II. NỘI DUNG MI TIÊN VẤN ĐÁP
(gồm 244 câu)
147. Tại sao không có hai Đức Phật xuất hiện một lần?
- Thưa đại đức! Trẫm nghe rằng, các Đức Phật giác ngộ những điều giống nhau, thuyết những pháp giống nhau, giới luật ban hành cũng giống nhau..., có phải thế không ạ?
- Tâu, vâng!
- Một vị Phật xuất hiện ở thế gian như thế, cuộc đời sẽ rất đẹp, hoàn thiện và tươi sáng thêm lên, có phải thế không ạ?
- Tâu, vâng!
- Thế tại sao hai bậc Toàn Giác không xuất hiện một lúc để cùng hỗ trợ cho nhau, tương trợ nhau để xiển dương chánh pháp? Nếu vậy thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp gấp đôi, hoàn thiện gấp đôi, và xán lạn tươi đẹp cũng gấp đôi! Và như thế thì đạo Phật sẽ huy hoàng, lan tràn trong hoàn vũ, tế độ được gấp bội chúng sanh trời, người hơn nữa. Xin đại đức chỉ giáo cho điều này?
- Tâu đại vương! Đức Phật dạy rằng, thế gian này có mười ngàn thế giới. Mười ngàn thế giới ấy chỉ có khả năng nâng đỡ một vị Phật mà thôi. Nói cách khác, mười ngàn thế giới chỉ có thể chịu đựng sự hiện hữu của một vị Phật. Nếu hai vị Phật cùng xuất hiện một lúc thì mười ngàn thế giới này sẽ bị chấn động, bị rung chuyển, bị nghiêng lệch đi, sẽ bị hủy diệt, bị tiêu vong!
Ví như một chiếc thuyền nhỏ chỉ chở được một người, nếu hai người cùng quá giang thì thuyền ấy sẽ không chở nổi, sẽ bị chìm. Chiếc thuyền chính là mười ngàn thế giới, khách quá giang là một vị Phật. Ví dụ này đại vương nên hiểu để tự trả lời và tìm hiểu lý do tại sao cho câu hỏi của mình.
- Thưa, vâng.
- Ví như hai chiếc xe chất hàng hóa với trọng tải vừa đủ để chuẩn bị cho lộ trình xa. Với lý do nào đó, người ta lấy bớt một xe, sớt hàng hóa xe ấy sang xe kia. Đại vương thấy thế nào? Một chiếc xe mà chở nặng một số hàng hóa với trọng tải gấp đôi, thì số phận chiếc xe ấy sẽ như thế nào?
- Bánh xe ấy sẽ gãy hoặc trục xe ấy sẽ vỡ lìa từng đoạn!
- Mười ngàn thế giới này cũng sẽ gãy đổ hoặc vỡ lìa tan nát ra như thế, nếu sức nặng của hai vị Phật đồng ngự đến một lần, tâu đại vương?
- Trẫm đã hiểu nhờ hai ví dụ ấy.
- Ngoài ra, biết bao điều tai hại do tranh chấp, do chia rẽ, do chấp thủ, do bảo vệ, rằng là "đây là Phật của tôi, kia là Phật của anh"; và thế là phân thành hai nhóm, sẽ tranh đấu với nhau bằng binh khí miệng lưỡi, binh khí đao gậy. Nói tóm là những điều nguy hại cho giáo pháp sẽ xảy ra.
- Vâng! Ví như trong triều đình của trẫm đây, nếu trẫm có hai vị quan cận thần có tài đức và công lao ngang nhau, đều được trẫm sủng ái. Quan lại trong triều đều phân làm đôi ủng hộ hai vị quan ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra? Dĩ nhiên là sẽ có chuyện tranh chấp cãi cọ lôi thôi, sẽ có sự chia rẽ, mất hòa khí khi "ông quan này của chúng tôi, ông quan kia của các anh!" Thật là khó xử cho trẫm đấy. Trong triều không thể để cho hai ông quan có tài đức ngang nhau, công lao ngang nhau, quyền lực ngang nhau... như thế nào thì mười ngàn thế giới này cũng không nên tồn tại hai vị Phật, thưa đại đức!
- Vâng, mong rằng đại vương đã hiểu. Và có thể có những tế toái, phức nhiễu khác nữa. Ngay chính những hồng ân, danh hiệu, sự tôn xưng của thế gian đối với chư Phật sẽ có cái gì không được ổn cho lắm.
Ví dụ, Đức Phật là bậc tối thượng giữa muôn loài. Chữ tối thượng kia phải xét lại. Tối thượng là chỉ có một người, duy nhất, tại sao ở đây lại có hai người?
Lại ví dụ, Đức Phật là bậc đáng tôn trọng, cao quý nhất trong tam giới. Dùng chữ cao quý nhất ấy không còn thích đáng nữa.
Cũng thế, chẳng hạn, Đức Phật là bậc tiến hóa đệ nhất giữa chốn chư thiên và loài người. Chữ "đệ nhất" ấy cũng sẽ không còn dùng được.
Ngoài ra, tỉ như, Vô thượng sĩ, Thế Tôn, Thiên nhân sư v.v... đều phải sửa đổi lại.
Còn nữa, tâu đại vương! Trên đời này, những cái to lớn, vĩ đại thường chỉ có một: quả đất, mặt trời, mặt trăng, biển cả, hư không, núi Tu di, Hy mã lạp sơn... Còn các giống hữu tình lớn như ma vương, Đế thích, đại phạm thiên cũng chỉ có một. Tương tợ thế ấy, giữa thế gian chỉ có một đức Chánh Đẳng Giác mới gọi ngài là vĩ đại, quý báu, tôn quý, cao thượng, vô thượng, tối thượng v.v... Như thế, trong một thời kỳ nhất định, giữa mười ngàn thế giới này chỉ có một vị Phật đản sanh, không thể có hai vị được, tâu đại vương!
* * *
148. Không nên cho kẻ phàm tục xuất gia trong giáo hội thanh tịnh của Đức Bổn Sư!
- Thưa đại đức! Trẫm nghe rằng giáo hội của Đức Tôn Sư trong sạch, quý báu, cao thượng lắm phải chăng?
- Tâu, vâng.
- Trong giáo hội ấy, tất cả Tăng chúng và Ni chúng đều là người đã chứng đắc các quả vị thanh tịnh cả chăng?
- Tâu, không hẳn thế. Có rất nhiều vị đắc quả Tứ thánh. Có nhiều vị đang trên đường. Có nhiều vị còn ít phàm tính. Có nhiều vị còn nhiều phàm tục, lắm tham, sân, si v.v...
Các bậc thanh tịnh, cao quý đã chứng đắc quả Thánh thì sẽ làm cho giáo hội trang nghiêm, đẹp đẽ, tôn quý hơn lên, chúng ta không đề cập ở đây. Những vị đang trên đường kiên trì, tinh tấn thực hành giáo pháp thì trước sau cũng đạt được mục đích tối thượng, chúng ta cũng không đem ra bàn. Trẫm chỉ hỏi đến hai hạng người cuối: những vị nhiều phàm tính và ít phàm tính - những vị ấy có khả năng chứng ngộ đạo quả chăng? Hoặc trong tương lai, họ sẽ ra sao?
- Tâu, có thể có người đạt quả vị nhỏ hoặc không đắc đạo quả nào cả. Có vị không đắc đạo quả nào nhưng được phước báu trời, người. Có vị chỉ như là gieo duyên cho vô lượng kiếp về sau. Cũng có nhiều vị như muỗng canh ở trong nồi canh, chẳng nếm được hương vị của giáo pháp, cho dẫu nhiều đời họ khoác phẩm mạo sa môn. Có nhiều vị sau khi tu không được gì, họ hoàn tục; như ngựa quen đường cũ, tật nào tánh nấy, sống đâu cũng hư dối, gian ác, tham lam, lọc lừa... Như thế là trong giáo hội còn có rất nhiều người hư, xấu, chứ không phải ai cũng tốt đẹp cả đâu.
- Những kẻ như thế mà sao Đức Tôn Sư vẫn để họ tồn tại trong giáo hội? Đức Phật không sợ người ta chê bai, phỉ báng giáo hội, rằng giáo hội ấy quả là rất xấu xa nên có người xuất gia cũng rất xấu xa! Tại sao Đức Thế Tôn không ngại họ làm nhơ uế giáo hội?
- Những vị tỳ kheo xấu xa, nhơ uế ấy có liên quan gì đến sự thanh tịnh của giáo hội đâu!
- Tại sao không liên quan? Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Con sâu làm rầu nồi canh. Lý nó vậy làm sao đại đức biện hộ được?
- Đại vương nghĩ thế nào, ví như có một chiếc hồ trong vắt, mát mẻ, có người con trai mình đầy bụi đất muốn đến đấy tắm cho sạch sẽ, nhưng y vừa lội xuống đã vội bước lên. Thế là bụi đất ở trên người y vẫn còn nguyên. Có người thấy vậy, không chê chàng thanh niên mà lại chê cái hồ nước: "A! Cái hồ nước ấy quả là bất tịnh, nó dính đầy dơ uế, bụi đất". Lời chê trách ấy có đúng chăng, đại vương?
- Ai lại chê cái hồ bao giờ! Có chê là chê chàng thanh niên làm biếng, không chịu kỳ cọ tắm rửa thân thể cho sạch sẽ.
- Cũng thế, ai lại chê trách giáo hội bao giờ, đại vương! Có chê là chê vị tỳ kheo không chịu rửa ráy tâm mình bằng giới luật cho sạch sẽ, không chịu thiền định để cho tâm được tĩnh lặng, bình hòa, an ổn. Lỗi ở ai thì đại vương biết rồi!
