Việt dịch: Thích Trí Quang
TIỂU DẪN
1. Tài liệu mà bản dịch này dùng, kể cả phần tiểu dẫn, là Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu, Tục tạng kinh bản chữ Vạn, Đế nhàn đại sư di tập, và Phật học đại từ điển. Ký hiệu thì, thí dụ Chính 1/10, là đại tạng nói trên mà tập 1, trang 10; Vạn 1/10, là tục tạng nói trên mà tập 1, tờ 10; Đn 1/10 là di tập nói trên mà tập 1, trang 10; Pđ 10, là đại từ điển nói trên mà trang 10.
2. Nguyên văn Lương hoàng sám mà bản dịch này căn cứ là nằm trong Đại tạng kinh, mang số 1909, tập 45, các trang 922-967. Bản giảng nghĩa dùng làm căn cứ là của ngài Đế nhàn (1858-1932), thuộc 2 tập số 8 và số 9 của bộ Đế nhà đại sư di tập.
3. Hãy nói về 2 phần khai kinh và phần hồi hướng. Thật ra 2 phần này, đối với Lương hoàng sám thì hơi thừa. Vì ngay câu "mở đầu vận dụng " và lạy 7 đức Phật đã là khai kinh. Rồi sau mỗi đoạn sám lễ, đã có liền lời phát nguyện hồi hướng. Tuy nhiên, sự tụng niệm càng nhiều càng tốt, miễn sao đừng quá rườm rà và thiếu duy nhất. Xét nghi thức cũ về khai kinh và hồi hướng của Lương hoàng sám, đa số dùng cho việc ứng phú. Nhưng đó là việc của các vị ứng phú, không phiên dịch hay chỉ dẫn, các vị ấy vẫn rành. Nay tôi chỉ trích dùng những gì mà dẫu trì tụng bái sám cho mình hay cho người, trì tụng bái sám để cầu an hay cầu siêu, đều nên dùng đến.
4. Lương hoàng sám nguyên tên là Từ bi đạo tràng sám pháp. Vì được viết vào đời Lương vũ đế (463-549), lại có liên hệ với ông, nên thông thường gọi là Lương hoàng sám.
5. Tác giả Lương hoàng sám thì mục lục của Đại tạng kinh ghi là "các đại pháp sư đời Lương tập hợp biên soạn ". Phần tôi cố gắng tra cứu mà chưa thấy xuất xứ cố định, chỉ tìm thấy Pđ 2904 trích lời Trà hương thất tòng sao 13, nói nghi văn sám hối khởi thỉ là do Cánh lăng vương đời Nam Tề (479-502), nhân mộng thấy đến chỗ Phổ quang vương như lai, nghe pháp và trình bày lời sám hối, thức dậy thuật cho Lương Vũ đế, Dung Tạ Thiếu, và Trầm Ước. Rồi vương nhân đó thuật thành Cánh lăng vương 20 thiên, Sám hối 1 thiên. Về sau Lương Vũ đế tức vị, nghĩ đến việc sám hối lục căn, tức sám hối toàn bộ thân tâm, mới đem thiên Sám hối ra, triệu Chân quán pháp sư Tuệ thức, diễn rộng văn ấy [thành Lương hoàng sám], chứ không phải vì Hy thị mà làm.
