Chương 28: Hội An Nam Phật Học Trung Kỳ

Monday, 03 July 20238:29 PM(View: 497)
Chương 28: Hội An Nam Phật Học Trung Kỳ
VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN
Nguyễn Lang

CHƯƠNG 28

HỘI AN NAM PHẬT HỌC TRUNG KỲ
 
THIỀN SƯ GIÁC TIÊN

Thiền sư Giác Tiên có thể gọi là người khởi xướng công trình phục hưng Phật giáo tại miền Trung. Ông họ Nguyễn, sinh năm 1880 tại làng Giạ Lê Thượng ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ông xuất gia năm mười lăm tuổi tại chùa Từ Hiếu, thọ giới sa di năm hai mốt tuổi, làm đệ tử của thiền sư Tâm Tịnh. Năm 1904, thiền sư Tâm Tịnh nhường chức vụ trú trì chùa Từ Hiếu lại cho người khác và về dựng am Thiếu Lâm gần chùa Tây Thiên để an cư tĩnh tu. Giác Tiên hồi đó được hai mươi bốn tuổi, được theo về am Thiếu Lâm với thầy. Bốn năm sau, một đại giới đàn được tổ chức tại chùa Phước Lâm ở Quảng Nam do thiền sư Vĩnh Gia làm Đường Đầu Hòa thượng, Giác Tiên được gửi vào thọ giới Cụ Túc. Tại giới đàn, ông tỏ ra là một giới tử xuất sắc nên được chỉ định làm thủ chúng sa di. Đó là vào năm 1910. Vào khoảng 1913, khi ni sư Diên Trường dựng xong chùa Trúc Lâm ở làng Dương Xuân Thượng, ông được mời về trú trì chùa này. Năm 1920 khi thiền sư Huệ Pháp mở giảng đường tại chùa Thiên Hưng, ông đã cùng các đệ tử của ông tìm đến để cầu học. Thiền sư Huệ Pháp khen ông là người có túc căn thâm hậu. Năm 1925, ông được vâng sắc chỉ triều đình làm trú trì chùa Diệu Đế. Năm 1929, sau khi trùng tu chùa Trúc Lâm, ông mở Phật học đường tại đây và vào Bình Định rước thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp ra làm chủ giảng. Từ đó, năm nào thiền sư Phước Huệ cũng được thỉnh về Trúc Lâm để giảng huấn. Các đệ tử của Giác Tiên là Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiến và Mật Thể đều được theo học và đều đóng những vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng sau này.

Trong số những người theo học tại Trúc Lâm, có một vị cư sĩ tên là Lê Đình Thám, y sĩ trưởng tại Viện Pasteur Huế. Cư sĩ Lê Đình Thám là đệ tử của Giác Tiên từ năm 1928, pháp danh là Tâm Minh. Chính người này đã vâng lời Giác Tiên triệu tập các đồng lữ thành lập hội An Nam Phật học năm 1932.

Giác Tiên hướng đạo cho hội An Nam Phật học được bốn năm thì tịch. Ông mất vào ngày mồng bốn tháng Mười âm lịch, hưởng thọ 57 tuổi, đang lúc đảm nhiệm trách vụ trú trì hai chùa Diệu Đế và Trúc Lâm và chứng minh đạo sư cho hội An Nam Phật học[1].

Hồi sinh tiền, Giác Tiên đã được Tâm Tịnh trao cho bài kệ đắc pháp sau đây:


Giác đạo kiếp không Tiên

Không không bát nhã thuyền

Quả nhân phù hạnh giải

Xứ xứ đắc an thiên.


Dịch:

Đường Giác trước không kiếp

Thuyền bát nhã không không

Hạnh giải hợp nhân quả

Ở đâu cũng thung dung.


Thiền sư Giác Tiên đã từng đứng ra tổ chức đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu năm 1923. Tại giới đàn này, đệ tử của ông là Mật Khế đã thọ đại giới, trong khi thầy ông là Tâm Tịnh làm hòa thượng truyền giới. Ông rất chú trọng đến việc đào tạo tăng tài; nhờ có cố gắng của ông mà chùa Trúc Lâm đã thành nơi xuất phát của nhiều cây cột trụ của nền Phật giáo cận đại. Trúc Lâm đã đào tạo được tới bốn lớp cán bộ tăng sĩ. Các thiền sư Quảng Huệ, Trí Thủ, Mật Thể, Chánh Thống, Thiện Trí, Thiện Hòa, Thiện Hoa, v.v… đều đã được huấn luyện tại đây.


Năm 1933, Giác Tiên ủy cho Mật Khế mở một trường tiểu học Phật học cho sa di các chùa tại chùa Vạn Phước. Năm 1934 ông lại cùng Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật học tại chùa Trúc Lâm, thu nhận được đúng năm mươi học tăng. Cuối năm này ông lại quy tụ các vị học tăng có học lực khá cao về Trúc Lâm để mở cấp Đại học Phật giáo.


Ông mất, hội An Nam Phật học tổ chức tang lễ rất lớn. Câu trướng của hội như sau:


Trúc Lâm không quải tam canh nguyệt

Diệu Đế tri văn ngũ dạ chung.

Đại diện hội Bắc Kỳ Phật giáo tại tang lễ đã đi câu đối:

Vân nạp Bắc lai, đàm luận di tuần khâm Giác chỉ

Trúc Lâm Nam vọng, vãng sinh hà xứ mịch Tiên tung?


Để có một ý niệm về thi kệ của ông, ta hãy đọc bài thơ ông tặng cho đệ tử là Mật Khế trước giờ Mật Khế lâm chung. Danh từ “Tâm Địa” trong bài là pháp danh của Mật Khế.


Tâm Địa quan hàm pháp tính viên

Tây Lai diệu chỉ hiểu Nam thiên

Hoạt nhiên trực triệt Tào Khê lộ

Miễn tại linh bình ngũ thập niên.

Dịch:

Cõi tâm bao hàm Pháp giới tính

Trời Nam sáng tỏ ý Tây truyền

Bỗng nhiên thấu triệt Tào Khê lộ,

Khỏi mất công dài năm chục năm.


CƯ SĨ TÂM MINH

Đệ tử tại gia xuất sắc nhất của Giác Tiên hẳn là Tâm Minh Lê Đình Thám. Bác sĩ Lê Đình Thám là một người có tư chất cực kỳ thông minh và trái tim đầy nhiệt tình. Ông sinh năm 1897 tại Quảng Nam, con của Thượng thư Bộ Binh Lê Đỉnh triều Tự Đức. Từ hồi nhỏ ông đã được học Nho và đã làm được văn bài cùng thi phú cổ điển. Lớn lên ông theo tân học, đậu thủ khoa trong tất cả các kỳ thi từ cấp tiểu học đến đại học. Ông tốt nghiệp thủ khoa Đông Dương Y sĩ khóa 1916, và Y khoa Bác sĩ khóa 1930.


Năm 1926 lúc còn làm y sĩ tại bệnh viện Hội An, trong một dịp viếng chùa Tam Thai, ông được đọc bài kệ Bồ Đề Vô Thọ của Huệ Năng viết trên vách chùa. Đây là lần đầu ông tiếp xúc với văn học Phật giáo. Bài kệ đó gây một ấn tượng sâu trong tâm não ông, nhưng mãi đến năm 1928, về làm việc tại Viện Pasteur Huế, ông mới gặp người giải thích cho ông một cách thỏa đáng về bài kệ ấy. Người đó là thiền sư Giác Tiên.


Thấy được diệu lý, ông phát tâm quy y Tam bảo, thờ Giác Tiên làm thầy, được pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Châu Hải. Ông phát nguyện ăn chay trường từ đó. Lúc ấy ông mới có ba mươi mốt tuổi và Mật Khế, đệ tử đầu của Giác Tiên, mới có hai mươi bốn tuổi. Hai người bạn đồng sư này thân cận nhau và nâng đỡ nhau trong việc nghiên tầm kinh luận.


Tâm Minh Lê Đình Thám đã có căn bản Hán học lại có óc thông minh nên đã đi rất mau trên con đường học Phật. Liên tiếp trong ba năm (1929 – 1932) ông được học tập dưới sự chỉ đạo của Giác Tiên và của thiền sư Phước Huệ, một cao tăng nổi tiếng bác thông kinh luận vào bậc nhất thời ấy. Tuy thì giờ học Phật của ông bị giới hạn bởi nghề nghiệp y sĩ, ông đã vượt xa các bạn đồng học trong thời gian ấy. Năm 1930 ông lại còn phải ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp nữa, vậy mà ông vẫn có đủ thì giờ học Phật. Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ thứ hai mươi đã dự phần vào việc đào tạo tăng tài. Phật học của ông được các bậc tôn túc công nhận là thâm uyên, cho nên ông đã được mời vào giảng dạy trong các Phật học đường Trúc Lâm và Tường Vân. Ông luôn luôn mặc lễ phục (áo tràng) và đảnh lễ chư tăng trước khi bước lên pháp tòa để giảng kinh cho họ. Lớp học ở Tường Vân là một lớp trung đẳng; trong thính chúng có nhiều bậc tỳ khưu học lực đã khá thâm hậu.


Trong số những vị cư sĩ tham dự vào việc vận động thành lập hội An Nam Phật học, ta thấy có Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bình, Bửu Bác, Trần Đăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Thiết, Trương Xướng, Tôn Thất Quyên, Nguyễn Xuân Tiêu, Hoàng Xuân Ba, Lê Bá Ý và Tôn Thất Tùng. Trong bước đầu, Lê Đình Thám đảm nhiệm chức vụ hội trưởng, nhưng ông không ngồi mãi ở địa vị đó. Các vị khác như Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng, v.v… cùng thay thế nhau làm hội trưởng cho hội. Lê Đình Thám không những làm cái trục trung ương của hội mà còn là linh hồn của tạp chí Viên Âm nữa. Sở dĩ ông làm được việc một cách bền bỉ là tại vì ông có đủ đức khiêm nhượng. Ông làm một chất keo nối liền các phần tử khác biệt về tuổi tác và về nhận thức chính trị.


Tuy con đường của ông là con đường ôn hòa, bản chất của ông không phải là bảo thủ. Anh ruột ông đã từng bị thực dân Pháp đày lên Ban Mê Thuột và hành hạ đến nỗi phải tự sát ở đó vì đã tham dự vào việc khởi nghĩa của vua Duy Tân. Trong suốt thời gian 1916 – 1923 làm việc tại các bệnh viện Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn và Tuy Hòa, ông thường bị nhà cầm quyền theo dõi. Ông đã tham dự vào việc tổ chức truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh tại Quảng Nam và đã bị thuyên chuyển đi Hà Tĩnh vào cuối năm 1926. Ông đã giúp hội An Nam Phật học đạt được những nền tảng khá vững chãi cho cuộc phục hưng Phật giáo vào những năm sáu mươi sau này.


Chữ “Học” trong danh từ An Nam Phật học, theo ông còn có nghĩa là “Hành”. Tên chữ Pháp của hội, in trên bìa Viên Âm là SEERBA, nghĩa là Société d’Etude et d’Exercice de la Religion Bouddhique en Annam. Hội đã liên tiếp mời các thiền sư Giác Tiên (chùa Diệu Đế), Giác Nhiên (Chùa Túy Ba), Đắc Ân (Chùa Thiên Mụ), Phúc Hậu (chùa Báo Quốc) và Tịnh Hạnh (chùa Tường Vân) làm chứng minh đạo sư cho hội. Hội đã có sự hậu thuẫn của các bậc tôn túc ở các tổ đình và sự cộng tác của các vị tăng ni xuất sắc thời đó như Mật Khế, Mật Nguyện, Đôn Hậu, Trí Độ, Trí Thủ, Mật Thể, Diệu Hương và Diệu Viên.


CHỈNH LÝ TĂNG CHẾ VÀ ĐÀO TẠO TĂNG TÀI

Như ta đã biết, Sơn môn Huế và hội An Nam Phật học rất chú trọng về việc đào tạo tăng tài và chỉnh lý tăng giới. Số lượng chư tăng thất học cũng như số lượng những vị thầy cúng không sống theo nếp sống thanh quy là một lo lắng thường trực của họ. Ngoài việc thành lập các lớp Phật học cho tăng sĩ trẻ tuổi các chùa, họ đã đề ra một chương trình chỉnh lý tình trạng tăng sĩ. Chương trình đó gồm có hai điểm:


1/ Thành lập một hội đồng luật sư gồm có những bậc tăng già tinh thông giới luật để giám sát giới hạnh của tăng chúng. Ngoài ủy ban trung ương còn có những ban địa phương đặt tại các tỉnh; những ban này gồm có năm vị gọi là luật sư. Mỗi tỉnh được chia ra nhiều địa phận, mỗi địa phận có một vị luật sư giám sát. Hễ khi nào có báo cáo về sự vi phạm giới luật của một vị tăng thì vị luật sư phải thân hành đi đến tận nơi để tra cứu và cuối năm thì trình lại Hội đồng Luật sư để tài phán.


2/ Tổ chức những ban thầy cúng gồm có những người biết tán, tụng, cầu an, cầu siêu và hướng dẫn tang lễ. Những “thầy cúng” này chỉ được mặc áo màu xám năm thân, không được mặc áo tràng, áo nhật bình, y màu nâu hoặc y màu vàng. Họ ở nhà hoặc ở chùa riêng để hành nghề cúng đám chứ không được ở thiền viện và tổ đình, nơi dành riêng cho tăng sĩ thực thụ mà giới pháp là mười giới sa di và hai trăm năm mươi giới tỳ kheo. Muốn làm thầy cúng thì tối thiểu cũng phải thọ một hoặc hai giới[2].


