- Chương I: Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu
- Chương II: Đầu Thế Kỷ
- Chương III: Khởi Nguyên của Thiền Học Việt Nam
- Chương IV: Sách Thiền Uyển Tập Anh và Các Tài Liệu về Đạo Phật Việt Nam Đời Đường
- Chương V: Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
- Chương VI: Thiền Phái Vô Ngôn Thông
- Chương VII: Thiền Phái Thảo Đường
- Chương VIII: Tổng Quan về Phật Giáo Đời Nhà Lý (1010 - 1225)
- Chương IX: Nền Tảng Phật Giáo Đời Nhà Trần
- Chương X: Trần Thái Tông Tuổi Trẻ và Chí Nguyện Học Đạo
- Chương XI: Tuệ Trung Thượng Sĩ
- Chương XII: Trần Nhân Tông và Phái Thiền Trúc Lâm
- Chương XIII: Thiền Sư Pháp Loa (1284 - 1330)
- Chương XIV: Thiền Sư Huyền Quang (1254- 1334)
- Chương XV: Những Khuôn Mặt Phật Tử Khác Trong Đời Nhà Trần
- Chương XVI: Tổng Luận về Phật Giáo Đời Nhà Trần
- Chương XVII: Phụ Lục Các Phụ Bản
CHƯƠNG IV
THIỀN PHÁI TỲ NI ĐA LƯU CHI
HÀNH TRANG VÀ TRUYỀN THỪA
Theo Thiền Uyển Tập Anh, “Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là dòng Bà La Môn, gốc ở Nam Thiên Trúc, vân du qua Trung Hoa; vào năm Nhâm ngọ (562) niên hiệu Đại Kiến thứ sáu nhà Trần thì đến Trường An. Vào năm 574 sau khi Phật giáo bị Võ Đế đàn áp, ông đi về đất Nghiệp (Hồ Nam). Hồi đó, tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa là Tăng Xán đang bị nạn ở đây, ẩn tại núi Tư Không. Khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi gặp tổ Tăng Xán, thấy phong độ phi phàm, liền chắp tay ba lần, tổ vẫn ngồi yên không nói nói năng gì. Trong lúc đứng chờ suy tư, tâm bổng mở ra như có chổ sở đắc, ông liền lạy xuống ba lạy. Tổ cũng chỉ gật đầu ba cái mà thôi. Ông lùi ba bước, thưa rằng: đệ tử từ trước tới nay chưa có cơ hội, xin hòa thượng từ bi cho đệ tử được theo hầu bên tả hữu. Tổ nói: ông mau mau đi về phương Nam tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở lâu tại đây. Ông liền từ biệt tổ đi về phương Nam, ở lại chù Chế Chỉ ở Quảng Châu. Đây là vào khoảng niên hiệu Đại Đế thứ sáu. Ông dịch được một số kinh như Tượng Đầu và Báo Nghiệp Sai Biệt. Đến tháng Ba năm Canh tý niên hiệu Đại Tường thứ hai (580), vào đến nước ta, ở tại chùa này (Pháp Vân Tự), lại dịch thêm kinh Tổng Trì.
Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng đã được nói tới trong sách Thích Thị Thông Giám của Thích Bản Giác viết năm đời Tống, tương đương với nhà Lý Việt Nam. tuy nhiên những chi tiết ở đây không được phù hợp hoàn toàn với sách Thiền Uyển. Theo Thích Thị Thông Giám thì năm 582, Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào ở lại đất Tùy để dịch kinh. “Tùy Văn Đế vào năm Nhâm dần (582) triệu Pháp Trí (Người Ấn, tên Phạn ngữ là Dharmajnana) đến kinh đô dịch kinh. Lúc đó lại có Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tên Hán tự là Diệt Hỷ, mới qua; vua cũng triệu vào dịch kinh. Tháng hai năm ấy, Diệt Hỷ dịch xong kinh Tượng Đầu. Tháng ba Pháp Trí dịch xong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt. Tháng bảy Diệt Hỷ lại dịch xong kinh Tổng Trì.
Như vậy, theo Thích Thị Thông Giám, kinh Nghiệp Báo Sai Biệt (Thiền Uyển Tập Anh chép nhầm là Báo Nghiệp Sai Biệt) là do Pháp Trí dịch chứ không phải do Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Điều này chắc đúng, bởi kinh Nghiệp Báo Sai Biệt trong Đại Tạng hiện mang tên Pháp Trí là dịch giả. Cũng theo Thích Thị Thông Giám, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch xong kinh Tổng Trì tại Trung Hoa mà không phải tại Việt Nam như Thiền Uyển Tập Anh đã nói.
Nếu Thích Thị Thông Giám nói đúng, thì Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào Việt Nam sau năm 582. Nhưng ta không chắc gì sách Thích Thị Thông Giám nói về niên đại Tỳ Ni Đa Lưu Chi đúng hơn sách Thuyền Uyển Tập Anh, vì lẽ liên hệ của Tỳ Ni Đa Lưu Chi với sách Thuyền Uyển quan trọng hơn với sách Thích Thị Thông Giám nhiều.
Thiền sư Thông Biện, theo Thiền Uyển Tập Anh, đã trích dẫn lời của pháp sư Đàm Thiên nói về Tỳ Ni Đa Lưu Chi: “Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của tam Tổ, là một vị Bồ Tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hóa đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc”[1]. Thông Biện dẫn chứng chuyện của pháp sư Đàm Thiên nhưng không cho biết là chuyện này chép ở sách nào. Như đã nói chuyện của pháp sư Đàm Thiên trong các tác phẩm như Phật Tổ Thống Kỷ, Thích Thị Thông Giám, vv... không có đoạn văn nào mà Thông Biện trích dẫn. Các sách Cao Tăng Truyện và Tục Cao Tăng Truyện đều không chép về Đàm Thiên vì lẽ các sách ấy được viết trước thời đại Đàm Thiên [2].
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã nghe lời tổ Tăng Xán xuống phương Nam hành đạo và do đó đã dịch các kinh Tượng Đầu và Nghiệp Báo Sai Biệt tại chùa Chế Chi ở Quảng Châu và sau khi tới chùa Pháp Vân ở làng Cổ Châu, Long Biên, mới bắt đầu dịch kinh Tổng Trì. Thiền Uyển Tập Anh nói rõ rằng ông đến chùa Pháp Vân vào tháng Ba năm Giáp dần (594) thì tịch. Thời gian ông lưu trú tại Việt Nam như vậy là 14 năm.
Khi ông qua tới chùa Pháp Vân thì ở đây đã có một vị thiền sư Việt Nam tên là Quán Duyên đang dạy thiền học cho đồ chúng. Ông ở lại đây và chọn thiền sư Pháp Hiền làm đệ tử. Pháp Hiền từ trước đã có học thiền học với Quán Duyên.
Sau đây là bảng liệt kê mười chín thế hệ của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi:
Thế hệ 1: Tỳ Ni Đa Lưu Chi (mất 594)
Thế hệ 2: Pháp Hiển (mất 624)
Thế hệ 3: Huệ Nghiêm, người truyền pháp cho Thanh Biện của thế hệ thứ tư. Huệ Nghiêm là một trong 300 học trò của Pháp Hiển, sống đồng thời với Pháp Đăng, trước vốn là thầy của Thanh Biện. Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp, còn Pháp Đăng ở chùa Phổ Quang có thể Pháp Đăng cũng là học trò của Pháp Hiển.
Thế hệ 4: Thanh Biện (mất 686)
Thế hệ 5: một người, khuyết lục.
Thế hệ 6: một người khuyết lục.
Thế hệ 7: Long Tuyền, chùa Nam Dương
Thế hệ 8: Định Không (mất 808) và hai người khuyết lục
Thế hệ 9: Thông Biện và hai người khuyết lục, trong số này có thể có Phù Trì chùa Long Thọ, thầy của Pháp Thuận.
Thế hệ 10: La Quý An (mất 979), Pháp Thuận (mất 991), Mahamaya (mất 1029) và một người khuyết lục (có thể và Vô Ngại, thầy của Sùng Phạm)
Thế hệ 11: Thiền Ông (mất 979), Sùng Phạm (mất 1087) và hai người khuyết lục (có thể là Trí Hiền, giáo sư của Đạo Hạnh và Pháp Bảo, thầy của Thuần Chân).
Thế hệ 12: Vạn Hạnh (mất 1018), Đinh Tuệ (mất?), Đạo Hạnh (mất 1112), Trì Bát (mất 1117), Thuần chân (mất 1101) và hai vị khuyết lục.
Thế hệ 13: Huệ Sinh (mất 1063), Thiền Nham (mất 1163), Minh Không (mất 1141), bản tịch (mất 1140) và hai người khuyết lục (có thể là Pháp Thông bạn đồng môn của Huệ Sinh và Biện Tài, giáo sư của Khánh Hỷ).
Thế hệ 14: Khánh Hỷ (1142) và bốn vị khuyết lục trong đó có thể là tính nhãn và Tính Như, hai người bạn đồng môn, và Quảng Phúc, thầy của Giới Không.
