cung kính người Thanh Văn thừa mà không có tâm an trụ trong ấy. Đây gọi là quy y Tăng.


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia thành tựu bốn pháp quy y Phật, đó là chẳng bỏ tâm Bồ đề, chẳng phế khuyên phát tâm Bồ đề, chẳng bỏ đại bi, ở trong các thừa khác trọn chẳng sanh tâm.


Bồ Tát tại gia thành tựu bốn pháp quy y Pháp, đó là ở nơi chư Pháp Sư thời thân cận nương gá, nghe pháp rồi khéo suy nghĩ, đem pháp được nghe nói lại cho người, đem công đức thuyết pháp hồi hướng đạo chánh chơn Vô thượng.


Bồ Tát tại gia thành tựu bốn pháp quy y Tăng, đó là nếu có ai chưa nhứt định vào Thanh Văn thừa thì khuyên phát tâm vô thượng đạo, hoặc dùng của vật để nhiếp hoặc dùng chánh pháp để nhiếp người, nương gá Tăng Bồ Tát bất thối mà chẳng nương gá Tăng Thanh Văn, cầu công đức Thanh Văn mà tâm không an trụ trong ấy.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia thấy Như Lai rồi tu tập niệm Phật đây gọi là quy y Phật, nghe chánh pháp rồi tu tập chánh pháp đây gọi là quy y Pháp, thấy Tăng Thanh Văn đệ tử Phật rồi mà chẳng quên mất tâm Bồ đề đây là quy y Tăng.


Lại nầy Trưởng giả ! Tại gia Bồ Tát thường muốn cùng Phật câu hội mà thật hành bố thí thì gọi là quy y Phật, thủ hộ chánh pháp mà bố thí thì gọi là quy y Pháp, đem đức bố thí ấy hồi hướng đạo vô thượng thì gọi là quy y Tăng.


Lại này Trưởng giả ! Tại gia Bồ Tát làm công nghiệp thiện trượng phu mà chẳng làm công nghiệp bất thiện trượng phu.


Thế nào gọi là nghiệp thiện trượng phu chẳng phải nghiệp bất thiện trượng phu ?


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia theo đúng pháp mà chứa họp tiền của đất nhà, cầu tìm chơn chánh đúng giá mà chẳng phải cầu tìm thô ác hay bức hiếp người. Được sản nghiệp đúng pháp, quan niệm vô thường chẳng có ý tưởng bỏn xẻn, ưa thích thí xả, đem tiền của đúng pháp để dâng cho cha mẹ và cung cấp cho vợ con quyến thuộc, các người giúp việc rồi sau đó dùng chánh pháp bố thí.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia mang vác gánh nặng phát đại tinh tấn. Đó là gánh nặng ngũ ấm của tất cả chúng sanh, bỏ gánh Thanh Văn Duyên Giác, giáo hóa chúng sanh mà không mỏi mệt. Tự bỏ sự vui của mình để vì chúng sanh, tám sự lợi suy hủy dự xưng cơ khổ lạc không làm khuynh động được, vượt khỏi thế pháp giàu có vô lượng mà không kiêu mạn phóng dật, mất lợi danh xưng mà không lo buồn, khéo quan sát hành nghiệp giữ gìn chánh hạnh, thấy người phá giới mà không giận, có đi qua đâu thì khéo an trụ giác sát trừ bỏ khinh tháo đầy đủ trí huệ, giúp nên việc người mà bỏ việc mình, không hi vọng gì, có làm việc chi không hề bỏ giữa chừng, biết ơn nhớ ơn, làm giỏi tốt, ban lộc cho kẻ nghèo, với kẻ thế lực thì dẹp đại kiêu mạn, với kẻ không thế lực thì khuyến dụ họ, trừ tên nhọn lo buồn cho người, nhịn người hạ liệt, trừ bỏ kiêu mạn và tăng thượng mạn, cung kính tôn trọng thân cận người đa văn, thưa hỏi bực minh huệ, chỗ thấy chánh trực, chỗ làm vô vi không có huyễn hoặc, với chúng sanh không ái nhiễm, tu lành không chán, học hỏi không nhàm, chỗ làm vững chắc đồng với hiền thánh, với người không phải thánh thì sanh lòng đại bi, thân hữu vững chắc, oan thân bình đẳng, tâm bình đẳng đối với chúng sanh, với tất cả pháp lòng không tham lẫn, khai thị như chỗ đã được học, suy gẫm chỗ đã nghe học, với các dục lạc tưởng là vô thường, chẳng mến luyến thân, xem sanh mạng như giọt sương, xem tài vật như mây như ảo, với con cái tưởng như lao ngục, với quyến thuộc tưởng như cảnh khổ, với ruộng nhà tưởng là tử thi, với chỗ cầu tiền tài tưởng là phá hư thiện căn, tại nhà mình tưởng là trói buộc, nơi thân tộc tưởng như lính ngục, nơi đêm nơi ngày tưởng không sai khác, với thân chẳng bền tưởng bố thí chỗ bền đó là làm giúp công việc cho người cần giúp, với sanh mạng chẳng bền tưởng bố thí chỗ bền đó là chẳng mất bổn thiện và thêm thiện căn hiện tại, với của cải chẳng bền tưởng là bố thí chỗ bền đó là hàng phục lòng tham lẫn mà thật hành bố thí !


Này Trưởng giả Úc Già ! Đó gọi là Bồ Tát tại gia tu tập công hạnh thiện trượng phu, với chư Như Lai không tất cả lỗi, gọi là lời nói tương ưng là pháp ngữ, không có dị tưởng hướng đến đạo vô thượng.


Lại này Trưởng Giả ! Bồ Tát tại gia phải thọ thiện giới, đó là ngũ giới. Bồ Tát này luôn chẳng sát sanh buông bỏ dao gậy hổ thẹn kiên thệ chẳng giết hại tất cả chúng sanh, chẳng não nhiễu tất cả chúng sanh, với tất cả chúng sanh lòng thường bình đẳng thường từ bi. Bồ Tát này luôn chẳng trộm, với của cải mình thì biết đủ, với của cải người thì chẳng hi vọng, bỏ lòng tham chẳng khởi ngu si, với phong lộc của người chẳng tham lam, nhẫn đến lá cây chẳng cho chẳng lấy. Bồ Tát này rời lìa tà dâm, tự vừa đủ vợ mình chẳng mong vợ người, chẳng có nhiễm tâm nhìn nữ sắc khác, lòng luôn nhàm sợ coi là khổ não nên thường trái bỏ, nếu đối với vợ mình sanh ý dục nhiễm thì phải có ý tưởng bất tịnh kinh sợ, đó là sức kiết sử nó làm dục chẳng phải là ta nên làm, phải tưởng vô thường khổ vô ngã bất tịnh, phải suy nghĩ rằng tôi chẳng nên có ý nghĩ dâm dục huống là hai thân thể hòa hiệp rờ rẫm. Bồ Tát này phải rời vọng ngữ, phải nói chắc nói thiệt nói như chỗ làm, chẳng dối người, thành tựu tâm lành, suy nghĩ trước rồi mới làm, theo chỗ đã thấy nghe mà nói thiệt, giữ gìn chánh pháp, thà bỏ thân mạng trọn chẳng vọng ngữ. Bồ Tát này phải rời lìa uống rượu, chẳng say chẳng loạn, chẳng hư vọng nơi lời nói, chẳng tự khinh tháo cũng chẳng cợt đùa dọa nạt, phải an trụ chánh niệm rồi sau mới xét biết, lúc muốn xả thí tài vật thì kẻ cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, lúc bố thí nên có quan niệm rằng nay lúc làm Đàn Ba la mật này tùy người muốn chi tôi đều thí cho, khiến họ được đầy đủ, nếu đem rượu cho người phải nhiếp người ấy nơi chánh niệm chớ để cuồng say. Tại sao ? Vì thỏa mãn hết chỗ muốn của người là Đàn Ba la mật vậy, nên Bồ Tát đem rượu cho người đối với Phật không có lỗi.


Này Trưởng giả ! Nếu Bồ Tát tại gia đem công đức thọ trì ngũ giới này hồi hướng Vô thượng Bồ đề, khéo giữ gìn ngũ giới lại thêm rời lìa lưỡng thiệt nếu có tranh tụng thì nên hòa hiệp, rời lìa ác khẩu thốt lời dịu hòa hỏi thăm trước, chẳng hủy nhục người, nói lời lợi ích người, lời pháp ngữ thời ngữ thiệt ngữ, lòi cởi mở, lời điều phục, lời chẳng đùa chơi, lời đúng hành động, chẳng sanh tham si, thường làm an vui tất cả chẳng có ý hủy hoại, thường tu sức nhẫn nhịn để tự trang nghiêm, phải luôn chánh kiến, rời lìa tà kiến, chẳng thờ lạy các Thiên thần khác mà khiến cúng dường Phật.