Ngoài ra, cư sĩ phải tham dự vào việc chỉnh lý tình trạng tăng sĩ bằng cách:

1/ Không nên nhận người phá giới là tăng sĩ.

2/ Phá bỏ những điệp quy y thọ giới do các ông thầy tu nói trên cấp cho.

3/ Công bố sự phạm giới có bằng cớ của tăng sĩ.

4/ Bảo hộ và cúng dường các vị tinh nghiêm giới luật.

5/ Không tham dự vào những công việc không phù hợp với Phật pháp.

6/ Tham dự vào công việc hoằng dương chánh pháp và chỉnh đốn tăng già[3].


Chương trình nói trên là một chương trình khá táo bạo, nhưng đã vấp vào nhiều trở lực đáng kể. Về tâm lý, cư sĩ ham chuộng những lễ hộ niệm và cầu nguyện do các bậc tăng già đức hạnh chủ trì hơn là do những ông “thầy cúng” kể trên hướng dẫn. Về kinh tế, nhiều chùa chiền, kể cả những chùa chân tu lâu nay sinh sống nhờ sự ủng hộ của tín đồ cư sĩ và sở dĩ có sự cúng dường bảo trợ ấy một phần quan trọng là do nghi lễ ứng phú mà tăng sĩ các chùa ấy cung cấp cho tín đồ. Số lượng những tổ đình có ruộng đủ sức nuôi nổi đại chúng thì rất nhỏ bé và sự bảo trợ của cư sĩ cho các tự viện không đủ để bảo đảm cho các tự viện ấy.


Chương trình, tuy vậy, đã được thực hiện một phần. Sau này, tại sơn môn các tỉnh, lúc nào cũng có một vị kiểm tăng để giám sát về giới luật của tăng chúng địa phương.


Chương trình Phật học đầu tiên của trường An Nam Phật học tại Trúc Lâm được hoạch định làm hai cấp, tiểu học và đại học, như sau:

Tiểu học (năm năm):

Năm thứ nhất: Quốc văn và hai buổi công phu.

Năm thứ hai: Sự tích Phật Thích Ca – Bốn phép Toán – Phật học giáo khoa thư.

Năm thứ ba: Luật Sa Di (trường hàng) – Vô Lượng Thọ Kinh – Địa Tạng Kinh – Thủy Sám Pháp.

Năm thứ tư: Sa Di Luật Giải – Thập Lục Quán Kinh.

Năm thứ năm: Di Đà Sớ Sao – Pháp Bảo Đàn Kinh.

(Tốt nghiệp tiểu học thì học tăng được thọ Sa di giới.)


Đại học 
(năm năm):

Năm thứ nhất: Kim Cương Trực Sớ – Tâm Kinh Chú Giải – Duy Thức Phương Tiện Đàm – Bát Thức Quy Củ Tụng Trang Sớ.

Năm thứ hai: Lăng Nghiêm Kinh – Viên Giác Kinh – Nhân Minh Luận.

Năm thứ ba: Lăng Già Kinh – Khởi Tín Luận – Đại Thừa Chỉ Quán.

Năm thứ tư: Thành Duy Thức Luận – Pháp Hoa Kinh – Phạm Võng Kinh.

Năm thứ năm: Đại Bát Niết Bàn – Tứ Phần Luật.

(Tốt nghiệp đại học thì học tăng được thọ Tỳ khưu giới.)


Sau khi tốt nghiệp, học tăng có thể ở lại trường ghi tên vào lớp Tham Cứu, cũng năm năm:

Năm thứ nhất: Lăng Nghiêm Trực Chỉ – Viên Giác Lược Sớ – Duy Ma Sớ – Tam Luận (Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận).

Năm thứ hai: Lăng Già Tâm Ấn Sớ – Giải Thâm Mật Kinh – Du Già Sư Địa Luận.

Năm thứ ba: Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa – Pháp Hoa Văn Cú – Ma Ha Chỉ Quán.

Năm thứ tư: Hoa Nghiêm Luận – Hoa Nghiêm Sớ Sao.

Năm thứ năm: Đại Trí Độ Luận – Tông Cảnh Lục – Chỉ Nguyệt Lục – Hải Triều Âm Văn Khố.


Chương trình nói trên được hoạch định vào năm 1934. Chương trình này có khuyết điểm là dài quá, và nhất là hai năm đầu tiểu học không cần thiết. Kiến thức của hai năm này thực ra có thể được các chùa địa phương cung cấp trước khi học tăng được gửi về Phật học đường và như vậy gánh nặng tài chính của trường sẽ được giảm bớt một phần. Chương trình lại còn những điểm không hợp lý, ví dụ năm thứ nhất cao đẳng đã gồm có Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Viên

Giác Lược Sớ, Duy Ma Kinh Sớ 
mà còn thêm ba bộ luận lớn của Không Tôn (Tam Luận). Không ai có thể dạy và học tất cả những tác phẩm đó trong một năm.


Đến năm 1944, một chương trình mới được hoạch định như sau:


Sơ đẳng 
(hai năm):

Năm thứ nhất:

Kinh: Thập Thiện Nghiệp Đạo – Ngũ Thiên Sứ Giả, Trừ Khủng Tai Hoạn – Bụt Kinh – Tứ Thập Nhị Chương – Bát Đại Nhơn Giác.

Luật: Sa Di.

Luận: Duy Thức Tam Tự Kinh.

Khóa tụng: Nghi thức của hội (giảng giải) và các khóa nghi trong sơn môn.

Năm thứ hai:

Kinh: Phật Di Giáo – Nhị Khóa Hợp Giải.

Luật: Cảnh Sách.

Luận: Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Giải (của Khuy Cơ) – Bát Thức Quy Củ Tụng Trang Chú – Đại Thừa Khởi Tín Luận.

Khóa Tụng: Các khóa nghi trong sơn môn.


Trung đẳng 
(hai năm):

Năm thứ nhất:

Kinh: Duy Ma Cật Kinh Giảng Lục (Thái Hư) – Kim Cương Kinh Giảng Lục (Thái Hư).

Luật: Ưu Bà Tắc Giới Kinh.

Luận: Đại Thừa Chỉ Quán – Duy Thức Đích Khoa Học Phương Pháp – Nhân Minh Luận Sở.

Khóa tụng: Các khóa nghi trong sơn môn. Năm thứ hai:

Kinh: Lăng Nghiêm.

Luật: Tứ Phần Luật Sớ.

Luận: Tánh Thức Luận – Trung Luận. Khóa tụng: Các khóa nghi trong sơn môn.


Cao đẳng 
(hai năm):

Năm thứ nhất:

Kinh: Lăng Già Tâm Ứng.

Luật: Bồ Tát Anh Lạc Kinh.

Luận: Bách Luận – A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận.
Năm thứ hai:

Kinh: Pháp Hoa Kinh Văn Cú.

Luật: Phạm Võng Kinh Hợp Chú.

Luận: Nhị Thập Môn Luận – Thành Duy Thức Luận.


Theo chương trình này những học tăng tốt nghiệp cao đẳng, nếu muốn thành giáo sư các trường Phật học thì phải ở lại nghiên cứu và tu tập thêm ba năm nữa tại trường.


Chương trình này thực tế hơn chương trình trước nhiều và cũng hàm chứa một số các tác phẩm mới như những sách giảng lục của Thái Hư và Đại Viên. Muốn vào học, học tăng phải qua một kỳ khảo thí. Trình độ căn bản là:


1/ Đậu Sơ học Pháp – Việt.

2/ Biết đọc và biết viết chữ Hán.

3/ Quốc ngữ phải thông thạo. Có thể dịch một bài kinh luận từ chữ Hán ra quốc ngữ và một vài câu quốc văn ra chữ Hán.


Hội An Nam Phật học từ năm 1934 đã khuyến khích mở các Phật học đường cấp Sơ đẳng tại các tỉnh. Sự cộng tác của nhiều chùa có thể đi đến một Phật học đường như thế. Sau đây là những chỉ dẫn của hội về thể thức thành lập Phật học đường:


Trường ốc
: Chọn chùa rộng rãi, khí hậu tốt không sinh bệnh, ở đó tăng sĩ cư trú nổi tiếng là giới hạnh tinh nghiêm. Vị trú trì chùa có thể là ít học nhưng phải là người tu hành chân chính.


Giáo sư
: Chọn trong số các vị tăng sĩ địa phương hai vị giáo thọ, một vị chánh một vị phó. Vị trú trì nếu là người có khả năng thì nên mời tham dự vào việc giảng dạy. Nếu chưa có thầy giỏi thì chỉ nên mở một lớp sơ đẳng cho giới sa di mà thôi.


Học tăng
: Chọn những chú tiểu thông minh và phúc hậu, con nhà hiền lành, từ mười tới hai mươi tuổi, để mở lớp sơ đẳng. Mỗi lớp chỉ nên nhận từ 30 – 40 người. Những học sinh không thi đậu lên lớp, nhất là những người trẻ không có khả năng tu học thì nên cho về nhà sớm. Ban đầu chỉ nên mở một lớp; khi có cơ sở rộng rãi sẽ mở thêm.


Tài chính
: Cần có từ 100 đến 150 đồng để làm phương tiện chuẩn bị cư xá cho học tăng và lộ phí cho giáo thọ. Nên kêu gọi các tín đồ hữu tâm mỗi người bảo trợ một hoặc hai học tăng từ 10 đến 15 năm, mỗi năm đóng góp ba đồng cho mỗi học tăng. Nếu thiếu phương tiện thì hai hoặc ba người hợp tác để bảo trợ một học tăng. Sau khi đã có đủ người tình nguyện bảo trợ đủ 40 học tăng, là có thể tổ chức Phật học đường ngay[4].


Trường An Nam Phật học được khai giảng năm 1933 tại chùa Vạn Phước, số học tăng là 50 vị. Năm 1936, trường này được dời về chùa Túy Ba gần bờ biển và cuối năm ấy lại được dời về chùa Báo Quốc. Thiền sư Trí Độ bắt đầu đảm nhiệm trách vụ đốc giáo của trường này từ năm 1935. Tới năm 1938, học tăng của trường còn đúng bốn mươi lăm vị, trong số đó chỉ có mười lăm vị được học bổng của Hội An Nam Phật học. Trong số học tăng của trường này, có nhiều vị từ các tỉnh Trung Kỳ tới.


Trường Sơn môn Phật học có nhiều lớp: Một lớp đại học mở tại chùa Trúc Lâm năm 1935 do thiền sư Giác Tiên làm giám đốc và một lớp trung học mở tại chùa Tường Vân do thiền sư Tịnh Khiết trông nom. Thiền sư Phước Huệ phụ trách làm đốc giáo giảng dạy cả hai lớp đại học và trung học. Lớp trung học có nhận những học tăng từ miền Nam tới như Thiện Hòa, Hiển Thụy, Hiển Không, Thiện Hoa, Chí Thiện, v.v… Trong số các giáo sư dạy trường này có các thiền sư Tịnh Khiết, Đắc Ân, Thánh Duyên, cư sĩ Tâm Minh và một số các học tăng đại học. Năm 1937, lớp này được dời về chùa Tây Thiên.


Trường ni học được khai giảng lần đầu tại chùa Từ Đàm năm 1932 do ni sư Diệu Hương làm Giám đốc. Cuối năm ấy, chùa Diệu Đức ở xã Thủy Xuân được tạo lập. Ni học đường được dời về chùa Diệu Đức và chùa Từ Đàm trở thành hội quán của hội An Nam Phật học. Ngoài ni sư Giám đốc, còn có một số các học tăng đại học của trường Sơn môn Phật học tới giảng dạy, như Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển và Mật Nguyện.


Năm 1943 trường An Nam Phật học thi tốt nghiệp. Trong số 50 học tăng, chỉ có 6 vị đủ điểm: Võ Tường (Huế), Phạm Quang (Quảng Bình), Nguyễn Bình (Sài Gòn), Đỗ Xuân Hàng (Quảng Trị), Trần Trọng Thuyên (Quảng Ngãi) và Nguyễn Chí Quang (Trà Vinh). Bốn người khác đủ điểm thi viết, nhưng thiếu điểm phỏng vấn, phải vớt, là Nguyễn Phương (Đà Nẵng), Nguyễn Hương (Sài Gòn), Phạm Học (Đà Nẵng) và Phan Thơ (Huế).


Năm 1944, Phật học đường Báo Quốc được dời về Tùng Lâm Kim Sơn ở xã Lưu Biểu. Tùng Lâm Kim Sơn là một dự án xây dựng lớn của hội An Nam Phật học. Tiếc thay, Kim Sơn ra đời không thích hợp thời cơ: Nền kinh tế quốc gia sau ngày Nhật đảo chính Pháp đã trở thành kiệt quệ. Sơn môn và hội An Nam Phật học không đủ sức nuôi nổi học tăng. Học tăng cũng không đủ sức đóng góp phạn phí. Tùng Lâm Kim Sơn bị đóng cửa và một số học tăng cấp trung học và sơ học phải khăn gói vào Nam, nơi lúa gạo vẫn còn, để tìm nơi ăn học. Thiền sư Thiện Hoa, lúc bấy giờ là kiểm khán của Phật học đường Báo Quốc, là người đề xướng giải pháp di cư học tăng này. Nguyên ông là học tăng từ miền Nam, được hội Lưỡng Xuyên gửi ra tùng học tại Phật học đường Tây Thiên từ năm 1937. Nghĩ rằng tại miền Nam cuộc khủng hoảng kinh tế nhẹ hơn, cho nên ông đã đề xướng việc di cư. Đoàn học tăng này phải đi bộ từ Huế vào Nam mất mấy tháng trời. Cuộc di cư này xảy ra vào tháng Tư năm 1945 sau khi Nhật đã đảo chính Pháp. Vào tới miền Nam, thiền sư Thiện Hoa đưa học tăng đến chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho. Sau đó, trường dời về chùa Phật Quang ở Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh. Nhờ cư sĩ Trương Hoàng Lâu, một đệ tử của thiền sư Khánh Hòa, ra tay vận động ủng hộ về tài chính, trường Phật Quang mới đứng vững được. Nhưng khi Cách mạng Tháng Tám đến, phần lớn học tăng hăng hái đi tham gia kháng chiến, Phật học đường này vì vậy đã tan rã.


