TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 61
GIÁO GIỚI LA HẦU LA Ở RỪNG AM BÀ LA
I. TOÁT YẾU
Ambalatthikàràhulovàda Sutta - Advice to Ràhula at Ambalatthikà.
The Buddha admonishes his son, the novice Ràhula, on the dangers in lying and stresses the importance of constant reflection on one’s motives.
Lời khuyên Ràhula, người ở rừng Ambala.
Phật khuyến cáo con trai của Ngài là chú tiểu Ràhula về những nguy hiểm trong sự nói dối, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thường xuyên tư duy về những hành động của mình.
II. TÓM TẮT
Phật đến thăm Ràhula [1], và khi tôn giả bưng chậu nước cho Ngài rửa chân, Ngài đã dùng ví dụ chậu nước để giáo giới. Trước hết Ngài chừa lại một ít nước trong chậu, chỉ cho Ràhula và nói: "Sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối cũng ít oi như vậy."
Kế đến Phật đổ hắt chút nước đó và bảo: "Sa môn hạnh của kẻ cố nói dối cũng đáng đổ đi như vậy."
Rồi Ngài lật úp chậu, chỉ cho Ràhula thấy mà bảo: "Sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối cũng bị lật úp như cái chậu này."
Cuối cùng, Ngài lật ngửa cái chậu, chỉ cho Ràhula thấy sự trống rỗng mà bảo: "Cũng trống rỗng như vậy, sa môn hạnh của kẻ cố ý nói dối. Như con voi lâm trận biết bảo vệ cái vòi là biết giữ mạng sống; nếu nó dùng luôn cả cái vòi tức đã thí mạng, không có gì nó không làm. Cũng vậy, kẻ cố ý nói dối thì không còn chừa điều ác nào. Do vậy, cần phải quyết định: Ta sẽ không nói dối, dù nói để đùa chơi."
Phật lại lấy ví dụ, như tấm gương dùng để phản chiếu, người tu hành cũng phải phản tỉnh khi sắp làm, đang làm, hoặc đã làm một thân hành, ngữ hành, ý hành nào, xem nó có đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, biết nó bất thiện, đưa đến đau khổ, thì nhất định không làm, hoặcđình chỉ và phát lộ sám hối để chừa bỏ [2]. Nếu sau khi phản tỉnh, biết thân hành, ngữ hành, ý hành [3] ấy không đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, biết nó là thiện, đưa đến an lạc, thì hãy hoan hỷ tiếp tục. Đấy là đường lối phản tỉnh của tất cả sa môn bà la môn trong quá khứ, hiện tại và vị lai để tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý.
III. CHÚ GIẢI
1. La Hầu La là con trai duy nhất của Phật, ra đời khi Ngài rời cung vua đi tìm giác ngộ. Năm 7 tuổi, ông được tôn giả Xá Lợi Phất cho thọ giới làm Sa di nhân Phật về thăm Ca Tỳ La Vệ lần đầu tiên sau khi đạt giác ngộ. Phật tuyên bố La Hầu La là đệ tử bậc nhất về hạnh ham tu. Theo Luận, kinh này được giảng cho La Hầu La lúc 7 tuổi, tức lúc ông vừa thọ giới xuất gia không lâu. Theo kinh 147, Ràhula đắc quả A la Hán sau khi nghe Phật thuyết giảng về cách tu tuệ quán.
2. Có lỗi mà phát lộ, sám hối và phát nguyện chừa bỏ trong tương lai thì sẽ đưa đến sự tăng trưởng trong giới luật của bậc thánh. Xem kinh 65.
3. Tư tưởng hay ý hành bất thiện, mà chưa thực hành, thì chỉ cần từ bỏ, không cần phải phát lộ sám hối như những sự vi phạm về thân và lời.
IV. PHÁP SỐ
Ba nghiệp
V. KỆ TỤNG
Phật thăm Ràhula
Cứ trú trong rừng xoài
Tôn giả đem chậu nước
Cho cha mình rửa chân.
Phật chừa chút ít nước
Chỉ dạy Ràhula:
"Ít thay, Sa môn hạnh
Nơi kẻ cố nói dối."
Ngài đổ nước và bảo:
"Đáng đổ đi như vậy,
Ấy là hạnh sa môn
Nơi kẻ cố nói dối."
Rồi Ngài lật úp chậu:
"Cũng lật úp như vậy
Ấy là hạnh sa môn
Nơi kẻ cố nói dối."
Lật chậu lên, Phật bảo:
"Cũng trống không như vậy
Ấy là hạnh sa môn
Nơi kẻ cố nói dối
Như con voi lâm trận
Dùng tất cả thân phần
Nhưng bảo vệ cái vòi
Vì biết giữ mạng sống
Nếu dùng luôn cả vòi
Tức nó đem thí mạng
Với con voi như vậy
Không việc gì không làm.
Như con voi liều mạng
Kẻ cố ý nói dối
Thì không điều ác nào
Người ấy không dám làm.
Do vậy, Ràhula
Ngươi cần phải quyết định :
Ta sẽ không nói dối
Dù chỉ để đùa chơi."
Phật lấy dụ tấm gương
Để dạy Ràhula :
"Ngươi hãy luôn phản tỉnh
Như người ta soi gương.
Khi sắp làm hay nói
Nếu đưa đến tự hại
Hại người, hại cả hai
Bất thiện, không nên làm.
Việc đang làm, đã làm
Cũng phản tỉnh như vậy
Điều ác hãy phát lộ
Để chừa bỏ về sau.
Nếu sau khi phản tỉnh,
Một thân ngữ ý hành
Không tự hại, hại người
Hãy hoan hỷ tiến lên.
Đây đường lối phản tỉnh
Của những bậc tu hành
Trong quá, hiện, vị lai
Để tịnh hoá ba nghiệp."
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 62
ĐẠI KINH GIÁO GIỚI LA HẦU LA
I. TOÁT YẾU
Mahàràhulovàda Sutta - The Greater Discourse of Advice to Ràhula.
The Buddha teaches Ràhula the meditation on the elements, on mindfulness of breathing, and other topics.
Bài giảng dài để khuyên dạy La hầu la.
Phật dạy cho La hầu la pháp thiền quán về các đại chủng, về niệm hơi thở, và các đề tài khác.
II. TÓM TẮT
Trong lúc cùng đi khất thực, Phật quay lại bảo tôn giả La hầu la [1] đang đi sau Ngài: "Hãy chân chính quán tất cả sắc pháp không phải của ta, không phải là ta hay tự ngã của ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng quán như vậy [2].
Sau khi nghe lời dạy vắn tắt, tôn giả liền trở lui về ngồi thiền định dưới một gốc cây. Thấy thế, tôn giả Xá lợi Phất khuyên La hầu la hãy niệm hơi thở [3], sẽ được nhiều lợi ích.
Sau khi ra khỏi thiền định, tôn giả La hầu la đến hỏi Phật về pháp môn niệm hơi thở. Trước khi dạy pháp niệm hơi thở, Phật dạy pháp môn quán đại chủng [4] trong thân và ngoài thân; dạy hãy tu tập như đất, nước, lửa, gió và hư không [5], để lạc khổ khởi lên không xâm chiếm tâm và an trú [6]; dạy tu tập tâm Từ để trị sân, tu Bi để trị hại, tu Hỷ để trị bất lạc, tu Xả để trị hận, quán bất tịnh để trị tham ái, quán vô thường để trị kiêu mạn.
Sau hết, Phật dạy pháp niệm hơi thở [7] gồm 4 mục thân, thọ, tâm, pháp, mỗi mục bốn đề tài; và cho biết nếu tu tập niệm hơi thở đến chỗ thuần thục, thì sẽ tỉnh giác khi thở hơi cuối cùng [8]."
III. CHÚ GIẢI
1. Theo Luận, bài kinh này được giảng cho Ràhula khi ông vừa 18 tuổi, cốt để xua tan những dục vọng liên hệ đến đời sống tại gia.
2. Luận: Trong lúc Ràhula đang theo sau Phật, ông để ý và tán thán vẻ tuyệt mỹ của thân hìnhđức đạo sư, và nhớ lại mình, ông nghĩ:"Ta cũng đẹp trai như đức Thế tôn cha ta. Hình thể của Phật thật đẹp và hình thể của ta cũng thế." Phật đọc được tư tưởng Ràhula nên đã quở trách ông ngay, để những tư tưởng vô lối như vậy khỏi dẫn ông đến rắc rối trầm trọng hơn. Ở đây đức Phật khuyến cáo với lời dạy hãy quán thân thể này không phải là một tự ngã, cũng không phải sở hữu của một tự ngã (không phải là tôi hay của tôi).
3. Tôn giả Xá lợi Phất thầy của Ràhula đã cho Ràhula lời khuyên này vì không biết ông đã được Phật dạy một pháp thiền quán khác. Thấy Ràhula ngồi kiết già, tôn giả tưởng ông đang thực hành niệm hơi thở.
4. Ở đây đức Phật giải thích pháp quán 4 đại thay cho quán hơi thở, để đánh tan sự bám víu của La hầu la vào thân thể, vì sự bám víu này chưa được tẩy trừ với lời giảng vắn tắt trước đấy về tính vô ngã của sắc pháp (tức thân thể).
5. Hư không không phải là 1 đại, nhưng nó được xếp vào loại sở tạo sắc.
6. Đoạn này được dạy để chỉ rõ tính vô phân biệt của đất, nước, lửa, gió, hư không.
7. Xem giải thích về niệm hơi thở trong kinh 118.
8. Có nghĩa là, vị thiền giả chết một cách an tịnh với chính niệm tỉnh giác.
IV. PHÁP SỐ
Bốn niệm xứ, bốn đại, bốn phạm trú, năm uẩn.
V. KỆ TỤNG
Trên đường đi khất thực
Ngoái nhìn La hầu la
Phật dạy: "Hãy quán sát
Không ta, không của ta
Tất cả các sắc pháp
Dù trong, ngoài, đẹp, xấu
Đều không phải là ta
Hay tự ngã của ta.
Cũng quán sát như vậy
Về thọ, tưởng, hành, thức."
Nghe lời dạy vắn tắt
Tôn giả về tọa thiền
Bậc thầy Xá lợi phất
Trông thấy ông ngồi thiền
Khuyên hãy niệm hơi thở
Sẽ lợi lạc vô biên.
Bởi thế La hầu La
Khi ra khỏi thiền định,
Lại đi đến hỏi Phật
Về pháp niệm hơi thở.
Phật dạy La hầu La:
"Tóc lông móng răng da
Những vật cứng trong, ngoài
Đều thuộc về địa giới.