Lại này Trưỏng Giả Úc Già ! Bồ Tát tại gia nếu ở trong đại chúng thành ấp quận huyện nên thường vì mọi người mà thuyết pháp. Chúng sanh bất hiếu chẳng biết cha mẹ, Sư Trưởng, Sa Môn, Bà La Môn, chẳng biết người lớn trẻ nhỏ, chẳng thuận giáo hối chẳng biết kiêng nể thì khuyên dạy họ hiếu thuận. Chúng sanh thiếu học thì làm cho họ được học, tham lẫn thì dạy bố thí, phá giới thì khuyên giữ giới, sân hận thì khuyên nhẫn nhục, giải đãi thì khuyên tinh tấn, tán loạn thì khuyên tu niệm định, không trí huệ thì khuyên tu trí huệ, với kẻ nghèo thì cấp tiền của, kẻ bịnh cho thuốc, không được giúp đỡ thì giúp đỡ, không chỗ về thì làm chỗ về, không chỗ nương thì làm chỗ nương, Bồ Tát tại gia này phải tùy chỗ sở nghi mà lợi ích chúng sanh chớ để một người đọa vào ác đạo.


Này Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia này với mọi người khuyến đạo như vậy cho đến bảy lần khiến họ an trụ nơi đức hạnh, nếu vẫn chẳng khiến an trụ được thì phải sanh lòng đại bi đối với chúng sanh ấy mà phát tất cả trí huệ trang nghiêm rằng nếu tôi chẳng điều phục ác chúng sanh này thì tôi quyết chẳng thành đạo vô thượng chánh chơn. Tại sao ? Vì tôi do cớ này mà phát thệ trang nghiêm, không siểm không ngụy chẳng phải chuyện đùa, đủ hạnh giới đức phát đại trang nghiêm, tôi phải siêng phát tinh tấn như vậy khiến việc làm chẳng uổng công, chúng sanh thấy tôi thì liền tin kính.


Này Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia ở trong thôn xóm thành ấp mà chẳng giáo hóa chúng sanh để họ đọa ác đạo thì bị chư Phật quở trách. Nên Bồ Tát phải trang nghiêm đại trang nghiêm như vậy, nay tôi phải tu hành công hạnh ấy, ở trong thành ấp tụ lạc, chẳng để một người sa đọa ác đạo.


Này Trưởng giả ! Như trong thành ấp có thầy thuốc giỏi mà để một người bị bịnh độc chết thì quần chúng quở trách. Cũng vậy Bồ Tát này ở chỗ nào mà chẳng giáo hóa chúng sanh để phải đọa ác đạo thì bị chư Phật quở trách.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia khéo tu học hạnh lành.


Gia là gì ? Là giết căn lành, là chẳng bỏ lỗi, là hại nghiệp trợ thiện, do đó mà gọi là gia. Sao gọi là ở tại tất cả kiết sử ? Vì ở trong ấy nên gọi là ở tại. Lại vì ở tại giác sát bất thiện, ở tại chẳng điều phục, ở tại không hổ thẹn, hàng phàm phu ngu tiểu ở tại bất thiện các ác tội lỗi nên gọi là gia.


Lại tại gia thì tất cả khổ não đều hiện trong ấy, nó hại căn lành trước, nên gọi là gia.


Lại gia ấy, ở tại đó thì không điều ác gì chẳng làm. Ở trong đó thì chẳng kính thuận tốt với cha mẹ Sư Trưởng nên gọi là gia.


Lại gia ấy, nó làm lớn nhánh lá, ưu bi khổ não đều sanh trong đó, chiêu họp sự giết hại trói buộc đánh đập giận mắng, phát sanh tiếng ác, nên gọi là gia.


Lại nơi ấy, các căn lành chưa làm thì hững hờ chẳng làm, căn lành đã làm thì bỏ hư, bị bực trí quở trách, bực trí là chư Phật Thanh Văn, nếu ở trong ấy thì đọa ác đạo, nếu ở trong ấy thì đọa tham sân si, do đó mà gọi là gia.


Lại nếu ở trong ấy thì ngại bỏ khối giới khối định khối huệ khối giải thoát khối tri kiến giải thoát, nên gọi là gia.


Lại nếu ở trong ấy thì bị thâu nhiếp bởi sự tham ái cha mẹ vợ con anh em chị em thân hữu quyến thuộc, thương nhớ nghĩ của cải tham dục không chán như biển nuốt chứa trăm sông không đầy, nên gọi là gia.


Nếu ở tại gia như lửa cháy củi, chỗ lo nghĩ vô định như gió chẳng dừng, ở tại gia tiêu thân như uống độc dược, tất cả khổ não đều quy tụ về, vì thế nên lìa bỏ như xa rời oan gia.


Nếu ở tại gia thì chướng pháp thánh sanh nhiều duyên đấu tranh thường trái nghịch nhau.


Ở tại gia trong ấy duyên thiện duyên ác lộn lạo nhiều sự vụ.


Tại gia vô thường chẳng còn lâu, là pháp chẳng tạm dừng.


Tại gia rất khổ, vì cầu gìn giữ nên nhiều lo rầu, là chỗ của oan và thân.


Tại gia vô ngã lầm chấp là ngã sở hữu.


Tại gia dối trá không có thiệt sự mà hiện tợ thiệt.


Tại gia ly biệt, là chỗ nhiều người ở.


Tại gia như ảo, chứa nhiều tụ họp không có chúng sanh thiệt.


Tại gia như mộng, vì hưng suy thay nhau.


Tại gia như giọt sương, vì mau tan vỡ.


Tại gia như giọt mật, vì là vị ngọt chốc lát.


Tại gia như lưới gai nhọn, vì tham ưa sắc thanh hương vị xúc.


Tại gia như loài côn trùng miệng nhọn tợ kim, vì chẳng khéo giác sát ăn uống.


Tại gia như rắn độc, vì xâm hại lẫn nhau.


Tại gia nhiều hy vọng, vì trong lòng bồn chồn.


Tại gia nhiều kinh sợ, vì là chỗ cướp đoạt của vua giặc lửa nước. Tại gia nhiều nghị luận, vì nhiều sai trái.


Này Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia gọi là khéo biết tại gia như vậy.


Lại này Trưỏng giả Úc Già ! Bồ Tát ở tại gia khéo điều phục bố thí phân biệt nhu nhuyến. Phải quan niệm rằng nếu của đem bố thí cho người rồi đó là của tôi, của còn lại trong nhà thì chẳng phải của tôi, của đã bố thí thì vững chắc, của chưa thí thì chẳng vững chắc, của đã thí thì vui ngày sau, của chưa thí thì vui hiện tại, của đã thí khỏi giữ gìn, của còn lại phải giữ gìn, của đã thí thì khỏi bị tham ái trói buộc, của còn lại thì thêm tham ái. của đã thí chẳng phải bận lòng, của còn lại bận lòng, của đã thí chẳng lo sợ, của còn lại phải lo sợ, của đã thí là cột chánh đạo, của còn lại là cột ma, của đã thí thì vô tận, của còn lại thì hữu tận, của đã thí thì vui, của còn lại phải gìn giữ nên khổ, của đã thí thì lìa gút trói, của còn lại thì thêm gút trói, của đã thí là lộc. của còn lại chẳng phải lộc, của đã thí là sự nghiệp đại trượng phu, của còn lại chẳng phải sự nghiệp đại trượng phu, của đã thí được chư Phật khen, của còn lại được phàm phu khen. Vì thế nên Bồ Tát phải bền vững bố thí.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia nếu thấy người xin phải có ba ý tưởng : một là ý tưởng thiện tri thức, hai là ý tưởng đời khác giàu có, ba là ý tưởng nên Bồ đề. Lại có ba ý tưởng : một là thuận lời dạy của Phật, hai là quả báo cõi dục, ba là hàng phục ma. Lại có ba ý tưởng : với người xin có ý tưởng thân thuộc, với bốn nhiếp pháp có ý tưởng nhiếp lấy, với vô biên sanh có ý tưởng xuất ly. Lại có ba ý tưởng : trừ tham dục, trừ sân hận, trừ ngu si.


Này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia này đều được kém mỏng tham sân si: lúc bố thí của cải thì lòng không tham trước nên tham kém mỏng, với kẻ xin thì lòng thương nên sân kém mỏng, bố thí rồi hồi hướng đạo vô thượng chánh chơn nên si kém mỏng.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia thấy người xin phải có ý tưởng tu tập đầy đủ sáu Ba la mật: với vật sở hữu Bồ Tát này đều có tâm xả thí đây gọi là tu tập đến đủ Đàn Ba la mật. Y nơi tâm Bồ đề mà bố thí đây gọi là tu tập đến đủ Thi Ba la mật. mà bố thí đây gọi là tu tập đến đủ Thi Ba la mật. Chẳng giận trách kẻ cầu xin đây là tu tập đến đủ Nhẫn Ba la mật. Lúc bố thí chẳng có ý nghĩ mình sẽ thiếu thốn đây là tu tập đến đủ Tinh tấn Ba la mật. Lúc bố thí rồi lòng chẳng lo tiếc mà càng vui mừng hơn đây gọi là tu tập đến đủ Thiền Ba la mật. Lúc bố thí rồi chẳng thấy có pháp được và chẳng hy vọng quả báo đây gọi là tu tập đến đủ Bát Nhã Ba la mật.