Thế hệ 15: Giới Không (mất?), Pháp Dung (mất 1174) và một người khuyết lục, có lẽ là Thảo Nhất chùa Tĩnh Lự, thầy của Chân Không.
Thế hệ 16: Trí (mất?), Chân Không (mất 1100), Đạo Lâm (mất 1203).
Thế hệ 17: Diệu Nhân (mất 1113), Viên Học (mất 1136), Tĩnh Thiền (mất 1193) và một người khuyết danh, có lẽ là Viên Học, người đã chỉ dạy Viên Thông(*).
Thế hệ 18: Viên Thông (mất 1151) và một người khuyết lục, có lẽ là Định Hương thầy của Y Sơn.
Thế hệ 19: Y Sơn (mất 1213) và một người khuyết lục.
BỐI CẢNH TƯ TƯỞNG CỦA TỲ NI ĐA LƯU CHI
Cuốn kinh đầu tiên mà Tỳ Ni Đa Lưu Chi phiên dịch là cuốn kinh Tượng Đầu Tinh Xá, một cuốn kinh có tính chất Thiền học và mang mầu sắc của văn hệ Bát Nhã. Kinh này nói về bản chất của giác ngộ, tức là bồ đề. Đây là mọt vài đoạn chọn trong những đoạn quan trọng nhất của kinh.
“Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Bồ đề siêu việt tam giới, siêu việt ngôn ngữ, siêu việt văn tự, không cần địa điểm nương tựa. Lại nữa Văn Thù, an trú vào nơi không an trú tức là an trú ở bồ đề; an trú ở nơi không chấp trước tức là an trú bồ đề; an trú ở pháp không tức là an trú nơi nơi bồ đề; an trú nơi chân lý tất-cả-các-pháp-không-có-tướng tức là an trú nơi bồ đề; an trú nơi không tăng - không giảm tức là an trú nơi bồ đề...”.
“Lại nữa dạy về các phép thiền quán, nhất là mười phương pháp thiền quán nội ngoại để phá trừ các chấp trước: 1) quán nội giới của thân là không; 2) quán ngoại giới của thân là không; 3) quán các pháp trong và ngoài đều không; 4) không bị chấp trước vào nhất thiết trí; 5) không bị chấp trước vào những phương tiện tu hành; 6) không bị chấp trước vào các địa vị tu chứng của các bậc hiền thánh; 7) không chấp trước vào sự thanh tịnh đạt được do sự hành đạo lâu ngày; 8) an trú ở Bát Nhã Ba La Mật; 9) không bị chấp trước vào công việc giảng luận giáo hóa; 10) quán các chúng sinh phát khởi lòng từ bi lân mẫn.
Tỳ Ni Đa Lưu Chi qua Trung Hoa năm 562, đến năm dịch kinh này (582 theo Thích Thị Thông Giám) là 20 năm, cố nhiên lúc đó Hán văn của ông đã giỏi lắm rồi. Thời gian đạo Phật bị Võ Đế nhà Bắc Chu đàn áp là từ năm 574 đến 577. Chính trong thời gian này mà ông gặp được Tăng Xán đang lánh nạn tại núi Tư Không, và chắc hẵn là cuộc gặp gỡ đã có ảnh hưởng trong sự chọn lựa kinh này để dịch, bởi Tăng Xán chuyên về Thiền học. Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng của Tăng Xán khá sâu đậm; sự ảnh hưởng này thấy rõ trong lời dặn của ông dặn lại đệ tử Pháp Hiển trước khi viên tịch: “Tâm ấn của chư Phật không lừa dối ta đâu; tâm ấy tròn như núi thái hư, không thiếu không dư, không đi không tới, không được không mất, không nhất nguyên, không đa nguyên, không thường không đoạn, vốn không sinh ra cũng không diệt mất... (lược). Khi Tăng Xán ấn cho ta tâm này thì có bảo ta nên gấp về phương Nam mà giao tiếp.. “Những chữ tròn đầy như thái hư, không thiếu không dư” (viên đồng thái hư, vô khuyết vô dư) là hai câu mà ta thấy trong bài ca Tín Tâm Minh rất có giá trị của Tăng Xán:
Viên đồng thái hư
Vô khuyết vô dư
Lương do thủ xả
Sở dĩ bất như.
Thấy ảnh hưởng đó của Tăng Xán nơi Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ta có thể tin rằng vị sau này đã nghe lời Tăng Xán đi về phương Nam và dịch kinh Tượng Đầu tại chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu, sát bên Giao Châu. Cố nhiên là ông đã có mang theo bên mình nhiều bản Phạn ngữ mà ông ưa thích, trong đó có kinh Tượng Đầu Tinh Xá và kinh Tổng Trì. Như vậy là trước khi qua Trung Hoa, ông đã có nghiên cứu về Bát Nhã, Thiền học (kinh Tượng Đầu) và Mật Giáo (kinh Tổng Trì).
Ta nên biết Mật Giáo có liên hệ mật thiết với Thiền tông. Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một trong những người đã dùng danh từ tâm ấn sớm nhất trong lịch sử thiền, mà danh từ này đã phát xuất từ các kinh điển Mật Giáo. Kinh Đại Nhật, kinh căn bản của Mật Tông, nói như sau về tâm ấn: “Đối với mọi lời giáo huấn của Phật không có gì là không nắm được tinh yếu; nếu có thể giữ gìn được tâm ấn ấy để mở rộng tất cả các pháp môn, đó gọi là người đã thông đạt được tam thừa”. Tâm ấn ở đây là tinh yếu mật ý của kinh Đại Nhật.
Trong giới thiền gia, danh từ tâm ấn sau này có nghĩa là đối tượng của sự trao truyền trực tiếp từ thầy sang trò. Ấn có nghĩa là quyết định hay là khuôn dấu tượng trưng cho sự chân truyền và chính thống. Sự trao truyền tinh yếu của giác ngộ được thực hiện bằng tâm, được thực hiện giữa tâm với tâm, không cần đi qua bất cứ mọt trung gian nào, đó gọi là tâm ấn. Khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi nói rằng Tăng Xán đã ấn cho ông cái tâm ấn của chư Phật, tức là ông nhận Tăng Xán là người đã giúp ông giác ngộ.
Tượng Đầu Tinh Xá Kinh chắc chắn đã được phổ biến và sử dụng ở Giao Châu thời ấy: kinh này có thể xem như là kinh căn bản của Thiền học sử dụng trong thiền viện Pháp Vân mà trong các tòng lâm thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi như tòng lâm Thiền Chúng, nơi đó có 300 tăng sĩ học tập thiền quán dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Pháp Hiển. Kinh Tượng Đầu Tinh Xá có đặc tính phá chấp của văn hệ bát nhã và đặc biệt chú trọng thiền quán. Lục tổ Huệ Năng là người đầu tiên ở Trung Hoa dùng một kinh thuộc văn hệ bát nhã (kinh Kim Cương) trong sự giảng dạy Thiền học - lúc đó, Kinh Lăng Già là kinh được thị bậc nhất trong giới thiền gia - Sự sử dụng kinh Tượng Đầu Tinh Xá ở Giao Châu cho ta thấy sự liên hệ giữa văn hệ bát nhã vàThiền học ở Giao Châu đã có sớm hơn ở Trung Hoa một thế kỷ. Kinh Lăng Già là một cuốn kinh được Bồ Đề Đạt Ma trao cho Huệ Khả và được truyền lại cho các tổ kế tiếp. Kinh Tượng Đầu Tinh Xá nói về không, thuộc hệ thống bát nhã, đã được dùng để bổ túc cho kinh Lăng Già. Vua Lý Thái Tông đã tỏ ra rất tinh tường trong bài thơ mà vua làm để cho truy tán Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Trăng Lăng Già vằng vặc
Sen Bát Nhã ngạt ngào
Bao giờ được tương kiến
Đàm đạo huyền cùng nhau?
(Hạo hạo Lăng Già nguyệt
Phân phân Bát Nhã liên
Hà thời đắc tương kiến
Tương dữ thoại trùng huyền?)
