II. PHẬT DẠY PHÉP QUÁN
Lúc bấy giờ Thế Tôn phóng hào quang giữa đôi mày, hào quang ấy màu như vàng ròng, soi khắp mười phương vô lượng thế giới, rồi trở về trụ ngay chót vót đầu Phật, hóa thành một đài vàng như núi Tu Di. Những đất đai trong sạch của mười phương chư Phật đều hiện ra trong đài vàng ấy. Có nước do bảy báu hợp thành, có nước thuần là hoa sen, có nước như thiên cung tự tại, lại có nước như kính pha lê, mười phương ngước Phật đều hiện ra trong kính ấy. Khi vô lượng nước Phật trang nghiêm, sáng tỏ, đáng xem như thế đã hiện đủ, Thế Tôn dạy bà Vi Đề Hy xem.
CHÚ GIẢI: Có nước do bảy báu hợp thành; Bảy báu chỉ “Thất Thánh tài" (bảy thứ của cải của bậc Thánh) hay “Thất Pháp tài" (bảy thứ của cải đạo pháp, tinh thần - biens spirituels)
Theo kinh Bảo Tích, thất thánh tài là: 1. Tín 2. Giới 3. Văn 4. Tàm 5. Quý 6. Xả 7. Huệ. - Còn theo kinh Báo Ân, thời 1. Tín 2. Tinh Tấn 3.Giới 4. Tàm Quý 5. Văn Xả 6. Nhẫn nhục 7. Định Huệ.
Thất Pháp tài là: 1. Tín 2. Tấn 3. Giới 4. Tàm Quý 5. Văn 6. Xả 7. Định Huệ.
Tuy có chút ít sai biệt, ba nguồn giải thích trên đều chỉ những đức tính mà người tu hành cần phải trau dồi nếu muốn trở nên một “nhà giàu" về đạo pháp.
Có nước thuần là hoa sen: hoa sen tượng trưng sự thanh tịnh. Vậy nước thuần hoa sen là nước thanh tịnh.
Có nước như thiên cung tự tại: Thiên cung tự tại là cõi chư Thiên, những người lúc ở thế gian làm nhiều thiện nghiệp.
Có nước như kính pha lê: Pha lê (cristal) trong sáng vô ngần, bên nay thấy suốt bên kia, ám chỉ trí huệ sáng soi.
Những đất nước nói trong đoạn này ám chỉ các tâm trong sạch (thanh tịnh). Có nhiều loại: có loại có bảy đức, bảy Thánh tài hay Pháp tài hun đúc mà thành: có loại đã trở thành hoàn toàn thanh tịnh: có loại do tu thiện nghiệp mà thành; lại có loại đã trong sạch như pha lê nhờ tu huệ nghiệp. Nói một cách khác, có bốn lối đắc thanh tịnh, hoặc đồng tu bảy đức là tín, giới v.v…; hoặc thuần tu hạnh thanh tịnh, hoặc tu thiện nghiệp, hoặc tu huệ nghiệp, lối nào cũng dẫn đến kết quả.
Khi ấy, bà Vi Đề Hy bạch Phật nói: “Thế Tôn! Các nước Phật này tuy thanh tịnh và đều ánh sáng nhưng nay tôi lại thích sanh về thế giới Cực Lạc là nơi Phật A Di Đà ở. Cúi xin Thế Tôn dạy tôi suy gẫm, dạy tôi chánh thọ.
CHÚ GIẢI: Đức Phật cho bà Vi Đề Hy xem các bước Phật kể trên, là ý hỏi bà muốn tu theo pháp môn (đường lối) nào: thất Thánh tài, hay Thuần tịnh, Thiện Nghiệp hay Huệ Nghiệp.
Nhưng bà Vi Đề Hy lại xin về nước Cực Lạc, tức là bà xin tu về pháp môn Định.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn liền mỉm cười, năm sắc hào quang từ miệng Phật phóng ra, mỗi mỗi sáng chiếu nơi chót đầu vua Tần Bà Sa La. Ngay khi ấy, tuy nhà vua bị giam trong chỗ tối tăm, tâm nhãn không bị che lấp, cho nên xa thấy Thế Tôn, bèn cúi đầu vập mặt làm lễ, tự nhiên tăng tấn, tuyệt A na hàm.
CHÚ GIẢI: Vua Tần Bà Sa La bị giam trong chỗ tối tăm, ý nói lòng vua đang nhiều lo buồn u tối trước nghịch cảnh con muốn giết hại. Nhưng may thay, hào quang của Phật đã rọi sáng đầu vua, nhờ đó mà tuy trong cảnh tối tăm, mắt tâm của vua còn xa thấy được Phật. Người thế gian, ai cũng có thể gặp trường hợp may mắn của vua Tần Bà Sa La, nếu nghĩ nhớ đến Phật, tin tưởng ở Phật, tức là nghĩ nhớ đến Đạo đức, tin tưởng ở sức cứu rỗi của Phật. Nhớ nghĩ như thế là đã quay về với Chân tâm, Phật tánh của mình thời trong lòng có sự sáng suốt như trên đầu được hào quang rọi sáng và thấy được, dầu là một cái thấy xa xôi, nẻo Giải thoát, không còn để cho ái luyến, u sầu cột trới nữa. Rồi tự nhiên tăng tấn sức giác ngộ và dứt hết phiền não thành (A Na hàm).
Thế Tôn bèn hỏi bà Vi Đề Hy: “Bà nay biết chăng? Phật A Di Đà cách đây không xa. Bà nên cột chặt tâm niệm, quán sát kỹ lưỡng đất nước của Ngài, thì sự tu tịnh nghiệp sẽ thành. Tôi nay vì bà sẽ rộng nói nhiều tỷ dụ, mà cũng để khiến tất cả chúng sanh trong đời sau, ai muốn tu tịnh nghiệp, sẽ được sanh về nước Cực Lạc ở Tây phương.”
CHÚ GIẢI: Theo Kinh A Di Đà thời thế giới Cực Lạc ở về phương Tây, cách thế giới chúng ta trên mười muôn cõi Phật, nghĩa là không biết bao nhiêu cây số ngàn mà nói. Thế mà ở đây Thế Tôn bảo Đức Phật A Di Đà cách đây không xa. Nghĩa ấy thế nào?
Xa thời thật không biết bao xa mà nói, còn gần thời gần hơn gang tấc. Biết và cột chặt được tâm niệm (tư tưởng) và xem xét được lòng mình (đất nước của Phật A Di Đà) thời sẽ thấy rất gần, bằng không thời muôn đời muôn kiếp không thấy mà cũng không về được, thành hóa ra xa.
Giữ tâm không vọng động là cột chặt tâm niệm, quán sát tâm mình để lọc bỏ cái ác, tu bồi cái thiện, đó gọi là tu tịnh nghiệp hay tu tịnh độ. Niệm Phật, thí dụ, mà còn nghĩ đến việc này chuyện khác, mà chưa xét được lòng mình, chưa phải tu tịnh độ.
“Ai là người muốn sanh về nước ấy, nên tu ba phước. Một là hiếu dưỡng mẹ cha, phụng sự thầy và bậc trên trước, lòng từ không giết, tu mười nghiệp lành. Hai là giữ tam quy, đầy đủ mọi giới, không phạm uy nghi. ba là phát tâm bồ đề, sau tin nhân quả. Đọc tụng kinh Đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba việc như thế gọi là tịnh nghiệp”.