Lại này Trưỏng Giả ! Bồ Tát tại gia đối với tám pháp thế gian phải phóng xả. Đối với nhà cửa của cải vợ con chẳng lo chẳng mừng, giả sử hư mất chẳng có lòng buồn lo, Bồ Tát ấy nên quan niệm hữu vi như ảo, là tướng vọng tưởng, cha mẹ vợ con thân thuộc đều chẳng phải sở hữu của tôi, tôi chẳng vì đó mà gây tạo nghiệp bất thiện, đó là bạn lữ hiện tại chẳng phải bạn lữ đời khác, là bạn lữ lúc vui chẳng phải bạn lữ lúc khổ, tôi chẳng lo gìn giữ họ. Chỗ tôi gìn giữ là trí huệ bố thí điều phục người tinh tấn chẳng phóng dật pháp trợ Bồ đề các thiện căn v.v…, những thứ này là sở hữu của tôi luôn theo sát bên tôi. Cha mẹ vợ con thân thuộc chẳng cứu được tôi chẳng phải là nơi tôi quy y chẳng phải là nhà ở của tôi chẳng phải là đất liền của tôi, chẳng phải chỗ che mát tôi, chẳng phải là ngã ngã sở. Thân ngũ ấm này còn chẳng phải ngã ngã sở huống là cha mẹ vợ con thân thuộc mà lại là sở hữu của tôi. Cha mẹ vợ con là do nghiệp nhơn của họ. Nghiệp thiện ác của tôi thì tôi thọ báo theo đó. Họ cũng theo nghiệp của họ mà thọ lấy quả báo thiện ác.


Bồ Tát tại gia lúc đi đứng ngồi nằm thường quan niệm như vậy chẳng vì cha mẹ vợ con thân thuộc mà gây tạo nghiệp ác bất thiện dầu rất nhỏ như phần sợi lông.


Đối với vợ nhà, Bồ Tát tại gia phải có ba ý tưởng là vô thường, biến đổi và hư hoại. Lại có ba ý tưởng là bạn vui chơi chẳng phải là bạn đời khác, là bạn uống ăn chẳng phải bạn nghiệp báo, là bạn lúc vui chẳng phải bạn lúc khổ. Lại có ba ý tưởng là oan gia xẻo thái và trá thân. Lại có ba ý tưởng là la sát tì xá giá và quỉ mị. Lại có ba ý tưởng là chẳng phải sở hữu chẳng phải nhiếp thọ là kẻ xin cầu. Lại có ba ý tưởng là gìn thân ác hành gìn khẩu ác hành và gìn ý ác hành. Lại có ba ý tưởng là tham dục giác sân khuể giác và tổn hại giác. Lại có ba ý tưởng là đen tối ô giới và huệ phược. Lại có ba ý tưởng là chướng giới chướng định và chướng huệ. Lại có ba ý tưởng là dua nịnh lưới rập và mèo rình. Lại có ba ý tưởng là tai họa nhiệt não và bịnh hoạn. Lại có ba ý tưởng là yêu mị suy hao và sương giá. Lại có ba ý tưởng là già bịnh và chết. Lại có ba ý tưởng là ma ma nữ và đáng sợ. Lại có ba ý tưởng là lo khóc và khổ. Lại có ba ý tưởng là sói cái lớn cá ma kiệt và mèo cái lớn. Lại có ba ý tưởng là rắn độc đen cá thi thủ và ma đoạt tinh khí. Lại có ba ý tưởng là không cứu không quy không hộ. Lại có ba ý tưởng là mẹ chị và em gái. Lại có ba ý tưởng là giặc là giết và lính ngục. Lại có ba ý tưởng là nước mạnh lượn sóng và nước xoáy. Lại có ba ý tưởng là sình lầy lún sìng và lộn đục. Lại có ba ý tưởng là đui mù xiềng xích gông cùm. Lại có ba ý tưởng là hố lửa hố dao và lửa đuốc cỏ. Lại có ba ý tưởng là bén nhọn và độc. Lại có ba ý tưởng là nhốt ngục hình phạt và dao gươm. Lại có ba ý tưởng là đấu tranh kiện cáo và trói nhốt. Lại có ba ý tưởng là oán thù hội họp ân ái biệt ly và bịnh tật. Tóm lại nhẫn đến có tất cả ý tưởng đấu tranh tất cả ý tưởng cặn dục tất cả ý tưởng gốc bất thiện. Bồ Tát tại gia đối với vợ nhà phải có những ý tưởng quan niệm như vậy.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia đối với con của mình chẳng nên quá yêu thương, nếu quá yêu thương con mình mà chẳng yêu thương con người thì thì tự hủy hoại. Phải dùng ba pháp để tự răn trách : một là đạo Bồ đề là tâm bình đẳng chẳng phải là tâm bất bình đẳng, hai là đạo Bồ đề từ chánh hạnh mà được chẳng phải từ tà hạnh, ba là đạo Bồ đề do vô dị hạnh mà được chẳng phải do tạp hạnh được. Răn trách rồi đối với con mình phải có ý tưởng là oan gia, là ác tri thức, trái nghịch đức từ bình đẳng trí huệ của Phật, hại căn lành của ta. Bồ Tát tại gia nên tùy theo chỗ mà điều phục tâm mình, như yêu thương con mình với tất cả chúng sanh cũng yêu thương như vậy, như yêu thương thân mình với tất cả cũng vậy.


Bồ Tát tại gia phải quan niệm tôi từ chỗ khác đến, con từ chỗ khác đến. Tại sao ? Vì tất cả chúng sanh đã từng làm con tôi, tôi cũng từng làm con của tất cả chúng sanh, trọn chẳng có ý nghĩ con tôi chẳng phải con tôi. Tại sao ? Vì đến sáu loài làm oán thù lại làm con cái, tôi phải bình đẳng với kẻ thân kẻ sơ. Tôi lấy cớ gì nơi kẻ thân thì yêu thương cấp cho mà nơi người sơ thì tất cả chẳng cấp cho. Nếu tôi có lòng yêu chẳng yêu nơi người sơ tất cả chẳng cấp cho thì chẳng có thể đến pháp được. Tại sao ? Vì hạnh bất đẳng thì đến chỗ bất đẳng, hạnh bình đẳng thì đến chỗ bình đẳng. Tôi chẳng nên làm hạnh bất bình đẳng ấy. Tôi học tâm bình đẳng với tất cả chúng sanh mau đến Nhứt thiết trí.


Này Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia đối với của cải chẳng có ý tưởng ngã sở, ý tưởng nhiếp hộ, chẳng bận lòng nơi của cải chẳng tưởng chẳng mến, chẳng sanh kiết sử.