Các lớp học của trường Sơn môn Phật học năm 1944 được dời về chùa Linh Quang. Thiền sư Trí Thủ giữ trách vụ giám biện của trường, đồng thời kiêm nhiệm trách vụ trú trì của chùa. Năm 1946, trường dời về chùa Báo Quốc.


Hội An Nam Phật học lúc đầu đặt trụ sở tại chùa Từ Quang và nguyệt san Viên Âm đặt tòa soạn tại số 13 đường Champeau Huế. Các buổi giảng diễn Phật pháp đầu tiên được tổ chức tại chùa Từ Quang và hai giảng sư phụ trách giảng diễn nhiều nhất là Mật Khế và Tâm Minh Lê Đình Thám. Cư sĩ Tâm Minh cũng viết những bài Phật pháp bằng Pháp văn để đăng trên báo Viên Âm nữa.


THIỀN SƯ MẬT KHẾ

Giảng sư Mật Khế là một trong những đóng góp cụ thể nhất của Giác Tiên cho nền Phục hưng Phật học. Mật Khế sinh năm 1904 tại làng Thần Phù tỉnh Thừa Thiên. Chín tuổi ông đã được theo làm tiểu đồng cho Giác Tiên. Năm mười chín tuổi ông được chính thức thế độ, pháp danh là Tâm Địa, pháp hiệu là Mật Khế. Cũng năm ấy, ông thọ Cụ Túc Giới tại giới đàn Từ Hiếu do thiền sư Tâm Tịnh làm hòa thượng. Trong giới đàn này ông là người xuất sắc nhất trong các giới tử nên được chỉ định làm thủ chúng sa di và sau khi thọ giới, ông được thiền sư Tâm Tịnh tặng cho một bộ cà sa và một cái bình bát.


Năm 22 tuổi ông được gửi vào chùa Thập Tháp Bình Định học với thiền sư Phước Huệ. Khi Phước Huệ ra dạy ở Trúc Lâm, ông lại ra theo để được tiếp tục học tập. Năm 1933 ông lập trường tiểu học Phật giáo tại chùa Vạn Phước và đến năm 1935 ông lại hợp tác với Giác Nhiên mở trường An Nam Phật học tại Trúc Lâm.


Ông hoạt động với tư cách tổng thư ký của Sơn môn Thừa Thiên và giảng sư của hội An Nam Phật học. Những bài giảng của ông tại chùa Từ Quang như Tam Quy Ngũ Giới, Trạch Pháp Tu Tâm, Thanh Văn Thừa, Bồ Tát Thừa, Pháp Môn Niệm Phật, v.v… đều được in lại trong báo Viên Âm.

Năm 1934 ông và Trí Độ đi Quảng Ngãi dự Giới Đàn Thạch Sơn với tư cách “phóng viên” của báo Viên Âm. Để chuẩn bị cho Lễ Phật Đản vĩ đại tổ chức tại Huế năm 1935, ông đã để ra nhiều tuần lễ vận động giới tăng sĩ Thừa Thiên để mang lại sự ủng hộ toàn diện của giới này cho buổi lễ. Ngày 10.5.1935, trong lúc đại lễ đang được cử hành trọng thể tại chùa Diệu Đế thì ông thị tịch tại chùa Trúc Lâm. Thiền sư Giác Tiên, không có mặt tại buổi lễ, ngồi bên ông trong giờ phút ông sửa soạn nhập diệt. Giác Tiên đã cầm bút viết một bài kệ bốn dòng trao cho ông đọc[5]. Đọc xong, ông nhắm mắt chiêm nghiệm. Mười lăm phút sau ông từ trần, tuổi đời chỉ mới 31. Ngày an táng ông, một người bạn thân thiết là cư sĩ Vân Đàn tặng đôi câu đối bằng chữ Nôm như sau:


Rừng Mai đạp tuyết, cay đắng trải bao phen, cơ hóa độ còn nhiều, hy vọng chứa chan, tằm kéo tơ lòng thêu sử Phật;

Sàng Trúc trổ hoa, tỉnh mê trong nửa kiếp, tình tương tri quá nặng, sầu trường man mác, quyên rơi giọt lụy gọi hồn thiêng.


Có lẽ giảng sư Mật Khế đã phí sức nhiều quá trong những ngày vận động cho lễ Phật Đản, một cuộc biểu dương đầu tiên của lực lượng quần chúng Phật giáo trong phong trào phục hưng. Như ta đã biết, đại lễ này có vua Bảo Đại tham dự, đã làm cho báo chí trong nước nói tới nhiều lần và câu hỏi về sự cần thiết hay không cần thiết một cuộc phục hưng Phật giáo đã được đặt ra giữa dư luận của quần chúng quảng đại. Tổng Trị Sự của hội An Nam Phật học qua trung gian của những người như Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, v.v… trước đó đã vận động để vua Bảo Đại chấp nhận chức vị hội trưởng danh dự của hội. Từ năm trước, tức là năm 1934, vua Bảo Đại đã ban sắc tứ cho các chùa Tây Thiên, Tường Vân và Trúc Lâm. Chùa Tường Vân nguyên đã là một chùa sắc tứ rồi, bây giờ lại được ban sắc tứ lần nữa. Chùa Tây Thiên bây giờ được hiệu là “Sắc Tứ Tây Thiên Di Đà Tự” và chùa Trúc Lâm “Sắc Tứ Đại Thánh Trúc Lâm Tự”. Đại Thánh Trúc Lâm tức là vua Trần Nhân Tông ngày xưa vậy.


Sau lễ Phật Đản 1935, có nhiều bài báo công kích đạo Phật, cho rằng đạo Phật là đạo ru ngủ và phục hưng Phật giáo là một việc làm không hợp thời. Chẳng hạn báo Ánh Sáng ra ngày 8.6.1935 đã đăng một bài của Kính Hiển Vi, nhan đề là “Phật giáo dưới kính hiển vi”. Ký giả Nguyễn Xuân Thanh của Viên Âm bác bỏ các luận cứ của Kính Hiển Vi và bảo rằng Kính Hiển Vi chỉ “có thể để xem vi trùng chứ không có thể xem Phật giáo”. Ông cho rằng Phật giáo rất thích hợp với đời sống mới, rằng đạo Phật có đủ tinh thần cải cách, tinh thần độc lập, tinh thần thực hành và tinh thần dũng cảm[6]. Tuy chứng minh đạo sư của hội là Giác Nhiên có viết thư khuyên Viên Âm “tránh sự cãi cọ như tránh hang lửa trừ khi phải hộ pháp”, tạp chí Viên Âm vẫn chứng tỏ là một tạp chí có biện tài. Trong khi Tâm Minh đối chất với Bích Liên và những học giả khác về đề tài “Cái Hồn”, thì Nguyễn Xuân Thanh thẳng tay phê bình những bài viết trên các báo Tràng An và Ánh Sáng về đạo Phật. Chủ trương của Nguyễn Xuân Thanh là đạo Phật có thể luyện cho con người một tinh thần tự lập, khẳng khái, cương quyết, biết hy sinh và thanh niên của đạo Phật là người có thể thực hiện được tinh thần ấy vì họ là những bực đã phát bồ đề tâm. Cây bút Nguyễn Xuân Thanh là cây bút thanh niên. Ông nhấn mạnh với đối phương: “Người nào muốn phê bình đạo Phật thì trước hết, ít nữa cũng phải biết đạo Phật là chi đã”[7]. Viết về phong trào Phật giáo chấn hưng, ký giả báo Tràng An H.T. nhắc đến sách Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng: “Vì đạo Phật mà một đôi trai gái trẻ trung ngây thơ yêu nhau đến cực điểm phải dằn lòng đoạn tuyệt với bao nhiêu cái vui nồng nàn của ái tình… Hồn Bướm Mơ Tiên chỉ nêu ra một sự trái lẽ của đạo Phật, còn bao nhiêu sự trái lẽ nữa, trái với sự sống.” Nguyễn Xuân Thanh trả lời: “Nếu muốn bác đạo Phật tại sao không bác Viên Âm mà là đi bác tiểu thuyết?”[8]. Nguyễn Xuân Thanh còn viết nhiều bài nữa để chứng minh rằng Phật học rất cần thiết để bổ túc cho khoa học.

Hội An Nam Phật học lập tỉnh hội, chi hội và khuôn hội tại khắp các tỉnh ở Trung Kỳ. Chi hội là đơn vị phủ huyện của hội và khuôn hội là đơn vị xã. Vào khoảng năm 1940, cơ sở tổ chức của hội đã vững chãi từ thành thị đến thôn quê khắp xứ.

KHỞI NGUYÊN CỦA PHONG TRÀO THANH THIẾU NIÊN PHẬT TỬ

Cũng vào khoảng năm 1940, cơ sở của tổ chức Thanh Thiếu niên Phật Tử được thành lập. Từ 1932 những tổ chức thiếu niên thiếu nữ đã có mặt rồi, được gọi là những ban Đồng Ấu, ở Trung thì do các vị như Bửu Bác chăm sóc dạy dỗ, ở Bắc thì do các vị như Công Chân luyện tập. Tuy nhiên những ban Đồng Ấu này chưa đích thực là những tổ chức giáo dục thanh niên theo phương pháp mới. Năm 1940, Tâm Minh Lê Đình Thám quy tụ một số thanh niên tri thức tân học tại Huế, phần lớn là con cháu các cư sĩ đã từng hoạt động trong hội An Nam Phật học, và thành lập đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục. Ông cũng gọi cái tổ chức ấy bằng danh từ Pháp ngữ “Commission d’Etudes Bouddhiques et de Perfectionnement Moral”. Đích thân ông đứng ra hướng dẫn cho đoàn và dạy Phật pháp cho họ. Những thanh niên tân học này không học Phật pháp bằng những văn bản Hán văn nữa. Họ được nghe trình bày đạo Phật theo đường lối tân học, cho nên họ hiểu giáo lý rất mau chóng. Đồng thời với Phật học, họ còn được học Nho học và Lão học nữa. Ông Đinh Văn Chấp, tiến sĩ Hán học, đã tham dự vào việc giảng huấn cho lớp này. Ông đã giảng các sách Đại Học và Trung Dung của Nho giáo.


Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục lúc ấy là tượng trưng cho một đạo Phật rất “mới”. Bài ca chính thức của đoàn được soạn và hát ca bằng tiếng Pháp! Điều này khiến cho giới thiếu niên thấy rằng đạo Phật là một cái gì rất “hợp thời”, không còn cổ hủ nữa. Đây là “Bài Hát Chính Thức” của tổ chức Gia đình Phật tử “Hoa Sen Trắng” sau này. Lời Pháp hồi ấy như sau:


Rangeons nous, mes amis

Pour chanter gaiement en choeur

Portons tous vers Bouddha

Notre foi et notre ardeur’

Engageons-nous a tout prix

Sur la route qui monte et brille

Et ce chant s’élevéra

Pour unir nos jeunes coeurs[9].


Nhiều ban Đồng Ấu mới được thành lập và những ban này bắt đầu được hướng dẫn, học tập và rèn luyện bởi những đoàn viên của đoàn Phật học Đức Dục. Cuốn sách căn bản về Phật học để giáo dục thanh thiếu niên hồi ấy là cuốn Phật Giáo Sơ Học được đoàn Phật học Đức Dục soạn và ấn hành năm 1942. Thấy thế hệ trẻ làm việc có hiệu quả, Lê Đình Thám giao cho họ việc biên tập Viên Âm và sử dụng tạp chí này để tạo dựng một thế hệ Phật tử mới. Từ số 48 trở đi[10]Viên Âm đổi mới hoàn toàn. Hầu hết mọi bài vở đều do đoàn viên đoàn Phật học Đức Dục viết. Văn của họ mới, gọn và dễ hiểu, hướng cả về tuổi trẻ. Truyện tiền thân của họ viết làm say mê thiếu niên và thiếu nữ[11]. Trong phần Pháp văn họ viết về sự thực tập thiền định (Pratique de la Méditation), giới thiệu phần thực tiễn và tinh ba nhất của đạo Phật cho giới tân học.


Rất nhiều đoàn viên của đoàn Phật học Đức Dục đã đóng góp bài vở cho Viên Âm: Lê Hữu Hoài, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Trần Đỗ Cung, Ngô Điền, Nguyễn Năng Viên, Nguyễn Hữu Quán, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Hoàng Kim Hải, Trúc Hiên, Hà Thị Hoài, Nguyễn Khải, Ngô Đồi. Phạm Hữu Bình là một trong những người có kiến thức giáo lý vững chãi nhất. Ông đã viết về Duy Thức trong nhiều số Viên Âm.


Đoàn Phật học Đức Dục lại có tổ chức Phật Học Tùng Thư và xuất bản nhiều sách Phật, trong đó có cuốn Phật Giáo Và Thanh Niên Đức Dục của Phạm Hữu Bình và cuốn Phật Giáo Và Đức Dục của Đinh Văn Vinh. Hai cuốn này đều nhắm đến sự xây dựng phong trào thanh niên Phật tử.


