Phần Chánh Tông (tt)

Saturday, 30 April 201612:20 PM(View: 3176)
Phần Chánh Tông (tt)
KINH THẮNG MAN
Thích Đức Niệm

PHẦN CHÁNH TÔNG
(tiếp theo)

CHÁNH VĂN:

Bạch Đức Thế Tôn! Kim cang là dụ cho đệ nhất nghĩa trí. Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Thanh văn, Duyên giác đoạn vô minh trụ địa thì sơ thánh đế trí tức là đệ nhất nghĩa trí. Bạch Đức Thế Tôn! Dùng vô nhị thánh đế trí đoạn các trụ địa! Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai đúng là bậc Chánh đẳng Chánh giác, chẳng phải là cảnh giới của tất cả Thanh văn, Duyên giác, bất tư nghì không trí, đoạn nhất thiết phiền não tạng. Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả phiền não tạng hoại diệt đắc cứu cánh trí thì gọi là đệ nhất nghĩa trí. Sơ thánh đế trí chẳng phải là cứu cánh trí mà còn hướng lên A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề trí.

LỜI GIẢI:

Xuất thế gian thượng thượng trí tức là đệ nhất nghĩa trí. Kim cang dụ cho định, còn dụ cho trí đức là đệ nhất nghĩa trí. Kim cang dụ cho trí huệ hay phá tất cả phiền não, đoạn sạch tất cả vô minh. Kim cang vốn là dụ chung tam thừa. Như một niệm khởi lên trước khi chứng A la hán thì gọi đó là Kim cang dụ định hay còn gọi là Kim cang dụ trí, tức đoạn phiền não chứng quả vô học. Nhưng nếu căn cứ vào ý nghĩa thâm sâu Kim cang dụ cho trí phá hết tất cả phiền não mà nói thì, Thanh văn Duyên giác không xứng hợp với Kim cang trí. Kim cang dụ trí với ý nghĩa tâm sau cùng (hậu tâm đắc) của đẳng giác. Hậu tâm đắc đoạn sạch tất cả phiền não, dẫn khởi Phật trí.

Vì vậy nói: “Thanh văn, Duyên giác đoạn vô minh trụ địa sơ thánh nghĩa trí là đệ nhất nghĩa trí”. Nghĩa là nói sơ thánh đế trí của Thanh văn, Duyên giác chỉ đoạn tứ trụ địa phiền não mà không thể đoạn sạch vô minh trụ địa. Vì vậy không thể gọi Nhị thừa trí là Kim cang dụ trí. Thanh văn, Duyên giác sở dĩ không thể xứng hợp với đệ nhất nghĩa trí theo đúng nghĩa Đại thừa. Bởi vì không có đệ nhị thánh đế trí hay còn gọi là đệ nhất nghĩa trí, là chỉ Như Lai ứng đẳng chánh giác đã thành tựu viên mãn, chẳng phải là cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác đạt đến.

Như Lai viên thành bất tư nghì không trí, tức là Phật trí bất khả tư nghì. Trí này không phải phàm phu, nhị thừa, thập địa cho đến tối hậu thân Bồ Tát có thể nghĩ bàn được. Không trí tức là Bát Nhã thông đạt nhứt thiết pháp tánh không. Chỉ có Phật mới hay cứu cánh thông đạt. Không trí cùng với ý nghĩa Kinh Bát Nhã tương đồng, nhưng khi giải thích thì ít nhiều có chỗ bất đồng. Nhị thừa chẳng đạt pháp tánh không. Điều này chẳng đồng với giáo pháp của Bát Nhã nói tam thừa cùng chứng pháp không. Các nhà Duy Thức Học cũng nói hành giả Nhị thừa chưa đoạn sở tri chướng, vì vậy không thể không đạt  nhất thiết viên thành thật tánh pháp không. Kinh này nói cùng với tư tưởng Duy Tâm Luận tương đồng. Bất tư nghì không trí của Phật đoạn tất cả phiền não tàng. Tàng có nghĩa tích lũy chứa nhóm, cũng như kho chứa. Tàng còn có nghĩa là ẩn tàng. Vô minh trụ địa chứa nhóm rất nhiều, sanh khởi tất cả phiền não thô tế, nên gọi là nhất thiết phiền não tàng. Nếu cứu cánh trí tiêu hoại cả phiền não tàng thì gọi đó là đệ nhất nghĩa trí, tức là Phật trí. Thanh văn, Duyên giác không có loại trí này, nên không thể tiêu hoại được nhất thiết phiền não tàng.


Trên đây là thuyết minh về thượng thượng trí xuất thế gian để nói lên ý nghĩa đốn tiệm hữu dư vô dư Niết bàn. Thanh văn, Duyên giác trí tiệm đắc chứ chẳng phải là trí đốn đắc, phần đoạn chứ không phải là cứu cánh, nên nói là “sơ thánh đế trí, thì không phải là cứu cánh trí”, vì vậy chỉ có thể nói sơ thánh đế trí là “hướng A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề trí”. Đây chẳng qua thuyết minh quá trình của sự lập nhơn trí hướng thượng Bồ đề, chứ không phải là luận giải quả trí cứu cánh. Kinh Bát Nhã cũng nói: “Do một niệm tương ưng diệu huệ đoạn nhứt thiết phiền não tập khí mà thành Phật”, tức là căn cứ vào nhơn cứu cánh mà nói.


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Nghĩa của danh từ Thánh chẳng phải chỉ cho tất cả Thanh văn Duyên giác. Thanh văn Duyên giác thành tựu hữu lượng công đức. Thanh văn Duyên giác thành tựu thiểu phần công đức. Vì thế, nên gọi là thánh. Thánh đế thì chẳng phải là Thanh văn Duyên giác đế, cũng chẳng phải Thanh văn Duyên giác công đức. Bạch Đức Thế Tôn! Đế này là giác tri sơ thỉ của Như Lai khi chứng đẳng chánh giác, rồi sau đó vì thế gian vô minh tàng chứa sâu dày vi tế mà khai hiện diễn nói thế nên gọi là Thánh đế.


LỜI GIẢI:


Thuyết minh Thánh đế, trước tiên tưởng nên giải nói nghĩa của chữ Thánh. Thánh tiếng Phạn là Ãrya, có nghĩa là chơn chánh, chánh trực đạt đến công đức cứu cánh. Tức là hay chứng thấy chánh pháp, đắc chánh tánh đích thực, gọi là Thánh. Thánh còn có nghĩa là cứu cánh viên mãn. Không cứu cánh viên mãn thì không xứng hợp với thánh, không thể gọi là Thánh. Từ ý nghĩa này, nên “chẳng phải tất cả Thanh văn, Duyên giác có thể được xưng là Thánh”. Bởi vì “Thanh văn, Duyên giác thành tựu hữu lượng công đức, thiểu phần công đức, chẳng cứu cánh, chẳng viên mãn”. Kinh A Hàm v.v….cũng xưng Thanh văn, Duyên giác là Thánh. Nhưng đây chỉ là y cứ thành tựu công đức thiểu phần hữu lượng mà nói “nên gọi là vô Thánh”. Chứ không phải là Thánh. Nếu cứ vào cứu cánh viên mãn công đức mà nói thì chỉ có Phật mới xứng đáng gọi là Thánh. Có nghĩa là Thánh nhơn đã thành tựu công đức. Thánh nhơn đã tuyên nói chánh pháp công đức nên gọi là Thánh.


Như thế, luận đến nghĩa rốt ráo của thánh đế “thì chẳng phải là Thanh văn, Duyên giác đế”. Từ ý nghĩa này, dù là Thanh văn, Duyên giác chưa thành thành tựu, cũng chẳng phải là “Thanh văn, Duyên giác công đức”, thì  cũng chưa đạt toàn triệt thánh đế. Thánh đế cứu cánh như thật chỉ “Như Lai ứng đẳng chánh giác khi mới giác tri”, tức là chỉ Phật với Phật mới có thể gọi là cứu cánh. “Mới giác tri” như Kinh Niết Bàn nói: “Thế gian đều bị che lấp trong vô minh, không có trí huệ nào có thể phá được, chỉ có Như Lai mới có thể phá được, thế nên gọi là tối đại giác”. Phật viên mãn chứng giác “rồi sau mới vì thế gian bị vô minh che lấp mà hiển bày diễn nói”. Chúng sanh thế gian đều ở trong vỏ vô minh. Chúng sanh hữu tình nằm trong trứng, vỏ trứng bao kín không nhìn thấy sự vật bên ngoài. Cũng vậy, chúng sanh bị bao kín trong vỏ vô minh không trí huệ, không nhìn thấy chân lý vạn pháp, không thể chứng Vô thượng giác. Chúng sanh trong trứng, nếu không phá được vỏ trứng thì không thể trưởng thành, không thể nhìn thấy vẻ đẹp muôn hình muôn thể của vạn vật, không thể thong dong tự tại, không thấy được bao la của vũ trụ. Chúng sanh thế gian không phá được vỏ vô minh thì không thể thấy được chân tướng các pháp, không thể đạt được Pháp thân, không thể tự tại giải thoát, Đức Phật phá vỡ vỏ vô minh đắc đạt trí huệ, đắc đại tự tại, mới vì chúng sanh bị che lấp trong vỏ vô minh mà khai thị hiển bày diễn nói Thánh đế pháp. Đế lý như thật được Phật thành tựu tuyên nói “nên gọi là Thánh đế”.


Đế mang ý nghĩa như thật tánh không điên đảo, hiển bày thật tướng các pháp. Thế nên đế là tên gọi khác của pháp tánh. Phật là thể hiện cho thật tướng, pháp tánh của tất cả các pháp, thế nên Phật xuất thế hay chẳng xuất thế giống nhau. Với nghĩa này thì chứng và chẳng chứng giống nhau. Thật tướng, pháp tánh, hoặc Phật tánh, tuy tất cả chúng sanh bình đẳng, nhưng chỉ Phật mới hay viên mãn chứng giác, nên mới xưng là Thánh đế.