Lại này Trưỏng giả ! Nếu có kẻ đến xin chỗ Bồ Tát tại gia để cầu xin, khi đem của cho người, Bồ Tát ấy phải chí tâm nhớ rằng của cải chẳng đem cho đều sẽ tan mất, nếu chẳng làm tròn đầy sở nguyện rồi cũng phải chết. Tôi chẳng xả bỏ của cải, của cải ấy cũng sẽ bỏ tôi, nay tôi phải xả thí để làm của vững chắc rồi sẽ chết. Xả thí của cải này rồi lúc chết vui vẻ không hối hận. Nếu chẳng thể bố thí được thì nên đem bốn sự thưa với kẻ xin rằng nay tôi sức lực kém yếu, căn lành chưa thành thục, tôi là kẻ sơ cơ trong Đại thừa, tâm tôi chưa kham tự tại bố thí, tôi là kẻ trước tướng chấp ngã ngã sở. Thưa Ngài thiện đại trượng phu, nay tôi sám hối cùng Ngài chớ hờn ghét tôi. Tôi sẽ siêng tu tinh tấn để có thể làm đầy đủ sở nguyện của tất cả chúng sanh.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia nghe chư Phật quá khứ dạy rằng nếu người chưa gặp Phật và Thánh Tăng thì phải kính lễ chư Phật mười phương, đối với bổn hạnh của chư Phật cho đến chư Phật đắc đạo đều sanh lòng tùy hỉ. Ngày đêm đều ba thời thanh tịnh thân khẩu ý gìn lòng từ thiện, đầy đủ tàm quý mặc y phục sạch sẽ, bao nhiêu thiện căn đã tập họp dùng tâm Bồ đề mà sanh lòng tùy hỉ nhu thuận cung kính dứt ngã mạn mà tu hành, ba thời tụng đọc, ba thời tác pháp, chuyên lòng hối cải những nghiệp bất thiện chẳng tạo ác mới, tất cả phước nghiệp đều tùy hỉ, chứa họp đầy đủ tướng hảo, khuyến thỉnh chư Phật chuyển pháp luân, pháp chư Phật dạy đều thọ trì, xin Phật ở lâu thế gian thêm lớn thiện căn, khiến quốc độ tôi cũng được như vậy.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia thọ trì bát quan trai giới tu hạnh Sa Môn thì phải thân cận Sa Môn Bà La Môn đức hạnh trì giới thanh tịnh, y chỉ cung cấp hầu hạ chẳng nhìn thấy lỗi của thầy. Nếu thấy Sa Môn trái vượt giới hạnh chẳng nên chẳng cung kính. Lại y ca sa được xông ướp với giới định huệ giải thoát giải thoát tri kiến của chư Phật Như Lai Ứng Cúng Biến Chánh Giác, không cặn đục, đều bỏ rời tất cả kiết nhiễm, là tràng của bực tiên thánh, vì thế nên phải cung kính gấp bội. Đối với Tỳ Kheo trái vượt giới hạnh ấy nên có lòng thương xót mà nghĩ rằng họ chẳng nên phạm ác hạnh như vậy. Chư Phật Thế Tôn là bực tịch tịnh điều phục thấy biết tất cả, mặc lấy tướng thánh tràng mà chẳng điều phục chẳng tịch tịnh, chẳng thấy chẳng biết phạm sự phi pháp ấy. Như đức Thế Tôn từng dạy chẳng khinh khi người chưa học. Đây chẳng phải lỗi của họ mà do nơi kiết sử. Do nơi kiết sử mà hiện tại phạm tội ác. Trong Phật pháp có pháp xuất ly, họ có thể xuất ly được. Nếu họ cởi mở gút cột ấy mà tu hành chánh quán được đến bực sơ quả thì quyết định thẳng đến đạo chánh chơn vô thượng. Tại sao ? Vì trí quán hay phá hại kiết sử. Lại đức Thế Tôn còn có lời dạy làm người chớ nên vọng khinh lượng định người, nếu vọng khinh người thì chính là tự hại tự tổn lấy mình. Chỉ đức Như Lai biết rõ, chớ chẳng phải là ta biết được. Vì thế chẳng nên giận ghét khinh hại họ.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia thọ trì bát quan trai giới tu hạnh Sa Môn thì phải thân cận Sa Môn Bà La Môn đức hạnh trì giới thanh tịnh, y chỉ cung cấp hầu hạ chẳng nhìn thấy lỗi của thầy. Nếu thấy Sa Môn trái vượt giới hạnh chẳng nên chẳng cung kính. Lại y ca sa được xông ướp với giới định huệ giải thoát giải thoát tri kiến của chư Phật Như Lai Ứng Cúng Biến Chánh Giác, không cặn đục, đều bỏ rời tất cả kiết nhiễm, là tràng của bực tiên thánh, vì thế nên phải cung kính gấp bội. Đối với Tỳ Kheo trái vượt giới hạnh ấy nên có lòng thương xót mà nghĩ rằng họ chẳng nên phạm ác hạnh như vậy. Chư Phật Thế Tôn là bực tịch tịnh điều phục thấy biết tất cả, mặc lấy tướng thánh tràng mà chẳng điều phục chẳng tịch tịnh, chẳng thấy chẳng biết phạm sự phi pháp ấy. Như đức Thế Tôn từng dạy chẳng khinh khi người chưa học. Đây chẳng phải lỗi của họ mà do nơi kiết sử. Do nơi kiết sử mà hiện tại phạm tội ác. Trong Phật pháp có pháp xuất ly, họ có thể xuất ly được. Nếu họ cởi mở gút cột ấy mà tu hành chánh quán được đến bực sơ quả thì quyết định thẳng đến đạo chánh chơn vô thượng. Tại sao ? Vì trí quán hay phá hại kiết sử. Lại đức Thế Tôn còn có lời dạy làm người chớ nên vọng khinh lượng định người, nếu vọng khinh người thì chính là tự hại tự tổn lấy mình. Chỉ đức Như Lai biết rõ, chớ chẳng phải là ta biết được. Vì thế chẳng nên giận ghét khinh hại họ.


Lại này Trưỏng giả ! Bồ Tát tại gia nếu vào Tăng phường, nên dừng tại ngõ kính lạy rồi sau sẽ vào. Phải quan niệm rằng nơi đây là chỗ không hành, là chỗ vô tướng hành, là chỗ vô tác hành, là chỗ từ bi hỉ xả bốn phạm hạnh, là chỗ an trí chánh hạnh chánh trụ. Lúc nào tôi sẽ rời bỏ nhà cầu uế, lúc nào tôi sẽ ở chỗ chánh hạnh này. Phải có lòng muốn xuất gia như vậy. Không có ở tại gia mà tu thành đạo chánh chơn vô thượng, thẩy đều xuất gia đến rừng vắng vẻ tu tập được thành Phật đạo. Tại gia nhiều trần nhiễm, xuất gia đẹp tốt. Tại gia đủ sự trói buộc, xuất gia vô ngại. Tại gia nhiều cầu uế, xuất gia xả ly. Tại gia bị nhiếp nơi ác, xuất gia được nhiếp nơi thiện. Tại gia ngập sâu trong sình lầy ái dục, xuất gia viễn ly ái dục. Tại gia chung cùng phàm tình, xuất gia chung cùng trí huệ. Tại gia tà mạng, xuất gia chánh mạng. Tại gia nhiều lấm dơ, xuất gia không dơ. Tại gia suy diệt, xuất gia không diệt. Tại gia buồn lo, xuất gia vui mừng. Tại gia là bực thang những sự ác, xuất gia xa lìa. Tại gia trói buộc, xuất gia cởi mở. Tại gia kinh sợ, xuất gia vô úy. Tại gia bị quở phạt, xuất gia không quở phạt. Tại gia nhiều họa hoạn, xuất gia không họa. Tại gia phiền nhiệt, xuất gia không phiền nhiệt. Tại gia nhiều mong cầu nên khổ, xuất gia không mong cầu nên vui. Tại gia rung động, xuất gia không động. Tại gia khổ vì nghèo, xuất gia không khổ vì nghèo. Tại gia khiếp nhược, xuất gia không khiếp. Tại gia hạ tiện, xuất gia tôn quí. Tại gia phiền rộn, xuất gia tịch tịnh. Tại gia lợi tha, xuất gia tự lợi. Người tại gia không nhuận tinh khí, người xuất gia tư nhuận. Tại gia vui nơi kiết sử, xuất gia vui nơi tịch diệt. Tại gia thêm gai nhọn, xuất gia không gai nhọn. Tại gia thành tiểu pháp, xuất gia thành đại pháp. Tại gia không điều phục, xuất gia điều phục. Tại gia xa lìa giới, xuất gia hộ trì giới. Tại gia thêm lớn biển lệ mủ máu, xuất gia cạn khô biển lệ mủ máu. Tại gia bị chư Phật, Thanh Văn Duyên Giác quở rầy, xuất gia được chư Phật, Thanh Văn Duyên Giác tán thưởng. Tại gia không đủ, xuất gia biết đủ. Tại gia ma mừng, xuất gia ma lo.Tại gia chẳng hàng phục, xuất gia hàng phục. Tại gia nô bộc, xuất gia chủ nhơn. Tại gia ở mé sanh tử, xuất gia ở mé Niết bàn. Tại gia đọa lạc, xuất gia khỏi đọa lạc. Tại gia tối tăm, xuất gia sáng soi. Người tại gia sáu căn chẳng tự tại, người xuất gia sáu căn tự tại. Tại gia cuồng dật, xuất gia chẳng phóng dật. Tại gia chẳng tương ưng, xuất gia tương ưng. Tại gia ngó xuống, xuất gia nhìn lên. Tại gia nhiều kinh doanh, xuất gia ít kinh doanh. Tại gia ít sức lực, xuất gia sức lực lớn. Tại gia siểm khúc, xuất gia chánh trực. Tại gia nhiều lo, xuất gia không lo. Tại gia cùng chung với tên nhọn, xuất gia không tên nhọn. Tại gia bịnh tật, xuất gia không bịnh tật. Tại gia là già nua, xuất gia là trai tráng. Tại gia sống phóng dật, xuất gia tu huệ mạng. Tại gia lừa phỉnh, xuất gia không phỉnh. Tại gia nhiều gian trá, xuất gia không gian trá. Tại gia là bình rượu độc, xuất gia là bình cam lồ. Tại gia tai hoạn, xuất gia không tai hoạn. Tại gia chẳng phóng xả, xuất gia phóng xả. Người tại gia lấy quả độc, người xuất gia lấy quả không độc. Tại gia tương ưng với sự chẳng đáng thích, xuất gia chẳng tương ưng với sự chẳng đáng thích. Tại gia nặng nề ngu si, xuất gia nhẹ nhàng trí huệ. Tại gia mất phương tiện, xuất gia phương tiện thanh tịnh. Tại gia mất chánh ý, xuất gia chánh ý thanh tịnh. Tại gia mất chí ý, xuất gia chí ý thanh tịnh. Người tại gia chảng làm chỗ cứu vớt được, xuất gia hay làm chỗ cứu vớt. Tại gia tạo cùng liệt, xuất gia chẳng tạo cùng liệt. Tại gia chẳng phải chỗ ngụ ở, xuất gia là chỗ ngụ ở. Tại gia chẳng phải chỗ về, xuất gia là chỗ về. Tại gia nhiều sân nộ, xuất gia nhiều nhân từ. Tại gia mang gánh, xuất gia bỏ gánh. Tại gia chẳng hết những tranh tụng, xuất gia không tranh tụng. Tại gia có lỗi, xuất gia không lỗi. Tại gia công việc bận rộn, xuất gia rảnh việc. Tại gia nhiệt não, xuất gia rời nhiệt não. Tại gia nhiều cừu thù, xuất gia không thù.


