TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 111
KINH BẤT ĐOẠN
(Anupadasuttam)
I. TOÁT YẾU
Anupada Sutta - One by One as They Occurred.
The Buddha describes the venerable Sàriputta’s development of insight when he was training for the attainment of arahantship.
Từng pháp một, ngay khi chúng khởi lên.
Phật mô tả sự phát triển tuệ giác của tôn giả Xá lợi Phất lúc ngài tu để đắc quả A la hán.
II. TÓM TẮT
Phật ở Xá vệ, gọi các tỷ kheo mà ca tụng Sariputta là bậc nhiều trí tuệ, vị quán pháp bất đoạn [1] trong nửa tháng.
Vị ấy an trú không gián đọan các pháp sơ thiền gồm có tầm, tứ, hỷ lạc, nhất tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, dục thắng giải, tấn, niệm, xả, tác ý [2] biết rõ lúc chúng khởi lên, trú và diệt; an trú với tâm không luyến ái, không chống đối, vô hạn [3] vì biết còn có giải thoát cao hơn nữa [4], còn nhiều việc phải làm. Vị ấy diệt tầm, tứ, an trú nhị thiền, với các pháp thuộc nhị thiền (nội tĩnh, hỷ, lạc, nhất tâm, xúc, thọ, tưởng, tư tâm, dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý) cho đến các pháp thuộc tứ thiền bất khổ bất lạc, với xả niệm thanh tịnh [5] (và các pháp khác như trên) cũng biết rõ chúng khởi, trú, và diệt, biết còn có những pháp cao hơn. Vị ấy chứng đắc và quán sát tương tự như thế cho đến Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất khởi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị ấy quán sát các pháp từ không thành có, và sau khi xuất hiện đã biến mất [6], đối với chúng vị ấy không luyến ái, không chống đối, an trú với tâm không hạn lượng vì biết còn thứ giải thoát cao hơn. Vị ấy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng trú định Diệt thọ tưởng, lậu hoặc được tận trừ nhờ thấy với trí tuệ [7]. Với chánh niệm, vị ấy xuất khởi Diệt thọ tưởng định, cũng quán sát như trên, các pháp [8] từ không thành có và sau khi xuất hiện đã biến mất, đối với chúng tâm không luyến ái, không chống đối, an trú với tâm vô hạn lượng. Vị ấy biết không còn sự giải thoát nào cao hơn [9] thế nữa, không còn việc gì phải làm.
Và Phật kết luận: Tôn giả Xá Lợi Phất đã thành tựu viên mãn [10] Giới uẩn, Định uẩn, Tuệ uẩn và Giải thoát uẩn của bậc thánh, là con chánh tông của Phật, từ Pháp hóa sinh, kẻ thừa tự Pháp không thừa tự tài vật, chân chính chuyển Pháp luân vô thượng mà Như Lai đã chuyển.
III. CHÚ GIẢI
1. Anupadadhammavipassanà. MA (Sớ giải Trung bộ) giải thích vị ấy phát triển tuệ quán tuần tự đi sâu vào các pháp nhờ các thiền chứng và thiền chi, như sẽ mô tả. Nửa tháng nói ởđây là kể từ lúc tôn giả Xá Lợi Phất xuất gia theo Phật cho đến lúc ngài chứng quả A la hán trong khi nghe Phật giảng cho Dìghanakha về cảm thọ. (xem kinh Trung bộ 75, đoạn 14.)
2. Năm pháp đầu trong bảng kê này là các thiền chi thuộc sơ thiền; các pháp sau đó là những thành phần thêm vào mỗi thứ làm một nhiệm vụ riêng trong thiền định [DG. Theo duy thức học, gọi là năm biến hành và năm biệt cảnh tâm sở]. Sự phân tích tỉ mỉ này về các tâm pháp báo trước phương pháp luận của Luận tạng, bởi thế không phải là sự tình cờ khi tên tuổi của Sàriputta được gắn liền với sự ra đời của văn học Luận tạng.
3. Tất cả những danh từ này có nghĩa là sự tạm thời dằn dẹp các nhiễm ô nhờ năng lực thiền định chứ không phải sự hoàn toàn giải thoát ô nhiễm do đoạn tận chúng bằng A la hán đạo, điều mà tôn giả Sàriputta còn phải chứng đạt.
4. Sự vượt xa hơn nữa ở đây là thiền chứng kế tiếp, tức nhị thiền.
5. Theo ấn bản BBS (Đại tạng Miến Điện) là passaddhattà cetaso anàbhogo, mà Kinh sớ giải là tâm còn có lạc ở tam thiền bây giờ được xem là vẫn còn thô, và khi lạc ấy lắng xuống thì tâm có sự an tịnh nhờ xả. Ấn bản hội PTS là passivedanà, rõ ràng sai.
6. Cần phải sử dụng phương pháp nội quán gián tiếp này để quán sát Phi tưởng phi phi tưởng, thiền vô sắc thứ tư vì nó vô cùng vi tế, các thánh đệ tử không thể trực tiếp tra tầm được, mà chỉ có chư Phật toàn giác mới có thể trực tiếp quán sát nó.
7. Kinh sớ đưa ra giải thích sau về đoạn kinh này, do các trưởng lão của xứ Ấn truyền lại: Trưởng lão Xá Lợi Phất tu chỉ quán song hành và đã chứng quả Bất hoàn. Rồi ngài nhập định Diệt thọ tưởng và sau khi xuất định này, đã chứng quả A la hán.
8. Vì trong định Diệt thọ tưởng không còn thiền chi nào cả, nên Kinh sớ nói các pháp này chắc phải ám chỉ các sắc pháp sinh trong khi tôn giả chứng diệt định, hoặc ám chỉ các tâm pháp thuộc định chứng vô sắc thứ tư trước đấy.
9. Hãy chú ý sự thực chứng rằng không còn giải thoát nào cao hơn sự chứng đắc A la hán quả.
10. Vasippatto pàramipatta, tối thắng rốt ráo (ba la mật).
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật gọi chúng tỷ kheo
Ngợi khen Xá Lợi Phất
Bậc trí tuệ siêu phàm
An trú bất đoạn quán.
Vị ấy chứng sơ thiền
An trú không gián đoạn
Các pháp thuộc sơ thiền:
Tầm tứ hỷ lạc định
Xúc (tác) ý thọ tưởng tư
Dục thắng giải niệm xả
Rõ biết sinh trú diệt
Không tham luyến chống đối
An trú tâm vô hạn
Biết còn pháp cao hơn
Còn có việc phải làm.
Vị ấy chứng nhị thiền
Cho đến Phi phi tưởng
Cũng thái độ như trên:
Giải thoát không chấp thủ.
Xuất khởi Phi phi tưởng
Chứng Diệt thọ tưởng định
Khi xuất khởi Diệt định
Quán sát các pháp này
Từ không mà ra có
Có lại trở về không
An trú tuệ giải thoát
Không còn việc phải làm.
Tôn giả Xá Lợi Phất
Con chính tông của Phật
Thừa tự Pháp Như Lai
Chuyển pháp luân vô thượng.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 112
SÁU THANH TỊNH
I. TOÁT YẾU
Chabbisodhana Sutta - The Sixfold Purity.
The Buddha explains how a bhikkhu should be interrogated when he claims final knowledge and how he would answer if his claim is genuine.
Sáu sự thanh tịnh.
Phật giảng cách chất vấn một tỷ kheo khi vị ấy tuyên bố đã đạt trí tối hậu; nếu đúng thật thì vị ấy phải trả lời như thế nào.
II. TÓM TẮT
Phật dạy chúng tỷ kheo: Nếu có vị nào tuyên bố đã đoạn tận lậu hoặc, việc làm đã xong, thì khi nghe vậy không nên khen hay bác bỏ, mà nên hỏi lại vị ấy những vấn đề như sau. Họ thấy, nghe, nghĩ, biết [1] những gì mà tuyên bố như vậy? Trả lời chân chính là: Đối với những gì thấy nghe nghĩ biết (kiến văn giác tri) họ không ái luyến không chống đối, không bị chúng trói buộc, an trú với tâm không hạn lượng [2]. Được trả lời như vậy, cần hỏi tiếp là thái độ của họ thế nào đối với năm thủ uẩn. Cần trả lời đã đoạn trừ tâm cố chấp và tùy miên [3] đối với chúng vì biết chúng vô thường, biến hoại. Vấn đề thứ ba là về sáu giới (địa thủy hỏa phong không và thức), họ phải thấy là địa giới không phải tự ngã, tự ngã không tùy thuộc vào địa giới [4] (cũng vậy với năm giới còn lại). Vấn đề thứ tư là sáu xúc xứ (căn trần thức, tức mười tám giới), câu trả lời chân chính là: đối với mắt, sắc, nhãn thức, và các pháp được nhận thức bởi nhãn thức [5], họ đã đoạn tận dục tham hỷ ái, thiên chấp, tùy miên (cũng vậy với năm căn trần thức còn lại) nên biết tâm đã giải thoát. Thứ năm là đối với thức thân và tướng ngoài, làm sao biết đã đoạn mạn tùy miên tôi là người làm, sở thuộc của tôi là người làm[6]? Trả lời câu này, họ phải kể lại tuần tự việc xuất gia với lòng tin, thành tựu thánh giới uẩn, đắc bốn thiền [7] cho đến thấy như thật bốn chân lý và nhờ quán sát với trí tuệ, tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, khởi lên hiểu biết: Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không còn đời sống nào khác nữa. Khi ấy, nên tán thán: Thật lợi ích thay cho chúng tôi được thấy một vị Phạm hạnh như tôn giả. [8]
III. CHÚ GIẢI
1. Xem số 17.
2. Cũng như trong kinh 111 đoạn 4, nhưng ở đây các từ này cốt diễn đạt sự đoạn tận nhiễm ô nhờ A la hán đạo.
3. Theo kinh sớ, tất cả từ này đều có nghĩa ái và kiến.
4. Phần đầu phủ nhận sự xem địa đại là tự ngã, phần hai phủ nhận xem các sắc và tâm pháp ngoài địa đại là tự ngã. Cũng thế với các đại khác.