CHÁNH VĂN:


Thánh đế nói lên cái nghĩa sâu xa vi diệu khó hiểu. Thánh đế chẳng phải là cảnh giới có thể nghĩ lường, mà chỉ có kẻ trí mới thấu biết. Vì thế nên tất cả thế gian chẳng thể tin được. Vì sao? Bởi vì thánh đế là nói cái nghĩa bí tạng thâm sâu của Như Lai. Như Lai tạng là cảnh giới của Như Lai. Cảnh giới này chẳng phải Thanh văn, Duyên giác có thể biết được. Như Lai tạng xứ là chỗ nói lên nghĩa thánh đế. Như Lai tạng xứ thâm sâu, thế nên nói thánh đế rất thâm sâu vi diệu khó hiểu, chẳng phải là cảnh giới nghĩ lường được, chỉ bậc trí giả mới có thể biết, còn tất cả thế gian không thể tin.


LỜI GIẢI:


Dưới đây rộng nói rõ về Như Lai tạng cũng tức Phật tánh. Như Lai thuyết minh thể tánh thánh đế. Thánh đế là gì? Là thuyết minh nghĩa thâm sâu vi diệu trí hữu vi, khó có thể hiểu được. Kinh Đại thừa thường nói: “Thâm sâu rất thâm sâu, vi diệi rất vi diệu, khó thông đạt thật khó thông đạt”. Bởi vì thánh đế thì phàm phu, Nhị thừa cho đến Bồ Tát cũng chẳng thể hoàn toàn liễu đạt mà phải Diệu Phật trí mới có thể liễu đạt. Thánh đế chẳng phải là cảnh giới nghĩ lường. Nghĩ lường ở đây là khả năng tri thức truy tìm suy nghĩ của hàng phàm phu Nhị thừa Bồ Tát. Dùng hữu lậu tâm, tâm sở duyên việc thế tục phân biệt cảnh giới tức là tư lương cảnh giới. Thánh đế là vô lậu vô vi, nên không phải dùng tâm tìm cầu suy nghĩ mà có thể thấu kịp. Vì vậy, “bậc trí giả” tự giác tự chứng “sơ tri”, điều mà “tất cả thế gian không dễ gì tin”


Phật pháp thì chỉ có bậc Thánh giả chứng biết, còn người thường thì xưa nay chưa biết, nên nói không xứng hợp với Phật pháp.Tâm phân biệt không thể quảng diễn hết lý đạo. Nhưng nghe và suy nghĩ Phật pháp chẳng phải là không hữu ích. Như Phật vì cái vỏ vô minh của thế gian mà mở bày diễn nói, để cho thế gian nhận thức phá vỏ vô minh được giải thoát tự tại. Từ chỗ không thể diễn nói mà Phật vì phương tiện quyền biến diễn nói. Phật nói pháp để diễn đạt chân lý chẳng khác nào hoạ sĩ vẽ mặt trăng. Hoạ sĩ dùng có một giấy mực để vẽ núi mây cây cỏ tô điểm làm cho khán giả nhìn rõ mặt trăng, thưởng thức phong cảnh hữu tình. Mặt trăng vẽ đương nhiên không phải là mặt trăng thật. Nhưng có thể từ mặt trăng vẽ mà nhận thức mặt trăng thật. Y Phật nói pháp theo đó nghe, suy nghĩ, y pháp thực hành thì có thể chứng đắc. Chớ nên vì pháp ngữ thâm sâu vi diệu khó hiểu mà sanh khởi quan niệm sai lầm là không thể minh liễu chân lý thì không thể chứng đắc pháp tánh.


Ở trên là lược nói thánh đế khó tin khó hiểu. Nhưng thánh đế vì sao lại khó như vậy? Bởi vì thánh đế là nói bí tạng thâm sâu của Như Lai. Như Lai tạng là cảnh giới của Như Lai. Cảnh giới này không phải tất cả hàng Thanh văn Duyên giác đều thấu biết. Thánh đế vi diệu khó hiểu. Bởi lẽ do từ nơi Như Lai tạng thâm sâu nói thánh đế. Như Lai tạng thâm sâu vì là cảnh giới của Như Lai chứng tri, cảnh giới này không phải Thanh văn Duyên giác có thể chứng biết được. Vì vậy, thánh đế mang diệu nghĩa thâm sâu khó hiểu.


Thế nào là Như Lai tạng? Y Phật tánh mà luận thì khái được có ba nghĩa: 1/ Sở y chỉ tàng. 2/ Ấn phúc tàng. 3/ Năng nhiếp trì. Như nghĩa là như như, đế lý không hai không khác. Chân đế là pháp pháp như thị. Như như vốn tự nó không có lai hay bất lai, không có đến đi còn mất. Như bảo châu ngọc quý tự nó vốn sáng sạch, tức là không có gì và chỗ nào để có thể nói là lai hay bất lai. Nhưng cứ vào mài dũa trần cấu của bảo châu làm cho bảo châu sáng sạch, hiển lộ đặc tánh cụ thể của nó gọi là hai. Nhơn đây, nên trong Phật pháp thường nói Như Lai tức là thể như mà lai, như như thật không có gì lai hay chẳng lai để luận bàn. Như là Như Lai, tức là pháp tánh không tịch. Kinh Kim Cang nói: “Như Lai tức là các pháp như nghĩa”. Đứng về sở chứng mà nói thì gọi là như như. Nếu đứng về năng chứng mà nói thì gọi là như như trí. Như như và như như trí bình đẳng không hai, gọi là Như Lai.

Thế nào là tạng của Như Lai? Tạng là tàng của thai tạng. Nếu cứ vào y chỉ nghĩa mà nói thì tạng có nghĩa y chỉ. Vậy thai tạng là chỗ y chỉ. Như Lai là chỉ nhất thiết bình đẳng pháp tánh, biến khắp tất cả chỗ, hết thảy chúng sanh không lìa tánh này, không ngoài pháp tánh này. Như như pháp tánh là chỗ y chỉ của chúng sanh, tức là Như Lai tạng. Vì vậy có chỗ nói: “Tất cả chúng sanh là Như Lai tạng”. Nếu cứ vào nghĩa ẩn tàng mà nói thì pháp tánh chính là bản lai thanh tịnh, nhưng từ vô thỉ đến nay bị phiền não cấu nhiễm làm che lấp ẩn tàng không thể hiển bày. Giống như hài nhi trong bào thai. Còn trong bào thai không được tự tại, không thấy cảnh vật. Như Lai bình đẳng pháp tánh bị phiền não che lấp, nên gọi là Như Lai tạng. Nếu y cứ nghĩa nhiếp trì mà nói thì Như Lai là khế chứng như pháp tánh, nên đầy đủ thập lực, tứ vô sở úy, tam bất hộ, thập bát bất cộng pháp v.v… nên đầy đủ vô biên công đức.

Nhưng những công đức của Như Lai không phải đợi đến thành Phật mới sanh, nếu không thế thì thành ra mang tính chất vô thường. Nói cách khác, khi phát tâm cầu thành Phật thì đã trưởng dưỡng công đức, nghĩa là công đức thường hằng tăng trưởng từ khi mới phát tâm. Người phát tâm cầu thành Phật dù còn ở vào cương vị chúng sanh cũng đã có nền tảng nhiếp trì vô biên công đức tánh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ Như Lai trí huệ đức tướng, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không chứng đắc”. Lời này nói lên ý nghĩa của Như Lai tạng. Thế nên ở cương vị chúng sanh trong hằng hà sa đã xứng tánh công đức. Điểm này gần với tư tưởng Duy Thức Tông: “Chúng sanh vốn có chủng tử pháp vô lậu”. Trong pháp giới bình đẳng nhiếp trì đắc vô biên công đức tánh, nên gọi là tạng. Nghĩa Như Lai tạng là cứ nơi vị trí chúng sanh mà nói, tức là hiển thị cái nhơn chơn tịnh của tất cả chúng sanh. Như Lai tạng xứng tánh công đức ở mỗi chúng sanh vốn có đầy đủ. Đến khi thành Phật nhiếp đắc Như Lai tạng và công đức tánh cả hai giống nhau. Khi thành Phật thì công đức vô biên, lìa cấu chướng thì công đức trọn vẹn. Kinh điển Phật pháp thuyết minh chơn thường diệu hữu nhứt thừa đều lấy đây làm căn bổn.


Kinh này y từ “Như Lai tạng xứ nói thánh đế nghĩa. Như Lai tạng xứ thâm diệu, nên gọi là thánh đế”. Thánh đế cùng Như Lai tạng thâm sâu vi diệu khó hiểu, chẳng phải là cảnh giới có thể nghĩ lường, mà chỉ trí giả mới thấu hiểu, vì thế tất cả thế gian đều chẳng thể tin”.


CHÁNH VĂN:


Nếu vô lượng phiền não tạng trói buộc Như Lai tạng là điều chẳng còn nghi hoặc, thì đối với việc ra khỏi vô lượng phiền não tạng để được Pháp thân cũng không thể nghi hoặc. Nói Như Lai tạng, Như Lai pháp thân là cảnh giới
của Phật không thể nghĩ bàn, cho đến Phật phương tiện nói quyết định tâm đắc cảnh giới, thì có thể tin hiểu được cái nghĩa nhị thánh đế Phật nói. Như thế điều khó hiểu khó biết, chính để thuyết minh nghĩa nhị thánh đế.


LỜI GIẢI:


Như Lai tạng thâm sâu khó biết khó hiểu ấy là bởi căn cứ vào nhơn địa đức tánh mà nói. Dù là điều khó tin khó hiểu, nhưng lại không thể không tin không hiểu. Nếu không thể tin hiểu, thì đối với quả đức Nhất thừa của Như Lai lại càng không thể tin hiểu. Như Lai tạng tuy là nhiếp trì được công năng tịnh pháp tự tánh thanh tịnh, nhưng vì vô lượng phiền não ràng buộc mà không thể hiển hiện. Chẳng khác nào ma ni bảo châu bị bùn nhơ che lấp. Nếu người đối với việc bổn tánh thanh tịnh Như Lai tạng bị vô lượng phiền não tạng trói buộc mà sanh tâm tin, không nghi hoặc, thì người ấy đối với việc xuất ly vô lượng phiền não tạng, Pháp thân hiển bày không có gì nghi hoặc. Điều này chẳng khác nào như ma ni bảo châu được chùi rửa thì sáng sạch là điều tất nhiên không gì phải nghi hoặc. Khi nói chúng sanh bị tạp nhiễm hoặc nghiệp khổ, điều này dễ khiến cho người tín thọ hơn. Còn nói chúng sanh có Như Lai tạng, có khả năng nhiếp trì nhất thiết công đức Phật quả, thì người ta thật khó tin khó hiểu. Nhưng đối với việc ngọc chùi rửa được sáng sạch không nghi, thì đối với tâm Đức Như Lai pháp thân cũng không có gì để mà nghi. Vì ngọc Ma ni được chùi rửa thì sáng sạch. Hành giả tu rửa phiền não tức là Như Lai tạng lìa phiền não, thì Pháp thân hiển bày. Lý này quá hiển nhiên. Vậy hành giả tin có Như Lai tạng tánh thật là điều trọng yếu đối với người có tâm thành hướng về Phật quả.