SIÊU VIỆT NGÔN NGỮ VĂN TỰ
Kinh Tượng Đầu Tinh Xá nói về bản chất của giác ngộ (tức là bồ đề) như một cái gì không thể dùng lời nói và chữ viết để diễn tả được: “Văn Thù Sư Lợi ơi, bồ đề siêu việt ngôn ngữ, siêu việt văn tự, không cần điểm tựa”. Quan niệm này phù hợp với quan niệm tâm ấn của kinh Đại Nhật bên Mật Giáo: kinh điển là thánh giáo, tinh yếu của thánh giáo là tâm ấn; tâm ấn do đó cũng siêu việt kinh điển và thánh giáo. Chính căn cứ trên điểm này mà Đề Đạt Ma, hồi mới qua Ngụy, đã tuyên bố rằng tuệ giác của ông “được truyền lại độc lập với kinh giáo, không căn cứ trên văn tự, đi thẳng vào tâm người, thấy được tự tính và thành Phật” (giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật). Đề Đạt Ma qua Ngụy vào khoảng đầu thế kỷ thứ sáu; tuy tuyên bố như vậy nhưng ông vẫn đem bên mình một bản kinh Lăng Già mà ông trao lại cho Huệ Khả, và Huệ Khả trao lại cho Tăng Xán. Tỳ Ni Đa Lưu Chi khi đến Giao Châu đã dụng kinh Tượng Đầu Tinh Xá để làm căn bản cho sự hành thiền ở đây. Thiền không bị ràng buộc vào ngôn ngữ văn tự nhưng thiền ở trách nhiệm chưa từng có thái độ druồng bỏ khinh khi văn tự: trong thiền môn, kinh điển vẫn thường được đem ra nghiên cứu giảng dạy. Có điều là trong khi giảng dạy kinh điển, các thiền sư luôn nhắc đến rằng các thiền giả không nên ràng buộc trong ngôn ngữ và khái niệm. Kinh điển là những phương tiện giúp thiền giả hành đạo: mục đích của thiền giả là giác ngộ chứ không phải là chứa chấp kiến thức. Cái biết giác ngộ khác với cái biết khái niệm. Khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi gặp Pháp Hiền, thấy người khác thường, ông liền nhìn vào mặt Pháp Hiền và hỏi: “Thầy tính (họ) gì? (lúc mới qua Giao Châu, cố nhiên ông chưa nói được tiếng Việt, do đó các cuộc đàm thoại chắc bằng tiếng Tàu. Chữ Tính có nghĩa là họ, cũng có nghĩa là thể tính) Pháp Hiền hỏi lại: “ Hòa thượng tính gì?” Tỳ Ni Đa Lưu Chi hỏi lại: “Thầy không có tính à?” Pháp Hiền nói: “Tính thì sao lại không có, nhưng hòa thượng làm thế nào để biết?” Tỳ Ni Đa Lưu Chi liền quát “Biết để làm gì?” Pháp Hiền bổng tỉnh ngộ, sụp xuống lạy, và nhận được tông chỉ.
Ban đầu Tỳ Ni Đa Lưu Chi chỉ muốn hỏi tên họ của Pháp Hiền. Nhưng Pháp Hiền lại muốn đưa câu chuyện lên bình diện triết học. Ông hỏi “hòa thượng tính gì?” tức là đàm luận về thể tính của tâm. Nhưng Tỳ Ni Đa Lưu Chi một mực từ chối không muốn đi vào cuộc đàm luận về thể tính học. Ông hỏi lại câu hỏi đơn giản “tôi muốn biết thầy tên gì sao thầy không nói? Thầy không có tên sao?”. Pháp Hiền vẫn cứng đầu muốn đứng trên bình diện đàm luận thể tính. Ông nói: “thể tính thì ai lại không có, nhưng hòa thượng làm cáh nào đẻ biết được thể tính đó?”. Tới đây Tỳ Ni Đa Lưu Chi giáng cho Pháp Hiền một đòn sinh tử. Ông quát “biết để làm gì?”. Ý muốn nói: cái biết khái niệm mà ông đang đi tìm đó không có mảy may ích lợi gì cho ông hết. Cái biết của sự tỉnh thức giác ngộ không phải là cái biết có tính cách kiến thức. Vì là người lanh lợi, nên Pháp Hiền đã bừng thấy được sự thực.
Cuộc đàm thoại giữa Huệ Nghiêm (thế hệ thứ ba và thứ tư của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) cho ta thấy rõ tinh thần siêu việt văn tự của thiền. Thanh Biện rất say mê kinh Kim Cương Bát Nha Ba La Mật, nhưng vì đã học kinh này theo kiểu từ chương, nên ông không đạt được tinh yếu của kinh. Ông tìm đến Huệ Nghiêm tại chùa Sùng Nghiệp. Huệ Nghiêm hỏi: “Theo ông thì ai đã nói ra kinh này?” Thanh Biện nói: “Không phải chính Phật thích Ca Như Lai đã nói kinh này sao?” Huệ Nghiêm: “Trong kinh có câu: “Nếu ai cho rằng Như Lai có thuyết pháp, kẻ ấy là người bài báng Phật, không hiểu điều ta muốn nói”. Vậy ông hãy suy nghĩ cho chín đi: nếu nói kinh này không phải là của Phật thuyết thì là báng kinh, nếu nói kinh này là do Phật thuyết thì là báng Phật. Ông hiểu như thế nào, nói mau, nói mau!” Thanh Biện mở miệng định nói thì Thanh Biện lấy chiếc phất trần đánh ngay một cái vào miệng. Thanh Biện bỗng nhiên tỉnh ngộ, cúi xuống làm lễ.
SIÊU VIỆT HỮU VÔ
Tín Tâm Minh của Tăng Xán chịu ảnh hưởng rất nhiều của giáo lý Hoa Nghiêm và Tam Luận. Đối với vấn đề hữu thể và vô thể, kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) đi từ nguyên lý duyên sinh (sự sinh diệt của hiện tượng tùy thuộc nhiều điều kiện) đến nguyên lý trùng trùng duyên khởi (các điều kiện liên hệ với nhau lớp này sang lớp khác đi về vô tận) để kết luận rằng một là tất cả, tất cả là một. Siêu việt một lần trong các quan niệm hữu, vô, nhất nguyên và đa nguyên. Tư tưởng Tam luận là kết quả hệ thống tư tưởng hóa tư tưởng Bát Nhã do Long Thọ và Đề Bà ở thế kỷ thứ hai xiển dương trong ba bộ luận Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận. Tư tưởng này mang màu sắc mọi biện chứng pháp nhằm đến đánh đổ và vô lý hóa mọi quan niệm về hữu, vô, sinh, diệt v.v... mở đường cho trí tuệ phi khái niệm tức là vô phân biệt trí, hoặc tuệ giác bồ đề. Kinh Tượng Đầu Tinh Xá là một thiền kinh đại thừa, trong đó tư tưởng siêu việt hữu vô cũng rất rõ rệt. “Bậc trí giả phải lấy thiền làm thể, thiền trí phải bình đẳng không phân biệt (theo lề thói khái niệm), vì phân biệt chỉ là phương tiện. Phải quán ngũ ấm, lục nhập, thập bát giới, thập nhị nhân duyên, sự lưu chuyển sinh tử và các hình tướng thiện ác là huyễn hóa, không phải hữu cũng không phải vô” (Tượng Đầu Tinh Xá Kinh). Đoạn kinh này vừa nhấn mạnh đến trí tuệ vô phân biệt như công cụ duy nhất có thể làm chứng nhận thực tại vừa nhấn mạnh đến bản chất duyên sinh hư huyễn và phi hữu phi vô của vạn pháp. Tỳ Ni Đa Lưu Chi cố nhiên là đại diện cho tư tưởng Thiền học đại thừa này. Lời của ông với Pháp Hiền về tâm pháp trước khi tịch chứng tỏ điều đó: “tròn như thái hư, không thiếu, không dư, không đi, không tới, không được, không mất, không nhất nguyên, cũng không đa nguyên, không thường cũng không đoạn, không sinh cũng không diệt”. Đó thực là thuần túy tư tưởng tam luận, siêu việt mọi khái niệm đối lập hữu vô, nhất dị, lai khứ, sinh diệt, thường đoạn.
Thiền sư Huệ Sinh (mất 1063) thuộc thế hệ thứ 13 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, từng được phong tăng thống, trong một kệ trình vua Lý Thái Tông đã nói rõ về quan niệm siêu việt hữu vô của thực tại. Một hôm vua Lý Thái Tông mời các cao tăng thọ trai; nhân dịp vua xin mỗi người một bài thi kệ ngắn để tỏ bày kiến giải về đạo Phật. Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì vua đã làm xong một bài kệ như sau:
Bát Nhã vốn không tông
Nhân không, ngã cũng không
Ba đời các đức Phật
Pháp tính vốn chung đồng
(Bát Nhã chân vô tông
Nhân không ngã diệc không
Quá hiện vị lai Phật
Pháp tính bản lai đồng)
Bài kệ nói về bản tính không (sunyata) của nhân, của ngã, của tông bát nhã, và của cả các chư Phật trong hiện tại và vị lai. Bài kệ có tính lặp lại những kiến thức thu lượm trong các kinh Bát Nhã. Thiền sư Huệ Sinh liền trình vua bài kệ sau đây, trong đó ta thấy rõ tính cách siêu việt cả không và hữu:
Pháp cũng như vô pháp
Không hữu cũng không không
Nếu đạt được lẽ ấy
Chúng sinh với Phật đồng
Trăng Lăng Già lặng chiếu
Thuyền vượt biển trống không
Không cũ không như có
Định Tuệ chiéu vô cùng.