CHÚ GIẢI: Cột chặt tâm niệm, quán sát tâm mình chưa đủ. Phải tu thêm ba phước như Phật đã dạy ở đây hay như Kinh A Di Đà nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Không thể dùng một chút ít phước đức, một it´ căn lành mà về vước Cực Lạc được).
Thọ tam quy rồi, phải nắm giữ cho đúng lý, đúng nghĩa. Đã nguyện quy y Phật là nguồn Ánh sáng, thời phải bỏ chỗ dục vọng tối tăm là Vô minh. Đã quy y Pháp là Chân lý thời đừng tin nhảm nữa. Đã quy y Tăng rồi thời phải chọn bạn hiền và Thầy chân chánh mà gần, đừng theo bọn xấu, Thầy không hay. Đó là nghĩa của câu “lãnh giữ tam quy.”
Phật bảo bà Vi Đề Hy: Bà nay biết chưa? Ba thứ nghiệp này là nguyên nhân chánh tịnh nghiệp của chư Phật trong bà đời là đời đã qua, đời hiện tại và đời tương lai.
Phật bảo A Nan cùng và Vi Đề Hy: “Hãy nghe cho kỷ, hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo suy ngẫm lời ta Như Lai nay vì tất cả chúng sanh trong đời vị lai, bị giặc phiền não làm hại, mà nói cho nghe nghiệp thanh tịnh. Tốt lắm, bà Vi Đề Hy! Bà hãy vui hỏi ta về điều này. Còn A Nan, ngươi nên lãnh giữ và vì đa số quần chúng mà rộng tuyên lời Phật. Như Lai nay dạy bà Vi Đề Hy cùng tất cả chúng sanh trong đời vị lai (phương pháp) quán tưởng thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Bởi nhờ Phật lực cho nên mới thấy được đất nước thanh tịnh ấy, thấy rõ như cầm kiếng sáng tự soi thấy mặt mình. Thấy được cảnh vui cực diệu của nước ấy mà lòng vui vẻ thời liền được “vô sanh pháp nhẫn”.
Phật bảo bà Vi Đề Hy: “Bà là người phàm, tâm tưởng yếu hèn, chưa được thiên nhãn, không có khả năng thấy xa. Chư Phật Như Lai có những phương tiện lạ lùng làm cho bà thấy xa được.”
Bà Vi Đề Hy bèn bạch Phật: “Thế Tôn! Như tôi nay vì nhờ sức Phật mà thấy được nước ấy, còn sau khi Phật diệt độ rồi, chúng sanh nhơ bẩn, không lành, bị năm khổ bức bách, thì họ làm thế nào thấy được thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà?
CHÚ GIẢI: Nếu hiểu Kinh theo lối chữ đâu nghĩa đó, ắt Phật không ân cần căn dặn: Hãy nghe cho kỹ, hay suy gẫm lời ta. Vậy quả Kinh có những nghĩa ẩn mà chúng ta phải suy ngẫm cho kỹ, đọc đi đọc lại từng câu để tìm và thấu đạt ý Phật. Vì có người thiếu “thiện tư duy", cũng thiếu “đế thính” cho nên cứ khăng khắng tin rằng thế giới Cực Lạc là một trong nhiều thế giới hay thái dương hệ mà khoa học hiện nay khám phá ra được. Hiểu như thế là lấy vật chất giải nghĩa tin thần.
Có hai cách thấy được thế giới Cực Lạc: một là nhờ Phật lực, hai là phải áp dụng những phương tiện lạ lùng của Phật bày ra.
Những phương tiện lạ lùng đó là mười sáu phép quán tưởng sẽ dạy sau đây. Quán là thấy, tưởng là tưởng tượng, nghĩa là thấy bằng sức tưởng tượng (voir par l’imagination).
PHÉP QUÁN THỨ NHẤT
Phật bảo bà Vi Đề Hy: “Bà và chúng sanh nên chuyên tâm cột niệm một chỗ, tưởng cõi Tây phương (là thấy được). Tưởng như thế nào? Tất cả chúng sanh, nếu không phải sanh mù, đôi mắt đầy đủ, thời đều thấy mặt trời lặn. Vậy phép quán tưởng là khi bắt đầu, nên ngồi ngay thẳng, hướng về phương Tây, tưởng thấy mặt trời như thật, bắt tâm đứng chắc ở đó, giữ vững tư tưởng không dời. (Quán tưởng) cho đến thấy mặt trời sắp lặn, hình dáng như cái trống treo. Đã thấy mặt trời rồi, nhắm mắt mở mắt đều phải thấy rõ như vậy. Ấy là lối tưởng mặt trời, gọi là phép quán tưởng thứ nhất.
CHÚ GIẢI: Như đã nói ở phần chú giải đầu, có hai phương pháp định tâm: niệm Phật và quán tưởng. Niệm Phật là dùng cái nghe thuộc nhĩ mà định. Quán tưởng là dùng cái thấy của nhãn mà định. Con người thường bị vọng động bởi tai và mắt nhưng muốn được định cũng phải dùng hai anh này. Ở đây, không có vấn đề lý luận mà có vấn đề thực hành. Cứ theo đúng lời Phật dạy mà hành phép quán tưởng này rồi lần lượt các phép sau, sẽ thấy kết quả Phật hứa.
(trích tạp chí Từ Quang số 137,
tháng 1 năm 1964, tr.65-79)
PHÉP QUÁN THỨ HAI
Kế tưởng tượng nước. Tưởng cho đến thấy nước lắng trong, và cũng phải thấy một cách rõ ràng, đừng để ý mình phân tán. Thấy nước trong rồi, nên sang tưởng băng (nước thành giá, thành khối). Thấy băng trong ngần xong sang tưởng lưu ly. Tưởng lưu ly thành tựu rồi tưởng thấy đất lưu ly, trong ngoài ánh suốt, trên đất ấy có một cây cờ vàng bảy báu kim cang cắm xuống. Cờ ấy đầy đủ 8 phương 8 góc, mỗi mặt đều do trăm báu hợp thành, mỗi một hột châu báu có ngàn lóng lánh, mỗi lóng lánh có 9 muôn 4 ngàn màu, rọi sáng đất lưu ly như ngàn ức mặt trời, không thể thấy đủ hết. Trên mặt đất lưu ly, dùng dây bằng vàng ròng nhiều thứ giăng nghiêng cách khoảng, và dùng bảy báu tuỳ loại mà phân chia ranh giới rành rẽ. Trong mỗi báu có 500 ánh sáng màu. Ánh sáng ấy như hoa, cũng giống như trăng, như sao, lủng lẳng trên hư không thành một cái đài sáng rỡ, lầu gác cả muôn ngàn, đều bằng bảy báu hợp thành. Hai bên đài, mỗi bên có trăm ức cờ hoa, không biết bao nhiêu nhạc khí dùng để trang nghiêm. Tám thứ gió mát, từ đài sáng rỡ thổi ra, khua động các thứ nhạc khí ấy, nói lên tiếng pháp “Khổ”, “Không”, “Vô Thường”, “Vô Ngã”. Ấy là phép tưởng nước, gọi là phép Quán tưởng thứ hai.