- Vâng!
- Giáo hội của Đức Bổn sư vốn không có dơ bợn, bao giờ cũng quý báu, cao thượng, trong sạch. Tuy nhiên, cũng rất là thường tình khi trong giáo hội ấy có những phàm phu tục tử vào tu không phải với mục đích cao thượng, chỉ nhắm đến những mục đích hạ liệt như: kiếm miếng cơm manh áo, tích lũy tứ sự cúng dường, được thân cận bậc quyền quý, cao sang, tìm chỗ nhàn hạ, thảnh thơi, tham vọng lãnh đạo tăng chúng v.v... Với hạng người ấy, đa phần là những kẻ lười biếng tu tập; chỉ có ăn và ngủ, nhìn ngắm nữ giới, chọc ghẹo nữ giới; chẳng theo pháp học, pháp hành; không chịu thọ đầu đà, không thọ trì giới luật dù lớn dù nhỏ; tà mạng lang thang nhà thí chủ này, thí chủ kia để xin vật này, vật nọ. Khi tích lũy, tom góp được của cải, tài sản rồi; những kẻ ấy mang về cho gia đình, quyến thuộc, vợ con; hoặc nếu chưa có vợ con thì đem cho những người nữ, quyến rũ những người nữ để lợi dụng dâm dục, làm việc bất tịnh, xấu xa. Chúng ẩn mình trong chiếc y cà sa, lợi dụng tín tâm của nhiều người để thỏa mãn tham vọng, mưu đồ, để thỏa mãn tham muốn thấp hèn. Chúng ở đâu cũng phóng túng, bừa bãi, ăn nói lố lăng, đi đứng vung vãi; không hề biết hổ thẹn với đám đông, với mọi người v.v...
Tuy nhiên, tâu đại vương! hiện tượng ấy cũng tự nhiên như vàng ngọc thì ít nhưng đá sỏi đất cát thì nhiều. Đá sỏi đất cát nhiều, vàng ngọc càng quý hiếm như thế nào, thì các bậc xa rời trần cấu càng trở nên quý báu, cao thượng chừng ấy! Không thể chê trách hồ nước, chỉ nên chê trách chàng thanh niên ở trong hồ nước sạch mà không chịu tắm rửa. Giáo hội và những người xuất gia phàm phu tục tử cũng y như thế. Đức Phật là bậc Toàn Giác, thấy rõ thế gian, thông suốt thế gian, ngài biết rằng: những kẻ xấu xa bất tịnh ấy, vài ba kiếp về sau, ngàn kiếp về sau, hoặc lâu xa hằng vạn kiếp quả địa cầu, chúng cũng sẽ được cứu độ, tâu đại vương!
- Thật là kinh khiếp! Trẫm hiểu rồi, nhưng còn muốn nghe ví dụ.
- Vâng, ví như có một bệnh nhân ở gần nhà một vị lương y đại tài. Vị lương y ấy sau khi xem bệnh, chẩn bệnh, kê cho một toa thuốc, bốc thuốc rồi dặn bệnh nhân ấy rằng: "Thuốc này chữa được bệnh của anh, nếu uống mười thang như thế. Vậy hãy lấy siêu đổ vào ba chén nước, sắc còn tám phân, lần thứ hai, đổ vào hai chén rưỡi nước, sắc còn sáu phân, trộn chung lại, chia làm hai lần mà uống. Khi uống thuốc xong, phải kiêng cử không nên ăn vật này, vật nọ." Bệnh nhân nghe nhưng không sắc, không uống. Cũng có thể có sắc, có uống nhưng không đúng liều lượng như vị lương y đã chỉ bày. Cũng có thể có sắc, có uống đúng liều lượng nhưng không chịu kiêng cử. Thế là bệnh nhân không lành. Trường hợp ấy thì nên trách thầy thuốc hay trách bệnh nhân?
- Trách ai thì trẫm hiểu rồi.
- Bệnh nhân kia không uống thuốc, hoặc có uống nhưng không đúng liều lượng, có uống nhưng không biết kiêng cử; tương tự như các hàng xuất gia phàm phu tục tử trong giáo hội của Đức Bổn Sư đấy, tâu đại vương!
- Vâng!
- Ví như có người nghèo đói nọ không có cơm cháo ăn, một người giàu có, nhiều thiện tâm, thấy vậy nói rằng: "Vậy mỗi ngày hãy đến nhà tôi ở đầu phố, mang theo đồ đựng vật thực, cơm cháo tôi để dành sẵn nơi cái bàn ở mái hiên, mang về ăn để chiến thắng cái đói." Nhưng người nghèo đói kia làm biếng, ngại đường xa, không chịu đi lấy cơm cháo. Chuyện ấy biết trách ai bây giờ đại vương!
- Làm biếng thì rán chịu đói, kẻ ấy dù có chết cũng chẳng ai thương. Người ta còn khen sự thiện tâm của người giàu có: "Cơm cháo để dành sẵn cho kẻ đói nghèo." Tương tự thế, kẻ xuất gia ngu si không nếm được hương vị của pháp, nuôi dưỡng tâm tính hạ liệt, nhiều bợn nhơ, cấu uế; trong lúc giáo pháp của Đức Tôn Sư luôn dành sẵn "cơm cháo thơm ngon, bổ dưỡng" cho đủ mọi căn cơ trong xã hội. Người ta không chê trách giáo hội mà còn khen giáo hội luôn mở rộng cửa kho tàng cho những ai siêng năng, đến đấy lấy "vật thực nuôi tuệ mạng" cho mình. Đúng là giáo hội có lòng từ, có tâm bi mẫn đối với chúng sanh vậy.
- Ngợi khen, tán dương không có lý nghĩa gì đối với Đức Tôn Sư, nhưng thế gian, những người có trí họ sẽ ngợi khen tán dương giáo hội là chuyện có thật!
Đức vua Mi-lan-đà ngẫm ngợi giây lát:
- À, cái gọi là "vị ngon ngọt, bổ dưỡng", để "nuôi dưỡng tuệ mạng" là những gì vậy, thưa đại đức?
- Tâu, đại vương hãy nghe đây. Vật thực, đồ ăn ngon bổ thường mang đến sự tham đắm, tham luyến. Vật thực, đồ ăn ấy không chỉ là những thứ dùng để ăn nơi miệng mà còn mang nghĩa rộng hơn: đấy là tất cả "vật thực ngũ trần" mà ngũ căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân) muốn ăn!
Tham đắm, tham luyến ngũ trần thường dẫn đến hành động xấu xa tội lỗi. Người xuất gia trong giáo hội thường được Đức Phật dạy về pháp môn Tứ niệm xứ - tức là bốn chỗ quán niệm: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Niệm thân bất tịnh là đề mục đầu tiên, sơ cơ nhất cho mỗi hành giả. Phải thấy rõ sự bất tịnh của thân, thường dành cho những người nhiều tham, nhiều dục, nhiều mê đắm!
- Tâu đại đức! Tại sao thân lại bất tịnh?
- Tâu, nó bất tịnh, vì cái gọi là thân ấy chỉ là tổng hợp của tóc, lông, móng, răng, da, đàm, dãi, bao tử, ruột non, ruột già, nước mắt, phẩn, ghèn v.v..., nói đủ là ba mươi hai thể trược.
Người nào chuyên niệm thân đầy những uế trược ấy, thấy rõ được uế trược ấy; sẽ nếm thưởng được những vị ngon ngọt, cao quý, những phần thưởng cao quý:
Thứ nhất là, được uống nước cam lồ của thiên cung (ý nói phước báu cảnh trời).
Thứ hai là, nếu niệm thân mà có định, khi lâm chung, khỏi rơi vào 4 đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la)
Thứ ba là, nếu niệm thân được tốt, ái dục và phiền não tương đối yên lặng (có định), hành giả phát triển tuệ quán: quán thân đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi v.v..., đấy được gọi là "nuôi dưỡng tuệ mạng", vì nó là con đường của tuệ giác, giác ngộ, giải thoát.
Tâu đại vương! Đấy là hàm nghĩa "cứu đói", "ngon ngọt bổ dưỡng" cũng như "nuôi dưỡng tuệ mạng"! Xin đại vương hãy suy gẫm.
- Thưa, rõ ràng lợi ích thứ ba ấy cao quý nhất. Từ niệm thân mà sang quán niệm có thể xuất ly cả ba cõi: dục, sắc và vô sắc; có thể chấm dứt sinh tử luân hồi, vĩnh ly phiền não và đắc quả Niết bàn! Ôi! ngon ngọt bổ dưỡng đến thế là cùng. Tuy nhiên, thưa đại đức, trẫm lại phát sanh thêm một hoài nghi.
- Xin tự nhiên cho!
- Vâng. Tại sao Đức Tôn Sư và các vị Thánh Tăng không dạy cho cư sĩ thực hành ngang chỗ ấy; chỗ thấy rõ thân bất tịnh, cấu uế; ngũ trần bất tịnh, cấu uế? Hãy cho họ đặt được bàn chân đầu tiên trên lộ trình của giáo pháp, cho họ uống được tí xíu ngon ngọt bổ dưỡng của hương vị pháp mầu rồi hãy cho họ xuất gia? Nếu được như thế thì giáo hội của Đức Tôn Sư sẽ hoàn hảo xiết bao? Hoàn hảo và hoàn toàn trong sạch, cao quý, cao thượng!
Đại đức Na tiên mỉm cười:
- Đại vương quả có lòng tốt cho giáo hội, nhưng việc "bảo vệ" ấy xem ra có gì không ổn, đại vương biết chăng?
- Xin đại đức bi mẫn chỉ dạy?
