Quyển 3

Wednesday, 03 August 20164:02 PM(View: 5024)
Quyển 3
KINH MỤC LIÊN SÁM PHÁP
QUYỂN THỨ BA


Đệ tử chúng con, lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối. Kinh Diệt Tội nói: “Nếu chăm sám hối, diệt được tội nghiệp. Tại sao chỉ nói quán tâm lý trí, mới hay diệt nghiệp?”


Trong kinh giải thích hai cách sám hối: một là tâm mê, theo sự sám hối. Nghĩa là, đối trước tượng Phật, hành đạo lễ bái, tỏ bày sám hối, mong diệt tội chướng; hai là tâm sáng, theo Lý sám hối, nghĩa là quán sát thân tâm, cắt đứt phiền não, Năng Sở gây nghiệp, có nặng có nhẹ. Nếu là nghiệp nhẹ, theo Sự sám hối, có thể diệt hết, còn nếu nghiệp nặng, có thể chuyển được, biến nặng thành nhẹ. Nghĩa là lẽ ra nghiệp nặng, phải đọa ba đường, nhưng chuyển thành nhẹ, được sinh cõi người. Cho nên biết rằng, theo Sự sám hối, chuyển nặng thành nhẹ, nghiệp không thể hết là vì kiếp trước, gây nghiệp quá nặng, tâm thiện lại ít, sau ắt chịu báo.


Nay nói về Lý, không một vật gì, mình có thể được, nếu hiểu như thế, muôn pháp đều không, thân cần trong sạch, tâm không mê hoặc, không tạo ác nghiệp, nên không chịu báo, hăng hái tu hành, đạo nghiệp càng tăng. Như thế mới là phát tâm Bồ đề, rốt ráo cùng cực. Vì thế cho nên, những người có trí, nếu muốn tu tâm, muốn diệt tội nặng ba đường, phải học quán sát, theo Lý mà làm, mới mong mãi mãi xa lìa nẻo ác, đạt đến quả Phật.


Nhiếp luận nói ràng, nếu muốn lìa khổ, phải diệt vô minh, vô minh diệt rồi, thì hành cũng diệt, nếu hành đã diệt, thân tâm yên vui. Nếu hành lại sinh, tu đạo không rõ, thiện nghiệp chẳng thành, ác tâm càng mạnh. Bởi thế cho nên, bậc Tu Đà Hoàn không gây hoặc nghiệp, bậc A Na Hàm không chịu nghiệp báo, sinh nơi hạ giới. Lại nữa Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói rằng, nếu người có đủ mọi nghiệp ở nơi Dục giới, nhưng đã được quả A Na Hàm, thì chuyển được nghiệp kiếp sau mà chịu ngay ở đời hiện tại. La Hán cũng vậy. Vì thế nên biết, quán sát theo Lý mới thật sám hối.


Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thẩy nghiệp chướng đều do vọng tưởng, nếu muốn sám hối, hãy ngồi tĩnh tâm quán sát thực tướng”. Bởi thế chúng con, theo trong Kinh nói, trăm nghìn muôn kiếp, tạo nghiệp lâu dài, quán sát được một, đều tiêu diệt hết. Nếu các Phật tử, biết tính chúng sinh là tính niết bàn, thì những người ấy cùng cực giải thoát. Xét đến ngọn nguồn, nghiệp do điên đảo mà có, do vọng tưởng mà sinh, nhưng tâm tưởng ấy, cũng như luồng gió giữa chốn hư không, chẳng nơi nương tựa. Vì thế nên biết thiện hay là ác, đều do tâm tạo, khi chưa hiểu lý, mờ mịt không biết, nên mới gây nghiệp, đến sau rõ lý, tất cả tội trước, thẩy đều tiêu diệt. Lúc ấy mới biết, chẳng có tội gì để mà trừ diệt, chẳng có nghiệp gì để mà tạo tác, không còn chịu báo, cũng không luân chuyển.


Trong khi quán Lý, nên phải nghĩ rằng, tất cả nghiệp ác, vốn nó vắng lặng, cũng như Phật tính, đồng với chân như. Nhưng vì vô minh, ngăn ngại che lấp, nên không thể thấy, bởi vậy mới thường trước Phật, Bồ Tát, phạm trai phá giới, gây nên các tội thập ác, ngũ nghịch. Ví như trước Đạo Tràng này, tôn thờ tượng Phật, lễ bái cúng dàng, chợt có người mù, vì không trông thấy, bèn đứng trước Phật gây mọi nghiệp ác. Những người sáng mắt, thấy thế thương xót, mới bảo họ rằng, đây là Đạo Tràng, có thờ tượng Phật, tại sao đứng đây công khai tạo nghiệp? Người mù nghe rồi, xấu hổ sợ hãi, hối không kịp nữa. Liền ngay lúc đó, đứng trước đại chúng, cầu xin sám hối, bảo đại chúng rằng, vì tôi mù lòa, không thấy ánh sáng, không biết có Phật, tuy có chính nhân, nhưng không chính kiến. Nay nhờ thiện hữu chỉ bảo mới biết, xấu hổ sợ hãi, đã gây nên nghiệp, không thể nói hết.


Hiện tiền đại chúng, hãy đối trước Phật, cầu xin sám hối. Nguyện cầu chư Phật, thương xót tiếp thụ, diệt mọi tội cấu. Như người mù kia, nhờ người chỉ bảo, mới biết lỗi lầm, ăn năn sám hối. Chúng ta cũng vậy, lúc gây nên tội, thường đối trước Phật, vì không chính kiến, không thấy không biết. Ngày nay giác ngộ, biết rõ chư Phật, không ngoài tự tính, ba đạt chiếu suốt, năm mắt tròn sáng, trời đất hư không, những nơi tối tăm, bất luận xa gần, trong ngoài soi khắp, như ngọc minh châu, đặt trên bàn tay, tùy cơ ứng dụng, hóa độ quần sinh, đều lên bờ Giác. Lại biết tội duyên không có tội tính, đều do vọng tưởng, chịu mọi khổ não.


Kinh Duy Ma nói: “Tâm nhơ nên chúng sinh nhơ, tâm sạch thì cõi Phật sạch”. Vọng tưởng là nhơ, không vọng là sạch; vọng tưởng là địa ngục, tâm sạch là cõi Phật. Tội tính không ở trong, không ở ngoài, không ở khoảng giữa. Tâm cũng không trong, không ngoài, không khoảng giữa, tâm đã như thế thì tội cũng vậy. Định tâm mà xem, tìm hiểu lý do, sẽ biết tự tính, thắp đuốc trí tuệ, diệt tan vô minh. Từ trước đến nay, gây bao tội ác, cũng như nhà tối; sám trừ vọng niệm, hiểu rõ chính nhân, đem đuốc trí tuệ, chiếu vào nhà tối. Lúc đó mới biết, từ kiếp vô thủy, đều bởi vô minh, ngăn che mê hoặc, không thấy chính quả, tạo các tội ác, như ở nhà tối, không thấy ánh sáng. Nay muốn sám trừ, phát nguyện tu hành, mở lòng đại thừa, sám tối nhỏ nhiệm, như ánh mặt trời, đánh tan băng tuyết, cũng như đau lâu, nay gặp lương y, như người ngu dại, gặp được minh sư. Nay đối trước Phật, khẩn cầu sám hối, hết thẩy tội chướng, nguyện đều tiêu diệt.


Cho nên kinh nói: tạo tội tuy nhiều không bằng làm thiện, chỉ một chút thôi, có thể diệt được tất cả tội chướng. Vì thế nên biết, tội không tự tính, do nhân duyên sinh, theo nhân duyên diệt; hễ gặp duyên ác, vô minh phát khởi, hễ gặp duyên thiện, đạo nghiệp tăng thêm, tội báo sai khác, duyên nghiệp nặng nhẹ, nay nên kiên quyết, không tạo tác nữa. Hiện tiền đại chúng, phải rõ bản nghiệp, đã biết cái nhân sám hối, mau trồng cái quả Bồ Đề, chịu tội muôn kiếp nghìn đời, sám hối một lúc tiêu hết. Nay hiểu được tâm, do lý mà sinh, rõ biết Phật lý, không ngoài tự tính. Tâm trước tuy gây tội nặng, niệm sau hiểu lý tiêu tan, vọng cảnh không sinh, nghiệp duyên cắt đứt.