(Pháp bản như vô pháp
Phi hữu diệt phi không
Nhược nhân tri thử pháp
Chúng sinh với Phật đồng
Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu
Trí không không, giác hữu
Tam muội nhậm thông chu)
Đây là một bài kệ rất sâu sắc thuộc loại siêu đẳng trong kho tàng văn hóa Phật Giáo. không những đứng vững về phương diện tư tưởng mà đứng về phương diện văn học, hình ảnh một chiếc thuyền trống không lặng lẽ vượt biển dưới ánh trăng tịch tĩnh của Lăng Già là một hình ảnh màu nhiệm. Thiền sư Huệ Sinh đã bắt đầu bằng quan niệm pháp (sự vật) phù hợp với tinh thần bát nhã: nếu pháp là một sự tập hợp của nhiều điều kiện và không có một bản chất hay tự tính trong bản thân nó, thì pháp ngang với vô pháp, và vì vậy những thuộc tính hữu và không không thể gán cho nó được (pháp cũng như vô pháp, không hữu cũng không không). Nếu đạt được chân lý đó - đạt bằng thực chứng mà không phải nắm bắt bằng khái niệm - thì sẽ không thấy gì khác nhau giữa chúng sinh (người không giác ngộ) và Phật (người giác ngộ) nữa. Trong thế giới thực tại của chân lý ấy, mọi ngôn ngữ khái niệm không còn hiệu lực gì nữa, tất cả đều lặng yên: dưới ánh sáng trầm lặng của mặt trăng Lăng Già, tượng trưng cho trí tuệ giác chiếu, một chiếc thuyền vượt biển, trong lòng chiếc thuyền tuyệt đối không mang theo ai, không mang theo gì. Ở đây Phật và chúng sinh là một, không có người mê, không có người ngộ, không có người cứu độ, không có người được cứu độ, không có ai qua bờ.
Hai câu cuối đối trị lại khuynh hướng chống đối giữa không và hữu, nhằm gỡ vua Lý Thánh Tông ra khỏi sự bám víu vào khái niệm không mà vua đã học được trong Bát Nhã. Thiền sư nói “sau khi biết không cũng là không, thì mới thực sự biết có là gì” (trí không không giác hữu). Bởi chấp vào không thì cũng hại cũng như chấp vào có; nếu thoát khỏi không, biết không cũng không thì có cũng sẽ không ràng buộc được ta nữa. Có như vậy thì công phu thiền định mới không bị kẹt (tam muội nhậm thông chu).
Thiền sư Đạo Hạnh (mất 1112) thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng có một bài kệ rất sâu sắc về vấn đề siêu việt không hữu:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả vũ trụ này cũng không
Có, không bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.
(Tắc hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không)
Hai câu đầu “nói có thì từ hạt bụi hạt cát đều có, nói không thì cả vũ trụ đèu không” phản chiếu trung thực tư tưởng Hoa Nghiêm. Câu thứ ba “ có và không đối nhau và nương tựa nhau như bóng nguyệt dòng sông”. Câu thứ tư nhằm vào sự ngăn ngừa không để người ta mắc vướng vào sự chấp không: “đừng bị mắc kẹt vào cái không của có và không” (vật trước hữu không không).
YẾU TỐ MẬT GIÁO
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì tại chùa Pháp Vân.
Kinh Tổng Trì là một kinh về Mật Giáo. Sự có mặt của yếu tố Mật Giáo trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một trong những đặc điểm của thiền phái này.
Mật Giáo là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Phật Giáo đại thừa ở Ấn Độ (giai đoạn thứ nhất là Bát Nhã, giai đoạn thứ hai là Duy Thức). Giai đoạn này bắt đầu từ thế kỷ thứ tư, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ thứ sáu, đến giữa thế kỷ thứ tám thì được hệ thống thống hóa trong một truyền thống gọi là Kim Cương thừa (Varayana). Từ Kim Cương thừa xuất hiện nhiều hệ thống mật giáo, trong đó có hệ thống Sahajayana mà giáo lý và thực hành rất giống với thiền, nhấn mạnh đến sự quan trọng của thiền tọa, của trực giác bồ đề, và sử dụng những hình ảnh cụ thể và những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ.
Mật Giáo bắt đầu từ tư tưởng thâm sâu của Bát Nhã đồng thời cũng bắt đầu từ những tín ngưỡng nhân gian Ấn Độ. Về phương diện này, Mật Giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phượng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên Mật Giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn.
Đứng về phương diện tư tưởng, Mật Giáo là một phản ứng đối với khuynh hướng quá thiên trọng tri thức và nghiên cứu các hệ thống Bát Nhã và Duy Thức. Theo Mật Giáo, trong vũ trụ có ẩn tàng những thế lực siêu nhiên; nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu nhiên kia thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ thành đạo, khỏi phải đi tuần tự từng bước. Sự giác ngộ cũng có thể thực hiện trong giây phút hiện tại. Sự sử dụng thế lực của thần linh, sự sử dụng thần chú, ấn quyết và các hình ảnh mạn đà la [3] có thể hổ trợ đắc lực cho thiền quán hành đạo. Chính vì khuynh hướng này của Mật Giáo mà Phật giáo đã bao trùm trong mọi tín ngưỡng bình dân trong lòng nó, ở Ấn Độ, cũng như ở Việt Nam. từ ngữ Tổng Trì nguyên làdharani (đà la ni) trong Phạn ngữ, có nghĩa là nắm giữ, duy trì và ngăn ngừa. Sách Đại Trí Độ Luận (Mahapra-jnaparanita-sastra) của Long Thọ (Nagarjuna) viết vào thế kỷ thứ hai nói: “đà la ni có nghĩa là duy trì và ngăn ngừa: duy trì làduy trì những thiện pháp không để cho thất lạc, như một cái bình nguyên vẹn có thể chứa nước không để nước rịn ra; ngăn ngừa là ngăn ngừa những ác pháp không cho phát sinh, nếu có khuynh hướng tạo tạo tội ác thì ngăn ngừa không cho tạo tắc: đó là đà la ni”. Có bốn loại đà la ni, tức là bốn loại tổng trì: pháp, nghĩa, chú và nhẫn: Pháp đà la ni là duy trì những điều học hỏi về phật pháp, không cho tán thất. Nghĩa đà la ni là duy trì yếu nghĩa của các giáo pháp không để cho quên mất. Chú đà la ni là duy trì các thần chú không để quên mất. Thần chú là những lời nói bí mật được phát sinh trong khi ngồi thiền định, những mật ngữ này có những hiệu lực linh nghiệm không thể đo lường được. Nhẫn đà là ni là an trú trong thực tướng của vạn pháp không để tán loạn.
Tổng trì, như thế, có thể liên hệ rất nhiều tới thiền định. Kinh Tổng trì của Mật Giáo đã được dùng cho nhiều thiền giáo ngay từ buổi khởi đầu của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tỳ Ni Đa Lưu Chi rời Ấn Độ vào khoảng bán thế kỷ thứ sáu, và đã thừa kế tinh thần mật giáo: ông đem theo với ông ít nhất là một cuốn kinh Mật Giáo bằng Phạn ngữ. Ta nên nhớ Mật tông ở Trung Hoa được thành lập vào thế kỷ thứ tám. Ba vị sư Ấn Độ là Subhakarasimha (637-735) Vajrabodhi (670) và Amoghavajra (705-775) đã mang Mật Giáo vào Trung Hoa trong thế kỷ này và đã gây ảnh hưởng lớn tại triều đình nhà Đường. Các vua Đường đã nhừo tới Mật Giáo yểm trợ và che chở, cũng giống như các vua nhà lý Việt Nam vậy. Ông Hà Văn Tấn (trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 76 tháng 7 năm 1965 xuất bản tại Hà Nội) cho biết vào khoảng năm 1963, tại làng Trường Yên thuộc kinh đô HoaLư cũng của nhà Đinh, người ta đã đào được một cây bia đá, trên bia có khắc câu kệ và chú Đà La Ni, dựng vào năm 973 đời Đinh. Bia này là một trụ đá có tám mặt, một mặt rộng sáu phân rưỡi. Trên mỗi mặt biađều có khắc chữ Hán, bắt đầu bằng câu “Phật Đính Tối Tắng Già Cú Linh Nghiệm Đà La Ni”, ghi là do Tinh Hải Quân Tiết Chế Nam Việt Vương Đinh Liễn tạolập. Lại phát hiện một kinh tạng dựng năm 995 thời Lê Đại Hành có một bài kệ với những câu sau đây:
Chư thiên thường Phạn ngữ thanh
Văn niệm Phật đỉnh Đà La Ni
Tắc đắc cụ túc trai giới
Những tài liệu trên cho biết sự thực hành trì chú của Mật Giáo rất được phổ thông qua các triều đại Đinh và Tiền Lê vậy.
Nhưng Tỳ Ni Đa Lưu Chi không phải là nguồng gốc duy nhất cho yếu tố Mật Giáo của thiền phái mang tênông. Yếu tố Mật Giáo còn thâm nhập do những ngõ ngáhc khác: sự du học của các tsvn ở Ấn Độ, ảnh hưởng của Phật Giáo Chiêm Thành và sự viếng thăm crnx thiền sư Mật Giáo ngoại quốc.