5. Kinh có vẻ như trùng lặp khi đã nói sắc lại còn nói thêm các pháp được tâm nhận biết bằng nhãn thức. Sớ giải đưa ra hai quan điểm để giải quyết vấn đề. Một quan điểm cho rằng sắc là chỉ cho mọi vật thực sự đi vào nhận thức, còn các pháp có thể nhận biết bằng nhãn thức là những vật thấy được nhưng đã chấm dứt trước khi được thấy. Quan điểm thứ hai nói Sắc chỉ tất cả hình dạng không phân biệt, còn nhóm từ thứ hai là ba tâm uẩn hoạt động cùng với nhãn thức.
6. MA (Sớ giải Trung bộ) giải thích tôi làm (ahankàra) là mạn còn của tôi làm (mamankàra) là tham. Mọi tướng (nimitta) ngoài chỉ cho ngoại vật.
7. Túc mạng trí và sinh tử trí ở đây được gạt bỏ vì câu hỏi đầu tiên liên hệ đến sự chứng quả A la hán chứ không nói các định chứng thuộc thế gian.
8. MA cho rằng kinh này còn gọi là Ekavissajjitasutta; và thấy khó giải thích con số sáu trong nhan đề nguyên thủy, vì trong kinh chỉ có năm câu hỏi đáp. Có thể chia mục cuối thành hai, là thân với thân thức của mình và thân thức người khác. Hoặc có quan điểm cho rằng bốn chân lý có thể được xem là vấn đề thứ sáu. Nhưng cả hai quan điểm đều không ổn, nên rất có thể là có một đoạn đã thất truyền.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy chúng tỷ kheo
Nếu có người tuyên bố
Sinh tận, phạm hạnh thành
Không nên khen, hoặc bác.
Nên hỏi họ thấy gì
Nghe, nghĩ, biết những gì
Để tự xưng giải thoát
Không còn việc phải làm?
Cần trả lời chân chính:
Tôi không khởi ưa chán
Đối kiến văn giác tri
Hằng trú tâm vô hạn.
Đối với năm thủ uẩn
Thấy vô thường biến hoại
Tôi đoạn trừ cố chấp
Tâm giải thoát não phiền.
Với sáu giới trong ngoài
(Bốn đại và không, thức)
Không chấp đấy là tôi
Hay tự ngã của tôi.
Với sáu nội ngoại xứ
(tức là mười tám giới)
Tôi rũ sạch hỷ tham
Tự biết đã giải thoát.
Nhưng làm sao biết được
Đã dứt mạn tùy miên:
Ta chính là người làm
Sở thuộc ta, người làm?
Với lòng tin xuất gia
Tôi thành tựu thánh giới
Chính niệm và tỉnh giác
Trong tất cả uy nghi.
Thiền định nơi vắng vẻ
Gột trừ năm triền cái
Chứng cho đến tứ thiền
Tâm hướng trí lậu tận.
Như thật biết bốn đế
Tâm giải thoát dục lậu
Hữu lậu, vô minh lậu
Biết việc làm đã xong.
Do thấy biết như trên
Đối với thức thân này
Và tất cả ngoại tướng
Tôi dứt mạn tùy miên.
Được trả lời như trên
Hãy thốt lời ngợi khen:
Lành thay cho chúng tôi
Gặp người như tôn giả.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 113
KINH CHÂN NHÂN
I. TOÁT YẾU
Sappurisa Sutta - The True Man.
The Buddha distinguishes the character of a true man from that of an untrue man.
[Phật giản biệt đặc tính của một người chân chính khác với người bất chính.]
II. TÓM TẮT
Phật giảng về chân nhân và phi chân nhân [1]. Phi chân nhân thì tự hào vì mình xuất gia từ một gia đình cao sang, nên khen mình chê người. Cũng vậy, tự hào về giai cấp (dòng họ), danh tiếng, lợi lộc, đa văn, trì luật, thuyết pháp, khổ hạnh [2], chứng thiền cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tự cho ta được như vậy, các tỷ kheo khác không được, nên khen mình chê người. Chân nhân thì lấy đạo làm chính yếu, nên không nghĩ vì thuộc gia đình cao sang, dòng họ cao quý, danh tiếng… cho đến chứng các thiền, mà tham sân si được đoạn trừ, do vậy không khen mình chê người. Vị ấy nhớ lời Phật dạy rằng sự thật về mọi thứ luôn luôn khác với những gì được quan niệm về chúng [3], nên vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng, chứng Diệt thọ tưởng định [4], và sau khi thấy với trí tuệ, lậu hoặc đoạn trừ. Vị ấy không nghĩ mình là bất cứ gì, không nghĩ đến bất cứ việc gì [5].
III. CHÚ GIẢI
1. Sappurisađhamma và asappurisadhamma.
2. Tức 13 khổ hạnh đề cập trong Thanh tịnh đạo, chương II.
3. MA giải thích atammayatà không đồng hóa, không bao gồm trong đó, có nghĩa là vắng mặt khát ái. Nhưng theo đoạn văn này có lẽ là vắng bóng ngã mạn thì đúng hơn. Câu vì dù chúng quan niệm thế nào đi nữa thì sự thực bao giờ cũng khác hơn (yena yena hi mannati tato tam hoti annathà) là một ẩn ngữ triết học còn xuất hiện trong Tiểu bộ kinh 588 và Ud. 3. Luận Udàna giải thích nó có nghĩa rằng dù phàm phu quan niệm thế nào về các uẩn, là ngã hay ngã sở thuộc vv, sự thực vẫn khác với những gì người ta gán cho nó: nó không là tôi hay của tôi.
4. Cần ghi chú rằng không có chuyện người phi chân mà lại nhập định Diệt thọ tưởng được. Khác với bốn thiền và bốn định vô sắc mà phàm phu cũng chứng được, định Diệt thọ tưởng là phạm vi chỉ dành cho những vị đã chứng quả Bất hoàn và A la hán.
5. Na kinci mannati, na kuhinci mannati, na kenaci mannati. Đây là một lời ngắn ngọn về cùng một trạng thái đã được mô tả đầy đủ trong kinh Trung bộ 1. Về tưởng tri, xem chú thích số 6.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật giảng về chân nhân
Và phi chân nhân pháp.
Phi chân nhân xuất gia
Tự hào về đủ thứ:
Ta gia đình cao sang
Tỷ kheo khác hèn hạ
Do tư duy như vậy
Nên khen mình chê người.
Về giai cấp dòng họ,
Danh tiếng và lợi lộc
Đa văn, khéo giữ giới,
Thuyết pháp và khổ hạnh
Nghĩ không ai bằng mình.
Chân nhân thì suy nghĩ
Không do các pháp ấy
Tham sân si đoạn trừ
Cốt yếu là hành đạo.
Với tư duy như vậy
Không khen mình chê người
Thấy ai hành đúng pháp
Cũng cần đáng tán dương.
Khi chứng đắc các thiền
Cho đến Phi phi tưởng
Phi chân nhân tự mãn
Cho không ai bằng mình.
Chân nhân không như vậy
Khi chứng đắc tứ thiền
Cho đến Phi phi tưởng
Vẫn với tâm vô tham.
Nhờ thế vượt Phi tưởng,
Chứng Diệt thọ tưởng định
Lậu hoặc được đoạn trừ
Đạt hoàn toàn giải thoát.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 114
NÊN HÀNH TRÌ, KHÔNG NÊN HÀNH TRÌ
(Sevitabha-sevitavhasuttam)
I. TOÁT YẾU
Sevitabbàsedvitabba Sutta - To Be Cultivated and Not To Be Cultivated.
The Buddha sets up three brief outlines of things to be cultivated and not to be cultivated, and the venerable Sariputta fills in the details.
Nên đào luyện và không nên đào luyện.
Phật nêu vắn tắt ba toát yếu về những pháp cần đào luyện và không cần, rồi tôn giả Xá lợi Phất nói chi tiết đầy đủ.
II. TÓM TẮT
Phật dạy đối với mười pháp sau đây [1] là thân hành, khẩu hành, ý hành, tâm sinh, tưởng đắc, kiến đắc, ngã tính đắc, sáu đối tượng giác quan (sắc thanh hương vị xúc pháp), bốn vật dụng và người giao du - đều có hai loại, nên và không nên đào luyện [2]. Không nên là khi luyện nó, ác pháp tăng, thiện pháp giảm và nên là ngược lại.
Tôn giả Xá Lợi Phất triển khai lời dạy ấy như sau: Về thân hành, không nên sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục. (Và từ bỏ những nghiệp ấy là điều nên làm, đối với các pháp sau cũng vậy.) Về khẩu hành, không nên nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, nói vô ích. Về ý hành, không nên tham tài vật, sân muốn hại kẻ khác, và có tà kiến [3] như không tin có bố thí, nhân quả, cha mẹ, đời này đời sau, các bậc thánh hiền. (Nên làm là ý hành ly tham, bất hại và có chính kiến, ngược với tà kiến nói trên.) Tâm sinh không nên đào luyện là tâm gì khiến cho ác pháp tăng, thiện pháp giảm; như người có tham [4] sống với tâm thấm nhuần tham, (với sân và hại cũng vậy). Tưởng đắc không nên luyện là tưởng đi kèm dục, sân, hại; ngược lại nên đào luyện tưởng ly dục, vô sân, bất hại. Kiến đắc không nên có tà kiến cho rằng không có bố thí vân vân; kiến đắc nên có là chính kiến như trên. Ngã tính đắc [5] không nên có là tính đắc có hại, làm cho bất thiện pháp tăng, thiện pháp giảm, ngăn cản sự chấm dứt sinh tử luân hồi [6] nên có là ngã tính đắc vô hại, khiến thiện pháp tăng, bất thiện pháp giảm. Về sáu đối tượng giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp do mắt tai mũi lưỡi thân ý nhận thức) cũng có hai loại không nên tiếp xúc và nên tiếp xúc. Sắc không nên tiếp xúc [7] là khi sự tiếp xúc nó làm bất thiện pháp tăng, thiện pháp giảm, nên tiếp xúc là ngược lại. Với năm đối tượng còn lại là (pháp thứ chín, mười trong bảng lược kê ở đầu) y thực sàng tọa, người giao du cũng vậy.
Phật khen ngợi sự triển khai của tôn giả Xá Lợi Phất, và dạy rằng ai hiểu lời dạy một cách chi tiết [8] sẽ được hưởng hạnh phúc an lạc lâu dài.