- Vì lòng thương yêu bá tánh không có chỗ tắm rửa sạch sẽ, đại vương cho làm một cái hồ lớn, nước trong mát mẻ. Sợ nước hồ dơ bẩn do quá nhiều người đến tắm, muốn bảo vệ nước hồ sạch, đại vương ra một bảng cáo thị: "Ai đến đây tắm cũng được, nhưng mọi người hãy tắm sơ sơ ở đâu đó, rửa tay, rửa chân, kỳ cọ thân thể cho bớt dơ bẩn, ít đất bụi mới cho phép xuống hồ!" Cái bảng cáo thị ấy nghe có lọt tai không, đại vương?
Đức vua Mi-lan-đà đưa tay gãi đầu:
- Ờ... ờ! Quả là không được nhỉ!
- Dạy cho người cư sĩ tại gia bớt cấu uế mới cho xuất gia, có khác gì tắm trước mới cho xuống hồ, hở đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà cười xòa:
- Thật không có ví dụ nào sít sao hơn!
- Cái mà chúng ta gọi " rửa ráy cho sạch sẽ sơ sơ, kỳ cọ tắm rửa cho bớt cấu uế, nếm tí xíu vị ngon ngọt của pháp, đặt được bàn chân đầu tiên trên lộ trình của giáo pháp" - những nhóm từ ấy nghe thì thường thường - nhưng thực ra, phải tu nhiều đời nhiều kiếp, căn cơ sâu dày mới được vậy, đại vương hiểu chăng?
- Thưa, chưa rõ.
- Đấy là cách nói khác của quả vị Thánh nhân đầu tiên: là khai mở tuệ nhãn, là đã bắt đầu đi vào dòng Thánh, là đặt được bàn chân đầu tiên trên mảnh đất bất tử - là ám chỉ quả vị Tu đà huờn, tâu đại vương!
- À, ra thế!
- Những bậc ấy, những vị ấy, dù họ có tu hay không tu, dù họ xuất gia hay tại gia; sáu, bảy kiếp lưu lạc cõi trời và người nữa thôi, họ sẽ đắc quả Bất hoàn hoặc Vô sanh A-la-hán, tâu đại vương!
- Xin ghi vào lòng!
- Nếu Đức Phật và chư vị Thánh Tăng đại Trưởng Lão, dạy cư sĩ được ngang chỗ ấy - chỗ bắt đầu đi vào dòng Thánh ấy - thì việc xuất gia còn có nghĩa lý gì với họ nữa mà nói chuyện xuất gia, phải không đại vương?
- Thưa phải!
- Đắc quả Thánh đầu tiên có nghĩa là mọi phận sự họ đã làm, và làm tốt, rồi từ từ họ sẽ giảm bớt cấu uế! Thấy được bệnh, đã uống thuốc và đã lành bớt bệnh mà còn đến nhà thầy thuốc xin chẩn bệnh là việc làm của người ngu đấy, tâu đại vương!
- Đúng thế! Có bệnh mới đi tìm thầy thuốc. Bớt bệnh thì cứ vậy mà uống, tịnh dưỡng, nghỉ ngơi, kiêng cử, thời gian sau sẽ lành thôi.
- Tương tự thế, những người đã đắc quả Tu-đà-huờn, xuất gia không có nghĩa lý gì với họ nữa, trước sau gì, ở đâu, họ cũng giác ngộ, giải thoát thôi!
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Người có bệnh mới đi tìm thầy thuốc. Cũng thế, Đức Phật sẽ không ngăn cấm người tại gia nhiều cấu uế, nhiều bệnh; cứ để cho họ xuất gia trong giáo pháp của ngài.
- Vâng, đúng thế. Ví như đại vương thấy xóm làng kia thiếu ăn, đại vương cho người nấu rất nhiều cơm, cả hàng trăm phần, rồi bố cáo rằng: "Ai đói thì cứ đến lấy cơm ăn theo ý muốn." Người muốn thì đến lấy cơm ăn, người không muốn thì họ sẽ không đến lấy ăn, giản dị vậy thôi.
- Quả vậy.
- Đức Thế Tôn từ bi tế độ chúng sanh, như đại vương bố thí cơm vậy. Sẽ có một số người đến xin xuất gia, số người khác sẽ không đến, hoàn toàn tự do, tùy ý. Trong số xuất gia ấy, có một số biết làm bổn phận của mình và làm tốt bổn phận của mình, đã đi vào dòng Thánh hay đang trên đường đi vào dòng Thánh. Số ấy thường ít. Còn số đông không biết bổn phận của mình, không làm tốt bổn phận của mình hoặc phá hoại, xem thường bổn phận của mình, tâu đại vương!
- Thưa, vậy chính số đông phàm phu tục tử, ngu si ấy làm nhơ bẩn, cấu uế giáo hội đấy, đại đức!
Đại đức Na tiên mỉm cười:
- Giáo hội không bao giờ cấu uế, bất tịnh đâu, đại vương chớ lo về điều ấy. Nó có mấy lý do. Thứ nhất, một thời gian ngắn, những kẻ ấy cũng hoàn tục, trở lại nếp sống cũ trước đây của họ. Thứ hai, những kẻ xấu xa ấy ở trong phẩm mạo tăng tướng sa môn, nếu họ không hoàn tục sớm cũng hoàn tục muộn; vì họ sẽ nóng nảy, bất an, khoác chiếc y mà như khoác cái lò lửa! Thứ ba, những kẻ đầy cấu uế họ sẽ được giáo pháp cảm hóa chút chút, họ sẽ sống tốt hơn thuở xưa!
Đại vương có biết tại sao phát sanh ba trường hợp nêu trên không?
- Thưa, không rõ!
- Tâu, vì có năm đức tính quý báu, cao thượng của bậc xuất gia, của tăng tướng sa môn. Chính nhờ năm đức tính ấy mà nó "đẩy" người xấu hoàn tục sớm, "đẩy" người xấu hoàn tục muộn hoặc cảm hóa, thấm nhuần kẻ xấu cho được tốt hơn.
- Trẫm rất muốn nghe năm đức tính cao thượng vi diệu ấy.
- Tâu, năm đức tính ấy là:
Trước tiên, bậc xuất gia là phẩm mạo sang cả, có địa vị lớn, phước báu lớn, chức năng, chức danh lớn.
Tiếp đến, bậc xuất gia có trạng thái trong sạch lớn, thanh tịnh lớn.
Thứ ba, bậc xuất gia không thân cận với người xấu ác (ác tâm, uế tâm).
Thứ tư, bậc xuất gia sẽ đắc những pháp cao siêu, cao thượng rất khó khăn, thế gian khó thấy, khó hiểu, khó biết được.
Thứ năm, bậc xuất gia luôn có Tứ thanh tịnh giới làm đất đứng, chỗ tựa vững chắc, làm sức mạnh cho mình.
- Xin đại đức hoan hỷ giảng cho từng điểm một, cho sáng rõ ý nghĩa: Giáo hội không bao giờ cấu uế, bất tịnh?
- Vâng. Chúng ta sẽ đi từ điểm thứ nhất: "Bậc xuất gia là phẩm mạo sang cả, có địa vị lớn, chức danh, chức năng lớn, phước báu lớn" là tại sao?
Bậc xuất gia ví như ngôi vua chí tôn, chỉ để dành cho những người đã có tích trữ phước báu sâu dày. Phước báu là tên gọi chung chỉ cho y báo và chánh báo. Y báo và chánh báo cũng mới chỉ là tên gọi chung để chỉ cho tất cả những phước báu thọ hưởng trên đời này, đó là: địa vị, chức tước, phẩm hàm, phú quý, tiền bạc, công danh, vợ con, gia sản, quyến thuộc, kiến thức, dung mạo, trí tuệ v.v... Trên thế gian, phước báu của vua là đệ nhất. Phước báu ấy nó phù hợp với ngôi vua ấy, đức vua ấy.
Giả dụ một người ít phước báu hoặc không có phước báu, nghĩa là một người nghèo hèn, ngu dốt, đui què mẻ sứt, vô học... mà đặt lên địa vị ngôi vua thì chuyện gì sẽ xảy ra, đại vương?
- Sẽ phát sanh rất nhiều sự nguy hại, tai hại xảy ra cho chính đức vua ấy. Có thể bị tẩn suất, bị giết, bị các quan đại thần khinh bỉ, thế gian cười chê. Cuối cùng, y không thể ngồi yên trên ngai vàng, luôn cảm thấy nóng nảy, bất an; nếu không bị ai giết thì y cũng cảm thấy xấu hổ, đau khổ, và tự động rút lui, xin trở về làm thường dân!
- Cũng tương tợ thế, kẻ ít phước báu, nghĩa là kẻ đần độn, si mê, xấu ác... mà xuất gia trong giáo pháp của Đức Tôn Sư sẽ bị Tăng lữ khinh bỉ, mọi người cười chê; cuối cùng y sẽ nóng nảy, bất an; cảm thấy đau khổ, xấu hổ... mà xin hoàn tục, trở về với cuộc đời!
Đức vua Mi-lan-đà cảm thán:
- Ôi! Chính nhờ năng lực của đức tính thứ nhất này, nó "đẩy" người xấu kia ra khỏi giáo hội! Lạ lùng thay mà cũng vi diệu thay! Xin đại đức cho nghe điều thứ hai?