Trong số những người đi du học Ấn Độ, có thiền sư Sùng Phạm (mất 1087) đệ tử của thiền sư Vô Ngại tại chùa Hương Thành. Sùng Phạm thuộc thế hệ 11 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông ở lại Ấn Độ chín năm, sau khi về nước ông mở trường dạy tại chùa Pháp Vân, đẹ tử theo học drất đông, trong số đố có thiền sư Đạo Hạnh sau này rất nổi tiếng về phù chú Mật Giáo (Đạo Hạnh cũng đã lên đường đi Ấn, nhưng chỉ tới Miến Điện thì quay trở về; sau khi tìm thầy được gặp Sùng Phạm). Vua Lê Đại Hành nhiều lần triệu thỉnh Sùng Phạm vào kinh khuyết để tham khảo đạo Phật. Đạo phong của Sùng Phạm còn khiến cho vua lý Nhân Tông sau này làm một bài kệ tán ca tụng:
Tên Sùng Phạm, nhưng người Nam Quốc
Phật trường về đỗ được Tâm Không
Tai dài tướng tốt đoan trang
Hạnh ngôn đúng pháp trăm đường không chê
(Sung Phạm cư nam Quốc
Tâm Không cập đệ quy
Những trường hồi thụy chất
Pháp Pháp cái ly vi).
Sùng Phạm còn một vị đệ tử khác tên là Trì Bát (mất 1117) thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái. Trì Bát cũng học với Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân. Thiền học của Trì Bát cũng thấm nhuần Mật Giáo. Trong bài kệ thị tịch nói về sinh tử, trì Bát đã kết thúc bài kệ bằng một câu mật ngữ “án rô tô rô tất rị” [4].
Trong số những vị sư gốc Chiêm Thành ta có thể kể tên thiền sư Ma Ha Ma Gia (Mahamaya), thuộc thế hệ thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.. thiền sư Ma Gia nổi tiếng về pháp thuật, đã từng theo học với Pháp Thuận.
Cái tên Mahamaya cho ta thấy nguồn gốc tín ngưỡng Siva của thiền sư này. Ta biết drằng vào năm 875 Indrapura lập một tu viện Phật Giáo tại Chiêm Thành mà những di tích còn lại chứng tỏ sự có mặt của Phật giáo đại thừa ở đây vào thế kỷ thứ chín. Đó là tu viện Lakshmindralokesvara (Les états Hindouisés d'Indochine, Georges coedès, 1984). Vào thế kỷ thứ chín và thứ mười tại Chiêm Thành tín ngưỡng đại thừa được phối ngưỡng với tín ngưỡng Siva, và chính từ trong bối cảnh tín ngưỡng này mà gia đình thiền sư Mahamaya xuất hiện. Theo tín ngưỡng Siva, thần Siva (Tự Tại Thiên) là thực tại tối cao, là nguyên nhân đầu tiên; còn Skati (Xá Chi) là năng lực vô tận cho sự sáng tạo, trong khi đó Mahamaya (nghĩa là Đại Ảo Tưởng tức là chất liệu dùng để sáng tạo. Trong tín ngưỡng tổng hợp của Chiêm Thành hồi đó người ta đã thờ tượng đức Quan AÂm (Lokesvara), đức Dược Sư và cả đức Đại Tự Tại Thiên Vương nữa. Cái tên Mahamaya không thể là một cái tên thuần túy trong Phật giáo Chiêm Thành mà là một cái tên chứng tỏ yếu tố tín ngưỡng Siva trong Phật Giáo Chiêm Thành. Theo Edward Coze (A Short History of Buddhism, 1960) hồi đó giáo lý Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarastivada) và Tam Di Để Bộ (Sammitiyas) cũng được lưu truyền tại Chiêm Thành.
Thuyền Uyển Tập Anh cho biết thiền sư Mahamaya người gốc Chiêm Thành sau lấy họ Dương; cha là Bối Đà rất giỏi về văn học Phạn ngữ, làm quan ở nhà Tiền Lê. Mahamaya học thông cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán. Ông trụ trì tại chùa Quán Ái và mở lớp giảng kinh Phạn ngữ. Ta biết rằng căn bản Mật Giáo của ông đã được bồi đắp do sự học hỏi với thiền sư Pháp Thuận (mất 991) thuộc thế hệ thứ mười của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi Mahamaya. Chính Pháp Thuận dạy ông pháp hành sám và trì tụng thần chú Đại Bi. Sau đó ông cũng đi Trường An để bồi đắp thêm sở học. Sách Thuyền Uyển Tập Anh nói ông đắc pháp Tổng Trì Tam Muội và có thể thực hành nhiều pháp thuật. Vua Lê Đại Hành nghe tiếng, ba phen triệu ông đến: hỏi gì ông cũng không đáp, chỉ chắp tay cúi đầu. Hỏi đến lần thứ ba ông mới nói: “Tôi là ông thầy tu khùng của chùa Quán Ái”. Vua Lê Đại Hành giận quá liền bảo quân h ầu giữ ông lại trong chùa Vạn Tuế ở đại nội, khóa cửa lại không cho ông ra. Đến sáng người ta đến thì đã thấy ông đứng thơ thẩn bên ngoài, cửa phòng vẫn còn khóa như cũ. Vua lấy làm lạ, từ đó để ông tự do muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Ông đi vào Thanh Hóa nơi đó dân chúng rất hâm mộ sự thờ phụng quỷ thần, hay giết hại loài vật để cúng tế. Khi ông khuyên họ nên dùng thức ăn chay để cúng, không cần phải sát sinh hại vật thì họ nói: “Vấn đề phúc họa chúng tôi đâu dám làm trái ý thần”. Ông bảo: “Các ngài cứ bỏ ác làm lành, nếu có tội gì tôi xin chịu thế cho”. Người làng nói: “Miền này thiên hạ đau ốm chết chóc nhiều, thầy thuốc đều bó tay, nếu ông chữa họ lành bệnh, chúng tôi sẽ theo ông”. Ôn liền đọc chú vào nước lã và phun thì bệnh đều lành. Tuy vậy dân làng vẫn chưa theo. Họ đem rượu thịt đến ép ông ăn và nói: “Nếu hòa thượng cùng ăn uống vui vẽ với chúng tôi thì chúng tôi theo”. Ông trả lời: “Tôi không dám từ chối chỉ sợ ăn vào thì bệnh đau bụng tái phát thôi”. Người hương hào họ Ngô vui vẽ nói: “Nếu đau bụng thì tôi xin chịu thay cho hòa thượng.” Ông liền thuận theo; khi ăn xong bụng căng lên, sôi như sấm; ông la lớn: “Ông Ngô đâu rồi, ra chịu thay cho tôi đi”. Ông này cuống quýt không biết làm sao. Mahamaya liền chắp tay niệm Phật, pháp, Tăng rồi mửa ra nào tôm nào cá nào thú vật, loài nào loài ấy đều nhảy đi như thật... Dân làng đều bái phục và nghe lời ông.
Tên tuổi những vị sư Ấn Độ sang truyền Mật Giáo ở xứ ta không được ghi chép trong Thiền Uyển Tập Anh. Nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên có nói đến một vị thiền sư Mật Giáo Tây Tạng tên Du Chi Bà Lam đến Việt Nam vào thời của Trần Nhân Tông. “Ông dung mạo đen sạm, tự nói là ba trăm tuổi, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước, lại có thể thu cả ngũ tạng lên ở trên ngực, làm cho trong bụng lép đi như không có gì, chỉ có da bụng và xương sống thôi. Ông chỉ ăn lưu hoàn, mật và rau dưa. Ở nước ta mấy năm lại về nước. Đến đây (1311) lại sang với con gái là Đa La Thanh. Vua tuyển vào cung. Du Chi Bà Lam ở lại, cuối cùng mất ở kinh sư”. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thêm rằng vào đời Trần Ming Tông cũng có một vị sư Mật Giáo khác từ Ấn Độ sang. Ông này tên là Bồ Đề Thất Lý, cũng có thể nổi trên mặt nước.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, ngoài Sùng Phạm Mahamaya, trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi có nhiều vi thiền sư giỏi về Mật Giáo: các thiền sư Vạn Hạnh (thế hệ thứ 12, mất 1068), Thiền Nham (thế hệ thứ 13, mất 1163) đều đã học tập Tổng Trì Tam Ma Địa [5]. Vạn Hạnh vừa giỏi về Phật học vừa giỏi về Khổng học, còn Thiền Nham thì giỏi về kinh điển Phạn ngữ.
Về pháp thuật, ta không thể không nói đến thiền sư Đạo Hạnh. Hiện giờ tại Bắc Việt có hai nơi còn thờ thiền sư Đạo Hạnh: chùa Láng và Sài Sơn. Vài ba năm hội chùa Láng lại được tổ chức một lần, dân làng diễn tả lại sự tích thiền sư Đạo Hạnh.
