- Chương 17: Sinh Hoạt của Tăng Đồ và Cư Sĩ
- Chương 18: Đạo Phật TRong Đời Nho Học Độc Tôn
- Chương 19: Sức Sáng Tạo của Giới Phật Tử Đại Chúng
- Chương 20: Sự Phục Hưng Môn Phái Trúc Lâm
- Chương 21: Thiền Sư Hương Hải
- Chương 22: Thiền Phái Lâm Tế và Phật Giáo Đàng Trong
- Chương 23: Thiền Phái Tào Động tới Việt Nam
- Chương 24: Lý Học và Phật Giáo
- Chương 25: Các Danh Tăng đời Nguyễn
- Chương 26: Khái Quát Về Công Cuộc Chấn Hưng Phật Giáo từ 1930 đến 1945
- Chương 27: Thiền Sư Khánh Hòa và công cuộc vận động ở Nam kỳ
- Chương 28: Hội An Nam Phật Học Trung Kỳ
- Chương 29: Công cuộc chấn hưng ở Bắc Kỳ
- Chương 30: Sau Cách Mạng Tháng tám
Nguyễn Lang
CHƯƠNG 30
SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Khoảng 1940, Nhật Bản đã khai chiến với Pháp ở biên thùy Việt – Hoa. Nước Pháp bị nước Đức chiếm đóng nên không đủ sức chống Nhật ở Việt Nam và phải cho quân đội Nhật sử dụng các đường giao thông thủy lục để lập căn cứ chống Đồng Minh. Ngày 9.3.1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp và tuyên bố rằng Việt Nam đã độc lập và sẽ cùng Nhật Bản xây dựng khối Đại Đông Á.
Vua Bảo Đại liền tuyên bố hủy bỏ tất cả những hiệp ước ký kết giữa Việt Nam và Pháp. Với Dụ số 1 ra ngày 17.3.1945, vua nêu khẩu hiệu “Dân Vi Quý” làm phương châm trị quốc. Ngày 17.4.1945, tất cả các thượng thư đều từ chức và nội các Trần Trọng Kim được thành lập. Nội các này gồm toàn là những nhân vật trí thức, có uy tín[1]. Nhưng nội các chưa làm được gì thì có tin Nhật sắp đầu hàng Đồng Minh. Đồng bào các tỉnh thi nhau nổi dậy chống Nhật bắt đầu từ ngày 11.8.1945. Hà Tĩnh đứng dậy ngày 11, Quảng Ngãi ngày 13. Ngày 16 có tin Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 17 hàng trăm ngàn đồng bào biểu tình tại Hà Nội. Ngày 19.8.1945 thanh niên và công nhân xông vào Bắc Bộ Phủ. Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời. Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Chính phủ Trần Trọng Kim giải tán.
Ngày 24.8.1945 vua Bảo Đại làm lễ “thoái vị”. Ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh, chủ tịch Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân, đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình Hà Nội. Các báo Cứu Quốc, Độc Lập ra đời. Tư tưởng “dân chủ mới” bắt đầu được phổ biến.
Từ Nam ra Bắc, Phật tử đủ các giới tham dự vào cách mạng. Các đoàn thể Tăng già Cứu quốc và Phật giáo Cứu quốc được thành lập khắp nơi. Đoàn Tăng già Cứu quốc của Phủ bộ Thủy Nguyên thành lập trước nhất, vào ngày 30.8.1945. Báo Đuốc Tuệ kêu gọi “Tăng ni các hạt mau mau lập đoàn Tăng già Cứu quốc, theo mục đích mà tham gia vào công cuộc cách mạng hiện thời”. Bìa sau của số Đuốc Tuệ này đăng những khẩu hiệu và những lời kêu gọi như sau:
Ủng hộ chính quyền Nhân dân.
Mau mau gia nhập Đội quân Giải phóng Việt Nam!
Chống mọi cuộc xâm lăng!
Việt Nam độc lập hoàn toàn!
Hãy sửa soạn nghênh tiếp Chính phủ Lâm thời và Đoàn quân Giải phóng sắp về tới nơi!
Hãy đọc Cứu Quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh!
Số báo nói trên là số báo chót của tạp chí Đuốc Tuệ, số 257 – 258 ra ngày 15.8.1945. Những tạp chí khác ở Trung và ở Nam cũng đều nhất loạt đình bản. Quần chúng Phật tử trong nước chấp nhận sự đình trệ của công việc hoằng pháp để tham dự hết lòng vào việc nước. Các đoàn thể thanh thiếu niên Phật tử cũng không còn giữ được những buổi sinh hoạt riêng. Các Khuôn Tịnh Độ (đơn vị xã của các hội Phật giáo) cũng không còn giữ được những buổi sinh hoạt riêng. Tất cả đều đi tham dự vào các tổ chức cứu quốc: Thiếu niên Tiểu phong, Thanh niên Tiền phong, Phụ lão Cứu quốc, Tăng già Cứu quốc, Phật giáo Cứu quốc… Guồng máy hoạt động của các sơn môn và các hội Phật giáo từ cấp trung ương đến cấp xã đều được coi như tạm thời ngưng hoạt động.
Ở Huế, nơi phong trào Thanh Thiếu Niên Phật Tử đang lên mạnh vào những năm 1942 – 1945, các giới tăng sĩ và cư sĩ trẻ tuổi đã rất hăng hái tham dự vào các công tác tổ chức biểu tình, tập họp, chống nạn mù chữ, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng.
Phật tử cũng như các giới đồng bào khác trong nước khó tìm ra thì giờ để có thể sinh hoạt riêng. Thì giờ đi họp và đi biểu tình nhiều khi chiếm chỗ cả thì giờ làm lụng sinh sống. Nhưng họ không thể chịu đựng được sự ngưng trệ sinh hoạt Phật giáo của họ mãi. Năm 1946, đoàn sinh đoàn Phật học Đức Dục, với sự hợp tác của thiền sư Mật Thể cùng một số các tăng sĩ và cư sĩ khác, quyết định cho ra một tạp chí Phật học, mặc dù thời giờ eo hẹp và mặc dù những áp lực lớn lao về kinh tế và về chính trị. Tờ báo ra đời lấy tên là Giải Thoát. Chủ ý thích nghi Phật giáo với nếp sống cách mạng, những người chủ trương tờ báo đã ghi dòng chữ sau đây dưới đầu đề Giải Thoát: Cơ quan nghiên cứu và áp dụng đạo Phật vào đời sống mới.