PHÉP QUÁN THỨ BA
Lúc thứ tưởng tưởng này thành tục rồi, thì nhất nhất những gì mình muốn thấy, đều phải thấy một cách rõ ràng, nhắm mắt hay mở mắt, không để cho cái thấy của mình tan mất. Trừ khi ăn cơm, ngoài ra luôn luôn phải nhớ việc này. Tưởng như thế này, gọi là Thô kiến thấy sơ đất nước Cực Lạc. Bằng được chánh định, thấy nước ấy hết sức rõ ràng, không thể nói xiết, như vậy là Tưởng Đất, gọi là phép Quán tưởng thứ ba.
Phật bảo A Nan: Ngươi nắm giữ lời Phật, vì tất cả đại chúng trong đời vị lai, ai là người muốn thoát khổ, thì nói cho họ nghe phép quán tưởng Đất này. Phép quán Đất này trừ được tội lỗi của tám mươi ức kiếp sanh tử. Chừng bỏ thân đời kia rồi, ắt sanh về đất nước thanh tịnh, tâm được vô ngại. Quán tưởng như thế này, gọi là quán tưởng chân chánh, bằng thấy khác, thì gọi là tà quán (thấy không ngay đúng).
PHÉP QUÁN THỨ TƯ
Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Khi tập quán tưởng đất thành rồi, kế đó tập quán Cây báu. Phép quán Cây báu là phải thấy từ cây một, tưởng thấy bảy lớp hàng cây, mỗi cây cao tám ngàn do tuần, hoa lá của những cây ấy đều bằng bảy báu, không hoa lá nào là không đủ bảy báu. Mỗi mỗi hoa lá, ánh sắc báu khác nhau: trong màu lưu ly, phát ra ánh sáng vàng ròng; trong màu pha lê phát ra ánh sáng màu đỏ; trong màu mã não, phát ra ánh sáng xa cừ; trong màu xa cừ, phát ra ánh sáng ngọc duyên chân. Tất cả những báu, như san hô, hổ phách, đều dùng làm đồ trang sức rạng ngời.
Trên ngọn cây, có lưới ngọc diệu chân rộng phủ lên, cứ trên mỗi ngọn cây, có bảy từng lưới ngoc như thế; giữa mỗi hai từng lưới, có năm trăm ức cung điện diệu hoa, như cung của Phạm vương, tự nhiên trong có các đồng tử của cõi trời.Mỗi mỗi đồng tử cổ đeo chuỗi ngọc năm trăm ức thích ca tỳ lăng già ma ni. Ánh sáng của những ngọc ma ni ấy rọi thấu trăm do tuần, giống như trăm ức mặt trời mặt trăng hòa hợp ánh sáng, không biết nói thế nào cho đầy đủ được. Các thứ báu ấy xen lộn nhau, màu này chồng chất lên màu kia. Những cây báu này, hàng hàng ngang nhau, lá lá xen nhau thứ lớp. Nơi các kẽ lá, sanh các hoa màu, trên mỗi hoa, tự nhiên có trái bảy báu. Mỗi một lá cây lớn rộng bằng 25 do tuần vuông. Lá ấy ngàn sắc, có trăm nét vẽ như ngọc anh lạc ở Thiên cung. Còn những hoa màu thì sắc như vàng Diêm phù đàn, trông như những bánh xe lửa quay mòng dịu dàng trong kẽ lá, phóng ra những trái như cái bình của Đế Thích. Có ánh sáng lớn hóa thành tràng phan và không biết bao nhiêu lọng báu (bảo cái). Trong các bảo cái ấy, ánh hiện ba ngàn đại thiên thế giới. Tất cả Phật sự, mười phương nước Phật đều cũng hiện ra trong đó.
Thấy những cây ấy xong cũng nên trước sau mỗi mỗi đều quán tưởng. Quán thấy thân cây, cành, lá, hoa, trái đều thật rõ ràng. Như vậy là phép quán tưởng Cây, gọi là phép quán tưởng thứ tư.
PHÉP QUÁN THỨ NĂM
Kế nên tưởng nước. Tưởng nước là; đất nước Cực Lạc có ao nước, nước của mỗi ao đều do bảy báu hợp thành, báu ấy dịu mềm, từ ngọc như ý tốt nhất (vương) sanh ra, chia làm 14 nhánh, mỗi chi làm sắc 7 báu. Vàng ròng làm nơi chứa nước, dưới đáy có cát bằng kim cương nhiều sắc. Trong mỗi ao nước, có 60 ức hoa sen bảy báu; mỗi hoa sen tròn trặn và thẳng ngay tới 12 do tuần. Nước trong như ngọc ma ni chảy lòn theo giữa các hoa và dội cộng sen từ trên xuống dưới. Tiếng nước chảy mầu nhiệm, nói lên các pháp “Khổ”, “Không”, “Vô thường”, “Vô ngã” và sáu phép ba la mật, lại cũng xưng tụng tướng tốt của chư Phật. Từ các ngọc như ý đẹp nhất, phúng ra ánh sáng vàng mầu nhiệm. Trong ánh sáng ấy hóa ra một thứ chim màu sắc trăm báu, tiếng kêu êm ái hòa lại, thường khen sự niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. đây là phép quán tưởng “Nước 8 công đức”, gọi là phép quán tưởng thứ năm.
PHÉP QUÁN THỨ SÁU
Ở mỗi ranh của nước nhiều báu, có năm trăm ức lầu gác bằng báu. Trong những lầu gác ấy, có không biết bao nhiêu người trời trổi nhạc trời; lại có những nhạc khí treo trên hư không, như chuông báu cõi trời như trống không cần đánh mà vẫn kêu. Các thứ tiếng nhạc, chuông, trống ấy đều nói lên tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ khưu Tăng. Tưởng này mà thành rồi, thì gọi là sơ thấy cây báu, đất báu, ao báu của Thế giới Cực Lạc. Đó là phép quán tưởng tổng quát, gọi là phép quán thứ sáu.
Quán tưởng mà thấy được như thế, thì trừ được những nghiệp ác nặng nhất của vô lượng ức kiếp, rồi sau khi mạng chung, ắt sanh về nước kia (Thế giới Cực Lạc). Tập phép quán này, gọi là Chánh quán. Không thấy như thế mà thấy khác, đó là Tà quán.
PHÉP QUÁN THỨ BẢY
Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Hãy nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ, và khéo suy ngẫm lời ta! Phật sẽ vì chúng ngươi mà phân biệt, giải nói phép trừ khổ não. Hai ngươi nên nhớ giữ để rộng vì đại chúng mà phân biệt giải nói.
Lúc Đức Thích Ca nói, Phật Vô Lượng Thọ (hiện ra) đứng sững trên không, hai bên tay trái, tay mặt có hai Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế chí đứng hầu, hào quang rực rỡ, không thể thấy hết, trăm ngàn màu sắc của vàng Diêm phù đàn không thể đem so sánh.
