Thiền Rà hay Thiền YTT

Thứ Tư, 12 Tháng Tám 20205:09 CH(Xem: 3865)
Thiền Rà hay Thiền YTT

THIỀN RÀ HAY THIỀN YTT
Thích Trí Siêu

Bài này được viết cho các thiền sinh đã từng tham dự các khóa tu Thiền ở Thiền Viện Chân Nguyên vào tháng 6 năm 2016, và ở Tùng Lâm Linh Sơn vào tháng 8 năm 2016.


Trong khóa thiền, tôi có nói rõ mục đích của khóa tu, nhưng sau một thời gian, có nhiều thiền sinh chỉ còn nhớ đến phương pháp "Thiền Rà" mà quên đi mục đích chính.


Ở đây tôi không viết lại toàn bộ chi tiết khóa tu mà chỉ nhắc lại mục đích khóa tu "Thiền Rà" là thực hiện 3 điều của Ý Tình Thân, đó là:

- Ý thanh tịnh
- Tình vắng lặng
- Thân Buông xả


Phương pháp tu tập dựa trên Tứ Niệm Xứ, nhưng chỉ chú tâm trên 3 xứ (nơi) là: thân, thọ, tâm.

Đối với Thân thì rà (scan) từ đầu xuống tới chân.

Đối với Thọ như đau, nhức, ngứa, mỏi, v.v… thì chỉ ghi nhận suông mà không phản ứng (thay đổi tư thế, nhúc nhích, xoa bóp, gãi, …) rồi rà tiếp sang phần khác.  

Tâm
 thì xả (bình thản), không khởi niệm ưa ghét, dính mắc cảm thọ.


Điều sai lầm lớn nhất khiến chúng ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi là chấp thân này là Ta.

Kế tiếp là tìm kiếm, bám víu lạc thọ (tham dục), ghét bỏ khổ thọ (sân), và chấp những ý tưởng là Ta (si).

Do đó, để sửa lại sự sai lầm này, chúng ta tập:

- Thân
 thì buông xả: không cho nó là Ta.

- Tình
 vắng lặng: không ưa thích tìm kiếm lạc thọ, không chạy trốn ghét bỏ khổ thọ.

- Ý
 thanh tịnh: chánh niệm tỉnh giác ghi nhận, không đồng hóa Ta với thân xác, cảm thọ, và ý tưởng.


Tiến trình của khóa tu Thiền Rà có thể được tóm tắt như sau:


Thiền Rà - Quán Thọ - Tu Xả - Ly Sân (tham).


Nghĩa là: thực tập thiền rà, quán sát cảm thọ, phát triển tâm xả, để ly sân (tham).


Đa số khi ngồi thiền lâu, khổ thọ phát sinh nhiều hơn nên chúng ta tìm mọi cách trốn tránh xua đuổi, đây chính là tâm sân đang hiện hành. Đó là lý do tại sao thiền sinh được khuyên không nên nhúc nhích thay đổi tư thế để nhận diện rõ tâm sân của mình mà chuyển hóa, chứ không phải ngồi yên để chịu cực hình. Một số ít thiền sinh ngồi thiền được an lạc nên muốn ở yên trong đó, đây là tâm tham (dục) đang hiện hành.
Do đó phải tiếp tục rà sang phần khác để tâm tham không phát triển.


Thiền của HT Thanh Từ thường được gọi là thiền tri vọng.
Thiền của Thiền sư Nhất Hạnh được gọi là thiền chánh niệm.
Thiền của HT Thông Triệt là thiền Tánh Không.

Riêng về thiền này, quý vị có thể gọi là Thiền Rà (nói theo phương pháp) hay Thiền Ý Tình Thân (nói theo mục đích) đều được. Thiền này không có mục đích chứng ngộ chân tâm (kiến tánh thành Phật) hay chứng quả Tu Đà Hoàn, mà chỉ nhằm phát triển tâm Xả, để diệt trừ tham, sân.
 

Thích Trí Siêu, 30/7/2017

-----
source: trisieu.free.fr