Tại gia chứa tụ, xuất gia không tụ chứa. Tại gia của cải kiên cố, xuất gia đức hạnh kiên cố. Tại gia cùng chung với lo rầu, xuất gia không lo rầu. Tại gia tốn hao, xuất gia thêm lợi ích. Tại gia là dễ được, xuất gia là ức kiếp khó được. Tại gia là dễ làm, xuất gia là khó làm. Tại gia thuận dòng, xuất gia ngược dòng. Tại gia ở giữa dòng, xuất gia ngồi thuyền bè. Tại gia ở sông kiết sử, xuất gia qua khỏi sông. Tại gia ở bờ này, xuất gia ở bờ kia. Tại gia triền phược, xuất gia không phược. Tại gia hiềm hận, xuất gia không hận. Tại gia pháp vua, xuất gia pháp Phật. Tại gia nhiễm ô vì tham ái, xuất gia lìa ô nhiễm. Tại gia sanh khổ, xuất gia sanh vui. Tại gia thiển cận, xuất gia thâm viễn. Tại gia dễ làm bạn, xuất gia khó làm bạn. Tại gia vợ làm bạn, xuất gia tâm làm bạn. Tại gia nhiều việc, xuất gia lìa việc. Tại gia bức người nên khổ, xuất gia lợi người nên vui. Tại gia tài thí, xuất gia pháp thí. Tại gia cầm tràng ma, xuất gia cầm tràng Phật. Tại gia ổ hang, xuất gia lìa hang ổ. Tại gia phi đạo, xuất gia lìa phi đạo. Tại gia rừng rậm, xuất gia lìa rừng rậm.


Này Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia lần lượt suy tưởng như vậy, lại nghĩ rằng tôi thiết lễ đồng với hằng ha sa vì các chúng sanh một ngày đều bố thí, khéo điều thuần trong chánh pháp phát tâm xuất gia, đây là chắc thiệt bố thí đã trọn đủ. Nay tôi phải nên vững chắc tu giới hạnh và nghe học chánh pháp.


Bồ Tát ấy vào Tăng phường lễ tháp Phật nên có ba ý tưởng : tôi cũng sẽ được cúng dường như vậy, tôi cũng sẽ được thương xót tất cả chúng sanh mà để Xá lợi lại, tôi học như vậy, làm như vậy, tinh tấn như vậy, mau chứng Vô thượng Bồ đề, giả sử làm tất cả Phật sự xong thì như chư Phật Thế Tôn nhập vào Niết bàn.


Bồ Tát ấy vào Tăng phường quan sát tất cả công đức của chư Tỳ Kheo : ai là đa văn, ai là thuyết pháp, ai là trì luật, ai trì a hàm, ai trì Bồ Tát tạng, ai tịch tịnh, ai thiểu dục khất thực mặc y phấn tảo ở riêng ly dục, ai siêng tu hành, ai tọa thiền, ai chấp tác, ai là chủ chùa. Quan sát hết công hạnh của chư Tỳ Kheo, tùy theo chỗ muốn của các thầy chẳng có ý nghĩ chê trách.


Bồ Tát ấy nếu ở tại chùa miễu và lúc qua tụ lạc có nói năng phải khéo gìn khẩu nghiệp. Nếu có Tỳ Kheo thiếu y bát thuốc men đồ vật cần dùng nên tùy theo chỗ đáng cho mà cung cấp chớ để họ sanh lòng bực tức. Tại sao ? Vì chư Thiên và loài người có phiền não tật đố, phải giữ gìn gấp bội cho họ. Lòng người phàm phu chẳng phải A La Hán. Phàm phu phạm lỗi chẳng phải A La Hán. Bồ Tát ấy gần bực đa văn để tu tập học hỏi, thân người thuyết pháp để tu hành quyết định, gần người trì luật để điều phục kiết sử chẳng sa vào trong chỗ phạm tội, thân cận người trì Bồ Tát tạng để học tu hành sáu Ba la mật và học phương tiện, gần người tịch tịnh để tu học ở một mình, thân cận người tu hành để tu học đoan tọa.


Nếu có Tỳ Kheo chưa định địa vị, Bồ Tát ấy thấy họ cần y thì cho y, cần bát thì cho bát, khuyên Tỳ Kheo ấy phát tâm vô thượng đạo, tại sao ? Vì dùng tài và pháp nhiếp Tỳ Kheo ấy hướng đến chỗ tối thắng vậy.


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia khéo biết hạnh Sa Môn như vậy. Nếu có các Sa Môn đấu tranh thưa kiện thì hòa hiệp họ dầu phải xả bỏ thân mạng để thủ hộ chánh pháp.


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia thấy Tỳ Kheo bịnh thì chăm sóc cho được lành dầu phải thí xả máu thịt nơi thân mình.


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia chưa mở tâm bố thí thì chẳng trước mời thỉnh người để bố thí, lúc thí rồi thì hối hận. Tất cả gốc lành đều lấy tâm Bồ đề làm thượng thủ.


Nầy Trưởng giả ! Tại gia Bồ Tát lúc ở địa vị tại gia thì thật hành theo đúng lời Phật dạy chẳng quên chẳng mất pháp trợ Bồ đề, pháp hiện tại không ô nhiễm, được tăng thêm pháp thù thắng”.


Bấy giờ Trưỏng giả Úc Già cùng các Trưởng giả đồng thanh khen ngợi vui mừng rằng : “Đức hi hữu Thế Tôn khéo nói lỗi họa tại gia, nhưng chúng tôi chưa biết giới hạnh xuất gia, công đức xuất gia.


Bạch đức Thế Tôn ! Chúng tôi cũng quan sát tại gia nhiều lỗi, xuất gia đức lớn. Xin đức Thế Tôn thương xót, chúng tôi nguyện được xuất gia”.


Đức Phật bảo : “Này các trưởng giả ! Xuất gia rất khó, phải hoàn toàn tịnh hạnh”.


Các Trưởng giả bạch rằng : “Thiệt như lời Phật dạy, Xin đức Thế Tôn cho chúng tôi xuất gia, chúng tôi sẽ thật hành đúng như lời Phật dạy”.


Đức Thế Tôn liền cho xuất gia bảo Di Lặc Bồ Tát rằng : “Này thiện trượng phu tất cả Bồ Tát thanh tịnh làm cho các Trưởng giả này được xuất gia”.


Di Lặc Bồ Tát và chư Bồ Tát khiến chín ngàn Trưởng giả đều xuất gia thọ giới xuất gia. Lại có ngàn Trưởng giả phát tâm Vô thượng Bồ đề.


Trưỏng giả Úc Già bạch Phật rằng : “Bạch đức Thế Tôn ! Đức Thế Tôn đã nói tội lỗi và công đức của tại gia rồi. Lành thay đức Thế Tôn, xin nói đức hạnh giới văn của Bồ Tát xuất gia. Ở trong diệu pháp, Bồ Tát điều phục xuất gia lễ bái ngồi đứng đến đi như thế nào ?”


Đức Phật bảo : “Trưởng giả khéo suy gẫm ghi nhớ, sẽ vì ông mà nói Bồ Tát xuất gia phải học phải đứng đi như vậy”.


“Bạch đức Thế Tôn ! Chúng tôi xin kính lắng nghe.


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia phải học như vầy : Do duyên cớ gì mà tôi bỏ sự nghiệp xuất gia ? Do vì tu trí huệ, nên tôi siêng tinh tấn như chữa đầu bị cháy.


Lại phải quan niệm nay tôi phải an trụ nơi bốn thánh chủng thích thật hành đầu đà.


Thế nào là Bồ Tát xuất gia tu bốn thánh chủng ?


Bồ Tát xuất gia tùy theo y phục đã có nên tri túc, ca ngợi tri túc, chẳng vì cớ y phục mà vọng ngữ. Nếu chẳng được y phục thì chẳng tưởng chẳng nhớ chẳng lo rầu. Giả sử được y phục thì lòng chẳng tham trước, dầu mặc y phục mà lòng chẳng ràng buộc chẳng tham chẳng luyến, biết lỗi của nó biết xuất ly. Tùy nơi sự tri túc ấy chẳng tự khen tặng, chẳng khinh chê người.