Trong những năm 1942, 1943 và 1944, các lớp Phật pháp được tiếp tục tổ chức cho thanh niên tân học vào mùa nghỉ hè và cư sĩ Tâm Minh luôn luôn phụ trách việc giảng dạy. Vào ngày Phật Đản năm 1944, một đại hội Thanh Thiếu Niên Phật Tử được tổ chức tại rừng Quảng Tế. Đại hội này khai sinh Gia đình Phật hóa phổ, tiền thân của tổ chức Gia đình Phật tử sau này.


CON NGƯỜI VÀ TƯ TƯỞNG CỦA TÂM MINH

Cư sĩ Tâm Minh có nhiều tài năng. Trong các số đầu của Viên Âm, ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M.), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm), gọi đó là những “biệt khai phương tiện”. Tuy rằng truyện ngắn và truyện dài của ông[12] có nhiều ý vị nhưng vì độc giả Viên Âm muốn dành hết số trang cho giáo lý nên đến số 4, ông hy sinh hai mục đó và chỉ giữ lại mục câu chuyện khôi hài, tức là câu chuyện của chú tiểu Cửu Giới.


Viên Âm 
ra mắt số đầu ngày 1.12.1933. Danh từ Viên Âm được giải thích như sau: “Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn; tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh, tròn làm sao, trong tròn, ngoài tròn, trên tròn, dưới tròn, cũng tam giới khắp thập phương, lớn nhỏ xa gần đâu đâu cũng tròn cả”.

Khả năng học Phật của Tâm Minh có thể nhận ra trong các thiên khảo luận như Kết Sinh Tương Tục Luận và trong các bản dịch thuật và chú giải của các kinh như Lăng Nghiêm Kinh. Tuy làm được thật nhiều việc, ông vẫn có thái độ khiêm cung và sự khiêm cung này được trông thấy nơi một bài thơ ông làm và đăng ở Viên Âm số 17 (tháng Chín 1935):


Bấy nay vật vã kiếp phù trầm

May đặng vào tai tiếng Phạm Âm

Tùy tiện trau dồi gương chánh kiến

Ứng cơ giảng giải lý duy tâm

Ngộ mê vẫn đủ ngôn thân ý

Sinh tử nguyên vì sát đạo dâm

Tam bảo từ bi xin mật hộ

Cho khi hoằng pháp khỏi sai lầm.


Có thể nói là Tâm Minh Lê Đình Thám đã trao truyền được chí nguyện hoằng pháp cho thế hệ đi sau ông. Rảnh tay về Viên Âm, ông dồn nghị lực xây dựng cơ sở cho một Phật học Viện lớn tại Kim Sơn gọi là Tòng Lâm Kim Sơn để dời tất cả các lớp Phật học ở kinh đô về. Dự án đẹp đẽ này chưa thành thì Cách mạng Tháng Tám xảy ra và công việc bị đình trệ.


Năm 1946 cuộc chiến Pháp – Việt bùng nổ, dân chúng Huế tản cư, ông cùng gia đình di tản về Quảng Nam. Từ 1947 tới 1949 ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến miền Nam Trung Bộ. Tại liên khu V của vùng kháng chiến, ông tập hợp một số đoàn viên của đoàn Phật học Đức Dục có mặt trong vùng và thành lập tổ chức “Phật giáo và Dân Chủ Mới” tại Bồng Sơn, Bình Định, nghiên cứu việc tổng hợp giáo lý Phật giáo và lý thuyết Mác-Lê. Trong những tài liệu được phát hành có tập Đạo Phật Và Nền Dân Chủ Mới của Nguyễn Hữu Quán.


Mùa Hè năm 1949, ông được lệnh ra Bắc. Ở đây ông được đề bạt làm Chủ tịch Phong trào Vận động Hòa bình Thế giới. Năm 1956 ông được đi dự lễ Buddha Jayanti tại Ấn Độ với pháp sư Thích Trí Độ. Trong dịp này tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn tại chùa Thiên Phúc đã được mang theo để triển lãm.


Năm 1961 toàn bộ Kinh Lăng Nghiêm mà ông đã khởi công phiên dịch và chú giải trên Viên Âm được xuất bản. Ông mất vào ngày 23.4.1969 tại Hà Nội, thọ bảy mươi ba tuổi.


Tâm Minh Lê Đình Thám thật xứng đáng có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại. Ông là một người dễ mến và đầy nhiệt tình. Ông luôn luôn được bao quanh với bạn bè. Bên ông có những nghệ sĩ tài ba như Bửu Bác và Nguyễn Khoa Toàn (Công việc trùng tu chùa Từ Đàm để làm trụ sở cho hội An Nam Phật học được thành tựu đẹp đẽ nhờ sự có mặt của Nguyễn Khoa Toàn. Ông Toàn đã trông coi về phương diện mỹ thuật. Tượng Phật chùa Từ Đàm là do ông điêu khắc). Tâm Minh lại không hề xa cách với tuổi trẻ. Có khi ông hồn nhiên như trẻ con. Một hôm từ nhà, ở số 31 đường Nguyễn Hoàng, ông đi bộ lên Từ Đàm. Dưới dốc Nam Giao ông gặp hai đứa trẻ ngồi đánh cờ tướng bên đường. Ông ghé mắt xem, thấy một bên đang bí nước. Ông liền ngồi xuống chỉ cờ cho em bé. Và ông ngồi chơi đánh cờ với bọn trẻ tới hơn một giờ đồng hồ mới đứng dậy tiếp tục lên chùa. Có công, có lòng với Cách mạng, ông đã thao thức muốn điều hợp học thuyết xã hội chủ nghĩa với Phật pháp và đã có công bênh vực khi Phật giáo bị đè nén ở liên khu V. Cũng vì vậy mà ông bị triệu ra Bắc. Ông ra Hà Nội bằng đường mòn Hồ Chí Minh, dọc theo dãy Trường Sơn. Năm 1956 được gặp các đại biểu miền Nam tại đại hội Buddha Jayanti, ông rất phấn khởi khi nghe tin tức Phật giáo miền Nam. Vì lý do đó, khi về Hà Nội ông không còn được giữ chức Chủ tịch Phong trào Hòa bình nữa. Tuy vậy, ông đã làm đủ mọi cách để có thể xuất bản được cuốn kinh Thủ Lăng Nghiêm do ông dày công phiên dịch và chú giải. Ngày xuất bản kinh này năm 1961 tại chùa Quán Sứ, chắc chắn là một ngày vui và một niềm an ủi lớn cho ông.


Ông phiên dịch và viết lách khá nhiều, phần lớn đều được in trên Viên Âm. Sau đây là một đoạn văn của ông mà chúng tôi thiết nghĩ có thể tóm tắt được nhận thức của ông về Phật giáo đại thừa. Đoạn văn này được trích trong Lời nói đầu mà ông viết vào mùa Xuân năm 1961 tại Hà Nội, in ở đầu bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm. Ta nên nhớ rằng những dòng này viết trong môi trường của một xứ xã hội chủ nghĩa:


“Chư Phật ra đời chỉ nhằm một mục đích là dạy bảo chỉ bày cho chúng sinh giác ngộ và thực chứng Pháp-giới-tính như Phật. Pháp-giới- tính là tính bản nhiên của tất cả sự vật, nghĩa là của tất cả các chuyển động và các hiện tượng trong vũ trụ.


“Tính bản nhiên ấy là tính 
trùng trùng duyên khởi, nghĩa là tính ảnh hưởng dây chuyền của một sự vật đối với tất cả sự vật, của tất cả sự vật đối với một sự vật. Ví như một con cá nhỏ vẫy đuôi, tuy rung động rất ít, nhưng nếu có khả năng đo lường chính xác, thì cũng có thể thấy ảnh hưởng cùng khắp bốn bể.


“Do mọi sự vật đều chịu ảnh hưởng của tất cả sự vật nên đều chuyển biến không ngừng. Do mỗi sự vật chuyển biến không ngừng nên ảnh hưởng lại tất cả sự vật đều chuyển biến không ngừng. Song ảnh hưởng của các loại sự vật đối với một sự vật không giống nhau, cái thì trực tiếp, cái thì gián tiếp qua một hay nhiều lớp, do đó tác động cũng không giống nhau. Trong ảnh hưởng phức tạp của tất cả sự vật làm cho một sự vật xuất hiện và chuyển biến, đạo Phật đã rút ra một quy luật bản nhiên là luật nhân – quả.


“Luật nhân – quả là một quy luật rất sinh động không phải luôn luôn đơn giản như trồng lúa thì được lúa. Lại chính việc trồng lúa được lúa cũng không đơn giản lắm, vì phải có đất, nước, phân, cần, giống, phải kể đến thời tiết thuận nghịch, đến kỹ thuật cày cấy, v.v… thì mới chắc được lúa và được nhiều lúa. Vì thế nên nhân quả và định mệnh khác nhau rất nhiều. Định mệnh thì việc gì cũng đã định trước rồi, không làm sao tránh khỏi được; còn nhân quả thì chẳng những có nhân quá khứ sinh quả hiện tại, mà lại còn có nhân hiện tại sinh quả hiện tại (trong đó có cả ảnh hưởng của hoàn cảnh, ảnh hưởng của tư tưởng hành động bản thân). Hai dây chuyền nhân quả đó thường xuyên ảnh hưởng lẫn nhau, làm cho quả báo hiện tại thay đổi từng giờ từng phút. Vật chất có nhân quả vật chất, tâm thức có nhân quả tâm thức, hai bên ảnh hưởng lẫn nhau nhưng không nhất thiết giống nhau. Đối với Đạo Phật, nhân quả tâm thức là chủ yếu, vì nó quy định sự tiến hóa hay thoái hóa trên con đường giải thoát.


“Các vị thanh văn duyên giác, theo đạo lý nhân quả, trừ bỏ nguyên nhân luân hồi và chứng quả vô sinh, nhưng vẫn còn tu chứng trong nhân quả, chứ chưa rõ được then chốt nhân quả.


“Then chốt nhân quả là Pháp-giới-tính trùng trùng duyên khởi, nghĩa là một sự vật duyên tất cả sự vật, tất cả sự vật duyên một sự vật,
 trong một có tất cả, trong tất cả có một, một tức là tất cả, tất cả tức là một. Tính ấy gọi là tính chân như, là thật tướng, là Phật tính, là Như Lai Tạng Tính, là pháp tính, là tâm tính, v.v…


“Tính ấy bình đẳng, không thật có sinh có diệt, có người, có mình, có tâm, có cảnh, có thời gian, có không gian, không thấp, không cao, không mê, không ngộ; tính ấy duyên khởi ra tất cả sự vật, không có ngăn ngại, đồng thời cũng tức là bản tính của tất cả sự vật, không hề thay đổi.

Tam thế chư Phật, chư Đại Bồ Tát, thật chứng và nhập một với Pháp-giới-tính nên phát khởi vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, hiện ra vô số thân, theo duyên hóa độ vô lượng vô biên chúng sanh, nhưng vẫn không gì ra ngoài Pháp-giới-tính. Chúng sinh chưa chứng được Pháp- giới-tính nên theo duyên mà luân hồi trong lục đạo. Nhận thức khác nhau nên chỗ thụ dụng của Phật và của chúng sinh khác nhau, nhưng Pháp-giới-tính vẫn như vậy, không thêm, không bớt.


“Pháp-giới-tính là tính chung của các loại vô-tình như cây, như đá và của các loại hữu-tình như động vật; nhưng chỉ các loại hữu tình, đặc biệt các loại có trình độ nhận thức khá cao như loài người, mới có khả năng chứng được Pháp-giới-tính và thành Phật đạo. Do đó nên Pháp-giới-tính nói các loài hữu tình cũng gọi là Phật tính.


“Các loài hữu tình chủ yếu là những cái tâm làm cho có sống, có cảm giác, có nhận thức, có suy nghĩ, có ghi nhớ, v.v… Cái tâm là một sự vật nên bản tính vẫn là Pháp-giới-tính như các sự vật khác.


“Khi học đạo và tu chứng, tâm ấy có thể quán sát Pháp-giới-tính nơi cây, nơi đá, hay quán sát Pháp-giới-tính nơi tự tâm; nhưng khi xét nhận được Pháp-giới-tính nơi tự tâm thì có phần dễ nhập với Pháp-giới-tính hơn là khi xét nhận được Pháp-giới-tính nơi cây, nơi đá.


“Vì thế Phật thường dạy người đời tu chứng Pháp-giới-tính nơi tự tâm mình và gọi Pháp-giới-tính đó là tâm tính.


“Song tâm tính vốn là Pháp-giới-tính chứ không phải tính riêng của tự tâm và khi chứng ngộ được tâm tính rồi thì cả tâm riêng cũng không còn nữa.


“Phật thuyết pháp theo căn cơ của chúng sinh, nên pháp của Phật khi thấp, khi cao, khi quyền, khi thật, khác nhau. Nhưng dầu Phật dạy 
Tam quy, ngũ giới, thập thiên, dạy tứ đế, thập nhị nhân duyên hay dạy về pháp tính, pháp tướng, tâm tính, chân như, chân không, thật tướng, v.v… Phật luôn luôn nhắm mục đích chỉ bày cho chúng sanh chứng ngộ trí tuệ của Phật, nghĩa là chứng ngộ Pháp-giới-tính”.