Chất lỏng ở trong thân
Bị chấp, thuộc cá nhân
Cũng như nước bên ngoài
Đều thuộc về thủy giới.
Cái gì thuộc chất nóng
Làm tiêu hóa, hủy hoại,
Trong thân và ở ngoài
Đều thuộc về hỏa giới.
Có gì có tính động
Bị chấp thủ trong thân
Cũng như gió bên ngoài
Là thuộc về phong giới.
Những chỗ rỗng trong thân
Như lỗ tai lỗ mũi
Cùng hư không bên ngoài
Đều thuộc hư không giới.
Như đất nhận uế dơ
Ngươi hãy nên tu tập
Khi xúc lạc bất lạc
Tâm bất động như như
Như nước rửa sạch làu
Mọi vật tịnh bất tịnh
Hãy tu tập như nước
Không giao động, lo sầu.
Như lửa đốt tất cả
Sạch sẽ cùng ô uế
Hãy tu tập như lửa
Bất động, không lo âu.
Hãy tu tập như gió
Cuốn phăng vật sạch dơ
Lạc bất lạc khởi lên
Không chiếm tâm an trú.
Như hư không không giữ
Không trú một nơi nào
Chớ để lạc bất lạc
Xâm chiếm trú tâm ngươi
Hãy tu tập lòng Từ
Sân tâm sẽ diệt trừ
Hãy tu tập tâm Bi
Để dứt lòng tác hại.
Hãy tu tập tâm Hỷ
Để diệt trừ Bất lạc
Và tu tập tâm Xả
Để trừ oán hận tâm.
Tu tập quán Bất tịnh
Để trừ tâm tham ái
Tu tập quán vô thường
Trừ ngã mạn, kiêu căng.
Hãy tu niệm Hơi thở
Theo dõi hơi ra, vào,
Cảm giác toàn hơi thở
Dài ngắn đều biết rõ;
Mười sáu đề mục quán
Về thân, thọ, tâm, pháp
Mỗi thứ gồm bốn pháp
Hãy ghi nhớ nằm lòng.
Tu tập niệm hơi thở
Khi đã được viên thành
Sẽ có quả báo lớn:
Chết tỉnh giác, an nhiên."
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 63
TIỂU KINH MALUNKYA
I. TOÁT YẾU
Cùlamàlunkya Sutta - The Shorter discourse to Màlunkyàputta.
A bhikkhu threatens to leave the Order unless the Buddha answers his metaphysical questions. With the smile of the man struck by a poisoned arrow, the Buddha makes plain exactly what he does and does not teach.
Kinh ngắn giảng cho Malunkyà.
Một tỳ kheo dọa sẽ từ bỏ tăng đoàn nếu Phật không trả lời cho ông những câu hỏi về siêu hình. Với ví dụ người bị trúng một mũi tên độc, Phật nêu rõ những gì Ngài có giảng dạy và không giảng dạy.
II. TÓM TẮT
Malunkyàputta (Man đồng tử) định bụng sẽ hoàn tục nếu Phật không giải đáp cho mình bốn vấn đề: thế giới thường hay vô thường (thời gian), hữu biên hay vô biên (không gian); thân và mạng (tự ngã) là một hay khác; Như lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết (Như lai). Mỗi lập trường đều bao hàm bốn câu: một chính đề, một phản đề, một phối hợp cả hai và một phủ nhận cả hai, thành 16.
Man đồng tử đi đến bạch Phật, Ngài biết thế nào thì hãy trả lời thế ấy, và nếu không biết hãy thẳng thắn đáp là không biết.
Phật hỏi lại, khi ông xuất gia có được Ngài hứa hẹn sẽ giải đáp những điều ấy không. Ông đáp không, Phật dạy do vậy Ngài không có gì ràng buộc. Nếu ai xuất gia để mong Phật giải đáp những vấn đề ấy, thì họ sẽ chết mà vẫn không được thỏa mãn.
Ví như người bị trúng tên độc, không lo rút tên ra mà muốn biết lai lịch người bắn mũi tên, tính chất của dây cung và cái tên đã bắn, thì người ấy sẽ chết trước khi biết được. Vì đời sống phạm hạnh không dính dấp đến các vấn đề siêu hình. Dù cho thế giới này thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên… thì vẫn hiện hữu sinh già bịnh chết sầu bi khổ ưu não cần phải đoạn trừ ngay trong hiện tại. Do vậy, những gì Phật không giải đáp, hãy thọ trì là không giải đáp, đó là các câu hỏi thuộc phạm vi siêu hình; vì chúng không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.
Những gì Phật có giảng dạy, hãy thọ trì là có giảng dạy, đó là bốn chân lý: Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là Con đường đưa đến khổ diệt. Vì những điều này có liên hệđến mục đích, và đưa đến ly tham, giác ngộ, niết bàn. [1]
III. CHÚ GIẢI
1. Những người tự hỏi về số phận của vị tỳ kheo từ giã Phật để thỏa mãn trí tò mò siêu hình, sẽ vui mừng khi biết lúc về già, Man đồng tử sau khi được nghe một bài pháp ngắn Phật giảng về 6 nội xứ, liền đi vào độc cư thiền định và đắc quả A la Hán. Xem Tương Ưng Bộ kinh 35. Trưởng lão kệ 399-404.
IV. PHÁP SỐ
Bốn chân lý.
V. KỆ TỤNG
Tôn giả Manlunkyà
Định bụng sẽ hoàn tục
Nếu Phật cứ gạt bỏ
Câu hỏi mình đưa ra :
- Thế giới thường, vô thường?
(Hay vấn đề thời gian)
Hữu biên hay vô biên
(Là vấn đề không gian);
(Đến vấn đề tự ngã)
Thân, mạng một hay khác
Cuối cùng, về Như lai:
Sau khi chết, còn, mất?
Ngài biết như thế nào
Hãy trả lời thế ấy
Không biết hãy đáp thẳng
Rằng thực ta không biết
Phật bèn hỏi lại ông
"Ta có hứa với ngươi:
Hãy sống đời phạm hạnh
Ta sẽ trả lời ngươi:
Thế giới thường, vô thường
Hữu biên hay vô biên
Thân, mạng một hay khác
Phật chết rồi còn, mất?"
- Thưa không, bạch Thế tôn.
"Này hỡi Malunkyà
Bất cứ ai xuất gia
Mong giải đáp thắc mắc
Nó sẽ chờ đến chết
Cũng không được thỏa mãn.
Như người trúng tên độc
Rút tên là việc gấp
Nếu muốn rành mọi lẽ
Trước khi rút tên ra:
Ai người đã bắn ta?
Họ tên, tướng ra sao
Cung tên bằng thứ gì?
Từ đâu nó bay đến?
Muốn biết cho tường tận
Thì chết mất còn gì.
Này hỡi Malunkyà
Vì đời sống phạm hạnh
Không có quan hệ gì
Các vấn đề như trên
Dù thế giới ra sao
Vẫn hiện hữu khổ đau
Sinh, già, bệnh, chết, sầu
Hiện tại cần trừ khử.
Do vậy, hãy thọ trì
Những gì ta thuyết giảng
Liên hệ đến mục tiêu
Là Khổ, Tập, Diệt, Đạo
Đây căn bản phạm hạnh
Sẽ đưa đến yểm ly,
Đến ly tham, an tịnh,
Đến chứng ngộ, niết bàn."
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 64
Đại Kinh Man đồng tử
I. TOÁT YẾU
Màhàmàlunkya Sutta - The Greater Discourse to Màlynkyàputta.
The Buddha teaches the path to the abandoning of the five lower fetters.
Bài kinh dài giảng cho Man đồng tử
Phật giảng dạy con đường từ bỏ năm hạ phần kết sử.
II. TÓM TẮT
Phật hỏi Malunkya hiểu thế nào về năm hạ phần kết sử, khi ông trả lời là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham và sân [1], Phật lại quở trách ông vì tưởng rằng một đứa trẻ con (hay người lớn, lúc bình thường) là không có năm hạ phần kết [2]. Phật hiển thị cho thấy kỳ thực, tùy miên [3] về thân kiến cũng như khái niệm về các pháp [4] đều đã tiềm ẩn nơi một hài nhi, nên khi lớn lên, có điều kiện là chúng phát triển.
Nơi kẻ vô văn phàm phu, vì không tuệ tri thân kiến và sự xuất ly thân kiến, nên bị thân kiến trói buộc, trở thành một kết sử kiên cố. Với 4 kết sử còn lại cũng vậy. Với vị đa văn đệ tử nhờ thân cận và học tập pháp các bậc thánh, như thật tuệ tri thân kiến và sự xuất ly thân kiến, nên không bị thân kiến chi phối, nhờ vậy thân kiến cùng tùy miên nơi vị ấy được đoạn trừ [5]. Bốn kết sử còn lại cũng thế.
Có một con đường phải theo để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, như muốn có lõi cây phải đẽo hết các lớp vỏ ngoài vỏ trong vậy. Trước hết là phải có thái độ thích thú lắng nghe giảng pháp liên hệ đoạn trừ kết sử. Con đường ấy là viễn ly các sanh y [6], do đoạn trừ bất thiện pháp, do hoàn toàn an tịnh thân thô ác hành, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Vị ấy quán sắc thọ tưởng hành thức là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như tai họa, như nỗi đau buồn, như sự xa lạ, phân tán, trống rỗng, vô ngã [7]; và giải thoát tâm khỏi 5 uẩn, tập trung vào
Bất tử giới, xem đây là tịch tịnh vi diệu, tức sự tịnh chỉ các hành, xả ly sanh y, ái diệt, niết bàn [8] . Nếu vững trú ở đây, vị ấy đạt đến sự đoạn trừ lậu hoặc. Nếu không, thì do sự tham hỷ pháp [9] , và do đã đoạn năm hạ phần kiết sử, vị ấy sẽ hóa sanh, nhập niết bàn ở đấy không trở lui đời này.
Chứng đến thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu xứ cũng vậy. Nếu ở một trong các giai đoạn này, sau khi chứng đắc, quán mọi sắc, thọ tưởng hành thức [10] là vô thường khổ vô ngã, giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, tập trung ấy, tập trung vào Bất tử và đoạn trừ lậu hoặc, thì thành a la hán. Nếu còn lậu hoặc, thích thú trong cảnh giới vừa chứng, thì sẽ hóa sinh vào đấy và nhập niết bàn, khỏi trở lui đời này.
Đấy là lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kết sử. Nhưng do sai biệt về căn tính [11], có người chứng Tâm giải thoát, người chứng Tuệ giải thoát.
