III. KẾT LUẬN
-
Người đời phải gặp cảnh thật là ngang trái nát lòng như cảnh con muốn giết mẹ, trường hợp bà Vi Đề Hy chẳng hạn, mới thấy được cái đen tối, ưu sầu, dơ, bẩn của thế gian và chán nản mà nghĩ tới sự giải thoát (hướng về Phật). Có nghĩ tới sự giải thoát, là có giải thoát, là có giác ngộ (gặp Phật).
- Gặp Phật, Phật phóng quang có nghĩa là phải tự phát khai trí huệ mà tùy khả năng lựa chọn phương pháp giải thoát:
- Những cõi do bảy báu hợp thành (ám chỉ phương pháp tu lập công đức).
- Những cõi thuần bằng hoa sen (ám chỉ phương pháp tu thanh tịnh).
- Những cõi vui sướng như Tự tại Thiên cung (ám chỉ phương pháp cởi mở triền phược để được tự tại vô ngại)
- Những cõi thông suốt như kính pha lê (ám chỉ phương pháp tu huệ).
Bà Vi Đề hy không thích những pháp môn lẻ tẻ đó mà cầu một phương pháp tổng hợp mà kinh quyền biến gọi là Cực Lạc thế giới của Phật A Di Đà.
3. Phật A Di Đà và thế giới của Ngài tuy nói rất xa, nhưng nếu “hệ niệm đế quán” thì “khử thử bất viễn”. Thật vậy, hệ niệm hay “trói cột tư tưởng” là định, đế quán hay “cố thấy bằng tâm trí” là huệ. Có định là có huệ. Hai cái này có thì tư tưởng, lời nói, việc làm (ba nghiệp) sẽ trong sạch (tịnh nghiệp thành giả), mà trong sạch là có giải thoát, giác ngộ.
4. Tu định huệ đại khái có hai lối: 1) tham thiền nhập định (méditation), dùng sức mạnh của sự tập trung tư tưởng mà xem xét trong tâm lẽ chân giả, cho đến chỗ thấy ngay (trực giác hay thực chứng = réaliser) cái Chân Thực; 2) rửa lòng giữ thân cho trong sạch (purification).
Lối chỉ trong Kinh này là lối thứ hai.
Trí huệ (sự sáng suốt) ai cũng có sẵn nơi mình, nhưng vì “tâm tưởng luy liệt (tâm tưởng yếu đuối), luôn bị ngoại cảnh cám dỗ, cái thấy không được trong rõ như bậc tu hành giải thoát (vị đắc thiên nhãn), cho nên không thấy xa hơn cái thế gian hữu tướng ô trược, tham bẩn này (bất đắc viễn quan).
Nay muốn thấy rõ, thấy đúng, Phật dạy phải “chuyên tâm cột niệm” vào một chỗ là tưởng tượng cảnh Tây phương. Tưởng cho đến thấy như thật (xin xem lại lời nói đầu).
Hai đường Thiền, Tịnh tuy khác, nhưng kết quả và hiệu lực giải thoát, giác ngộ gần bằng như nhau.
Giảng xong đêm 17 tháng 2 Nhâm Dần (22-3-62)
(trích tạp chí Từ Quang số 141, tháng 5 năm 1964, tr. 61-66)
HẾT