Khi ấy, bà Vi Đề Hy sau khi thấy Phật Vô Lượng Thọ, bèn sụp xuống ôm chân làm lễ bạch Đức Thích Ca rằng: Bạch Thế Tôn ! Tôi nay nhờ sức Phật cho nên mới thấy được Phật Vô Lượng Thọ cùng hai vị Bồ tát. Còn chúng sanh trong vị lai làm thế nào để được thất Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ tát?
Đức Phật (Thích Ca) bảo bà Vi Đề Hy: Muốn thấy Phật Vô Lượng Thọ, thì nên khởi tưởng niệm như thế này: tưởng thấy đất bằng bảy báu, trên đất ấy, tưởng thấy hoa sen, tưởng thế nào, cho thấy mỗi lá của hoa sen có trăm sắc báu và 8 muôn bốn ngàn gân, (đẹp) như những bức tranh trên Thiên cung! Mỗi gân có 8 muôn ngàn ánh sáng, mỗi mỗi rõ ràng, đều phải thấy cho được. Những hoa, lá nhỏ nhất cũng rộng lớn như hai trăm năm mươi do tuần vuông. Những hoa sen ấy có 8 muôn 4 ngàn lá, mỗi kẽ lá có trăm ức ngọc ma ni tốt nhất trang sức bằng ánh sáng phản chiếu. Mỗi mỗi ma ni phóng ngàn tia sáng, hình như chiếc lọng, do bảy báu hợp thành, khắp che mặt đất. Đài của lọng ấy bằng báu thích ca tỳ lăng gia. Đài liên hoa ấy có những dây leo tòng teng, kết bằng kim cương 8 vạn hột, bằng những báu Kiện thúc ca, Phạm ma ni, Diệu chân châu. Trên đài ấy, tự nhiên có 4 cây cờ báu, mỗi mỗi cờ báu như trăm ngàn vạn ức núi Tu Di. Trên những cờ báu, có lá màng báu, như cung trời Dạ Ma, ánh sáng bởi năm trăm ức báu châu mầu nhiệm. Mỗi mỗi báu châu có 8 muôn 4 ngàn tia sáng, mỗi mỗi tia sáng có 8 muôn 4 ngàn sắc vàng khác loại; mỗi mỗi sắc vàng lan khắp đất báu, nơi nơi biến hóa, thành những tướng khác nhau, hoặc thành đài Kim cương, hoặc thành lưới chân châu, hoặc thành mây đủ thứ hoa. Tuỳ ý biến hiện như thế trong mười phương, rộng làm Phật sự. Ấy là phép quán tưởng Tòa Hoa, gọi là phép quán thứ bảy.
Phật bảo A Nan: Đài Diệu hoa ấy do bản nguyện lực của Pháp Tạng Tỳ khưu mà thành. Nếu muốn nghĩ tưởng đến Phật Vô Lượng Thọ, trước nên tưởng tượng Tòa Hoa. Trong lúc tưởng như thế, không được thấy lộn xộn mà nên chỉ thấy Tòa Hoa mà thôi. Mỗi lá cây, mỗi viên ngọc, mỗi tia sáng, mỗi đài, mỗi cờ, đều phải thấy một cách rõ ràng, như soi gương tự thấy mặt mình vậy. Thứ quán tưởng này mà thành tựu thì diệt trừ được tội nghiệp của 5 muôn kiếp sanh tử và nhất định sẽ sanh về thế giới Cực Lạc. Tưởng tượng mà thấy như thế gọi là Quán chân chánh, bằng thấy khác, là tà quán.
Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Thấy những sự vừa kể xong, kế nên tưởng tượng Phật. Tại sao thế? Chư Phật Như Lai là thân của pháp giới, nhập vào tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Bởi vậy trong lúc các ngươi tâm tưởng Phật, thì tâm ấy là 32 tướng tốt 80 tướng phụ; thì tâm ấy làm Phật, thì tâm ấy là Phật. Cái biển biết chân chánh, rộng khắp của chư Phật từ tâm tưởng mà sanh ra. Vì vậy nên một tâm buộc niệm, quán kỷ chư Phật Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri.
Ai quán tưởng Phật, trước nên tưởng hình Phật. Dầu nhắm mắt, dầu mở mắt, phải thấy một tượng báu màu vàng như vàng Diêm phù đàn, ngồi trên Tòa Hoa. Thấy tượng Phật ngồi xong, mắt tâm được khai hết sức rõ ràng, thấy được thế giới Cực Lạc, bảy báu trang nghiêm, đất báu, ao báu, cây báu ngang hàng, màng háu cõi trời phủ lên trên; những lưới nhiều báu đầy khắp hư không. Phải thấy những sự ấy hết sức rõ ràng, như thấy trong bàn tay vậy. Thấy như thế xong, kế nêntạo bằng tưởng tượng một hoa sen lớn bên phía trái của Phật, giống như hoa sen trước, không khác chỗ nào. Lại tạo bằng tưởng tượng một hoa sen lớn khác bên tay mặt của Phật. Rồi tưởng tượng một Bồ tát Quán Thế Âm, ngồi trên tòa sen phía tả, cũng phóng hào quang màu vàng ròng như trước, không khác; rồi tưởng tượng một Bồ tát Đại Thế Chí, ngồi trên tòa sen phía mặt Phật. Tưởng như thế thành rồi, tượng Phật và tượng Bồ tát đều phóng tia sáng; tia sáng ấy màu vàng ròng, soi các cây báu; dưới mỗi cây, lại có ba hoa sen, trên mỗi hoa có một tượng Phật và hai tượng Bồ tát đầy khắp nước ấy. Tưởn này thành rồi, hành giả sẽ nghe nước chảy, ánh sáng cùng tiếng thuyết diệu pháp của cây báu, của chim phù, chim ưng, chim uyên ương. Lúc xuất định, lúc nhập định luôn nghe pháp mầu. Những gì hành giả nghe thấy, thì trong lúc xuất định, nhớ giữ không bỏ, khiến cho hợp với thánh giáo. Nếu hợp, thì gọi là thấy sơ cảnh Cực Lạc Thế giới. Đây là phép quán tưởng về hình tượng. Làm phép quán này thì trừ được tội lỗi trong vê lượng ức kiếp, còn ngay đời hiện tại, được cái định do niệm Phật mà thành (gọi là niệm Phật tam muội).
Đức Phật bảo A Nan và bà Vi Đề Hy: Thứ tưởng vừa nói thành rồi, kế nên quán tưởng Phật Vô Lượng Thọ, thân tướng sáng ngời. A Nan nên biết: thân Phật Vô Lượng Thọ như trăm ngàn ức vàng Diêm Phù đàn của cõi trời Dạ Ma. Thân Phật cao sáu mươi vạn ức na do tha, hằng sa do tuần. Tia sáng trắng giữa đôi lông mày quay tròn từ mặt qua trái, như năm núi Tu Di. Mắt Phật như nước của bốn biển lớn, xanh trắng phân minh. Lỗ chân lông của thân, làm phát ra những tia sáng như núi Tu Di. Ánh sáng tròn đầy của Phật như trăm ức ba ngàn đại thiên thế giới; trong ánh sáng hoàn toàn ấy có trăm muôn ức na do tha hóa Phật nhiều như cát sông Hằng; mỗi mỗi hóa Phật lại có rất nhiều vô số hóa Bồ tát làm người hầu hạ (thị giả). Phật Vô Lượng Thọ có tám muôn bốn ngàn tướng, mỗi mỗi mỗi tướng có tám muôn bốn ngàn “tùy hình” tốt đẹp; mỗi mỗi “tùy hình” đẹp lại có tám muôn bốn ngàn ánh sáng; mỗi mỗi ánh sáng khắp soi mười phương thế giới chúng sinh một lòng niệm Phật không rời.