Giải Thoát ra đời trong những điều kiện khó khăn. Theo những người chủ trương, đạo Phật có đủ tiềm lực và điều kiện để vươn lên và biến thành một đạo lý thích hợp hoàn toàn với một xã hội đang đi tới trên đường cách mạng.
Tại Hà Nội, các thiền sư Trí Hải, Tố Liên và Thái Hòa cùng một số đồng chí cũng cho xuất bản tạp chí Tinh Tiến. Cũng như Giải Thoát, Tinh Tiến nỗ lực phục vụ cùng một lúc phong trào cách mạng và phong trào Phật giáo. Tuy vậy cả hai tờ đều chết yểu. Giải Thoát ra được chín số, còn Tinh Tiến ra được mười số.
THIỀN SƯ MẬT THỂ
Thích Mật Thể là một tăng sĩ trẻ, thông minh, tài năng và nhiều chí khí. Ông tên đời là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ông là đệ tử của thiền sư Giác Tiên, xuất gia từ năm 12 tuổi tại chùa Trúc Lâm, làm sư đệ của các thiền sư Mật Khế, Mật Hiển và Mật Nguyện. Pháp danh của ông là Tâm Nhất.
Ông được theo học lớp Cao đẳng Phật học do thiền sư Phước Huệ làm chủ giảng tại Trúc Lâm và Tây Thiên. Năm 1933 ông đã được mời làm giảng sư hội An Nam Phật học và từ 1933 đến 1936 ông được mời dạy tại trường Tiểu học Phật giáo của Sơn môn Thừa Thiên. Năm 1937 ông được gởi qua tu nghiệp tại Phật học viện Tiêu Sơn ở Trung Hoa dưới sự trụ trì của thiền sư Tinh Nghiêm. Chiến tranh Hoa – Nhật không cho phép ông cư trú lâu ở đất Trung Hoa. Về nước, ông bắt đầu trước tác, phiên dịch và dạy học tại trường Sơn môn Phật học. Các sách Phật Giáo Yếu Lược, Phật Giáo Khái Luận xuất bản vào các năm 1941 – 1942 đều là những sách dịch từ các tân thư Phật học do ông đem từ Trung Hoa về. Tác phẩm Xuân Đạo Lý của Mật Thể xuất bản năm 1942 là một tập văn, thơ và thảo luận của ông viết trên chủ đề “Xuân là sứ mạng Phật hóa”. Trong tác phẩm này, ông có một bài khảo luận về nhan đề là Phật giáo Với Hiện Đại, trong đó ông chủ trương rằng văn hóa đạo Phật có thể mở đường thoát cho một nhân loại đang sống trong hoài nghi, đau khổ, chán đời và bê tha trụy lạc[2]. Trạng thái tâm lý mà ông nói đến trong bài khảo luận kia là trạng thái tâm lý của những văn nghệ sĩ thời kỳ tiền chiến trong nước cũng như ngoài nước, đang đi tìm nguồn cảm hứng nơi những “tòa lâu đài mộng ảo”, đi xa quần chúng và tự tiêu diệt mình trong khoái lạc vật chất.
Năm 1941 ông được mời vào giảng dạy tại Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh. Ông ở lại đây chưa được một năm thì lại trở ra Huế. Để thu thập tài liệu viết về Phật giáo Sử, ông đi thăm các tổ đình trong nước, nhất là ở Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên và Hà Nội. Năm 1943 nhà Tân Việt ở Hà Nội cho xuất bản sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của ông, với một bài tựa của Trần Văn Giáp. Ông Giáp viết: “Từ khi Hán học không được nhận dạy ở các trường công, học giới ta lấy Quốc văn và Pháp văn thay vào. Các bậc tân tiến ngày nay đối với kho sách chữ Hán xưa gần như chim chích vào rừng. Nếu không dịch ra chữ quốc ngữ thì những tài liệu ấy[3] cũng chẳng bổ ích cho giới học giả bao nhiêu. Vậy ngày nay trong thiền gia học giới có người dụng công sưu tập cả tài hiệu Hán văn, Quốc văn cùng Pháp văn, đem dịch thuật, sửa soạn, phô diễn thành một quyển sách khiến độc giả có thể biết qua cả lịch sử quốc gia Việt Nam trong mấy ngàn năm, há chẳng có ích lắm ru! Không những thế, những tài liệu đã sưu tập lại là tài liệu quý giá cho sử học giới sau này, thì dầu là ở trong không khỏi có điều sai lầm khiếm khuyết, song về môn tài liệu thì sách này vẫn là có công to”.
Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Mật Thể đã được in lại nhiều lần và đã đóng góp khá nhiều cho sự nghiên cứu văn sử học Việt Nam của các học giả từ 1945 đến nay. Sách cũng đã được thiền sư Phước Huệ ở chùa Thập Tháp đề lời “tán ngữ” ở đầu quyển. Thiền sư viết như sau:
“Giữa mùa xuân năm Quý Mùi, pháp sư Mật Thể vào Nam thăm, lấy trong tay áo bản thảo cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử viết bằng quốc văn đưa cho tôi mà nói: “Đây là công trình sưu tầm biên khảo nhiều năm của con, xin Hòa thượng đọc và chứng minh cho”. Tôi tiếp nhận bản thảo mà đọc. Mỗi khi đêm vắng dưới ngọn đèn khơi cao, cầm bản thảo nơi tay, tôi tự nói một mình là pháp sư tuy đã theo học với tôi trong nhiều năm nhưng tôi chưa biết được hết chí hướng và nguyện vọng của ông. Trong cuộc đời tu học, thì ra không lúc nào ông không lưu tâm đến sự nghiệp hoằng pháp bằng phương tiện phiên dịch và trước thuật.