III. CHÚ GIẢI
1. Đoạn đầu này chỉ đưa ra một mục lục sẽ triển khai trong toàn bản kinh.
2. Ananamannam. Hai cái loại trừ nhau, không thể xem cái này với cái kia là một được.
3. Mặc dù tà kiến và chính kiến thường được bao gồm dưới mục Giới, trong kinh này chúngđược trình bày riêng rẽ ở đoạn kiến đắc là sự thủ đắc quan điểm.
4. Trong khi tham và sân nói ở đoạn ý hành có năng lực của một nghiệp đạo, thì ở đoạn nói về tâm sinh, chúng được hiển thị mới trong giai đoạn sơ khởi, như những khuynh hướng chưa phát nghiệp.
5. Attabhàvapatilabha, sự thủ đắc cá thể, ở đây chỉ cho sự tái sinh.
6. Aparinitthitabhàva. Từ ngữ bất thường này được dịch theo chú thích của MA.
7. Sự khác nhau không nằm ở đối tượng mà ở phương pháp tiếp cận đối tượng. Với người này tham dục và các nhiễm ô khác khởi lên đối với một sắc nào đó, nhưng cùng một sắc ấy một người khác lại khởi tâm nhàm chán, ly tham khi tiếp xúc.
8. MA: Người nào nghiên cứu kinh và luận giải kinh này mà không tu tập theo đó thì không thể gọi là đã hiểu ý nghĩa chi tiết của kinh. Chỉ những người tu tập theo lời dạy trong đó thì mới gọi là hiểu ý nghĩa chi tiết.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy về hai loại
Nên, không nên hành trì
Với các pháp như sau
Tỷ kheo nên xét kỹ.
Trước tiên nên vắn tắt:
Thân khẩu và ý hành,
Tâm sinh và tưởng đắc
Kiến đắc, ngã tính đắc
Sáu đối tượng giác quan
Bốn vật dụng thường dùng
Và hạng người giao du
Đều có đáng, bất đáng.
Những gì không nên làm
Vì đưa đến hậu quả
Thiện giảm bất thiện tăng
Nên làm là ngược lại.
Thân hành không nên làm
Là giết, trộm, tà dâm
Khẩu hành dối, hai lưỡi,
Ác khẩu, lời phù phiếm
Ý hành tham sân hại
Tà kiến bác nhân quả
Từ bỏ các sự ấy
Là pháp nên hành trì.
Những tâm sinh bất đáng
Khiến ác tăng thiện giảm
Như người có lòng tham
Lại sống với tâm tham
(Cũng vậy sân và hại)
Tâm sinh nên hành trì
Là sống tâm ly tham
Vô sân và bất hại.
Tưởng đắc không nên hành
Là dục sân hại tưởng
Tưởng đắc đáng hành trì
Xa lìa dục sân hại.
Kiến đắc không nên có
Tà kiến bác nhân quả
Bác cha mẹ, thánh hiền
Ngược lại là chính kiến.
Ngã tính đắc không nên
Là thứ nào có hại
Không chấm dứt luân hồi.
Nên hành thứ vô hại,
Khiến thiện tăng, ác giảm.
Đối với sáu đối tượng
Do giác quan nhận thức:
Sắc không nên tiếp xúc
Là khi tiếp xúc nó
Ác pháp tăng thiện giảm
Nên xúc là ngược lại.
Với những gì còn lại:
Thanh hương vị xúc pháp
Bốn vật dụng thường ngày
Và chỗ, người giao du
Chiếu theo đây nên biết.
Phật dạy Xá Lợi Phất
Ai hiểu rộng lời này
Sẽ an lạc dài lâu.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 115
ĐA GIỚI
I. TOÁT YẾU
Bahudhàtuka Sutta - The Many Kinds of Elements.
The Buddha expounds in detail the elements, the sense bases, dependent origination, and the kinds of situations that are possible and impossible in the world.
Nhiều loại yếu tố.
Phật giảng chi tiết về (mười tám) giới, (mười hai) xứ, duyên khởi, và những trường hợp có thể, không thể xảy ra ở đời.
II. TÓM TẮT
Phật dạy tất cả những sự sợ hãi, thất vọng và hoạn nạn chỉ sinh khởi cho kẻ ngu, không phải cho người hiền trí, cũng như lửa lan từ một ngôi nhà cỏ và đốt nó cháy rụi. Bởi thế, các tỷ kheo hãy phát tâm trở thành người hiền, biết suy tư tìm hiểu. Tôn giả A Nan hỏi thế nào là hiền. Phật dạy, ấy là khi tỷ kheo thiện xảo về Giới [1], xứ, duyên khởi và về xứ phi xứ.
- Thiện xảo về Giới là biết rõ mười tám giới (sáu căn, sáu trần, sáu thức); hoặc sáu giới (bốn đại thêm không, thức); hoặc sáu giới là lạc, khổ, hỷ, ưu, xả, và vô minh [2], hoặc dục sân hại, ly dục vô sân bất hại [3]; ba giới là dục, sắc, vô sắc [4]; hoặc hai giới là hữu vi, vô vi [5].
- Xứ có sáu nội ngoại xứ là mắt và sắc tai và tiếng… cho đến ý và pháp [6].
- Duyên khởi có 12 nhân duyên.
- Xứ phi xứ là biết rõ chuyện có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra như sau:
Không thể có việc thành tựu chính kiến [7] mà lại xem các hành là thường, lạc [8], ngã; phạm năm tội nghịch; đề cao một đạo sư khác. Phàm phu thì có thể phạm những sai lầm này, xem một pháp nào đó là ngã [9] và giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá tăng hòa hợp, và làm thân Phật chảy máu [10] hoặc đề cao một đạo sư khác [11].
Cũng không thể có chuyện trong một thế giới mà đồng thời xuất hiện hai vị Phật [12], hai vua Chuyển luân. Cũng không thể có chuyện nữ nhân mà thành Phật [13], Ma Vương, Đế thích, Phạm thiên. Không thể có chuyện do nhân duyên [14] nghĩ, làm, nói ác mà được quả vui và sinh vào cõi lành hay ngược lại. Những điều ngược lại thì có thể xảy ra.
Khi được hỏi tên pháp môn này là gì, Phật dạy nên gọi là Đa giới, hoặc Bốn chuyển [15], Pháp kính, hoặc Trống bất tử, hoặc Vô thượng chiến thắng.
III. CHÚ GIẢI
1. Mười tám giới được giải thích chi tiết trong TTD chương 15. Vắn tắt, ý giới (manodhàtu) theo Luận, bao gồm ngũ môn hướng tâm (pancadvàràvajjana-citta) và ý thức tiếp thu đối tượng sau khi các giác quan đã nhận biết. Ý thức giới (manovinnànadhàtu) thì bao gồm mọi loại thức trừ năm thân thức và ý giới. Pháp giới (dhammadhàtu) bao gồm các loại vi tế sắc không ở trong tầm nhận biết của giác quan, ba tâm uẩn thọ tưởng hành, và Niết bàn. Nó không gồm các quan niệm, ý tưởng trừu tượng, phán đoán, vv. Mặc dù những thứ sau nàyđược gồm trong khái niệm về tâm pháp (đối tượng của tâm), pháp giới chỉ gồm những gì có tự tính, không bao gồm những gì do tâm tạo nên.
2. Lạc và khổ giới là lạc thọ và khổ thọ của thân, hỷ và ưu giới là vui khổ của tâm, xả giới là cảm thọ không vui không khổ. Theo MA, vô minh được đưa vào đây vì nói có vẻ giống với xả giới.
3. Vibhanga định nghĩa đây là sáu loại tầm (vitakka) tương ứng, xem Trung bộ 19, đoạn 2.
4. MA giải thích dục là năm uẩn thuộc dục giới, sắc là năm uẩn thuộc sắc giới, vô sắc là bốn uẩn thuộc vô sắc giới.
5. MA: hữu vi giới bao gồm mọi pháp do duyên sinh và là tên gọi ám chỉ năm uẩn. Vô vi giới là niết bàn.
6. Mười hai xứ được TTD giải thích trong chương 15. Ý xứ bao gồm mọi loại thức và như vậy nó gồm cả bảy giới làm nhiệm vụ của thức. Pháp xứ cũng như pháp giới.
7. MA: một người có chính kiến (ditthisampanno) là có kiến thuộc đạo, tối thiểu là một thánhđệ tử đã đắc quả Dự lưu. Hành đây cần hiểu là một hành hữu vi, nghĩa là bất cứ pháp duyên sinh nào.
8. MA nêu lên rằng một thánh đệ tử chưa chứng A la hán cũng còn có thể xem các hành là lạc với tâm không tương ưng tà kiến, nhưng vị ấy không thể giữ cái quan niệm rằng bất cứ hành nào cũng là khả lạc. Mặc dù tưởng và ý hành khả lạc có khởi lên trong tâm, vị ấy vẫn phản tỉnh để biết thế là lầm.
9. Trong đoạn nói về tự ngã, chữ hành được thay bằng chữ pháp. Theo MA, sở dĩ như vậy vì để bao gồm cả những khái niệm như tướng về Kasina vân vân mà phàm phu dễ xem là tự ngã. Nhưng xét sự kiện Niết bàn được mô tả là bất tử và lạc, và cũng dễ bị tưởng là ngã (xem kinh số 1), nên chữ hành có thể nói chỉ bao gồm các pháp hữu vi, còn chữ pháp thì gồm cả hữu vi và vô vi. Nhưng lối giải thích này không có trong luận giải của luận sư TTĐ.
10. Đoạn này phân biệt phàm phu với thánh đệ tử trên phương diện năm tội nghịch. Theo MA, một thánh đệ tử thì không thể nào cố ý đoạt bất cứ sinh mạng của chúng sinh nào, nhưng ở đây nêu lên việc giết cha mẹ để nhấn mạnh khía cạnh nguy hiểm của cương vị phàm phu và năng lực của thánh đệ tử.
11. Nghĩa là có thể thừa nhận bất cứ ai ngoài Phật làm Vô thượng sư.
12. MA: Không thể nào có một vị Phật khác ra đời kể từ thời gian một Bồ tát nhập thai mẹ lần cuối cho đến khi giáo lý của Ngài hoàn toàn biến mất.