Không làm sao nói cho cùng được về những ánh sáng, những tướng tốt, những tùy hình và những hóa Phật ấy, chỉ nên ức tưởng để cho “mắt tâm” xem thấy. Thấy được tất cả những sự ấy, tức thấy tất cả mười phương chư Phật. Bởi đã thấy được chư Phật cho nên gọi là “niệm Phật tam muội".
Phép quán này gọi là “quán tất cả thân Phật”. Một khi đã thấy thân Phật rồi, sẽ thấy tâm Phật. Phật tâm là Đại Từ bi vậy. Dùng “vô duyên từ” mà núm lấy tất cả chúng sinh. Ai làm được phép quán này, sau khi bỏ thân, sanh sang đời mới, trước mặt chư Phật, được “vô sinh nhẫn”. Bởi vậy, ai là người trí, nên cột tâm mình, cố thấy rõ Phật Vô Lượng Thọ.
Muốn quán Phật Vô Lượng Thọ, phải bắt đầu từ chỗ quán một tướng tốt mà đi, như chỉ quán cho thực rõ ràng chòm lông trắng giữa đôi chân mày. Thấy được chòm lông này là tám muôn bốn ngàn tướng tốt và tùy hình sẽ tự nhiên hiện ra.
Thấy được Phật Vô Lượng Thọ là thấy chư Phật không kể xiết trong mười phương. Nhờ thấy được vô lượng chư Phật nên chư Phật hiện ra trước mặt thọ ký cho. Đó là quán tưởng khắp tất cả sắc thân tướng, gọi là phép quán thứ chín. Quán tưởng được như vậy là lối quán chân chánh, bằng quán khác gọi là tà quán.
PHÉP QUÁN THỨ MƯỜI
Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Sau khi thấy Phật Vô Lượng Thọ một cách rõ ràng rồi, kế nên quán tưởng Bồ tát Quán Thế Âm.
Thân của Bồ tát này dài đến tám mươi vạn ức na do tha tuần, sắc màu vàng tía, trên đỉnh đầy có cục thị lồi, sau cổ có một vừng sáng tròn, mỗi mặt trăm ngàn do tuần. Trong vừng sáng tròn ấy, có 500 hóa Phật như Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi mỗi hóa Phật có 500 hóa Bồ tát, vô lượng chư Thiên làm thị giả. Thân ấy mà động thì trong ánh hào quang, tất cả sắc tướng của chúng sinh năm nẻo đều hiện ra. Đỉnh đầu Bồ tát đội mão trời bằng bảy báu tỳ lăng già và ma ni. Trong mão trời ấy, đứng sững một hóa Phật cao 25 do tuần. Mặt Bồ tát Quán Thế Âm như vàng Diêm Phù đàn, chòm lông giữa đôi chân mày chứa đủ bảy báu làm phát xuất ra tám muôn bốn ngàn thứ ánh sáng; trong mỗi mỗi tia sáng có vô lượng vô số trăm ngàn hóa Phật. Mỗi mỗi hóa Phật có vô số hóa Bồ tát đứng hầu, các Bồ tát này biến hiện tự tại, đầy khắp mười phương thế giới, tỷ như hoa sen đỏ. Có tám mươi ức ánh sáng làm ngọc anh lạc, trong các anh lạc ấy hiện bày tất cả những sự trang nghiêm. Bàn tay làm ra năm trăm ức hoa sen đủ màu. Mười ngón của hai bàn tay đều ngay thẳng; mỗi ngón có tám muôn bốn ngàn nét đẹp như in; mỗi nét đẹp có tám muôn bốn ngàn ánh sáng. Ánh sáng này mềm mại, khắp soi tất cả. Bồ tát dùng tay báu này mà dìu dắt chúng sinh. Bồ tát cất chân lên là dưới chân có ngàn tướng bánh xe tự nhiên hóa thành năm trăm đài ánh sáng. Lúc Bồ tát để chân xuống, thì hoa kim cang ma ni rải phủ lên tất cả, không đâu là không tràn đầy. Các phần khác của thân tướng Bồ tát cũng tốt đẹp đầy đủ như thân Phật, trừ cái nhục kê trên đỉnh đầu và tướng không thấy được ở sau cổ thì không bằng của đức Thế Tôn. Quán tưởng như thế là quán tưởng sắc thân chân thật của Bồ tát Quán Thế Âm, gọi là phép quán thứ mười.
Phật bảo A Nan, nếu muốn tưởng thấy Bồ tát Quán Thế Âm thì nên quán tưởng như thế. Ai quán tưởng Quán Thế Âm thì không gặp tai họa, thanh trừ nghiệp chướng, luôn cả những tội của vô số kiếp sanh tử. Như Bồ tát Quán Thế Âm đây, chỉ nghe được danh hiệu của ngài là được vô lượng phước, hà huống thấy rõ tướng ngài. Nếu muốn quán tưởng Bồ tát Quán Thế Âm nên trước quán “nhục kê" trên đỉnh đầu, kế quán “thiên quan” (mão trời), còn gia dư các tướng khác thi tuần tự mà quán cho thấy rõ ràng như bàn tay trước mắt. Quán được như thế là chánh quán bằng quán thấy gì khác là tà quán.
PHÉP QUÁN THỨ MƯỜI MỘT
Kế đó nên quán tưởng Bồ tát Đại Thế Chí. Thân Bồ tát này ước lượng nhỏ lớn như thân Bồ tát Quán Thế Âm. Mỗi mặt của ánh sáng tròn rộng 26 do tuần soi đến 250 do tuần. Thân ấy cử động là ánh sáng chiếu soi mười phương quốc độ, lóng lánh sắc vàng tía mà chúng sinh hữu duyên đều được trông thấy. Chỉ thấy được một ánh sáng chân lông của Bồ tát là thấy được ánh sáng tịnh dịêu của mười phương chư Phật. Vì lẽ này nên đặt cho Bồ tát cái hiệu là “Vô biên Quang” (Ánh sáng không bờ bến). Lấy ánh sáng trí huệ chiếu khắp tất cả, khiến lìa ba cõi, được sức mạnh không gì hơn, vì vậy cho nên gọi Bồ tát là Đại Thế Chí (có thế lực lớn).
Mão trời của Bồ tát có 500 hoa báu, mỗi hoa báu có 500 đài báu, trong mỗi đài hiện ra tướng rộng lớn cõi tịnh diệu của mười phương chư Phật. Nhục kế trên đỉnh đầu như hoa Bát đầu ma; trên nhục kế có một chiếc bình đựng nhiều ánh sáng làm hiện bày Phật sự khắp nơi. Gia dư bao nhiêu tướng khác của thân giống như của Bồ tát Quán Thế Âm, không có gì khác.