Đối với Như Lai tạng, Như Lai pháp thân chỉ có Phật mới liễu đạt cảnh giới bất khả tư nghì này. Còn đối với Nhị thừa phàm phu, Phật phải đại phương tiện khéo diễn bày để chúng sanh ý thức. Nếu chúng ta đối với cảnh Phật đã chứng, điều Phật đã nói, tâm sanh tín giải quyết chẳng nghi, thì có thể tin hiểu Phật nói nghĩa nhị thánh đế. Như thế đối Như Lai tạng Pháp thân, nhị thánh đế nghĩa không ngại, không nghi với người chánh tâm chánh tín.


CHÁNH VĂN:


Hai thánh đế nghĩa thuyết minh những gì? Thuyết minh tác thánh đế nghĩa và vô tác thánh đế nghĩa.


LỜI GIẢI:


Hai thánh đế nghĩa: 1/ Tác thánh đế nghĩa. 2/ Vô tác thánh đế nghĩa. Tác thánh đế nghĩa còn gọi là hữu lượng Tứ đế. Vô tác thánh đế nghĩa còn có tên là vô lượng Tứ đế. Thiên Thai Tông y đây mà lập thành giáo tứ đế, gồm có: a/ Tạng giáo là sanh diệt tứ đế. b/ Thông giáo là vô sanh diệt tứ đế. c/ Biệt giáo là vô lượng tứ đế. d/ Viên giáo là vô tác tứ đế. Nhưng y kinh này nói thì chỉ có hai thứ tứ đế: 1/ Thanh văn Duyên giác trí cảnh thuyết, tức là tác thánh đế, hoặc gọi là hữu lượng thánh đế. 2 Như Lai trí cảnh thuyết, tức là vô tác thánh đế hoặc gọi là vô lượng thánh đế. Tác ở đây có nghĩa là công huân, gia hạnh, y cứ vào tu hành mà nói, nghĩa là tứ đế tu hành, biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo. Nhị thừa gọi là tác thánh đế. Bởi đối với sự lý tứ đế chưa cứu cánh liễu đạt, nên còn có khổ phải biết, tập phải đoạn, diệt phải chứng, đạo phải tu. Chỉ Phật đối với tứ đế đã viên mãn rốt ráo, chẳng phải còn gia tác công hạnh, nên gọi là vô tác thánh đế.


CHÁNH VĂN:


Nói tác thánh đế nghĩa tức là nói hữu lượng tứ thánh đế nghĩa. Vì sao? Bởi vì chẳng phải nhơn nó mà có thể biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo. Bởi thế, bạch Đức Như Lai! Hữu vi sanh tử, vô vi sanh tử. Niết bàn cũng thế, cũng có hữu dư và vô dư.


LỜI GIẢI:


“Tác thánh đế nghĩa thuyết”, tức là hữu lượng thánh đế nghĩa. Hữu lượng ở đây có nghĩa hữu hạn, là chỉ sở đắc một bộ phận, một phần nào chẳng hạn, như biết một phần ít khổ, tu một phần ít đạo. Tại sao nói đây là tác hữu lượng? Bởi vì không nhơn có (Tứ đế) thì từ đâu có thể biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, tu tất cả đạo. Nhị thừa thì không phải tự lực mà y nương nơi Phật. Nhờ Phật thuyết Tứ đế, y theo Tứ đế tu hành. Thuyết Thập nhị nhơn duyên, y theo Thập nhị nhơn duyên tu hành. Nhị thừa y nương Tứ đế, Thập nhị nhơn duyên, trí huệ cứu cánh cạn hẹp quyết không thể biết hết tất cả khổ, chứng tất cả diệt. Thế cho nên còn có hai trạng thái sanh tử: Hữu vi sanh tử và vô vi sanh tử. Hữu vi sanh tử là phần đoạn sanh tử. Vô vi sanh tử lả biến dịch sanh tử.


Thường thì người ta nói Nhị thừa đã chứng nhập vô vi sanh tử. Vô vi sanh tử là đạt đến cảnh giới bất sanh bất diệt. Đã nói Nhị thừa đắc vô vi mà còn có biến dịch sanh tử, điều này tợ hồ mâu thuẫn. Kỳ thật, tận cùng lý vi tế mà nói thì, Nhị thừa tuy chứng nhập vô vi, nhưng không rốt ráo. Vì vậy nên trên danh nghĩa là chứng nhập vô vi mà kỳ thật vẫn còn có trạng thái sanh tử. Như đại lực của hàng Bồ Tát đã chứng đắc pháp tánh mà còn có “pháp tánh sở sanh thân”. Tuy là khởi từ sức bi nguyện vô lậu của Bồ Tát, nhưng cũng còn thân sanh tử. Sanh tử có hai thứ như thế thì Niết bàn cũng như thế. Tức là Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Hữu dư Niết bàn là Niết bàn của hàng Nhị thừa chứng đắc. Vô dư Niết bàn là cảnh giới Phật chứng. Trong hữu lượng tứ đế nói đoạn sanh tử chứng Niết bàn, nhưng kỳ thật chẳng qua đó chỉ mới đoạn hữu vi sanh tử, chứng hữu dư Niết bàn mà thôi. Trong kinh này y luận Bảo Tánh trích dẫn, nên văn lược có sự bất đồng. Bản dịch đời Đường chỉ có câu ngắn “Niết bàn cũng như thế”. Trong lúc đó Luận Bảo Tánh tương đối nói rõ hơn: Có hữu vi Niết bàn, có vô vi Niết bàn”. Đây là chỗ sai biệt về văn cú giữa cựu dịch và tân dịch, nhưng ý nghĩa không khác nhau.


CHÁNH VĂN:


Nói vô tác thánh đế nghĩa, tức là nói vô lượng tứ thánh đế nghĩa. Vì sao? Bởi vì tự năng lực mình có thể biết tất cả thọ khổ, đoạn tất cả thọ tập, chứng tất cả diệt thọ, tu tất cả đạo diệt thọ.


LỜI GIẢI:


“Nói vô tác thánh đế nghĩa” tức là nói vô lượng thánh đế nghĩa. Vô lượng là không có hạn lượng, tức là nói cái nghĩa cứu cánh viên mãn. Hữu lượng và vô lượng ở đây không mang tính chất đối lập mà là hữu lượng hàm nhiếp vô lượng. Như Hữu lượng khổ đế là phần đoạn sanh tử khổ. Vô lượng khổ đế hàm hữu hai sanh tử khổ là phần đoạn, biến dịch. Hữu lượng tập đế chỉ cho tứ trụ phiền não. Vô lượng tập đế gồm tứ trụ địa và vô minh trụ địa. Hữu lượng diệt đế tức là Hữu dư Niết bàn. Vô lượng diệt đế gồm Hữu dư và Vô dư Niết bàn. Hữu lượng đạo đế là tịnh trí đạo thiểu phần. Vô lượng đạo đế tức là nhất thiết vô lậu đạo.


Tại sao Phật đế là vô tác vô lượng? Bởi vì Như Lai “có lực hay tự biết rõ tất cả sự thọ khổ, đoạn tất cả sự  thọ tập, chứng chân lý diệt tất cả thọ khổ, triệt để tu tất cả đạo diệt khổ”, nên xưng Phật đế là vô tác vô lượng. Vô tác có nghĩa là không còn phiền não tác dụng, không còn phải dụng công tu tập. Vô lượng ở đây mang ý nghĩa là phước đức trí huệ không ngằn mé. Tức là cứu cánh viên mãn, nên gọi là vô tác vô lượng. Tiến thêm bước nữa mà nói thì, khổ có vô lượng tướng khổ, như già khổ, có các thứ khổ của già không giống nhau. Tập, Diệt, Đạo cũng như thế. Nhị thừa không những không biết khổ biến dịch sanh tử mà cả khổ phần đoạn sanh tử cũng không biết một cách thấu đáo. Như Kinh Niết Bàn nói: “Phân biệt các khổ có vô lượng thứ, chẳng phải hàng Thanh văn Duyên giác có thể triệt để biết hết được. Như Lai đối với họ lại cũng không nói đó”.Trong bốn đế này đều nói đến thọ. Thọ, các nhà cựu dịch dùng cùng ý nghĩa, các nhà tân dịch thì dùng danh từ thủ để chỉ thọ. Thọ, các nhà cựu dịch dùng cùng ý nghĩa, các nhà tân dịch thì dùng danh từ thủ để chỉ thọ. Hữu lậu sanh tử khổ đều nhơn nơi thọ (thủ) mà sanh. Thọ, thủ và khổ không rời nhau, nên gọi là thọ khổ. Thọ là căn bản phiền não, nên gọi là thọ tập. Nếu biết lìa tất cả thủ (thọ) thì chứng Niết bàn, gọi là diệt. Tu đạo diệt thọ gọi đó là diệt đạo. Thủ là cái nhơn tất yếu của sanh tử. Xa lìa thủ là tông yếu, là điều kiện của sự chứng nhập Niết bàn. Thế nên trong kinh thường nói không nên thủ v.v….


CHÁNH VĂN:


Như thế bát thánh đế, mà Như Lai nói là tứ thánh đế.


LỜI GIẢI:


Trên đây thuyết minh nghĩa của nhị thánh đế. Trong mỗi thánh đế này lại bao hàm bốn thánh đế. Như thế tổng hợp gồm tám thánh đế, mà Như Lai thật chỉ nói có mỗi một bốn thánh đế mà thôi. Dù vậy, trên bình diện viên mãn và bộ phận mà luận thì chẳng đồng, nên phân làm hai thánh đế. Ấy là chỉ cho tác tứ đế và vô tác tứ đế.


CHÁNH VĂN:


Như thế, nghĩa của vô tác tứ thánh đế chỉ có Như Lai ứng chánh đẳng giác mới cứu cánh sự thể chứ chẳng phải là A la hán, Bích chi Phật có thể cứu cánh được. Vì sao? Bởi vì chẳng phải pháp hạ, pháp trung, pháp thượng mà được Niết bàn.