III. CHÚ GIẢI
1. Sở dĩ gọi là 5 hạ phần kết sử, vì chúng đưa đến tái sinh vào các cõi thuộc dục giới. Năm hạ phần kết sử chỉ được đoạn tận khi chứng quả Bất Hoàn.
2. Có thể có câu hỏi:"Đức Phật đã hỏi về kết sử và vị thượng tọa cũng trả lời về kết sử, thì tại sao Phật quở trách câu trả lời của ông ta?" Lý do là vì Man đồng tử có kiến chấp rằng một người bị trói buộc bởi các ô nhiễm chỉ khi nào chúng tấn công người ấy, trong khi vào những lúc khác người ấy không bị các ô nhiễm ấy trói buộc. Đức Phật nói để chỉ rõ lỗi lầm trong quan điểm này.
3. Trong các luận giải, các ô nhiễm được phân biệt thành 3 hình thái: anusaya hay tùy miên, khi chúng còn là những khuynh hướng tiềm tàng trong tâm; pariyutthàna hay hiện hành, khi chúng nổi lên ám ảnh và sai sử tâm; và vitikkama, khi chúng điều động cho thân và lời một cách bất thiện. Điểm quan trọng trong lời bác bỏ của Phật là, những kiết sử ngay cả khi chúng không hiện hành, vẫn tồn tại ở cấp bực tùy miên khi mà chúng chưa bị tận diệt nhờ tu tập các đạo lộ siêu thế.
4. Pháp này cũng có thể dịch là các sự vật.
5. Kết sử và tùy miên trên nguyên tắc không phải là 2 pháp riêng biệt; đúng hơn cũng một ô nhiễm ấy nhưng khi nó đang trói buộc người ta thì gọi là 1 kết sử, và khi nó không được từ bỏ thì gọi là tùy miên.
6. Upadhiviveka, viễn ly sanh y. Sanh y ở đây có nghĩa là 5 dục. Mặc dù 3 mệnh đề đầu của lời này có vẻ như cùng một ý với 2 mệnh đề tiếp theo, luận chỉ rằng chúng cốt để hiển thị cái phương tiện để trở thành "hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp."
7. Đoạn này hiển thị sự phát triển tuệ quán trên cơ sở tịnh chỉ, dùng thiền chứng để tu huệ và lấy thiền ấy làm đối tượng cho tuệ quán. Ở đây 2 danh từ "vô thường và phân tán" chỉ rõ đặc tính vô thường; 3 danh từ "xa lạ, trống rỗng, không tự ngã" hiển thị đặc tính vô ngã; 6 danh từ còn lại hiển thị đặc tính khổ.
8. Vị ấy xoay tâm khỏi 5 uẩn bao gồm trong thiền, mà vị ấy đã thấy là mang dấu ấn của 3đặc tính. Bất tử giới là niết bàn. Trước hết vị ấy hướng tâm về đó với ý thức có trí tuệ, sau khi đã nghe nó được ca tụng là "an ổn và tối thượng." Rồi với đạo lộ siêu thế "vị ấy hướng tâm đến đấy" bằng cách lấy nó làm đối tượng và thâm nhập nó, một cái gì rất an ổn và tối thượng.
9. Xem chú thích số 4, kinh 52, về chữ pháp.
10. Cần ghi nhận rằng khi các thiền chứng vô sắc được dùng làm căn bản cho tuệ quán, thì sắc uẩn không được bao gồm trong các đối tượng của tuệ quán. Bởi thế chỉ có 4 uẩn vô sắc được nói ở đây.
11. Trong số những người tu tịnh chỉ, có tỳ kheo đặt nặng sự nhất tâm thì khi chứng đắc vị ấy được gọi là tâm giải thoát; có vị đặt nặng về trí tuệ thì khi chứng đắc được gọi là tuệ giải thoát. Trong số những người tu tuệ quán, người nào nhấn mạnh trí tuệ thì được gọi là tuệ giải thoát, người nào nhấn mạnh nhất tâm thì gọi là tâm giải thoát. Hai đại đệ tử chính của Phật đắc quả A la Hán nhờ nhấn mạnh vừa tịnh chỉ vừa tuệ quán, nhưng tôn giả Xá lợi Phất trở thành một vị tuệ giải thoát và tôn giả Mục kiền Liên trở thành 1 vị tâm giải thoát. Như vậy lý do tên gọi khác nhau là do khả năng của họ khác nhau, giữa sự ưu thắng của định căn hay của tuệ căn.
IV. PHÁP SỐ
Bốn thiền, bốn không, năm hạ phần kết sử, năm uẩn.
V. KỆ TỤNG
Phật hỏi Malunkya
Về năm hạ kết sử
Thân kiến, nghi, giới thủ,
Tham dục và hận sân.
Malunkya bị quở
Không đáp được chất vấn
Vì tưởng đứa trẻ con
Không có năm thói ấy
Phật hiển thị cho thấy
Nơi đứa trẻ thơ ngây
Vẫn tiềm tàng ô nhiễm
Đợi thời kỳ triển khai.
Kẻ vô văn phàm phu
Không tuệ tri thân kiến
Và xuất ly khỏi nó
Nên nó thành kiên cố
Nó thành một kết sử
Trói buộc vào hạ giới
Bốn kết sử còn lại
Cũng nên hiểu như đây.
Với đa văn đệ tử
Nhờ học pháp bậc thánh
Thường như thật tuệ tri
Thân kiến và xuất ly.
Không bị nó chi phối
Nên vị ấy không còn
Thân kiến cùng tùy miên
Kết sử khác cũng vậy.
Đoạn trừ năm hạ kết
Phải theo một con đường
Như muốn có lõi cây
Phải đẽo các lớp vỏ.
Con đường đoạn kết sử
Trước hết trừ bất thiện
Viễn ly các sinh y
Rồi tu tập thiền định
Ly dục bất thiện pháp
Chứng trú thiền thứ nhất
Quán 5 uẩn vô thường
Khổ, không, không thực chất
Quán năm uẩn như bệnh,
Như cục bứu, mũi tên,
Kẻ địch, điều bất hạnh;
Giải thoát khỏi pháp ấy
Tập trung vào Bất tử
Xem thật là vi diệu
Sự tịnh chỉ các hành
Sự ái diệt, ly tham.
Nếu vững trú ở đây
Đoạn trừ các lậu hoặc
Vị ấy chứng lậu tận
Thành bậc a la hán.
Nếu còn tham hỷ pháp
Vị ấy được hóa sinh
Khỏi trở lui đời này
Do đã đoạn hạ kết.
Nếu diệt tầm và tứ
Tỳ kheo chứng nhị thiền
Cho đến chứng tứ thiền
Và Không vô biên xứ
Rồi Thức vô biên xứ
Đến Vô sở hữu xứ
Cũng quán sát như trên
Giải thoát khỏi năm uẩn
Thành la hán lậu tận
Còn tham, sẽ hóa sinh
Nhập niết bàn tại đấy
Khỏi trở lui đời này.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 65
BHADÀLI
I. TOÁT YẾU
Bhaddàli Sutta - To Bhaddàli.
The Buddha admonishes a recalcitrant monk and explains the disadvantages of refusing to submit to the training.
Giảng cho Bhaddàli.
Phật quở trách một tỳ kheo ươn ngạnh và giải thích những bất lợi của sự không tuân theo học giới.
II. TÓM TẮT
Phật gọi các tỳ kheo và dạy nên ăn ngày một bữa như Ngài, (ăn chỉ ngồi một lần, nhất tọa thực, đứng lên rồi thì không ăn thêm gì nữa) sẽ có sức, ít bệnh, nhẹ nhàng, an vui [1]. Khi nghe vậy tôn giả Bhaddàli phản đối, bạch Phật ông không thể làm như vậy, vì ông sẽ lo lắng, ân hận [2]. Phật đề nghị nếu thế thì khi khất thực được, ông hãy ăn một phần, dành lại một phần để ăn sau. Bhaddàli cũng không chịu làm cách ấy, bảo rằng làm vậy ông cũng vẫn lo lắng ân hận [3]. Như vậy, khi Phật công bố học giới này [4], tôn giả Bhaddàli cũng công bố giữa chúng tăng rằng ông không thi hành giới ấy.
Do cãi Phật nên ông tránh gặp Phật suốt ba tháng mùa mưa.
Khi Phật sắp du hành, các tỳ kheo khuyên ông đi sám hối. Sau khi quở trách, Phật nhận sự sám hối của Bhaddàli và nêu lên cho ông thấy những bất lợi như sau:
1. Tất cả bốn chúng nhóm họp trong ba tháng đều biết thượng tọa Bhaddàli không thực hành trọn vẹn các học giới.
2. Trong khi mọi người đều tuân giữ lời Phật dạy, tỳ kheo Bhaddàli đã tuyên bố sự bất lực của mình.
3. Ngay cả một tỳ kheo đã đắc câu phần giải thoát [5], cũng sẽ vâng lời khi Phật bảo lấy thân mình làm ván cho Ngài bước qua vũng bùn [6], huống nữa tỳ kheo Bhaddàli chưa đạt đến địa vị nào trong bảy vị: tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thân chứng, kiến chí, tín thắng giải, tùy pháp hành, tùy tín hành, đã chứng tỏ sự trống rỗng của mình.
Nếu tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới mà muốn sống độc cư ở trứ xứ hoang vắng để chứng pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh, sẽ không đạt mục đích, vì bị sự quở trách của bậc Đạo sư, chư thiên, các đồng phạm hạnh có trí, và của tự tâm. Ngược lại nếu tỳ kheo thực hành trọn vẹn học giới, tu tập tại trú xứ hoang vắng thì nếu muốn, có thể chứng bốn thiền ba minh, thành bậc lậu tận la hán vì không bị những sự quở trách như trên.
Bhaddàli hỏi Phật trường hợp nào tỳ kheo được giải tội nhanh chóng, trường hợp nào khôngđược giải tội nhanh chóng. Phật dạy, có tỳ kheo phạm tội, thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, nhưng khi bị cử tội thì tránh né vấn đề, ngang ngược chống đối, tỏ sự phẫn nộ bất mãn, không nghĩ tôi phải làm gì cho chúng tăng hoan hỉ, thì chúng tăng không giải tội nhanh chóng. Có tỳ kheo ít khi phạm giới tội, nhưng khi phạm, bị tăng cử tội không có thái độ như trên, lại nghĩ phải làm gì cho tăng hoan hỉ, thì chúng tăng chóng giải tội người này. Lại nữa, khi biết người nào chỉ còn rất ít lòng tin, lòng thương [7] đối với đại chúng, thì vì không muốn cho chút ít lòng tin và lòng thương ấy bị đoạn diệt, chúng tăng cũng không thường xuyên cử tội người ấy. Ví như người ta sẽ cẩn thận giữ gìn một con mắt còn lại.
