I. DUYÊN CỚ NÓI KINH NÀY
Tôi nghe như vầy: Một lúc nọ, Phật ở tại thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật (1), cùng với 2.250 đại Tỳ khưu đông đủ và 32.000 Bồ tát, do con của Vua Pháp là Văn Thù Sư Lỵ cầm đầu.
Lúc bấy giờ, tại Thành Vương Xá có một Thái tử tên là A Xà Thế nghe theo lời xúi của người bạn ác là Đề Bà Đạt Đa bắt vua cha là Tần Bà Sa La giam cầm trong lầu tối bảy từng và cấm không cho bầy tôi nào đến đó.
Quốc thái phu nhân Vi Đề Hy vì lòng cung kính vua cha, tắm gội sạch sẽ, lấy sữa và đường hoà lộn với bột trét lên thân mình, còn trong chuỗi ngọc thì chứa nước nho, lén đêm dưng lên vua.
Khi ăn bột, uống nước nho xong, nhà vua đòi nước súc miệng. Súc miệng xong, nhà vua chắp tay cung kính, day mặt về phía núi Kỳ Xà, lễ đức Phật mà nói rằng: “Bạn thân Mục Kiền Liên ơi! Xin phát lòng từ, ban cho tôi tám giới!”
Ngay khi ấy Mục Kiền Liên, bay lẹ như diều như ó liền đến chỗ vua bị giam, trao cho vua tám giới, ngày nào như ngày nấy. Đức Phật còn dạy ngài Phú Lâu Na nói Pháp cho vua nghe. Cứ như thế suốt một thời gian 21 ngày, nhờ ăn bột, mật và nghe Pháp, nhan sắc nhà vua được hòa vui.
Một hôm, A Xà Thế hỏi người giữ cửa: “Phụ vương ta đến nay còn sống sao?”
Người giữ cửa thưa: “Tâu Đại vương! Ấy vì Quốc thái lấy bột trét mình, lấy nước nho đựng trong chuỗi ngọc đem dưng cho vua, còn hai Thầy Mục Liên và Phú Lâu Na lại từ trên không trung bay xuống nói Pháp cho vua nghe, tôi không làm sao ngăn cấm được”.
Nghe xong lời ấy, A Xà Thế giận mẹ, nói: “Mẹ ta muốn nghịch với ta nên kết phe với nghịch. Còn bọn ác Sa môn lại dùng phù chú huyễn hoặc làm cho Ác vương trải qua nhiều ngày rồi mà không chết”. Nói xong A Xà Thế liền rút gươm, ý muốn giết mẹ.
Lúc ấy có một ông quan tên là Nguyệt Quang, thông minh nhiều trí, cùng với ông Kỳ Ba, làm lễ A Xà Thế và tâu rằng: “Tâu Đại vương! Đọc kinh Tỳ Đa La Luận chúng thần thấy nói từ kiếp ban sơ đến nay, có tất cả 18.000 Ác vương, vì tham ngôi báu mà giết hại cha mình, chúng thần chưa từng nghe truyện kẻ vô đạo hại mẹ. Nay Đại vương làm việc nghịch đạo giết mẹ, thì là một sự ô nhục cho dòng Sát Đế Lỵ, chúng thần chẳng nỡ nghe thấy; như thế là hạng Chiên Đà La rồi, chúng thần thấy không còn có thể ở lại đây nữa.” Nói xong, hai vị quan tay đặt lên chuôi gươm bước lùi ra đi.
A Xà Thế hoảng hốt sợ sệt, bảo Kỳ Bà rằng: “Ngươi không vì ta sao?” Kỳ Bà tâu: “Tâu Đại vương! Hãy thận trọng đừng hại mẹ.” Nghe lời ấy, A Xà Thế ăn năn cầu cứu, liền bỏ gươm, không nghĩ đến việc giết mẹ nữa, nhưng ra lệnh nhốt mẫu hoàng trong cung cấm, không cho ra ngoài.
Bị giam cầm rồi, bà Vi Đề Hy rầu buồn ủ rũ, xa hướng về núi Kỳ Xà, lễ Phật mà bạch rằng: “Bạch Như Lai Thế Tôn! Xưa kia Ngài thường sai A Nan đến thăm hỏi tôi, nay tôi buồn rầu tại sao tôi không được thấy oai cao đức trọng của Ngài? Xin Phật sai khiến hai Thầy Mục Liên và A Nan cùng tôi được gặp.”
