Mười Tông Phái Phật Giáo

Wednesday, 07 September 20229:44 PM(View: 1669)
Mười Tông Phái Phật Giáo

Mười Tông Phái Phật Giáo Ở Trung Hoa
 

Không phải riêng gì Đạo Phật, tất cả các tông giáo lớn trên thế giới, theo với thời gian và sự phát triển, đều có chia ra nhiều tông phái. Sự phân phái ấy là một lẽ đương nhiên phải có để cho các căn cơ và hòan cảnh khác nhau đều có thể thích hợp được. Nếu không, thì đạo không thể phát-triển được về bề sâu cũng như bề rộng. Hơn một tông giáo nào cả, Đạo Phật không có những giáo điều thần khải, không có một tinh thần rắn chắc, gò bó trong những hình thức hẹp hòi, câu nệ, mà trái lại, rất phóng khoáng, tự do, dễ khoan hòa, dung hiệp, nên Đạo Phật đi đến đâu cũng có thể phát triển đúng theo căn cơ và hoàn cảnh riêng biệt ở địa phương ấy. Do đó, mà Đạo Phật có rất nhiều màu sắc riêng biệt khi tại các quốc gia.


Riêng ở Trung Hoa, Đạo Phật đã có chia mười tông phái. Trong mỗi tông phái đều có đặc điểm riêng, nhưng không bao giờ vượt ra ngoài giáo pháp của Phật cả. Những tông phái này cũng như những con đường khác nhau, có đường thẳng đường cong, đường cao đường thấp, đường rộng đường hẹp, nhưng con đường nào cũng đưa đến một mục đích chung cả. Hành giả tùy theo trình độ, trí thức, khả năng, sở thích riêng mà lựa chọn con đường nào thích hợp với mình nhất để tu tập. Có như thế thì sự tu hành mới chóng có kết quả.


Mười tông phái ở Trung Hoa là: Luật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Câu Xá tông và Thành Thật tông.


Trong 10 tông này, Câu Xá tông và Thành Thật tông chủ trương về Tiểu thừa; Luật tông và Thiền tông thông cả Đại và Tiểu Thừa, còn 6 tông kia thuộc về Đại Thừa.


Nghĩa lý của các tông rất mầu nhiệm, kinh điển cũng rất nhiều, muốn hiểu cho thấu đáo, cần phải chuyên môn nghiên cứu, công phu trong nhiều năm. Trong phạm vi của khóa Phật học phổ thông này, chúng ta không thể đi sâu vào mỗi tông được. Ở đây, chúng ta chỉ nên biết qua đại khái về giáo lý và làm quen với danh từ các tông ấy, để có chỗ nhập môn mà thôi. Sau này, khi học cao hơn, chúng ta sẽ đi sâu vào từng tông phái một và sẽ tùy theo căn cơ sở thích của mình mà lựa một trong những tông ấy để tu hành.