CÁC CAO TĂNG LÀM RƯỜNG CỘT CHO PHONG TRÀO CHẤN HƯNG

Như ta đã biết, hội An Nam Phật học không những đã có được sự yểm trợ của hầu hết các phần tử trong sơn môn mà còn có được sự cộng tác tích cực của những vị tăng sĩ trẻ tuổi và có học của sơn môn đào tạo nữa. Sự cộng tác này phần lớn nằm trong phạm vi hoằng pháp: giảng diễn cho tín đồ, giáo huấn học tăng, trước thuật bài vở và kinh sách. Tuy nhiên nhìn hội An Nam Phật học với những thành quả mà nó thu lượm được chỉ là mới nhìn thấy bông hoa nở trên nhành cây mà chưa nhìn thấy tự thân cái cây ấy. Tuy nói rằng Phật giáo suy yếu, cần phải phục hưng, nhưng nếu căn bản và tiềm lực không có thì sự phục hưng ấy sẽ trở nên rất khó khăn. Sở dĩ ta có được một Mật Khế hay một Lê Đình Thám là nhờ ta đã có được một Giác Tiên. Mà nhìn vào Giác Tiên chẳng hạn thì ta thấy được Tâm Tịnh, bổn sư của ông, Tuệ Pháp, giáo thọ của ông, Viên Thành, bạn thân của ông, Giác Nhiên, sư đệ của ông và Phước Hậu, Đắc Ân, Tịnh Hạnh, v.v… tức là những người đã chấp nhận làm chứng minh đạo sư cho hội An Nam Phật học do ông sáng lập. Nhìn lại cuộc đời của những vị đó thì ta có thể có một ý niệm về những tiềm lực của đạo Phật đã đưa tới sự chấn hưng của Phật giáo Trung Kỳ.


THIỀN SƯ TÂM TỊNH

Thiền sư Tâm Tịnh, bổn sư của Giác Tiên, là một trong những đệ tử xuất sắc của thiền sư Lương Duyên, người đã đắc pháp với thiền sư Nhất Định, tổ khai sơn chùa Từ Hiếu[13]. Như ta đã biết, ngoài thiền sư Lương Duyên, tổ Nhất Định còn có hai người đệ tử khác là Cương Kỷ và Linh Cơ. Cũng như Lương Duyên, hai thiền sư Cương Kỷ và Linh Cơ đã đào tạo được và để lại cho Sơn môn Thừa Thiên nhiều vị tăng sĩ xuất sắc. Ngoài Tâm Tịnh, thiền sư Lương Duyên còn có những đệ tử xuất sắc khác như Tâm Quảng, Tâm Thể và Tâm Truyền. Thiền sư Tâm Tịnh đã từng giữ chức Tăng Cương chùa Diệu Đế. Ông tên là Nguyễn Hữu Vĩnh. Phát xuất từ chùa Từ Hiếu, ông đã kế vị thiền sư Huệ Đăng làm trú trì chùa này trong nhiều năm. Năm 1904, để có nhiều thì giờ tu tập hơn, ông nhường chức vị trú trì tổ đình cho thiền sư Huệ Minh và đến cất am Thiếu Lâm ở chùa Tây Thiên để tu hành. Chùa này ở một vùng đồi nhỏ, có trồng nhiều thông, ở về phía Tây Nam núi Ngự Bình. Ông mang theo về Tây Thiên một người đệ tử: Đó là thiền sư Giác Tiên, hồi đó mới hai mươi bốn tuổi.

Ở Tây Thiên ông thu nhận thêm nhiều vị đệ tử, trong đó có các vị Giác Nguyên và Giác Nhiên. Cùng với Giác Tiên, hai vị này đã từng đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo và đã trở thành những nhân vật rường cột cho Phật giáo sau này. Thiền sư Tâm Tịnh mở lớp dạy Phật pháp cho các đệ tử và những người khác đến cầu học với ông. Tiếng thơm đạo hạnh của ông được đồn xa, và trong số những người hâm mộ ông có cả vua Khải Định. Ông vua này thường hay để xe cộ và thị vệ dưới đồi và đi bộ một mình lên chùa. Một hôm thiền sư Tâm Tịnh gặp vua ở trước am Thiếu Lâm, liền chắp tay chào và niệm: “Nam Mô Khải Định Vương Bồ Tát”. Vua Khải Định chưa hỏi lý do gì thì ông giải thích: “Quốc Vương là một vị Bồ Tát hộ pháp”. Vua hỏi thêm thì ông cho biết hiện giờ ông đang tổ chức đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu mà thiếu phương tiện tài chính. Vua Khải Định bèn hứa cúng dường những phương tiện còn thiếu ấy. Đó là vào năm 1924. Giới đàn này đã được thiền sư Huệ Minh tổ chức vào ngày 16, 17, 18 và 19 tháng Bảy dương lịch. Số giới tử là 450 vị, trong đó có 300 tăng ni. Những thiền sư có mặt trong hội đồng Hộ Giới của giới đàn này là: thiền sư Tâm Tịnh (tăng cương chùa Diệu Đế, đàn đầu hòa thượng), thiền sư Trương Văn Luận (tăng cương chùa Thiên Mụ, giáo thọ), thiền sư Đinh Văn Lực (trú trì chùa Diệu Đế, giáo thọ), thiền sư Phạm Gia Khánh (trú trì chùa Báo Quốc, đệ nhất tôn chứng), thiền sư Viên Thành (trú trì chùa Tra Am, đệ nhị tôn chứng), thiền sư Đặng Kỳ Đỉnh (trú trì chùa Thiên Mụ, đệ tam tôn chứng), thiền sư Phúc Hậu (trú trì chùa Linh Quang, đệ tứ tôn chứng), thiền sư Đỗ Giác Viên (tự trưởng chùa Hồng Khê, đệ ngũ tôn chứng), thiền sư Hoằng Nguyện (tự trưởng chùa Viên Thông, đệ lục tôn chứng), thiền sư trú trì chùa Chúc Thánh (Quảng Nam, đệ thất tôn chứng).


Ta đã được đọc bài kệ phú pháp của ông trao cho thiền sư Giác Tiên trong phần lược sử của thiền sư này.


Thiền sư Tâm Tịnh thuộc về thế hệ thứ 41 dòng Lâm Tế. Ông mất năm 59 tuổi. Thiền sư Viên Thành ở chùa Tra Am, một thiền sư thi sĩ nổi tiếng thời ấy, tặng đôi câu đối như sau:


Tứ thập nhất đại Lâm Tế chấn thiền phong, đào chú công thâm, thùy thụ đương đầu hát bổng?

Ngũ thập cửu niên Diêm Phù thùy hóa tích, trí bi nguyện mãn, nhi kim tát thủ hoàn gia!


Hai câu đối Nôm sau đây được ni chúng và nữ cư sĩ ở Huế đưa tặng:


Chốn Song Lâm mây ẩn bóng Ưu Đàm, dứt nối tiếng chuông, dép cỏ đi về còn tưởng tượng.

Miền Thiếu thất trăng lồng gương Bát Nhã, mênh mang biển học, thuyền từ che chở biết nhờ ai?


THIỀN SƯ HUỆ PHÁP

Thiền sư Huệ Pháp[14], giáo thọ của Giác Tiên, là tọa chủ chùa Thiên Hưng. Năm 1920, khi ông khai giảng lớp Phật pháp cao học tại đây, thiền sư Giác Tiên, không những đã tới tham học mà lại còn đem các vị đệ tử của mình tới dự thính nữa. Thiền sư Huệ Pháp, người họ Đinh, sinh năm 1871 tại làng Trung Kiên phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu, làm đệ tử của thiền sư Cương Kỷ. Năm 21 tuổi, thọ Sa di giới, ông được thiền sư đặt pháp danh là Thanh Tú, pháp tự là Phong Nhiêu. Ông thọ giới Cụ Túc tại Giới Đàn tổ chức tại chùa Báo Quốc năm 1894 do thiền sư Lương Duyên tổ chức. Năm sau, ông được đắc pháp với thiền sư Lương Duyên, hiệu là Huệ Pháp. Năm 1896, môn đồ chùa Thiên Hưng đến Từ Hiếu đảnh lễ thiền sư Cương Kỷ để xin rước Huệ Pháp về trú trì chùa Thiên Hưng.


Ông hành đạo rất tinh tấn. Mỗi năm ông an cư hai lần, vào mùa Hạ và mùa Đông. Ông thường mở những lớp giảng kinh cho những tăng sĩ tới cầu học: kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Phạm Võng, luật Tứ Phần, v.v… Năm 1910, ông được mời làm đệ tam tôn chứng trong giới đàn chùa Phúc Lâm ở Quảng Nam do thiền sư Vĩnh Gia chủ tọa. Năm 1911 ông khởi công trùng tu chùa Thiên Hưng. Vua Khải Định ban giới đao độ điệp cho ông vào năm 1919 và sắc cho ông làm trú trì chùa Diệu Đế. Năm 1924, ông được mời làm giáo thọ cho toàn thể giới tử đại giới đàn Từ Hiếu. Năm 1926 ông được ban chức Tăng Cương chùa Diệu Đế. Ông tự thiêu năm 1927 tại chùa Thiên Hưng, hưởng thọ 56 tuổi. Tháp ông được xây tại chùa Từ Hiếu và đệ tử của ông là thiền sư Quảng Tu kế thế trú trì chùa Thiên Hưng. Bài văn khắc trong bia dựng ở tháp ông là do thiền sư Viên Thành thảo. Viên Thành đã viết:


“Đại sư thiệp liệp giáo pháp; tông chỉ và lý thuyết đều tinh, chuyên tâm nghiên cứu nghĩa lý chỉ quán phái Thiên Thai, lại thường khuyên người tu Tịnh độ để làm con đường giải thoát mau chóng… Đại sư tùy cơ ứng đối thích hợp như sữa và nước hòa nhau, cơ duyên hóa độ rất nhiều, không sao thuật hết…”

Đối với Huệ Pháp, Viên Thành là một pháp diệt. Ông xem Huệ Pháp như thầy của ông và giao tình giữa hai người suốt mời mấy năm rất mật thiết. Lúc Huệ Pháp viên tịch, Viên Thành rất thương tiếc. Ông đi một đôi câu đối như sau:


Bất tuệ nhân vị nhẫn xả thiên tiên, tri kỷ lệ thành Hồng hạnh vũ;

Đại khai sĩ hữu duyên quy Phật tảo, cố sơn mộng đoạn Bích đào thiên.

Dịch:

Kẻ hậu sinh chưa nỡ bỏ thân ngay, tri kỷ khóc thành mưa Hồng hạnh;

Bậc khai sĩ có duyên về Phật sớm, non xưa mộng thấy chốn Đào hoa.


Bài minh của Viên Thành viết ở cuối bia như sau:

Giác Hoàng ứng thế thùy vi ngôn

Bàng bạc nhật nguyệt, châu kiền khôn

Trí giả tài biện cùng hóa nguyên

Thì vi diễn thuyết khai mê hôn.

Hằng sa giáo điển tuy vân vân,

Diệu nhập Thiên Thai Chỉ Quán môn.

Đại sư cận xuất dương thanh phân

Chí kiên, khí trực, mạo thả ôn.

Thiếu nhi mẫn ngộ, lão ích cần.

Hoặc sám hoặc giảng vong bô hân.

Trung hưng giáo quán chân điệt quần.

Tung hoành ngôn luận diệu nhập thần.

Di văn xán nhược khả ngôn lân.

Từ thuần lý chính đạo bất phiền,

Hà nhĩ học đồ nhật tuấn bôn.

Ký tư chính giác tiêu ba tuần.

Hạnh cao danh trọng thượng quốc văn.

Thiên tử khiển sứ lai trung hôn.

Triều dã huân thích cố sở hân.

Điệp mông cung tứ hồi thiên ân

Tri thân biến diệt như phù vân

Thệ dũng khí xả cam xu phần.

Tông thuyết kiêm thông, thùy kỳ nhân!

Sư tâm liễu liễu sở túc đôn,

Pháp thân vô tướng, ninh phi chân?

Kim tuy vân vong, ninh phi tồn?

Hậu thế tử tôn kỳ phồn phồn.

Khâm sư đạo hạnh quan tư văn.


Dịch:

Giác Hoàng ứng thế mở lời mầu

Bàng bạc trăng sao nghĩa thẳm sâu

Kẻ trí biện tài đem giáo hóa

Thuyết pháp cứu độ đời thương đau

Giáo điển tuy nhiều đến vô lượng

Thiên Thai Chỉ Quán riêng tâm đầu

Đại sư xuất thân dòng cao khiết

Chí bền, lòng thẳng, dáng thanh tao

Tuổi thơ nhanh nhẹn, lớn cần mẫn

Thiền sàng pháp tọa không hề xao.

Trùng hưng giáo quán trong thiên hạ

Ngôn luận tung hoành như trời cao

Văn từ sáng rỡ không khúc mắc

Giản lược lời ngay ý nghĩa sâu

Học đồ bốn phương về tụ hội

Đuốc tuệ soi đường, ma chạy mau.

Nhà vua tôn sùng sai sứ thỉnh

Trong triều ngoài quận thảy mong cầu

Biết thân bèo bọt như mây nổi

Phó thác hình hài ngọn lửa cao

Thiền giáo hai bên đều nắm vững

Tâm tư sáng rỡ bậc anh hào

Pháp thân không tướng mà chân thực

Nói mất mà còn muôn đời sau

Cháu con sau này như có nhớ

Tìm tới bia này đọc mấy câu.[15]


QUỐC SƯ PHƯỚC HUỆ

Thiền sư Phước Huệ[16] trú trì chùa Thập Tháp Di Đà Bình Định là một vị thiền sư nổi tiếng bác thông kinh luận. Chùa Thập Tháp thời đó là một đạo tràng nổi tiếng và tăng sinh nhiều tỉnh đã tìm tới tham học. Thiền sư Mật Khế cũng đã vào thụ giáo tại đây.