Nói xong, bùi ngùi khóc lóc, nước mắt đổ như mưa, bà xa hướng về Phật làm lễ, đầu chưa ngóc lên, thì ngay lúc ấy Thế Tôn tại núi Kỳ xà biết liền tư tưởng của Vi Đề, bèn ra lệnh cho Mục Kiền Liên và A Nan do trên không trung mà tới. Còn Phật thì từ núi Kỳ Xà lặn mình xuất hiện nơi vương cung.
Lúc bấy giờ, bà Vi Đề lễ xong, ngóc đầu lên thấy đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, thân như vàng tía, ngồi trên hoa sen trăm báu, Mục Liên hầu bên tả, A Nan hầu bên hữu. Trên hư không, Đế thích, Phạm thiên và các vị Thiên vương “hộ thế” (7) rải khắp mưa hoa để cúng dường đức Phật. Thấy Phật Thế Tôn, Vi Đề vứt bỏ chuỗi ngọc, lăn mình xuống đất, khóc kêu hướng Phật bạch rằng: Thế Tôn! Đời trước tôi đã phạm tội gì mà nay sanh con dữ như thế? Còn vì nhân duyên nào mà Thế Tôn lại dùng Đề Bà Đạt Đa làm người quyến thuộc? Cúi xin Thế Tôn thương tôi nói cho tôi biết xứ nào không lo buồn, để tôi sanh sang về đó, tôi không còn thích ở cõi Diêm Phù đề là thế giới ác trược nữa. Ở thế giới dữ này, đầy dẫy địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, tooàn là nơi tụ tập những điều bất thiện. Tôi nguyện trong đời vị lai, chẳng nghe tiếng dữ, chẳng thấy kẻ dữ. Nay hướng về Thế Tôn, năm vóc đụng đất, cầu xin sám hối. Xin nguyện Phật sáng soi như mặt nhật, dạy tôi thấy xứ Thanh tịnh nghiệp.
CHÚ GIẢI: Theo lịch sử Ấn Độ, truyện Thái tử A Xà Thế (Ajâtasatrou)soán ngôi cha là Tần Bà Sa La (Bimbâsara) có thật. Nhưng ở đây, kinh chỉ dựa trên sử liệu ấy, để làm cớ dạy đời, cho nên không hoàn toàn đúng với sự thật. Theo lịch sử, vua cha bị giết chớ không phải bị giam như kinh nói.
Khi giải Kinh Vô lượng thọ, chúng tôi có nói phần nhiều kinh Đại thừa đều có một ý nghĩa tỷ dụ (sensparaboliqu). Ở đây cũng thế:
-
Câu truyện Vua Tần Bà Sa La và Hoàng Hậu Vi Đề Hy bị con toan giết, tỷ dụ cho những nghịch cảnh lớn lao trong đời. Có gặp những cảnh ấy, con người mới thức tỉnh mà nhận cái tính cách ác trược của trần thế mà sanh tâm nhàm chán và nghĩ đến việc tu hạnh giải thoát.
-
Ăn bột trộn đường sữa và uống nước nho tươi, tỷ dụ cho việc ăn chay lạt để dọn mình trong sạch về các mặt xác thịt. - Súc miệng cho sạch trước khi lễ Phật, cầu Pháp như vua Tần Bà đã làm, là tỷ dụ cho sự cần thiết phải thanh tịnh khẩu nghiệp.
-
Bị giam mà không cầu được giải thoát, lại xin ban cho tám giới, tỷ dụ chúng sanh bị giam trong lưới nghiệp chướng, muốn ra khỏi, phải cần thọ giới.
-
Giữ giới chưa đủ, cần phải mở trí huệ, vì vậy mà Phú Lâu Na phải đến nói Pháp, tỷ dụ cho việc học hỏii giáo pháp của Phật. Giữ giới, nghe pháp là sửa mình về mặt tâm linh.
-
Muốn tu hành có kết quả, phải chí thiết, chí thành như Bà Vi Đề Hy. Được như thế, giới và pháp sẽ đến như trên không trung rớt xuống ̣(Mục Liên và a Nan do không trung mà tới) và Phật tánh sẽ từ tâm địa phát ra (Phật từ Kỳ Xà Quật lặn mình xuất hiện).
-
Phật tánh hay Giác tánh chỉ xuất hiện khi nào con người có đủ giới và pháp, vì vậy tỷ dụ mà nói Phật hiện ở giữa, hai bên có Mục Liên (tượng trưng cho giới) và A Nan (tượng trưng cho Pháp Phật)
(Trích tạp chí Từ Quang số 135-136
Tháng 7-8, năm 1963, tr.80-86)