- Tâu: "phẩm mạo xuất gia vốn hàm tàng sự trong sạch lớn, thanh tịnh lớn"! Tại sao lại như thế? Đại vương! Ngài nghĩ như thế nào! Ví như những giọt mưa, những hạt sương rớt trên lá sen, chúng chỉ chạy lướt qua, lăn trôi đi, rơi đi chứ không thể dính trên lá sen hoặc ngấm sâu vào lá sen được! Tại sao thế? Tại vì lá sen trơn láng, trong sạch; nó đẩy đi tất cả những thứ gì có thể bám dính vào! Giáo hội của Đức Tôn sư, phạm hạnh của bậc xuất gia bản chất cũng giống như lá sen ấy. Những kẻ lạm mạo tăng tướng, xuất gia trong giáo pháp này mà có tâm địa không tốt, lường láo, khoe khoang, gian manh, xảo trá, phá giới - sẽ tự mình chuốc lấy sầu khổ - một lúc nào đó cũng phải trượt đi, rơi đi... không tồn tại trong giáo pháp kia được, phải hoàn tục thôi. Đây là năng lực vi diệu có từ đức tính thứ hai này.
- Vậy cho trẫm nghe tiếp điều thứ ba, tức là "đức tính không thân cận bậc xấu ác", thưa đại đức?
- Tâu, vâng! Ví như biển cả trong sạch, vốn không bao giờ dung chứa vật bất tịnh, bất cứ xác chết nào lớn hoặc nhỏ, người hoặc thú; nếu trôi xuống biển lớn, một lúc nào đó sóng sẽ đánh dạt những tử thi ấy vào bờ. Biển luôn luôn dọn sạch những vật bất tịnh để giữ gìn sự thanh khiết cho mình. Cũng tương tự thế, những kẻ bất tịnh, xấu xa, ác tâm, tà tâm, hung dữ, thô bỉ, trược hạnh, lười biếng, ngu tối... sẽ không thể tồn tại lâu dài trong giáo hội của Đức Tôn Sư. Phẩm mạo xuất gia và giáo hội ấy không thể làm bạn, gần gủi kẻ xấu ác được. Biển đẩy, sóng xô lên bờ các vật bất tịnh như thế nào thì bản chất thanh khiết của phẩm mạo xuất gia cũng đẩy, cũng xô chúng đi như thế. Đấy là ý nghĩa thứ ba, tâu đại vương!
- Trẫm đã hiểu, xin cho nghe tiếp điều thứ tư.
- Tâu, vâng! Ví như một người căn cơ chậm lụt, ngu đần, chẳng học được văn chương, hay võ nghệ, chỉ đeo đuổi cái nghề bắn cung mà thôi. Nhưng nghề bắn cung cũng không dễ gì. Người thầy chỉ dạy cho kiến thức cơ bản: tay cầm, mắt nhắm, chỗ đứng, hướng gió v.v..., nhưng y cũng không thể nào bắn trúng mục tiêu. Chán nản quá, y bỏ đi, không học nữa, trở thành kẻ vô công rồi nghề, ăn bám xã hội. Loại người này do thiếu phước, do nhiều kiếp tạo nghiệp ác, nên kiếp này si mê, đần độn, ngu xuẩn, ăn nói bập bẹ, phều phào, nước dãi chảy đầy mồm miệng, hay quên, hay lẫn... chẳng làm được bất cứ một việc gì trên đời này. Những kẻ ấy không thể học được nghề bắn cung thì làm thế nào có khả năng, trí tuệ để học hỏi giáo pháp Tứ diệu đế nhiệm mầu, cao siêu - đòi hỏi tinh tấn, kiên trì, chú tâm, tỉnh giác - là những đức tính mà không bao giờ y có thể có được. Người học bắn cung chán nản bỏ đi như thế nào, thì người ngu si kia cũng sẽ hoàn tục, bỏ đi như thế!
- Rõ ràng lắm! Đại đức hoan hỷ cho nghe thêm điều thứ năm: "Bậc xuất gia có Tứ thanh tịnh giới làm nền tảng, làm đất đứng, là sức mạnh của mình."?
- Ví như một đám quân rời rạc, yếu ớt, không có dũng cảm... bước vào chiến trận, nhìn xung quanh thấy quân địch bao vây hàng hàng lớp lớp, gươm giáo sáng lòa, đồng loạt xông tới. Sợ hãi quân địch, đám quân ấy run rẩy, khiếp sợ, bèn vội quăng giáo, đua nhau chạy trốn. Cũng vậy, những kẻ xuất gia trong giáo hội này có tâm địa tráo trở, làm việc xấu xa, tà hạnh, bất chánh... sẽ có tâm sợ hãi, khiếp nhược... khi sống giữa hội chúng thanh tịnh. Năng lực thanh tịnh của phẩm mạo xuất gia toát ra một sức mạnh, một hùng lực... bao vây lớp lớp xung quanh, làm cho kẻ xấu ác run rẫy, sợ hãi, quăng y, quăng bát, trở về hoàn tục cũng giống như thế.
- Thật là hay lắm vậy. Tất cả những kẻ xuất gia xấu xa ấy, rốt lại, bị đẩy ra ngoài hết, bản chất của giáo hội thanh tịnh thì vẫn là thanh tịnh.
- Đúng thế! Ví như hoa sen là cao quý, hương thơm ngát so với trăm hoa, sắc màu tinh khiết, nhã đạm. Ai cũng ưa và ai cũng thích. Đại vương bảo thuộc hạ trồng một hồ sen để thưởng thức. Hôm kia rảnh rỗi, bệ hạ ra hồ sen ngắm cảnh cho thư thái tâm hồn. Sắc hoa sen đẹp và hương thơm ngạt ngào. Nhưng ngắm kỹ, có khá nhiều hoa bị sâu đục, cắn đài hoặc khóet nhụy, bệ hạ tức giận lắm. Sau bình tĩnh nghĩ lại, biết bắt tội ai bây giờ? Bắt tội người trồng, không thể, bắt tội sâu, không thể. Bắt tội những cây sen bị sâu khóet đục, cũng không thể. Giữa đất trời này có gì là hoàn hảo? Vả, hồ sen vẫn khoe sắc và tỏa hương! Dẫu có những đóa bất toàn nhưng không vì vậy mà hồ sen thiếu sắc, thiếu hương!
Giáo hội của Đức Tôn Sư, phẩm hạnh của bậc xuất gia dẫu không được như ý muốn của đại vương; dẫu có những kẻ bị sâu đục khóet, nhưng giới đức, định đức, tuệ đức, giải thoát đức vẫn khoe sắc và tỏa hương ngào ngạt. Những sa môn đệ nhất quả, đệ nhị quả, đệ tam quả, đệ tứ quả, biện tài, thần thông, tuệ phân tích, thuyết pháp, đầu đà, mật hạnh, thiền định... vẫn tỏa sáng như những ngôi sao giữa bầu trời trong vắt, đại vương có thấy thế chăng?
- Quả đúng vậy.
- Lại nữa, ví như có người trồng lúa Sàlilohitaka [*], nó có đặc tính: hễ nơi nào có lúa Sàlilohitaka, thì nơi ấy, lúa Sàlikarumabaka cũng mọc lên chen dày không có chỗ hở. Nhưng lúa Sàlikarumabaka không thể làm hư hại lúa Sàlilohitaka, vì nó mọc lên ở đâu thì nó bị diệt mất, tiêu hoại ở đấy. Cũng thế, những người vào tu trong giáo hội, không được hưởng chút hương vị nào của giáo pháp, hoàn tục trở lại cuộc đời. Như thế, chúng cũng "mọc" lên như lúa Sàlikarum-abaka, chúng cũng tự tiêu hoại như lúa Sàlikarumabaka, không hai, không khác.
[*] Tên một loại lúa, thơm ngon và quý nhất.
- Ví dụ hay lắm.
- Lại nữa, ví như ngọc ma ni làm cho thành tựu mọi điều mơ ước con người, gọi là ngọc như ý. Không tỳ vết, gọi là ngọc như ý, có tỳ vết chút ít, cũng gọi là ngọc như ý, cũng thành tựu mơ ước cho mọi người giống nhau. Những người xấu xa xuất gia trong giáo hội, làm cho giáo hội thanh tịnh có tỳ vết. Có tỳ vết, hay không có tỳ vết thì giáo hội vẫn thanh tịnh, vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt, vẫn thành tựu mơ ước cho mọi người, vẫn lợi ích cho chư thiên và nhân loại.
- Đúng thế!
- Lại nữa, ví như chiên đàn đỏ. Chiên đàn đỏ toàn hảo, không bị sâu ăn, không bị hư mục..., nó tỏa hương thơm ngào ngạt. Nhưng chiên đàn đỏ khiếm khuyết, hư lủng, bị sâu ăn... vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt. Dẫu những tỳ khưu xấu tồn tại trong giáo hội hoặc hoàn tục về nhà, giáo hội ấy vẫn là chiên đàn đỏ; những phẩm mạo xuất gia trong phạm hạnh ấy, toàn thể ấy, hương thơm ấy vẫn xông ngát đến bốn cõi Tứ đại thiên vương!
Đấy là tất cả mọi kiến giải ngu hèn và vụng về của bần tăng, mong đại vương chỉ giáo thêm cho.
- Không dám. Ai mà làm thế thì cái đầu của hắn sẽ bị vỡ thành bảy mảnh.
- Mô Phật!
* * *
149. Thân thọ khổ, tâm có thọ khổ chăng?
- Thưa đại đức! Khi thọ khổ phát sanh, bậc A-la-hán chỉ thọ có một khổ thọ ấy, còn phàm phu thì thọ luôn cả hai thọ khổ, có phải vậy chăng?
- Xin đại vương nói rõ hơn một tí nữa.
- Thưa, có nghĩa rằng, bậc A-la-hán chỉ thọ có một khổ thọ ở nơi thân, còn phàm phu thì thọ khổ cả thân lẫn tâm?
- Đúng thế.
- Vậy khi thân A-la-hán đau, tâm vị ấy không đau sao?