Thiền sư Phước Huệ tên là Nguyễn Tấn Giao, sinh năm 1869 tại làng Nhơn Thành, Bình Định, xuất gia năm 1881 tại chùa Thập Tháp dưới sự hướng dẫn của thiền sư Chí Tịnh. Ông lại được theo học với thiền sư Châu Long chùa Tịnh Lâm, Phù Cát và thiền sư Luật Truyền tại chùa Từ Quang ở Đá Trắng. Ông thọ đại giới năm 1889 và đắc pháp năm 1892 với thiền sư Luật Truyền. Năm 1894, ông làm trú trì chùa Phổ Quang ở huyện Tuy Phước. Năm 1901 ông được triều đình ban cho giới đao độ điệp làm tăng cương cho chùa Thập Tháp. Năm 1908 ông được mời ra hoàng cung giảng đạo đồng thời cũng để khai một khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm. Các vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định đều có mời ông vào cung giảng đạo. Vì vậy ông được tôn xưng là quốc sư.


Năm 1920 ông tổ chức các lớp tăng học tại hai chùa Thập Tháp và Long Khánh. Từ năm 1930 trở đi, theo lời thỉnh cầu của thiền sư Giác Tiên, năm nào ông cũng ra Huế giảng dạy. Năm 1938 ông lại được mời làm chủ giảng Phật học đường Long Khánh ở Quy Nhơn.


Tại Huế, ngoài các lớp cao học tại Trúc Lâm, ông còn dạy các lớp cấp trung học tại Tường Vân và Tây Thiên. Phần lớn những giáo sư và giảng sư hoạt động từ năm 1938 trở đi đều có thụ giáo với ông, trong số đó có nhiều vị gốc từ Nam Kỳ.


Năm 1943, ông có đề tựa cho sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của thiền sư Mật Thể. Bài tựa này được viết bằng Hán văn tại chùa Thập Tháp.


Khả năng giáo hóa của Phước Huệ rất vĩ đại, vì vậy người đương thời đã tặng ông mỹ hiệu “Phật pháp thiên lý câu” nghĩa là “con ngựa ngàn dặm của Phật pháp”. Ông là tổ khai sinh chùa Phước Long tại Phú Phong; thiền sư Trí Diệu, đệ tử của ông là trú trì chùa này. Ông tịch năm 1945 tại chùa Thập Tháp. Đệ tử xuất sắc nhất của ông là thiền sư Huệ Chiếu, được ông ủy nhiệm kế thế trú trì chùa Thập Tháp. Thiền sư Huệ Chiếu tịch năm 1965 và trao trách nhiệm cho thiền sư Kế Châu.


THIỀN SƯ PHỔ HUỆ

Thiền sư Phổ Huệ[17] trú trì chùa Tịnh Lâm ở Bình Định cũng là một ngôi sao rất sáng của Phật giáo thời ấy. Thiền sư là người họ Trần, sinh năm 1870 tại làng Nhơn Thành tỉnh Bình Định. Ông xuất gia năm 1882 tại chùa Châu Long và tu học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Từ Mẫn.


Ông cũng đã được học Phật với thiền sư Luật Truyền (Pháp Chuyên), chùa Từ Quang, ở Phú Yên. Cũng như thiền sư Phước Huệ, ông đã từng được triệu vào hoàng cung thuyết pháp. Ông là khai tổ chùa Bảo Phong. Ông tịch năm 1931. Cao đệ của ông là thiền sư Huyền Giác kế thế trú trì tổ đình Tịnh Lâm. Đạo tràng chùa Tịnh Lâm rất thịnh vượng, tiếng tăm vang khắp cả Trung Kỳ. Năm 1901 thiền sư Viên Thành, hồi ấy còn nhỏ tuổi và còn ở chùa Ba La Mật, đã được gặp thiền sư Phổ Huệ tại đại giới đàn Phú Yên và rất lấy làm cảm phục về kiến thức cũng như đức độ của vị cao tăng này. Ước ao được thân cận mà không thỏa nguyện, Viên thành có làm bài kệ sau đây, gửi cho Phổ Huệ:


Bình bát truy tùy dĩ hữu niên,

Đạo năng thâm khế diệc tiền duyên

Vân quang thuyết pháp hoa ưng trụy

Quý phạp Tô Tuân chí học kiên.


Dịch:

Y bát bên mình trọn mấy niên

Đạo tinh thâm áo cũng tiền duyên

Vân Quang thuyết pháp hoa rơi rụng

Thẹn với Tô Tuân chí học bền.


Khoảng năm 1926, thiền sư Phổ Huệ có viết thư khen ngợi thiền sư Viên Thành về bài bạt mà ông này đề trong ấn bản kinh Pháp Bảo Đàn ấn hành tại Huế năm 1925. Cảm động vì lá thư này, Viên Thành liền gửi vào hai bài kệ do ông sáng tác để trình bày kiến giải mình, để cầu thiền sư Phổ Huệ ấn chứng. Hai bài như sau:


Tham thiền trực hạ liễu căn nguyên

Thánh giải phàm tình lưỡng bất tồn

Đại đạo khởi tùng tâm ngoại đắc?

Yếu giao nhất niệm tuyệt phan viên.

Sơn cùng thủy tận chuyển Thân lai

Bức đắc kim cương chính nhãn khai

Vạn tượng tùng trung thân độc lộ

Niết bàn sinh tử tuyệt an bài.


Dịch:

Tham cứu cho lên tột cội nguồn

Còn đâu ai thánh với ai phàm?

Ngoài tâm, đạo lớn tìm đâu thấy?

Nhất niệm chuyên trì dứt vạn duyên.

Cùng non tột nước gửi thân về

Miễn được Kim Cương mở mắt kia

Vạn tượng bao la thân hiển lộ

Niết bàn sinh tử có hề chi?


Phổ Huệ có làm nhiều thơ nhưng hiện nay chỉ mới sưu tập được một bài ông làm để tặng thiền sư Chí Thành. Xin xem bài này ở phần nói về thiền sư Chí Thành ở Chương XXVII.


THIỀN SƯ VIÊN THÀNH VÀ THI PHẨM LƯỢC ƯỚC TÙNG SAO

Thiền sư Viên Thành như đã nói là một thi sĩ nổi tiếng. Ông là bạn thiết của thiền sư Giác Tiên, tên là Công Tôn Hoài Trấp, sinh năm 1879 ở Thừa Thiên. Ông xuất gia năm 1895 hồi 16 tuổi, tại chùa Ba La Mật và học với thiền sư Viên Giác[18] cho đến khi thiền sư mất vào năm 1900. Năm 1901, ông thọ đại giới tại Giới Đàn Phú Yên. Tại giới đàn này ông đậu đầu trong các giới tử. Ông làm một bài văn tạ ơn hội đồng giám khảo bằng Hán văn, được các vị trong hội đồng khen ngợi và thưởng cho một bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn, một số y và một bình bát.


Chùa Ba La Mật là của gia đình Nguyễn Khoa lập nên. Cảm thấy không được thoải mái ở đây, năm 1923 ông lên lập chùa Tra Am gần tháp thiền sư Viên
Giác, thuộc về thôn An Cựu. Chùa chỉ là một thảo am vách đất nhưng rất đẹp và biểu hiện được tâm hồn yêu nghệ thuật của Viên Thành. Những cội mai và khóm trúc ông trồng được phối hợp với những tảng đá gánh từ trên núi Ngự Phong về. Ông đặt tên dòng suối nhỏ chảy qua trước chùa là Tẩy Bát Lưu và chiếc cầu nhỏ bắc qua suối là Lược Ước Kiều. Tên chùa là Tra Am và nơi đọc sách là Ngọa Vân Khốt. Chùa đẹp và giản dị khiến cho thượng thư bộ kinh tế là Nguyễn Khoa Kỳ một hôm đến thăm đã để lại bài thơ sau đây:


Nhịp cầu Lược Ước bắc sang khe

Một mái am tranh gió bốn bề

Cúc nở xuê xoang tuồng nệm gấm

Dây leo dỏng dảnh bức màn the

Ngồi xem nước chảy đôi ghềnh đá

Đứng đợi trăng lên mấy cụm tre.

Cảnh có, người vui, càng rốn lại

Mặt trời khuất núi vẫn chưa về.


Tiêu đầu Nguyễn Bá Trác, hồi đó đang trông nom phần Hán văn cho tạp chí Nam Phong, cũng đã viết bài thơ sau đây về Tra Am:


Lộ chuyển thôn khê tăng viện thâm

Ngọ chung thanh đậu trúc kiều âm

Chủ nhân tọa định tây song lý

Ly điểu đình hoa chứng đạo tâm.

Vũ Hoàng Chương dịch như sau:

Bóng gợn cầu tre nhịp ngọ chung

Âm u tăng viện lối đi vòng

Chủ nhân ngồi nhập thiền bên cửa

Hoa nở chim kêu chứng tỏ lòng.


Ông thường giao thiệp thân mật với các thiền sư Tâm Tịnh, Huệ Pháp, Tịnh Hạnh, Giác Tiên, cùng với các văn thi sĩ như Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Cao Tiêu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Khôi, Lê Thiện Trai, Ưng Bình, Nguyễn Khoa Tân[19], v.v… Năm 1918, Phan Khôi có đưa Phạm Quỳnh lên chùa Ba La Mật để thăm Viên Thành. Sau đó, Phạm Quỳnh đã viết trong báo Nam Phong:


“Cao Tăng hiệu là Viên Thành Thượng Nhân, trú trì chùa Ba La Mật, làng Nam Phổ, cách Huế bốn năm cây lô mét… Nhờ có ông bạn giới thiệu tôi mới được biết thượng nhân, thực là cảm phục tư cách phong nhã, tư tưởng cao thượng của người… Bước chân vào trong tịnh xá, tưởng như nơi văn phòng của thi nhân tao khách nào. Không phải do bày biện đẹp, không phải là cách trang sức khéo, mà bởi cái khí vị riêng của nó phảng phất ở trong cái phòng ấy, khiến người khách chơi biết ngay ông chủ nhân là người phong nhã tài tình. Mà Thượng Nhân quả là người tài tình phong nhã thật.


“Cái tài tình của Viên Thành Thượng Nhân thì không phải tìm đâu xa; cứ nghe ngay câu chuyện người nói cũng đủ biết; mỗi nhời như nhả ngọc phun châu, mà tưởng cứ tự nhiên thành bài thơ ứng khẩu vậy. Người thơ chữ đã tuyệt bút mà thơ Nôm cũng rất hay”.


Thơ văn chữ Hán của thiền sư Viên Thành một phần được giữ lại trong tác phẩm Lược Ước Tùng Sao của ông. Tác phẩm này chỉ giữ được hai bài thơ Nôm. Ông Nguyễn Văn Thoa cho biết đã sưu tầm lại được khoảng ba mươi bài dưới các thể lục bát, song thất lục bát, hát nói và Đường luật[20].


Lược Ước Tùng Sao 
sao chép thơ từ, câu đối, bi ký do Viên Thành và các thân hữu sáng tác từ lúc ông còn ở Ba La Mật cho tới khi đến Tra Am. Riêng về thơ có gần bảy mươi bài bằng chữ Hán. Tác phẩm này tuy chưa được in lần nào, nhưng đã được chính tác giả duyệt lại và chữa những chỗ viết sai.

Sau đây ta duyệt qua ít bài thơ của ông. Trước hết là ba bài thơ chữ Hán:


1/ Sơ lâm vũ quá tịch dương thì

Khê bạn hoành tương trúc địch xuy

Nhất khúc tự ngu sơn thủy lục

Thử tình bất dữ bạch vân tri.


Bửu Cầm dịch:

Mưa tạnh rừng thưa lúc bóng tà

Bên khe tiếng sáo vẳng đưa xa

Vui thay một khúc cùng non nước

Tình nọ mây kia dễ biết ta.


2/ Tọa ủng quần phong phú bạch vân

Oanh đề thâm cốc bất tri xuân

Nham tiền hoa vũ tân phân lạc

Ngọ mộng sơ hồi thúc cổ nhân.


Dịch:

Nơi chốn non cao phủ bạch vân

Tiếng oanh hoang vắng nhắc mùa Xuân

Hoa trên sườn núi thi nhau rụng

Tỉnh giấc trưa rồi nhận cố nhân.[21]


3/ Tạc tiêu thanh tại thụ gian đa

Hạc lãnh sơn không nại nhĩ hà

Nhật mộ tiêu tiêu vu giáp vũ

Thụ phong niễu niễu Động Đình ba

Chỉ dư cổ bách tam phân thúy

Vô phục sương phong nhị nguyệt hoa

Quái để Lan Đài bi Tống Ngọc

Bất như lưu khứ nhậm thùy tha.


Vũ Hoàng Chương dịch:

Rì rào cây vẳng tiếng đêm qua

Nghe lạnh đồi không chiếc hạc già

Vu Giáp chiều buông mưa lất phất

Động Đình thu gợn sóng bao la

Tùng khô chỉ sót đôi phần lá

Bàng rợp đâu tìm một tán hoa

Lạ nỗi đau lòng chi Tống Ngọc,

Còn hay mất hãy mặc trời xa.


Sau đây là một vài bài thơ Nôm:


1/ Mai tĩnh, song thanh, lúc ngớt mưa

Mành tương phảng phất án sen đưa

Tiếng chuông Thiên Mụ canh hầu sáng

Giấc mộng hoàng lương đã tỉnh chưa?


2/ Lững thững bên trời ngọn ráng thưa

Đặng bờ thu thảo ngớt cơn mưa

Rêu xanh đá mọc nhìn đường cũ,

Khói biếc thành xây tưởng dấu xưa

Mây phủ nhịp cầu sen ẩn ước

Cây lồng bóng nước cảnh thừa ưa

Khách quen năm trước bây giờ đến

Thử hỏi non sông đã biết chưa?