Bhaddàli hỏi tiếp: Tại sao ngày xưa ít học giới mà nhiều người ngộ nhập chính trí, bây giờ nhiều học giới mà ít người ngộ nhập. Phật dạy những nguyên nhân là:
1. Hữu tình thối thất, diệu pháp sắp diệt;
2. Khi hữu lậu pháp hiện khởi trong tăng chúng, Phật mới chế ra giới luật [8].
3. Sở dĩ hữu lậu pháp sinh là vì tăng đoàn đã lớn mạnh, đạt đến địa vị kỳ cựu, danh dự, đa văn, lợi lộc.
Rồi Phật hỏi Bhaddàli có nhớ ví dụ lương chủng mã mà Ngài đã dạy lúc tăng chúng còn ít người. Bhaddàli thưa không, bởi vì từ lâu đã không thực hành học giới cho trọn vẹn. Phật lại quở trách ông chẳng những vì không giữ giới, mà còn vì không lóng tai nghe pháp.
Và Ngài nhắc lại sự huấn luyện một tỳ kheo trong giáo pháp Ngài: Như con ngựa tốt của vua được luyện qua nhiều giai đoạn, tập quen với yên cương, tập diễn hành đủ kiểu như đi vòng quanh, đi bằng đầu móng chân, phi nước đại… khi đã thuần, lại cho đeo đồ trang sức để trở thành báu vật của vua. Cũng vậy tỳ kheo thành tựu 10 pháp vô học [9] sẽ thành ruộng phước vô thượng ở đời: chính tri kiến… chính trí, chính giải thoát [10].
III. CHÚ GIẢI
1. Điều này ám chỉ pháp ăn của Phật chỉ 1 bữa trong ngày trước ngọ. Theo Giới Biệt Giải thoát, tỳ kheo bị cấm ăn từ buổi trưa cho đến bình minh hôm sau. Nhất tọa thực là pháp hành mà Phật khuyên chứ không bắt buộc.
2. Luận nói: Vị ấy lo lắng mình không thể trọn đời sống phạm hạnh.
3. Sự lo lắng của vị ấy vẫn tiếp diễn vì vị ấy còn phải ăn xong những đồ còn thừa trước ngọ.
4. Đây là học giới cấm ăn ngoài thời gian ấn định.
5. Bảy danh từ dùng trong đoạn này là cách phân chia 7 hạng thánh, được giải thích trong kinh 70.
6. Phật không bao giờ ra lệnh cho đệ tử như vậy, điều này chỉ nói để tỏ rõ hành vi ươn ngạnh của Bhaddàli.
7. Vị ấy tồn tại nhờ có phần nào tin tưởng và yêu mến đối với bậc thầy theo cách thế gian. Vì các tỳ kheo khác giúp đỡ vị ấy nên vị ấy vẫn ở lại trong đời sống xuất gia và có thể cuối cùng trở thành một đại tăng đắc được thắng trí.
8. Đoạn này ám chỉ một nguyên tắc cố định là, Phật không chế ra giới luật khi chưa có trường hợp vi phạm.
9. Một bậc vô học có nghĩa là A la Hán. 10 yếu tố này là yếu tố làm nên quả vị A la Hán.
10. Chính trí là tri kiến thuộc về quả vị A la Hán, chính giải thoát là sự giải thoát khỏi tất cả ô nhiễm, nơi một vị A la Hán.
IV. PHÁP SỐ
Bảy bậc hiền thánh, mười thánh đạo.
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỳ kheo
Nên giữ nhất tọa thực
Chỉ ngồi ăn một lần
Sẽ ít bệnh, an vui.
Bhaddàli bạch Phật
- Không thể làm vậy đâu
Nếu chỉ ăn một bận
Con ân hận lo rầu.
Phật lại đưa đề nghị:
"Vậy khi khất thực được
Ngươi nên ăn phân nửa
Chừa phân nửa ăn sau."
- Bạch Phật làm như thế
Con tiếc nuối, lo âu.
Do cãi lời Phật dạy
Nên ông tránh gặp Ngài.
Khi Phật sắp du hành
Tôn giả cầu sám hối
Vì đã không thực hành
Trọn vẹn các học giới.
"Tỳ kheo không giữ giới
Muốn độc cư rừng núi
Mong chứng pháp hơn người
Sẽ không thể chứng được
Không đạt được mục đích
Vì bị sự quở trách
Của Đạo sư, chư thiên
Tự mình cũng trách mình.
Người giữ giới trọn vẹn
Tu tập nơi hoang vắng
Có thể chứng ba minh,
Thành lậu tận La hán.
Bhaddàli hỏi Phật
- Khi nào thì chúng tăng
Chóng làm pháp giải tội
Khi nào không chóng giải?
"Có tỳ kheo phạm tội,
Thường xuyên hoặc thỉnh thoảng,
Nhưng khi bị cử tội
Lại ngang ngược chống đối,
Và tránh né vấn đề
Tỏ phẫn nộ bất mãn,
Không nghĩ: Phải làm sao
Để cho tăng hoan hỉ,
Có kẻ phạm lỗi lầm
Bị chúng tăng cử tội
Không phẫn nộ chống đối
Lại mong tăng hoan hỉ,
Với hạng tỳ kheo trước
Không giải tội nhanh chóng
Với hạng tỳ kheo sau
Tăng giải tội rất nhanh.
Lại có người xuất gia
Nhưng đối với tăng chúng
Chỉ còn lại rất ít
Lòng tin và thương tưởng
Tăng không thường cử tội
Một con người như thế
Vì không muốn đoạn dứt
Chút tin yêu còn lại
Như kẻ bị thui chột
Sẽ cẩn thận giữ gìn
Con mắt còn sót lại
Tăng để yên kẻ này."
Bhaddàli lại hỏi:
- Do nhân gì duyên gì
Xưa học giới rất ít
Mà nhiều người chứng ngộ
Nay quá nhiều học giới
Người ngộ nhập hiếm hoi?
"Vì hữu tình thối thất
Diệu pháp sắp diệt mất;
Vì nhiễm ô sinh khởi
Trong tăng chúng lớn mạnh
Danh dự, lợi lộc nhiều
Ta chế giới điều phục.
Và này Bhaddàli
Khi tăng chúng còn ít
Ta giảng lương chủng mã
Ngươi còn nhớ hay không?"
- Thưa không, bạch Thế tôn
Bởi vì đã từ lâu
Con không hành trọn vẹn
Các học giới Phật chế.
"Chẳng những vì như thế
Mà còn do nghe Pháp
Ngươi đã không lóng tai
Này hỡi Bhaddàli."
- Thưa vâng bạch Thế tôn
Ngài nhắc lại cho con
Phật dạy Bhaddàli
Phép luyện lương chủng mã
Như con ngựa giống tốt
Được luyện nhiều giai đoạn
Trước tập quen yên cương
Sau điều chỉnh tốc độ
Tập diễn hành đủ kiểu
Cho đến khi thuần thục,
Lại cho đeo trang sức
Thành báu vật của vua.
Tỳ kheo được huấn luyện
Ly dục ly bất thiện
Chứng và trú sơ thiền
Cho đến chứng tứ thiền
Thành tựu được 10 pháp
Của một bậc vô học
Là lậu tận La hán
Ruộng phước của nhân thiên.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 66
VÍ DỤ CON CHIM CÁY
I. TOÁT YẾU
Latukilopama Sutta - The Simile of the Quail.
The Buddha drives home the importance of abandoning all fetters, no matter how harmless and trifling they may seem.
Ví dụ con chim cáy.
Phật cho thấy sự quan trọng của việc từ bỏ mọi kết sử, dù chúng có thể mang vẻ vô hại, không đáng kể.
II. TÓM TẮT
Tôn giả Ưu đà di bạch Phật: "Thế tôn đã đoạn trừ nhiều khổ, mang lại nhiều thiện pháp khi chế giới từ bỏ ăn phi thời." Tôn giả đến bạch Phật, lúc mới nghe Phật dạy nên từ bỏ ăn phi thời ban ngày [1] ông rất buồn, khi nghĩ đến chuyện từ nay không được ăn những đồ ngon người ta cúng không đúng giờ ăn. Nhưng vì kính mộ Phật và vì tàm quý, ông đã từ bỏ ăn phi thời ban ngày; chỉ ăn chiều và sáng.
Nhưng khi Phật dạy từ bỏ ăn phi thời ban đêm, lúc đầu tôn giả cũng rất buồn như trên, nhưng vẫn từ bỏ vì ngưỡng mộ Phật và có tàm quý. Nhờ từ bỏ ăn phi thời ban đêm, tỳ kheo tránh được nhiều phiền não của sự khất thực về đêm, như bị té xuống vũng nước bẩn, bị phụ nữ bất chính quyến rủ, và riêng Tôn giả nhớ một lần khất thực ban đêm bị một phụ nữ mắng nhiếc tàn tệ. Bà đột nhiên trông thấy tôn giả xuất hiện trong bóng tối thì hoảng hốt té xỉu vì tưởng là con quỷ. Khi tôn giả nói không phải quỷ, mà tỷ kheo đến khất thực, bà liền mắng: "Vậy thì cha tỳ kheo chết đi, mẹ tỳ kheo chết đi [2]." Quả thực khi chế giới không ăn phi thời, Thế tôn đã đoạn trừ nhiều khổ, mang lại nhiều an vui.
Phật dạy tuy thế, có những người khi nghe Phật chế giới lại phàn nàn: Sa môn này quá đặt nặng sự cấm đoán, đoạn giảm. Sá gì những tiểu tiết nhỏ mọn ấy. Họ không chịu từ bỏ, bất mãn chống lại Phật và những tỳ kheo muốn thực hành học giới. Sự việc ấy trở thành một trói buộc mạnh mẽ vững chắc đối với họ. Ví như một con chim cáy nhỏ có thể chết vì vướng lưới làm bằng dây leo mong manh; không thể nói cái lưới ấy không nguy hiểm.
Cũng vậy, khi tỳ kheo chống lại Phật và tăng chúng vì một học giới mà họ cho là nhỏ nhặt, thì việc ấy trở thành trọng đại vì lương tâm họ không an ổn. Ngược lại, người hoan hỉ từ bỏ khi Phật dạy từ bỏ điều gì, thì sống với tâm tư lắng dịu. Như vậy đối với họ, giới ấy không trở thành một trói buộc; ví như con voi lớn dù bị trói bằng dây da, chỉ cần chuyển thân là có thể cắt đứt.