- Tâu, vâng!
- Có nghĩa là thân và tâm vị A-la-hán không liên hệ gì với nhau cả!
- Không phải thế, nó tương quan liên hệ với nhau.
Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:
- Đại đức không cảm nghe là kiến giải ấy mâu thuẫn nhau ư? Thân và tâm liên quan, nhưng khi thân thọ khổ mà tâm không thọ khổ? Lý lẽ ấy chẳng thuyết phục chút nào?
Đại đức Na tiên cũng mỉm cười:
- Vì đại vương chưa chứng nghiệm điều ấy nên đại vương hoài nghi. Vì đại vương chưa làm chủ được tâm mình nên không thấy rõ tâm của các vị A-la-hán. Các bậc ấy làm chủ được tâm nên khổ thọ của thân không chi phối tâm của các ngài được. Đơn giản chỉ có vậy.
- Điều ấy nghe thì có vẻ đúng, nhưng suy nghiệm kỹ cũng không hợp lý. Tại sao? Đáng ra, khi các ngài làm chủ tâm, thì các ngài làm chủ được cả thân mình chứ?
- Thân không làm chủ được, tâu đại vương!
- Tại sao?
- Khi thân đau, đại vương có thể bảo "thân đừng đau" được không?
- Không thể.
- Khi cái thân bị già, yếu, tâm có thể bảo rằng: "Thân! mày đừng già, yếu" được chăng?
- Thưa, thật không thể.
- Không những chỉ có già, đau, chết... mà còn nóng, lạnh, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, buồn ngủ v.v... hằng đi theo thân, chi phối thân khắp ba cõi sáu đường - mà tâm chẳng làm gì được, chẳng sai bảo, nhắc nhủ gì được. Nghĩa là tâm không thể làm chủ thân được.
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Trẫm tạm thời chấp nhận như vậy, nhưng tại sao trong giới luật của Tăng-già thường hay nhắc nhở: thu thúc thân?
- Thân không làm chủ được nhưng thu thúc được. Thu thúc nghĩa là rút lại, bó buộc lại... đừng cho thân manh động mà tạo nên những thân ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp v.v... Mong đại vương hiểu cho: "làm chủ" và "thu thúc" là hoàn toàn khác biệt nhau.
- Vâng! Quả là không làm chủ được, chỉ ngăn cấm được chút ít, thế đại đức có thể nêu ví dụ cụ thể được chăng?
- Được chứ! Tâm nương nhờ thân để ăn nói, nằm ngồi, đi đứng, như con người nương nhờ quả đất mà làm nhà cửa, đường sá, làm ruộng, làm rẫy; xây dựng quốc gia nhỏ, quốc gia lớn v.v... Tuy nhiên, tâm chỉ có thể sai khiến thân, bó buộc thân, thu thúc thân trong chừng mực có thể - vì thân do kết hợp của tứ đại, còn chịu sự ràng buộc của tứ đại, ảnh hưởng tụ tan của tứ đại, sự quân bình của tứ đại v.v... ; nên nó chịu sự chi phối bởi các định luật tự nhiên của nhiên giới. Cũng thế, con người nương nhờ nơi quả đất mà sinh sống, nhưng con người chỉ có khả năng rất chừng mực là có thể cải tạo đất đai, khơi dòng sông dẫn nước, làm đê, làm hồ, đường sá, lấp eo biển v.v... chứ không thể làm chủ hoàn toàn quả đất, bắt quả đất phục vụ cho tất cả ý muốn của con người! Vì sao vậy? Vì quả đất cũng là tứ đại, nó phải bị chi phối bởi các định luật tự nhiên của trời đất, tâu đại vương!
- Thật là hay lắm vậy! Đấy là thường nhân, là phàm phu; còn các bậc A-la-hán cũng không làm chủ được thân ư? Phải có chứ? Ví như khi thân đau, thân nóng, thân lạnh; tâm các vị ấy làm chủ cái đau, cái nóng, cái lạnh?
- Nhưng như vậy không có nghĩa là tâm làm chủ thân. Chữ "làm chủ thân" không áp dụng ở đây được. Phải nói là do tâm quý ngài đã được huấn luyện, đã được buộc chặt nên sự đau, sự nóng, sự lạnh... không ảnh hưởng đến tâm của các ngài được.
- Còn phàm phu vì tâm chưa được huấn luyện nên khi thân đau, bị chi phối bởi cái đau ấy, tâm đau một cách tức khắc?
- Vâng. Ví như một con bò bị chủ buộc bằng giây thừng, ngăn không cho vật thực là nước và cỏ. Bò kia thấy nước và cỏ, bị chi phối bởi đói và thèm muốn nên bò vùng vẫy, kêu rống... Và thế là bò càng bị giây siết chặt, càng đau khổ hơn. Đấy là hình ảnh của chúng sanh trên thế gian này. Bò là chúng sanh. Cỏ và nước là ngũ trần. Chúng sanh cũng do tìm kiếm ngũ trần, thỏa mãn ngũ trần mà thọ các khổ. Cũng kêu rống, cũng vùng vẫy, nhưng càng vùng vẫy, kêu rống, càng thọ thổ nhiều hơn. Chúng sanh, tất cả phàm phu, khi tâm chưa được huấn luyện, đều y như thế: dẫu vùng vẫy kiệt sức cũng không thoát khỏi khổ.
Ngựa Àjànaya, tức là ngựa thuộc dòng giống tốt, đã được huấn luyện thuần thục rồi sẽ không vùng vẫy, kêu rống... như chú bò ở trên kia; nó sẽ ở yên, nằm yên dẫu bị buộc chặt, dẫu chủ chưa cho cỏ và nước.
Tương tự như thế, tâm các vị A-la-hán đã được huấn luyện thuần thục rồi, nên các sự thọ khổ ở nơi thân, dẫu thân bị nóng, lạnh, đói, khát v.v... tâm các ngài cũng không lay động. Vì các ngài đã tự buộc tâm vào một cái thạch trụ kiên cố, vững chắc - ấy là Định, nhờ vậy, thân dù thọ khổ, tâm các ngài không thọ khổ, tâu đại vương!
- Trẫm mới hiểu được sơ sơ.
- Vậy để hôm khác, chúng ta tiếp tục.
- Thưa, vâng.
* * *
150. Giải thêm về "tâm không động"
- Xin đại đức giảng thêm ở chỗ "tâm không động"? Thân động mà tâm không động quả là phi thường! Thế ngài có ví dụ nào cụ thể, dễ hiểu chăng?
- Có chứ! Ví như có một đại cổ thụ, gốc to lớn đến mười người ôm không xuể, tàng lá cành nhánh của nó sum suê, che phủ cả một vùng. Những cơn gió từ hướng đông, tây, nam, bắc thổi đến; cành nhánh lá lay động, có thể cành nhánh gãy, lá rụng, nhưng gốc đại thụ vẫn an nhiên không nhúc nhích. Điều ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ cành nhánh lá lay động nhưng không thể lay động gốc, nếu rễ ken dày, sâu ở trong đất, kiên cố, vững chắc như một thạch trụ! Thân ví cho cành nhánh lá mà tâm có Định ví như gốc cây kia vậy, tâu đại vương!
- Gió dù lớn cũng không lay động, nhưng giả dụ bão lớn thì sao? Có những trận bão lớn không những lay động gốc mà còn bật tung cả gốc rễ? Ví dụ của đại đức không tương hợp, không áp dụng được ở đây rồi!
- Vẫn áp dụng được, vẫn tương hợp được, tâu đại vương! Cái tâm bị bật gốc ví cho những người mà tâm định chưa kiên cố, chưa vững chắc. Cái tâm ấy nếu bị những cơn bão, tức là những đối tượng ngũ trần lôi cuốn, quyến rũ cường liệt, thì nó cũng không thể chịu đựng nổi, bị rung động, rung chuyển hoặc bật gốc ngay! Đấy là cái tâm định từ sơ thiền đến bát thiền, rất kiên cố, nhưng vẫn có thể bị bão lay động. Chỉ có định của bậc A-la-hán mới tự tại, an nhiên và bất động đúng nghĩa. Thân vị ấy có thể bị các cảm thọ đau đớn chi phối, nhưng tâm vị ấy luôn rỗng rang, trạm nhiên, giải thoát.
- Cảm ơn đại đức đã mở mắt lớn cho trẫm.
* * *
151. Người đã phạm "bất cộng trụ", xin tu lại, có đắc được đạo quả không?
[*] Bất cộng trụ: Hành dâm, trộm cắp, giết người, khoe pháp bậc cao nhân. Là giới luật tỳ kheo.
- Thưa đại đức! Người đã phạm "Bất cộng trụ", xin tu lại, nhưng y không biết gì về tội bất cộng trụ, không hay mình phạm tội bất cộng trụ, không có ai nhắc nhở, chỉ bảo đấy là bất cộng trụ. Và chính người xin tu lại ấy không nghĩ rằng mình phạm bất cộng trụ, cứ nghĩ mình tốt, trong sạch; vẫn tinh tấn, kiên trì để hy vọng giác ngộ đạo quả cao siêu. Nhưng người ấy có thể nào chứng đắc đạo quả cao siêu không thưa đại đức?
- Tâu đại vương! Đã phạm và đang phạm bất cộng trụ dẫu vì lý do nào, cũng không thể chứng đắc đạo quả cao siêu! Họ nỗ lực, tinh tấn mấy cũng vô ích mà thôi!
- Đại đức phải giải thích chứ?
- Tâu, vâng. Đạo quả cao siêu là pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian chỉ phát sanh đến cho những người có giới đức trong sạch, phẩm hạnh thanh khiết. Người mà đã phạm, đang phạm bất cộng trụ thì giới và phẩm hạnh đã bị hoen ố, hư hỏng, pháp xuất thế gian không thể phát sanh đến cho người ấy.