Trong kinh Phật nói, tâm trước làm ác, ví như áng mây, che khuất mặt trời, tâm sau làm thiện, ví như mặt trời, đánh tan sương móc. Kinh Diệt tội nói: “Ví như chiếc áo, cả năm nhơ bẩn, có thể giặt dũ, một ngày sạch hết,” trong trăm nghìn kiếp, tạo mọi nghiệp ác, nay phải sám hối, nguyện nhờ sức Phật, sức Pháp, sức Tăng, chư Bồ Tát, cùng giúp thần lực, từ bi tiếp thụ, tấm lòng chí thành, giãi bầy sám hối, của lũ chúng con. Nguyện trong khoảnh khắc, diệt hết tội chướng, trăm nghìn muôn kiếp con đã gây nên. Hiện tại đại chúng, dốc một lòng thành, quy mệnh kính lễ, Đức Đại Từ Phụ của cả thế gian.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Di Lặc Bảo Tướng Phật
Nam Mô A Sơ Tỳ Phật
Nam Mô Đại Tu Di Bảo Quang Phật
Nam Mô Diệu Âm Thanh Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật
Nam Mô Đại Diệm Kiên Phật
Nam Mô Tịnh Quang Phả Chiếu Phật
Nam Mô Tu Di Đăng Phật
Nam Mô Bảo Quang Minh Đức Phật
Nam Mô Vô Lượng Tràng Phan Phật
Nam Mô Tối Thắng Âm Quang Vương Phật
Nam Mô Nan Đà Dũng Mãnh Phật
Nam Mô Nhật Sinh Hảo Tướng Phật
Nam Mô Hiền Kiếp Thiên Phật
Nam Mô Võng Minh Đức Phật
Nam Mô Vô Tướng Quang Vương Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả


Lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối. Ngày nay Đạo Tràng, đồng nghiệp đại chúng, sống ở cõi đời, thế giới không thật, huyễn thân giả dối, hết thẩy đều là vô thường, tất cả rồi phải hủy diệt. Tuổi trẻ sinh tươi, nào được bao lâu, già, đau và chết, ập đến bất thần, thế sự mịt mờ, trần duyên vấn vít, trồng giống ba đường, vun cây tám nạn, khi sống không biết, chết rồi chịu khổ. Nhờ chút phúc lành, quả báo giầu có, ăn uống đầy đủ, áo quần ấm êm, trăm năm hưởng phúc, sáu căn dông dỡ, vô minh che lấp, tụ tập họ hàng, vui chơi yến ẩm, giết hại sinh linh, ăn cho khoái khẩu, chỉ biết cái vui trước mắt, nào ngờ vui là cội khổ. Nếu biết hồi tâm tự xét, liền được vào chốn Tam Ma, gắng gỏi niệm Phật, tu tập thuyền định, chóng được sinh về Cực Lạc, mau tới bờ bến Bồ Đề. Thời gian thấm thoát, sống chết khôn lường, bốn mùa bức bách, nóng lạnh dầy vò, thân người khó được, Phật pháp khó nghe, nay nếu lãng phí một đời, sau này ăn năn không kịp. Nay được sinh nơi trung quốc, được gặp chính pháp, người nào xuất gia, tinh tiến tu thuyền, người ở tại gia, cố chăm niệm Phật. Nếu không nghĩ đến gìà, đau mặc nhiên không sợ vô thường, sau này chết đi, chìm đắm ba đường, luân hồi muôn kiếp. Nếu không hổ thẹn, sau có ích gì, kiếp này trồng được thiện nhân, kiếp sau hái được quả tốt. Duyên đời có hết, nghiệp báo không cùng, uống thì nước sắt nóng sôi, chịu khổ vạc dầu lửa bỏng. Người ngu khi hối không kịp, kẻ trí giác ngộ sớm tu. Phật không phân biệt, người khôn đạt trước. Đức Thích Ca hoằng dương đại giáo, ngài Di Đà tiếp dẫn phóng quang độ hết người mê, qua về Chính Giác; Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí từ bi rộng độ ba đường, Bồ Tát Văn Thù, Phả Hiền trí nguyện cứu người sáu ngả; làm bậc cha lành, làm thầy chì đạo. Nếu hay niệm Phật, nhất định vãng sinh. Thân tâm khỏe mạnh, lười biếng không tu, là do ác nghiệp quá nhiều, thiện tâm lại ít, trước chịu địa ngục trăm hình, sau đọa súc sinh muôn kiếp. Ác tâm dễ khởi, thiện niệm khó sinh, đời này biếng nhác không tu, kiếp sau lấy gì cứu độ? Nhờ lúc thân hình khỏe mạnh, cần phải mạnh bạo hăng hái, mau cầu giải thoát, thời gian thấm thoát, chẳng đợi ai đâu, con quỷ vô thường , không cho triển hạn. Hãy phát tâm lớn gắng gỏi tu hành, thiện tâm mạnh mẽ, nghiệp ác tiêu trừ, một niệm sinh tín tâm, diệt tội trăm nghìn kiếp. Phải tin tâm mình là Phật, nên biết tự tính Di Đà, tin được như thế, đạo lý thấy ngay, huyễn tính sinh ra Phật thể, Kim Cương cũng bởi nơi đây.


Vì thiện niệm yếu, ác nghiệp lại mạnh, nên những người nghe không thể tin được, những người đọc tụng không chịu thụ trì, chúng sinh bướng bỉnh, danh lợi cám dỗ, sống trong nhà nghiệp, vùi trong hố lửa, đắm chìm bể khổ, không thể thoát ly. Vì thế mọi người nên phải tín tâm, quy y Tam Bảo, bụi trần lưới nghiệp, quyết dứt cho xong, chiếc áo phiền não, hãy mau cởi bỏ. Tham, sân và si là gốc muôn tội, là nhân địa ngục, phải nhổ cho hết; mở lòng Bồ Đề, tu tập thuyền định, niệm danh hiệu Phật, đọc tụng kinh điển, theo lời Phật dạy, làm mọi hạnh Phật, chán ghét bụi trần, mong cầu thành Phật, giữ gìn thân tâm, tu hạnh trong sạch, trừ khử tà tâm, bồi bổ chính niệm, mầm đạo càng lớn, tín căn càng mạnh, thân tâm trong sạch, sung sướng yên vui. Vì thế cho nên chăm chỉ hành đạo, hăng hái cầu tiến thẳng đến Bồ Đề. Tâm giữ chính niệm, đấy là Tịnh Độ, nghĩ tưởng bậy bạ, đó là uế độ, tịnh uế ở đấy, khổ vui đâu xa.?


Hiện tiền đại chúng, cố gieo giống Phật, mở lòng Bồ Đề, khiến cho hết thẩy chúng sinh, xa lìa bể khổ, đến bờ giải thoát. Làm phúc, thì hưởng quả báo Nhân, Thiên, vui chơi có hạn; niệm Phật, ấy là gieo nhân Tịnh Độ, sung sướng không cùng. Nơi Sa bà tất còn có khổ, cõi Tịnh Độ thì hết ưu phiền. Làm ác thì chìm đắm ba đường, niệm Phật thì sinh về chín phẩm. Tịnh Độ thì thoát hẳn sinh tử, Sa bà còn chịu mãi luân hồi, lòng cố nhẫn nhục, nhân ngã gắng trừ, niệm Phật không còn ngờ vực, Tịnh Độ đến trong khoảng khắc. Người niệm Phật sinh nơi Cực Lạc, kẻ tạo ác sa đọa luân hồi. Giả sử nghiệp ác, đã buộc vào mình, nên phải cầu Phật, giãi bầy sám hối.