LỜI GIẢI:                                                                    


Tuy nói nhị thánh đế mà kỳ thực duy nhất một tứ thánh đế. Như thế, duy nhất “vô tác tác thánh đế nghĩa” tức là “duy chỉ Như Lai ứng chánh đẳng giác”, đối với bốn việc tri khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo đắc cứu cánh, chớ chẳng phải hàng Nhị thừa đối với bốn việc này hay đắc cứu cánh. Vì sao vậy? Bởi thánh đế là cứu cánh viên mãn, chứng ngộ Nhất thừa chỉ một không hai, mà Nhị thừa thì tiệm thứ chứng ngộ, từ hạ rồi trung đến thượng. Nhất thừa đốn ngộ không có hạ, trung, thượng, tiệm, Niết bàn, mà ngộ là đốn ngộ; đắc là đốn đắc; Niết bàn là đốn Niết bàn. Vì vậy nên không có pháp hạ, trung, thượng như Nhị thừa. Nhị thừa chẳng qua là hướng Niết bàn giới, hướng Bồ đề đạo.


CHÁNH VĂN:


Vì sao Như Lai đắc ứng đẳng giác, cứu cánh vô tác thánh đế nghĩa? Bởi vì tất cả các Đức Như Lai ứng đẳng chánh giác, biết tất cả các khổ vị lai, đoạn tất cả phiền não và thượng phiền não, nhiếp thọ nơi tập, diệt tất cả ý sanh thân, trừ tất cả khổ, tác chứng diệt.


LỜI GIẢI:


Đây là luận về sở đắc của Như Lai đối với thánh đế, nên trước có lời hỏi “vì sao Như Lai đắc ứng đẳng chánh giác đạt cứu cánh, đối với nghĩa của vô tác tứ thánh đế”. Bởi tất cả Như Lai ứng chánh đẳng giác biết rõ tất cả khổ vị lai. Chư Phật thật rõ khắp khổ trong ba đời. Nhưng điều trọng yếu là thấu suốt khổ vị lai rốt ráo không sanh. Bởi Phật đoạn tận gốc tập, là nơi chứa nhóm tất cả phiền não thô tế. Kinh đây thường nói phiền não và thượng phiền não. Phiền não là chỉ căn bản phiền não. Thượng phiền não là chỉ tuỳ phiền não. Tổng nhiếp tất cả hai phiền não này gọi là tập, không những phần đoạn thân mà còn diệt nhất thiết ý sanh thân. Trừ tất cả khổ đắc tác chứng diệt. Kinh này văn cú giản lược ý nghĩa súc tích. Nếu dịch bản đời Đường thì hai câu này luận về diệt đế và đạo đế phải là “Hay chứng nhất thiết ý sanh thân diệt khổ uẩn, và tu đạo diệt tất cả khổ”.


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phải vì các pháp hoại mà gọi là khổ diệt. Nói khổ diệt, tức là nói vô thỉ vô tác, vô khởi vô tận, ly tận thường trụ, tự tánh thanh tịnh, ly nhất thiết phiền não tạng. Bạch Thế Tôn! Quá hằng hà sa bất ly bất thoát, bất dị bất tư nghì Phật pháp thành tựu mà nói Pháp thân Như Lai.


LỜI GIẢI:


Phật đã chứng thánh đế, tức là chứng Như Lai tạng pháp thân, cũng tức là diệt đế. Khổ và tập là hữu pháp lậu sanh tử. Đạo cũng là hữu vi hữu công dụng pháp. Cả ba thứ này đều không phải là thường trụ pháp. Mục đích cứu cánh của tu học Phật pháp là chứng diệt đế. Khổ như là bịnh. Tập là nhơn của bịnh. Đạo như thuốc trị bịnh. Diệt như mạnh khoẻ không bịnh. Trị bịnh cần phải biết bịnh, biết nguyên nhân gây ra bịnh, uống thuốc trị bịnh, tất cả việc làm này nhằm mục đích là diệt thánh đế giáo. Bởi thế đó, nên kinh này nhằm khai triển lượng tứ đế mà nói vô lượng tứ đế, nhưng đặc biệt minh giải diệt thánh đế.


Danh từ “vô thỉ vô tác”. Vô thỉ vì vậy nên vô tác. Nếu có sở tác tánh thì là hữu thỉ, có thể khởi thỉ bắt đầu. Niết bàn là diệt, là phi tác pháp, cũng không có bắt đầu. Với ý nghĩa này, diệt đế không có sanh khởi, cũng không có diệt tận, là pháp vô vi bất sanh bất diệt, không giống như phiền não nghiệp khổ thánh đạo vô lậu vô khởi có diệt. Tuy nói đắc Niết bàn mà thật chẳng phải là mới khởi, chưa đắc nhưng chẳng mất. Niết bàn còn có nghĩa ly, tức là lìa nhất thiết phiền não. Kỳ thật Như Lai tạng tánh của chúng sanh cùng với phiền não xưa nay không có hợp thành một. Như Lai tạng và phiền não chẳng khác nào như nước và dầu, tuy đồng là tánh chất lỏng mà xưa nay vẫn chưa từng hợp nhất, Kinh Phật nói Vô dư Niết bàn là hàm hữu ý nghĩa đoạn, ly, diệt. Nghĩa là Niết bàn lìa sạch phiền não, là pháp thường trú, tự tánh thanh tịnh. Tất cả pháp tập nhiễm đối với tự tánh Niết bàn xưa nay không có dính líu gì nhau. Diệt như ánh sáng mặt trời. Sanh tử pháp như tăm tối. Sáng là sáng, tối là tối. Khi sức ánh sáng không đủ cho ta cái cảm giác sáng thì tương hợp hắc ám. Kỳ thực quang minh lìa hắc ám, ánh sáng thì không có bóng tối. Đây chính là cái nghĩa lìa tận phiền não, đắc diệt đế thường trú, đạt tự tánh thanh tịnh. Như cái nghĩa “lìa nhất thiết phiền não tạng” mà “vượt quá hằng hà sa số” bất ly, bất thuyết, bất dị, bất tư nghì Phật pháp thành tựu “Như Lai pháp thân”. Vô biên công đức tánh cùng với diệt đế bất phân ly, không sai khác, hôn nhiên nhứt thể. Tự tánh thanh tịnh thường trú Niết bàn như mặt trời. Nhiếp trì thập lực, tứ vô sở úy, đại từ đại bi bất tư nghì công đức như tánh quang minh. Ánh sáng cùng mặt trời không lìa nhau. Có sáng tức có mặt trời và ngược lại. Chúng sanh tuy xưa nay nhiếp trì công đức mà lìa chướng hoặc, hiển hiện nhứt thiết công đức thành tựu, tức gọi đây là Như Lai pháp thân. Pháp thân có nghĩa là đại công đức pháp tụ, tức là diệt đế, khi quả địa viên mãn, pháp thân hỉển bày, chính đó là Đại Bát Niết Bàn.


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Như thế thì Như Lai pháp thân chẳng lìa phiền não tạng, gọi là Như Lai tạng.


LỜI GIẢI:


Phật viên chứng thường trụ diệt đế, chẳng tạo tác chẳng bắt đầu. Chúng sanh cũng như vậy, tức là chúng sanh xưa nay có đầy đủ viên chứng thường trụ diệt đế. Nên nói “như thế thì Như Lai pháp thân” khi còn địa vị phàm phu bị phiền não trói buộc “chẳng lìa phiền não tạng”, nên chỉ gọi “Như Lai tạng” mà không gọi là Pháp thân. Như Lai tạng là nhơn địa của tự tánh Niết bàn. Như Lai tạng tuy chưa thành tựu bất tư nghì Phật pháp, nhưng cũng có thể nhiếp trì quá hằng hà sa số công đức. Như Lai tạng và Pháp thân bản chất giống nhau, chỉ khác biệt ở chỗ là, lia phiền não trói buộc và còn bị trói buộc. Còn phiền não trói buộc gọi là Như Lai tạng . Lìa phiền não gọi là Như Lai pháp thân. Phàm phu gọi là Như Lai tạng. Phật gọi là Như Lai Pháp thân. Cũng như mặt trời bị mây mù che lấp mờ tối và mặt trời ra khỏi mây mờ và ánh sáng chiếu soi. Nhơn gọi là Như Lai tạng, quả gọi là Pháp thân, không hai không khác. Nếu đứng về tứ đế, thì là diệt đế, là vô tác thánh đế  trong diệt đế. 


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai tạng trí là Như Lai không trí. Bạch Thế Tôn! Đối với Như Lai tạng thì tất cả A la hán, Bích chi Phật đại lực Bồ tát chẳng thể thấy, cũng chẳng thể đắc. 
                     

 
LỜI GIẢI:


Chứng trí và đế lý không cách biệt nhau. Trước nói về trí nhất như: “Như Lai tạng trí tức là Như Lai không trí”. Như Lai tạng là đứng về nhất thiết pháp tánh không của chúng sanh mà nói. Trong như như pháp tánh hàm nhiếp vô biên công đức tánh. Trong vô biên công đức tánh chủ yếu là Bát nhã. Bát nhã trí tánh cùng Như Lai không hai. Chúng sanh tuy vốn có đầy đủ tánh này, nhưng chưa từng hiển phát đại dụng, phải đợi đến khi nào tu đạo thành tựu viên mãn phát hiện, tức là đắc Như Lai không trí. Nhơn địa của Như Lai tạng trí cùng với quả chứng của Như Lai không trí tương đồng không hai. Nói đến Như Lai không trí, người ta cho rằng Như Lai trí, không chỉ không những biết không mà cũng là biết chẳng không. Lại nữa có không trí cũng có bất không trí. Nhưng theo kinh này thì Như Lai trí tức là Không tánh trí. Như Lai trí rốt ráo chứng nhập bình đẳng pháp tánh không, cũng đạt rốt ráo liễu tri vô biên pháp tướng. Dù thông đạt các thứ pháp tướng trí cũng không rời không trí, tức là từ không trí khởi dụng phương tiện. Do đó ly tướng, vô sở đắc, vô lậu xuất thế gian cũng giống như vậy. Nên Như Lai trí đồng tên gọi là không trí. Lý này chẳng khác nào thấy bóng hình trong gương, gương sáng bóng hiện rõ không thiếu vật gì. Thấy gương sáng cùng với thấy ảnh tượng trong gương có thể nói là hai mà thật ra là không lìa tánh sáng của gương. Như thế, lý trí nhất như Như Lai tạng là tất cả A la hán Bích chi Phật, đại lực Bồ tát xưa nay vốn không thấy, vốn chưa từng chứng đắc. Bởi đây chỉ cho cảnh giới của Như Lai trí.