- Đồng ý là thế, nhưng thưa đại đức, vẫn có những trường hợp khác nhau chứ? Người đã phạm mà cố ý phạm, biết rằng mình đã phạm và đang phạm, biết rằng đấy là tội nặng, là giới trọng... thì tâm sẽ ăn năn, ray rứt, nóng nảy. Chính trạng thái ray rứt, ăn năn của tâm làm cho những pháp xuất thế gian cao siêu không phát sanh được, trường hợp này là đúng.
Nhưng có trường hợp khác. Đấy là người phạm mà không cố ý phạm, không biết rằng mình đã phạm, không nghi ngờ mình đã phạm, không thấy biết đó là tội nặng, là giới trọng; vẫn cứ nghĩ mình trong sạch, thanh tịnh, nên tâm họ không ray rứt, ăn năn, không nóng nảy. Những người như thế ấy thì làm sao mà không đắc đạo quả cao siêu được?
- Câu hỏi ấy hay lắm, tuy nhiên, đại vương hãy nghe đây. Có người nông phu lựa chọn giống lúa tốt, gieo trên thửa ruộng tốt thì chắc chắn đám ruộng ấy cho năng xuất cao chứ?
- Thưa vâng.
- Cũng cùng giống lúa ấy mà cho gieo trên đám ruộng xấu thì thế nào?
- Dĩ nhiên là năng xuất sẽ kém hơn.
- Giả dụ, cũng lúa ấy, lại đem gieo trên núi đá thì sao nhỉ ?
- Ai lại làm thế được? Gieo trên núi đá thì làm sao nẩy mầm được?
- Đúng thế, tâu đại vương! đám ruộng tốt ví cho giới trong sạch, thanh tịnh, là nơi sanh trưởng nảy nở của các pháp xuất thế gian, những đạo quả cao siêu. Những đám ruộng vừa ví cho người có giới chưa được hoàn toàn, nhưng có tâm tu, cũng đạt được một vài thành quả lợi ích. Còn núi đá tượng trưng cho đám ruộng không sử dụng được, do vậy, không thể nẩy mầm những pháp cao siêu ở nơi những người có giới hư hỏng, ác nghiệp nặng, phạm giới như bất cộng trụ!
Đức vua Mi-lan-đà lắc đầu:
- Nghe thì rất có lý nhưng vẫn có cái gì đó chưa được tương hợp, thích đáng, chưa được thuyết phục cho lắm. Đại đức có ví dụ nào sít sao hơn thế chăng?
- Có thể được! Ví như đại vương lấy những vật có ít hoặc nhiều trọng lượng như cục đá, khúc cây, miếng gỗ v.v... đại vương quăng lên hư không rồi xem thử chuyện gì xảy ra?
- Chẳng cần xem làm gì! Một hạt cát nhỏ cũng có trọng lượng, có sức nặng, vậy những vật kia sẽ rơi xuống đất thôi!
- Chúng không thể dính vào hư không được sao?
- Không thể, vì chẳng phải nhân chẳng phải quả.
- Vật có trọng lượng không thể dính vào hư không được vì chẳng phải nhân, chẳng phải quả ; cũng vậy, những người phạm bất cộng trụ, tội nặng dĩ nhiên là phải rơi xuống các cảnh giới đau khổ, thấp hèn. Chúng làm sao với tới, bay lên, chứng đạt được các cảnh giới cao siêu, vì nhân quả không thích hợp, không tương ứng, tâu đại vương!
- Hay lắm!
- Lại nữa! Ví như người ta nhen một đống lửa lớn trên một đám đất khô ráo, lửa sẽ cháy sáng rực rỡ phải không, đại vương?
- Đúng vậy!
- Trái lại, kẻ kia muốn có đám lửa sáng rực rỡ như thế, bèn nhen một đống lửa lớn, nhưng lại nhen ở trong nước. Thử hỏi đại vương, người kia có đạt được ý nguyện của mình chăng?
- Thưa, không thể. Đấy chẳng khác gì việc làm của người ngu, y chẳng thấy đâu nhân, đâu quả.
- Đúng vậy, những kẻ muốn có đạo quả cao siêu, trí tuệ chói sáng rực rỡ mà thân tâm bị chìm đắm trong nước bùn đen của dục ái, tham ái, ác giới; mới nhen lên đã tắt ngấm ngay, việc làm ấy quả là si mê, chẳng thấy nhân quả vậy. Nhân đã tắt, đã diệt thì quả làm sao thành?
- Thưa có thể đúng đối với trường hợp người kia biết mình làm ác, biết mình phạm bất cộng trụ, biết thân tâm mình bị chìm đắm trong nước ái dục; còn đối với trường hợp sau, họ làm ác với tâm tự nhiên, chẳng nghĩ rằng đó là giới trọng, bất cộng trụ; họ hoàn toàn chẳng nghi ngờ gì cả, không hề nghĩ đấy là hư hỏng, xấu xa, giới phạm; tâm họ trong sáng, hồn nhiên, chẳng ăn năn, ray rứt, nóng nảy gì cả. Trường hợp ấy thì sao họ không thể chứng đạt đạo quả cao siêu, nếu họ cố gắng kiên trì tu tập?
- Đại vương! Một người ăn phải thuốc độc, nhưng họ không biết đấy là thuốc độc, không nghi ngờ đấy là thuốc độc, thì người ấy có bị ngộ độc mà chết không?
- Đã là thuốc độc thì biết hay không biết cũng chết thôi!
- Một người bị rắn độc cắn nhưng y không biết đấy là rắn độc, không nghi đấy là rắn dộc, thì kết quả thế nào, tâu đại vương?
- Tất sẽ chết!
- Việc xấu ác, phạm trọng giới bất cộng trụ là những tội nặng, biết hay không biết nó cũng đã ngấm vào tâm rồi, như thuốc độc đã ngấm vào cơ thể vậy. Biết hay không biết, thuốc độc cũng mang hậu quả chết người. Cũng vậy, biết hay không biết, nhưng xấu ác, trọng giới, tội nặng - tất phải chịu trả quả đau khổ thôi. Chỗ tội báo nặng nề ấy không thể là vùng đất thanh cao, khô ráo cho các pháp xuất thế gian nảy sinh, đại vương nên hiểu cho như vậy.
- Thưa, vâng.
- Lại nữa, ví như đức Chuyển luân Thánh vương Kàlinga có con bảo tượng cao quý, nó di chuyển vô ngại giữa hư không. Hôm kia, đức Chuyển luân Thánh vương khởi ý chu du thiên hạ trên bảo tượng của mình. Con bảo tượng sau khi bay qua nhiều quốc độ, bay qua núi non, sông suối, rừng rậm, thị trấn, làng mạc; đến một con sông nhỏ, chợt khựng lại, không thể lướt qua được. Xuống ngựa, đức Chuyển luân Thánh vương quan sát, xem phương hướng, vị trí, xác định điểm dừng, thì thấy một cây đại thụ Bồ đề to lớn: chỗ ngồi thành đạo của Đức Phật! Chính cây Bồ đề này toát ra một năng lực siêu nhiên, dù bảo tượng có nhiều thần lực cũng không thể vượt qua, lướt trên đầu cây Bồ đề ấy. Thí dụ này như thế nào thì đại vương cũng nên hiểu câu hỏi của đại vương theo nghĩa ấy. Biết hay không biết cũng không thể chứng ngộ đạo pháp cao siêu do giới hạn của trọng tội, ác giới, phạm bất cộng trụ!
- Những ví dụ thiện xảo của đại đức mở mang rất nhiều cho trí óc của trẫm.
* * *
152. Cư sĩ phá giới và sa môn phá giới, hậu quả tội lỗi nặng nhẹ ra sao?
- Tu hành mà phá giới tất là tội nặng rồi, phải không đại đức?
- Hẳn vậy.
- Một người cư sĩ phá giới và một sa môn phá giới, ai tội nặng hơn ai?
Đại đức Na tiên mỉm cười:
- Đại vương thử phát biểu ý mình xem sao!
- Vâng, theo trẫm, cả hai cùng phá giới, ắt sa môn sẽ tội nặng hơn!
- Tại sao?
- Vì sa môn ăn cơm của thí chủ, sàng tọa, y áo, thuốc men đều là nợ của thập phương. Sa môn còn giữ gìn phẩm hạnh để làm gương, để dạy dỗ thiện tín, môn đồ... Chỉ chừng ấy thôi, trẫm đã xác định là sa môn phải mang tội nặng, tối thiểu là gấp đôi so với cư sĩ.
- Lời của đại vương chỉ đúng một nửa và cũng sai một nửa. Một nửa đúng là phá giới phải mang tội. Một nửa sai là do đại vương không biết rõ những phước báu của phẩm mạo sa môn.
- Xin đại đức giảng cho nghe!
- Tâu, vâng. Người cư sĩ phá giới thì mang tội, nhưng mang tội ấy chỉ hại cho mình nhưng chẳng được lợi ích cho ai. Còn sa môn phá giới, tuy có hại mình nhưng còn giúp ích cho rất nhiều người khác, đại vương có biết thế không?
Đức vua Mi-lan-đà lắc đầu:
- Phá giới mà còn lợi ích cho người khác! Quả thật trẫm nghe chưa lọt tai, phải nói là chối tai, nhức tai nữa là khác!
- Rồi đại vương sẽ thuận tai ngay khi nghe đến những đức tính của phẩm mạo sa môn, dù y đã phá giới.
- Xin cho nghe!