6. Liên quan đến Lương Vũ đế, sử liệu đặc biệt phong phú, hấp dẫn và nhất trí. Nhất là 2 bộ Hoằng minh tập và Quảng hoằng minh tập (Chính 52/1-361) chứa đựng văn kiện về sử liệu Lương Vũ đế nhiều và giá trị đến nỗi chỉ tra mục lục cũng đã thấy được hơn phân nửa. Thử ngoại, sử liệu về ông, còn thấy trong các tác phẩm sau đây: Lịch đại tam bảo ký (Chính 49/94-101) Phật tổ thống kỷ (Chính 49/321 và 348-353) Phật tổ lịch đại thông tải (Chính 49/540-554) Thích thị kê cổ (Chính 49/794-802) Tam quốc di sự (Chính 49/958-959). Ông là nhà bác học, trước tác và diễn giảng về nội điển và ngoại điển, nhất là nội điển. Đặc biệt về khoa nghi sám đảo, ông thỉnh cầu ngài Bảo xướng soạn mà bắt gặp được, ít nhất là 5 bộ (Chính 49/99g), còn Thủy lục đại trai thì do chính ông soạn đầu tiên (Chính 49/321g, 348d, 795t). Ông lo việc dân, việc nước, việc văn hóa nữa, chứ không vì trọng việc đạo mà lơi việc đời (Chính 49/99d ; Chính 52/111d và 234g). Nhưng ông thiết thực hành trì Bồ tát giới, trai giới và bái sám đến chết không bỏ (Chính 49/99d; 351d, 544g, 552d). Sử liệu trên đây cũng chỉ dẫn cho thấy sự việc và giải thích về cái chết của ông, đặc biệt là lời kết luận của sử quan Ngụy Trưng "ông sở trường về việc khó mà bất thông với việc dễ " đối với cái chết ấy (Chính 49/552g), thì sự tương truyền xưa nay nên vất bỏ. Quan trọng nhất là việc ăn chay của Phật giáo đại thừa, đích thực do ông thực hiện lời huấn thị tối hậu của Phật (Chính 52/293 - 303). Ông là "ông vua bồ tát bất khả tư nghị ", nguyên ngữ của Phí Trường Phòng (Chính 49/99d).
Biệt chú.-- Pháp hòa, một Phật tử cư sĩ, ẩn tu núi Thanh khê, dung sắc dị thường, tháo hạnh tuyệt đẳng. Hầu Cảnh, người gây ra cái chết cho Lương Vũ đế, khi mới qui hàng ông, Pháp hòa đã biết nhất định sẽ phản, nói cho Chu Nguyên Anh. Nhưng ông này không hiểu ý, cũng như Lương Vũ đế đã không hiểu ý, khi ngài Chí công chỉ họng và cổ mà chữ Hán trùng âm Hầu Cảnh (Chính 49/348g). Lúc Hầu Cảnh phản, vây kinh thành, Nguyên Anh cầu kế, Pháp hòa bảo hái trái phải đợi nó chín. Lúc Hầu Cảnh tiến đánh Nguyên đế (con thứ 7 của Lương Vũ đế, bấy giờ đang là Tương đông vương), Pháp hòa xuất hiện, dẹp tan Hầu Cảnh rồi, muốn bình định luôn Bắc Ngụy (chính quyền cai trị miền Bắc Trung hoa bấy giờ, đối diện với Nam Lương). Nhưng Nguyên đế nghi sợ, không cho, Pháp hòa cười, nói, tôi không thiết chỗ ngồi của Phạn vương Đế thích, huống chi ngôi vị đế chúa nhân gian. Tôi làm, là do chút nhân duyên với nhau từ đời Không vương phật. Nay nghi sợ là định nghiệp không đổi được rồi (Chính 49/551d; 353đ).
7. Chí công, hay Bảo chí, là một bậc thần kỳ nhất trong các vị cao tăng đời Lương Vũ đế. Trong sử liệu về Lương Vũ đế đương nhiên đã có ngài, mà đặc biệt Cảnh đức truyền đăng lục cũng có truyện của ngài, liệt kê ngài đứng đầu trong các vị đạt giả đầu tiên của Thiền (Chính 51/429-430). Cũng sách này, tác phẩm rất Thiền của ngài (Chính 49/544d) được sao lục đủ cả (Chính 51/449-451). Sám chủ của Lương hoàng sám đúng là ngài, vì một, chính ngài đã làm cho Lương Vũ đế hiền hậu (Chính 49/544g, 348d); hai, chính ngài chỉ dẫn Lương Vũ đế soạn Thủy lục đại trai (Chính 49/321g, 795t); ba, Lương Vũ đế hỏi ngài cách đối trị phiền não mê hoặc, ngài đã nói đến sự tinh tiến liên tục, hàm nghĩa có sự bái sám (Chính 49/544g; Chính 51/430t). Mặc dầu ngài đã tiên tri thì gian Lương Vũ đế bị nạn và bị nạn vì ai (Chính 49/348, 541).