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Có hai thứ Như Lai tạng không trí. Bạch Thế Tôn! Một là không Như Lai tạng, tức là nếu lìa thoát, khác tất cả phiền não tạng. Bạch  Thế Tôn! Hai là bất không Như Lai tạng, tức là quá hằng hà sa chẳng ly, chẳng thoát, chẳng khác bất tư nghì Phật pháp.


LỜI GIẢI:


Đây là tổng hợp lý trí nhất như của Như Lai tạng trí và Như Lai không trí, gọi là Như Lai tạng không trí. Phần này không luận đứng về đế lý hay đứng về chứng trí đều có hai thứ. Nhưng chứng trí là do chứng đế lý mà đắc. Vì vậy, y cứ đế lý để thuyết minh Như Lai tạng không trí là đứng về tổng thể mà nói. Nếu đứng về biệt nghĩa mà nói thì có hai loại, tức là Như Lai tạng không và bất không. Đối với Như Lai tạng không trí, vì sao gọi là không Như Lai tạng? Bởi Như Lai tạng từ vô thỉ đến nay bị tất cả phiền não ô uế trói buộc, tuy là bị phiền não trói buộc, nhưng không phải vì vậy mà hợp nhất với phiền não. Căn cứ vào đặc tánh của Như Lai tạng lìa, thoát khác, tất cả phiền não mà nói thì gọi là Như Lai tạng không. Luận Khởi Tín nói: “Không có, nghĩa là tất cả phiền não từ vô thỉ đến nay không còn”. Khi nói Như Lai tạng không, thì không có nghĩa là Như Lai tạng không có tự thể. Bản tánh Như Lai tạng là thanh tịnh, tự tánh thường trụ. Tuy trong sanh tử mà chẳng nhiễm ô. Chẳng khác nào như châu báu bị rớt trong phẩn rác, bùn nhơ, nhưng thể tánh châu báu vẫn trong sạch. Vì vậy nói Như Lai tạng đối với tất cả phiền não vẫn mang tự tánh lìa, thoát, khác.


Vì sao gọi là bất không Như Lai tạng? Bởi Như Lai tạng tự thể của nó có đầy đủ quá ư hằng hà sa chẳng lìa chẳng thoát chẳng khác. Phật pháp bất tư nghì. Nếu đứng về lìa vọng nhiễm mà nói thì Như Lai tạng gọi là không Như Lai tạng. Nếu đứng về pháp đầy đủ quá hằng hà sa bất tư nghì công đức của Phật mà nói thì gọi là bất không Như Lai tạng. Chỉ duy nhất Như Lai tạng là tương ưng với nhiễm pháp, chỉ tương ưng với tịnh pháp. Nói cách khác, dù ở trong trường hợp hoàn cảnh bậc địa thánh hay phàm nào, thì thể tánh Như Lai tạng cũng không bị nhiễm ô. Nên Như Lai tạng mới có hai tên là Không Như Lai Tạng và Bất Không Như Lai Tạng. Do  đặc tánh thù thắng này của Như Lai tạng mà các nhà Duy Thức Học nói là Viên thành thật. Với danh xưng này cũng có hai ý nghĩa để diễn đạt Như Lai tạng: 1/ Đứng về đặc tánh xa lìa tất cả nhiễm pháp mà nói thì gọi là không tánh, nhưng thực thể là bất không. Nhưng kinh đây nói bất không lại không có nghĩa là cứ pháp tánh bất không mà nói, mà là trọng tâm nơi thể đầy đủ quá ư hằng hà sa công đức tánh. Như Kinh Lăng Già, Khởi Tín Luận v.v…đều chẳng y cứ từ nhơn duyên sanh pháp, hư vọng sanh pháp để luận về nghĩa “không và bất không”, mà là y cứ Như Lai tạng tánh mà thuyết minh  nghĩa không và bất không.


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Hai thứ không trí này các vị đại Thanh văn có thể tin được, thưa Như Lai. Tất cả các bậc không trí A la hán Bích chi Phật chuyển ở trong bốn cảnh bất điên đảo. Còn tất cả A la hán Bích chi Phật khác thì vốn chẳng được thấy cũng chẳng được đắc. Đối với sự diệt tất cả khổ chỉ có Phật mới chứng đắc, hoại tất cả phiền não tạng, tu tất cả đạo diệt khổ.


LỜI GIẢI:


Như trên đã giải thích Như Lai tạng không trí. Giờ đây giải thích Nhị thừa chẳng thấy. Đây có danh từ “không nghĩa”  và “bất không nghĩa” của “hai không trí”. Điều này chỉ có các vị đại Thanh văn như Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na v.v…là những bậc Thanh văn trí huệ rộng lớn mới có khả năng tin thọ lời Như Lai nói, phát tâm hồi tiểu hướng đại. Còn hạng A la hán độn căn thì tạm thời chẳng có năng lực lãnh hội lời Phật nói. Thế thì nếu đứng về chứng ngộ hai trí này mà nói thì tất cả A la hán Bích chi Phật không trí chưa có khả năng giác liễu chứng đắc. Cũng nên biết rằng Nhị thừa không trí và Như Lai không trí chẳng đồng. Để phân minh điều đó, nên kinh này nói là tịnh trí. Có nghĩa là tịnh trừ một phần phiền não chướng, lìa bốn điên đảo ngã không trí. Trong giáo pháp Đại thừa có chỗ cho rằng: Tất cả pháp không và Niết bàn không tịch cùng với vô thường, khổ, không, vô ngã và đến cả vô thường, khổ, bất tịnh, không vô ngã không chẳng đồng. Pháp tánh không tịch vốn là pháp tánh bình đẳng lìa hý luận, không vô ngã nhưng do nơi ngũ uẩn hoà hợp mà nói vô ngã và ngã sở đó thôi. Thế nên, Nhị thừa không trí đối với vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, bốn cảnh giới điên đảo này mà chuyển nên gọi là lìa tứ điên đảo. Nói cách khác, hàng Nhị thừa không trí ở trong bốn hiện tượng điên đảo vô thường, vô ngã, bất tịnh, khổ này nổ lực gia công tu hành phát huệ nhận chân đạt lý mà khởi tâm chuyển vô thường là thường, vô ngã là ngã, bất tịnh là tịnh, khổ là vui, nên chưa thể chứng nhập Như Lai tạng trí. Vì vậy kinh nói tất cả A la hán Bích chi Phật vốn chẳng được thấy, cũng chẳng được đắc. Vì sao? Bởi vì trình độ liễu ngộ của Thanh văn Bích chi Phật chỉ giải thoát bốn điên đảo chớ chưa giải thoát bốn an lạc. Nghĩa là còn thấy tức là còn thấy không, còn thấy vui tức là còn thấy khổ. Mà cảnh giới diệt đế là diệt sạch tất cả khổ chỉ có Phật mới chứng đắc. Như Lai chứng đắc Như Lai tạng mà thành tựu Pháp thân là do diệt sạch nhứt thiết phiền não tạng. Mà muốn diệt sạch được nhứt thiết phiền não tạng thì khởi tâm tinh tấn tu nhứt thiết khổ đạo. Nhị thừa chẳng thấy, chẳng đắc Như Lai tạng không trí, tại sao? Điều này kinh văn đã thuyết giải quá rõ ràng.


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Bốn thánh đế này ba đế là vô thường, một đế là thường. Vì sao vậy? Bởi vì ba đế thuộc hữu vi tướng, hữu vi tướng là vô thường, vô thường là pháp hư vọng, pháp hư vọng chẳng phải là chắc thật, chẳng phải thường, chẳng phải chỗ y tựa. Thế cho nên ba đế là Khổ đế, Tập đế, Đạo đế chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế. Vì là chẳng phải thường, chẳng phải chỗ sở y. Duy nhất chỉ có diệt đế mới lìa hữu vi tướng, lìa hữu vi tướng là thường. Thường thì chẳng phải pháp hư vọng, chẳng phải pháp hư vọng mới thật là đế, là thường, là y. Thế nên, Diệt đế là đệ nhất nghĩa đế.


LỜI GIẢI:


Y Như Lai tạng mà thuyết minh thánh đế nghĩa thì sâu xa khó hiểu, ấy là nói Diệt đế trong Tứ đế. Điều này trên kia đã nói, nơi đây chỉ giản lược giải thích. “Bốn thánh đế này, ba thuộc vô thường pháp, một thuộc thường pháp”. Đây là lược nêu lên. Bất cứ pháp nào hễ đã có tướng sanh trụ dị diệt là thuộc vô thường. Ngược lại là thường. Ba pháp trong Tứ đế hợp với sanh tử tạp nhiễm pháp, nên là hữu vi pháp. Đạo đế là chỗ sanh khởi tu tập, khởi đi để đoạn trừ, nên cũng là pháp hữu vi. Do đó, Khổ, Tập, Đạo ba đế này thuộc hữu vi tướng, nên cũng gọi là phi đế. Hữu vi tướng là còn mang bốn tướng sanh trụ dị diệt. Hoặc có chỗ nói ba tướng sanh dị diệt, hoặc hai tướng sanh diệt đều là để diễn tả pháp hữu vi vô thường. Vô thường hư vọng pháp thì chẳng phải chắc thật, chẳng phải là thường, chẳng phải là pháp tuyệt đối để nương tựa.