- Tâu đại vương! Một sa môn phá giới nhưng y còn trong phẩm mạo sa môn, y còn đức tin với Tam Bảo, y có pháp học; tiếng nói của y có giá trị trong hàng Tăng lữ... thì chúng ta không nên xem thường, vì sao, vì y được bảo trợ, nâng đỡ bởi mười đức tính sau đây:
Thứ nhất, y biết cung kính Đức Phật. Thứ hai, y biết cung kính Đức Pháp. Thứ ba, y biết cung kính Đức Tăng. Thứ tư, y biết cung kính các bậc phạm hạnh. Thứ năm, y biết dạy Pàli và chú giải.
Thứ sáu, y có học pháp, nghe pháp nhiều. Thứ bảy, dẫu đã phá giới nhưng khi đi đâu y cũng giữ gìn tư cách, phẩm hạnh; biết thu thúc thân khẩu, không để cho bất cứ ai cười chê tư cách của mình. Thứ tám, y có khả năng hướng dẫn và lãnh đạo chúng đồ. Thứ chín, hoàn cảnh nào y cũng giữ được phẩm mạo sa môn, Tăng tướng; còn là kẻ dìu dắt, hướng dẫn, nâng đỡ các hàng xuất gia hậu học. Thứ mười, dẫu phá giới nhưng y làm chỗ khuất lấp không cho ai hay biết.
Tâu đại vương, chính nhờ mười đức tính ấy mà sa môn phá giới tốt hơn cư sĩ phá giới nhiều. Sa môn phá giới hội đủ mười đức tính trên, y sẽ còn mang đến lợi lạc rất nhiều cho thiện nam tín nữ. Nói rõ hơn, sa môn phá giới cũng làm cho thành tựu quả bố thí, cúng dường của đàn na thí chủ. Tất thảy có mười trường hợp lợi ích:
Một là, do phẩm mạo tăng tướng bên ngoài trong sạch, vô tội, nên sẽ phát sanh tâm trong sạch cho thí chủ.
Hai là, đang trong phẩm mạo sa môn, đang đi trên lộ trình của pháp lành, dẫn đường cho thí chủ bước theo để họ biết bố thí, cúng dường.
Ba là, vẫn làm cho sự bố thí của thí chủ có kết quả, do thực hiện pháp nhỏ, pháp lớn của Tăng sự, thực hành mọi phận sự do sự chỉ định của Tăng.
Bốn là, vẫn còn các pháp nương nhờ do qui y Tam Bảo, là lý do làm cho việc bố thí của thí chủ được thành tựu.
Năm là, do còn thọ trì những pháp đã thọ, không ở lâu một nơi, không dính mắc trú xứ.
Sáu là, có nghiên cứu học hỏi giáo pháp nên vẫn là đám ruộng tốt cho thí chủ bố thí gieo hạt giống lành.
Bảy là, đem kết quả bố thí cho thí chủ vì giảng thuyết pháp cao thượng đến cho mọi người.
Tám là, do còn pháp là nơi nương nhờ, bảo trợ, nên sự cúng dường của thí chủ vẫn mang lại phước báu tốt lành.
Chín là, do đức tin, tri kiến thấy rõ Đức Phật là bậc tối thượng, cao thượng, quý báu nhất trong tam giới, không ai sánh bằng.
Mười là, có công đức quét dọn nơi làm lễ phát lồ nên sự cúng dường của thí chủ kết quả vẫn tốt đẹp.
Tâu đại vương! Ngài hãy quay ngược lại tri kiến của mình, thay đổi quan niệm của mình, vì sa môn phá giới vẫn cho kết quả thù thắng cho những ai bố thí, cúng dường. Đừng theo lý lẽ và sự hiểu biết chung chung của người đời. Họ không biết rõ sự thật đâu.
- Vâng, vâng!
- Nước không được tinh sạch, không uống được nhưng cũng có thể rửa sạch vật dơ, bụi đất, mồ hôi đấy, đại vương!
- Thưa, vâng.
- Nước sôi sùng sục cũng có thể rưới tắt đống lửa được đấy, đại vương!
- Thưa, vâng.
- Vật thực dù mất hương vị cũng có thể làm no những kẻ đói lòng!
- Thưa, vâng!
- Tóm lại, người nam nữ cư sĩ nào trú trong ngũ giới, bát giới; thọ trì giới rất tốt, rất kiên trì; lại có tâm trong sạch, vật bố thí chánh mạng, hợp pháp đến cho sa môn phá giới nhưng biết tin nghiệp, tin quả, thì chắc chắn sẽ thành tựu phước quả như y muốn. Sa môn phá giới vẫn làm cho dakkhinà (vật cúng dường) của thí chủ được kết quả, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà vô cùng ngưỡng mộ nên hết lời tán thán:
- Thật phi thường thay là những lời giải đáp này. Đại đức đã làm cho tỏ lộ những pháp vị sâu kín, xứng đáng để nghe và học hỏi. Trẫm hoan hỷ mà ai nghe cũng phải hoan hỷ.
Đại đức! Khi trao một món thịt, người đầu bếp bình thường chỉ làm được một món; còn người đầu bếp thiện xảo sẽ kiếm gia vị, rau cải để nấu canh, chiên, xào, hấp nướng... chế biến thành hàng chục món ăn cũng từ một món thịt ấy thôi. Cũng thế, trẫm chỉ trao một câu hỏi, mà đại đức đã chiên, xào, nấu... thêm gia vị... để cho trẫm được ăn một bữa thịnh soạn xiết bao! Trẫm cảm ơn lắm. Trẫm đã hết nghi rồi!
* * *
153. Nước có sanh mạng chăng?
- Thưa đại đức! Nước có sanh mạng chăng?
- Tâu đại vương! Nước vốn không có tâm, không có thức, không có sự sống, làm sao lại có sanh mạng được!
- Thưa, theo trẫm được hiểu, những người ngoại đạo quan niệm rằng, nước lạnh là nước sống, nước nóng là nước chết, nên họ chỉ uống nước nóng thôi. Họ chê trách các sa môn Thích tử uống nước lọc, nước lạnh là giết hại chúng sanh. Điều ấy phải nên giải thích như thế nào?
- Đấy là tà kiến, thấy sai, hiểu lầm, tâu đại vương! Nước không có sanh mạng nên chẳng phải là chúng sanh.
- Vâng, trẫm cũng biết thế, nhưng họ bảo rằng, nước có sanh mạng, là chúng sanh; vì khi đun nước, nước đau quá nên nước sôi lên, nước kêu lên, nước sủi bọt; chứng tỏ nước có tâm, có thức biết cảm giác như tất cả giống hữu tình khác.
- Chẳng phải thế đâu, đại vương! Nước bị lửa đốt, nóng thì kêu lên, đấy là chuyện nhân quả xảy ra rất tự nhiên!
- Nhưng họ bảo, vì nóng nên nước kêu lên; kêu lên, chứng tỏ nước có cảm giác, có tâm thức.
- Thế gặp những năm hạn hán, nước trong hồ, trong giếng, sông rạch đôi khi khô cạn sao nước ấy lại không kêu? Nước ở sông, giếng, ao hồ không có sanh mạng sao?
- Vì nước ấy không nóng sôi như nước nấu!
- Tâu, nóng sôi thì kêu nhiều, nóng ít thì kêu ít! Nếu có tâm thức thì ít ra nước cũng phải kêu lên chứ, vì mặt trời thêu đốt cho đến nỗi nước khô cạn mà!
- Vâng, lẽ ra phải thế!
- Tuy nhiên, nước kêu bằng nhiều giọng khác nhau cũng không phải là nước có sanh mạng! Vì sao! Nước suối kêu, nước thác đổ kêu, nước biển kêu ì ầm năm này sang năm nọ, đâu phải vì nóng sôi mà kêu! Nó lạnh, mát là khác!
- Vâng!
- Nước nấu sôi do nóng mà kêu. Nước suối, nước thác kêu là do đổ xuống chỗ thấp, va đập vào đá; nước biển kêu là do gió thổi tạo thành làn sóng. Làn sóng này đập vào làn sóng kia, sóng đập vào bờ, vào chân núi nên có tiếng kêu. Nói tóm là do tác động của sức nóng, của gió, do va đập mà kêu chứ đâu phải nước có sanh mạng, có tâm, có thức, tâu đại vương!
- Vâng!
- Lại nữa, ví như nước nóng bốc hơi lên giữa hư không kết tụ làm mây, gió thổi đưa đám mây ấy tan tác, rơi chỗ này, chỗ kia gọi là mưa. Mưa ấy rơi xuống đất, một phần ngấm trong đất sau thành nước mạch, nước giếng, một phần thành hồ, thành ao, thành sông... rồi thành biển. Chỗ nước lặng, không kêu, không nổi thành sóng là nước trong vại, trong chum, không có sức nóng đốt và không có gió. Chỗ nước sôi động, kêu là do có sức nóng, do va đập, do gió. Đơn giản chỉ có vậy. Cho nên, nước nóng hay lạnh đều không có tâm, có thức, có sanh mạng!
- Thưa vâng!
- Người ta căng da trống, đánh lên, trống kêu đâu có sanh mạng gì đâu, đại vương!
- Vâng,
- Con voi lấy vòi hút nước uống, vì vòi voi dài, rỗng nên nước kêu lên chứ đâu phải là vì có tâm thức!
- Thưa, vâng.
- Thuyền chở hàng, căng buồm vượt biển lớn, sóng vỗ vào mạn thuyền mà kêu, tâu đại vương!
- Vâng!
- Có những loài cá to lớn sống dưới biển, thường hay đùa giỡn, hút nước phun lên giữa hư không; nước qua miệng và răng chúng nên kêu lên, chứ có sanh mạng nào ở đó, tâu đại vương! Vậy lời của ngoại đạo, sự chấp kiến của ngoại đạo hoàn toàn sai lầm.