Trên cõi Trời, Người, xuất gia quý nhất, cắt ái từ thân, theo thầy học đạo, ra khỏi trần lao, vào hàng tăng chúng; dùng cửa thường trụ, mười phương tín thí, khoác ba tấm áo, lòng không phiền bận, thân chẳng trở ngại, nếu không cố vun gốc lành, làm sao hái được quả tốt? Nên tu thuyền định, giữ gìn uy nghi, nghiên cứu giới luật, đọc tụng kinh điển, hiểu thấu nghĩa lý, đúng pháp tu hành không được bỏ phí thì giờ, ngày qua tháng lại, mau rõ Phật tính, tiếp thụ Phật cơ, thay Phật hành hóa, ủng hộ đạo Pháp, dẹp bỏ nhân ngã, rũ sạch bụi trần, thường giữ chính niệm, hằng tự cố gắng.


Trong thời mạt pháp, Phật đạo suy vi, người chăm thì ít, kẻ biếng thì nhiều, thanh niên không lo lắng gắng sức, già cả chỉ thích an nhàn. Nay có phúc duyên, được vào cửa Phật, ra khỏi trần lao, vậy phải tinh tiến, tu hành diệt khổ, sớm hiểu Phật tính, làm thầy, Trời, Người, hoằng dương chính pháp, quảng độ chúng sinh, mở lòng Bồ Đề, cùng thành Chính Giác, để báo bốn ơn, lợi lạc ba cõi.


Nhưng người thế gian, ít khi nhớ đến công ơn cha mẹ, nuôi nấng sinh thành, từ khi tấm bé, cũng chẳng nghĩ đến ân nghĩa quốc dân, tham đắm vui chơi, thụ hưởng khoái lạc. Nếu có người nào, muốn báo ơn sâu, trước hết hiếu thuận, sau phải tu hành, mở đường phương tiện, lợi lạc chúng sinh. Nghĩ đến cha mẹ, sinh ra thân ta, mang thai mười tháng, khổ sở vô cùng, đến gần giờ sinh, kinh hoàng sợ hãi, tính mệnh của mẹ, như sương ngọn cỏ, như dèn trước gió, họ hàng lo lắng, cả nhà không yên, đến khi được biết mẹ tròn con vuông, ai cũng vui mừng, kể sao cho xiết. Thế rồi bú mớm, ngày đêm chăm sóc, không lúc nào quên, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô con ngủ; đến khi lớn khôn, hiểu biết việc đời, gây dựng gia đình, hoặc cho xuất gia, tu học đạo pháp, trở thành giải thoát. Ân đức như thế, thật khó báo đền. Nếu không sám hối thay cho cha mẹ, thì sau lâm chung, đọa vào địa ngục, chịu khổ vô cùng. Nếu là con hiếu thuận cha mẹ, phải báo ơn sâu, quy y Tam Bảo, kiên trì trai giới, thiết lập Đạo Tràng, cần tu sám pháp, đính lễ chư Phật, cầu xin sám hối thay cho cha mẹ, mong cứu độ mẹ, thoát khỏi huyết bồn, sinh lên cõi trời, hưởng mọi thứ vui.


Cho nên kinh Huyết Bồn có nói: “Bấy giờ, Mục Liên Tôn Giả, thấy một địa ngục, tên Huyết bồn trì, trong ao đầy máu, có đến một trăm hai mươi sự kiện: xà sắt, cột sắt, đinh sắt, gậy sắt, gông sắt, xích sắt, móc sắt, dao sắt, tên sắt, cung sắt, những thứ như thế, còn nhiều chưa hết. Thấy những chúng sinh, ở cõi Diêm Phù, đầu bù tóc rối, tay bị cùm kẹp, ở trong địa ngục, chịu tội khổ ấy. Mỗi ngày ba lần, ngục tốt quỷ vương, sai đưa máu đến bắt tội nhân uống, nếu mà tội nhân, cự tuyệt không uống, tức thì Chúa ngục, dùng gậy sắt đánh, kêu la thẳm thiết. Mục Liên thương xót, hỏi Chúa ngục rằng: “Tạo sao ở đây ít thấy đàn ông chịu khổ báo này, chỉ thấy đàn bà đau đớn như thế?” Chúa ngục đáp rằng: “Đây toàn đàn bà, không có đàn ông, vì những đàn bà, trong khi sinh nở, đem đồ nhơ bẩn, đượm đầy máu me, ra sông giặt dũ, hoặc khe, giếng, ao, rồi nước từ đấy, chảy đi nơi khác, gặp người thành tâm, lấy nước ấy về, pha trà nấu thang, cúng dàng Tam Bảo, các bậc Hiền Thánh khiến cho nhơ nhớp. Vì tội nghiệp ấy sau khi mệnh chung, chịu khổ báo này.”


Mục Liên thương xót, hỏi ngục tốt rằng: :Nên làm thế nào báo đáp ơn mẹ, ra khỏi địa ngục Huyết Bồn Trí này? “ Ngục tốt đáp rằng: “Nếu có những người đàn ông, đàn bà nặng lòng hiếu thuận, thì phải thay mẹ, giữ Huyết Bồn trai, trong vòng ba năm, cứ mỗi sáu tháng, thiết lập Đạo Tràng, mở Huyết Bồn hội, thỉnh tăng chuyển tụng tôn kinh, dốc lòng sùng tu Bái sám, tẩy trừ tội nghiệp, giải mối oan khiên. Tự nhiên trong ao, Huyết Bồn địa ngục, năm đóa hoa sen, lần lượt xuất hiện, tội nhân vui sướng, lòng thấy xấu hổ, liền được sinh về cõi nước của Phật. Nếu những người thiện nam, thiện nữ chí tâm vì mẹ, trì trai lễ sám, quả báo nhất định sinh về Cực Lạc”.


Mục Liên nghe rồi, về khuyên người đời, bất luận nam nữ, mau phát hiếu tâm, thay vì cha mẹ, lễ Phật trì trai, báo ơn dưỡng dục, thời gian trôi mau, không nên lần lữa, tin Phật đã nói, mở lòng báo ơn. Thụ trì trai giới, sùng tu Sám pháp, sẽ được năm điều, lợi ích cha mẹ. Một là, không có tội nghiệp; hai là được phúc vô lượng; ba là tăng thêm tuổi thọ; bốn là tu hành tinh tiến; năm là phát tâm Bồ Đề. Trong kinh cũng nói: nếu quy y Tam Bảo, thụ trì một danh hiệu Phật, ngay ở đời này, được mười điều lợi ích. Một là ngày đêm thường được chư thiên, và các thần tướng, ngấm ngầm ủng hộ; hai là thường được Bồ Tát Quán Âm, cùng hai mươi lăm vị đại Bồ Tát, ngày đêm giữ gìn; ba là thường được chư Phật thương xót hộ niệm, Phật A Di Đà, thường phóng hào quang tiếp dẫn người ấy; bốn là hết thẩy quỷ ác, dạ xoa, la sát, đếu không thể hại; năm là nước lửa giặc giã, binh đao hoạnh tử, tù đày gông cùm, đều không phải chịu; sáu là những tội gây trước, đều tiêu tan hết, những mối oan cừu đều được giải thoát; bảy là đêm nằm chiêm bao thường thấy điềm lành, được thấy chư Phật, thân vàng chói lọi; tám là lòng thường vui vẻ, nhan sắc rực rỡ, những việc mình làm, đều kết quả tốt; chín là thường được hết thẩy mọi người kính mến, cũng như kính Phật; mười là đến khi mệnh chung, lòng không sợ hãi, giữ được chính niệm, đức Phật Di Đà cùng các Thánh chúng, cầm đài Kim Cương, tiếp dẫn vãng sinh về nơi Cực Lạc, từ đấy về sau, hưởng toàn vui sướng.