13. Lời này chỉ xác quyết rằng một vị Phật toàn giác luôn luôn thuộc nam tánh, nhưng không phủ nhận một người hiện tại là phụ nữ có thể thành Phật trong tương lai. Nhưng muốn thế thì trước hết người ấy phải tái sinh thành nam tử.
14. Trong đoạn này, cái câu do nhân ấy do duyên ấy (tannidàna tappaccayà) là hết sức quan trọng. Như Phật sẽ cho thấy trong kinh 136, một người phạm ác hành có thể tái sinh lên thiên giới và người làm thiện hành có thể tái sinh vào đọa xứ. Nhưng trong các trường hợp này, sự tái sinh là do nguyên nhân một nghiệp khác với nghiệp người ấy thường làm. Sự đúng luật sát sao chỉ áp dụng cho nghiệp và quả của nó.
15. Bốn chuyển là Giới, Xứ, Duyên sinh và Xứ phi xứ (việc có thể xảy ra, không thể xảy ra)
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Tất cả những sợ hãi
Thất vọng và tai ương
Chỉ đến cho kẻ ngu,
Không phải cho người trí.
Như từ căn lều cỏ
Dù đẹp xinh kiên cố
Một đóm lửa nổi lên
Cũng đốt tan tành nó
Bởi thế, hãy quyết tâm
Trở thành một người hiền
Biết suy tư tìm hiểu
Đây là lời Phật dạy.
Hiền trí là thiện xảo
Về Giới, xứ, duyên khởi
Việc có thể xảy ra
Và không thể xảy ra.
Giới là mười tám giới:
Mắt sắc và nhãn thức
Ý, pháp và ý thức
Cộng thành mười tám giới.
Lại có sáu loại giới
Bốn đại thêm không, thức
Biết rõ các thứ ấy
Là thiện xảo về giới.
Lạc khổ hỷ ưu xả
Cuối cùng thêm vô minh
Là sáu giới thuộc tâm
Các tỷ kheo nên biết.
Dục, sắc và vô sắc
Đây gọi là ba giới
Hữu vi và vô vi
Đây gọi là hai giới.
Xứ gồm sáu trong ngoài
Con mắt và hình sắc
Lỗ tai và âm thanh
Cho đến ý và pháp.
Thiện xảo về duyên khởi:
Đây có tức kia có
Đây sinh thì kia sinh
Đây không thì kia không
Đây diệt, kia cũng diệt.
Do vô minh, sinh hành,
Do hành sinh, thức sinh
Do thức, danh thức sinh
Do danh sắc, sáu nhập
Do sáu nhập, có xúc
Do xúc mà có thọ
Do thọ mà có ái
Do ái mà có thủ
Do thủ mà có hữu
Do hữu mà có sinh
Do sinh có già chết
Sầu bi khổ não ưu.
Vô minh diệt hành diệt
Hành diệt thì thức diệt
Thức diệt, danh sắc diệt
Cho đến già chết diệt.
Đây là sinh và diệt
Của toàn đống khổ này.
Tỷ kheo biết như vậy
Thiện xảo về duyên sinh.
Thiện xảo Xứ phi xứ
Là tỷ kheo biết rõ
Chuyện có thể xảy ra
Và không thể xảy ra:
Thành tựu chính tri kiến
Thì không thể quan niệm
Có thường, lạc, và ngã
Trong các pháp hữu vi;
Hoặc phạm năm tội nghịch;
Đề cao đạo sư khác.
Cũng không thể có chuyện
Đồng thời, trên thế giới
Xuất hiện hai vị Phật,
Hai Chuyển luân thánh vương.
Cũng không thể có chuyện
Nữ nhân mà thành Phật,
Thành Ma vương, Đế thích
Hoặc vua trời Phạm thiên.
Cũng không thể có chuyện
Do nghĩ, nói, làm, ác
Mà được quả an vui
Và sinh vào cõi lành
Do nghĩ nói làm thiện
Mà gặp quả đau khổ
Và sinh vào đọa xứ.
Việc có thể xảy ra
Là những điều ngược lại.
Kinh này tên Đa giới
Hoặc Pháp kính, Bốn chuyển
Hoặc tên Trống bất tử
Tỷ kheo hãy thọ trì.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 116
THÔN TIÊN ISIGILISATTA [1]
I. TOÁT YẾU
Isigili Sutta - Isigili - The Gullet of the Seers.
An enumeration of the names and epithets of paccekabuddhas who formely dwelt on the mountain Isigili.
Vật nuốt những vị tiên.
Kể ra tên và đặc điểm các vị Phật Độc giác trước kia đã cư trú trên núi Thôn tiên.
II. TÓM TẮT
Khi ở thành Vương Xá, trên núi Isigili, Phật chỉ cho các tỷ kheo những ngọn núi vây quanh thành, là núi Vebhàra [2] (Phụ trọng), Pandava (Bạch thiện), núi Vepulla (Quảng phổ), núi Gijjhakùta (Linh thứu) và dạy chúng: Những núi này xưa kia có tên khác, nay tên khác, duy chỉ ngọn núi Isigili thì xưa nay vẫn vậy. Phật kể lai lịch cái tên này như sau. Thuở xa xưa có năm trăm vị Độc giác Phật [3] sống trong núi này một thời gian khá dài. Họ được thấy đi vào trong núi rồi không thấy trở ra, nên quần chúng đã bảo nhau: Ngọn núi này đã nuốt những ẩn sĩ (Ime isigilatìti) [4]. Do vậy nó có tên là Thôn tiên. Và Phật kể danh xưng mười ba vị Phật độc giác đã trú lâu ngày trong núi ấy: Arittha, Uparittha, Tagarasikhì [5], Yasassì, Sudassana, Piyadassì, Gandhàra, Pindola, Upàsabha, Nitha, Tatha, Sutavà và Bhàvitatta [6]. Ngoài ra còn nhiều vì độc giác và ẩn sĩ khác nữa. Họ là những tinh hoa của hữu tình đã nhổ mũi tên khổ và dứt sạch tham ái, tự mình chứng đắc giải thoát, những vị đã đoạn tận tái sinh, từ bỏ chấp thủ nguồn gốc của đau khổ, đánh bại quân ma, những bậc vô cấu đoạn trừ tai nạn, có can đảm phi thường, thọ thân sau chót, đã đoạn kết sử, đã thắng mọi chiến trận, đã đạt đến Niết bàn.
III. CHÚ GIẢI
1. Ở Tích Lan kinh này được tụng thường xuyên làm kinh cầu an.
2. Núi này và núi sau đó là những ngọn núi bao quanh thành Vương xá.
3. Độc giác Phật là một vị tự mình đạt giác ngộ giải thoát không nhờ Pháp do Phật giảng. Vị ấy không thể giảng dạy Pháp cho người và cũng không thể thiết lập nền giáo lý. Độc giác Phật chỉ xuất hiện vào thời trên thế gian không còn có Phật pháp.
4. Hán dịch là thôn tiên, trong đó thôn là nuốt trộng.
5. Tagarasikhin được nhắc đến trong Ud5 và SN3.
6. Nanamoli nhận xét rằng nếu không có luận giải thì thật rất khó mà phân biệt tên riêng và đặc điểm của các vị Phật độc giác.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Khi ở thành Vương xá
Từ đỉnh núi Thôn tiên
Phật chỉ các ngọn núi
Vây quanh thành Vương xá:
Vebhàra (Phụ trọng)
Pandava (Bạch thiện)
Vepulla (Quảng phổ)
Gijjakùta (Linh thứu)
Những núi này xưa kia
Đều mang những tên khác
Duy có tên Thôn tiên
Trước sao nay vẫn vậy.
Do đâu có tên này
Là I-si-gi-li (Thôn tiên)?
Xưa năm trăm Độc giác
Tu trong này khá lâu.
Họ đã vào trong núi
Rồi không thấy trở ra
Nên quần chúng bảo nhau:
Núi này nuốt (thôn) ẩn sĩ.
Và Phật kể danh xưng
Mười ba vị độc giác
Đã trú trong núi ấy
Cùng nhiều ẩn sĩ khác.
Họ là những tinh hoa
Của tất cả hữu tình
Đã nhổ mũi tên khổ
Và dứt sạch tham ái;
Đã tự mình chứng đắc,
Đã đoạn tận tái sinh
Đã từ bỏ chấp thủ
Nguồn gốc của khổ đau;
Đã đánh bại quân ma,
Đã đoạn trừ tai nạn
Có can đảm phi thường
Thọ hình hài sau chót
Những con người vô cấu
Đã đoạn hữu kết sử,
Đã thắng mọi chiến trận
Đã đạt đến Niết bàn.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 117
ĐẠI TỨ THẬP
I. TOÁT YẾU
Mahàcattàrìsaka Sutta - The Great Forty.
The Buddha defines the factors of the Noble Eightfold Path and explains their inter-relationships.
Số bốn mươi vĩ đại.
Phật định nghĩa các chi của thánh đạo tám ngành và giải thích tương quan giữa các chi phần ấy.
II. TÓM TẮT
Phật dạy các tỷ kheo về Định của bậc thánh [1], cùng những yếu tố hỗ trợ cho định, gồm bảy chính còn lại trong Bát chính đạo là Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến và chính niệm.
1. Về Chính kiến:
a. Chính kiến là yếu tố dẫn đạo [2], biết phân biệt giữa chính kiến và tà kiến thì gọi là chính kiến [3]. Tà kiến là không tin có bố thí, nhân quả, đời này đời sau, cha mẹ, thánh hiền.
b. Chính kiến gồm hai, là hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là loại chính kiến thuộc thế gian, thuộc phước báu, chấp thủ [4] như tin có bố thí vân vân, ngược với tà kiến nói trên. Còn chính kiến vô lậu [5] là cái thấy thuộc đạo nơi người đã thuần thục trong thánh đạo, có vô lậu tâm, thánh tâm.
c. Ai tinh tấn đoạn trừ tà kiến thành tựu chính kiến, gọi là chính tinh tiến. Ai chính niệm đoạn trừ tà kiến, an trú chính kiến, gọi là chính niệm. Vậy có ba yếu tố xoay quanh chính kiến, đó là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm [6].