8. Nguyên nhân Lương hoàng sám, tương truyền là để cầu sám cho Hy thị, vợ của Lương Vũ đế. Tương truyền này chưa tìm ra căn cứ, chỉ thấy nguyên là lời tương truyền mà thôi (Chính 45/992g; Chính 49/794d). Tra cứu sử liệu của Lương Vũ đế về bà Hy thị, chỉ thấy ghi là người rất thông minh nhưng tính đố kﮠChết rồi hiện hình trăn hay rồng. Lương Vũ đế sau đó không còn lập hoàng hậu nữa. Việc này xảy ra năm thứ hai niên hiệu Thiên giám. Năm sau, ngày mồng 8 tháng 4, Lương Vũ đế phát bồ đề tâm; năm sau nữa, ngày rằm tháng hai, Lương Vũ đế, sau ba năm soạn xong Thủy lục đại trai, đến chùa Kim sơn thiết đàn này; và năm sau nữa, Lương Vũ đế đích thân chú thích kinh Đại bát nhã; vân vân và vân vân (Chính 49/544t, 321g). Nhưng tất cả việc này, cũng như mọi việc về sau, đều không thấy nói chỉ để cầu cho Hy thị, lại càng không thấy nói bà đã là động cơ. Vậy, trừ sự tương truyền mà trên đã chỉ dẫn xuất xứ, Lương hoàng sám quyết định không phải chỉ vì bà Hy thị mà có. Chứng cớ là khi hạ chiếu thỉnh cầu ngài Bảo xướng soạn 5 bộ về khoa nghi sám đảo, Lương Vũ đế nói rõ là vì dân vì nước (Chính 49/99g).
9. Nội dung Lương hoàng sám quả thật đặc biệt, đối với tất cả sám pháp sau sách ấy. Trước sách ấy, sám pháp cơ hồ chưa có. Điều đặc biệt đầu tiên là cái tên Từ bi đạo tràng do mộng thấy Di lạc thế tôn đặt cho. Rồi trong tất cả danh hiệu Phật và Bồ tát mà Lương hoàng sám lễ bái, danh hiệu Di lạc thế tôn được để lên trên hết. Cuối cùng, Lương hoàng sám nguyện cầu được cùng Di lạc thế tôn sinh ra thế giới này, dự pháp hội đầu tiên của Ngài. Tâm nguyện này, về nhiều phương diện, quả thật đặc biệt.
10. Kế đó, so với các sám pháp khác, Lương hoàng sám có 2 điểm nổi bật nhất, là sự tự mừng cho mình (chứ không nhàm chán bản thân) với văn khí và tình ý vô cùng khích lệ, và sự đề cao tâm nguyện làm "bồ đề quyến thuộc "với nhau (chứ không nhàm chán kẻ khác), tâm nguyện này tràn đầy Lương hoàng sám, thiết tha thật là cao độ. Chính vì tâm nguyện này, phối hợp sự tự mừng trên, Lương hoàng sám làm cho con người rất phấn khởi về mình, chân thành xin lỗi và tha lỗi cho nhau.
11. Nguyện làm bồ đề quyến thuộc với nhau, lại nguyện được cùng Di lạc thế tôn sinh ra ở ngay thế giới này, thầy trò Lương Vũ đế quả muốn cùng nhau, trong giới bồ tát và tâm bồ đề, làm cái gì cho đời và đạo, theo gương A dục vương, người mà Lương Vũ đế đã đích thân bút thọ dịch kinh truyện của ông (Chính 49/98g). Đó mới là lý do đích thực của toàn bộ công việc cuộc đời Lương Vũ đế, trong đó có Lương hoàng sám, một bộ sách sánh vai với những bộ sách chắc chắn đã không tiền, mà có bộ còn khoáng hậu nữa, được viết bởi Lương Vũ đế đích thân hay thỉnh cầu, và cung cấp cho hành và giải của ông, chứ không phải chỉ viết để cho có sách.
12. Bản chữa và in lần này là định bản.