- Trẫm đã thấy rồi!
* * *
154. (Trùng với câu hỏi 141)
* * *
155. Trên thế gian này cái gì không sanh?
- Thưa đại đức! Trên thế gian này, từ những bậc thượng đẳng như Đức Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác, Phật Thinh Văn Giác... tuy được gọi là Vô sanh, nhưng quả thật những vị ấy đã có mặt giữa thế gian, đã sanh ra từ thế gian!
- Vâng, bần tăng đồng ý.
- Các đức Chuyển luân Thánh vương, vua chúa, chư thiên, loài người... đều được sanh ra như thế?
- Tâu, vâng.
- Nói rộng ra, người có của hoặc người không có của, là khổ hoặc vui, là nữ hay nam, có phước, có tội... tất thảy... đều y như thế?
- Tâu, vâng.
- Chúng sanh các loại, từ noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh... cũng vậy nữa?
- Quả vậy.
- Loài không chân, hai chân, bốn chân hoặc nhiều chân. Các loại dạ xoa, ma da, cưu bàn trà (kumbhanda), a tu la, càn thát bà, cẩn na la, rồng, đại bàng, voi, ngưa, trâu, bò, lạc đà, lừa, dê, cừu, nai, heo, sư tử, cọp beo, gấu, chó sói, chó nhà, chó rừng... hẳn cũng đều được sanh ra giống nhau.
- Dĩ nhiên rồi!
- Rồi, cả kim, ngân, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não, ngọc ma ni, hột xoàn, đồng đen, đồng đỏ, đồng trắng, đồng vàng... cho chí vải, gấm vóc, lụa là... cũng đều là vật được sanh?
- Tâu, vâng!
- Ngoài những thứ ấy, có cái gì, có vật gì... mà nó "không sanh", thưa đại đức?
- Có ba cái "không sanh", tâu đại vương!
- Xin kể nghe?
- Những vật có tâm lý, có tác ý, có sinh khí, có cảm giác, là chúng sanh hữu tình đều là cái có sanh ra. Cho chí những vật được cấu tạo, hữu cơ hoặc vô cơ; chúng sanh vô tình như thảo mộc, hoặc đất đá vô tri... vẫn được sanh ra. Tất cả chúng phải nằm trong định luật già chết hoặc biến hoại, tiêu diệt. Vậy cái "không già, không chết, không biến hoại, không đổi khác" không được sanh ra trong thế gian, tâu đại vương!
- Hay lắm! Vậy cho trẫm nghe cái "không sanh" thứ hai?
- Tâu, vâng. Theo ngôn ngữ chế định, qui ước của thế gian thì gọi người, voi, gạo, ngọc, chanh, khế v.v... nhưng theo đệ nhất nghĩa đế, thắng nghĩa pháp, siêu lý thì "không có cái gì là người, voi hay ngựa cả!" Vậy cái "không phải người, voi, ngựa v.v..." cái không thuộc ngôn ngữ chế định, cái siêu lý, cái đệ nhất đế... chúng không sanh ra, không bị sanh, không được sanh trong thế gian, tâu đại vương!
- Thật vi diệu.
- Thứ ba: Tất cả hành đều vô thường, thay đổi không bền vững! Vậy cái "trường tồn, chân thường, vững bền", chúng "không sanh" trong thế gian, chúng không thể có mặt, hiện hữu trong thế gian, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:
- Đại đức đã hé cánh cửa cho trẫm thấy những pháp siêu thế, thật cao siêu, mầu nhiệm vậy. Rất tri ân đại đức.
* * *
156. Bậc A-la-hán còn phạm giới?
- Bậc A-la- hán còn si mê không đại đức?
- Tâu, đã xa lìa hẳn si mê rồi.
- Thế các ngài còn phạm giới không?
- Có đôi khi còn giới phạm, tâu đại vương!
- Giới phạm do trường hợp nào, lý do nào?
- Tâu, các bậc A-la- hán phạm giới thường là do vô tâm, vô ý hay không biết. Tất cả có bốn trường hợp:
Thứ nhất: vô tâm, vô ý (hình thức thì có phạm nhưng nội dung, tính chất thì không, vì vị ấy không cố ý, không tác ý). Thứ hai: do không phải thời (phi thời) mà tưởng là thời. Thứ ba: ngăn vật thực rồi mà tưởng là chưa ngăn. Thứ tư: đồ dùng không phải dư mà tưởng là dư (không phải xả mà xả)
Đức vua Mi-lan-đà lắc đầu:
- Trẫm không đồng ý như thế. Bốn lý do đại đức đưa ra có thể tóm thành hai lý do: phạm giới do vô tâm, không lưu tâm, tất là không chú tâm, không chánh niệm; và tội do không biết, là si mê. Một vị A-la- hán không thể nào si mê và thiếu chú tâm, thiếu chánh niệm được!
Đại đức Na tiên mỉm cười:
- Chí lý lắm. Nhưng đại vương hãy nghe đây. Giới của Đức Thế Tôn đặt ra gồm có hai loại: những giới thuộc về thế gian, tức là những giới nằm trong định luật nhận quả, có khen chê, có tội phước. Loại giới thứ hai, Đức Thế Tôn chế định chỉ riêng cho bậc xuất gia mà thôi.
Những tội thuộc về thế gian gọi là Loka vajja.
Những tội thuộc về giới chế định gọi là Pannatti vajja.
Những tội thuộc về thế gian, ví du nhự thập ác nghiệp: cư sĩ hoặc tỳ khưu đều phải thọ trì.
Những tội thuộc về giới chế định chỉ dành cho hàng xuất gia: ví dụ ăn sái giờ, nhổ cỏ, đào đất v.v... Loại chế định này, cư sĩ không thọ trì, họ phạm không có tội, nhưng tỳ khưu phạm thì tội. Các vị A-la- hán tuyệt đối không phạm các tội thuộc về thế gian (loka vajja) ví dụ mười ác nghiệp. Nhưng các tội thuộc về chế định, đôi khi vô tâm, vô ý hoặc không biết, nên phạm phải cũng là lẽ thường thôi. Đại vương đừng nên đem chuyện thiếu chánh niệm và si mê áp dụng vào đây!
- Xin đại đức giảng rộng hoặc ví dụ cho nghe về sự vô tâm, vô ý hoặc không biết ấy.
- Tâu, vâng. Ví dụ có một vị A-la- hán trước đây là một nông phu, vị ấy chỉ biết về pháp hành, giác ngộ, giải thoát, ngoài ra, vị ấy có biết gì nữa không đại vương?
- Vị ấy biết về gieo hạt, trồng tỉa, những chuyện liên quan về cày bừa, gặt hái v.v...
- Thế thì thiên văn, địa lý, sử truyện, văn phạm, cú pháp v.v... vị ấy có biết không?
- Dĩ nhiên là không biết.
- Không biết ấy có phải là si mê không?
- Thưa, cái biết ấy thuộc về kiến thức thế gian, thuộc về trí thế gian, không gọi là si mê được!
- Đúng thế. Khi không thấy biết tham, sân của mình, hành động theo tham sân, đắm đuối trong ngũ trần mới gọi là si mê. Vậy tại sao đại vương dám khẳng định vị A-la- hán không biết, là si mê?
- Vâng, trẫm biết mình sai rồi.
- Lại nữa, ví dụ có vị A-la- hán sau khi đi khuất thực về, chánh niệm, tỉnh giác, lựa tìm một cội cây. Vị ấy chánh niệm, tỉnh giác soạn y bát ra, chánh niệm, tỉnh giác độ vật thực, chánh niệm tỉnh giác nhai, nuốt. Sau khi ăn xong, vị ấy dọn dẹp rửa ráy, cất đặt cũng hoàn toàn chánh niệm, tỉnh giác. Cũng chánh niệm tỉnh giác vị ấy đứng dậy hoàn toàn không hay biết, hoàn toàn không để ý lúc ấy đã quá ngọ. Như thế, vị ấy dùng vật thực phi thời (quá ngọ) - tức là phi thời mà tưởng là thời! Vị ấy đã phạm giới do vô tâm, vô ý không biết; nhưng tâm thái hoàn toàn sáng suốt, định tĩnh, chứ đâu có lơ là, dễ duôi, thất niệm hoặc si mê, hở đại vương!
- Trẫm biết rồi!
- Ngăn vật thực rồi, mà tưởng là chưa ngăn; y áo, vật dụng không phải là dư thừa mà xả đi, cũng do vô ý, vô tâm như trên cả, tâu đại vương!
- Vâng!
- Ngoài ra, còn rất nhiều điều vị ấy chưa biết nên thực hành sai, nói sai, phạm vào những giới cấm thuộc về chế định (Pannatti vajja) - cũng là thường thôi! Chỉ có một điều vị ấy biết chắc chắn, đó là sự giải thoát và biết những gì mình đã kinh nghiệm qua, thực hành, học hỏi hay thói quen trước đây. Vị ấy không thể biết gì ngoài trình độ và sự chứng đắc của mình. Những vị biết về một thông, hai thông, ngũ thông... cũng vậy. Những vị thuộc lòng một tạng, hai tạng, ba tạng... cũng y như thế. Sở học, chứng đắc ngang đâu thì biết ngang đó. Tất cả các vị A-la-hán đều có sự khiếm khuyết về kiến thức, về tâm, về tuệ. Chỉ có Phật Toàn Giác mới hoàn toàn mọi phương diện. Đại vương nên hiểu như vậy.
- Xin Đại đức bi mẫn tha thứ cho những hiểu lầm của trẫm.
- Không có chi!