Như có người sống đời khốn cùng với bà vợ xấu xí, ở cái chòi nát, giường nằm sút chân, chum gạo sứt mẻ, thèm muốn sự an lạc của hạnh sa môn, muốn cạo bỏ râu tóc đắp cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Nghĩ vậy nhưng anh ta không thể từ bỏ cái chòi mục nát, cái chum đựng gạo sứt mẻ, cái giường sút chân, và bà vợ lem luốc. Những thứ này trở thành một trói buộc vững chắc đối với anh ta. Như thế là chuyện bé thành to.
Ngược lại có người con nhà giàu có, tài sản lớn, nhiều tiền lắm của, kho lẫm tràn trề, ruộng vườn chất đống, thê thiếp chất đống, tôi tớ chất đống. Khi thấy một tỳ kheo ăn xong ngồi thiền, vị ấy nghĩ an lạc thay sa môn hạnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc đắp y cà sa, thoát ly gia đình, sống không gia đình. Vị ấy sau khi xuất gia có thể từ bỏ ruộng vườn cò bay thẳng cánh, vô số vàng bạc, thê thiếp, tôi tớ… Những thứ này đối với vị ấy không thành một trói buộc vững chắc. Như thế là chuyện to thành bé.
Trên đời có bốn hạng [3] người sống hướng đến sự từ bỏ sinh y [4]:
1. Khi những tư duy liên hệ đến sinh y khởi lên, vị ấy không trừ đoạn, mà vẫn chấp nhận chúng. Hạng này còn bị trói buộc.
2. Khi những tư duy liên hệ đến sinh y khởi lên, vị ấy không chấp nhận chúng, mà cố đoạn trừ, chấm dứt. Hạng này vẫn còn bị trói buộc [5].
3. Do thất niệm, thỉnh thoảng tư tưởng liên hệ sinh y khởi lên nhưng liền được trừ khử [6], như hai ba giọt nước nhỏ vào một ấm nước đun sôi cả ngày,
giọt nước rơi chậm nhưng bị hòa tan một cách mau chóng. Hạng người này cũng còn bị trói buộc.
4. Nghĩ rằng sinh y là nguồn gốc của đau khổ, nên giải thoát khỏi sanh y. Đây là người không bị trói buộc [7].
Có năm dục trưởng dưỡng là sắc thanh hương vị xúc dễ chịu, hấp dẫn, do giác quan nhận thức. Bất cứ hỉ lạc nào do năm lạc, lạc ấy đáng sợ hãi, không nên thực hiện, không nên làm cho sung mãn.
Lạc thiền định gọi là yếm ly lạc, tịch tịnh lạc, chánh giác lạc [8] , độc trú lạc, lạc ấy cần phải thực hiện, tu tập, làm cho sung mãn. Lạc ấy không đáng sợ hãi, nhưng cần vượt qua, không nên bám víu. Vị tỳ kheo hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với hỉ lạc do ly dục sinh.
Thiền này còn giao động [9] vì tầm tứ, nên phải vượt qua [10] để chứng nhị thiền không tầm tứ. Nhị thiền còn dao động với hỷ lạc. Tam thiền dao động vì xả lạc.
Tứ thiền không giao động, nhưng vẫn còn phải vượt qua chướng ngại tưởng, để chứng và vượt qua Không vô biên xứ, cho đến chứng và vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ để đạt Diệt thọ tưởng định [11].
Như vậy, không có sự trói buộc hay bám víu nào, dù rõ rệt như dục lạc hay tinh vi như thiền lạc, mà Phật không dạy cần phải vượt qua, từ bỏ.
III. CHÚ GIẢI
1. Từ đoạn này và đoạn sau, ta thấy Phật hai lần hạn chế giờ ăn của các tỳ kheo: lúc đầu cấm ăn chiều nhưng cho phép ăn tối. Tuy nhiên, duyên khởi của học giới ba dật đề 37 không nói vậy. Ngược lại luật dường như khẳng định chuyện đương nhiên ai cũng biết là quá ngọ tỳ kheo không nên ăn, và Phật chế luật cấm tất cả bữa ăn quá ngọ.
2. Lời này hoàn toàn là ngôn ngữ thông tục. Luận giải thích: Khi cha mẹ người ta còn sống, họ sẽ cho con mình đủ thứ đồ ăn và chỗ ngủ, chứ không để cho y phải đi lang thang tìm đồ ăn vào ban đêm.
3. Phật giảng giáo lý này để phân tích hạng người từ bỏ những gì được dạy phải từ bỏ, thành ra 4 hạng khác nhau.
4. Sinh y, upadhi có 4 loại: Uẩn sinh y khandh’upadhi; phiền não sinh y kiles’ upadhi; thắng hành sinh y abhisankhàr’upadhi, và dục tăng trưởng sinh y kàmagun’upadhi.
5. Phàm phu, Dự lưu, Nhất lai, và Bất hoàn, đều có thể bao gồm dưới hạng người thứ nhất. Bậc Bất hoàn vì còn khát ái đối với hữu nên thỉnh thoảng cũng có thể hoan hỷ trong những tư tưởng hưởng lạc. Bốn vị này có thể bao gồm trong hạng thứ hai, phàm phu nhờ đạt đến đạo lộ siêu thế cũng có thể dập tắt những ô nhiễm đã khởi, khơi dậy sự tinh tấn, phát triển tuệ và đoạn trừ phiền não.
6. Hạng này phân biệt với hạng trước chỉ do sự lừ đừ trong việc khơi dậy chính niệm để từ bỏ những ô nhiễm đã sinh khởi.
7. Đây là bậc A la Hán, người duy nhất đã tận trừ tất cả kiết sử.
8. Lạc, Sukha ở đây có nghĩa hạnh phúc hơn là khoái lạc. Luận giải thiền lạc gọi là ly dục lạc, vì từ bỏ các khoái lạc giác quan; là viễn ly lạc vì đem lại hạnh phúc của đời sống độc cư xa lánh đám đông và xa lìa ô nhiễm; là tịnh chí lạc vì thiền lạc là để tịnh chỉ các ô nhiễm; là tuệ lạc vì nó có mục đích đạt đến chứng ngộ. Vì các thiền chứng dĩ nhiên chưa phải là trạng thái giác ngộ.
9. Tất cả các trạng thái tâm ở dưới thiền thứ 4 đều được xếp vào loại tâm giao động. Trạng thái tâm ở thiền thứ 4 và cao hơn được gọi là bất động.
10. Thật không nên bám víu vào nó với tâm tham ái, và cũng không nên dừng lại ở điểm này.
11. Định diệt thọ tưởng không chỉ là 1 định chứng cao nhất trên nấc thang giá trị, mà ở đây còn bao hàm sự phát triển hoàn toàn tuệ quán đưa đến tột đỉnh là quả vị A la Hán.
IV. PHÁP SỐ
Bốn thiền, bốn không, bốn hạng người xuất gia hướng đến từ bỏ sanh y.
Năm dục tăng trưởng, năm thiền chi..
V. KỆ TỤNG
Tôn giả Ưu đà di
- Khi độc tọa tư duy
Nghĩ nhờ thâm ân Phật
Thoát khổ não ưu bi.
Nhờ Ngài đã chế giới
Từ bỏ ăn phi thời
Khỏi bao nhiêu phiền não
Nhớ lại vẫn còn đau.
Phật dạy mặc dù vậy
Vẫn có người phàn nàn:
Sá gì việc nhỏ ấy
Thế tôn cũng cấm ngăn.
Họ không chịu nghe theo
Bất mãn chống lại giới
Sự việc ấy trở thành
Một trói buộc lớn lao
Ví như con chim cáy
Khinh thường lưới dây leo
Bị sa lưới mà chết
Dây mảnh không nguy sao?
Khi chống Phật và tăng
Vì một học giới nhỏ
Việc trở thành trọng đại
Vì lương tâm bất an
Nếu hoan hỉ từ bỏ
Điều Phật dạy từ bỏ
Thì tâm tư lắng dịu
Không có điều âu lo
Như với con voi lớn
Bị trói bằng dây da
Cũng không thành chướng ngại
Chuyển thân là thoát ra.
Có người sống cùng bần
Với vợ kém dung nhan
Với cái chòi rách nát,
Và giường ghế sút chân,
Với chum gạo sứt mẻ
Thấy sa môn nhàn nhã
Cũng muốn cạo râu tóc
Sống đời sống xuất gia.
Nhưng anh không bỏ được
Cái bà vợ lem luốc
Cái chum gạo sứt mẻ,
Chòi nát, giường sút chân.
Như vậy những thứ này
Thành trói buộc vững chắc
Chuyện bé trở thành to
Với người còn vướng mắc.
Ngược lại cũng có người
Xuất thân nhà giàu có,
Nhiều ruộng vườn của cải
Thê thiếp cùng kẻ hầu
Khi trông thấy tỳ kheo
Ăn xong lại ngồi thiền,
Thèm muốn sa môn hạnh
Cạo bỏ râu tóc liền
Từ bỏ trong phút chốc
Nhà cửa cùng ruộng vườn
Thê thiếp cùng tôi tớ
Không một chút vấn vương
Có đến bốn hạng người
Sống hướng về từ bỏ :
Hạng một còn chấp nhận
Tư duy liên hệ dục;
Hạng hai không chấp nhận
Khi tư tưởng khởi lên
Liên hệ đến thế tục
Liền từ bỏ, chấm dứt
Lại có kẻ thuần thục
Trong việc đoạn tư duy
Nhưng tư duy thế tục
Vẫn thỉnh thoảng khởi lên.
Khởi lên thì chậm chạp
Đoạn trừ rất mau chóng,
Như hai ba giọt nước
Tan vào ấm nước sôi.
Cả ba hạng vừa rồi
Đều chưa khỏi trói buộc.
Chỉ có một hạng người
Giải thoát khỏi sinh y
Là kẻ luôn nghĩ rằng
Đây là nguồn gốc khổ,
Những sinh y trói buộc :
Người này được giải thoát.
Có năm dục trưởng dưỡng
Sắc thanh hương vị xúc
Hấp dẫn các giác quan
Được gọi là dục lạc
Lạc này là ô uế
Còn gọi phi thánh lạc
Lạc ấy đáng sợ hãi,
Không nên làm sung mãn.
Lạc ở trong thiền định
Là yếm ly, tịch tịnh,
Chánh giác, độc trú lạc,
Cần thực hiện luôn luôn.
Hỉ lạc ở sơ thiền
Cho đến lạc tam thiền
Đều còn bị giao động
Cần phải được vượt qua
Hướng về sự tịch tịnh
Vượt qua Phi phi tưởng
Cho đến Diệt tận định
Mới tận diệt sầu ưu.