Lại kinh Thí Dụ, cũng có nói rằng, Phật cùng A Nan, đi trên bờ sông, bỗng nhiên trông thấy năm trăm con quỷ đói, vừa đi vừa hát; đồng thời lại thấy năm trăm quỷ đói, khóc lóc đi qua. A Nan hỏi Phật: “Tại sao bọn kia vừa đi vừa hát, mà đến bọn này lại khóc như thế?” Phật bảo A Nan: “Bọn quỷ ca hát, sắp được sinh thiên, là vì trong nhà con cháu tu phúc, trì trai lễ bái; còn bọn khóc lóc, sắp đọa địa ngục, là vì trong nhà con cái sát sinh, không chịu tu phúc, lụy đến người thân, nên họ mới khóc’.


Thiện nam tín nữ, hiện tiền nơi đây, phải nên giữ giới, tu hành hiếu thuận, làm phúc báo ân, thiết lập Đạo Tràng, sùng tu Sám pháp, cầu cho cha mẹ đều về Cực Lạc, tất cả chúng sinh, cùng thành Chính Giác. Giờ đây chí thành, quy mệnh đính lễ Đức Đại Từ Phụ.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Cửu Diệt Thế Tự Tại Vương Phật
Nam Mô Thập Phương Hiện Tại Bất Động Tôn Phật
Nam Mô Hà Sa Tịnh Độ Phật
Nam Mô Quá Khứ Thất Phật
Nam Mô Di Lặc Tiên Quang Thù Thắng Phật
Nam Mô Hiền Kiếp Thiên Phật
Nam Mô Trang Nghiêm Kiếp Thiên Phật
Nam Mô A Tăng Kỳ Pháp Tạng Phật
Nam Mô A Sơ Tỳ Du Bộ Thần Thông Phật
Nam Mô Tu Di Tướng Phật
Nam Mô Tu Di Bảo Quang Minh Phật
Nam Mô Đại Tu Di Quang Vương Phật
Nam Mô Diệu Âm Thanh Thù Thắng Luân Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Đăng Phật
Nam Mô Danh văn Quang Phật
Nam Mô Đại Diệm Kiên Bảo Quang Phật
Nam Mô Tu Di Đăng Quang Phật
Nam Mô Vô Lượng Thọ Quang Minh Phật
Nam Mô Vô Lượng Tinh Tiến Phật
Nam Mô Vô Lượng Tướng Phật
Nam Mô Vô Lượng Tràng Phan Phật
Nam Mô Đại Quang Phả Chiếu Phật
Nam Mô Chư Thanh Văn Xá Lợi Phật
Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát
Nam Mô Phúc Thọ Vương Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả


Lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối. Đệ tử chúng con, đính lễ chư Phật, chư đại Bồ Tát, nguyện đời đời kiếp kiếp, hoặc ở nơi này, hay sinh nơi khác, không sa ác đạo, thường sinh Tịnh Độ, thường gặp thiện duyên, tu mọi nghiệp lành, mở lòng Bồ Đề, thành bậc Chính Giác, rộng độ chúng sinh, cùng về Cực Lạc..


Ngày nay, Đạo Tràng đồng nghiệp đại chúng, phụng vì cha mẹ, lễ Phật báo ân. Đời nay luống phí, đời sau khó gặp, chỉ trong hơi thở, khó lại được nữa. Ngày nay chúng ta được gặp cha mẹ, nặng lòng yêu thương, đều bởi kiếp trước có nhân duyên lớn, nay sinh thân ta, mang thai mười tháng, khổ sở rất nhiều, công ơn chan chứa, lòng mẹ mang thai, nặng như núi Thái, đi lại khó nhọc, ngồi đứng không yên, tính mệnh bấp bênh, như đèn trước gió; ăn uống không ngon, như người đau nặng, thân hình gầy yếu, tinh thần bải hoải, đến ngày mãn nguyệt, khổ không thể nói, chẳng kể đến mình, nhọc mệt bao nhiêu, chỉ mong cho con, thân hình đẹp đẽ. Bởi thế cho nên, ngày nay chúng ta, hết thẩy phải mau mở lòng Bồ Đề, nhớ nghĩ cha mẹ, ân đức sâu dầy.


Kinh Thai Cốt nói, A Nan hỏi Phật: “Trên thế giới này, cái gì lớn nhất?” Đức Phật trả lời: “Trên thế giới này, công ơn cha mẹ, là điều lớn nhất!” A Nan bạch Phật: “Xin Phật từ bi nói cho con nghe”. Đức Phật dạy rằng: “Hình hài đứa bé ở trong bụng mẹ, trong khoảng tháng đầu, có thể ví như sương trên ngọn cỏ, buổi sáng tuy đọng, không lâu lại tan, chỉ biết buổi sáng, không chắc buổi chiều, cho nên gọi là sương đầu ngọc cỏ. Hình hài đứa bé ở trong bụng mẹ, vào khoảng hai tháng, hóa như cục tuyết, vào tháng thứ ba, biến thành máu đọng, và đã dài được sáu tấc ba phân; vào tháng thứ tư, tứ chi bắt đầu, trước sinh hai tay, sau sinh hai chân; đến tháng thứ năm sinh ra năm bào, nghĩa là trước hết sinh xương chỏm đầu, rồi xương hai vai, sau cùng, là xương đầu gối, thế là năm bào. Thân hình đứa bé ở trong bụng mẹ, vào tháng thứ sáu, sinh ra sáu căn: mắt hay nhìn sắc, tai thích nghe tiếng, mũi để ngửi mùi, lưỡi để nếm vị, thân để va chạm, ý để phân biệt, đó là sáu căn. Đến tháng thứ bảy, sinh các loại xương, chia thành bảy thứ: nếu là chư Phật, sinh xương cứng chắc, ví như kim cương, nếu là Bồ Tát, sinh xương đỏ thắm, như cánh hoa sen, nếu là Thanh Văn, sinh xương xá lợi, có đủ năm sắc, nếu là Đế vương sinh xương rồng phượng, nếu là đại thần, sinh xương móc khóa, nếu là tướng quân, sinh xương mãnh hổ, còn những người thường, sinh đủ ba trăm sáu mươi đốt xương. Đàn ông sinh xương từ đầu trở xuống, đàn bà sinh xương từ chân trở lên; nếu là đàn ông, xương trắng mà nặng, nếu đàn bà, xương đen và nhẹ.


Hình hài đứa bé, ở trong bụng mẹ, vào tháng thứ tám, chịu tám nỗi khổ: mẹ ăn thứ nóng, cảm thấy đau rát, mẹ uống nước lạnh, cảm thấy giá buốt, lúc mẹ ăn no, thấy bị đè ép, khi mẹ đói lòng, cảm thấy chơi vơi, lúc mẹ ngủ nghỉ, như nằm giường sắt, nếu mẹ đi lại, mình thấy lắc lư, khi mẹ ngồi xuống, mình như bị té, nếu mẹ cúi xuống, mình như bị treo; đến tháng thứ chín, ba lần xoay mình: xoay lần thứ nhất, trai chuyển bên trái, gái chuyển bên phải, xoay lần thứ nhì, tay ôm lòng mẹ, chuyển lần thứ ba, chân đạp sườn mẹ, đến tháng thứ mười, là kỳ sinh hạ, nếu đứa con hiếu, thì sinh dễ dàng, nếu là ngỗ nghịch, thì rất khó khăn, cả nhà lo sợ. Sau khi sinh rồi, thân mẹ nhơ nhớp, tinh thần tán loạn, trong khi sinh nở, lo khổ như thế, vì vậy nên biết, ân đức của mẹ, thật là to lớn.