Bồ Tát xuất gia tùy theo khất thực được đồ uống ăn, tùy theo bịnh được thuốc men, nhẫn đến tùy theo tọa cụ giường phòng đã được đều nên tri túc và ca ngợi tri túc, chẳng vì tọa cụ mà vọng ngữ. Nếu chẳng được thì chẳng tưởng chẳng nhớ chẳng lo rầu. Nếu được thì chẳng nhiễm trước, chẳng chứa để với nhiễm tâm, chẳng tham chẳng luyến, biết lỗi của nó, biết hạnh xuất ly. Tùy theo sự tri túc ấy chẳng tự khen tặng, chẳng khinh chê người. Ưa dứt ưa lìa ưa tu tập. Ở nơi sự ưa dứt ưa lìa ưa tu tập ấy cũng chẳng tự khen tặng và chê người.


Đây gọi là Bồ Tát xuất gia an trụ nơi bốn thánh chủng.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia dùng mười công đức để gìn và mặc y nơi thân : vì tàm quí, vì che thân, vì muỗi mòng, vì gió dữ, chẳng vì êm dịu, chẳng vì tốt, vì tiêu biểu giới tướng của Sa Môn, y hoại sắc ấy khiến Trời Người A Tu La v.v… sanh ý tưởng kính thờ mà thọ trì vậy, vì giải thoát mà nhuộm hoại sắc chẳng phải vì tham dục mà nhuộm, vì tịch tịnh Niết bàn chẳng phải vì kiết sử sanh tử, mặc y ấy chẳng sanh điều ác tu các sự lành, chẳng vì đẹp tốt mà mặc y ấy, biết thánh đạo rồi tôi làm đúng như vậy, chẳng để phiền não ô nhiễm dầu chừng một niệm. Đây gọi là Bồ Tát xuất gia mười sự công đức gìn mặc y nơi thân.


Lại nầy Trưởng giả ! Vì thấy mười sự nên Bồ Tát xuất gia trọn đời chẳng xả bỏ khất thực !


Nay tôi tự sống chẳng do người mà sống, nếu có ai thí cho tôi ăn phải khiến họ an trụ nơi ba pháp quy y rồi sau mới ăn, với người không thí cho tôi ăn thì tôi sanh lòng đại bi đối với họ, vì chúng sanh ấy mà tôi siêng tu tinh tấn khiến họ việc làm xong rồi sau mới ăn món ăn của họ cho, lại tôi chẳng trái lời truyền dạy của đức Phật, vì trồng đầy đụ nhơn căn bổn, vì y cứ nơi hàng phục ngã mạn để chứa nhóm nhơn duyên tướng vô kiến đảnh, vì chẳng bị cùng hòa hiệp với đàn bà đàn ông gái trai, bình đẳng khất thực sanh lòng bình đẳng đối với các chúng sanh, vì họp nhơn duyên trang nghiêm Nhứt thiết trí vậy. Thấy mười sự lợi ích ấy, Bồ Tát xuất gia trọn đời chẳng bỏ pháp khất thực.


Nếu có ai chí tâm kính tin đến thỉnh mời thì nên đi. Nếu người thỉnh mời chẳng chí tâm, nhưng quan sát có nhơn duyên tự lợi và lợi cho họ thì nên đi.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia thấy mười sự lợi ích nên trọn chẳng bỏ chỗ tịch tịnh :


Vì tự tại trừ bỏ, vì gìn vô ngã, vì bỏ ái luyến ngọa cụ, vì tịch tịnh không ái nhiễm, vì ở không có gì đáng cầu lợi, vì bỏ thân mạng nơi tịch tịnh, vì lìa đông người ồn ào, vì làm việc làm trong pháp của Như Lai, vì tịch định thích ý, vì chuyên niệm không bị chướng nạn vây. Đây là ý thấy mười công đức lợi ích nên Bồ Tát xuất gia trọn đòi chẳng bỏ rời ở chỗ tịch tịnh.


Nầy Trưởng giả ! Nếu Bồ Tát ở chỗ tịch tịnh vì muốn nghe pháp, vì có nhơn duyên Hòa Thượng A Xà Lê, vì thăm bịnh mà phải vào tụ lạc thì nên nghĩ rằng : Tối nay tôi sẽ trở về. Nếu vì đọc tụng mà ở phòng xá, thì nên quan niệm rằng : Nay tôi vốn ở chỗ tịch tịnh, chỗ tịch tịnh tương ưng với chánh pháp, với tất cả vật không có ý tưởng cạnh tranh, với tất cả pháp không có ý tưởng chướng ngại, thường tập hợp pháp lành không hề mỏi chán. Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh, quan niệm rằng : Duyên cớ gì mà tôi ở tại chỗ tịch tịnh, chẳng phải chỉ ở chỗ vắng vẻ mà gọi là Sa Môn, nơi đây cũng có những thứ chẳng điều phục, chẳng tịch tịnh, chẳng vững chắc, chẳng tương ưng cùng ở, đó là loài hươu nai, khỉ vượn, chim thú sư tử, cọp sói, giặc cướp, chúng nó không có công đức Sa Môn. Vì thế nên tôi phải có đầy đủ tư cách người ở tịch tịnh thật hành công hạnh nghĩa lợi Sa Môn, đó là nhiếp niệm chẳng loạn được đà la ni tu đại từ đại bi ngũ thông tự tại đầy đủ sáu Ba la mật chẳng rời bỏ tâm Nhứt thiết trí, tu hành phương tiện, thường dùng pháp thí nhiếp lấy tất cả chúng sanh giáo hóa tất cả chúng sanh chẳng rời bỏ nhiếp pháp, tu hành sáu chánh niệm siêng học hỏi suy gẫm tu tập chánh hạnh chẳng lấy trí chứng quả, hộ trì chánh pháp, tin nghiệp báo đây gọi là chánh kiến, dứt tất cả vọng tưởng phân biệt đây gọi là chánh tư duy, tùy theo chánh pháp đã hiểu biết mà giải thuyết cho mọi người đây gọi là chánh ngữ, trừ hết nghiệp hữu lậu đây gọi là chánh nghiệp, dứt trừ kiết sử phiền não đây gọi là chánh mạng, siêng thẳng đến chánh định đây gọi là chánh tinh tấn, chẳng quên các pháp đây gọi chánh niệm, được Nhứt thiết trí đây gọi là chánh định, giải không chẳng kinh, vô tướng chẳng sợ, vô nguyện chẳng khiếp, tâm chẳng chấp có, y nghĩa chẳng y ngữ, y trí chẳng y thức, y pháp chẳng y người, y kinh liễu nghĩa chẳng y kinh chẳng liễu nghĩa.


Đây gọi là Bồ Tát an trụ pháp Sa Môn.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia chẳng nên thân cận trong chúng đông người, phải nghĩ rằng tôi phải rời xa họ, thiện căn của tôi vì trọn chẳng bỏ tất cả chúng sanh mà tu tập thiện căn.


Xuất gia Bồ Tát có bốn chỗ thân cận được đức Như Lai hứa khả : Bồ Tát xuất gia thân cận nghe chánh pháp, thân cận thành thục tất cả chúng sanh, thân cận cúng dường Như Lai, thân cận chẳng bỏ tâm Nhứt thiết trí. Bồ Tát nên thân cận nơi đây chớ thân cận chỗ khác.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh phải quan niệm rằng : Do cớ gì mà tôi đến chỗ nầy ? Tôi đến đây vì sợ sự gì, sợ ai ? Vì sợ đông người ồn náo, vì sợ thân cận, vì sợ tham sân si, vì sợ cuồng mạn, vì sợ não nhiệt, vì sợ san tham, vì sợ sắc thanh hương vị xúc, vì sợ ấm ma phiền não ma tử ma và thiên ma, vì sợ vô thường cho là thường, vô ngã chấp ngã, vui trong khổ, trong dơ thấy sạch, vì sợ tâm ý thức, vì sợ sự đánh đập hiện tại, vì sợ ngã kiến, vì sợ ngã ngã sở, vì sợ ác tri thức, vì sợ lợi dưỡng, vì sợ phi thời ngũ, vì sợ chẳng thấy nói thấy, chẳng nghe nói nghe, chẳng nhớ nói nhớ, chẳng biết nói biết, vì sợ Sa Môn cấu nhiễm, vì sợ ba cõi Dục Sắc và Vô Sắc, sợ tất cả các loài sanh tử, vì sợ địa ngục súc sanh ngạ quỉ, vì sợ các thứ đáng sợ ấy mà tôi đến ở chỗ tịch tịnh này chẳng ở trong chúng tại gia ốn ào. Nếu tôi chẳng tu hành chẳng tu niệm xứ thời chẳng tương ưng vì thoát khỏi các sự đáng sợ ấy mà đến ở đây.