Vậy này Udayi
Còn có trói buộc gì
Dù lớn lao nhỏ nhặt
Ta chưa bảo bỏ đi?
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 67
CATUMÀ
I. TOÁT YẾU
Càtumà Sutta - At Càtumà.
The Buddha teaches a group of newly ordained monks four dangers to be overcome by those who have gone forth into homelessness.
Ở Catumà.
Phật giảng dạy cho một nhóm tân tỳ kheo về bốn nguy hiểm mà người xuất gia từ bỏ gia đình cần phải vượt qua.
II. TÓM TẮT
Phật ở Catuma trong rừng cây Kha lưu lặc, Xá lợi Phất và Mục kiền Liên dẫn về nhiều tân tỳ kheo. Họ gây nhiều tiếng động khi xếp đặt y bát và chào hỏi nhau. Phật hỏi A Nan: "Cái gì bên ngoài nghe như là hàng cá đang tranh giành với nhau?"[1] Tôn giả A Nan bạch Phật, đấy là năm trăm tân tỳ kheo do Xá lợi Phất và Mục kiền Liên dẫn đầu muốn đến yết kiến Thế tôn. Phật cho gọi họ đến bảo đi chỗ khác, không được ở gần Ngài.
Các tỳ kheo ấy sau khi đảnh lễ Phật, thu xếp y bát ra đi. Các Thích tử trú ở Catuma và Phạm thiên [2] đến xin Phật giúp đỡ chúng tỳ kheo này, vì họ xuất gia chưa lâu, nếu không được yết kiến Thế tôn, chẳng khác nào hạt giống không được tưới nước, nghé con không được gần bò mẹ.
Phật hoan hỉ với ví dụ ấy nên cho gọi các tân tỳ kheo đến dưới sự hướng dẫn của hai tôn giả. Phật hỏi họ nghĩ gì khi chúng tỳ kheo bị đuổi. Tôn giả Xá lợi Phất trả lời: "Bạch Thế tôn, con nghĩ từ nay Thế tôn sẽ ít bận rộn, chúng con cũng ít bận rộn, sẽ được trú trong hiện tại lạc."
Mục kiền Liên nói:"Con nghĩ rằng từ nay Thế tôn sẽ ít bận rộn, sẽ trú trong hiện tại lạc. Nhưng con và tôn giả Sariputta sẽ lãnh đạo chúng tỳ kheo này."
Phật khen Mục kiền Liên [3] và dạy:"Chỉ có Phật và hai tôn giả có thể lãnh đạo chúng tỳ kheo." Rồi Ngài giáo giới các tân tỳ kheo về bốn điều đáng sợ [4] cho những người xuống nước, là sóng, cá sấu, nước xoáy, cá dữ.
Có người do thấy khổ sinh tử, xuất gia từ bỏ gia đình. Khi được dạy về đi đứng nằm ngồi, cách mang y bát, vị ấy nghĩ những người này chỉ thuộc hàng con cháu ta, lại giảng dạy cho ta, và bất mãn hoàn tục. Đây là sự đáng sợ về sóng, nghĩa là phẫn não do tự ái.
Về ăn uống, vị ấy được dạy cái này được phép, cái này không được phép, nên ăn đúng thời, không nên ăn phi thời. Vị ấy suy nghĩ: Lúc ở nhà, muốn nhai cái gì ta nhai [5] cái đó, không cần được phép hay không được phép, đúng thời hay không đúng thời [6]. Bây giờ hình như các món ăn ngon đang bị chận đứng trên miệng. Vị ấy bất mãn hoàn tục. Đây là sự đáng sợ về cá sấu, nghĩa là tham ăn.
Lúc đi khất thực do không phòng hộ các căn, tỳ kheo trông thấy người đời hưởng thụ năm dục đâm ra tiếc nuối, từ bỏ học giới và hoàn tục. Đây là sự đáng sợ hãi về nước xoáy, nghĩa là năm dục.
Khi vào xóm làng trông thấy phụ nữ, do không phòng hộ các căn, không an trú chánh niệm, dục tình khởi lên phá hoại tâm vị ấy. Do bị dục tình phá hoại, vị ấy hoàn tục. Đây là sự đáng sợ về cá dữ, đồng nghĩa với phụ nữ.
Các tỳ kheo hoan hỉ tín thọ lời Phật dạy.
III. CHÚ GIẢI
1. Luận giải đưa ra 2 giải thích, một giải thích phù hợp với cách dịch này, giải thích kia "người đánh cá bắt được cá."
2. Chính Phạm Thiên đã thỉnh cầu Phật thuyết Pháp cho thế gian khi Ngài mới giác ngộ. Xem kinh 26.
3. Trong trường hợp này, tôn giả Xá lợi Phất có lỗi khi không nhận trách nhiệm vì tăng già là trách nhiệm của 2 vị trưởng lão. Bởi thế Phật quở trách Xá lợi Phất nhưng khen Mục kiền Liên vì có tinh thần trách nhiệm.
4. Phật khởi sự giảng giáo lý này để hiển thị rằng có 4 sự nguy hiểm trong giáo lý Ngài. Những người có thể vượt qua những nguy hiểm này sẽ được an lập trong nền giáo pháp, trong khi những người khác sẽ không được an lập.
5. Pali dùng 2 từ khác nhau để chỉ 2 loại thức ăn, là loại cứng và loại mềm. Loại cứng bao gồm tất cả thứ rau đậu trái, và loại mềm gồm các loại ngũ cốc, thịt cá. Những thức ăn cần thưởng thức bao gồm các thứ nước giải khát.
6. Thời gian thích hợp để ăn là từ sáng đến trưa, ngoài thời gian ấy chỉ được uống nước.
IV. PHÁP SỐ
Bốn điều đáng sợ cho người mới xuất gia. Năm dục tăng trưởng. Sáu căn.
V. KỆ TỤNG
Nhiều vị mới xuất gia
Theo tôn giả Thu tử
Về rừng Ca tu ma
Để yết kiến đức Phật
Họ gây nhiều tiếng ồn
Khi xếp đặt y bát
Chào hỏi nhau lớn tiếng
Làm kinh động Thế tôn.
Ngài gọi A Nan hỏi :
"Cái gì ở bên ngoài
Nghe như là hàng cá
Đang tranh giành nhau cá?"
A Na liền bạch Phật
"Đấy là tân tỳ kheo
Đại sư huynh dẫn về
Muốn yết kiến Thế tôn."
Phật cho gọi vào bảo
"Nay ta đuổi các ngươi
Hãy đi, đi chỗ khác
Không được ở gần Ta."
Các tỳ kheo vâng lệnh
Lễ Phật rồi ra đi
Thấy thế các Thích tử
Khuyên nán lại chốc lát.
Phạm thiên và Thích tử
Đều đến xin Thế tôn
Xót thương chúng tỳ kheo
Như mẹ thương con nhỏ
Tâm họ còn non nớt
Mới xuất gia chưa lâu
Không được gần Thế tôn
Như mầm không tưới nước
Nghé con còn măng sữa
Không được gần bò mẹ.
Nghe lời nói khéo ấy
Phật gọi họ đi vào.
Xá lợi Phất Mục Liên
Dẫn chúng vào yết Phật
Phật hỏi nghĩ thế nào
Khi ta đuổi tỳ kheo
Xá lợi Phất thưa rằng
"Từ nay khỏi rộn ràng
Phật trú hiện tại lạc
Chúng con cũng được an."
Mục kiền Liên bạch Phật
"Thế tôn sẽ được an
Nhưng con phải lo toan
Hướng dẫn đàn hậu học."
Phật khen Mục kiền Liên
Có tinh thần độ chúng
Rồi ban lời giáo huấn
Những người mới xuất gia :
Như người ra sông biển,
Sợ sóng và cá sấu
Nước xoáy cùng cá mập
Xuất gia sợ bốn điều :
Được đồng tu dạy bảo
Nghĩ "Bằng con cháu ta
Lại giảng dạy cho ta."
Đây là sóng phẫn nộ.
Ông nên nhai cái này
Cái này không được nhai
Ăn uống phải đúng thời
Phi thời không được phép.
Khi ta chưa xuất gia
Muốn gì ăn thứ ấy
Cái đúng thời, ta nhai
Phi thời, ta cũng nhai.
Bây giờ thì mất hết
Những món ăn hảo hạng
Do thí chủ cúng dường
Bị chận ngang cổ họng.
Với ý nghĩ như trên
Vị ấy bèn hoàn tục
Đây mối nguy cá sấu
Đồng nghĩa với tham ăn.
Không phòng hộ các căn
Khi nghe thanh thấy sắc
Tiếc nuối, mong hoàn tục
Là nước xoáy ngũ dục.
Khi thấy người khác phái
Không giữ gìn chánh niệm
Bị dục tình phá hoại
Là cá mập phụ nữ.
Chúng tỳ kheo tín thọ
Lời Thế tôn giáo huấn
Đề phòng bốn hiểm nguy
Trong đời tu phạm hạnh.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 68
NALAKAPANA
I. TOÁT YẾU
Nalakapàna Sutta - At Nalakapàna.
The Buddha explains why, when his disciples die, he declares their level of attainment and plane of rebirth.
Ở Nalakapana.
Phật giải thích tại sao Ngài công bố sự chứng đắc và cõi tái sinh của các đệ tử khi họ chết.
II. TÓM TẮT
Phật ngồi giữa trời với các tôn giả A Na Luật, Nan Đề, Kim Tỳ La, Ly Bà Đa, A Nan Đà và một số đông tỳ kheo. Ngài hỏi họ có hoan hỉ trong đời sống phạm hạnh không. Tôn giả A Na Luật đáp chúng con rất hoan hỉ trong đời sống phạm hạnh.
Phật khen họ đang tuổi thanh xuân với tóc đen nhánh, có thể hưởng thụ các dục lạc, lại xuất gia từ bỏ gia đình không vì lệnh của vua, của kẻ trộm cướp, không vì nợ nần, không vì sợ hãi, không vì mất kế sinh kế, mà chỉ vì mong chấm dứt toàn bộ khổ uẩn.
Phật khuyên hãy tu tập thiền định, ly dục, ly bất thiện pháp. Khi đã chứng được hỉ lạc do ly dục sinh [1] hay một trạng thái khác an tịnh hơn [2] , thì các triền cái không còn xâm chiếm tâm và an trú.