2. Về Chính tư duy:
a. Chính kiến đi hàng đầu [7]: Biết phân biệt giữa chính tư duy và tà tư duy gọi là chính kiến. Tà tư duy là tư duy có dục, sân, hại. Chính tư duy là tư duy ly dục, vô sân, bất hại [8].
b. Chính tư duy có hai loại, hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là chính tư duy ly dục vô sân bất hại nói trên. Vô lậu là chính tư duy siêu thế, thuộc bậc thánh, thuộc đạo [9].
c. Tinh tiến đoạn trừ tà tư duy, thành tựu chính tư duy, gọi là chính tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà tư duy, an trú chính tư duy, gọi là chính niệm. Như vậy cũng có ba yếu tố xoay quanh chính tư duy, là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm [10].
3. Về Chính ngữ:
a. Cần có chính kiến để phân biệt tà ngữ và chính ngữ. Tà ngữ là nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, phù phiếm.
b. Chính ngữ có hai loại là hữu lậu, vô lậu. Chính ngữ hữu lậu là từ bỏ bốn ác khẩu nghiệp nói trên, đem lại phước báo. Chính ngữ vô lậu là sự viễn ly bốn loại tà ngữ nơi một bậc thánh có tâm siêu thế, thuộc đạo [11].
c. Tinh tiến trừ tà ngữ, thành tựu chính ngữ, gọi là chính tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà ngữ, an trú chính ngữ, gọi là chính niệm. Vậy về chính ngữ cũng có ba yếu tố xoay quanh, là chính kiến, chính tinh tiến, chính niệm.
4. Về Chính nghiệp:
a. Chính kiến cũng đi trước để biết phân biệt giữa tà nghiệp và chính nghiệp. Tà nghiệp là sátđạo dâm.
b. Chính nghiệp cũng có hai loại, hữu lậu, thuộc phước báo, là từ bỏ ba tà nghiệp nói trên. Vô lậu là chính nghiệp thuộc siêu thế, thuộc đạo, sự viễn ly ba thân ác hành nơi một bậc thánh.
c. Ai tinh tiến đoạn trừ tà nghiệp, thành tựu chính nghiệp, gọi là tinh tiến. Chính niệm đoạn trừ tà nghiệp an trú chính nghiệp, gọi là chính niệm. Như vậy về chính nghiệp cũng có ba yếu tố khác xoay quanh là chính kiến, chính tinh tiến và chính niệm như trên.
5. Về Chính mạng:
a. Chính kiến cũng đi trước để phân biệt giữa tà mạng và chính mạng. Tà mạng nơi tỷ kheo là lừa đảo, nói mê ly, hiện tướng, gian trá, lấy lợi cầu lợi [12].
b. Chính mạng cũng có hai, hữu lậu và vô lậu. Từ bỏ tà mạng là chính mạng hữu lậu thuộc phước báo. Viễn ly tà mạng nơi vị tu tập thánh đạo, có vô lậu tâm, gọi là chính mạng siêu thế, thuộc đạo.
c. Ba yếu tố xoay quanh chính mạng cũng như trên.
6. Đại tứ thập:
Chính kiến đi hàng đầu, vì nhờ có chính kiến mà sinh chính tư duy [13], do chính tư duy có chính ngữ, do chính ngữ có chính nghiệp, do chính nghiệp có chính mạng, do chính mạng có chính tinh tiến, do chính tinh tiến có chính niệm, do chính niệm có chính định, do chính định có chính trí, do chính trí có chính giải thoát. Như vậy là đạo lộ của hữu học gồm tám chi và của A la hán gồm mười chi [14].
Ở đây, trước tiên là chính kiến; Nơi người có chính kiến, tà kiến được từ bỏ, và những bất thiện do duyên tà kiến cũng được loại trừ. Những thiện pháp do chính kiến phát sinh được tu tập cho đến viên mãn… Nơi người có chính giải thoát, tà giải thoát và những bất thiện do tà giải thoát được từ bỏ, các thiện pháp do chính giải thoát phát sinh được tu tập cho đến viên mãn. Vậy có hai mươi thiện phần, hai mươi bất thiện [15] gọi là đại pháp môn bốn mươi.
Đại pháp môn này đã được chuyển vận không bị chận đứng bởi bất cứ sa môn bà la môn nào trên thế giới, vì nếu ai bác bỏ nó ngay trong hiện tại sẽ bị chỉ trích với mười mệnh đề hợp pháp rằng: Bác bỏ chính kiến tức là xem các sa môn bà la môn có tà kiến đáng được tôn trọng, cúng dường… Bác bỏ chính giải thoát tức là xem các sa môn bà la môn tà giải thoát là đáng tôn trọng cúng dường. Ngay những người theo Vô nhân luận, hư vô luận như hai bậc thầy sống ở Okkala là Vassa và Bhanna [16] cũng không nghĩ pháp môn này là đáng chỉ trích.
III. CHÚ GIẢI
1. Ariyam samma2 samàdhim sa-upanisam saparikkhàram. MA giải thích chữ thánh ở đây có nghĩa là siêu thế, và nói đây là định thuộc đạo lộ siêu thế. Những điều kiện, chỗ dựa của nó là bảy đạo chi kia, như sẽ được hiển thị.
2. Pubhangamà: tiên phong. MA nói hai loại chính kiến đi tiên phong là chính kiến thuộc tuệ tra tầm các hành là vô thường khổ vô ngã; và chính kiến thuộc đạo khởi lên như là quả của tuệ quán đưa đến sự đoạn tận nhiễm ô. Chính kiến thuộc tuệ làm tiên phong dường như được hiển thị trong đoạn 4, 10, 16, 22 và 28; chính kiến thuộc đạo làm tiên phong được nói trong đoạn 34, 35.
3. Lời này gợi ý rằng muốn có được chính kiến về bản chất của thực tại thì trước hết phải biết phân biệt giữa tà giáo và chính giáo về bản chất vạn pháp. Theo MA đây là chính kiến thuộc tuệ, cái tuệ quán liễu tri tà kiến đối với một đối tượng là nhờ đi sâu vào tính vô thường khổ vô ngã của nó, và chính kiến là nhờ thi thố nhiệm vụ liễu tri ấy và nhờ đánh tan hoài nghi.
4. Đây là chính kiến thế gian, một công đức đưa đến tái sinh tốt đẹp nhưng tự mình nó thì không đủ để vượt ra ngoài cõi hữu.
5. Định nghĩa này cho chính kiến siêu thế là tuệ giác bát nhã được tìm thấy trong các điều kiện đưa đến giác ngộ như là một căn, lực, giác chi và đạo chi. Chỗ khác, như kinh 141, chính kiến thuộc đạo được định nghĩa là tri kiến về Bốn chân lý. Ta có thể nói hiểu rõ khái niệm bốn chân lý là chính kiến thế gian, còn chính kiến xuất thế là sự thâm nhập 4 đế bằng đạo lộ thực chứng niết bàn.
6. MA: Chúng đi kèm chính kiến làm hàng đầu. Chính tinh tấn và chính niệm câu hữu với chính kiến siêu thế; chính kiến thuộc tuệ là tiên phong của chính kiến siêu thế.
7. MA giải thích đây là chính kiến thuộc tuệ, liễu tri chính tư duy qua nhiệm vụ của nó và bằng cách dẹp trừ hoang mang. Nhưng dường như vấn đề ở đây là cốt phân biệt rõ hai loại ý hành hay tư duy.
8. Đây là định nghĩa chuẩn về chính tư duy kể như một trong bát chánh đạo, xem Trung 141.
9. Trong định nghĩa này, tư duy (sankappa) đồng nghĩa với tầm (vitakka), được giải thích xa hơn nữa là yếu tố đưa đến định an chỉ nhờ hướng tâm và dán chặt tâm trên đối tượng của nó. Về tầm ngữ như ngữ hành, xem Trung bộ 44.
10. MA: Lời này chỉ nói đến các pháp câu hữu với chính tư duy siêu thế. Trong giai đoạn chuẩn bị tu tập, thì ba chính tư duy thế gian khởi lên riêng rẽ, nhưng ở sát na đạo lộ siêu thế, một ý hành duy nhất khởi lên cắt đứt cả ba tà tư duy. Vậy chính tư duy siêu thế cũng có thể mô tả là tư duy về từ bỏ hay ly dục, vô sân và bất hại. Cũng vậy với chính ngữ vân vân.
11. Trong khi chính ngữ thế gian được thực hành theo bốn kiểu tùy loại tà ngữ phải tránh, vào sát na thuộc đạo lộ siêu thế, một yếu tố chính ngữ duy nhất làm cả bốn nhiệm vụ cắt đứt khuynh hướng đối với bốn loại tà ngữ. Cũng vậy với chính nghiệp.
12. Với tỷ kheo, có những cách bất chính khi xin nhu yếu phẩm được nói trong TTD I. MA nói các cách xin đề cập trong kinh không phải là loại tà mạng duy nhất, tà mạng này bao hàm bất cứ kiểu kiếm sống nào vi phạm giới luật Phật chế. Tăng chi 5 kể năm loại tà mạng của cư sĩ là buôn bán khí giới, chúng sinh, thịt, rượu và độc chất.
13. MA giải thích rằng với một người đã có chính kiến thuộc đạo thì đương nhiên sẽ có chính tư duy thuộc đạo; cũng thế người có chính kiến thuộc quả thì chính tư duy thuộc quả cũng xuất hiện. Tương tự với các chi phần kế tiếp ngoại trừ hai cái cuối đề cập đạo lộ siêu thế.
14. Hai yếu tố mà A la hán có thêm là chính trí (có thể xem là trí hồi quan rằng mình đã phá hủy các nhiễm ô) và chính giải thoát, các kinh nghiệm thân chứng rằng tâm giải thoát tất cả ô nhiễm.
15. Hai mươi thiện là mười chính và các thiện pháp phát xuất từ mỗi chính; còn hai mươi bất thiện là mười tà và các bất thiện pháp phát xuất từ mỗi tà. Do đây có tên Đại tứ thập.
16. MA chỉ nói hai vị này là những người sống ở xứ Okkala.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỷ kheo
Về Định của bậc thánh
Cùng cận duyên, tư trợ
(những yếu tố giúp vào)
Gồm bảy chính còn lại
Trong con đường Bát chính.
1. Chính kiến đi hàng đầu:
Biết phân biệt tà, chính
Thì gọi là chính kiến.