Quá khứ vô lượng đại Bồ Tát đều ở chỗ tịch tịnh thoát khỏi bố úy được vô úy Bồ đề Vô thượng. Vị lai chư Bồ Tát cũng ở nơi tịch tịnh thoát khỏi bố úy được vô úy Bồ đề Vô thượng. Hiện tại chư Bồ Tát cũng ở nơi tịch tịnh thoát tất cả bố úy tu hành vô úy được Vô thượng Bồ đề. Vì thế nên nay tôi muốn được vô úy thoát tất cả bố úy mà ở chỗ tịch tịnh này.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh không bố không úy phải học như vầy: Nếu người có bố úy là do chấp ngã đều do trước ngã, ngã là đầu mối, đều do yêu ngã, khởi ngã, thấy ngã, tưởng ngã, trì ngã, vọng tưởng nơi ngã, thủ hộ nơi ngã. Nếu ở chỗ tịch tịnh mà chẳng bỏ chấp ngã thì mất lợi lành.


Nầy Trưởng giả ! Nếu ở chỗ tịch tịnh mà không có ngã tưởng là thiệt ở tịch tịnh, nếu không có thấy chấp ngã là thiệt ở tịch tịnh, nếu không trụ ngã ngã sở là thiệt ở tịch tịnh.


Nầy Trưởng giả ! Nói rằng chỗ tịch tịnh là chẳng y trước nơi tất cả pháp, chẳng trụ các pháp, với các pháp vô ngại, chẳng y sắc thanh hương vị xúc mà trụ, an trụ tất cả pháp bình đẳng vô cấu, an trụ khéo điều phục tâm, bỏ tất cả bố úy an trụ vô úy, an trụ thoát tất cả dòng sông lớn kiết sử, an trụ thánh chủng, an trụ thiểu dục, an trụ tri túc, dễ đủ dễ nuôi, an trụ đầy đủ trí, an trụ đúng như chỗ học mà tu hành, an trụ giải thoát vì quán môn không vô tướng vô tác, an trụ giải thoát tri kiến vì dứt hệ phược, an trụ biên tế vì thuận nhơn duyên, an trụ việc làm đã xong vì cứu cánh thanh tịnh vậy.


Nầy Trưởng giả ! Như chỗ trống không những rừng cây cỏ thuốc không kinh không sợ, Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh phải tự sanh tâm niệm coi mình như cỏ cây tường vách, như ảo huyễn, trong đây có ai kinh ai sợ. Phải dùng vô úy mà quan niệm thân mình : thân thể này không ngã không ngã sở, không chúng sanh, không thọ mạng, không người, không trượng phu, không niên thiếu. Nói rằng kinh sợ đó chỉ là danh từ trống rỗng không sự thiệt. Nay tôi chẳng nên lấy không sự thiệt để sanh kinh sợ. Như chỗ trống kia những rừng cây cỏ thuốc không an trụ, không hộ trợ, tôi phải biết tất cả pháp như vậy rồi mới là khéo ở chỗ tịch tịnh. Tại sao ? Vì dứt lo dứt tranh nên gọi là tịch tịnh, vì không sanh không hộ nên gọi là tịch tịnh.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh phải học như vầy : trước thuận giới tụ, kế tu định tụ, tập họp huệ tụ, tu hành giải thoát, phát sanh giải thoát tri kiến, mở bầy pháp trợ Bồ đề, siêng mưòi hai công đức đầu đà. Ở chỗ tịch tịnh là để biết chắc phương tiện, vì khéo biết ngũ ấm, vì đồng pháp giới, vì phục trừ các nhập, vì chẳng quên tâm Bồ đề, vì quán không vô úy, vì chẳng mất tất cả căn lành, vì là chỗ Phật Bồ Tát và thánh nhơn khen tặng, vì là chỗ nương dựa của người muốn giải thoát. Người muốn Nhứt thiết trí phải an trụ chỗ tịch tịnh.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh dùng chút ít sự việc có thể đầy đủ sáu Ba la mật. Tại sao ? Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh chẳng tiếc thân mạng, đây gọi là tu tập đầy đủ Đàn Ba la mật. Bồ Tát này giữ giới đầu đà gìn thân khẩu ý, đây gọi là tu tập đầy đủ Thi Ba la mật. Bồ Tát nầy ở nơi chúng sanh không có lòng sân hận mà nhẫn thọ nhứt thiết trí, đây gọi là tu tập đầy đủ Nhẫn Ba la mật. Bồ Tát nầy có ý nghĩ rằng tôi ở đây cần phải được vô sanh pháp nhẫn, đây gọi là tu tập đầy đủ Tinh tấn Ba la mật. Bồ Tát nầy xả thiền định để giáo hóa chúng sanh tu tập các thiện căn, đây gọi là tu tập đầy đủ Thiền Ba la mật. Bồ Tát nầy thường quan niệm : Thân thể này của tôi thế nào thì hư không cũng vậy. Thân thể này của tôi thế nào thì Bồ đề cũng vậy, như chơn như không vọng tưởng, như hư không không vọng tưởng, đây gọi là tu tập đầy đủ Bát Nhã Ba la mật.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia thành tựu bốn pháp thì biết ở chỗ tịch tịnh, đó là giới thanh tịnh, học hỏi nhiều, suy gẫm tương ưng và tu hành đúng như pháp.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nếu kiết sử tăng thượng thì chẳng nên gần gũi chỗ tịch tịnh mà phải dẹp phục kiết sử.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh phải tu ngũ thần thông để giáo hóa hàng Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia ở chỗ tịch tịnh phải như lòi đức Phật dạy mà ở chỗ tịch tịnh, tôi phải đầy đủ tất cả công đức lành thanh tịnh, được pháp lành huân tập rồi đến thành ấp tụ lạc thuyết pháp.


Đây gọi là Bồ Tát xuất gia có bốn pháp như vậy mà ở chỗ tịch tịnh.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia từ chỗ tịch tịnh đứng dạy thọ pháp đọc tụng đến chỗ Hòa thượng A Xà Lê thượng trung hạ tọa quan niệm rằng đây là phước điền của tôi chẳng nên giải đãi, đây là hạnh nghiệp của tôi chẳng ganh với người tôi phải hầu hạ người. Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác là phước điền cúng dường của tất cả Trời, Người, Ma Vương, Phạm Vương, Sa Môn, Bà La Môn, là cha của tất cả chúng sanh, Phật chẳng móng tâm cầu tìm người hầu. Nay tôi muốn học tập, tôi chẳng cầu người hầu hạ tôi mà tôi sẽ làm kẻ hầu hạ cho tất cả chúng sanh. Tại sao ? Nầy Trưởng giả ! Nếu Tỳ Kheo trọng sự hầu hạ thì mất pháp công đức. Nếu dùng của để nhiếp thọ sẽ bảo rằng vì muốn sai bảo tôi nên dùng tiền của nhiếp tôi chớ chẳng phải vì pháp, do đó mà mất sự tin tưởng đối với mình. Nếu dùng tiền của nhiếp kẻ hầu hạ thì không có quả báo lợi ích lớn. Nếu biết rõ ý muốn của Hòa thượng A Xà Lê thì theo đó mà làm chớ để Hòa thượng A Xà Lê chẳng tin mình chẳng kính ái mình. Vì tán tụng pháp mà xả bỏ thân mạng, vì tán thán nơi pháp mà thí xả lợi dưỡng để vừa ý người để được lợi ích công đức.


Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nếu từ nơi người mà được thọ trì đọc tụng một kệ bốn câu tương ưng với thí giới nhẫn tấn định huệ trợ đạo Bồ đề, thọ trì văn tự chương cú kệ tụng, thì phải vì pháp mà cung kính như là bực Hòa thượng A Xà Lê, trong vô lượng kiếp hầu hạ người ấy, cúng dường tất cả chẳng sanh lòng dua dối. Như vậy còn chẳng báo được ơn huống là còn cần phải kính trọng nơi pháp.


Nầy Trưởng giả ! Nếu được lòng tin phát khởi niệm lành : niệm Phật Pháp Tăng, niệm nơi vô lậu, niệm tịch diệt điều phục, thì trong vô lượng kiếp hầu hạ cúng dường còn chưa báo hết ơn của Hòa Thượng. Phải quan niệm rằng nếu được nghe pháp rồi thì có vô lượng phước báo được vô lượng trí huệ, tôi phải cúng dường Hòa Thượng vô lượng kiếp.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia phải an trụ đúng như pháp xuất gia. Thế nào là an trụ đúng như pháp xuất gia ? Bồ Tát xuất gia ấy nghe tịnh giới rồi phải học bốn tịnh giới : đó là an trụ thánh chủng, thích hạnh đầu đà, chẳng thân cận hàng tại gia xuất gia, chẳng dua dối mà ở chỗ tịch tịnh.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nghe tịnh giới rồi phải học bốn tịnh giới như vầy : thân giới thanh tịnh mà chẳng thấy có thân, khẩu giới thanh tịnh mà chẳng thấy có khẩu, lìa rời thân kiến, phát tâm Nhứt thiết trí.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nghe tịnh giới rồi phải học bốn tịnh giới như vầy : rời lìa ý tưởng ngã, vứt bỏ ngã sở, xa đoạn thường kiến, hiểu pháp nhơn duyên.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nghe tịnh giới rồi phải học bốn tịnh giới như vầy : ấm không chỗ có, giới đồng pháp giới, nhập như hư không, chẳng ở nơi giả danh.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nghe tịnh giới rồi phải học bốn tịnh giới như vầy : biết ngã bất khả đắc, tôi khai ngộ cho người khiến tâm thanh tịnh, tâm chẳng thích an trụ nơi tất cả pháp, không có dao động.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nghe tịnh giới rồi phải học bốn tịnh giới như vầy : hiểu không, chẳng sợ vô tướng vô tác, với tất cả chúng sanh khởi lòng đại bi, nhập vào vô ngã.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nghe tịnh tam muội rồi phải học tịnh tam muội như vầy : tất cả pháp đều vô sở hữu, không có hai tâm, tâm chánh nghiệp, tâm nhứt xứ, tâm không dao động, tâm không hí luận, tâm không loạn náo, tâm không y chỉ, tâm tự tại, tâm không trì tán, chẳng an trụ tâm giới, thấy tâm như ảo, xem tất cả pháp đồng như pháp giới không hành không trụ cũng không khởi, chẳng có được trong ngoài trung gian, tam muội đồng đẳng, an trụ pháp như vậy gọi là tam muội. Đây gọi là Bồ Tát xuất gia quán định tu thanh tịnh.