3/ Thuyền từ một lá vơi vơi

Biển trần chở biết mấy người trầm luân.

Nhất thiết vô hữu như Phật giả

Phật là người hỉ xả từ bi

Xem trong đời hư huyễn có ra chi

Đến thê tử quốc thành cũng bỏ

Non tuyết lãnh sáu năm tu khổ hạnh

Mảnh hình hài xem có cũng như không.

Miễn tu hành đạo quả cho xong

Xem thân thể ví bằng như dép rách

Vì ngài thấy chúng sanh trong hỏa trạch

Những lao đao khổ ách nghiệt nghèo

Trải kiếp xưa gây nghiệp chướng đã nhiều

Nên luân chuyển chịu điều báo ứng

Vậy ngài mới ra tay bạc chủng

Vớt loài mê cho khỏi chốn trầm luân

Trên thì báo đáp đấng quân thân

Dưới đến mỗi loài đều tế độ

Chuyển xe pháp ra đời dạy dỗ

Dấu tiên phong thiên cổ hãy còn truyền,

Đem lòng về phản bản hoàn nguyên

Thời muôn kiếp được siêu nhiên trên cõi tịnh

Tường quang thước phá thiên sinh bịnh

Cam lộ năng trừ vạn kiếp tai.

Hãy khuyên người thay mắt đổi tai,

Để cho ai nấy lâu dài kim thân

Vui chi thứ một mảnh trần.


4/ Người đời há đặng bao lâu

Trắng răng phút đã bạc đầu như chơi

Thế giới như không hoa,

Nhân sinh như mộng huyễn,

Ví bằng chẳng kiếm phương tu luyện

Chi khỏi đâu huyễn cảnh buộc vào mình?

Trong trăm năm đặng mấy lúc an bình

Rồi đã thấy tóc xanh thành tóc bạc.

Hà tu đãi linh lạc

Nhiên hậu thủy tri không?

Những nâng niu sớm lục tối hồng

Những xạ ướp hương xông nức nở

Non sông còn khi bồi khi lở

Huống thân người như bóng đổ phù du.

Vui sướng chi mà đeo đuổi chốn diêm phù,

Trong ba cõi ngó dường như hỏa trạch

Chiếc thuyền từ sớm khuya đưa khách

Nước thanh lương rửa sạch trần ai

Hỡi xin người thay mắt đổi tai

Thì chín phẩm liên đài lên có lúc

Đạo thụ bất tài viên quả thục

Linh căn vị chủng giác hoa hương.

Trên mây rủ tấm lòng thương

Vậy nên xuống bước mở đường ngu mông,

Phật tiên vốn cũng một lòng.


Văn chữ Hán của thiền sư Viên Thành rất trang nhã và có nhiều khí lực. Bài bạt ông viết cho kinh Pháp Bảo Đàn được rất nhiều bậc thức giả đương thời ca ngợi.


Thiền sư Viên Thành mất năm 1928, thọ 49 tuổi. Ông tu được ba mươi hai năm, ở Ba La Mật hai mươi bảy năm và lên Tra Am được năm năm. Đệ tử có bốn người: Trí Uyên, Trí Hiển, Trí Giải và Trí Thủ. Thiền sư Trí Thủ là người duy nhất xuất gia ở Tra Am. Ông đã trở thành một trong những cột trụ của Phật giáo Việt Nam cận đại.


Bây giờ, ta hãy tìm hiểu sơ lược về cuộc đời các vị chứng minh đạo sư của hội An Nam Phật học là Đắc Ân, Phước Hậu, Tịnh Hạnh và Giác Nhiên.

THIỀN SƯ ĐẮC ÂN

Thiền sư Đắc Ân tên Đặng Kỳ Đỉnh, sinh năm 1873 ở Quảng Bình. Năm mười tuổi ông được lên ở chùa Linh Mụ. Năm 22 tuổi ông được thọ cụ túc tại giới đàn Báo Quốc do thiền sư Lương Duyên chủ tọa. Năm ba mươi chín tuổi ông về chùa Quốc Ân và đắc pháp với thiền sư Thanh Hy trú trì chùa này và được pháp hiệu là Đắc Ân. Năm ông bốn mươi hai tuổi thì thiền sư Thanh Hy tịch; ông được cử làm tọa chủ chùa Quốc Ân. Năm sau ông trùng tu chánh điện chùa Quốc Ân, và năm bốn mươi bốn tuổi ông được cử làm trú trì chùa Linh Mụ. Năm năm mươi hai tuổi, ông được mời làm đệ tam tôn chứng trong giới đàn chùa Từ Hiếu. Ông tịch năm 1935, thọ 62 tuổi. Vị trú trì chùa Vạn Phước đi câu đối như sau:


Hoàng diệp không hoa tinh thế mộng

Sơn vân thủy nguyệt ngộ tiền thân.


THIỀN SƯ PHƯỚC HẬU

Thiền sư Phước Hậu sinh năm 1866 tại làng An Tuyền, tỉnh Thái Bình ở Bắc Kỳ. Ông xuất gia hồi còn bé thơ. Năm 1884 ông thọ giới làm đệ tử của thiền sư Tâm Truyền, và theo học ba năm với thiền sư này. Năm 1909, ông được đắc pháp với thiền sư, hiệu là Phước Hậu. Bài kệ đắc pháp như sau:


Thuần thành bản tính thể như trung

Tảo tận trần tâm đạo lý dung

Đức thịnh từ năng mông Phước Hậu

Chân truyền y bát chấn tông phong.


Dịch:

Thể vốn thuần thành tính sáng trong

Trần tâm rửa sạch lý bao dung

Đức lớn từ bi nên phước hậu

Chân truyền y bát rạng tông phong.


Năm 1916, bộ Lễ mời ông làm trú trì chùa Trường Xuân. Năm 1920 ông giữ chức trú trì chùa Linh Quang và đến năm 1939 ông sung chức tăng cương và trú trì chùa Báo Quốc. Ông tịch năm 1953 tại chùa Báo Quốc, thọ 87 tuổi, có tới sáu mươi tuổi hạ. Ông cũng là một thiền sư ưa ngâm vịnh. Thơ của ông có gần tới trăm bài mà chưa thu góp lại được. Sau đây là một vài bài được người biết đến nhiều nhất:


1/ Tâm thanh thiên nguyệt hữu

Tánh tịnh hải vô ba

Viên minh tận nhất điểm

Phóng xuất mãn sơn hà.


Dịch:

Tâm lặng vầng trăng tỏ

Tính yên sóng chẳng xao

Chỉ một điểm tròn sáng

Mà rạng cả sơn hà.


2/ Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư

Hôm nay tính lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ như.


3/ Úi chà chà, tháp cao

Trèo lên thử thế nào

Chùa Vua, thầy chúc tụng

Cửa Phật chúng ra vào

Chuông trống vang lừng núi

Đuốc đèn rạng tựa sao

Của tiền làm thế ấy

Công đức biết là bao!

(Đám Chay Chùa Thiên Mụ)


THIỀN SƯ TỊNH HẠNH

Thiền sư Tịnh Hạnh sinh năm 1889 tại làng Dưỡng Mông Thượng, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, xuất gia lúc mười sáu tuổi với người em ruột là thiền sư Tịnh Khiết, tại chùa Tường Vân, làm đệ tử của thiền sư Thanh Thái. Năm hai mươi bốn tuổi, ông thọ Cụ Túc giới tại giới đàn Phúc Lâm ở Quảng Nam do thiền sư Vĩnh Gia chủ tọa. Năm hai mươi tám tuổi, ông được theo học lớp Phật pháp của thiền sư Huệ Pháp mở tại chùa Thiên Hưng. Năm ba mươi hai tuổi, ông được cử làm tọa chủ chùa Tường Vân. Ông cũng từng đến nghe thiền sư Phước Huệ giảng dạy tại chùa Trúc Lâm. Ông tịch năm 1933, thọ bốn mươi lăm tuổi. Sơn môn đi câu đối như sau:


Niết bàn chân cứu cánh, phương năng tán thủ nhân hoàn, thập dư niên đại chuyển pháp luân, tùng kim khứ hướng Quang Minh quốc.

Sắc tướng bản lai không, chỉ hợp thê tâm Tịnh độ, tam thiên giới bố vi trần võng, nhượng ngã dư ư Tự Tại thiên.

(Niết bàn đã chứng, giải thoát giữa nhân hòa, mười mấy năm xe Pháp xoay tròn, nay mới thẳng đường về cực lạc;

Sắc tướng vẫn không, nhật dụng trong Tịnh độ, ba ngàn cõi lưới bủa khắp, riêng ai vui thú cảnh Chân Như.)


NHỮNG TRUNG TÂM CHẤN HƯNG

Như chúng ta thấy, những vị tăng sĩ đã đóng góp vào phong trào phục hưng của Phật giáo tại Trung Kỳ phần lớn thuộc về hai trung tâm lớn: Trung tâm Thừa Thiên và trung tâm Bình Định. Về trung tâm Bình Định ta chỉ mới nói đến thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp và thiền sư Phổ Huệ chùa Tịnh Lâm. Hội Phật học Bình Định là một trong những hội hoạt động khá nhất ở Trung Kỳ. Tại chùa Long Khánh, một Phật học đường cấp trung đẳng được hội thiết lập đầu năm 1937 do thiền sư Phước Huệ đứng làm đốc giáo. Thiền sư Phước Huệ vì lý do sức khỏe, từ đây chỉ ở lại Bình Định và dạy tại Phật học đường Long Khánh, chứ không ra Huế nữa. Vì lý do đó, nhiều học tăng lớp đại học tại Huế, trong số đó có nhiều vị được gửi từ Phật học đường Lưỡng Xuyên ra, đã theo về Bình Định và tiếp tục học nơi Phật học đường Long Khánh. Trong số đó ta có thể kể thiền sư Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hiển Thụy, Hiển Không và Bửu Ngọc.

Các thiền sư Bích Liên (ở Nam về), Bạch Sa, Minh Tịnh và Thiên Đức đều được mời làm giảng sư của trường Trung đẳng chùa Long Khánh. Các cư sĩ hữu tâm hộ đạo như Nguyễn Mạnh Trừng, Phan Thanh Khuyến và Lê Tư Oanh đều ở trong số những người hoạt động nhất của hội. Các thiền sư Chí Bảo (chùa Hưng Khánh), Viên Minh (chùa Linh Phong), Chí Thanh (chùa Thiên Thọ), Chí Mẫn (chùa Nhạn Sơn), Cao Minh (chùa Tịnh Liên), và Tường Quang (chùa Phước Sơn) đều đã đóng góp nhiều cho Phật sự địa phương.


Ngoài hai trung tâm Thừa Thiên và Bình Định, còn có trung tâm Đà Nẵng cũng rất hoạt động. Với sự yểm trợ của các thiền sư Tôn Nguyên (chùa Linh Ứng), Tôn Bảo (chùa Vu Lan), Tôn Thắng (chùa Phổ Thiên), Thiện Quả (chùa Tam Thai), Phổ Trí (chùa Phước Lâm) và Phổ Thoại (chùa Long Tuyền), hội Đà Thành Phật học được thành lập và một tạp chí được xuất bản lấy tên là Tam Bảo. Thiền sư Bích Liên ở Bình Định làm chủ bút tạp chí này. Một Phật học đường được khai giảng tại chùa Phổ Đà cho hai cấp tiểu học và trung học do thiền sư Giác Phong làm giám đốc và thiền sư Giác Viên (trú trì chùa Hồng Khê) chủ giảng.

Tạp chí Tam Bảo xuất bản năm 1937 đã bị đình bản vào giữa năm 1938. Tạp chí này thường đề cập đến nhu yếu thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong xứ thành một hội Phật Giáo Liên Hiệp. Bản ý và chủ đích hành động của hội Đà Thành Phật học, theo Tam Bảo, là:


1/ Phò khởi tăng giới, nguyện cùng chư Sơn Nam Bắc liên đoàn, để bảo tồn Tăng Bảo.

2/ Nguyện cùng chư Sơn chấn chỉnh tôn phong, chung một điều lệ thi hành, cần nhất là phải giữ cho được hoàn toàn giới hạnh[22].

Về một hội Phật giáo Liên Hiệp thống nhất, Tam Bảo đề nghị tổ chức hai cơ quan: cơ quan Hoằng Pháp và cơ quan Hộ Pháp. Cơ quan Hoằng Pháp do chư tăng chủ động, gồm có các trách vụ nghi lễ, tổ chức, truyền bá và giáo dục. Cơ quan Hộ Pháp, do cư sĩ phụ trách, gồm có các trách vụ cứu tế, ngoại giao, kiểm sát, kiến trúc, điều hộ và kinh tế.[23]


NI SƯ DIÊN TRƯỜNG

Để chấm dứt chương này, ta hãy nói đến vị ni sư tiên phong cho ni giới ở Trung Kỳ: Ni sư Diên Trường, người đã khai sáng chùa Trúc Lâm, nơi khởi điểm của phong trào chấn hưng Phật học.


Ni sư Diên Trường họ Hồ Đắc, sinh năm 1863 tại làng An Truyền huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Mẹ của bà là Công Nữ Thúc Huân, con gái của Tùng Thiện Vương. Bà xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 1898, hồi bà ba mươi sáu tuổi, sau khi nhận thấy cuộc đời đầy vô thường và khổ đau: chồng và con trai bà đã mất, bà chỉ còn lại một cô con gái[24]. Thiền sư Hải Thiệu (Cương Kỷ) cho bà pháp danh Thanh Ninh, pháp tự Diên Trường.