Cho nên Phật nói, ơn mẹ khó báo, thế mà người đời, chỉ ham vui chơi, không nghĩ công mẹ, chẳng tưởng báo đền, không nhớ lúc sinh, mẹ như người ốm, khi mới mang thai, tinh thần bải hoải, thân thể nhọc mệt, ăn uống không ngon, sợ đau thai con, suốt ngày lo lắng, chịu bao khổ não, không thể nói hết. Khi đủ mười tháng, đến ngày lâm bồn, ai cũng hồi hộp, bao giờ thấy được mẹ tròn con vuông, bấy giờ cha mẹ, họ hàng yên lòng. Dù trai hay gái, diện mạo đẹp đẽ, thân hình đầy đủ, thì nỗi vui mừng, không thể kể xiết. Nếu nhà giầu có, mượn người vú em, trông nom thay mẹ, nhưng nếu nghèo túng, thì mẹ tự nuôi, chăm nom bú mớm, mỗi ngày ba lần. Nâng niu như hoa, yêu quý như ngọc, phẩn giải nhơ bẩn, mẹ cũng chẳng màng, giặt dũ sạch sẽ, không quản giá rét, bao nhiêu khó nhọc, nào có kể chi, chỉ mong cho con, ăn yên ngủ ngon, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo nhường con, mong con sạch sẽ, mẹ chịu bẩn nhơ. Khi chưa sinh con, thân mẹ thơm tho, mày như lá liễu, má như sen hồng, vì sinh con cái, nhan sắc biến đổi, chẳng muốn trang điểm, suốt ngày chăm lo, nuôi nấng con cái. Đến khi lớn khôn, lo cho con học, mong con thành tài, rồi lại gây dựng, con trai hỏi vợ, con gái gả chồng. Nếu con gặp nạn, hay là đau ốm, đêm ngày lo sợ, ăn ngủ không yên, tìm thầy tìm thuốc, chạy ngược chạy xuôi, cầu cúng mọi nơi, mong con thoát nạn, dù có tốn kém, không hề tiếc của, thấy con bình yên, tai qua nạn khỏi, cõi lòng cha mẹ, sung sướng biết bao.


Hiện tiền đại chúng, tất cả nên biết, ân đức cha mẹ, không bến không bờ, thực khó báo đền. Trong kinh Phật nói, trăm nghìn muôn đời, nghiền thân ta ra thành vị đề hồ, dâng cúng cha mẹ, cũng không đáp hết công ân cha mẹ; nếu lại có người, dâng các thức ăn, trăm mùi ngon ngọt, dâng các áo mặc thuốc thang đầy đủ, suốt ngày lễ lạy, cúng dàng cha mẹ, cũng không báo được, công ơn dưỡng dục. Lại kinh Hiếu Tử, cũng nói rõ rằng, con nuôi cha mẹ, dâng thức ăn quý, ngon miệng cha mẹ; hòa nhạc du dương, vui tai cha mẹ; sắm áo lụa là, mát thân cha mẹ; vai cõng cha mẹ, đi khắp thiên hạ; đức Phật bảo rằng, tuy làm như thế, chưa phải là hiếu. Cha mẹ ương nghạnh, si mê tà kiến, không tin Tam Bảo, hung hiểm bạo ngược, tàn ác bất nhân, gây các nghiệp dữ, người con thấy thế , phải cố hết sức, khuyên can cha mẹ, khiến sinh tín tâm, quay về chính đạo, gần gũi bạn lành, mở lòng Bồ Đề, tu thuyền niệm Phật, khiến cho cha mẹ, khi còn ở đời, thường được yên vui, sau khi lâm chung, sinh sang Tịnh Độ, được gặp chư Phật, vĩnh viễn xa lìa, mọi nỗi đau khổ, như thế mới là người con chí hiếu.


Hiện tiền đại chúng, nên phát tâm lớn, cầu đạo Bồ Đề, rộng độ chúng sinh, đều thành Chánh Giác, cha mẹ nhiều đời, cùng về cõi Phật. Hãy dốc một lòng, chí thành khẩn thiết, quy mệnh đính lễ Đức Đại Từ Phụ.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Phật
Nam Mô A Sơ Tỳ Du Bộ Thần Thông Phật
Nam Mô Tu Di Tướng Phật
Nam Mô Tu Di Bảo Quang Minh Phật
Nam Mô Đại Tu Di Quang Vương Phật Nam Mô Diệu Âm Thanh Thù Thắng Luân Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Đăng Phật
Nam Mô Danh Văn Quang Phật
Nam Mô Đại Diệm Kiên Bảo Quang Phật
Nam Mô Tu Di Đăng Quang Phật
Nam Mô Vô Lượng Thọ Quang Minh Phật
Nam Mô Vô Lượng Tinh Tiến Phật
Nam Mô Vô Lượng Tướng Phật
Nam Mô Vô Lượng Tràng Phan Phật
Nam Mô Đại Quang Phổ Chiếu Phật
Nam Mô Hương Quang Tràng Vương Phật
Nam Mô Bảo Tướng Quang Minh Phật
Nam Mô Tịnh Quang Phổ Biến Phật
Nam Mô Diệm Kiên Huỳnh Phật
Nam Mô Tối Thắng Âm Vương Phật
Nam Mô Nan Trữ Diệu Bảo Phật
Nam Mô Nhật Sinh Minh Chiếu Phật
Nam Mô Võng Minh Công Đức Phật
Nam Mô Vô Tận Bảo Sinh Phật
Nam Mô Quang Minh Vô Tận Phật
Nam Mô Hư Không Bảo Sinh Phật
Nam Mô Vô Tận Công Đức Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Phổ Chiếu Phật
Nam Mô Bảo Tướng Tu Di Đăng Phật
Nam Mô Vô Tận Bảo Hoa Vương Phật
Nam Mô Bất Động Tôn Vô Tận Phật
Nam Mô Vô Lượng Vô Biên Tịnh Nguyệt Phật
Nam Mô Tinh Tiến Dũng Phật
Nam Mô Thường Tinh Tiến Bồ Tát
Nam Mô Bất Hưu Tức Bồ Tát
Nam Mô Giải Oan Thích Kết Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Thập Phương Chư Đại Bồ Tát
Nam Mô Tiêu Tai Chướng Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả.


Lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối. Đệ tử chúng con, đính lễ chư Phật, chư đại Bồ Tát, nguyện đời đời kiếp kiếp, thường gặp chư Phật, thường nghe Chính pháp, mở lòng Bồ Đề, thành bậc Chánh Giác.


Hiện tiền đại chúng từ kiếp vô thủy, cho đến ngày nay, được gặp Đạo tràng, được nghe Phật pháp, hết thẩy tội chướng, xin đều tiêu diệt. Trong kinh Phật nói, nếu có người nào, tế lễ quỷ thần, không bằng hiếu kính, cha mẹ của mình. Phật Di Lặc nói: “Trong nhà mỗi người, có hai đức Phật, mà người không biết, cha mẹ hiện tại, tức là Thích Ca, Di Lặc Phật vậy. Tại sao không cúng cha mẹ, lại cầu công đức ở đâu?”


Đức Phật Di Lặc, vì thương chúng sinh, mới nói như thế, khuyên tu đạo hiếu. Nhưng người đời nay, khi đã lớn khôn, quên lúc tấm bé, không nhớ công ơn , cha mẹ nuôi nấng, những thức ăn ngon, không dâng cha mẹ, chỉ cho vợ con; quần thô áo vải, may cho cha mẹ, còn đồ tơ lụa, mặc cho vợ con; từ sáng chí tối, chẳng tưởng cha mẹ, không hề thăm hỏi, chẳng biết tôn ty, không chia trên dưới, ăn nói thô tục, cha mẹ có khuyên, không nghe thì thôi, còn cãi chửi lại, rồi ghét cha mẹ, tha hồ hoành hành. hỗn láo xấc xược. Những kẻ như thế, sau khi chết đi, phải chịu hình phạt, tội khổ địa ngục, trăm nghìn muôn kiếp, không có ngày thoát; dù có được thoát. lại làm súc sinh, lúc ấy đã mất thân người, muôn kiếp khó gặp Phật pháp.