Lúc Bồ tát đi thì mười phương thế giới tất cả đều chấn động. Trong lúc bất động có 500 ức hoa báu, mỗi hoa trang nghiêm cao hiển như thế giới Cực Lạc. Lúc Bồ tát ngồi thì các cõi “bảy báu" đồng thời dao động. Từ cõi của Phật Kim Quang ở phương dưới cho đến cõi của Phật Quang Minh ở phương trên, vô lượng số bụi, do sự phân thân của Phật Vô Lượng Thọ, của Quán Thế Âm, của Đại Thế Chí, đều tụ họp lại như mây trên đất Cực Lạc, làm bít cả không gian. Các phân thân (Phật và Bồ tát ấy) ngồi trên đài sen, giảng nói pháp mầu độ khổ chúng sinh.
Tưởng tượng mà thấy được như thế, gọi là Chánh quán, bằng thấy khác, gọi là Tà quán. Thấy Bồ tát, Đại Thế Chí, đó là quán tưởng sắc thân của Đại Thế Chí, gọi là phép quán thứ mười một. Quán Bồ tát Đại Thế Chí thì trừ được tội lỗi của a tăng kỳ sinh tử trong vô lượng kiếp. Người làm phép quán này, không ở trong bào thai mà thường dạo chơi trong nước trong sạch và nhiệm mầu của chư Phật. Phép quán này thành thục rồi, thì gọi là “Quán cụ túc Quán Thế Âm Đại Thế Chí”.
(trích tạp chí Từ Quang số 138-139,
tháng 2-3 năm 1964, tr.81-92)
Lúc thấy những sự vừa kể, nên khởi nơi lòng mình cái tưởng sanh về Thế giới Cực Lạc phương Tây, trong hoa báu, xếp chân ngồi kiết già, tưởng tượng hoa sen búp, tưởng tượng hoa sen nở. Lúc hoa nở, thế thấy có 500 sắc hào quang đến soi thân tưởng tượng của mình. (Kế đó) tưởng tượng đôi mắt mở ra, thấy Phật và Bồ tát đầy trong hư không; nước, chim, rừng cây cùng chư Phật đều phát ra âm thanh, diễn nói phép mầu, họp với 12 bộ kinh, rồi đến khi xuất định, nhớ giữ không mất.
Thấy những sự ấy, gọi là thấy Phật Vô Lượng Thọ Cực Lạc Thế Giới. Đó là phép quán tưởng khắp cả, gọi là phép quán thứ 12, phải Vô Lượng Thọ hóa thân ra vô số cùng với Quán Thế Âm và Đại Thế Chí thường đến tại nơi hành phép quán.
PHÉP QUÁN THỨ MƯỜI BA
Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Nếu là người chí tâm sanh về Tây phương, trước nên quán tưởng cốt Phật cao một trượng sáu đứng trên mặt nước ao báu. Như trước đã nói, thân của Phật Vô Lượng Thọ không sao đo lường được, vì vậy không thể lấy tâm phàm mà lường được. tuy nhiên, nhờ sức nguyện xưa của Phật Vô Lượng Thọ mà kẻ nào nhớ tưởng đến Phật, sẽ thành tựu trong phép quán tưởng vừa nói. Chỉ nội việc quán tưởng cốt Phật còn được vô lượng phước, hà huống quán tưởng thân tướng đầy đủ của Phật. Phật A Di Đà, thần thông như ý,vì vậy cho nên trong các cõi mười phương. Phật tự tại biến, hiện. Hoặc hiện ra thân lớn đầy khắp hư không, hoặc hiện ra thân nhỏ một trượng, sáu hay tám thước. Những hình Phật hiện ra đều có sắc vàng chân thật, còn cái vòng ánh sáng tròn trong có hóa Phật cùng hoa sen báu đều y như trước đã nói. Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí, dầu ở nơi nào, thân đều đồng như nhau. Chúng sinh chỉ quán tưởng được tướng của cái đầu là biết được đây là Quán Thế Âm, là biết được đây là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ tát này giúp Phật A Di Đà khắp hóa độ tất cả. Đây là phép quán tưởng “Tạp”, gọi là phép quán thứ mười ba.
PHÉP QUÁN THỨ MƯỜI BỐN
Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Đây là cấp cao, thuộc bậc cao của những người sanh sang Cực Lạc. Nếu có chúng sanh nào phát nguyện sanh về nước Phật Vô Lượng Thọ mà phát được ba thứ tâm, thì sẽ có điều kiện để vãng sanh. Ba thứ tâm đó là gì? Một là lòng chí thành, hai là lòng tin sâu, ba là lòng phát nguyện “hồi hướng”. Ai có đầy đủ ba tâm ấy, ắt sanh về nước Cực Lạc. Lại có ba thứ chúng sanh đáng được vãng sanh. Ba thứ đó là gì? Một là lòng từ không sát sinh và đầy đủ giới hạnh; hai là đọc tụng kinh điển phương đẳng của Đại thừa; ba là tu hành “sáu niệm” hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh về Tây phương. Đầy đủ những công đức ấy từ một cho đến bảy ngày, ắt được vãng sanh. Lúc sanh về nước kia thì người ấy, nhờ tinh tấn dũng mãnh, sẽ được Phật A Di Đà với hai Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, cùng vô số hóa Phật, trăm ngàn Tỳ Khưu, đại chúng Thanh văn, vô số chư Thiên, cung điện bảy báu, Bồ tát Quán Thế Âm cầm đài kim cang cùng Bồ tát Đại Thế Chí, đến trước hành giả (người tu hành). Phật A Di Đà phóng ánh sáng lớn, soi thân hành giả, cùng chư Bồ tát đưa tay nghinh tiếp. Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cùng vô số Bồ tát khen tặng hành giả, khuyến tấn tâm người ấy. Người tu hành thấy xong, vui mừng nhảy nhót,tự thấy mình cỡi đài kim cang, theo sau chư Phật, nhanh như khảy móng tay, sanh sang nước ấy (Cực Lạc). Sanh về nước ấy rồi thấy các tướng đầy đủ của thân Phật A Di Đà, thấy sắc tướng đầy đủ của chư Bồ tát, thấy ánh sáng rừng báu, nghe diễn thuyết diệu pháp. Nghe xong là tỉnh ngộ lý - thể “vô sanh pháp nhẫn”. Giây lát sau, (hành giả) đã phụng sự xong chư Phật khắp mười phương thế giới. Trước mặt chư Phật, (hành giả) lần lượt được thọ ký, rồi trở về nước mình, được vô lượng trăm ngàn pháp môn “đà la ni". Ấy gọi “thượng phẩm thượng sanh” (cấp cao của bậc cao).