Bà tu hành rất tinh tiến. Năm 1910, bà được đi thọ giới cụ túc ở đại giới đàn Quảng Nam do thiền sư Vĩnh Gia chủ tọa. Sau một thời gian thực tập tại Từ Hiếu, bà được thiền sư Cương Kỷ ủy thác ra trùng tu chùa Phổ Quang ở gần dốc Bến Ngự để trú trì và làm cơ sở tu học cho một ni chúng.

Chùa Phổ Quang vừa được trùng tu xong thì đường xe lửa được thiết kế chạy ngang trước cổng chùa. Thất vọng, bà tìm vào một ngọn đồi ở gần Cầu Lim, thuộc thôn Thuận Hòa ở làng Dương Xuân Thượng và lập chùa Trúc Lâm.


Chùa Trúc Lâm lập xong, bà vào chùa Tây Thiên xin với sư huynh là thiền sư Tâm Tịnh cho phép thiền sư Giác Tiên ra trú trì. Bà lập ni xá riêng tại chùa và quy tụ một số các vị ni sư khác tới tu học, trong đó có các ni cô Chơn Hương, Diệu Hương, Giác Hải, v.v… sau này sẽ đóng những vai trò quan trọng trong sự lãnh đạo ni giới. Năm 1924, các vị này được thọ giới tại giới đàn Từ Hiếu do bà làm y-chỉ-sư. Năm 1925, đúng vào ngày Phật Đản, bà rước các thiền sư Tâm Tịnh (chùa Tây Thiên) và Huệ Pháp (chùa Thiên Hưng) đến Trúc Lâm tụng kinh Pháp Hoa. Đến trưa, sau khi bộ Pháp Hoa được tụng xong, bà làm lễ tạ ơn hai vị và tất cả đại chúng, rồi vào thiền phòng ngồi kiết già mà tịch. Bà thọ 64 tuổi.


Thiền sư Viên Thành có làm bài kệ tán sau đây:


Thiện tai nữ đạo sư!

Giải thoát nhân trung kiệt

Thịnh niên xả thế vinh

Phỏng đạo ngộ Thiền Duyệt

Bát kính thị căn trì

Trường trai thủ tố tiết

Uẩn giới phù vân không

Phiền não hải thủy kiệt

Giác mộng cảnh từ chung

Độ mê tháo bảo phiệt

Công đức mãn chiên lâm

Thanh lương đẳng tuế nguyệt

An ổn tọa bồ đoàn,

Liễu chứng vô sinh quyết

Sơn sắc thanh tịnh thân,

Khê thanh quảng trường thiệt

Tích lai bản bất sinh

Kim khứ hà tằng diệt

Siêu nhiên bỉ ngạn đăng,

Liên đài diệu hương khiết.


Dịch:

Lành thay nữ đạo sư

Bậc giải thoát hào kiệt!

Bỏ vinh hoa cuộc đời

Tìm vui nơi thiền duyệt.

Pháp bát kỉnh hành trì

Nếp trường trai tinh khiết

Uẩn, giới như mây bay

Biển não phiền khô kiệt

Chuông khua tỉnh thức đời

Bè từ độ oan kết

Công đức như rừng trầm

Mát như vầng tuế nguyệt

An nhiên bồ đoàn ngồi

Chứng quả vô sinh diệt

Lời kia là suối reo

Thân kia là núi biếc

Xưa chưa hề có sinh

Nay cũng không từng diệt

Bờ bên kia bước lên

Đài sen hương diệu khiết.

______________________

[1] Giác Tiên mất vào năm 1936 chứ không phải vào năm 1934 như Lê Đình Duyên đã viết trong bài Tiểu Sử Đạo Hữu Tâm Minh Lê Đình Thám in ở đầu sách Kinh Thủ Lăng Nghiêm xuất bản tại Sài Gòn năm 1973. Mật Khế, đệ tử của Giác Tiên, tịch năm 1935; trước khi tịch đã được thầy trao cho một bài kệ. Đuốc Tuệ (số 54 ra ngày 1.2.1937) nói Giác Tiên viên tịch năm 1937 ngày 17.1 trong khi Viên Âm báo tin Giác Tiên viên tịch trong số 23 ra vào tháng Chín – tháng Mười năm 1936. Ngày tịch của Giác Tiên, theo Viên Âm, là mồng bốn tháng Mười âm lịch năm Bảo Đại thứ 11 tức là ngày 17.11.1936. Tuy tạp chí Viên Âm số 23 đề ngoài bìa là ra vào tháng Septembre – Octobre 1936, kỳ thực số báo này in xong sớm nhất là vào ngày cuối tháng Novembre mới chuyên chở được tin trên.

[2] Viên Âm số 14 (Tháng Ba 1935).

[3] Báo đã dẫn.

[4] Viên Âm số 8 (1.7.1934).

[5] Xem bài kệ ở phần tiểu sử thiền sư Giác Tiên.

[6] Viên Âm số 13 (Tháng Giêng 1935).

[7] Viên Âm số 14 (Tháng Ba 1935).

[8] Viên Âm số 15 (Tháng Giêng 1935).

[9] Đây là những phiên khúc:

1- Vers le mieux sans un répit

En avant, d’un même ferveur

La terre résonnera

sous nos pas triomphateurs.

2- Semons loin la vérité

Allons donc, levons-nous tous

la chaleur des belles sútras

donnera Paix et Bonheur.

3- A l’exemple des Arabant

s’enallant répandre leur zèle

apprenons au monde qui râle

ce qui cause la douleur.

4- Quand partout rayonneront

l’ Amour et la Pureté

touté les voix entonneront

Ce refrain plein de vigueur!

[10] Viên Âm số 48 xuất bản vào tháng Năm 1942.

[11] Ví dụ Cặp Mắt Của Thái Tử Câu Na La của Lê Hữu Hoài (Viên Âm số 52, tháng 9 1942) và Ưu Đà Di của Trực Hiên (Viên Âm số 58, tháng Ba 1953).

[12] Ví dụ truyện ngắn Câu Chuyện Ông Chài và truyện dài Biển Ái Sóng Dồi.

[13] Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, ghi nhầm thiền sư Nhất Định sinh năm 1783), nay xin chữa lại 1784 (Giáp Thìn) cho chính xác, đồng thời ghi thêm một vài sử liệu về thiền sư này. Thiền sư Nhất Định họ Nguyễn, sinh tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Ông được thế độ với thiền sư Phổ Tịnh chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) năm 18 tuổi và thọ đại giới tại chùa Quốc Ân với thiền sư Mật Hoằng năm 1814. Thiền sư Mật Hoằng có ban cho ông bài kệ sau đây:

Nhất Định chiếu quang minh

Hư Không nguyệt mãn viên

Tổ tổ truyền phu chúc

Đạo minh kế Tánh Thiên.

Tánh Thiên là pháp danh của ông. Năm 1816, khi thiền sư Phổ Tịnh viên tịch, ông phải trực tiếp điều khiển chùa Báo Quốc. Năm 1830 ông được triều đình cấp giới đao và độ điệp. Năm 1835 ông được bộ Lễ cung thỉnh trụ trì chùa Linh Hựu. Vua Minh Mạng, nhân dịp này có ban cho ông một chứng từ, trong đó vua khen ông là “giới luật nghiêm tịnh, thiền cơ thâm đạt” (cẩn trì giới luật, xảo ngộ thiền cơ). Tướng An Quận Vương, con thứ 12 của vua Gia Long, rất hâm mộ ông, đã có lần tặng ông bài thơ sau đây:

Dạ tụng Pháp Hoa kinh

Thân tâm bách luyện tinh

Phòng vô phiến trần nhập

Bích quải điểm đăng minh

Tích hữu Uyên Minh thức

Tâm như Huệ Viễn thanh

Chúng nhân đồ ngột ngột

An đắc thấu sinh sinh?

Dịch:

Đêm tụng Pháp Hoa kinh

Thân tâm mãi chuyên tinh

Bụi hồng không mảnh lạc

Trên vách ngọn đèn xanh

Dấu Uyên Minh ngời sáng

Lòng Huệ Viễn trong thanh

Kẻ phàm nhiều lận đận

Ai thấy được chân hình?

Năm 1839, ông được sắc phong Tăng Cang chùa Giác Hoàng. Ông từ bỏ chức vụ này vào năm 1843, năm ông 60 tuổi và về lập An Dưỡng Am trên núi Dương Xuân. Chùa Báo Quốc thì ông giao lại cho pháp đệ là thiền sư Nhất Niệm trông coi. Tại An Dưỡng Am, ông từ chối mọi sự cúng dường, cùng hai đệ tử là các thiền sư Hải Thuận và Hải Thiều, cuốc đất, trồng khoai, gieo bắp để tự túc. Các quan trong triều thường lui tới thăm viếng và xin phép ông dựng chùa tại đây, nhưng ông nhất định không chịu. Trước am, ông đề hai câu:

Thân đới quán châu nhàn tuế nguyệt

Thủ trì tích trượng nhạo vân sơn.

Dịch:

Chuỗi tràng đeo cổ nhàn năm tháng

Tích trượng cầm tay vui níu mây.

Ông mất năm 1847, bốn năm sau khi dựng An Dưỡng Am. Ông mất rồi thì năm sau (1848) thiền sư Hải Thiệu (Cương Kỷ) mới chịu xây chùa với sự ủng hộ của các thái giám. Năm ấy vua Tự Đức mới lên ngôi. Ông ban sắc tứ cho chùa là Từ Hiếu. Chùa này được đại trùng tu năm 1894, khi thiền sư Tâm Tịnh còn làm tự trưởng và thiền sư Huệ Minh là tri sự. Thiền sư Hải Thiệu tịch vào năm 1899. Cao đệ của thiền sư Nhất Định còn có thiền sư Hải Thuận (Lương Duyên) và Hải Toàn (Linh Cơ). Thiền sư Hải Thuận làm trú trì chùa Báo Quốc và thiền sư Hải Toàn sáng lập chùa Tường Vân.

[14] Chữ Tuệ ở Trung và Nam đọc là Huệ.

[15] Nguyễn Văn Thoa, sư Viên Thành, môn đồ Ba La Mật và Tra Am ấn hành, Nha Trang 1974.

[16] Giọng Bắc phát âm là Phúc Tuệ.

[17] Giọng Bắc phát âm là Phả Tuệ.

[18] Thiền sư Viên Giác tên Nguyễn Khoa Luận, sinh năm 1834 tại Thừa Thiên. Ông đỗ cử nhân khoa Tân Dậu (1861) dưới triều vua Tự Đức. Ông từng làm án sát Quảng Bình, bố chính Quảng Ngãi và Thanh Hóa. Sau khi triều đình nghị hòa với quân Pháp, ông thất vọng từ quan. Năm 1886 ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu, làm đệ tử thiền sư Cương Kỷ, được pháp danh là Thanh Chân, rồi về chùa Ba La Mật tu hành. Năm 1891 ông thọ tỳ kheo giới tại Giới Đàn Báo Quốc, cũng do thiền sư Cương Kỷ truyền giới. Ông tịch năm 1900, thọ 67 tuổi.

[19] Nguyễn Khoa Tân tự là Tứ Phương, hiệu là Bình Nam, đã từng làm hội trưởng hội An Nam Phật học. Ông là con thứ tư của Nguyễn Khoa Luận (án sát Thanh Hóa, sau này đi tu thành thiền sư Viên Giác chùa Ba La Mật). Đậu cử nhân năm 1894, ông giữ chức tổng đốc Quảng Nam, sau được thăng thượng thư bộ hộ, hiệp tá đại học sĩ sung cơ mật viện đại thần dưới triều vua Khải Định. Ông chơi rất thân với thiền sư Viên Thành. Ông học Phật phần nhiều bằng cách đọc Hải Triều Âm văn khố và cũng nghiên cứu Duy Thức Học chung với Viên Thành. Có lần ông gửi tặng Viên Thành một bức ảnh có đề bốn câu:

Mang mang đại địa trung

Hà chân nhi hà giả

Chư Phật thị chúng sanh

Bình Nam diệc phi ngã.

Dịch:

Mênh mông trên cõi đất

Biết gì chân gì giả

Chư Phật là chúng sinh

Bình Nam cũng phi ngã.

Ông có làm bài thơ sau đây tặng Viên Thành:

Thúy trúc hoàng hoa đại nhã phong

Cao nhân tể sắc tịch dương hồng

Tân thi ngâm biến hồn vô trước

Tâm cộng nhàn vân quá thái thông.

Dịch:

Trúc biếc hoa vàng trang nhã phong

Cao nhân chiều ngắm dải mây hồng

Thơ tiên ngâm mãi lòng không vướng

Lòng tợ mây bay giữa thái không.

Năm 1924, ông có gửi thỉnh một Đại Tạng Kinh gồm hơn 8.000 cuốn để biếu vua Khải Định. Kinh này được vua cất ở cung An Định để làm tài liệu học tập. Ông làm hội trưởng hội An Nam Phật học năm 1935. Lễ Phật Đản năm ấy vĩ đại một phần quan trọng là do ông.

[20] Nguyễn Văn Thoa, Thiền Sư Viên Thành, Nha Trang 1974.

[21] Chữ Cố nhân ở đây có nghĩa là tự tính, là mặt mũi xưa nay của mình.

[22] Tam Bảo, số 2 (15.2.1937).

[23] Tam Bảo, số 5 (6.7.1937).

[24] Con gái bà tên Nguyễn Thị Kim Đính, sau này là bà bác sĩ Trương Xướng, một trong những người có công với công cuộc phục hưng Phật học sau này.