Hiện tiền đại chúng, thiện nam tín nữ, hãy phát hiếu tâm, cúng dàng cha mẹ, khuyên tu thập thiện, cùng chứng đạo quả, cùng thành Bồ Đề; đời này yên vui, thọ mệnh lâu dài, sau khi chết đi, sinh ở kiếp khác, được gặp Phật pháp, mong thành Phật đạo.


Ở cõi đời này, có hai hạng người, một là giầu sang, hai là nghèo khó. Trong hai hạng ấy, đều có khổ não: một người ăn mày, đến nhà giầu sang, người này keo kiệt, sợ họ xin của, lòng thấy phiền não; đến nhà nghèo khó, người này ân hận, không có của cho, lòng thấy phiền não. Trong hai người ấy, tuy cùng phiền não, nhưng mà quả báo, hoàn toàn khác nhau: người nghèo khó kia, được sinh cõi Người, hưởng mọi thú vui; người giầu sang kia, sinh vào quỷ đói, chịu mọi khổ cực. Bởi thế nên biết, khổ vui lên xuống, đều do mê ngộ khác nhau; tu đạo Bồ Tát, được thành quả Phật, hưởng mọi sung sướng, tạo các nghiệp ác, đọa vào địa ngục, chịu những cực hình. Đời này lần lữa, kiếp sau khó tu, hơi thở không còn, thần hồn lìa xác, không biết đi đâu, bốn loài tăm tối, sáu ngả mịt mờ, một phút thay đổi hình hài, không biết trôi dạt nơi đâu, lúc ấy dẫu có mong cầu Phật pháp, cũng không gặp được, thân người đã mất, muôn kiếp khó gặp. Duy có Phật pháp, là con đường sáng, trong ngoài cùng tu, đều về một lý, ngoài tu giới thân, tu muôn pháp lành, trong rõ tính mình, lý không ngoài tâm, lý suốt tâm thông, chuyên cần niệm Phật, chính định hiện tiền, cùng về Cực Lạc, đều chứng Bồ Đề. Phật không nói dối, tin chắc như thế, nên mau phát tâm tu đạo Bồ Đề. Hiện tiền đại chúng, được gặp Đạo Tràng, nghe được Chính Pháp, sinh lòng hổ thẹn, khởi tâm báo ân, hãy dốc một lòng, quy mệnh đính lễ Đức Đại Từ Phụ của cả thế gian.


Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thiện Minh Đức Quang Vương Phật
Nam Mô Vô Ưu Đức Phật
Nam Mô Chiên Đàn Công Đức Phật
Nam Mô Bảo Quang Minh Thí Phật
Nam Mô Vô Lượng Vô Tận Phật
Nam Mô Hoa Quang Minh Đức Vương Phật
Nam Mô Tướng Đức Quang Minh Phật
Nam Mô Tam Thừa Hành Phật
Nam Mô Quảng Chúng Đức Phật
Nam Mô Kiến Hữu Vô Tâm Phật
Nam Mô Hương Hoa Trang Nghiêm Phật
Nam Mô Bảo Hoa Thù Thắng Phật
Nam Mô Ưu Bát La Hoa Vương Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật
Nam Mô Thập Phương Phân Thân Chư Phật
Nam Mô Tam Kiếp Tam Thiên Chư Phật
Nam Mô Long Cung Hải Tạng Nhất Thiết Chư Phật
Nam Mô Nhất Vạn Ngũ Thiên Phật
Nam Mô Hàng Hà Sa Số Chư Phật
Nam Mô Tứ Phương Tứ Phật
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Quá Hiện Vị Lai Tam Thế Chư Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Vô Biên Thân Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả.


Đệ tử chúng con, đính lễ chư Phật, nguyện tội chướng tiêu trừ; lại nguyện tránh khỏi án vua Tần Quảng, ngục quan bàn luận, nghiệp duyên nặng nhẹ, định báo chịu tội; lại nguyện tránh khỏi án vua Sở Giang, đứng trước đài gương, soi mọi hình trạng, để biết thiện ác, đã tạo khi sống; lại nguyện tránh được án vua Tống Đế, bắt vào địa ngục, chịu tội nung đốt; lại nguyện tránh khỏi án vua Ngũ Quan, gươm nhọn đâm mình, khổ báo moi ruột; lại nguyện tránh được án vua Diêm La, gây nghiệp thiện ác, ngũ nghịch, chịu báo đau khổ muôn kiếp; lại nguyện tránh được án vua Biến Thành, nghiệp duyên tự tạo, tội khổ mình chịu, thần hồn sợ hãi; lại nguyện tránh khỏi án vua Thái Sơn, chúa ngục tra tấn, oan gia làm chứng, giết hại phải trái, chịu khổ mổ xẻ; lại nguyện tránh được án vua Bình Chính, giao cho Dạ Xoa, cân tội nặng nhẹ, định đoạt quả báo; lại nguyện tránh được án vua Đô Thị, phúc lộc rõ ràng, tội khiên khó dấu, điều tra một đời làm tội, đưa sang vua Chuyển Luân Vương, gây nghiệp ác lớn, chịu khổ khó nhẫn, tạo mười điều ác, chịu khổ ba đường, không có hạn nào, thoát ly ra khỏi, tu mười điều lành, ngồi tòa Thất bảo, thường nghe Phật pháp, liễu ngộ chân Thừa.


Kính xin chư Phật, chư Đại Bồ Tát, rủ lòng chứng giám, tâm thành sám hối, hết thẩy tội chướng, địa ngục khổ sở, A Tỳ đau đớn, rừng dao sáng loáng, núi gươm ngập trời, vạc dầu sôi sục, lò lửa tưng bừng, thành sắt cao ngất, cột đồng nóng bỏng, tội nhân ngát xỉu, ngục tốt hung hăng, sợ hãi khốn khổ, kêu gào than khóc, đầu trâu trợn mắt, mặt ngựa răng nanh, dạ xoa cầm gậy, đâm vào tâm can, lửa mạnh đốt cháy, da thịt rã rời, đập đầu cắt chân, moi hết ruột gan, thân thể tan nát, chìm nổi vạc dầu ngồi trên lò lửa, thịt hết xương khô, nằm trên giường sắt, ôm lấy cột đồng, bao nhiêu khổ cực, nói không thể hết; sợ chịu hàn băng tội khổ, lo chìm trong chốn nhớp nhơ, gặp cơn gió thoảng, qua đống lửa hồng, lòng thấy mát dịu, xiết nỗi vui mừng, tưởng là thoát ngục, nào có biết đâu vừa thoát A Tỳ, lại vào ngục khác, thành sắt cao ngất, tám muôn do tuần, lửa bốc đùng đùng, khói lên mờ mịt, nghe tiếng vỡ óc, mắt nhìn tan lòng, câu đồng móc cổ lưới sắt quấn mình, suốt đông sang tây, trên dưới cùng khắp, nơi này hết kiếp, lại đến chỗ khác, chỗ khác hết rồi,lại về nơi cũ, cứ như thế ấy, lưu chuyển vô cùng, khi nào hết kiếp, lạị làm súc sinh, muôn đời sau này, không được làm người.