Đây là cấp trung của bậc cao (thượng phẩm trung sanh). Không cần nhận giữ, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khéo giải ý thú của kinh, miễn đối với “nghĩa thứ nhất (Chân lý), tâm không kinh động, tin sâu nhân quả, không dèm Đại thừa, lấy công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về Cực Lạc (là được). Người tu được hạnh ấy, lúc mạng sắp chấm dứt, Phật A Di Đà cùng Quán Âm, Thế Chí, vô lượng Thanh văn quyến thuộc bao vây, cầm đài vàng tía đến nơi người tu hành, khen rằng: “Pháp tử! Người hành Đại thừa, giải nghĩa thứ nhất vì vậy nên nay ta đến nghinh tiếp ngươi. Rồi cùng ngàn hóa Phật đồng thời đưa tay cho (hành giả). Hành giả tự thấy ngồi đài vàng tía, chắp tay xá chào và ngợi khen chư Phật. Như trong khoảng một niệm (tư tưởng), liền sanh sang nước kia (Cực Lạc). Trong ao bảy báu, đài vàng tía, như một hoa báu lớn, đã trải qua một đêm nảy nở ra. Thân của hành giả thành vàng “tử ma", dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Phật A Di Đà và chư Bồ tát đồng thời phóng ánh sáng, soi thân hành giả, mở sáng mắt hành giả. Nhân vì đời trước đã quen, hành giả nghe được các thứ tiếng khắp nơi thuần nói chân lý thâm diệu. (Nghe rồi) liền xuống đài vàng, lễ Phật, chắp tay xưng tụng Thế tôn, suốt bảy ngày như vậy, thì đúng lúc ắt được không thối bước chuyển tâm trên đường tâm vô thượng chánh giác; thì đúng lúc, ắt có khả năng bay đi khắp mười phương phụng sự chư Phật. Nơi chư Phật ở, tu các phép định, trải qua một tiểu kiếp, được “vô sanh pháp nhẫn”, được thọ ký ngay đây, ấy gọi là “sanh về cấp trung của bậc cao" vậy.
“Sanh về cấp hạ của bậc cao" là cũng tin nhân quả, không phỉ báng Đại thừa, chỉ phát tâm “vô thượng đạo", lấy công đức ấy mà xoay hướng nguyện cầu về nước Cực Lạc. Hành giả, đến giờ mạng chung, Phật A Di Đà cùng Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cùng các quyến thuộc, cầm hoa sen vàng, hóa làm 50 hóa Phật, đến đón rước người ấy. Năm trăm hóa Phật đồng thời nắm tay (hành giả) khen ngợi rằng: “Pháp tử! ngươi nay thanh tịnh, phát tâm vô thượng đạo” ta tới rước ngươi. Lúc thấy sự này, ắt tự thấy thân ngồi trên hoa sen vàng: ngồi xong là hoa khép lại, theo sau đức thế Tôn, ắt được sanh sang trong ao bảy báu; một ngày một đêm,hoa sen nở ra; trong bảy ngày như vậy, bèn được thấy Phật. Tuy thấy thân Phật, nhưng các tướng tốt, tâm không rõ ràng. Sau 21 ngày (tam thất), mới thấy tỏ rõ, nghe các thứ tiếng đều nói lên pháp mầu; dạo qua mười phương, cúng dường chư Phật, nghe pháp rất sâu. Trải qua ba tiểu kiếp, được trăm “pháp minh môn”, ở trong đất hoan hỷ. Ấy gọi “sanh về cấp dưới của bậc cao" ấy gọi phép quán tưởng sanh về Cực Lạc của bậc thượng (thượng bối sanh tưởng), là quán tưởng thứ mười bốn.
Sanh về cấp cao trong bậc trung”. Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Sanh về cấp cao trong bậc trung là: nếu có chúng sanh lãnh giữ năm, giữ “bát quan trai giới", tu hành các giới,chẳng tạo năm tội lớn (ngũ nghịch), không lầm không lo, dùng căn lành ấy, xoay hướng nguyện cầu sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây, đến lúc mạng chung, Phật A Di Đà cùng chư Tỳ khưu và quyến thuộc vây quanh, phóng ánh sáng màu vàng tới nơi người ấy, diễn thuyết lý “Khổ”, “Không”, “Vô thường”, “Vô ngã”, khen ngợi bậc xuất gia, lìa được mọi khổ. Hành giả thấy xong, tâm vui mừng to, tự thấy thân mình ngồi đài hoa sen, quỳ mọp chắp tay làm lễ Phật; chưa ngước đầu lên là được sanh sang thế giới Cực Lạc. Hoa sen tiếp nở. Lúc hoa đang nở, nghe các thứ âm thanh khen ngợi “Tứ đế”, ngay lúc ấy liền được đạo A la hán, ba minh, sáu thông, đầu đủ tám giải thoát. Ấy gọi “sanh về bậc cao cập giữa".
“Sanh về cấp trung bậc trung” là: nếu có chúng sanh hoặc trong một ngày một đêm, lãnh giữ “bát giới" trai"; hoặc trong một ngày một đêm, giữ giới sa di, hoặc trong một ngày một đêm giữ cụ tục giới, uy nghi chẳng thiếu, dùng công đức ấy, xoay hướng nguyện cầu sanh về nước Cực Lạc, lấy hương giới xông ướp người tu hành như thế, khi mạng sắp chấm dứt, thấy Phật A Di Đà cùng các quyến thuộc, phóng ánh sáng vàng, tay cầm hoa sen bảy báu đến trước hành giả. Hành giả tự nghe trong không trung có tiếng khen nói: “Thiện nam tử! Người lành như ngươi là vì đã tuỳ thuận lời dạy của ba đời chư Phật. Ta nay đến đón ngươi”. Hành giả tự thấy ngồi trên hoa sen, hoa bèn khép lại, sanh nơi thế giới Cực Lạc phương Tây, nơi ao thất bảo. Trải qua bảy ngày, hoa sen bèn nở, hao đã nở rồi, hành giả mở mắt chắp tay, khen ngợi Thế Tôn, nghe pháp vui vẻ, được Tư đà hoàn. Rồi trải qua nửa kiếp, thành A la hán. Ấy gọi “sanh về cấp trung bậc trung”.
“Sanh về cấp dưới bậc trung” là: nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân hiếu dưỡng cha mẹ, ở đời nhân từ, lại khi mạng chung gặp được thiện tri thức, vì mình mà rộng nói cảnh vui sướng ở nước Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của Tỳ khưu Pháp Tạng, thì sau khi nghe rõ, tiếp đến là giờ lâm chung, người ấy, nhanh như chàng tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây, Sanh quá bảy ngày rồi, gặp Bồ tát Quán Thế Âm cùng Bồ tát Đại Thế Chí, nghe pháp vui mừng. Trải qua một tiểu kiếp, thành A la hán. Ấy gọi “sanh về cấp dưới bậc trung, ậy gọi" phép quán tưởng vãng sanh của bọn hạng trung”, gọi là “pháp quán tưởng thứ 15”.