Đạo Hạnh tên tục là Từ Lộ. Cha ông là Từ Vinh, làm chức tăng quan đô án, ông Từ Vinh bị Diên Thành Hầu mượn tay pháp sư là Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết và quăng xác xuống sông Tô Lịch. “Tử thi Từ Vinh trôi đến cầu Quyết, trước nhà Diên Thành Hầu thì dựng đứng dậy như người sống, không trôi nữa, chỉ tay vào nhà Hầu suốt một ngày. Hầu sợ, chạy đi tìm Đại Điên. Đại Điên đến đọc câu kệ “Người xuất gia có giận ai cũng không quá một đêm ngày”. Tử thi bèn trôi đi. Đạo Hạnh suy nghĩ cách thức báo thù cho cha, nhưng chưa biết cách gì. Một hôm gặp Đại Điên, định đánh, bỗng nghe trên không có tiếng kêu: “Ấy, đừng, đừng!” Sư sợ hãi bỏ gậy mà đi. Sư muốn đi Ấn Độ cầu học pháp thuật linh dị để chống lại Đại Điên, nhưng khi đến xứ Kim Xỉ [6] thấy đường xá hiễm trở quá thì về. Từ đó ở ẩn trong núi Từ Sơn, ngày ngày chuyên trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni, tụng đủ một vạn tám nghìn lần thì thấy một thần nhân đến trước mặt nói: “Đệ tử là Trấn Thiên Vương cảm công đức ngài trì kinh cho nên đến hầu ngài để sai bảo”. Sư biết đạo pháp mình đã viên thành, thù cha có thể trả, liền tìm đến cầu Quết quang chiếc gậy xuống dòng nước chảy xiết. Gậy bèn lội ngược nước như con rồng, đến cầu Tây Dương mới ngừng. Sư mừng nói: Pháp ta có thể thắng được rồi”. Và đến chỗ Đại Điên ở. Đại Điên thấy sư hỏi rằng: “Ngươi quên câu chuyện ngày trước rồi sao?” Sư ngữa mặt lên trời, không thấy gì, bèn lấy gậy đánh Đại Điên. Đại Điên phát bệnh rồi chết. Từ đó oán cừu tiêu tán, niềm tục lạnh như tro tàn, sư liền đi khắp tùng lâm tìm thầy ấn chứng. Nghe nói đến thiền sư Trí Huyền đang hóa đạo ở Thái Bình, sư liền tìm đến tham yết đặt câu hỏi về chân tâm như sau:
Lẫn với bụi đời tự bấy lâu
Chân tâm vang ngọc biết tìm đâu?
Cúi xin rộng mở bày phương tiện
Thấy được chân như sạch khổ sầu.
(Cửu hổn phàm trần vị thức kim
Bất tri hà xứ thị chân tâm
Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện
Liễu kiến như như đoạn khổ tầm)
Trí Huyền đáp lại bằng một bài kệ:
Trong ngọc vang ra tiếng diệu huyền
Mỗi âm đều hiển lộ tâm thiền
Bồ đề hiện rõ ngay tầm mắt
Tìm kiếm lại càng ngăn cách thêm
( Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm
Hà sa cảnh thị bồ đề đạo
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm)
Sư hoang mang kinh hiểu. Khi đến nghe Sùng Phạm giảng kinh ở chùa Pháp Vân, sư hỏi: “thế nào là chân tâm?” Sùng Phạm hỏi trở lại: “cái gì không phải là chân tâm?” Lần này sư thoạt nhiên tỏ ngộ bèn nói: “Làm thế nào để giữ gì?” Sùng Phạm nói: “Đói thì ăn, khát thì uống” Từ đó pháp lực tăng tiến, thiền duyên càng chín, có thể sai sử điều phục sơn đà dã thú, cầu mưa mưa tạnh, chú thủy trị bệnh, không gì là không ứng nghiệm...(Thuyền Uyển Tập Anh).
SẤM VĨ HỌC, PHONG THỦY HỌC VÀ Ý THỨC ĐỘC LẬP QUỐC GIA
Sự sử dụng thuật sấm vĩ và địa lý trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi nhất là trong lĩnh vực chính trị, rất là quan trọng.
Sấm vĩ học là môn học suy trắc về tương lai, căn cứ trên lý thuyết âm dương và lý thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc. Có nhiều khoa sấm vĩ;khoa thì căn cứ trên Kinh Dịch, gọi là Dịch Vĩ; khoa thì căn cứ trên Kinh Thư, gọi là Thư vĩ v.v...
Còn phong thủy học là một môn học xem xét đại thể để xây chùa tháp, nhà cửa, mộ phần và thành quách. Môn học này dựa trên sự tin tưởng rằng mặt đất chịu ảnh hưởng của tinh tú trên trời và các gò đống sông ngòi mô phỏng theo cách sắp xếp của tinh hệ và tinh vân. Địa thế và long mạch đóng một vai trò rất quan tọng trong sự an nguy và thịnh suy của một nhà, một họ, một vùng hay một nước. Phong thủy học có lẽ phổ thông ở Việt Nam từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Tây lịch, và trong dân gian ai cũng tin vào việc tìm phương định hướng theo môn học này để chọn nơi xây mồ mã lăng tẩm hay dựng nhà cửa, đền chùa, cung phủ và thành quách.
Trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, có nhiều thiền sư học rộng không những về Phật Lão Khổng mà còn về cấc khoa sấm vĩ và phong thủy nữa. Chính sách hà khắc ngu dân của nhà Đường đã hạn chế sự học hỏi của quần chúng; kẻ sĩ ngoài đời không có bao lăm còn bị dòm ngó, nên tăng sĩ ngoài vai trò hướng dẫn sinh hoạt đạo đức, còn phải lo về các nhu cầu thực tế của dân. Không ai dạy cho dân học và viết thì các nhà sư mở lớp dạy chữ ở chùa. Trẻ em đến học ở chùa không hẳn là đi xuất gia, như trường hợp Lý Công Uẩn vậy. Thiếu người làm thuốc trị bệnh thì các nhà sư, sẵn có kiến thức về y khoa, chẩn mạch hốt thuốc. Cho đến những việc cầu an, ma chay, chọn đất cất nhà, chọn ngày lành tháng tốt để khai trương buôn bán, dân chúng đều có thể nhờ vào các vị sư. Là những người có học và gần gũi dân chúng như thế mà không thuộc về giai cấp thống trị theo đuôi chính quyền đô hộ, cố nhiên các nhà sư này thông cảm và chia xẻ những nỗi khổ của dân; do đó các chùa đã trở nên những trung tâm xây dựng ý thức độc lập quốc gia. Trong bối cảnh đó, sự thực hành pháp thuật cũng như sử dụng thuật sấm vĩ và phong thủy và phong thủy đã góp phần vào công việc xây dựng ý thức dân tộc về một quốc gia độc lập.
Khi nhà Đường bắt đầu suy yếu và bộ máy cai trị của thực dân bắt đầu lỏng lẻo, các cuộc quật khởi của dân chúng bắt đầu xuất hiện. Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương chưa thành công vì lúc ấy nhà Đường còn mạnh; nhưng Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền đã tiếp nối nổi dậy chống lại nhà Đường và nhà Nam Hán một cách hữu hiệu. Tiếp theo Ngô Quyền, các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý đã nỗ lực xây dựng một nền độc lập quốc gia về mọi mặt vh, kinh tế, chính trị và quân sự. Sự đóng góp của các thiền sư trong buổi đầu đã quan trọng.
Về phong thủy học, các thiền sư Định Không (730-808), La Quý An (852-936) và Vạn Hạnh (mất 1068) đều là những người nỗi tiếng. Ta có nhiều lý do để tin rằng quốc sư Vạn Hạnh, thầy của Lý Công Uẩn, là người đã thuyết phục vua này dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long trong ý nguyện bảo vệ cho nền độc lập được lâu dài. Theo bài Chiếu Dời Đô của Lý Thái Tổ, đất Hoa Lư là nơi “thế địa không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, vạn vật không nên” trong khi đất Thăng Long thì “ở giữa khu vực trời đất, có địa thế rồng cuốn hổ phục, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước: đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh” (Đại Việt Sử Ký Toàn thư). Ta có thể nghĩ rằng thiền sư Vạn Hạnh vừa là người thảo chiếu, vừa là người thiết kế họa đồ cho kinh đô Thăng Long vậy.