Đệ tử chúng con, chí thành sám hối, hết thẩy tội chướng, như đã kể trên. Nguyện rằng, vạc dầu biến thành hoa sen; cây gươm cao ngất, hóa thành rừng hương; núi dao vòi vọi, biến thành Thứu Lĩnh; cột đồng nóng bỏng, hóa thành tràng phan, giường sắt đỏ rực, biến thành Bảo Tọa; địa ngục cửa đóng, Tịnh độ mở ra, ngưu đầu, ngục tốt, đều thụ Tam Quy, oan gia không tranh, trái chủ không giành, tham sân diệt hết, định tuệ bừng tỏ. Khắp nguyện cha mẹ thân quyến, mọi loài hữu tình, vượt qua bể khổ, đến bờ yên vui, cùng về Tịnh độ, đều chứng Bồ Đề. Bởi thế chúng con, chí thành đính lễ, mười phương chư Phật.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca MâuNi Phật
Nam Mô Thiện Danh Đức Phật
Nam Mô Cực Cao Hạnh Phật
Nam Mô Thường An lạc Phật
Nam Mô Chiên Đàn Đức Phật
Nam Mô Vô Lượng Minh Phật
Nam Mô Bảo Trang Nghiêm Vương Phật
Nam Mô Bất Động Tu Di Phật
Nam Mô Quảng Chúng Đức Phật
Nam Mô Bảo Hoa Lưu Ly Phật
Nam Mô Kim Tạng Công Đức Phật
Nam Mô Vô Lượng Tướng Hảo Phật
Nam Mô Tam Thừa Hành Phật
Nam Mô Huỳnh Diệu Kim Hoa Phật
Nam Mô Bạch Ngọc Hoàng Kim Phật
Nam Mô Bất Động Kim Sơn Phật
Nam Mô Kim Cương Bất Hoại Phật
Nam Mô Quang Minh Bảo Vương Phật
Nam Mô Tinh Tiến Quân Lực Phật
Nam Mô Phổ Hiện Sắc Thân Quang Phật
Nam Mô Bảo Nguyệt Quang Minh Phật
Nam Mô Vô Cấu Thanh Tịnh Phật
Nam Mô Diệt Chư Tội Nghiệp Phật
Nam Mô Tăng Phúc Duyên Thọ Phật
Nam Mô Hàng Chư Ma Vương Phật
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Tinh Tiến Phật
Nam Mô Giải Oan Thích Kết Bồ Tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả.


Đệ tử chúng con, hiện tiền nơi đây, hồ quỳ chắp tay, dốc lòng sám hối. Chúng con sống chết, từ vô số kiếp, cho đến ngày nay, tiếp nối không dứt, năm mắt mờ tối, ba độc thiêu đốt, tuy có thân tâm, nhưng không trừ được, mong nhờ sức Phật, hào quang sáng suốt, chiếu phá tội chướng, khắp trong ba đời, tiêu diệt mười ác, phá tan mọi chốn tăm tối mê mờ. Chúng con lại nghĩ, hết thẩy chúng sinh, không có bể nghiệp, tâm vốn thanh tịnh, cùng với pháp tính, nhưng vì vọng tưởng, sinh ra phân biệt, mình với người khác, do đó mới sinh yêu, ghét, bạn, thù, thường tranh giành nhau, đời đời hiềm hận, kiếp kiếp trả oán.


Đệ tử chúng con, nghiệp không giết hại, trộm cướp tà dâm, nói càn nói dối, ham mê rượu chè, cố diệt lòng tham, dập tắt lửa sân, từ bỏ mầm si,, đêm ngày nung đốt, tạo thành địa ngục. Chúng con ngày nay, mở lòng Bồ Đề, đối trước chư Phật, cầu xin sám hối, cúi xin chư Phật, chư đại Bồ Tát, phóng ánh sáng lớn, từ bi nhiếp thọ, tiêu trừ ác nghiệp tăng trưởng phúc tuệ.


Nguyện nhờ sức Tam Bảo, chư Phật Bồ Tát, cùng các Hiền Thánh, nhờ sức sám hối, trong Đạo Tràng này, khiến cho chúng con, hết thẩy chúng sinh, cha mẹ thân thuộc, tám nạn ba đường, đều được giải thoát, chứng sáu thần thông, mắt thấy sắc vàng, tai nghe tiếng Phật, mũi ngửi hương Pháp, lưỡi liếm cam lộ, thân như kim cương, ý suốt Phật trí, trang nghiêm cõi Phật, dựng Pháp tràng lớn, soi thế chân như, thuyết pháp độ sinh, đều đến bờ giác, cùng vào cảnh Phật, thấy đức Di Đà, được Ngài thụ ký. Lấy công đức ấy, hồi hướng về cõi chân như, trong tạng kim cương, khắp hư không giới, vi trần quốc độ, quá, hiện, vị lai, thường trụ Tam Bảo, từ bi gia hộ, khêu đèn trí tuệ, soi tỏ thân tâm.


Lại nguyện thiên long thánh chúng, hộ pháp thần vương, ở trong đô thị, hay ngoài biên giới, xa gần linh thông, quay về Chánh đạo, hộ trì Phật pháp. Trong đất nước này, tám phương bình tĩnh, mưa hòa gió thuận, nhân dân no ấm, trăm họ hoan ca. Lại nguyện cha mẹ thân quyến, hết thẩy chúng sinh, đều mở trí tuệ, chiếu phá mây mờ, thấy rõ tâm tính, như vừng trăng sáng, giữa chốn hư không.


Lại nguyện, các đức Như Lai, thường còn nói Pháp, cùng chứng diệu quả, đều thành Bồ Đề, tu hành hồi hướng, không bao giờ hết, hư không có hạn, nguyện con không cùng, chúng sinh hết nghiệp, nguyện con không hết, trí tuệ không cùng, mầm đạo không dứt, chính niệm còn mãi, tâm độ chúng sinh, không bao giờ hết, ; Bồ Đề vi diệu khắp cả trang nghiêm, theo Phật nơi nơi thường an lạc.


Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần)


 MỤC LIÊN SÁM PHÁP
QUYỂN THỨ BA
(HẾT)


CỬ TÁN


Mục Liên Tôn Giả,
thay Phật tuyên hành,
gậy vàng vừa gõ,
cửa ngục tự mở.
Mọi người thoát tội,
Tịnh Độ hóa sinh,
phúc tuệ mãi an lành.


Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần)


TÂM KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA


Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát nhã Ba la mật
(Tức diệu pháp trí độ)
Bỗng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh.
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.” (O)


Nghe đây Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không,
Không chẳng khác gì sắc.
Sắc chính thự là không,
Không chính thực là sắc.
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả. (O)


Xá Lợi Tử nghe đây:
Thể mọi pháp đều không,
Không sanh cũng không diệt,
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành thức.
Không có nhãn nhĩ, tỷ,
Thiệt, thân, ý (sáu căn).
Không có sắc, thanh, hương,
Vị, xúc, pháp (sáu trần).
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh.
Không có hết vô minh.
Cho đến không lão tử.
Không khổ, tập, diệt đạo.
Không trí, cũng không đắc
Vì không có sở đắc
Khi một vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Độ
(Bát nhã Ba la mật)
Thì tâm không chướng ngại.
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi,
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết bàn tuyệt đối. (O)


Chư Phật trong ba đời
Y diệu pháp Trí Độ
(Bát nhã Ba la mật)
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng
Bát nhã Ba la mật
Là linh chú đại thần,
Là linh chú đại minh,
Là linh chú vô thượng,
Là linh chú tuyệt đỉnh,
Là chân lý bất vọng.
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn.
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú Trí Độ
Bát nhã Ba la mật.”
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng: (O)


Yết đế, yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề Tát bà ha


Ma ha Bát nhã Ba la mật đa. (3 lần, 1 tiếng chuông)


SÁM HỐI HỒI HƯỚNG


Đệ tử chúng con... Vì sức nghiệp ma, tâm thần rối loạn, căn tính mê mờ, bỗng nhiên lại nghĩ, thay đổi lung tung, tráo trở chất chồng, xem văn mờ ý, nhầm chữ sai câu. Trái với chính âm trong đục, nệ vào tà kiến giải bầy. Hoặt vì việc đoạt mất chí, tâm chẳng để vào kinh, đương khi tụng niệm, ngồi dậy, bỏ dở câu, cách quãng. Ngồi lâu trễ nải, nhân việc giận hời, chốn nghiêm tịnh để vướng bụi nhơ, nơi kính cẩn hoặc làm cẩu thả. Thân, khẩu mặc, dùng nhếch nhác. Xiêm y, lễ mão lôi thôi, cung chẳng như nghi, ngồi không đúng chỗ. Mở, cuốn rối ren, rớt rơi, dơ, nát. Hết thẩy chẳng chuyên, chẳng thành. Thật là đáng thẹn, đáng sợ.