“Sanh về cấp cao bậc hạ” Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Sanh về cấp cao của bậc hạ là: hoặc có chúng sanh làm mọi ác nghiệp tuy không phỉ báng kinh điển Đại thừa, nhưng hạng ngu muội ấy tạo nhiều điều ác mà chẳng biết hổ thẹn. Khi mang sắp dứt, gặp thiện tri thức vì người ấy mà khen ngợi tên tựa của 12 bộ kinh Đại thừa, nhờ nghe được như vậy mà trừ khử được những ác nghiệp nặng nề hơn hết trong ngàn kiếp. Người trí còn dạy thêm cho biết chắp tay xưng “Nam mô A Di Đà Phật”. Nhờ xưng danh Phật mà trừ được tội lỗi của 50 kiếp sanh tử. Lúc bấy giờ Phật A Di Đà liền khiến các vị hóa Phật hóa ra Bồ tát Quán Thế Âm, hóa ra Đại Thế Chí đến trước hành giả mà khen nói rằng: “Thiện nam tử!” Vì nhà ngươi xưng danh Phật, các tội tiêu diệt, nên ta đến rước ngươi đây". Bồ tát nói mấy lời ấy xong, hành giả liền thấy ánh sáng của hóa Phật tràn đầy nhà mình. Thấy xong, lòng rất vui mừng, tức thời mạng chung, cởi hoa sen báu, theo sau hóa Phật sanh về ao bảy báu. Trải qua 49 ngày, hoa sen bèn nở. Lúc hoa đang nở, Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm cùng Bồ tát Đại Thế Chí, phóng hào quang lớn trụ tại trước mặt hành giả, thuyết cho nghe 12 bộ Kinh rất thâm. Nghe xong, hành giả tin, hiểu, phát tâm cầu Đạo Vô thượng. Trải 10 tiểu kiếp, đủ trăm pháp “minh môn” được vào “sơ địa". Ấy gọi “sanh về cấp cao của bậc hạ”, được nghe danh Phật, danh Pháp, danh Tăng, nghe danh Tam Bảo, ắt được vãng sanh.
“Sanh về cấp trung bậc hạ”. Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Sanh về cấp trung của bậc hạ là: hoặc có chúng sanh hủy phạm 5 giới, 8 giới cho đến Cụ túc giới, người ngu như vậy ăn cắp đồ của Tăng kỳ (đại chúng), ăn trộm đồ của chư Tăng hiện tiền, thuyết pháp chẳng thanh tịnh, chẳng biết hổ thẹn, lấy các nghiệp dữ mà trau mình, những người tội lỗi như thế, vì tạo nghiệp dữ, đáng sa địa ngục. Khi gần mạng chung, các thứ lửa của địa ngục đồng đến một lúc. (Nếu may) gặp người thiện tri thức, lấy lòng đại từ đại bi thuyết cho nghe 10 sức mạnh uy đức của Phật A Di Đà; nói rộng thần lực ánh sáng của Phật A Di Đà, lại khen ngơi Giới, Định, Huệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Người sắp chết nghe xong, trừ được tội lỗi của tám mươi ức kiếp sanh tử. Lửa hừng của địa ngục hóa thành gió mát trong sạch, thổi vào hoa trời. Trên các hoa trời ấy, chư hóa Phật, Bồ tát hiện ra đón rước người ấy và, trong khoảng một niệm, người ấy được vãng sanh về sao thất bảo, trong giữa hoa sen. Trải qua sáu kiếp, hoa sen bèn nở. Lúc hoa đang nở, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, dùng âm thanh của Phạm thiên, an ủi người ấy, vì người ấy thuyết kinh điển thậm thâm của Đại thừa. Nghe pháp xong rồi, ngay lúc ấy liền phát tâm cầu Vô thượng đạo. Ấy gọi “sanh về cấp trung của bậc hạ”.
Sanh về cấp hạ trong bậc hạ. - Phật bảo A Nan cùng bà Vi Đề Hy: Sanh về cấp hạ trong bậc hạ là, như có chúng sanh làm nghiệp chẳng thiện, phạm năm trọng tội, mười điều ác, đủ mọi việc chẳng thiện, thì người ngu như thế, lấy ác nghiệp mà xét, đáng rơi vào nẻo ác, trải qua nhiều kiếp thọ khổ vô cùng. Tới lúc mạng chung, người ngu ấy gặp được bạn lành an ủi mọi điều, nó cho nghe phép mầu, dạy cho tưởng Phật, (nhưng) người ngu bị khổ bức bách, không rảnh mà tưởng Phật. Người bạn lành bảo: “Như tưởng Phật không được thì nên xưng danh Phật Vô Lượng Thọ”. Người ngu chí tâm liên tiếp, tiếng không đứt đoạn, niệm đủ 10 lần “Nam mô A Di Đà Phật”. Vì xưng danh Phật cho nên trong mỗi tư tưởng, trừ được tội lỗi của tám mươi ức kiếp sanh tử. Đến lúc mạng chung, người ấy thấy hoa sen bằng vàng, giống như mặt trời tròn, ở yên trước mắt. Trong một khoảng ngắn tư tưởng, người ấy vãng sanh về Cực Lạc thế giới, ở trong hoa sen. Trót 12 đại kiếp, hoa sen mới mở, thấy Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dùng tiếng đại bi, vì mình mà nói rộng các pháp Thực tướng, pháp trừ diệt tội lỗi. Nghe rồi vui mừng, liền lúc ấy phát tâm bồ đề. Đó là sanh về hạ cấp trong bậc hạ, ấy gọi phép quán tưởng vãng sanh của hạng người thấp, gọi là phép quán tưởng thứ 16
Trong lúc Phật nói mấy lời này, Bà Vi Đề Hy và 500 thị nữ, nghe lời Phật nói liền được thấy ngay tướng rộng lớn của thế giới Cực Lạc, được thấy thân Phật cùng hai vị Bồ tát, tâm sanh vui mừng, khen là được “cái chưa từng có”. Bà Vi Đề Hy đột nhiên thức tỉnh, được “vô sanh pháp nhẫn”, còn 500 thị nữ thì phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, nguyện sanh về nước Phật A Di Đà.
Đức Thế Tôn thọ ký cho hết thảy về sau được vãng sanh. Sanh về nước ấy rồi, được chánh định “chư Phật hiện tiền”. Chư Thiên vô lượng phát tâm cầu Đạo Vô thượng.
Lúc ấy, A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trước bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nên gọi kinh này là Quán Cực Lạc quốc độ, Vô Lượng Thọ Phật, Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát”. Cũng gọi là “Tịnh trừ nghiệp chướng, sanh chư Phật tiền”. Người ta nên lãnh giữ, không nên quên mất. Hành được định này thì ngay ở thân này, được thấy Phật Vô Lượng Thọ cùng hai Đại sĩ (Bồ tát). Trai lành gái tốt nào mà chỉ nghe được danh hiệu của Phật và hai vị Bồ tát cũng đủ tiêu trừ tội lỗi của vô lượng kiếp sanh tử, hà huống nhớ tưởng đến các Ngài.
Hễ là người niệm Phật, nên biết người ấy là đóa hoa “Phần đà lị” trong vườn nhân loại, Bồ tát Quán Thế Âm và Thế Chị là bạn tốt của người ấy; người ấy sẽ ngồi nơi Đạo tràng và sanh về nhà chư Phật”.
Phật bảo A Nan: “Ngươi nên giữ kỹ lời nói này. Giữ kỹ lời nói này là giữ chặt danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ”.
Lúc Phật nói mấy lời này, tôn giả Mục Kiền Liên, A Nan cùng bà Vi Đề Hy, v.v… nghe những điều Phật nói, đều hết sức vui mừng.
Bấy giờ Thế Tôn, chân đi trên hư không, trở về núi Kỳ Xà Quật. Khi ấy A Nan rộng vì đại chúng, nói cho nghe những sự việc đã kể ở phía trước.
Vô lượng chư Thiên, cùng Long vương. Dạ xoa, nghe những gì Phật nói, đều hết sức vui mừng, lễ Phật rồi lui về.