Phật hỏi các tôn giả ấy nghĩ về Phật như thế nào. Họ đáp: "Chúng con nghĩ các lậu hoặc đãđược Như Lai đoạn trừ, do vậy Như Lai sau khi phân tích thọ dụng một pháp, sau khi phân tích kham nhẫn một pháp, sau khi phân tích đoạn trừ một pháp." Phật xác nhận như vậy.
Khi nói về tái sinh [3] của các tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đã chết, Ngài không vì mục đích lường gạt quần chúng, vị mục đích lợi lộc danh xưng, mà chỉ vì muốn cho người nghe được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Khi Thế tôn tuyên bố về một tỳ kheo có giới hạnh như vậy, trí tuệ như vậy đã mệnh chung vàđã an trú chánh trí [4], đệ tử nhớ đến những điều ấy bèn chú tâm trên như thật và sống an vui.
III. CHÚ GIẢI
1. "Hỷ lạc do ly dục sanh" có nghĩa là sơ thiền và nhị thiền "an tịnh hơn thế nữa" là những thiền cao hơn và 4 đạo.
2. Xem kinh số 2. Đây là những cách tu tập của bậc hữu học để đề phòng sự sanh khởi những ô nhiễm tiềm tàng chưa được trừ bỏ.
3. Điều này ám chỉ thắng trí của Phật có thể biết cảnh giới tái sinh của các đệ tử.
4. Chánh trí là trí của bậc A La Hán.
IV. PHÁP SỐ
Năm triền cái, 5 hạ kết sử, bảy cách trừ lậu hoặc.
V. KỆ TỤNG
Thế tôn ngồi giữa trời
Cùng chúng đông đệ tử
Các tỳ kheo nổi tiếng
A Na Luật, Nan Đề…
"Các ngươi an vui chăng
Với đời sống phạm hạnh?"
A Na Luật bạch rằng :
- Chúng con rất hoan hỉ.
"Lành thay, hi hữu thay
Các ngươi còn ít tuổi
Với tóc còn đen nhánh
Mùa xuân của đời người
Có khả năng hưởng thụ
Đủ mọi thứ dục lạc,
Lại từ bỏ gia đình
Để sống đời phạm hạnh
Không vì tuân lệnh vua
Không vì bị nợ nần
Không vì mất sinh kế
Hoặc bị người cưỡng bức
Chỉ vì mong chấm dứt
Toàn bộ khổ uẩn này.
Các ngươi hãy nỗ lực
Tu tập các thiện pháp.
Hãy tu thiền ly dục
Và ly bất thiện pháp
Để chứng được hỉ lạc
Do ly dục sanh ra
Khi chứng được sơ thiền
Và các thiền trên nữa
Thì triền cái không còn
Xâm chiếm trú tâm ngươi."
Phật hỏi các tôn giả
Nghĩ thế nào về Phật
- Chúng con nghĩ lậu hoặc
Được Như Lai tận trừ
Nên sau khi phân tích
Có pháp Ngài thọ dụng
Có việc Ngài kham nhẫn
Hoặc từ bỏ, đoạn trừ.
Phật dạy: "Chính như vậy."
Và Ngài nói tái sinh
Của một số đệ tử
Sau khi họ từ trần
Không để bịp quần chúng
Vì lợi lộc tiếng tăm
Mà chỉ muốn người nghe
Được lợi ích an lạc.
Khi Thế tôn tuyên bố
Người có giới như vậy
Và trí tuệ như vậy
Đã an trú chánh trí
Đệ tử nghe lời này
Thấy tu hành hiệu quả
Chú tâm trên như thật
Và sống được an vui.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 69
GULISSÀNI
I. TOÁT YẾU
Gulissàni Sutta.
The venerable Sàriputta gives a discourse on the proper training of a forest - dwelling bhikkhu.
Tôn giả Xá lợi Phất giảng về cách tu tập thích hợp cho một tỳ kheo ở rừng.
II. TÓM TẮT
Tỳ kheo ở rừng tên Gulissàni có hành động thô tháo, một hôm đến giữa tăng chúng. Tôn giả Xá Lợi Phất nhân vị này đã dạy chúng tỳ kheo:
1- Một tỳ kheo ở rừng khi nhập chúng phải biết tôn trọng các đồng phạm hạnh.
2- Phải khéo biết chỗ ngồi, không chiếm chỗ của các Thượng tọa hay hạ tọa.
3- Không vào làng quá sớm và trở về ban ngày.
4- Không đi đến các gia đình trước hoặc sau bữa ăn. [1]
5- Không trạo cử giao động.
6- Không nên nhiều lời ba hoa.
7- Phải là người dễ nói, là người bạn tốt.
8- Phải thủ hộ các căn.
9- Phải tiết độ trong sự ăn uống.
10- Phải chú tâm cảnh giác.
11- Phải tinh cần tinh tấn.
12- Phải chính niệm tỉnh giác.
13- Phải có thiền định.
14- Phải có trí tuệ.
15- Phải thực tập thắng pháp thắng luật [2].
16- Phải tu tập các pháp tịch tịnh giải thoát vượt khỏi sắc pháp và vô sắc pháp [3].
17- Phải tu tập các pháp thượng nhân [4].
Nếu tỳ kheo ở rừng không học những điều nói trên, thì sẽ bị chê là người hành động theo sở thích, chứ không biết pháp biết luật.
Tôn giả Mục Kiền Liên hỏi tôn giả Xá Lợi Phất: "Các pháp này có cần được chấp trì bởi tỳ kheo sống gần làng mạc hay không."
Xá Lợi Phất trả lời: "Tỳ kheo sống ở rừng còn phải tu tập như vậy, huống hồ tỳ kheo sống gần làng mạc."
III. CHÚ GIẢI
1. Điều này bị cấm bởi học giới Ba dật đề 46. Tỳ kheo có thể đến gia đình vào những lúc ấy chỉ khi đã thông báo cho một tỳ kheo khác ở trong tu viện về ý nghĩ của mình, trừ mùa may y và thí y.
2. Thắng pháp, thắng luật: Theo luật, tỳ kheo cần phải học tập văn bản và luận giải về Tạng Luật và Tạng Luận. Điều này rõ ràng không hợp thứ tự thời gian. Về danh từ A Tỳ Đàm ở trong các kinh, xem chú giải kinh 32. Mặc dù không có một nền văn học tương đương nào được gọi là Thắng luật, có lẽ danh từ này ám chỉ một sự phân tích và nghiên cứu có hệ thống về giới luật, điều này đã có trong Luật tạng.
3. Điều này nói đến 8 thiền chứng. Tối thiểu một vị tỳ kheo cũng cần phải thông thạo cho việc chuẩn bị về một mục thiền quán, như là quán biến xứ.
4. Điều này ám chỉ đến tất cả các thiền siêu thế. Ít nhất vị ấy cũng phải rành rẽ về một khía cạnh phát triển tuệ quán cho đến A La Hán quả.
IV. PHÁP SỐ
17 pháp cần tu học cho tỳ kheo ở rừng.
V. KỆ TỤNG
Một tỳ kheo ở rừng
Tên Gulissàni
Hành động thiếu uy nghi
Khi đến giữa tăng chúng
Tôn giả Xá Lợi Phất
Do nhân duyên vị này
Đã dạy chúng tỳ kheo
Hạnh tu ở rừng núi.
Tỳ kheo tu núi rừng
Khi đến giữa chúng tăng
Cần phải biết khiêm cung
Với người đồng phạm hạnh
Khéo biết vị trí mình
Không chiếm chỗ người trên
Không giành chỗ người dưới
Khi ngồi giữa chúng tăng.
Không vào làng quá sớm
Rồi sáng ra trở về
Không đến các gia đình
Trước hoặc sau bữa ăn.
Không trạo cử giao động
Không nhiều lời ba hoa
Hãy là người dễ nói
Và là người bạn tốt.
Phải hộ trì các căn
Ăn uống có chừng mực
Phải chú tâm cảnh giác
Đề phòng tâm nhiễm ô
Phải tinh cần tinh tấn
Luôn chính niệm tỉnh giác
Lại phải có định tuệ
Học thắng pháp thắng luật
Về các pháp tịch tịnh
Giải thoát sắc, vô sắc
Về các pháp thượng nhân
Tỳ kheo phải am tường.
Nếu sơn tăng không học
Sẽ bị người cười chê
Hành động theo sở thích
Chẳng được tích sự gì.
Mục Kiền Liên hỏi lại :
"Các pháp Ngài vừa dạy
Có cần được chấp trì
Bởi người tu thành thị?"
Xá Lợi Phất trả lời
"Tỳ kheo sống ở rừng
Còn phải tu như vậy
Huống người sống gần làng."
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 70
KITAGIRI
I. TOÁT YẾU
Kìtàgiri Sutta - At Kìtàgiri.
The Buddha admonishes a group of disobedient monks, in the course of which he presents an important sevenfold classification of noble disciples.
Ở Kìtàgiri.
Phật giáo giới nhóm tỳ kheo bất tuân, và trình bày một phân loại quan trọng về bảy hạng hiền thánh.
II. TÓM TẮT
Kinh này Phật dạy nhân hai tỳ kheo ở Kìtàgiri không chịu giữ giới từ bỏ ăn ban đêm [1] Khi nghe Phật chế giới này, họ bảo: "Nhờ ăn chiều, ăn sáng và ăn phi thời mà chúng tôi cảm thấy có sức, ít bệnh. Sao chúng tôi lại bỏ hiện tại để chạy theo tương lai?"
Phật cho gọi hai tỳ kheo này [2] đến và dạy: "Đối với một người khi cảm thọ lạc [3] mà các bất thiện pháp đoạn diệt, thiện pháp tăng trưởng thì Phật dạy nên chứng trú lạc thọ ấy. Ngược lại đối với một người, khi cảm thọ lạc, mà các thiện pháp đoạn diệt, bất thiện pháp tăng trưởng thì nên từ bỏ lạc thọ ấy [4] Đối với khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ cũng vậy. Vì sự việc này Như Lai đã biết, đã chứng, đã liễu giải với trí tuệ, nên Ngài dạy trường hợp nào cần từ bỏ, trường hợp nào cần an trú một cảm thọ lạc, khổ hay bất khổ bất lạc. [5]
Không phải đối với tất cả các tỳ kheo, Phật đều dạy có việc cần phải làm nhờ không phóng dật. Vì đối với các vị đã chứng lậu tận, đã tu hành viên mãn, đã thành đạt lý tưởng thì không có việc gì cần phải làm nhờ không phóng dật. Bởi vì những vị này không thể trở thành phóng dật. Nhưng với các tỳ kheo còn học, tâm chưa thành tựu, thì còn có việc phải làm nhờ không phóng dật.