Kính xin chư Phật, Bồ Tát trong cõi hư không pháp giới, hết thẩy Hiền thánh, Thiện thần, Thiên. Long, Hộ pháp, từ bi thương xót, sám rửa lỗi lầm, khiến cho công đức tụng kinh đều được chu viên thành tựu. (1 tiếng chuông)


Đệ tử chúng con nguyện tâm hồi hướng, còn e hoặc khi dịch nhuận lỗi nhầm, hoặc lúc giải chua thiếu xót, truyền thụ sai thù, âm thích lẫn lộn.


Những lỗi so sánh đổi thay, những nhầm cắt, in, viết chép; dù thầy, dù thợ đều xin sám hối. Nhờ sức thấn của chư Phật, khiến cho tội lỗi tiêu tan. Thường quay xe pháp, cứu vớt hàm linh. Nguyện đem công đức trì chú, tụng kinh hồi hướng về Hộ pháp, Long, Thiên, Thánh chúng, Thần núi, Thần sông linh thiêng trong tam giới, vị chủ tể thủ hộ chốn già lam, cầu mong được hưởng phúc thiện bình an, trang nghiêm đạo quả bồ đề. Nguyện cho khắp cả pháp giới chúng sinh, cùng được vào biển Như Lai pháp tính. (1 tiếng chuống)


KINH LĂNG NGHIÊM
CHƯƠNG NIỆM PHẬT CỦA BỒ TÁT ĐẠI THÊ CHÍ


Đức Đại Thế Chí Pháp Vương Tử, có năm mươi hai vị Bồ Tát đồng hàng với Ngài, liền từ tòa ngồi đứng dậy, lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: Con nhớ về hằng hà sa kiếp xưa kia, có đức Phật ra đời, hiệu là Vô Lượng Quang, trong một kiếp mười hai đức Như Lai nối nhau ra đời. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, Ngài dạy con pháp niệm Phật Tam muội.


Ví như có người: một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. Hai người như thế, dù có gặp nhau, cũng như không gặp, hoặc có thấy nhau, cũng như không thấy. Hai người nhớ nhau, thời hai nhớ in sâu, cứ như thế mãi, từ kiếp này qua kiếp khác, như bóng in hình, chẳng xa trái nhau.


Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh, như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh, mẹ nhớ ích gì? Con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, mẹ con trải qua nhiều kiếp chẳng xa trái nhau.


Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau, quyết định thấy Phật, cách Phật chẳng xa, chẳng phải nhờ phép phương tiện, mà tự mở ngộ tâm mình. Ví như người nhiễm mùi hương, mình có hơi hương, như thế gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Nhân địa con xưa, nhờ tâm niệm Phật, được vào pháp Nhẫn Vô Sinh. Nay ở cõi này, tiếp người niệm Phật về cõi tịnh.


Đức Phật hỏi pháp Viên Thông, con không hề lựa chọn, mà chỉ thu nhiếp sáu căn, nối liền tịnh niệm, được vào nơi chính định, đó là bậc nhất. (1 tiếng chuông)

TÁN PHẬT


Thân Phật Di Đà mầu sắc vàng
Tướng tốt sáng ngời, không gì sánh.
Bạch hào uyển chuyển năm Tu Di
Mắt biếc lắng trong bốn biển lớn.
Vô số hóa Phật trong hào quang
Chúng hóa Bồ Tát cũng vô biên.
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh
Chín phẩm đều cùng lên ngàn giác. (1 tiếng chuông)


Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật. (3 lượt, 1 tiếng chuông)

Nam Mô A Di Đà Phật. (10 lượt hay 1 tràng, 1 tiếng chuông)

Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (3 hay 10 lượt, 1 tiếng chuông)

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát. (3 hay 10 lượt, 1 tiếng chuông)

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát. (3 hay 10 lượt, 1 tiếng chuông)

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (3 hay 10 lượt, 3 tiếng chuông)


CHÍ TÂM ĐẢNH LỄ


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được tiêu trừ tội chướng. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được thiện căn tăng trưởng. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được tam muội hiện tiền. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được thấy Ngài thọ ký cho. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được biết trước ngày giờ lâm chung. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được vãng sinh Cực Lạc quốc. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được thân cúng dường Như Lai và chư Thánh Chúng. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con được viên mãn Bồ Đề đạo. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô A Di Đà Như Lai, nguyện chúng con độ tất cả chúng sinh. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Nam Mô Liên Trì Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma ha tát. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Con nay vì hết thảy bốn ơn, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện dứt bỏ hết ba chướng, xin chí thành phát nguyện. (1 lễ, 3 tiếng chuông)


PHÁT NGUYỆN SÁM HỐI


Đệ tử kính lạy đức Phật Thích Ca
Phật A Di Đà,
Mười phương chư Phật,
Vô lượng Phật Pháp,
Cùng Thánh Hiền Tăng
Đệ tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Tham giận kiêu căng
Si mê lầm lạc
Ngày nay nhờ Phật,
Biết sự lỗi lầm
Thành tâm sám hối
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành
Ngửa trong ơn Phật
Từ bi gia hộ
Thân không bệnh tật
Tâm không phiền não
Hằng ngày an vui tu tập
Pháp Phật nhiệm mầu
Để mau ra khỏi luân hồi
Minh tâm kiến tánh
Trí tuệ sáng suốt
Thần thông tự tại
Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng
Cha mẹ anh em
Thân bằng quyến thuộc
Cùng tất cả chúng sinh
Đồng thành Phật đạo.


SÁM NGUYỆN

Đệ tử chúng con từ vô thủy
Gây bao nghiệp chướng bởi lầm mê
Vào sinh ra tử biết bao lần
Nay đến trước đài Vô thượng giác
Biển trần khổ lâu đời trôi giạt
Hôm nay trông thấy đạo huy hoàng
Con hướng về theo ánh từ quang
Lạy Phật Tổ soi đường dẫn bước
Bao tội khổ trong đời ác trược
Vì tham sân si mạn gây nên
Hôm nay đây khẩn thiết thệ nguyện
Xin sám hối để lòng thanh thoát
Trí tuệ quang minh như nhật nguyệt
Từ bi vô lượng cứu quần sinh
Con nhất tâm nguyện sống đời lành
Đem thân mạng nương nhờ Tam Bảo
Lên thuyền Từ vượt qua bể khổ
Cầm đuốc thiêng ra khỏi rừng mê
Văn Tư Tu xin quyết hành trì
Thân Miệng ý noi về chính kiến
Đi đứng nằm ngồi trong chính niệm
Vào ra cười nói tướng đoan nghiêm
Mỗi khi tâm buồn giận lo phiền
Nguyện nhiếp niệm trở về hơi thở
Mỗi bước chân đi vào tịnh độ
Mỗi cái nhìn thấy được Pháp Thân
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần
Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ
Tập khí năm xưa rồi chuyển hóa
Vườn tâm tuệ giác nở trăm hoa
Niềm an vui đem khắp mọi nhà
Hạt giống tốt gieo về muôn lối
Cùng tăng thân xin nguyện ở lại
Nơi cõi đời làm việc độ sinh
Giờ phút này sông núi chứng minh
Cúi xin đức Từ Bi tiếp độ.


HỒI HƯỚNG


Trì tụng kinh thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền
Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Phật quả xin chứng nên. (3 tiếng chuông)


TAM QUY


Con quy Phật rồi, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, mở lòng tuyệt vời. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Con quy Pháp rồi, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu nghĩa kinh, trí tuệ như hải. (1 lễ, 1 tiếng chuông)


Con quy Tăng rồi, nguyện cho chúng sinh, hợp đạo đồng tình, không gì trở ngại. (1 lễ, 3 tiếng chuông)


Nguyện đem công đức này,
hướng về khắp tất cả,
đệ tử và chúng sinh,
đều trọn thành Phật đạo. (Mọi người đều vái xuống)


-HÒA NAM THÁNH CHÚNG-