Tà kiến là không tin
Có bố thí, nhân quả
Đời này và đời sau
Cha mẹ và hiền thánh.
Chính kiến gồm hai loại
Thế gian và xuất thế
Chính kiến thuộc thế gian
Ngược tà kiến nói trên.
Thế gian là hữu lậu
Thuộc phước báo, chấp thủ
Còn chính kiến vô lậu
Thuộc thánh đạo, thánh tâm.
Siêng đoạn trừ tà kiến
Và thành tựu chính kiến
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Đoạn tà, tu chính kiến
Được gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tấn, niệm
Đi kèm theo chính kiến
Trong thánh chính định này.
2. Muốn có chính tư duy
Trước hết cần chính kiến
Biết thế nào tà tư
Và thế nào chính tư.
Tà tư duy: tư tưởng
Có dục, sân và hại.
Chính tư duy ly dục
Vô sân và bất hại.
Chính tư duy có hai
Hữu lậu và vô lậu
Hữu lậu là tư duy
Lìa dục sân và hại
Vô lậu là siêu thế
Tư duy thuộc thánh đạo.
Siêng trừ tà tư duy
Thành tựu chính tư duy
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Được gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tấn, niệm
Đi kèm chính tư duy
Trong thánh chính định này.
3. Chính ngữ cần chính kiến
Phân biệt tà, chính ngữ.
Tà nói dối, hai lưỡi
Ác khẩu và phù phiếm.
Từ bỏ bốn tà ngữ
Sẽ đem lại phước báo
Đây Chính ngữ thế gian.
Còn Chính ngữ vô lậu
Là viễn ly bốn tà
Thuộc đạo tâm, siêu thế.
Siêng loại trừ tà ngữ
Và thực hành chính ngữ
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Được gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tiến, niệm
Đi kèm theo chính ngữ
Trong thánh chính định này.
4. Chính nghiệp cũng như trên
Cần trước tiên chánh kiến
Phân biệt tà, chính nghiệp:
Tà nghiệp sát đạo dâm
Từ bỏ sát đạo dâm
Là Chính nghiệp hữu lậu
Sẽ được hưởng phước báo.
Còn chính nghiệp vô lậu
Là viễn ly ác hành
Thuộc đạo tâm, siêu thế.
Siêng loại trừ tà nghiệp
Và thực hành chính nghiệp
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Được gọi là chính niệm.
Chính kiến, tinh tiến, niệm
Đi kèm theo chính nghiệp
Trong thánh chính định này.
5. Chính mạng cần chính kiến
Phân biệt tà, chính mạng:
Lừa đảo, nói mê ly,
Hiện tướng và gian trá
Cùng lấy lợi cầu lợi
Năm cách khất thực ấy
Được gọi là tà mạng
Nơi một vị tỷ kheo.
Từ bỏ tà mạng ấy
Là chính mạng hữu lậu
Sự viễn ly tà mạng
Nơi vị tu thánh đạo,
Là chính mạng siêu thế.
Siêng loại trừ tà mạng
Và thực hành chính mạng
Gọi là chính tinh tiến;
Tâm chuyên nhất một niềm
Bỏ tà, tu tập chính
Được gọi là chính niệm
Chính kiến, tinh tiến, niệm
Đi kèm theo chính mạng
Trong thánh chính định này.
6. Trong đạo lộ hữu học
(với tám chi thánh đạo)
Hoặc đạo A la hán
(với mười chi thánh đạo)
Chính kiến cũng dẫn đầu:
Do vì có chính kiến
Mà có chính tư duy
Do chính tư, chính ngữ,
Do chính ngữ, chính nghiệp,
Do chính nghiệp, chính mạng
Do chính mạng, chính tiến
Do chính tiến, chính niệm
Do chính niệm, chính định
Do chính định, chính trí
Và do chính trí này
Mà có chính giải thoát.
Trước tiên là chính kiến
Nơi người có chính kiến
Tà kiến được từ bỏ
Và những pháp bất thiện
Do tà kiến sinh ra
Đồng thời được loại trừ
Tất cả các thiện pháp
Phát xuất từ chính kiến
Được tu tập viên mãn.
(Với chín pháp còn lại
Chính tư duy… giải thoát
Cũng triển khai như trên
Chiếu theo đây nên biết.)
Có hai mươi thiện phần
Và hai mươi bất thiện
Trong đại pháp bốn mươi
Được chuyển vận bất tuyệt
Bất cứ ai trên đời
Cũng không thể chận đứng.
Nếu có ai bác nó
Sẽ bị chỉ trích ngay
Với lý luận hợp pháp:
Ông bài xích chính kiến
Tức xem đáng tôn thờ
Những kẻ có tà kiến
Cho đến Chính giải thoát
Nếu ông bài xích nó
Tức xem đáng tôn thờ
Những kẻ tà giải thoát.
Ngay người Vô nhân luận
Cũng ngán pháp môn này.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 118
NHẬP TỨC XUẤT TỨC NIỆM
I. TOÁT YẾU
Nàpànasati Sutta - Mindfulness of Breathing.
An exposition of sixteen steps in mindfulness of breathing and of the relation of this meditation to the four foundations of mindfulness and the seven enlightenment factors.
[Trình bày 16 bước trong pháp niệm hơi thở, tương quan giữa thiền pháp này với Bốn niệm xứ và Bảy giác chi.]
II. TÓM TẮT
Vào lễ tự tứ [1] đêm rằm, Phật ngồi giữa trời được vây quanh bởi một đại chúng gồm những vị thượng thủ danh tiếng. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi khen hội chúng này thật toàn hảo, đãđắc quả từ Dự lưu đến A la hán, hoặc là những vị chuyên tu thiền bốn niệm xứ cho đến bát thánh đạo. Ngài tuyên bố sẽ ở lại đấy (Xá vệ) cho đến tháng tư lễ Komudi [2]. Những tỷ kheo tại địa phương đến quy tụ để hành thiền. Họ chuyên tâm tu tập bốn phạm trú, tu tưởng bất tịnh, tưởng vô thường, hoặc tu niệm hơi thở vô ra.
Pháp môn niệm hơi thở này, nếu được tu tập viên mãn, sẽ đưa đến kết quả lớn là viên mãn bốn niệm xứ. Do viên mãn bốn niệm xứ mà bảy giác chi được viên mãn. Do bảy giác chi viên mãn mà minh giải thoát được viên mãn.
Như thế nào tu niệm hơi thở được viên mãn sẽ có kết quả lớn, công đức lớn? Vị tỷ kheo đi đến chỗ trống, ngồi kiết già lưng thẳng an trú chính niệm trước mặt. Chính niệm, vị ấy thở vô, chính niệm vị ấy thở ra.
Thở vô dài, vị ấy biết tôi thở vô dài. Hay thở ra dài, vị ấy biết tôi thở ra dài. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết tôi thở vô ngắn. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết tôi thở ra ngắn. Vị ấy tập: Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra. [3]
Vị ấy tập: Cảm giác hỷ thọ [4], tôi sẽ thở vô. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô. Cảm giác lạc thọ [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô. Cảm giác tâm hành [5], tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
Vị ấy tập: Cảm giác về tâm [6], tôi sẽ thở vô. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm hân hoan [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm định tĩnh [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Với tâm giải thoát [6], tôi sẽ thở vô. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.
Vị ấy tập: Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở vô [7]. Tùy quán vô thường, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở vô. Tùy quán ly dục, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở vô. Tùy quán tịch diệt, tôi sẽ thở ra. Vị ấy tập: Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở vô. Tùy quán xả ly, tôi sẽ thở ra.
Bốn pháp đầu, trong khi quán thân thể [8] như là thân thể, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Khi quán cảm thọ [9] như là cảm thọ với bốn pháp tiếp theo, vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệm để điều phục tham ưu ở đời. Với nhóm bốn pháp thứ ba, trong khi quán tâm trên tâm [10], vị tỷ kheo nhiệt tâm, tỉnh giác, chính niệmđể điều phục tham ưu [11] ở đời. Trong khi quán pháp trên các pháp với nhóm bốn pháp thứ tư cũng vậy. Như vậy là bốn niệm xứ được viên mãn nhờ quán hơi thở vô ra.
Bảy giác chi [12]: Trong khi tỷ kheo tùy quán thân trên thân, niệm giác chi phát sinh và đi đến viên mãn. Nhờ tư duy thẩm sát trong khi có chính niệm [13] trạch pháp giác chi sinh khởi và đi đến viên mãn. Trong khi thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động khởi lên gọi là tinh tấn
giác chi, và khi tinh tấn giác chi viên mãn thì hỷ phi vật chất sinh khởi. Tâm hoan hỷ đi đến viên mãn sẽ khiến thân tâm khinh an, là khinh an giác chi. Khi tâm được khinh an, an lạc, sẽ đưa đến định giác chi, và với tâm định tĩnh thì dễ nhìn sự vật với thái độ xả, đấy là xả giác chi. Đối với ba nhóm còn lại là thọ, tâm, pháp cũng thế.
Minh giải thoát: Bảy giác chi được tu tập viên mãn khiến cho minh giải thoát được viên mãn là vì cả bảy giác chi đều liên hệ đến viễn ly, ly tham, diệt, xả ly.
III. CHÚ GIẢI
1. Pavàranà lễ tự tứ, là lễ kết thúc an cư mùa mưa, trong lễ này các tỷ kheo thỉnh cầu lẫn nhau giáo giới, chỉ lỗi cho mình.
2. Komudì là ngày rằm tháng Kattika, tháng thứ tư mùa mưa; nó được gọi như vậy vì vào mùa mưa ấy hoa kumuda (hoa súng) nở.
3. Đoạn bốn pháp đầu được giải thích trong kinh số 10, chỉ khác đoạn này ở chỗ thêm ví dụ. Vì đã giải thích bốn niệm xứ quán về hơi thở trong Thanh Tịnh Đạo nên ở MA, Luận sư Buddhaghosa chỉ nói độc giả tham khảo luận TTD. Bốn chú thích sau đều rút từ TTD VII.
4. Người ta kinh nghiệm hỷ thọ theo hai cách: nhờ đạt hai thiền đầu trong đó có mặt hỷ, hành giả cảm thọ hỷ theo kiểu khinh khoái. Cách thứ hai là nhờ xuất khỏi thiền ấy và quán sát hỷ cũng phải bị hoại diệt, như vậy hành giả được hỷ theo kiểu tuệ giác.