Đế nghĩa là chân thật, chẳng hư vọng, chẳng điên đảo. Hư vọng pháp không đủ tư cách làm chỗ y chỉ rốt ráo, nên nói chẳng phải chỗ sở y. Đây không những Khổ, Tập mà Đạo đế cũng như thế. Vì vậy trong Phật pháp thường nói: “Pháp còn xả bỏ huống nữa là phi pháp”. Thế cho nên nói Khổ, Tập, Đạo đế chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế, chẳng thường, chẳng phải chỗ y tựa. Phật pháp thường nói Khổ, Tập, Diệt, Đạo gọi chung là Tứ đế, tức là bốn điều chắc thật. Nay đây lại nói Khổ, Tập, Đạo là phi đế, tức là chẳng phải chắc thật, như thế chẳng phải là mâu thuẫn ư? Xin thưa không! Khi nói Khổ, Tập.
Đạo là phi đế, đây là đứng về nghĩa chẳng phải đệ nhất nghĩa Như Lai giác chứng mà nói. Nếu đứng về thế tục pháp tác dụng mà nói thì, tuy không phải là chơn thật cứu cánh cũng có thể gọi đó là đế. Như Phật nói vô thường là khổ, đúng thật là khổ, không thể nói không khổ. Phật nói Bát Chánh Đạo là đạo, nếu y đạo đây tu thì xác thật chứng Niết bàn, như thế không thể nói đó không phải là đạo. Vì vậy, nếu căn cứ thế gian pháp (Tục đế) mà nói thì Khổ, Tập, Đạo quả thật là đế, là chắc thật. Nếu đứng về cứu cánh chân thật (Chân đế) mà nói thì chỉ duy nhất Diệt đế, mới thật lìa hữu vi tướng. Hễ đã lìa hữu vi, vi tướng tức là thường trụ pháp. Thường trụ pháp thì chẳng phải pháp hư vọng mà chính là đế, là thường, là chỗ chân thật đáng y nương. Thế cho nên Diệt đế là đệ nhất nghĩa đế.


Y vào Tứ đế để biện biệt nhị đế. Học giả Thanh văn thừa có những học thuyết bất đồng. Chẳng hạn như Luận Tỳ Ba Sa quyển 77 có đến bốn nhà lập thuyết. Luận Thuyết Chánh Lý quyển 58  có đến năm hệ thuyết. Hệ thuyết nào cũng thuyết minh về ba đế Khổ, Tập, Đạo, là Tục đế. Diệt đế là đệ nhất nghĩa đế, ý nghĩa giống với kinh này, nhưng đều có sự dị biệt khi lập thuyết. Trong khi đó, Kinh Bát Nhã nói Tứ đế đều là giả danh, là thế tục đế, chỉ pháp tánh không của Tứ đế mới là đệ nhất nghĩa đế.


Khi nói ba đế Khổ, Tập, Đạo là Tục đế. Diệt đế là đệ nhất nghĩa đế, thì thuyết này đã có từ xưa và đã trở thành chân lý. Kinh đây cũng cùng luận giải như thế đó.


CHÁNH VĂN:


Diệt đế là pháp bất tư nghì, vượt quá tâm thức sở duyên của tất cả chúng sanh, cũng chẳng phải là cảnh giới trí huệ của tất cả A la hán Bích chi Phật. Cũng như người mù chẳng thấy cảnh sắc, trẻ sơ sanh bảy ngày chẳng thấy mặt trời chuyển. Diệt đế cũng giống như vậy, chẳng phải tâm thức phàm phu có thể duyên đến được, cũng chẳng phải cảnh giới trí huệ của Nhị thừa có thể liễu đạt. Kẻ thức giả phàm phu nhị kiến điên đảo. Tất cả các bậc trí giả A la hán Bích chi Phật thì thanh tịnh.


LỜI GIẢI:


Đây nói về cảnh giới trí huệ của Như Lai là Diệt đế. Diệt đế tức là Như Lai tạng, Pháp thân, Đại Bát Niết Bàn. Đây là chỗ mà phàm phu Nhị thừa không thể thấy không thể chứng. Chỗ kiến địa của phàm phu Nhị thừa không tương hợp với chánh nghĩa Diệt đế, nên phải có sự giản biệt xác định phàm phu Tiểu thừa tổng quát như sau:


-“Diệt đế là pháp bất tư nghì”. Bất tư nghì có nghĩa là không thể nghĩ bàn siêu việt tâm thức sở duyên của tất cả chúng sanh, cũng chẳng phải cảnh giới trí huệ của A la hán Bích chi Phật liễu đạt. Có thể thí dụ rằng: 1/Thí như kẻ mù chẳng thấy cảnh sắc. Dụ cho hạng phàm phu đối với Như Lai tạng và Pháp thân không thấy được chút gì, giống như người mù từ khi mới sanh ra, đối với cảnh sắc xanh, đỏ, trắng chẳng biết gì. 2/ Như trẻ sơ sanh bảy ngày chẳng thấy mặt trời chuyển xoay. Trẻ sơ sanh tuy có thị giác, nghĩa là tuy có mắt sáng, nhưng không thể nhìn thẳng mặt trời sáng chói mắt không thể mở, nên không thể nhìn thẳng mặt trời giữa không trung. Đây là dụ cho hàng Nhị thừa tuy có tịnh trí biết pháp sanh tử, nhưng đối với Như Lai tạng pháp thân không thể thấy biết. Nghĩa là về Diệt đế, chẳng phải tâm thức phàm phu có thể duyên đến được, và cũng chẳng phải cảnh giới trí huệ của hàng Nhị thừa có thể liễu đạt. Vì sao không duyên không biết được? Bởi vì tâm thức phàm phu vô minh dày đặc chẳng thể thông đạt nhất pháp giới tánh không hai không khác mà thường khởi “nhị kiến”. Do chẳng thể chánh kiến pháp tướng, nên khởi bốn điên đảo. Nhị kiến như chấp hữu chấp vô, chấp nhơn chấp ngã, chấp một chấp khác v.v….Tóm lại, chỗ chúng sanh nhận thức đều là tương đối. Do tương đối mà chấp thật có. Do chấp thật có nên tất cả đều là nhị kiến, tức là thấy tương đối có hai.


Bốn điên đảo là gì? Là vọng thấy thường, lạc, ngã, tịnh. Vọng thấy (vọng kiến) ở đây  có nghĩa là truy cầu chấp trước. Trí của tất cả A la hán, Bích chi Phật là trí thanh tịnh. Thanh tịnh theo nghĩa kinh này là thanh tịnh trí, cũng tức là không trí. Không trí của Nhị thừa quán pháp hư vọng tạp nhiễm, đối bốn cảnh (thường, lạc, ngã, tịnh) chẳng điên đảo mà chuyển, không đồng với không trí của Như Lai khế, chứng của Như Lai tạng pháp thân. Đối với thấy biết (kiến tri), Kinh Niết Bàn nói rất rõ rằng: “Phàm phu Nhị thừa không thể thấy biết Như Lai tạng pháp thân, Đại Bát Niết Bàn”.

 

CHÁNH VĂN:


Biên kiến là phàm phu đối với năm thọ ấm thì ngã kiến vọng tưởng so đo chấp trước sanh nhị kiến, nên gọi là biên kiến. Biên kiến là chấp thường chấp đoạn. Thấy các hành là vô thường ấy là đoạn kiến. Thấy Niết bàn là thường, ấy là thường kiến. Cả hai đều chẳng phải là chánh kiến. Do vọng tưởng, nên thấy như thế. Các căn nơi thân phân biệt suy nghĩ mà sanh ra thấy các pháp hiện hữu và hoại diệt. Do không thấy được sự tương tục của các pháp, nên sanh khởi đoạn kiến. Bởi tâm tương tục ngu tối không thấy không hiểu, nên không biết cảnh giới ý thức chuyển biến trong mỗi sát na, lại khởi chấp thường kiến. Vì vọng tưởng mà thấy thế. Do vọng tưởng thấy, nên đối với nghĩa kia hoặc quá siêu việt, hoặc trí chẳng thấu biết, nên khởi tâm phân biệt hoặc đoạn, hoặc thường.


LỜI GIẢI:


Luận về biên kiến, trước nói nhị kiến của phàm phu, tức là nhị biên kiến. Phàm phu đối với năm thọ ấm lấy ngã kiến làm gốc. Do ngã kiến này mà sanh khởi muôn vàn vọng tưởng và chấp trước. Căn bản của ngã kiến có sáu mươi hai. Tất cả vọng kiến do từ ngã kiến phát sanh. Do vọng tưởng chấp trước nên sanh nhị kiến, gọi là biên kiến. Rơi vào nhị biên, là thuộc điên đảo kiến, không phải là chánh kiến, nên gọi là biên kiến. Nhị kiến có rất nhiều, nay lược nêu vài điều trọng yếu về thường kiến đoạn kiến. Vì sao lại đặc biệt nêu hai kiến này? Bởi vì tông bổn của Phật pháp là thuyết minh pháp sanh tử lưu chuyển và giải thoát Niết bàn. Do hai thứ này mà dẫn sanh các thứ thấy biết điên đảo. Nghĩa là không ngộ nhận thường trụ thì cũng lầm chấp đoạn diệt.


Giờ đây nói về nhị kiến, có hai phần. Trước hết căn cứ vào sanh tử, Niết bàn, sanh khởi thường kiến, đoạn kiến mà luận: “Thấy các hành vô thường là đoạn kiến chẳng phải chánh kiến”. Hành là pháp sanh diệt, như ngũ ấm. Phàm phu thấy có sanh diệt. Thấy sanh thì tất phải liên tưởng đến vô thường diệt. Nhưng lại chẳng biết ngũ ấm vô thường tương tợ tương tục. Rồi chẳng biết Như Lai tạng là thường trụ, chẳng mất chẳng hoại, lại khởi đoạn kiến cho rằng Như Lai tạng không tránh khỏi vô thường hoại diệt. Lại có số phàm phu ngoại đạo nhàm sanh tử cầu Niết bàn “thấy Niết bàn là thường, khởi thường kiến”. Như thế lại rơi vào chấp thường, cũng chẳng phải là chánh kiến. Vì sao? Bởi vì phàm phu không thể chân thực hiểu biết Niết bàn, mà chỉ đối với thế gian vô thường sanh tâm nhàm chán rồi khởi tâm muốn thoát ly thế gian, để tìm cảnh giới thường trụ. Thường kiến đây cũng chẳng phải là chánh kiến. Phàm phu đối các hành vô thường khởi đoạn kiến, đối Niết bàn thường trụ khởi thường kiến, do vọng tưởng mà kiến chấp như thế.