Có bảy hạng người [6]:
1. Câu phần giải thoát,
2. Tuệ giải thoát,
3. Thân chứng,
4. Kiến đáo,
5. Tín giải thoát,
6. Tùy pháp hành,
7. Tùy tín hành.
Câu phần giải thoát [7] là vị đã đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc và vô sắc pháp, và sau khi thấy với trí tuệ, đã tận trừ tất cả lậu hoặc.
Tuệ giải thoát [8] đã tận trừ lậu hoặc nhưng không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát.
Thân chứng [9] có chứng đắc các tịch tịnh giải thoát nhưng chỉ đoạn trừ một số lậu hoặc.
Kiến đáo [10] không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, chỉ đoạn trừ một số lậu hoặc.
Tín giải thoát [11] có chứng đắc tịch tịnh, đoạn trừ một số lậu hoặc, lòng tin đối với Như Lai đã được xác định.
Tùy pháp hành [12] có các căn tín, tấn, niệm, định, tuệ nhưng không chứng đắc tịch tịnh giải thoát, lậu hoặc không được đoạn trừ, các pháp do Như Lai tuyên thuyết chỉ được vị nầy chấp nhận một ít.
Tùy tín hành không chứng đắc tịch tịnh giải thoát, lậu hoặc không được đoạn trừ, nhưng có lòng tin và lòng thương Phật. Năm vị sau này còn có việc phải làm nhờ không phóng dật.
Trí tuệ không được hoàn thành tức khắc mà nhờ học từ từ, hành từ từ, tu tập tuần tự. Ấy là các giai đoạn:
- trước hết khởi lòng tin, rồi đến gần, kính lễ;
- lắng tai nghe pháp; thọ trì pháp; suy tư ý nghĩa;
- chấp thuận pháp sau khi suy tư;
- khởi lên ước muốn; nỗ lực; cân nhắc; tinh cần;
- chứng được chân lý tối thượng; thể nhập chân lý với trí tuệ [13].
Nhưng nếu không có lòng tin [14], tất cả những gì sau đó cũng không.
Đối với đệ tử có lòng tin bậc đạo sư, có bốn tùy pháp [15]:
1. Vị ấy nghĩ, bậc đạo sư là Thế tôn, đệ tử là tôi. Thế tôn biết, tôi không biết.
2. Đối với vị ấy, giáo pháp hưng thịnh và có nhiều sinh lực.
3. Vị ấy khởi lên ý nghĩ: dù chỉ còn da xương, dù máu thịt khô héo, mong ta sẽ có tinh tấn lực để chứng đắc những gì chưa chứng [16].
4. Vị ấy sẽ chứng được một trong hai quả: chính trí trong hiện tại, và nếu còn dư y, chứng quả Bất hoàn.
III. CHÚ GIẢI
1. Xem chú thích 1, kinh 66. Phù hợp với kinh 66, luận giải thích: Lúc đầu Phật cấm ăn sau ngọ, rồi về sau cấm ăn ban đêm. Ngài làm việc này vì quan tâm đến tỳ kheo yếu đuối trong tăng đoàn, có thể mệt mỏi nhanh chóng nếu đồng thời cấm cả 2 bữa ăn.
2. Trong Luật tạng, 2 tỳ kheo này được mô tả là những vị không có tàm quý, hư hỏng và thường vướng vào đủ loại hành vi quấy đưa đến sự hoen ố tín đồ. Tại Kìtàgiri họ trục xuất, và sự bất tuân của họ đã đưa đến sự chế ra học giới tăng tàn số 13.
3. Lời này được nói cốt ám chỉ đến lạc thú ăn về đêm, một điều không đưa đến thực hành phận sự tỳ kheo.
4. Loại lạc thọ đầu là niềm vui liên hệ đời sống tại gia, loại sau là niềm vui căn cứ trên sự từ bỏ. Tương tự, 2 câu sau nói đến ưu và xả dựa trên đời sống tại gia và dựa trên sự từ bỏ. Xem kinh 137.
5. Ba đoạn này cốt nói lý do vì sao Phật dạy cần phải từ bỏ tất cả cảm thọ liên hệ đến đời sống tại gia và phát triển những cảm thọ liên hệ đến viễn ly.
6. Ở đây sự phân thành 7 hạng hiền thánh không chỉ căn cứ trên sự chứng đạo đắc quả như 4 đôi 8 vị, mà theo sự nổi bật của một trong các căn tín tấn niệm định tuệ.
7. Câu phần giải thoát có nghĩa là vị ấy giải thoát thân vật lý nhờ các thiền chứng vô sắc, và thoát khỏi thân tâm lý nhờ đạo lộ A La Hán. Định nghĩa:"Vị ấy tiếp xúc với thân thể và trú trong 8 giải thoát, những ô nhiễm của vị ấy được đoạn trừ nhờ thấy với trí tuệ." Kinh sớ nói bậc Câu phần giải thoát bao gồm những người đắc quả A La Hán sau khi xuất một trong 4 định vô sắc, và người đắc quả sau khi xuất diệt tận định.
8. Tuệ giải thoát: vị này bao gồm những người đắc quả A la hán hoặc như một bậc càn tuệ, sukkha - vipassaka, hoặc sau khi xuất một trong 4 thiền.
9. Thân chứng: hạng này bao gồm sáu hạng người - từ người chứng quả Dự Lưu đến A la hán đạo. Người này chứng các thiền vô sắc và sau đó chứng niết bàn. Luận nhấn mạnh rằng một thiền chứng vô sắc kể cả diệt tận định, là cần thiết để gọi là bậc thân chứng. Định nghĩapug thay vào tám giải thoát.
10. Kiến đáo: bao gồm 6 người như trên, từ bậc Dự Lưu cho đến A la hán đạo, nhưng không chứng các thiền vô sắc. Pug định nghĩa vị này là người đã hiểu rõ 4 chân lý và đã quán sát với trí tuệ những giáo lý mà đức Như Lai tuyên thuyết.
11. Tín giải thoát: Luận nói hạng này cũng bao gồm 6 người như trên. Pug định nghĩa vị này cũng như bậc kiến đáo, nhưng chưa quán sát giáo lý với trí tuệ như bậc kiến đáo.
12. Luận nói hạng tùy pháp và tùy tín là những người trên đạo lộ Dự Lưu, hạng đầu đặt nặng trí tuệ, hạng sau đặt nặng đức tin.
13. Theo luận, với thân tâm lý vị ấy chứng niết bàn - chân lý tối hậu - và thâm nhập bằng trí tuệ thuộc đạo lộ siêu thế.
14. Nghĩa là những tỳ kheo này chưa có đủ đức tin cần thiết để theo sự tu tập mà Phật đã chế định.
15. Theo luận, 4 tùy pháp là giáo lý Tứ diệu đế. Tuy nhiên ở đây không thấy nói gì đến Tứ diệu đế.
16. Phật cho thấy người đệ tử lý tưởng là người khơi dậy nghị lực và quyết tâm tu tập: "Ta sẽ không đứng dậy khi chưa đắc quả A la hán."
IV. PHÁP SỐ
Ba thọ, bảy hạng người, bốn tùy pháp về Như Lai.
V. KỆ TỤNG
Có hai vị tôn giả
Ở Kìtàgira
Không chấp hành học giới
Từ bỏ ăn ban đêm.
Lại còn nói do đây
Mà có sức, ít bệnh
Sao lại bỏ hiện tại
Để chạy theo tương lai?
Phật dạy những vị này :
"Nên chứng trú lạc thọ
Nếu bất thiện đoạn diệt
Và thiện pháp tăng trưởng
Nhưng nếu sự hưởng lạc
Làm thiện pháp đoạn diệt
Bất thiện pháp tăng trưởng
Hãy bỏ lạc thọ ấy.
Đối với cảm thọ khổ
Và bất khổ bất lạc
Cũng nên hiểu như vậy
Vì Phật đã chứng tri.
Với trí tuệ, Ngài biết
Trường hợp nào nên bỏ
Trường hợp nào nên trú
Một trong ba cảm thọ.
Phật dạy một số người
Tu hành chưa hoàn tất
Còn có việc phải làm
Nhờ hạnh không phóng dật
Bậc la hán lậu tận
Đã tu hành thành mãn
Không thể thành phóng dật
Thì hết việc cần làm
Tu hành có bảy hạng
Là: Câu phần giải thoát
Tuệ giải thoát, thân chứng
Kiến đáo, tín giải thoát
Tùy pháp, tùy tín pháp
Câu phần đắc tịch tịnh
Siêu quá sắc vô sắc
Và tận trừ lậu hoặc.
Tuệ giải thoát hết mê
Nhưng không chứng tịch tịnh
Thân chứng có tịch tịnh
Nhưng chưa trừ lậu hoặc.
Kiến đáo không chứng đắc
Các tịch tịnh giải thoát
Và cũng chỉ đoạn trừ
Một phần các lậu hoặc
Tín giải thoát có chứng
Các tịch tịnh giải thoát
Đoạn vài phân lậu hoặc
Lòng tin Phật bền chắc
Tùy pháp hành có căn
Tín, tấn, niệm, định, tuệ
Nhưng không chứng tịch tịnh
Lậu hoặc chưa đoạn trừ
Tùy tín hành không chứng
Các tịch tịnh giải thoát
Lậu hoặc chưa trừ diệt
Nhưng có tin, thương Phật.
Năm vị sau cùng này
Còn có việc phải làm
Nhờ hạnh không phóng dật
Học giáo pháp Như lai.
Trí tuệ được hoàn thành
Nhờ học hành tuần tự
Trước hết khởi lòng tin
Và đến gần bậc trí
Kính lễ, lóng tai nghe
Thọ trì pháp được giảng
Rồi tư duy ý nghĩa
Thấy đúng bèn thuận theo
Khởi ước muốn tu hành
Rồi nỗ lực, cân nhắc
Và tinh tấn hành thiền
Chứng nhập với trí tuệ
Nhưng nếu không đức tin
Khởi đầu của mọi sự
Thì những gì sau đó
Cùng cầm bằng như không.
Đệ tử có lòng tin
Sẽ có bốn tùy pháp :
Đạo sư là Thế tôn
Con quay về nương tựa.
Giáo lý Ngài giảng dạy
Là pháp vị cam lồ
Làm dịu cơn nóng bức
Giữa sa mạc tử sinh.
Dù chỉ còn da xương,
Dù máu thịt khô héo
Mong con đủ tinh cần
Chứng những gì chưa chứng.
Một đệ tử như vậy
Hiện tại đắc chính trí
Hoặc nếu còn dư y
Sẽ chứng quả Bất hoàn.
-ooOoo-