Lại nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia nghe tịnh huệ tụ, nghe rồi phải quan sát những gì gọi là thanh tịnh huệ tụ. Bồ Tát ấy phải tu học như vầy : biết rõ các pháp nhơn duyên, trí sai biệt, trí biện tài, trí tốc tật, trí biết chúng sanh, trí nhiếp phục ngoại chúng sanh. Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát xuất gia lại phải học như vầy : huệ tụ thanh tịnh cũng gọi là không hệ phược vì không có thân, không có chỗ chấp trì không động không dừng không hình không tướng không sanh không hành, ví như hư không vậy. Nếu quan niệm như vậy thì gọi là Bồ Tát an trụ nơi xuất gia”.


Lúc đức Phật nói pháp trên đây, có tám ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, chư Trưởng giả được vô sanh pháp nhẫn, ba vạn hai ngàn chúng sanh xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh.


Úc Già Trưởng giả vui mừng hớn hở đem y giá trị trăm ngàn dưng cúng đức Phật mà bạch rằng : “Nguyện đem căn lành này thí cho khắp tất cả chúng sanh, khiến các Bồ Tát tại gia thành tựu đầy đủ giới pháp mà đức Phật đã dạy, cũng nguyện chư Bồ Tát xuất gia đầy đủ tất cả pháp mà đức Phật đã dạy.


Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào Bồ Tát tại gia ở tại nhà mà tu học giới xuất gia ?”


Đức Phật phán : “Nầy Trưởng giả ! Bồ Tát tại gia đủ năm pháp thì ỏ tại nhà mà tu học giới xuất gia.


Bồ Tát ở tại nhà chẳng tiếc tất cả tài vật sở hữu tương ưng với tâm Nhứt thiết trí chẳng mong quả báo.


Bồ Tát ở tại nhà đủ phạm hạnh thanh tịnh chẳng có ý tưởng dâm dục huống là hai hòa hiệp.


Bồ Tát tại gia đến chỗ vắng vẻ tu tập tứ thiền dùng sức phương tiện chẳng nhập vào chánh vị.


Bồ Tát tại gia ở tại nhà phải tột tinh tấn học trí huệ tương ưng đức từ đối với chúng sanh.


Bồ Tát ở tại nhà gìn giữ chánh pháp cũng khuyên bảo mọi người.


Trên đây là Bồ Tát ở tại nhà đủ năm pháp tu học giới xuất gia”.


Úc Già Trưởng giả bạch Phật rằng : “Bạch đức Thế Tôn ! Tôi ở tại gia sẽ giữ đúng như Phật dạy làm thêm rộng Phật đạo, các giới xuất gia tôi cũng phải học.”


Bấy giờ đức Thế Tôn liền mỉm cười. Theo lệ thường của chư Phật lúc mỉm cười có nhiều tia sáng màu xanh vàng đỏ trắng từ diệm môn phóng ra chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, trên đến trời Phạm Thế che khuất ánh sáng mặt nhựt mặt nguyệt rồi trở về quanh thân Phật ba vòng sau đó rót vào đảnh đầu đức Phật.


Thấy vậy Ngài A Nan rời chỗ ngồi chỉnh y phục trịch y vai hữu gối hữu chấm đất bạch đức Phật rằng : Duyên cớ gì đức Thế Tôn cười ? Chư Phật Thế Tôn không bao giới không duyên cớ mà mỉm cười”.


Đức Phật dạy : “Này A Nan ! Ông có thấy Trưởng giả Úc Già cúng dường Như Lai muốn tu hành giáo pháp làm sư tử hống chăng ?


-Bạch đức Thế Tôn ! Tôi đã thấy.

-“Này A Nan ! Trưởng giả Úc Già ở tại đây, trong Hiền kiếp này chư Phật Như Lai xuất hiện thế gian, ông ấy thường ở tại gia cúng dường cung kính hộ trì chánh pháp. Ông ấy ở tại gia mà an trụ giới xuất gia rộng học Vô thượng Bồ đề của chư Phật Như Lai”.


Đại đức A Nan nói với Trưởng giả Úc Già : “Ngài thấy lợi ích gì mà thích ở tại nhà, Ngài có thánh trí chăng ?”.


Trưởng giả Úc Già nói : “Bạch Ngài A Nan ! Người chẳng thành tựu đại bi chẳng nên tự nói tôi là an lạc. Bạch Đại đức A Nan ! Đại Bồ Tát nhẫn tất cả khổ chẳng bỏ chúng sanh”.


Đức Phật phán : “Này A Nan ! Trưởng giả Úc Già đây ở tại gia hóa độ rất nhiều chúng sanh trong Hiền kiếp chẳng phải Bồ Tát xuất gia trăm kiếp trăm ngàn kiếp làm được. Tại sao ? Vì, nầy A Nan ! Công đức của trăm ngàn Bồ Tát xuất gia chẳng bằng công đức Úc Già Trưởng giả”.


Ngài A Nan bạch đức Phật : “Bạch đức Thế Tôn ! Kinh nầy tên gì phải thọ trì thế nào ?”. Đức Phật dạy : “Này A Nan ! Kinh này tên là Úc Già Trưởng giả Sở Vấn. Cũng tên là kinh Tại Gia Xuất Gia Bồ Tát Giới. Cũng tên là kinh Ân Trọng Cấp Sự Sư Trưởng Phẩm.


Nầy A Nan ! Nếu có Bồ Tát được nghe kinh này thì là đại tinh tấn chớ chẳng phải hạ tinh tấn. An trụ nơi phạm hạnh trăm ngàn muôn lần chẳng bằng đưọc. Muốn tự an trụ tinh tấn, muốn khuyên người an trụ tinh tấn, muốn tự an trụ tất cả công đức, muốn khuyên người an trụ tất cả công đức, thì nên nghe kinh này rồi thọ trì đọc tụng rộng giảng thuyết cho người và tu hành đúng như lời.


Này A Nan ! Ta đem kinh pháp này giao phó cho ông thọ trì đọc tụng. Tại sao ? Vì pháp này đầy đủ tất cả công đức. Nếu có Bồ Tát tương ưng với pháp này thì chẳng rời lìa tương ưng với Như Lai. Nếu Bồ Tát rời pháp này thì là rời Phật. Nếu Bồ Tát rời pháp này, rời lìa thọ trì đọc tụng rộng tu hành như lời thì là rời lìa thấy tất cả chư Phật. Tại sao ? Vì sự việc xuất gia của chư Phật đều hiển thị trong kinh này.


Này A Nan ! Giả sử lửa cháy lớn cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới, vì chánh giác nên phải đi ngang qua để đến nghe kinh này thọ trì đọc tụng tu hành đúng như lời.


Này A Nan ! Nếu vì chư Phật quá khứ mà xây tháp bảy báu dùng tất cả đồ cúng để cúng dường bửu pháp, với chư Phật hiện tại và Thanh Văn Tăng dùng các đồ cúng để cúng dường trọn đời, với chư Phật và chư Bồ Tát vị lai đều làm nô bộc và làm đệ tử để cúng dường các Ngài, nếu chẳng nghe kinh này chẳng thọ trì chẳng đọc tụng chẳng giảng thuyết chẳng tu hành, rời lìa kinh pháp này thì chẳng gọi là cúng dường chư Phật Như Lai. Nếu có nghe kinh này thọ trì đọc tụng giảng thuyết tu hành như lời, Bồ Tát này đã là cúng dường chư Phật ba đời rồi. Tại sao ? Vì tu hành đúng như lời chính là pháp điều phục của chư Phật Như Lai vậy”.


Đức Phật nói kinh này rồi, Đại Đức A Nan, Trưởng giả Úc Già, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà, tất cả thế gian nghe lời đức Phật dạy đều rất vui mừng tin nhận vâng làm


[40] HT. Thích Trí Tịnh, Kinh Đại Bảo Tích – Pháp Hội Úc Già Trưởng Giả 19