“Từ khi tới Đông Độ, Phật giáo đã đi vào nước Nam ta một ngàn mấy trăm năm rồi; trong thời gian ấy đạo tổ và thánh tăng kế tiếp nhau xuất hiện, công đức ấy chiếu sáng trên lịch sử, ta chẳng nên để cho nó phai mờ mai một. Ngày nay, có được cuốn sách này thì chẳng những là pháp sư có công với Phật giáo mà còn có công với Phật học nữa. Vì vậy mà tôi rất được vui sướng và an ủi, vô lượng vô biên, viết mấy dòng này để tán dương”[4].
Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược có tất cả hai phần: phần Tự luận và phần Lịch sử. Phần Tự luận có bốn chương. Chương đầu nói về nguồn gốc Phật giáo. Chương hai nói về Phật giáo ở Trung Hoa. Chương ba nói về địa thế nước Việt Nam, nguồn gốc và tinh thần người Việt. Chương tư nói về Thiền tông.
Phần Lịch sử có mười chương như sau:
Chương 1: Thời đại Phật giáo du nhập; Phật giáo thời Bắc thuộc.
Chương 2: Phật giáo đời Hậu Lý Nam Đế và đời Bắc thuộc thứ ba.
Chương 3: Phật giáo đời nhà Đinh và đời Tiền Lê.
Chương 4: Phật giáo đời nhà Lý.
Chương 5: Phật giáo đời nhà Trần.
Chương 6: Phật giáo đời nhà Hồ đến đời thuộc Minh.
Chương 7: Phật giáo đời Hậu Lê.
Chương 8: Phật giáo ở thời đại Nam Bắc phân tranh.
Chương 9: Phật giáo trong thời kỳ cận đại (triều Nguyễn).
Chương 10: Phật giáo hiện đại.
Thiền sư Mật Thể là người có chí nguyện lớn. Ông chủ trương phải “cải tổ sơn môn” và đã xuất bản một tài liệu nhan đề là Cải Tổ Sơn Môn Huế. Cũng như Thiện Chiếu ở miền Nam, ông rất nóng lòng vì bước đi chậm chạp trong quá trình đổi mới chế độ tăng già. Ông cũng đã va chạm rất nhiều trong thời gian vận động, nhưng khác với Thiện Chiếu, ông không nản lòng và không bao giờ muốn cởi bỏ áo tu. Ông lại khác với Thiện Chiếu ở chỗ ông được đào tạo trong sơn môn từ hồi còn bé thơ và căn bản Phật học của ông rất vững vàng. Hán văn của ông rất vững. Ông đã tự mình học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ông là một trong mấy vị tăng sĩ đầu tiên biết làm “thơ mới”. Chữ Pháp ông học đủ để đọc các bài nghiên cứu về Phật giáo sử viết bằng Pháp văn. Ông rất ưa thơ của Hàn Mặc Tử, không biết vì sao.
Mãi đến năm 1944, ông mới thọ đại giới. Ông thọ đại giới tại giới đàn chùa Thiền Tôn Huế và đứng đầu các giới tử, làm thủ sa di. Cũng vào năm 1944 ông được mời làm trú trì chùa Phổ Quang.
Tháng Giêng năm 1946, khi Chính phủ lâm thời tổ chức tổng tuyển cử, ông đã can đảm đứng ra ứng cử ở Thừa Thiên. Ông được đắc cử làm đại biểu tại Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên một vị tăng sĩ Việt Nam trực tiếp đi vào chính trị. Ngày xưa, vào các thời Đinh, Lê, Lý và Trần, các thiền sư đã từng làm chính trị nhưng chỉ đứng trong cương vị cố vấn cho các nhà vua mà thôi. Việc ra ứng cử quốc hội của Mật Thể phản chiếu lòng yêu nước và sự ủng hộ cách mạng của giới Phật tử tuổi trẻ. Tuy nhiên, hành động ấy cũng được nhận xét như không được chín chắn bởi một vài vị tôn túc trong sơn môn và một vài giới cư sĩ. Cũng năm 1946 ông được mời làm Chủ tịch Ủy ban Phật gáo Cứu quốc Thừa Thiên.
THANH NIÊN TĂNG VÀ CÁCH MẠNG
Trong số các vị tăng sĩ trẻ tuổi được các Phật học viện Huế, Bình Định, Lưỡng Xuyên và Hà Nội đào tạo thời ấy, hầu hết tất cả đều có tham dự vào phong trào Cách mạng cứu quốc. Các học tăng tốt nghiệp xuất sắc nhất của trường An Nam Phật học như Phạm Quang (Thích Trí Quang), Đỗ Xuân Hằng (Thích Thiện Minh), Trần Trọng Thuyên (Thích Trí Thuyên), v.v… đều đã không ngần ngại bắt tay vào việc. Thích Thiện Minh chẳng hạn, phụ trách Ủy ban Phật gáo Cứu quốc tại Quảng Trị, trong khi Thích Trí Quang phụ trách Ủy ban Phật gáo Cứu quốc tại Quảng Bình. Tại Bình Định, Thích Huyền Quang, vốn từng theo học Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, rồi Phật học đường Long Khánh tại Bình Định, phụ trách Ủy ban Phật giáo Cứu quốc ở đây suốt từ 1945 cho đến 1952.
Về phía Thanh niên Phật tử, tất cả mười hai Gia Đình Phật Hóa Phổ thành lập sau đại hội ở đồi Quảng Tế ngày Phật Đản năm 1944, vừa huynh trưởng, vừa đoàn sinh đều tham dự cách mạng một cách nhiệt thành.
Khí thế ở Bắc và ở Nam cũng không khác gì ở Trung: Hầu hết tăng ni trẻ tuổi đều đi theo tiếng gọi của cách mạng. Thiền sư Thái Hòa thành lập Tăng già Cứu quốc đoàn và vận động tổ chức khắp nơi các đơn vị Phật giáo Cứu quốc (ở miền Bắc). Không có Phật học đường nào được mở cửa, dù là Phật học đường cho ni sinh. Tại Phật học đường Phật Quang ở Trà Vinh, đa số thanh niên học tăng đều bỏ học đi theo kháng chiến.