Tiếp theo đây cứ vào thân tâm hữu vi mà khởi đoạn kiến thường kiến để nói: Đối với các căn của thân hữu tình chúng sanh, như mắt thì thấy, tai nghe, cho đến thân chạm xúc phân biệt suy nghĩ các pháp hiện hữu thấy có tướng hư hoại. Hiện pháp là chỉ các pháp hiện hữu thực tại. Tức là các căn trong thân một khi hư hoại, hoặc bộ phận hoặc toàn diện không khởi sanh tác nữa như người chết. Phàm phu do các căn chấp trước nơi vật chất tập thành vọng tưởng. Vì thế, nên một khi các căn hoại thì cho rằng hữu tình đó không còn tồn tại. Họ đối với sự lý ba cõi tương tục không thể thấu hiểu, nên chấp cái gì cũng không có rồi khởi đoạn kiến. Đây cũng là thuộc về thiên kiến của các nhà Duy Vật Luận. Bởi họ không thể ngộ chân nghĩa ba đời tương tục, chỉ bằng vào vọng tưởng kiến chấp mà lụân định như thế. Lại có loại phàm phu ngu muội đối với chân nghĩa về tâm tương tục. Tâm tuy là tương tục, nhưng vì ngu si ám muội, nên không thể như thật liễu giải cảnh giới ý thức sát na sanh diệt, lại khởi ý niệm thường kiến cho tâm là thường. Đây cũng là thiên kiến của các nhà Duy Tâm Luận. Các nhà Duy Tâm Luận chấp có tinh thần thường trụ. Họ cho rằng mắt, tai v.v .. các căn hoại, nhưng tâm vẫn tương tục thường trú bất đoạn. Họ đâu có biết tâm-ý thức-tương tục qua mỗi sát na sanh diệt, giống như lửa cháy, nước chảy, trước sau tương tục bất đoạn, trong trạng thái tương tục, nhưng vẫn không phải là thường trú. Đối tâm tương tục chứ không phải là thường trú mà sanh chấp thường kiến. Đây cũng là do “vọng tưởng kiến” sanh khởi.


Trên đã trình bày do sanh tử Niết bàn mà khởi đoạn kiến thường kiến. Hoặc nói đối với hai pháp tâm vật hữu vi mà khởi đoạn kiến thường kiến, đây là vọng tưởng kiến, đều là “đối với chân nghĩa thường đoạn kia hoặc vượt quá hoặc chẳng hiểu”, nên không thể xứng hợp chân lý thoả đáng mà khởi “vọng tưởng phân biệt” mới cho là “hoặc thường hoặc đoạn”. “Vượt quá và chẳng hiểu” đều không hợp với chánh nghĩa trung đạo. Chẳng hiểu kịp là thấy biết thấp kém, hiểu không đúng chơn thật. Hiểu vượt quá là thấy hiểu xa vời xa chân lý. Như khi thấy mắt, tai v.v… hoại diệt liền phủ nhận pháp duyên khởi nghiệp quả rồi khởi đoạn kiến, thế tức là tổn giảm chẳng hiểu kịp. Thấy tâm thức tương tục lầm cho là thường trú, đây là thấy biết tương tục lầm cho là thường trú, đây là thấy biết quá xa vời chân lý. Như thế, đoạn kiến và thường kiến được thể hiện qua hai trạng thái thấy biết, vượt quá và chẳng kịp là hai thái cực xa rời sự thật, tức đều thuộc về biên kiến.                                     


CHÁNH VĂN:


Chúng sanh điên đảo đối với năm thọ ấm vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là vui, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh.


LỜI GIẢI:


Điên đảo chỉ cho bốn thứ điên đảo của phàm phu. Chúng sanh điên đảo thọ ngũ ấm mang theo các pháp sanh tử không thể đích thực liễu giải, nên khởi nhận thức sai lầm thác loạn. Như các hành vô thường thì lại cho là thường. Tất cả các hành hữu lậu là khổ thì lại khởi vọng tưởng cho là vui. Tất cả pháp thế gian vô ngã lại sanh khởi ý tưởng thật ngã. Tất cả hữu lậu pháp bất tịnh lại tưởng là thanh tịnh. Bởi điên đảo, nên đối với các pháp hiện hữu ắt phải nghĩ tưởng điên đảo dẫn theo sự thấy sai lầm. Vì vậy kinh Phật đều gọi là “điên đảo tưởng”. Như người là vô thường, nhưng từ bé đến lớn mang cái tướng tương tợ tương tục, không thấu hiểu lý tương tợ tương tục sanh diệt tánh, nên khởi chấp thường. Lại nữa, tâm cảnh của chúng sanh tợ hồ có vui, nhưng đâu có biết trong cái vui ẩn tàng khổ, cái khổ vi tế trong vui. Chẳng khác nào gánh nặng trên vai khổ thống, nhưng khi sang đổi qua vai kia thì vai này thấy nhẹ nhàng thoải mái một chút, nhưng thực sự vẫn là khổ. Các hành đều hữu lậu vô thường, nhưng chúng sanh  ngược lại cho là thường là vui. Thân ngũ uẩn do giả tưởng hợp không có tự thể chân thật, không có tự do, nhưng chúng sanh do ngã chấp che lấp điên đảo, chấp có tự ngã tự tại. Hết thảy các pháp sanh tử đều không thanh tịnh. Như thân thể do ba mươi sáu vật kết hợp tích tụ thành khối dơ xấu, nhưng nhờ có lớp da mỏng bao bọc và trang sức bên ngoài mà chúng sanh điên đảo cho là sạch, là thật. Kẻ phàm phu ngoại đạo đều sanh khởi tâm điên đảo chấp trước tìm cách làm cho thân trường sanh bất tử. Trái lại Thanh văn chú trọng thuyết minh vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, tu tứ niệm xứ để cầu giải thoát.


CHÁNH VĂN:


Tất cả các bậc tịnh trí A la hán Bích chi Phật đối với cảnh giới của nhất thiết trí và Như Lai pháp thân vốn chẳng thấy biết.


LỜI GIẢI:


Quả trí của tất cả A la hán Bích chi Phật thì thanh tịnh gọi là tịnh trí. Tịnh trí đối với pháp vô thường sanh tử v.v… tuy có hiểu biết, nhưng so với hiểu biết của nhất thiết trí Như Lai về cảnh giới Như Lai tạng, và nhơn Như Lai tạng mà được ra khỏi phiền não sanh tử trói buộc để thành tựu Như Lai pháp thân thì tịnh trí của Nhị thừa vẫn chưa có khả năng thấy biết, vẫn không đạt đắc. Đối với sanh tử, hiểu rõ vô thường, nhận chân các pháp sanh diệt v.v….tuy sanh khởi tịnh trí không điên đảo, nhưng nếu đối với Như Lai pháp thân, Bồ đề Niết bàn mà cũng cho là vô thường, vô khổ, vô ngã, bất tịnh, như thế là điên đảo. Phủ định các pháp sanh tử mà không khẳng định được pháp thường lạc ngã tịnh là chánh kiến Niết bàn, như thế vẫn không phải chơn chánh tri kiến rốt ráo.


CHÁNH VĂN:


Hoặc có chúng sanh nhơn tin lời Phật nói mà khởi nghỉ tưởng thường, lạc, ngã, tịnh, như thế chẳng phải thấy điên đảo, mà gọi đó là chánh kiến, vì sao? Bởi vì Pháp thân của Như Lai vốn là thường Ba la mật, lạc Ba la mật, ngã Ba la mật, tịnh Ba la mật. Đối với Pháp thân của Phật mà khởi cái thấy như vậy thì gọi là chánh kiến. Chánh kiến mới là chơn Phật tử, từ miệng Phật sanh, từ chánh pháp sanh, từ pháp hoá sanh, được tài sản chánh pháp có thừa.


LỜI GIẢI:


Chánh kiến biết một cách chơn thật rốt ráo chỉ có Như Lai. Đến như thập địa Bồ Tát cũng còn chưa có thể đích thực liễu đạt như chánh tri kiến. Như phàm phu, Nhị thừa, Bồ Tát cũng có thể đắc chánh tri kiến, nhưng không do trí huệ tự lực chứng tri, mà là do tin lời Phật nói thực hành mà được. Hoặc có hạng Nhị thừa do có tâm hồi tiểu hướng đại, hoặc có hạng phàm phu khi sơ học đạo phát tâm Bồ Tát, đối những chúng sanh này, Đức Phật vì họ mà nói Nhất thừa Như Lai tạng pháp thân, tức là hạng có thể tin lời giảng của Phật. Đối với Như Lai tạng pháp thân sanh khởi ý tưởng thường lạc ngã tịnh, đây chẳng phải là “điên đảo kiến”, mà gọi là chánh kiến.

Vô thường là đối với pháp sanh tử mà nói. Đã là pháp sanh tử thì không thể có thường lạc ngã tịnh. Nhưng Như Lai pháp thân Niết bàn là pháp xuất thế đệ nhất nghĩa, là thường lạc ngã tịnh, không có vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Vì sao vậy? Bởi vì pháp thân Như Lai là thường Ba la mật, lạc Ba la mật, ngã Ba la mật, tịnh Ba la mật. Ba la mật tức là cứu cánh thành tựu. Phật quả là cứu cánh viên mãn, có đầy đủ bốn đức thường v.v…nên gọi là bốn Ba la mật. Kinh Niết Bàn nói: “Chẳng khổ chẳng vui gọi là vui lớn”. Xa lìa khổ vui phàm tình thì không còn bị não loạn, phiền động, biến dịch, được cứu cánh an ổn. Đại ngã là đại tự tại. Nghĩa là Phật đối tất cả pháp tự tại, nên gọi là Pháp vương. Phật lìa tất cả trói buộc, lìa tất cả tạp nhiễm, gọi là đại tịnh. Như Lai tạng vốn đầy đủ thường lạc ngã tịnh. Nhưng Như Lai pháp thân mới hiển phát thành tựu viên mãn công đức thường lạc ngã tịnh. Như Lai pháp thân có đầy đủ đức tánh như thế, có  thể từ nơi Pháp thân Phật khởi kiến, nên gọi là chánh kiến.