5. Cũng phương pháp giải thích ấy áp dụng cho mệnh đề hai và ba, ngoại trừ mệnh đề hai bao hàm ba thiền dưới còn mệnh đề ba bao hàm cả bốn thiền. Tâm hành là tưởng và thọ được an tịnh nhờ tuần tự phát triển các tầng mức cao hơn về tịnh chỉ và tuệ quán.
6. Cảm thọ về tâm cần hiểu là nhờ bốn thiền. Khiến tâm hân hoan là hoặc đắc hai thiền đầu có hỷ hoặc đi sâu và hai thiền bằng tuệ quán để thấy chúng vô thường, vân vân. Khiến tâm định tĩnh ám chỉ hoặc định chứng thuộc thiền, hoặc sự tập trung chốc lát (sát na định) khởi lên cùng với tuệ quán. Khiến tâm giải thoát có nghĩa là giải thoát tâm khỏi các chướng ngại và các thiền chi thô nhờ các định chứng cao dần, và khỏi các nhận thức sai lầm nhờ tri kiến thuộc tuệ.
7. Đoạn bốn pháp này hoàn toàn đề cập tuệ giác, không giống ba đoạn trước đề cập cả chỉ lẫn quán. Quán ly tham và quán đoạn diệt có thể hiểu là tuệ quán đi sâu vào tính vô thường của các hành, và là đạo lô siệu thế chứng niết bàn ly dục (viràga) và chấm dứt khổ đau. Quán từ bỏ là sự từ bỏ nhiễm ô nhờ tuệ và sự thể nhập niết bàn nhờ đạo.
8. Hơi thở ra vào cần được xem như phong đại làm nên thân thể trong bốn đại. Nó cũng cần được hiểu là xúc xứ trong các pháp thuộc về thân (vì đối tượng chú ý là sự chạm xúc của hơi gió ra vào nơi cửa mũi).
9. MA giải thích sàdhuka manasikàra (tác ý một cách sát nút) tự nó không phải là cảm giác thực, mà đây chỉ nói ẩn dụ. Trong đoạn bốn pháp thứ hai, cảm thọ thực thụ là lạc thọ nói trong câu hai và cảm giác bao hàm trong chữ tâm hành trong câu ba và bốn.
10. MA: Mặc dù thiền giả lấy tướng hơi thở vô ra làm đề mục tu, vị ấy vẫn được xem là đang quán tâm như là tâm, vì đang duy trì tâm mình trên đối tượng bằng cách đánh thức hai tâm pháp là chính niệm và tỉnh giác.
11. MA: Tham và ưu là hai triền cái đầu tức dục và sân, và do vậy tiêu biểu sự quán các tâm pháp khởi đầu bằng năm triền cái. Vị ấy từ bỏ được triền cái nhờ quán vô thường, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, và đi đến kết quả là nhìn đối tượng với tâm xả.
12. MA nói đoạn kinh này hiển thị các giác phần cùng hiện hữu trong từng sát na tâm khi tu thiền quán.
13. MA: Chính niệm theo dõi hơi thở là thuộc thế gian; chính niệm thế gian này làm hoàn hảo nền tảng chính niệm thế gian; nền tảng chính niệm thế gian kiện toàn các đại chi siêu thế; và các đại chi siêu thế làm viên mãn chính trí và giải thoát, nghĩa là quả và niết bàn.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Đêm trăng rằm tự tứ
Đức Phật ngồi giữa trời
Với đại chúng vây quanh
Toàn thượng thủ danh tiếng.
Ngài đưa mắt nhìn quanh
Khen hội chúng toàn hảo
Gồm nhiều vị La hán
Tối thiểu cũng Dự lưu.
Ngài cho đại chúng biết
Như Lai sẽ lưu lại
Tại thành Xá vệ này
Đến rằm tháng tư sau.
Khi được biết tin ấy
Những tỷ kheo địa phương
Quy tụ lại hành thiền
Theo lời Phật chỉ dạy.
Hoặc tu bốn phạm trú
Hoặc tu tưởng bất tịnh
Hoặc tu tưởng vô thường
Hoặc tu niệm hơi thở.
Phật dạy pháp môn này
Nếu tu tập viên mãn
Sẽ có kết quả lớn:
Viên mãn bốn niệm xứ
Kiện toàn bảy giác chi
Cho đến minh giải thoát.
Pháp quán niệm hơi thở
Gồm mười sáu đề mục
Về thân thọ tâm pháp
Cách tu tập như sau.
Tỷ kheo chọn chỗ vắng
Ngồi kiết già lưng thẳng
An trú niệm trước mặt
Tỉnh giác, thở vô ra.
Hơi vô dài, rõ biết
Hơi ra dài, rõ biết
Hơi thở ngắn cũng vậy
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở vô,
Cảm giác toàn thân,
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở vô
An tịnh thân hành,
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thân.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác hỷ thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở vô.
Cảm giác lạc thọ,
Tôi sẽ thở ra.
Cảm giác tâm hành,
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở vô
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Thọ.
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở vô
Cảm giác về tâm
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở vô
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở vô
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở ra.
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở vô
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Tâm.
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán vô thường
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán ly dục
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán tịch diệt
Tôi sẽ thở ra.
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở vô
Tùy quán xả ly
Tôi sẽ thở ra.
Như vậy vị ấy tập
Bốn quán niệm về Pháp.
Trong khi quán thân thể
Chỉ như là thân thể
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tỉnh giác và chính niệm
Để điều phục tham ưu
Đối với mọi sự đời.
Trong khi quán cảm thọ
Quán tâm và các pháp
Qua mười sáu đề mục
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Chính niệm và tỉnh giác
Để điều phục tham ưu
Đối với mọi sự đời.
Như vậy bốn niệm xứ
Được tu tập viên mãn
Nhờ quán thở vô ra.
Trong khi tùy quán thân
Và quán thọ, tâm, pháp
Niệm giác chi phát sinh
Và đi đến viên mãn.
Nhờ tư duy thẩm sát
Trong khi có chính niệm
Trạch pháp giác chi sinh
Và đi đến viên mãn.
Trong khi thẩm sát pháp
Sự tinh tấn khởi lên
Là tinh tấn giác chi
Khi tinh tấn viên mãn
Hỷ phi vật chất sinh.
Tâm hoan hỷ tột độ
Sẽ khiến thân nhẹ nhàng
Và tâm cũng khoan khoái
Là khinh an giác chi.
Khinh an đưa đến lạc
Lạc đưa đến định
Gọi là định giác chi.
Và với tâm định tĩnh
Ta dễ nhìn sự vật
Với thái độ buông xả
Đấy là xả giác chi.
Bảy giác chi tu tập
Đi đến chỗ viên mãn
Minh giải thoát phát sinh
Vì cả bảy giác chi
Đều liên hệ viễn ly
Ly tham, diệt, giải thoát.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 119
THÂN HÀNH NIỆM
I. TOÁT YẾU
Kayagatasati Sutta - Mindfulness of the Body.
The Buddha explains how mindfulness of the body should be developed and cultivated and the benefits to which it leads.
Niệm thân.
Phật giải thích làm thế nào để tu tập pháp niệm thân và nói những lợi ích mà pháp tu nàyđem lại.
II. TÓM TẮT
Chúng tỷ kheo tụ họp ca ngợi pháp môn niệm thân hành mà Phật đã dạy. Phật nhân đấy giảng rộng pháp tu này.
A. Các pháp niệm thân hành:
1. Niệm hơi thở: Ngồi kiết già lưng thẳng ở chỗ vắng, theo dõi hơi thở vô ra như đã nói trong kinh 18, mục niệm thân.
2. Chính niệm tỉnh giác trong bốn uy nghi, ý thức rõ thân đang đi, đứng, ngồi, nằm, nhiệt tâm tinh cần, đoạn trừ các tư duy liên hệ thế tục.
3. Niệm thân hành: Ý thức rõ thân thể đang được sử dụng như thế nào, ngó tới ngó lui hay co duỗi tay chân ăn uống nói im đi đứng ngủ thức.
4. Quán tính chất bất tịnh trong tất cả thân phần từ tóc lông cho đến nước tiểu.
5. Phân biệt bốn đại ở trong thân: tóc lông móng… là địa, nước mắt mũi miệng… là thủy, hơi nóng là hỏa, chuyển động là phong.
6. Quán thi thể phình trương sau ba ngày bị quăng bỏ.
7. Quán thi thể bị các loài trùng, chim thú ăn.
8. Quán bộ xương liên kết còn máu thịt, đã hết thịt nhưng còn dính máu, bộ xương đã rã rời mỗi nơi một cái xương.
9. Quán thi thể sau nhiều năm tháng chỉ còn là đống xương trắng màu vỏ ốc. Thấy bản chất thân này cũng vậy, không vượt qua bản chất ấy. Nhờ sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần quán niệm như trên, các niệm và tư duy thế tục được đoạn trừ, nội tâm chuyên nhất, định tĩnh. Đấy gọi là tu tập thân hành niệm.
B. Những kết quả của thân hành niệm:
1. Chứng bốn thiền: sơ thiền với hỷ lạc do ly dục sinh thấm nhuần thân tâm, như một cục bột nhồi thấm nước [2]. Thiền thứ hai, với hỷ lạc do định sinh, như hồ nước đầy gặp cơn mưa lớn, nước mát lan tràn hồ. Thiền thứ ba toàn thân thấm nhuần lạc thọ gọi là xả niệm lạc trú, như những hoa sen ở trong hồ thấm đầy nước. Thiền thứ bốn xả niệm thanh tịnh, toàn thân thấm nhuần sự trong sáng thuần tịnh, như người ngồi với một tấm vải trắng trùm đầu phủ xuống toàn thân.
2. Minh trí [3] và giải thoát: Người tu tập thân hành niệm đã viên mãn, thì các thiện pháp của vị ấy đều dự phần vào minh trí, như trăm sông đổ vào biển. Không tu tập thân hành niệm thì ma vương dễ làm hại, như cục đất sét ướt bị lún dưới sức nặng của một viên đá ném vào, như bình rỗng dễ làm đầy nước, như cây khô dễ cháy. Ngược lại người có tu tập thân hành niệm thì ma không hại được, như trái banh dây dội vào cánh cửa chắc chắn không thể phá cửa, như bình nước đã đầy không thể đổ thêm, như cây tươi đầy nhựa không thể bị đốt cháy.