Những năm 1946 – 1947, tuy vậy, đã cho tuổi trẻ Phật tử Việt Nam thấy rằng con đường cách mạng là một con đường đầy chông gai hiểm trở, không phải là những chông gai hiểm trở vật chất mà là những xót xa và rách nát của tâm hồn gây nên do áp lực phải chọn lựa. Dấn thân vào cách mạng bằng một tâm hồn trong trắng, chỉ trong vòng hai ba năm là tâm hồn ấy có thể rách nát, bầm tím và có khi chai sạn. Nguyên do của thảm trạng này là hiện tượng cạnh tranh của các phe phái chính trị và tính cách bất khoan dung của các ý thức hệ.
PHẬT TỬ KÊU GỌI MỘT TINH THẦN CỞI MỞ VÀ DUNG HỢP
Tạp chí Giải Thoát đã phản ảnh được một phần nào trạng huống kia. Một tác phẩm tên là Những Cặp Kính Màu, được viết trong thời gian ấy, đã diễn tả được khá rõ ràng những khổ đau dằn vặt trong tâm hồn người Phật tử trẻ tuổi dấn thân vào cách mạng. Tác phẩm này tuy được hoàn thành vào năm 1947 nhưng mãi đến năm 1964 mới được đem đăng trên tuần san Hải Triều Âm tại Sài Gòn và sau đó được nhà Minh Đức ở Đà Nẵng ấn hành năm 1965. Tác giả là Võ Đình Cường, một đoàn sinh của đoàn Phật học Đức Dục. Võ Đình Cường đã giới thiệu Những Cặp Kính Màu như sau: “Những Cặp Kính Màu nói lên tâm trạng đau xót của một thanh niên Phật tử ở vào một bối cảnh lịch sử vô cùng rối ren, phức tạp của nước nhà khi những cuộc bắn giết thủ tiêu nhau xảy ra hàng ngày. Một bầu không khí nghi kỵ oán hờn bao trùm tất cả. Không còn ai hiểu được ai, những người thân nhất cũng trở thành những kẻ thù. Mọi người đều mang một cặp kính màu khác nhau và nhìn nhau qua cặp kính màu của họ”[5].
Bối cảnh của câu truyện Những Cặp Kính Màu được dựng ở Huế và Hà Nội vào những năm 1945, 1946 và 1947, khi mà các thế lực chính trị Việt Minh và Việt Quốc[6] công khai công kích nhau trên báo chí và bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu nhau trong bóng tối. Sự đau đớn không phải chỉ là do nhận thức rằng sau một trăm năm nô lệ bị người Pháp áp bức và giết hại, người Việt lại xoay ra giết nhau để giành quyền yêu nước. Sự đau đớn còn do ở chỗ mình phải lựa chọn giữa hai bên, nếu không chọn thì mình sẽ bị luôn hai bên nghi ngờ và giết chết. Nhân vật chính của Những Cặp Kính Màu là Lạc. Lạc chỉ muốn là chính mình, nhưng không ai muốn cho chàng là chàng cả. Ai cũng mang kính màu để nhìn chàng và vì vậy, chàng trở nên một kẻ khác. Một trong những cặp kính màu đã nhìn Lạc và cho chàng là Việt Quốc; vì vậy mà Lạc mất một người yêu lẫn một người em… Một cặp kính màu khác nhìn chàng và thấy chàng là Việt Minh và điều này đã đưa tới một sự tan vỡ khác. Nỗ lực phi thường của Lạc là được yêu nước và được có quyền không giết những người yêu nước khác, nhưng trong guồng máy, điều này trở thành một điều gần như hoàn toàn không thể thực hiện. Không những điều đó không thể thực hiện mà nếu Lạc đi sâu vào thêm một chút nữa trên con đường đó thì chàng mất mạng như chơi. Cuộc đụng chạm ghê gớm giữa những người giành độc quyền yêu nước đã bóp nát trái tim Lạc. Ra khỏi vũng máu và nước mắt, tâm hồn Lạc đã mang theo bao nhiêu vết thương trầm trọng. Nhà văn Tam Ích đã viết về Những Cặp Kính Màu như sau:
“Lạc là ai: Lờ mờ thấp thoáng là tác giả. Những Cặp Kính Màu là anh, là tôi, là các anh, là chúng tôi, là những người ấy, cũng những kẻ kia, là một số người đông lắm… là tất cả những ai có lý tưởng – Tiếng Pháp gọi người như thế là idéaliste – nuôi những giấc mộng đẹp cho tất cả chúng sinh trong đó có chính mình, nhưng lại sợ máu và nước mắt chan hòa, chỉ muốn ai cũng có hạnh phúc nhưng không muốn có oán hờn… Nhưng hỡi ôi và thương thay, sự thực bao giờ cũng chua chát: kẻ có lý tưởng, hễ vào “chiến trường”, khi ra khỏi, ít nhiều đều bỏ xác lại… Hoặc bỏ xác lại, hoặc bỏ lại một phần của chính mình – mà lại là phần lớn nhất”[7].
Tâm tư và kinh nghiệm của Lạc hẳn đã phản chiếu khá nhiều tâm tư và kinh nghiệm của tác giả Những Cặp Kính Màu. Có thể vì tâm tư và kinh nghiệm ấy mà cuối năm 1947 khi Mặt trận chống Pháp ở Huế bị vỡ, Võ Đình Cường đã ở lại Huế mà không đi theo vào vùng kháng chiến.