Được chánh kiến này mới gọi là chân thật con Phật, mới gọi là Phật tử. Giở đây nói về thí dụ cha con. Bà la môn Ấn độ tự xưng là con của trời Phạm Thiên. Họ cho rằng, họ từ Phạm Thiên sanh ra, từ miệng Phạm Thiên sanh ra, thân tâm họ là một phần của Phạm Thiên. Cũng trong tinh thần đó, nhưng với ý nghĩa cao siêu hơn, để ca ngợi con Phật, tức khen tặng tư cách giá trị Phật tử. Hay từ Phật pháp mà được chánh kiến, là chơn chánh con của Như Lai. Hàng đệ tử Nhị thừa tuy cũng có thể xưng là Phật tử, nhưng trong kinh điển Đại thừa thường thấy chê bai chúng Nhị thừa là con hèn mọn, không phải là đích tử của Như Lai. Đích thật con Phật là hàng Bồ Tát có đại tâm dõng chí hướng về Phật thừa. Bởi hạng này nhơn từ miệng Phật thuyết pháp, y âm thanh Phật được pháp khí trí lực, nên nói: “Từ miệng Phật sanh, từ chánh pháp sanh, từ pháp hóa sanh”. Hoá sanh có nghĩa là tiến hoá không ngừng. Con của thế gian được gia tài của cha. Có người chỉ được phòng ốc ruộng đất tài sản của cha . Có người được đạo đức, trí tuệ, uy tín của cha. Người học Phật pháp cũng như thế. Có người chẳng được pháp phần của Phật, nhưng làm bố thí, trì giới mà được phước báo. Có người y theo Phật pháp tu chứng giải thoát tức gọi là đắc pháp phần.


CHÁNH VĂN:


Bạch Đức Thế Tôn! Nói là tịnh trí tức là trí Ba la mật của tất cả A la hán Bích chi Phật. Tịnh trí này, tuy nói là tịnh trí, nhưng đối với Diệt đế cũng chưa phải đích thực là cảnh giới chơn Diệt đế, huống nữa là tứ y trí! Vì sao? Bởi vì khiến cho sơ phát tâm của hành giả ba thừa chẳng ngu nơi pháp, đối chơn nghĩa kia sẽ giác sẽ đắc, vì nghĩa đó mà Thế Tôn nói tứ y.


LỜI GIẢI:


Trên kia đã nói: “Pháp hư vọng chẳng phải đế (chơn thật), chẳng phải thường chẳng phải y”. “Chẳng phải pháp hư vọng tức là đế, là thường là y”. Giờ đây đặt trọng nơi “y” để thuyết minh. Sanh tử và Niết bàn đều phải có chỗ y chỉ. Có chỗ y chỉ mới hình thành lưu chuyển sanh tử, mới có thể được cảnh giới tịch diệt Niết bàn. Vậy thế nào là y? Tức là chỉ cho Như Lai tạng. Diệt đế. Bởi y đây mà có sanh tử, y đây mà có Niết bàn. Đứng từ quan điểm thế gian pháp mà quan sát thì, tất cả pháp hễ phàm tồn tại đều có chỗ sở y, tức là chỗ nơi nương tựa. Nếu không có chỗ sở y thì không thể nào tồn tại. Chẳng khác nào sách thì y nơi bàn, bàn thì y nơi đất, đất y nơi hư không.


Trên kia đã nói qua tịnh trí của Nhị thừa. Tịnh trí là trí Ba la mật của tất cả A la hán Bích chi Phật. Quả trí của Nhị thừa như là tận trí, vô sanh trí. Nếu căn cứ Nhị thừa đoạn chứng mà nói thì cũng có thể nói tịnh trí là cứu cánh viên mãn, nên nói tịnh trí Nhị thừa là Ba la mật trí. Chẳng qua tịnh trí của hàng Nhị thừa vô học này, tuy có thể nói là tịnh trí, nhưng đối với Như Lai sở chứng diệt đế kia cũng chưa phải cảnh giới của diệt đế. Quả trí còn như thế huống nữa là tứ y trí của hàng sơ học chưa phải là tịnh trí? Tứ y trí, xưa có hai thuyết.


- Thuyết thứ nhất gồm có: 1/ Nhị thừa sơ phát tâm y tứ đế tu hành mà phát tâm sanh trí huệ gọi đó là tứ y trí. 2/ Y pháp bất y nhơn, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa chẳng y chẳng liễu nghĩa, y trí bất y thức, đấy là tứ y trí.


- Thuyết thứ hai đời Đường dịch có phần tinh hoa hơn gọi là nhập lưu trí. Nghĩa là cựu dịch gọi là tứ y trí, tân dịch xưng là nhập lưu trí. Tức là tứ dự lưu chi. Nghĩa là bốn nhánh của hành giả được dự vào dòng thánh. Tứ dự lưu chi và tứ y danh xưng có khác, nhưng cùng một ý nghĩa. Phật bảo hành giả thân gần thiện tri thức với mục đích là ở nơi pháp chứ không phải ở nơi người. Từ thiện tri thức được nghe chánh pháp mục đích là liễu giải chân nghĩa chớ chẳng phải là nghe biết danh ngôn chương cú. Khuyên học giả như lý mà suy tư. Nghĩa là nên y kinh điển liễu nghĩa mà suy tư. Pháp tùy pháp hạnh, tức y pháp mà hành trì, chớ không phải y nơi thức phân biệt mà chấp tướng, phải y nơi không trí ly tướng.


Phật vì sao lại phải nói tứ y trí? Bởi vì muốn cho hành giả ba thừa sơ phát tâm đối với chân nghĩa các pháp không bị ngu muội, đối với mục đích căn bản thuyết pháp của Phật, nghĩa lý rốt ráo có thể thấy đúng, biết đúng. Như pháp tức là nhiếp thọ chánh pháp, như chánh pháp mà tu hành, chứng như chánh pháp. Nghĩa ở đây tức là chỉ cho đệ nhất nghĩa đế. Liễu nghĩa tức là quyết định nói Nhất thừa. Trí tức là Như Lai tạng không trí. Đối với chân nghĩa của tứ y, hiện tại tuy chưa thể chứng đắc, nhưng đương lai nhất định sẽ giác chứng, nhứt định có thể đắc. Vì đối hành giả tam thừa sơ phát tâm khiến cho họ không ngu muội nơi pháp, nên Đức Thế Tôn nói tứ y, để nhơn đó mà phát khởi tứ y trí.

CHÁNH VĂN:

Bạch Đức Thế Tôn! Tứ y này là pháp thế gian. Bạch Thế Tôn! Nhất y là nhất thiết thượng y. Xuất thế gian thượng thượng đệ nhất nghĩa y, nên gọi là Diệt đế.

LỜI GIẢI:

Trên đây nói tứ y là pháp thế gian, là tùy thuận tứ dự lưu chi mà nói tứ y. Nhưng luận đến nghĩa rốt ráo thì chỉ có nhất y. Nhất y là tối thượng y trong nhất thiết y. Đứng từ bình diện thế gian và xuất thế gian mà nói thì, nhất y là xuất thế gian y . Nếu đứng về thượng trung hạ mà nói thì thượng thượng y là xuất thế gian y. Nếu đứng về nhị đế mà nói thì là đệ nhất nghĩa y. Nhất y này là thường, là đế, là chân thật chẳng hư vọng, là vô vi, là diệt đế trong vô tác tứ đế. Sanh tử cũng y nơi đây. Niết bàn cũng y nơi đây, nên nhất y cũng là nhất thiết cứu cánh y.

CHÁNH VĂN:            
            

Bạch Đức Thế Tôn! Sanh tử y nương Như Lai tạng. Bởi từ Như Lai tạng mà nói bổn tế (thời gian tối sơ) chẳng thể biết. Bạch Thế Tôn! Vì có Như Lai tạng nên nói có sanh tử, đây gọi là khéo nói.

LỜI GIẢI:

Trước đây nói Diệt đế là chỗ y nương của sanh tử. Kinh đây văn giản lược mà ý nghĩa thâm sâu khiến cho hành giả khó thấu đạt. Kinh Lăng Già cũng đã từng dẫn kinh này, nói Như Lai tạng là chỗ sở y của sanh tử, nên hành giả có thể tham khảo, từ đó có thể thấu hiểu rõ nghĩa này. Sanh tử lưu chuyển tức là uẩn xứ giới lưu chuyển. Sanh tử pháp là pháp vô thường, vô ngã. Nhưng vô thường pháp sát na sanh diệt thì làm thế nào trước sau như nhất lâu bền được? Hiện đời tạo nghiệp tất nhiên thọ quả ở vị lai. Trước không phải là sau và sau chẳng phải trước. Vậy giữa khoảng trước sau đó có cái gì liên hệ mà hình thành sanh tử luân hồi? Ngoại đạo nói có linh hồn thường trụ, liên hệ trước sau ấy là thần ngã. Chúng sanh ở trong luân hồi tạo nghiệp thọ quả nên là thường, là đồng một ngã. Nhưng Phật pháp nói vô thường, vô ngã, lại nói sanh tử lưu chuyển, tức là hàm hữu thuyết minh lý vô thường sâu sắc vậy. Để luận cứu chủ đề này, trong Phật giáo có nhiều phương để giải thích. Nhưng thường thì các nhà Duy Tâm luận nói Như Lai tạng thường trụ bất biến là chỗ sanh tử nương y.

Sanh tử tử sanh y Như Lai tạng mà có. Như Lai tạng thường trụ bất biến bình đẳng pháp tánh không. Như Lai tạng vượt ra ngoài thời gian, không thời gian ban đầu và thời gian về sau, nên nói bổn tế không thể biết. Bổn tế là chỉ thời gian tối sơ. Như chúng ta nói hiện đời là từ đời trước mà đến. Đời trước lại từ đời trước nữa. Cứ như thế mà truy cứu luận định thì tối sơ của sanh tử như thế nào? Đối với vấn đề này, Phật thường nói, chúng sanh từ vô thỉ đến nay sanh tử bổn tế không thể biết. Muốn truy tầm biên tế tối sơ của sanh tử chẳng thể được. Theo kinh này giải thuyết thì như đất y hư không, hư không không có chỗ sở y, nên không thể hỏi hư không y nương cái gì. Cũng như thế, sanh tử y Như Lai tạng, Như Lai tạng thường trú không có bổn tế. Nghĩa là Như Lai tạng không có thời gian tối sơ. Do đó sanh tử cũng bổn tế, tức là tối sơ của sanh tử cũng chẳng thể nói được. Vì thế mới nói “có Như Lai tạng nên có sanh tử”. Bởi sanh tử y Như Lai tạng. Nói như đây, kinh đây gọi là khéo nói. Khéo nói có nghĩa là diễn đạt được chỗ sâu sắc của lý. Nếu chẳng nói sanh tử y Như Lai tạng thì không những không thiện xảo thuyết minh mà trên căn bản thuyết minh cũng chẳng thông.