Trước đó hai thế kỷ, trong khi đất nước còn nằm dưới ách cai trị nhà Đường, thiền sư Định Không đã nhen nhóm đức tin về một nền độc lập quốc gia, bảo rằng chính địa thế của làng ông sẽ sản xuất ra nhân vật chính trị có thể thực hiện được nền độc lập đó, và căn cứ vào sự tiên đoán của ông, nhân vật này sẽ là người họ Lý, một hôm đào đất đắp nền dựng ngôi chùa Quỳnh Lâm ở làng Dịch Bảng (năm 785) ông tìm thấy mười chiếc khánh và một chiếc lư hương, khi đem xuống sông rửa, một chiếc khánh chìm xuống nước. Cảm hứng về chuyện này, ông nói: “mười chiếc” là “thập khẩu” viết chung là chữ “cổ” “một chiếc rơi xuống nước chìm đi” là “thủy khứ” viết chúng là chữ “pháp”; thôi ta đặt cho cuộc đất linh thiêng này là “Cổ Pháp”. Ông làm bài thơ sau:
Đất trình hai pháp khí
Phẩm chất tinh đồng
Đưa Phật Pháp đến thuở hưng long
Đặt tên làng là Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Mười chiếc chuông đồng
Nhà Lý hưng vương, tam phẩm thành công.
(Địa trình pháp khí
Nhất phẩm trinh đồng
Tri Phật Pháp chi hưng long
Lập hương danh chi Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Lý hưng vương, tam phẩm thành công)
Ông còn dặn lại đệ tử là Thông Thiện: “Đất Cổ Pháp này là đất quan trọng, sau này có thể có kẻ dị nhân đến phá hoại, ngươi phải giữ gìn”. Ý ông thì nếu cuộc đất này bị phá hoại thì vĩ nhân không còn có thể xuất hiện từ cuộc đất ấy để cứu nước và làm hưng thịnh Phật Pháp.
Thông Thiện ghi lại lời của Định Không ở ngôi tháp được dựng lên thờ Định Không (*) tại phía tây chùa Lục Tổ, và trước khi mất thì dặn dò lại cho đệ tử là La Qúy An (852-936). Thiền sư La Quý An cho biết là trong thời đại ông cuộc đất đó một lần bị phá hoại rồi. Người phá hoại đó là Cao Biền, một vũ tướng nhà Đường đã sang Việt Nam năm 865 để đánh giặc Nam Chiếu. Cao Biền rất giỏi thuật phong thủy và đã viết một cuốn sách về tình trạng phong thủy địa lý của nước Việt. Tên sách là Nam Cảnh Địa Lý Chư Cát Lục. Sách này có khi còn gọi là Cao Vương Di Cảo, Cao Biền Tấn Thư hay Địa Lý Cao Biền Cảo, Nguyễn Đổng Chi trong sách Việt Nam Cổ Văn Học Sử (Hà Nội,1942) có trích một đoạn trong một bài tựa sách ấy do nhà xuất bản viết năm 1720 như sau: “Đời vua Đường Ý Tông (860-873) gồm cả đất An Nam làm quận huyện. Nghĩ đến việc Triệu Đà xưng làm Hoàng Đế, vua bèn sai thái sử là Cao Biền làm đô hộ An Nam. Khi Biền sắp ra đi, vua triệu vào điện bảo rằng: Trẩm nghe nói ở An Nam có nhiều ngôi đất thiên tử, ngươi tinh thông về địa lý học thì nên hết sức yểm đi và vẽ tình thế đất ấy về cho trẫm xem. Biền đến An Nam, qua núi sông nào tốt thì yểm cả. Biền có làm tờ tấu tâu rằng chỉ có núi Tản Viên là rất thiêng, yểm không được, cho nên không động đến”.
Theo La Quý An, Cao Biền khi đắp thành ở sông Tô Lịch đã biết đất Cổ Pháp là đất có khí vương giả nên cho đào 19 địa điểm để yểm phá, và chính Lê Quý An đã cho lấp 19 địa điểm để yểm phá và chính La Quý An đã lắp cả 19 nơi như cũ. Ông lại xác định là thế nào đất này cũng có một nhân vật có mệnh đế vương xuất hiện để phù trợ quốc gia và chính pháp, nên đã làm hai việc:
1) Quyên góp tài sản và đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng, chôn ở gần tam quan để khỏi bị trộm cắp, dặn rằng khi nào có các bậc minh vương ra đời để giúp dân cứu nước thì đào lên, lấy vàng ủng hộ, còn khi nào ám chúa còn ngự trị thì phải cất dấu dưới đất.
2) Trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn áp và dặn đệ tử sau này phải đắp nền xây tháp, nếu cần thì cất giữ tượng vàng Lục Tổ trong ấy, đừng cho kẻ khác thấy.
Năm thiền sư trồng cây gạo là năm Bính thân (936), cũng là năm ông thị tịch. Khi trồng cây, ông có để lại một bài sấm như sau:
Trên núi lớn, có đầu Rồng xuất hiện
Sau đuôi Rắn có ẩn ngọc minh châu
Mười tám chàng trai [7]
Nhất định công thành
Hình Rồng hiện từ gốc cây miên mộc
Trong tháng chuột, vào ngày gà, giờ thỏ
Mặt trời lên rực rỡ trên mây xanh
(Đại sơn long đầu khởi
Xà vĩ ẩn minh châu
Thập bát tử định thành
Miên thọ hiện long trình
Thố kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh)
Bài sấm đó tiên đoán sự thành công của Lý Công Uẩn căn cứ vào phong thủy sấm vĩ.
Về độn số, hai thiền sư Pháp thuận (mất 991) và Vạn Hạnh (mất 1016) là những người nổi tiếng. Thiền sư Pháp Thuận họ Đỗ, xuất gia hồi còn thơ, học với thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ. Sau khi ông đắc pháp, những điều ông nói đều phù hợp với phù sấm. Chính ông đã dùng nghệ thuật phù sấm để giúp vua Lê Đại Hành (980-1005) nắm lấy quyền bính, chấm dứt tình trạng xáo trộn nguy hiểm trong triều đình hồi cuối Đinh. Thuyền Uyển Tập Anh nói rằng ông là một nhà bác học, giỏi về nghệ thuật và thi ca, có tài phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu tình hình thực tại của đất nước (bác học công thi, phụ vương tá chi tài, minh đương thế chi vụ). “Trong buổi đầu sáng nghiệp của triều Lê, ông có công trù tính và quyết định kế hoạch cùng chính sách, nhưng khi thiên hạ đã thái bình rồi thì không chịu phong thưởng. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không gọi tên, chỉ xưng hô là Đỗ Pháp sư mà thôi”(Thuyền Uyển Tập Anh ). Hồi sứ giả nhà Tống là Lý Giác qua, thiếu người cư sĩ để ứng đối, vua mới nhờ ông cải trang là người đưa sứ sang sông, đồng thời quan sát cử động của Lý Giác. Thuyền đang đi, bỗng ông đại sứ nhà Tống thấy đôi bạch nga bơi, liền ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
(Thầy Mật Thể dịch:
Song song ngỗng một đôi
Ngữa mặt ngó ven trời)
Pháp Thuận vốn giỏi thi ca, liền nối vần lập tức:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Thầy Mật thể dịch:
Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi)
Lý giác rất thán phục. Sau này khi vua Lê Đại Hành hỏi về sự bền vững của vận nước, thiền sư Pháp Thuận đáp bằng một bài kệ:
Vận nước như dây quấn
Trời Nam ôm thái bình
Đạo đức ngự cung điện
Muôn xứ hết đao binh
(Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh)
Ý thiền sư muốn nói sự đoàn kết nương tựa lẫn nhau và sự thực hành đạo từ bi sẽ khiến cho ngôi vua vững bền và hòa bình trường cửu. Pháp Thuận có sáng tác cuốn Bồ Tát Hiệu Sáng Hối Văn, ngày nay không còn.
Thiền sư Vạn Hạnh là bậc đàn em của thiền sư Pháp Thuận, nhưng cũng đã cùng Pháp Thuận phù tá vua Lê Đại Hành. Vạn Hạnh, mà sau này được nhà Lý tôn xưng Quốc sư, rất giỏi về chính trị và đã sử dụng sấm vĩ một cách tài tình trong cuộc cách mạng bất bạo động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua.
Vạn Hạnh là người họ Nguyễn, quê làng Cổ Pháp, từ thuở nhỏ thông minh siêu dị, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo, xem giàu sang xe ngựa không vào đâu. Năm hai mươi mốt tuổi ông xuất gia, cùng tu học với bạn là thiền sư Định Tuệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ, siêng năng đêm ngày. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập vềTổng Trì Tam Ma Địa, và sau đó, hễ nói lời gì đều được thiên hạ cho là lời phù sấm. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính ông. Năm 980, Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm Việt Nam. Vua triệu Vạn Hạnh và nói nếu đánh thì thắng hay bại. Vạn Hạnh bảo: Nọi trong vòng từ ba đến bảy ngày giặc sẽ rút lui. Lời nói này sau quả ứng nghiệm. Khi vua Lê Đại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu sứ giả Việt Nam bị Chiêm Thành bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau quả y lời, trận ấy quân Lê thành công.
Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh đã vận động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thuyền Uyển Tập Anh nói những loại sấm truyền và tiên tri Vạn Hạnh dùng có rất nhiều thứ. Không kể ra hết được. Sách này kể ra một vài phương sách đã dùng: 1) Hồi Lê Ngoại Triều đang thi hành chính sách bạo ngược[8] , bị thiên hạ ghét bỏ, thì tại Cổ Pháp, có một con chó trắng xuất hiện trên lưng nó có hai chữ “thiên tử” lấm tấm bằng lông đen. Thiên hạ bèn đồn rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sẽ sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (năm 1010, năm cách mạng thành công); 2) Sét đánh lên cây gạo do thiền sư La Quý An trồng ngày xưa, inh thành chữ. Đại Việ Sử Ký Toàn Thư nói rằng dân làng đọc được những chữ sau đây trên thân cây gạo:
Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất
Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc
Tây sao ẩn hình
Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình
(Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông a nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói tiếp: “Nhà sư Vạn Hanh tự đoán riêng rằng: Trong câu: “thụ căn diểu diểu” chữ căn là gốc, gốc tức chỉ là vua, chữ diểu đồng âm với chữ yểu, thế là nhà vua chết yểu; trong câu: mộc biểu thanh thanh”, chữ biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ thanh là xanh, đồng âm với chữ thanh là thịnh, thế là một người trong số quần thần sẽ lên nắm chính quyền; ba chữ hòa đao mộc góp lại là Lê, lạc là rớt, tức là nhà Lê rớt; ba chữ thập bát tử góp lại là chữ Lý, “thập bát tử thành” là nhà Lý lên; trong câu “đông a nhập địa”, chữ đông và chữ a hợp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương bắc vào cướp; câu “dị mộc tái sinh” tức là họ Lê khác lại nổi lên; trong câu “chấn cung kiến nhật” thì chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật là thiên tử, thiên tử xuất hiện ở phương Đông; trong câu “đoài cung ẩn tinh” thì đoài là phương Tây, ẩn là lặn, tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây. Mấy câu này có ý nói vua thì non yếu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình; 3) Trong chùa Song Lâm côn trùng ăn lá cây si thành chữ “quốc” là nước; 4) Ban đêm ở mộ Hiển Khánh Đại Vương, người ta nghe tiếng thần nhân ngâm kệ từ bốn phương vọng tới, các bài kệ đều báo trước sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.
Ngày Lý Công Uẩn được suy tôn hoàng đế trong cung thì Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ. Ông biết trước về việc này và nói cho mọi người xung quanh nghe. Họ hoảng hốt chạy về kinh sư nghe tin, thì đó quả là sự thực.
Vạn Hạnh không những là một vị lãnh đạo đời sống tâm linh mà còn là một người lãnh đạo hành động. Kiến thức của ông rất rộng: những hiểu biết của ông về Nho học cũng được ông đem ra sử dụng trong phạm vi hành động, và sử dụng trong tinh thần tự do phá chấp của đạo Phật. Thái độ của ông đượm nhuần tinh thần tự do phá chấp ấy. Triết học hành động của ông tóm lược trong câu nói của ông với môn đệ trước khi ông qua đời: “Các vị nên nương tựa vào đâu? Tôi thì tôi không nương tựa vào nơi có thể không nương tựa và cũng không nương tựa vào chỗ không thể nương tựa”. Câu này thật thấm nhuần tinh thần Bát Nhã và cho ta thấy đâu là bí quyết thành công của ông. Ta còn thấy lập trường về triết học hành động của ông rõ ràng hưon nữa, khi ta đọc bài kệ Thị tịch ông để lại để dặn dò đệ tử về vấn đề sinh diệt, thịnh suy và thành bại. Ông nói:
Thân như sấm chớp, có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng
(Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô)
Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) sau khi nghe nói đến hành trạng Vạn Hạnh, đã viết bài thơ sau đây để ca ngợi vị thiền sư có công nhất trong buổi đầu lập quốc của nhà Lý:
Hành tung thấu triệt ba đời
Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa
Quê hương Cổ Pháp bây giờ
Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền.
(Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ)
TÓM LƯỢC NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA THIỀN PHÁI TỲ NI ĐA LƯU CHI
Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng thiên vọng về Mật Giáo, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng sự nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy sấm vĩ. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật Giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ.
[1] Trần Văn Giáp nói ông không hiểu câu: “Kim hựu hữu Pháp Đắc Hiền Thượng Pháp Sĩ ư Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền tam tổ Phái, vi bồ tát trung nhân...” Ông nói: “Bao nhiêu tên người được kể ra trong sáu chữ Pháp, Đắc, Hiền, Thượng, Pháp, Sĩ này?” Theo chúng tôi, đây là một lối ấn loát. Hai chữ “Đắc và Pháp” đã được đặt nhầm chỗ. Đáng lý phải để: “Kim hựu hữu Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp ư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền tam tổ phái, vi bồ tát trung nhân”. Nghĩa câu này trở nên rõ ràng: nay lại có thượng sĩ Pháp Hiền (thượng sĩ là danh hiệu tôn xưng một vị cao đức, như thượng sĩ Tuệ Trungv.v...) đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền tông phái của tam tổ, là một vị bồ tát sống...”
[2]Trần Văn Giáp trong Le bouddhisme En Annam Des Origines Au XIII è Siècle, nêu ra nghi vấn cho rằng nếu Đàm Thiên mất vào khoảng 479-484 thì làm sao biết Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền vốn đã hành đạo vào cuối thế kỷ kế tiếp. Và ông cho rằng Tùy Cao Đế nói tới trong Thuyền Uyển Tập Anh phải là Tề Cao Đế... Thực ra Đàm Thiên không những sống qua thời đại nhà Tề mà còn sống vào thời đại nhà Trần và Tùy nữa. sách Thích Thị Thông Giám (cuốn 6) của Bản Giác nói: Đàm Thiên, khi nước Tề diệt thì vào nước Trần thì gặp được tác phẩm Nhiếp Đại Thừa Luận mà đất Bắc chưa bao giờ nghe nói đến. Khi nhà Tùy ủng hộ chính pháp, Đàm Thiên liền vượt sông đem kinh qua. Sách Phật Tổ Thống Ký (quyển 40) cũng nói: “Tùy Văn Đế, năm thứ bảy sau khi lên ngôi chiếu ban cho pháp sư Đàm Thiên hiệu Chiêu Huyền Đại Sa Môn Thống. Năm thứ 14, chiếu lập chùa Thiền Định, triệu Pháp sư Đàm Thiên triệu tập 120 vị danh đức hải nội về ở”. Vua Văn Đế nhà Tùy (Tùy Cao Tổ) lên ngôi năm 582, ngay sau thời gian Phật giáo bị vua Võ Đế nhà Bắc Chu đàn áp, bắt tăng đồ hoàn tục, lấy tự viện cho các vị công hầu sử dụng. Tùy Văn Đế ngay sau khi lên ngôi đã ra lệnh thiết lập lại mọi tự do hành đạo và ủng hộ Phật giáo hết mực. Đàm Thiên cộng tác với vua trong việc trùng hưng đạo Phật, hẳn biết rõ về tình trạng Phật giáo Giao Châu. Dẫn chứng của Thông Biện rất hợp với những sự kiện này.
[3]Mạn Đà La: Phạn ngữ là Mandala, đồ hình tròn trong đó các Đức Phật và Bồ tát được sắp xếp theo những lề lối khác nhau để tượng trưng cho Kim Cương Giới và Thai Tạng Giới nói đến trong Mật Giáo. Thai Tạng Giáo là tượng trưng cho nguyên lý (lý) và nguyên nhân (nhân) trong khi Kim Cương Giới tượng trưng cho trí tuệ (trí) và kết quả (quả).
[4]Nguyên văn bài kệ:
Có tử tất có sinh
Có sinh tất có tử
Tử khiến cho người buồn
Sinh làm người vui vẻ
Buồn vui thật vô cùng
Bổng nhiên sinh bỉ thử
Với chuyện tử sinh đừng để tâm chi
Án tô rô tô rô tất rị!
(Hữu tử tức hữu sinh
Hữu sinh tất hữu tử
Tử vi thế sở bi
Sinh vi thế sở hỷ
Bi hỷ lưỡng vô cùng
Hốt nhiên thành bỉ thử
Ư chư sinh tử bất quan hoài
Án tô rô tô rô tất rị!)
[5] Tam Ma Địa (Samadhi) là thiền định: Tổng trì Tam Ma đại (Dharanisamadhi) là thiền định về tổng trì
[6] Kim xỉ là răng vàng. Có lẽ là xứ Miến Điện
[7] Mười tám đứa con là thập bát tử, viết chung lại thì thành chữ Lý, tức nhà Lý.
[8] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Vua thích giết người; phàm người bị hành hình thì sai lấy cỏ tranh quấn vào người mà đốt cho lửa cháy gần hết; hoặc sai người ... (lược) lấy dao ngắn, dao cùn, xẻ từng mảnh để không cho chết chóng... (lược). Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi triều lên thì ngập nước mà chết... (lược), từng róc mía ở đầu sư Quách Ngang, giả lỡ tay, lưỡi dao trượt xuống đầu nhà sư chảy máu, rồi cả cười..