Nhưng có nhiều người trai trẻ Phật tử, cư sĩ cũng như tăng sĩ, đã rút theo vào vùng kháng chiến. Sự tàn ác của quân đội viễn chinh Pháp khiến họ hy sinh hết, dẹp bỏ hết chính kiến và hình thức tôn giáo để khép mình theo kỷ luật kháng chiến. Càng ngày họ càng đi sâu vào guồng máy và nhận thấy không còn cơ hội để thoát khỏi cái guồng máy ấy như nhân vật Lạc của Những Cặp Kính Màu. Cái ước vọng “mình được là mình” trở thành một ước vọng quá tham lam, quá lớn lao. Phần lớn đã chấp nhận công thức “mình cố gắng để được là mình chút nào hay chút ấy”. Thích Mật Thể đã không chấp nhận công thức này. Ông phản ứng lại. Và ông đã bị guồng máy nghiến nát.
Trước khi rút về chiến khu, Mật Thể đã gặp một số anh em Phật tử đồng chí tại chùa Thế Chí ở Đại Lộc. Họ ăn một bữa cơm chay cuối cùng với nhau tại chùa này và bàn tính về việc tương lai. Họ đàm luận về chuyện chống Pháp, chuyện tương lai Phật giáo và cố nhiên về những động chạm và khó khăn mà Phật tử gặp phải trong hàng ngũ kháng chiến. Họ đồng ý là Phật tử phải có mặt ở mọi lĩnh vực tranh đấu. Phải phân thân để có mặt. Tại vùng bị chiếm đóng, nếu được thì dựng lại chùa, quy tụ lại Phật tử để sinh hoạt và để tạo lập lại phong trào. Tại vùng kháng chiến, phải tìm cách có mặt trong cơ quan lãnh đạo để có thể bênh vực, che chở cho thanh niên Phật tử phục vụ trong hàng ngũ kháng chiến. Thiền sư Mật Thể cho biết trước rằng việc bảo vệ và xây dựng phong trào Phật giáo bên cạnh người Cộng sản là một công việc rất khó. Nhưng ông bảo người Phật tử không thể không có mặt. Bữa cơm trưa kéo dài đến chập tối. Mật Thể lấy trong bọc áo tất cả số tiền thu được của tạp chí Giải Thoát và trao lại cho các bạn trẻ ở lại vùng chiếm đóng, dặn họ lấy số tiền đó làm vốn liếng để xuất bản một tờ báo tại Huế để tiếp tục công trình của Giải Thoát. Rồi cùng với một vị tăng sĩ trẻ tuổi là Thiện Mẫn và bốn người Phật tử cư sĩ khác, ông lên đường đi Quảng Trị. Trong số những người trở về thành phố Huế hôm đó, có các tăng sĩ Đức Trạm (chùa Ba La Mật), Mãn Giác (chùa Thiên Minh), Thiên Ân (chùa Châu Lâm), các cư sĩ Đinh Văn Nam và Cao Hữu Đính.
Thích Mật Thể theo kháng chiến cho đến năm 1961 thì mất. Ông viên tịch tại Nghệ An, thọ 49 tuổi. […] Trong thời gian bị quản thúc ở Nghệ An, […] ông vẫn sáng tác cuốn Thế Giới Quan Phật Giáo. Bản thảo tác phẩm này […] được tạp chí Vạn Hạnh xuất bản vào năm 1967. Bản in này có mang lời tựa của Thích Đức Nhuận, chủ bút tạp chí Vạn Hạnh.
Thế Giới Quan Phật Giáo là một tác phẩm nói đến sự cần thiết của đạo Phật trong tư trào chính trị, văn hóa và kinh tế hiện tại. Ông thẳng thắn phê bình sự nông cạn của chủ thuyết Duy vật. Theo ông, Phật giáo không phải là duy vật, cũng không phải là duy tâm. Ông nhấn mạnh đến nguy cơ của những nhà làm chính trị thiếu căn bản đạo đức. Ông nói rằng lý thuyết của chủ nghĩa xã hội “rất hay”, nhưng vì căn bản của lý thuyết này đã sai lầm “nhận vật chất làm căn nguyên sinh ra vạn hữu” cho nên “xã hội chủ nghĩa trở nên nông cạn, chỉ thấy hạnh phúc con người ở cơm ăn áo mặc”. Theo ông “xét tận nguồn gốc gây ra thống khổ của nhân loại, nguyên nhân chỉ vì lòng tham, sân, si chất chứa nhiều quá”. “Nếu xã hội chủ nghĩa tổ chức kinh tế khéo giỏi đến đâu mà không có phương pháp để thủ tiêu lòng tham, sân, si cùng bản ngã nhỏ hẹp kia, thì nhân loại cũng không bao giờ hết khổ được”[8].
Với tư cách đại biểu quốc hội, Mật Thể đã từng che chở và bênh vực cho các tăng sĩ và cư sĩ hoạt động quanh tờ Giải Thoát vào những năm 1946 và 1947. Chính nhờ ông mà tờ Giải Thoát được tồn tại trong một năm trời.
Trong thời gian ấy, những người chủ trương tạp chí Giải Thoát đã cố gắng mở cuộc thảo luận với những người theo chủ nghĩa Mác-xít. Họ không thực sự gọi những người đối thoại họ là Mác-xít: Họ không muốn phân biệt và chia rẽ. Nhất là họ không bài bác một lý thuyết nào. Họ chỉ muốn đối thoại và phương pháp của họ là cố gắng để làm cho người đối diện hiểu họ nhiều hơn.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời với Sắc lệnh số 34 ngày 20.9.1945 đã “cấm không ai được động chạm đến các đền chùa, giáo hội” và “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của quần chúng”. Sắc lệnh này sở dĩ ra đời là vì trước đó, tại nhiều vùng (nhất là ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh và Thái Bình) các Ủy ban nhân dân địa phương, nhiệt thành trong việc thực hiện cách mạng, đã có hành động xâm phạm tới tăng sĩ, tự viện và giáo đường của các tôn giáo và đã tạo nên phản ứng của các tôn giáo ở những địa phương này. Sắc lệnh của chính phủ, tuy được tuân phục trên hình thức, nhưng trên tinh thần đã không hề có sự cởi mở thành thực. Các cây bút như Nguyễn Hữu Quán, Phạm Hữu Bình, Viên Đình, v.v… trong tập san Giải Thoát đã phản ánh tình trạng này.
