Tăng Triệu
LÝ DUYÊN KHỞI
Phần này do CƯ SĨ BÌNH thêm vào để đọc có thể hiểu các phần sau.
LÝ DUYÊN KHỞI
Theo lý duyên khởi thì mọi sự, mọi vật đêu do nhân duyên hợp lại mà thành, nên nó không có tự tánh.
Thí dụ con người có hay không? Ta có hay không?
Con người gồm có 2 phần: Thể xác và tinh thần. Chúng ta hãy phân tích:
Về thể xác
Thể xác này do tứ đại hợp thành, nếu thiếu một thì không thành cái thân này. Vì vậy không thể nói thân này tánh của nó là đất hay là nước v.v…
Hơn nữa thể xác thì biến đổi từng ngày, nay trẻ, mai già. Thể xác không bất biến mà Ta thì bất biến (bởi vì nếu biến đổi thì Ta không còn là Ta nữa) vì vậy thể xác không phải là “cái Ta”.
Như vậy có lẽ phần tinh thần sẽ là cái Ta chăng? Tinh thần gồm có tư tưởng và tình cảm. Về tình cảm thì khi ta buồn, lúc ta vui, nó luôn thay đổi, vậy thì tình cảm không thể là cái Ta được. Vậy có lẽ là tư tưởng chăng? Lại càng không phải bởI vì tư tưởng biến đổi còn nhanh hơn nữa.
Vậy thể xác không phải là Ta, mà tư tưởng, tình cảm cũng không phải là ta. Vậy thì ta không có thật hay không có tự tánh.
Một thí dụ khác: có một anh A, đang làm việc và cư trú tại SG với tất cả các quan hệ hiện có của anh. Nếu ta đem anh A đó sang một nước khác thì anh A đó không còn là anh A nữa, vì các điều kiện và quan hệ của anh đã thay đổi. Không ai biết anh là anh A, anh không làm việc ở chỗ cũ nữa, không ở căn nhà cũ nữa, không giao thiệp với các người bạn cũ nữa. Vậy anh không còn là anh A cũ nữa.
Vậy nên anh A được xác định phụ thuộc vào chính anh và các liên hệ chung quanh, vậy thì anh A đó không có tự tánh, mà do các duyên hợp lại mới xác định được.
Các vật dụng cũng thế.
Xét chiếc xe chẳng hạn. Chiếc xe hợp thành bởi rất nhiều bộ phận, nếu xét riêng từng bộ phận thì nó đều chẳng phải chiếc xe.
Tay lái ư? Không phải xe
Bánh xe ư? cũng không phải xe,
Yên xe ư? khung xe ư đêu không phải xe.
Như vậy xe là một tổng thể của tất cả những cái trên. Nó do những cái khác hợp lại mà thành, nó không có tự tánh.
Danh từ xe dùng để chỉ cái tổng thể nói trên, nó cũng chẳng chỉ riêng một cái gì. Vì thế nó chỉ là giả danh
Xét cái ấm trà này, nó làm bằng gì, xin thưa bằng sành. Vậy sành tự nhiên mà có à? Không phải, muốn có cái ấm này phải có đất xét, có tay thợ nặn ra, có men, có thợ vẽ hoa văn, có củi lửa có lò nung mới ra cái ấm này. Trong các duyên phụ trợ đó, nếu thiếu một cái thì đã không thành cái ấm trà.
Vì vậy ta thấy rằng mọi người, mọi vật, mọi sự ở trên đời này đều do nhân duyên tạo thành, nó không tự có. Vì vậy chúng không có tự tánh. Chúng chỉ hình như có, chúng có do nhân duyên hợp lại nên gọi là GIẢ CÓ. Do đó nói mọi vật “ sanh mà chẳng sanh ”
Vật Bất Thiên
VẬT BẤT THIÊN
Chúng ta biết rằng, mọi vật đều do duyên sanh, không có tự tánh.
Chúng ta ở trong không gian và thời gian.
Lúc xưa chúng ta còn trẻ, Bây giờ chúng ta đã già.
Nhưng chẳng có gì biến đổi cả,. Tại sao vậy?
Vì rằng cái khuôn mắt trẻ đó, nó ở ngày xưa chứ không ở hiện nay. Nó không đến hiện nay. Nó ở chỗ của nó. Nay chưa có, xưa chưa từng không, nên biết VẬT CHẲNG ĐI.
Còn cái mặt già này nó ở hiện tại, nó không phải là cái mặt ngày xưa. Nó cũng ở chỗ của nó.
Bởi vậy mớI nói CHẲNG CÓ GÌ BIẾN ĐỔI CẢ. mọi vật tự ở vị trí của mình nên VẬT TỨC CHƠN.
Đó là xét trong một thời gian dài. Nếu chúng ta để ý, quan sát kỹ sẽ thấy lúc nào vật cũng chơn. Thí dụ:
Sáng nay chúng ta ở nhà. Trưa nay chúng ta ở chùa.
Nhưng không thể nói ta bây giờ là ta buổi sáng. Bởi vì mọi vật đều do nhân duyên hợp lại mà thành. Do đó giữa 2 cái ta đó có nhiều khác biệt. Ta buổi trưa này nhiều bụi bậm hơn, mệt mỏi hơn, đói khát hơn, nhưng tỉnh táo hơn v v… cái ta buổi sáng.
Vậy có thể nói Ta buổi sáng nó ở buổi sáng. Còn ta bây giờ là ta lúc trưa.
Vậy thì cái ta buổi sáng nó đâu có đến buổi trưa? còn cái ta buổi trưa đâu phải là cái ta buổi sáng
Vậy thì cái ta nào tự nó ở vị trí của nó, chẳng có gì thay đổi cả, vì vậy nên nó là chơn. Hay VẬT TỨC CHƠN.
Nếu xét cho kỹ thì trong từng sát na, con người hay vật đều có thay đổi. Vậy thì trong mỗI sát na vật tự ở vị trí của mình, nó chẳng chuyển động, chẳng biến đổi nên nó tức chơn. Vì vậy mới nói:
Gió bão bay núi mà thường tịnh
Nước sông đổ gấp mà chẳng trôi
Bụi trần lăng xăng mà chẳng động
Trăng qua bầu trời mà chẳng đi.
Khi một vật chuyển động, thì vật sau không phải vật trước. vì vị trí của nó, thời điểm của nó không phải là vị trí và thời điểm của vật trước. Nó chỉ là nó khi ở vị trí và thời điểm của nó. Vì vậy một vật vừa là thường vừa là vô thường.
Chính vì vậy mà kinh Pháp Hoa nói “ Thế gian tướng thường trụ”.
Mọi biến đổi chỉ có thể diễn ra trong dòng chảy của thời gian.
Ngược lại, thời gian cũng chỉ có khi sự vật biến đổi.
Vì hai nhân tố này phụ thuộc lẫn nhau không thể tách rời nên chúng đều do duyên khởi, không có tự tánh.
Hay nói cách khác Thời gian và sự biến đổi của sự vật đều không có thực, bổn tánh của chúng là không.