3. Dễ đắc thần thông: Với căn bản thân hành niệm, hành giả dễ chứng bất cứ pháp nào có thể chứng nhờ thắng trí, như một lực sĩ dễ dàng lắc đổ một bình nước đầy, phá một khúc đê cho nước tràn, như một người đánh xe giỏi lái cỗ xe ngựa hay chạy trên đường bằng phẳng.
C. Kết luận về lợi ích của thân hành niệm:
Thân hành niệm khéo tu tập viên mãn sẽ đưa đến mười lợi ích lớn: Một là nhiếp phục lạc khổ. Hai, nhiếp phục sợ hãi khiếp đảm. Ba kham nhẫn được các nghịch cảnh đủ loại. Bốn dễ chứng bốn thiền, được hiện tại lạc trú. Năm chứng thần túc thông. Sáu Thiên nhĩ. Bảy tha tâm. Tám túc mạng trí. Chín Sinh tử trí hay thiên nhãn, biết sống chết chúng sinh. Mười lậu tận trí.
III. CHÚ GIẢI
1. Đoạn 4 đến 17 của kinh này giống với kinh số 10, ngoại trừ ở đây điệp khúc về tuệ được thay bằng điệp khúc bắt đầu bằng: Khi vị ấy trú nhiệt tâm tinh cần. Sự thay đổi ấy chứng tỏ kinh này nhấn mạnh về định trong khi kinh số 10 nhấn mạnh về tuệ. Sự thay đổi này tái xuất hiện trong đoạn nói về các thiền (đoạn 18 đến 21 bản dịch của Nana - moli) và về thắng trí (37 đến 41), cả hai đều khác với kinh số 10.
2. Các ẩn dụ về thiền cũng được thấy trong kinh số 39 và 77.
3. MA giải thích các pháp này là tám loại tuệ được giải thích trong kinh 77.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy chúng tỷ kheo
Chín pháp niệm thân hành
Và kết quả tu niệm.
Trước hết niệm hơi thở
Tỷ kheo tìm chỗ vắng
Ngồi kiết già lưng thẳng
Theo dõi hơi vô ra
Gồm có bốn đề mục
Quán niệm thân trên thân
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần niệm hơi thở,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Hai Chính niệm tỉnh giác
Trong cả bốn uy nghi
Lúc ngồi nằm đứng đi
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần niệm uy nghi,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Ba là niệm thân hành
Ý thức rõ thân thể
Được sử dụng thế nào
Ngó tới hay ngó lui
Tay chân co hay duỗi
Ý thức lúc ăn uống
Nói im và ngủ thức.
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần niệm thân hành
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Bốn quán thân bất tịnh
Tóc lông móng răng da
Thịt gân xương thận tủy
Tim gan hoành cách mạc
Lá lách phổi ruột già
Màng ruột phân mật đàm
Mủ máu, mồ hôi, mỡ
Mỡ nước và nước mắt,
Nước miếng, và nước mũi,
Nước khớp xương, nước tiểu.
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán bất tịnh,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Năm Phân biệt bốn đại
Trong thân này tóc lông
Là thuộc về địa đại,
Nước mắt nước mũi miệng
Là thuộc về thủy đại,
Hơi ấm thuộc về hỏa,
Các chuyển động là phong
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tinh cần quán bốn đại,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Sáu quán thây phình trương
Sau ba ngày quăng bỏ
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán thây trướng,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Bảy quán thây thú ăn,
Bị côn trùng rúc rỉa
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm
Tinh cần quán trùng rỉa,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Tám quán bộ xương nguyên
Còn dính máu và thịt,
Hết thịt chỉ còn máu,
Bộ xương đã rã rời
Xương chân tay đầu mặt
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán bộ xương,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Chín quán một tử thi
Trải qua nhiều năm tháng
Chỉ còn đống xương trắng
Quăng bỏ giữa đồng hoang.
Thấy bản chất thân này
Chung cuộc đều như vậy
Tỷ kheo trú nhiệt tâm,
Tinh cần quán xương trắng,
Đoạn tư duy thế tục
Nội tâm được định tĩnh.
Chín pháp niệm thân này
Tỷ kheo hãy tu tập
Có quả báo lớn lao.
Một, hiện tại lạc trú.
Hai, Ma không thể hại.
Ba, dễ chứng thần thông.
Lại có mười lợi ích:
Một, nhiếp phục lạc khổ
Hai, nhiếp phục khiếp sợ
Ba, nhẫn được nghịch cảnh
Bốn, dễ chứng bốn thiền
Năm, chứng thần túc thông
Sáu, chứng Thiên nhĩ thông
Bảy, biết được tâm người
Tám, chứng túc mạng trí.
Chín, tùy nghiệp thú trí
(Biết sống chết chúng sinh
Còn gọi là thiên nhãn)
Mười là trí lậu tận
Sạch ô nhiễm lỗi lầm.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 120
HÀNH SINH
(Sankhàrupapattisuttam)
I. TOÁT YẾU
Reappearance by Aspiration.
The Buddha teaches how one can be reborn in accordance with one's wish.
Sự tái sinh do ước nguyện.
Phật dạy làm thế nào ta có thể tái sanh tùy theo mong ước của mình.
II. TÓM TẮT
Phật dạy về sự tái sinh do ý hành [1] mang lại. Một tỷ kheo đầy đủ năm pháp là tín giới thí văn tuệ, nếu khởi lên mong ước được tái sinh vào giai cấp nào hay cõi nào, thì hãy chú tâm vào cõi ấy, tu tập tâm ấy, khi thân hoại mạng chung liền được như ý. Đấy là đạo lộ đưa đến tái sinh theo ước nguyện [2]. Như mong sinh vào dòng họ Sát đế lỵ, Bà la môn, cư sĩ, Bốn đại thiên vương, Tam thập tam thiên, Dạ ma, Đâu suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại, hoặc mong sinh vào cõi Phạm thiên có tâm biến mãn [3] từ một ngàn đến một trăm ngàn thế giới. Hoặc mong sinh vào chư quang thiên [4]: Thiểu quang, Vô lượng quang, Quang âm thiên; hay chư Tịnh thiên: Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh; hoặc cõi trời Quảng quả, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện kiến, sắc cứu cánh; hoặc vào cõi Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tùy ý muốn và sự tu tập tương ưng cõi nào, vị tỷ kheo sẽ tái sinh vào cõi ấy. Nếu đầy đủ năm pháp trên, nhưng chỉ mong an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, thì vị ấy do đoạn trừ các lậu hoặc, sẽ chứng đạt an trú vô lậu tâm ngay hiện tại, không còn tái sinh ở bất cứ nơi nào [5].
III. CHÚ GIẢI
1. Sankhàrà luôn luôn được dịch là formation (hành) nhưng nội dung kinh này có lẽ cần dịch cách khác để làm sáng tỏ ý nghĩa. MA lúc đầu giải là sự tái hiện của các hành (thay vì của một cái ngã hay con người) hoặc tái hiện các uẩn trong một hiện hữu mới nhờ một nghiệp hành có công đức. Tuy nhiên trong các đoạn kế tiếp, MA lại chú thích sankhàrà là patthanà, chữ này có một ý nghĩa dứt khoát là nguyện vọng.
2. MA: Đạo là năm đức tín tấn niệm định tuệ cùng với nguyện. Người có năm đức mà không nguyện hoặc có nguyện mà thiếu năm đức thì không có một số phận quyết định. Số phận có tính quyết định chỉ khi có đủ cả hai yếu tố.
3. MA giải thích có năm thứ biến mãn: biến mãn tâm, nghĩa là biết tâm chúng sinh trong một ngàn thế giới; biến mãn kasina là triển khai được tướng của kasina đến ngàn thế giới; biến mãn thiên nhãn, biến mãn ánh sáng, biến mãn thân, như trên.
4. Xem chú thích kinh số 1 về các cõi trời.
5. MA: Năm đức đã kể cũng đủ để tái sinh vào cõi dục, nhưng muốn có tái sinh thù thắng hơn và muốn đoạn trừ lậu hoặc thì cần nhiều điều kiện hơn. Căn cứ trên năm đức mà đắc thiền chứng thì sẽ sinh vào cõi Phạm thiên; nếu đắc các vô sắc thì sẽ sinh vào vô sắc giới. Nếu phát triển tuệ giác và đắc quả Bất hoàn, thì được sinh vào cõi Tịnh cư thiên; nếu đắc A la hán đạo thì sẽ được lậu tận.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy về tái sinh
Do ý hành [1] mang lại.
Cần có đủ năm đức
Tín giới thí tuệ văn
Mong tái sinh về đâu
Hãy chú tâm tu tập,
Khi thân hoại mạng chung
Liền tái sinh như nguyện [2]:
Vào dòng Sát đế lỵ,
Bà la môn, cư sĩ,
Hoặc Bốn đại thiên vương,
Hoặc Tam thập tam thiên,
Dạ ma, Đâu suất đà,
Hóa lạc, Tự tại thiên,
Hoặc các cõi Phạm thiên
Biến mãn [3] từ một ngàn
Đến trăm ngàn thế giới
Hoặc vào chư quang thiên [4]
Thiểu, Vô lượng, Quang âm
Hay là chư Tịnh thiên:
Thiểu, Vô lượng, Biến tịnh;
Hoặc cõi trời Quảng quả
Vô phiền, Vô nhiệt thiên,
Thiện kiến, Sắc cứu cánh;
Hoặc cõi Không vô biên
Hay cõi Thức vô biên,
Hay Vô sở hữu xứ
Cõi Phi tưởng phi phi
Do ước nguyện, tu tập,
Tỷ kheo sẽ tái sinh
Vào cõi như ý nguyện.
Nếu đầy đủ năm pháp
Nhưng chỉ mong an trú
Vô lậu tâm giải thoát
Vô lậu tuệ giải thoát
Đoạn trừ các lậu hoặc,
Tỷ kheo sẽ chứng đạt
An trú vô lậu tâm
Ngay trong đời hiện tại,
Không còn phải tái sinh
Ở bất cứ nơi nào [5].
-ooOoo-