Phạm Hữu Bình, trong bài Phật Giáo Bị Lợi Dụng, đã nhắc tới “một số người trước mặt thì tỏ ra tán dương mà sau lưng thì ngấm ngầm công kích Phật giáo”[9]. Ông muốn nói đến những người ngoài miệng thì nói tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng trong thâm tâm thì lại cho rằng Phật giáo là nguy hại, rằng người theo đạo Phật là người đã bị thực dân ru ngủ và lợi dụng.
Về vấn đề “thực dân lợi dụng Phật giáo”, Phạm Hữu Bình nhắc lại phong trào phục hưng Phật học trong những năm 1930 và lặp lại những bài của báo Viên Âm thời ấy về hai động lực chính của sự chấn hưng; đó là: 1/ Sự tiến hóa của phái trí thức xứ ta về phương diện luận lý và 2/ Sự cần thiết của đạo đức và tinh thần Phật giáo bên cạnh sức mạnh lạnh lùng và mù quáng của khoa học. Ông nói mục đích của ông không phải là để đối đáp lại “những công kích lặt vặt và những cử chỉ thiếu thành thực” mà là cùng độc giả Giải Thoát xét xem đạo Phật có hại hay có lợi gì cho quần chúng, “nếu có hại chúng ta nên triệt để bài trừ. Nếu có lợi, chúng ta nên cố gắng duy trì, khuyến khích và nếu ai muốn “lợi dụng” Phật giáo, chúng ta nên khuyến khích họ “lợi dụng” thêm”.
Ông nói đến tinh thần bình đẳng triệt để và vị tha triệt để trong đạo Phật và nhắc đến sự kiện đạo Phật chưa bao giờ gây nên tai hại gì cho cuộc sống, chưa bao giờ dùng bạo lực để bành trướng thế lực tôn giáo mình, chưa bao giờ chia rẽ quốc dân đồng bào, chưa bao giờ đứng về phía mạnh để hiếp đáp phía yếu. Rồi ông viết: “Chúng ta không nên sợ Phật giáo bị lợi dụng. Chỉ sợ người đời không biết lợi dụng Phật giáo mà thôi. Chính vì lẽ ấy mà Phật Thích Ca đã suốt đời giảng giải đạo lý và các Phật tử đủ trí đủ sức không nề gian lao nguy hiểm đã luôn luôn tìm đủ phương tiện để cho ai ai cũng biết triệt để lợi dụng Phật giáo để đưa mình và đưa người đến nơi hạnh phúc chân thực”.[10]
Đáng chú ý là nhận xét của Nguyễn Hữu Quán về sự trách móc đạo Phật về tính cách thiếu thực hành của nó. Ông viết: “Trong khi mọi người nghèo đói có thể ngửa tay xin bất kỳ một người nào, một kẻ lầm đường có thể gõ cửa ở mọi nhà, một người bệnh có năm bảy người láng giềng chạy đến cho thuốc, một người khách lạ đến nhà, gặp bữa ăn chỉ thêm một bát đũa… thử hỏi khi ấy có cần phải lập ra những nhà tế bần, dục anh hay bệnh viện? Chính khi trong một xã hội việc lập những cơ quan từ thiện đã trở thành vấn đề cấp bách là khi lòng người ở đấy đã có góc có cạnh, đã chia cách nhau lắm rồi. Họ không thể làm việc thiện một cách trực tiếp, dễ dàng, mà phải cần những cơ quan môi giới giữa người cho và người nhận, người giàu và người nghèo, người sướng và người khổ. Vì những lẽ trên, chúng ta không nên bằng vào sự thiếu tổ chức những công cuộc xã tế mà chê trách Phật tử thiếu thực hành”.[11]
Phạm Hữu Bình lại vạch ra những ảnh hưởng tốt từ ngày phong trào Phật giáo nổi dậy. Ông lại mời độc giả “điều tra kỹ” xã hội nông thôn: Ở làng nào xã nào có tổ chức khuôn Tịnh độ thì ở đấy có nhiều thay đổi đẹp đẽ hơn trước và phần đông những người tham dự vào việc hành chính của thôn xã và của cách mạng là Phật tử.
Nguyễn Hữu Quán có một lối đối thoại mềm mỏng hơn. Ông muốn chứng tỏ rằng ông không có thành kiến gì đối với người ông đối thoại hết. Ông chỉ mong người đối thoại của ông cũng chấp nhận thái độ đó. Ông viết: “Tôi biết anh là người thành thực. Chúng ta có thể thành thực nắm tay nhau mà không ngần ngại. Chúng ta cùng sống, cùng gặp nhau trên đường đi. Những mối băn khoăn của trí tôi đã có khi thoáng làm anh thắc mắc. Nỗi vui đang dậy trong lòng tôi lắm lúc vụt bừng trong tia mắt anh. Nhưng giữa lúc trò chuyện, tôi buột mồm: “Tôi là Phật tử”. Thế là về xã giao, tôi đã phạm vào một lỗi. Một cái màn bỗng buông xuống giữa chúng ta”.
Cái màn ấy, Nguyễn Hữu Quán rất sợ. Và ông làm đủ mọi cách để vén nó lên. Ông không muốn người kia dán lên mặt ông một nhãn hiệu. Nhãn hiệu duy tâm, nhãn hiệu phong kiến, nhãn hiệu lạc hậu. Vì nhãn hiệu mà người ta có thể hết thành thực với nhau, đâm ra nghi ngờ nhau và có thể đi đến chỗ chia rẽ hoặc hủy hoại nhau. Ông nói: “Đi dán nhãn hiệu, đâu phải là hiểu biết!”[12].
Nguyễn Hữu Quán nói rằng ông có đủ sức để trả lời những câu buộc tội đạo Phật, nói rằng đạo Phật là không khoa học, không cách mạng, không dân chủ, không thích hợp với xã hội mới. Nhưng ông nói ông không muốn “dàn xếp” và “theo đòi”. Ông nói “Trả lời được những đòi hỏi vụn vặt không phải là thỏa mãn”. Và quan trọng nhất, ông nói: “Uốn nắn theo một khuynh hướng ồ ạt không phải là đắc thắng”.
Nói chuyện về vấn đề “hiểu biết chân chính”, ông nhấn mạnh đến thái độ khiêm nhường và cẩn trọng cần có và cảnh cáo những thái độ vồ vập, hãnh diện. Những điều ông viết sau đây đã phản chiếu nhận thức của ông về thái độ của một số người của thời đại ấy:
“Lửa thiêng của cách mạng là để tiêu hủy một chế độ quá u tối để lung linh hứa hẹn hạnh phúc chung cùng và tươi sáng của ngày mai. Cả đến khoa học lạnh lùng cũng bắt đầu e thẹn vì thấy – với bao nhiêu sáng suốt – mình chỉ là một dụng cụ đui mù cho tham vọng không bờ bến của loài người. Khoa học cũng đã bắt đầu thấy trong vũ trụ mông lung vấn đề ít vu vơ và khẩn cấp nhất là hạnh phúc của con người.
“Vẫn biết, không phải tìm đường là tất thấy ngay. Lại phải đề phòng cái thông bệnh: Mới thấy lờ mờ một vết đường mòn đã vội hô hoán, lôi kéo người ta vào, ra vẻ đắc thắng, ra vẻ hãnh diện là đường của ta, rồi giằng co, rồi hục hặc.
“Phải biết xét lòng mình đã. Phải nghiệm rõ trong con đường ấy, ta và người, cả loài người, có thể đi đến ngày tươi sáng chân thật không? Phải coi chừng: Trí thông mình hàm hồ lắm, chỉ chực bào chữa cho những thèm muốn u ẩn.
“Biết bao nhiêu người tự xưng có tinh thần cách mạng, lúc đắc thắng đã trở thành kẻ bóc lột quá bọn cướp đường, vì không nhận rõ tinh thần phản kháng và lý thuyết công bình của mình trước kia chỉ che đậy một khao khát vơ vét.”[13]
Nguyễn Hữu Quán đề nghị với người đối thoại những nguyên tắc của sự hiểu biết mà ông đã tìm học được trong đạo Phật: tôn trọng xét nghiệm, xóa bỏ những biên giới ngăn cách giả tạo giữa ta và người, tâm và vật, thời gian và không gian. Ông chỉ cầu mong ở người đối thoại một điều kiện: Giữ mãi được lòng thiết tha vì hạnh phúc chung. Ông nói: “Anh cũng biết như tôi rằng lòng (tha thiết vì hạnh phúc chung) ấy thường mong manh lắm: chỉ vì một bực dọc, một lúc suy đốn trong gia đình, một bước thất bại hơi chua cay là đổ vỡ tất cả; mắt anh sẽ tối lại, anh sẽ đi dần đến cảnh mịt mù thảm thiết của một thế giới giành giật nhau, bóc lột nhau, trong đó anh đóng một vai trò mà không thấy ngõ thoát”
Chưa biết được rằng cuộc đối thoại sẽ rất khó khăn và lâu dài và nhiều khi tuyệt vọng, những người chủ trương tạp chí Giải Thoát cũng như đồng bạn của họ ở mọi nẻo đường đất nước lúc đó, đã tha thiết mở cuộc đối thoại với người đồng bào của mình. Tiếng nói chân thành của họ còn vang vọng mãi tới hôm nay.
TĂNG SĨ VÀ THANH NIÊN PHẬT TỬ HY SINH
Và cũng ở khắp mọi nẻo đường đất nước, nhiều lớp trai trẻ Phật giáo đã thay nhau ngã gục trong cuộc kháng chiến, dù là tăng sĩ hay cư sĩ, dù tay không hay cầm súng. Đau khổ và tang tóc mà chiến tranh thực dân gieo trên đất nước và trên đồng bào họ to lớn quá[14], khiến họ không có đủ cơ hội tìm kiếm một con đường tranh đấu độc lập của người Phật tử, một con đường thích hợp hơn với lý trí và tình cảm của họ. Ở chiến khu hay tại nội thành, bạo động hay bất bạo động, họ tiếp tục tranh đấu. Riêng về tăng sĩ, trên bốn trăm thanh niên tăng ni đã bị thực dân bắn chết trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1954. Thích Minh Tâm (tên đời là Nguyễn Quang Lý) đệ tử thiền sư Quảng Nhuận, chính trị viên trung đoàn Trần Cao Vân, gục ngã tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thích Tánh Huyền (tên đời Nguyễn Văn Hàm) đệ tử của thiền sư Mật Nguyện, làm chủ tịch Ủy ban Hành chánh Khu phố 7 của thị xã Huế đã gục ngã sau lưng chùa Tường Vân. Thích Châu Quang (tên đời là Huỳnh Văn Sính), đệ tử thiền sư Quảng Huệ, đã gục ngã trong mặt trận bảo vệ thị xã Huế. Thích Trí Nghiêm, đệ tử thiền sư Đôn Hậu ngã gục ở chiến khu Quảng Trị. Thích Tâm Thường chết tại chùa Thiền Tôn. Thích Viên Minh và Nguyễn Chinh chết tại mặt trận Phan Thiết. Thích Minh Trí chùa Thiên Ấn ở xã An Thạnh, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một đã chết một cách vô cùng oan ức. Sau khi bị thực dân tra tấn, Minh Trí đã bị chôn sống với năm người Phật tử cư sĩ khác tại Gò Dốc xã Tân Khánh. Họ đã bị bắt buộc đào hố để tự chôn mình.
Thiền sư Trí Thuyên bị thực dân bắn chết ngay tại Phật học đường Kim Sơn, còn thiền sư Đôn Hậu bị quân đội Pháp bắt giữ và tra tấn tại Huế.
Trên đây chỉ là nêu ra một số trường hợp còn ghi nhận được bằng ký ức. Phải còn có thì giờ và phương tiện mới thiết lập được bản danh sách những vị tăng sĩ đã hiến mình cho cuộc kháng chiến giành độc lập quốc gia.
Thiền sư Trí Thuyên là đại diện cho lớp tăng sĩ trẻ tuổi có học, một dạ một lòng với đạo Phật và với dân tộc. Ông đã được đào luyện đúng chín năm tại trường An Nam Phật học. Sinh ở Quảng Ngãi, ông xuất gia từ tấm bé ở đó và đã được gửi về học tại Huế từ năm 1934. Ông thọ đại giới năm 1944 tại giới đàn Thiền Tôn.
Tham gia vào cách mạng, cố nhiên ông chỉ làm công tác bất bạo động. Ông ngã gục dưới mũi súng thực dân vào cuối năm 1947 tại Phật học đường Kim Sơn.
Ngày Phật Đản 1948 tại Phật học đường Báo Quốc Huế, một số học tăng và giáo sư âm thầm tổ chức lễ cầu nguyện và truy điệu ông và cầu nguyện cho tất cả những thanh niên tăng ni khác đã bỏ thân vì cách mạng. Thiền sư Trọng Ân, giáo sư tại Phật học đường Báo Quốc hồi ấy đã đề vào bức ảnh của Trí
Thuyên bốn câu sau đây:
“Năm xưa ai đã cùng ai
Đốt lò hương, nguyện dưới đài quang minh
Mà nay non nước chưa bình
Người đi đâu mất, ảnh hình còn đây?”
Người không đi mất, người chỉ đi vào lòng Tổ quốc, lòng dân tộc và vào trong ký ức của những thế hệ Phật tử kế tiếp.
_________________________
[1] Nội các gồm có: Trần Trọng Kim, Thủ tướng; Trần Đình Nam, Bộ trưởng Nội vụ; Trần Văn Chương, Ngoại giao; Vũ Văn Hiền, Tài chính; Hồ Tá Khanh, Kinh tế; Nguyễn Hữu Chí, Tiếp Tế; Hoàng Xuân Hãn, Giáo dục Kỹ thuật; Trịnh Đình Thảo, Tư pháp; Lưu Văn Lang, Công chính Giao thông; Vũ Ngọc Anh, Y tế Cứu tế; Phan Anh, Thanh niên.
[2] Mật Thể: Xuân Đạo Lý, trang 23.
[3] Thuyền Uyển Tập Anh, Thống Yếu Kế Đăng Lục, Đạo Giáo Nguyên Lưu, v.v… và một vài bộ Ngữ Lục cùng năm ba thiên truyện ký của các vị cao tăng.
[4] Bài này được in đầu sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, bằng Hán văn.
[5] Hải Triều Âm số 1 ra ngày 21.4.1964.
[6] Việt Quốc là tổ chức hợp nhất của các đảng Cách mệnh Đồng minh, Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt. Cơ quan báo chí của Việt Quốc là Thiết Thực.
[7] Tam Ích: Ý Văn. Lá Bối, Sài Gòn 1967.
[8] Mật Thể: Thế Giới Quan Phật Giáo. Vạn Hạnh, Sài Gòn 1967.
[9] Phạm Hữu Bình: Phật Giáo Bị Lợi Dụng. Giải Thoát, (1946) (in lại trong tập san Phật Giáo Việt Nam, số Xuân Đinh Dậu, 1957, Sài Gòn).
[10] Sách đã dẫn.
[11] Sách đã dẫn.
[12] Nguyễn Hữu Quán: Hiểu Biết Chân Chính (bức thư ngỏ cùng người bạn muôn phương). Giải Thoát 1946, in lại trong nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, Sài Gòn số 4 – 1956.
[13] Nguyễn Hữu Quán: Hiểu Biết Chân Chính (bức thư ngỏ cùng người bạn muôn phương). Giải Thoát 1946, in lại trong nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, Sài Gòn số 4 – 1956.
[14] Một đoạn trong Lịch Sử Việt Nam Hiện Kim của Phan Xuân Hòa, xuất bản tại Sài Gòn năm 1957, trang 95 – 96:
“Vào tháng 7.1949 trong một trận càn quét ở tỉnh Hà Đông, quân đội Pháp bắt được hơn 200 thường dân. Sĩ quan Pháp bắt đứng riêng hai hàng nam nữ, ai nấy đều bị lột trần truồng. Sau bắt theo lệnh còi do một tên trung sĩ thổi lên, đôi bên nam nữ phải ôm choàng lấy nhau để nhận lấy một tràng đạn liên thanh tưới vào mà gục xuống.
“Hôm 11.8.1949, sau khi quây vùng Ninh Giang (thuộc Hải Dương), 80 người bị bắt đứng sắp hàng làm bia đỡ đạn liên thanh. Khoảng 100 đàn bà bị hiếp dâm; nhiều trẻ con bị quăng vào đống lửa.
“Hôm 12.12.1949 ở bến đò An Tri (Vĩnh Yên) Pháp bắt giữ một chiếc thuyền chở 45 người đàn bà và hai người đàn ông là những người đi lánh nạn; thu vét hết của cải xong rồi, lính Pháp trói hai người làm một, quăng cả xuống sông…
“Quân đội Pháp đóng ở TrungViệt lại còn tàn bạo hơn thế nữa! Nhiều gia đình bị tàn sát bằng dao găm. Người ta tính sơ sơ thấy số bị giết lên tới chừng tám vạn. Không mấy phụ nữ trong khu Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là không bị Pháp hiếp dâm.”
“Hôm 22.2.1949, riêng một trận vây Phong Điền, 860 nóc nhà bị đốt, 80 dânquân bị giết, 113 đàn bà bị hiếp; một người đàn bà có mang sáu tháng (Hoàng Thị Phong) bị mổ bụng. Cũng trong trận này ông già Trần Văn Địch ở Vĩnh Xương (Phú Vang) bị ném vào đống lửa. Tại Hương Trà, ông già Trần Xuyên bị mổ bụng. Ở Quảng Điền hai bà già 60 tuổi bị hiếp”.