MẬT TÔNG
I. DUYÊN KHỞI LẬP TÔNG
Tông này thuộc về Đại thừa, thờ đức Đại Nhật Như Lai (Tỳ Lô Giá Na) làm giáo chủ. Ngài Kim Cương Bồ tát đích thân chịu làm lễ Quán đỉnh, kế thừa pháp mầu nhiệm của đức Đại Nhật Như Lai, vì thế cho nên tông này gọi là Mật tông hay Chân ngôn tông (lời dạy chân thật mầu nhiệm, bí mật).
Ngài Kim Cương Bồ tát truyền cho ngài Long Thọ; ngài Long Thọ truyền lại cho ngài Long Trí; ngài Long Trí truyền cho ngài Thiện Vô Úy Tam tạng và ngài Kim Cương Trí Tam tạng.
Vào đầu đời Đường, hai ngài Vô Úy và Kim Cương sang Trung Hoa, rộng truyền bí pháp Mật tông.
Ngài Vô Úy truyền cho ngài Nhất Hạnh Thiền sư. Ngài Nhất Hạnh Thiền sư sớ thích kinh Đại Nhật, làm cho giáo nghĩa của Mật tông được rõ rệt ở Trung Hoa. Còn Ngài Kim Cương Trí thì truyền giáo pháp cho ngài Bất Không Tam tạng. Ngài sau này truyền cho ngài Huệ Quả Hòa thượng. Ngài Huệ Quả truyền cho ngài Không Hải là một đại sư người Nhật. Ngài Không Hải về sau trở thành vị tổ Mật tông ở Nhật.
Mật tông có nhiều phái: a) Mật tông ở Trung Hoa; b) Mật tông ở Nhật thường gọi là Đông mật; c) Mật tông ở Tây tạng tức là Lạt ma giáo, hay là Tạng mật.
Kinh điển của Mật tông
Tông này nương vào hai bộ kinh lớn làm cội gốc là bộ kinh Đại Nhật và kinh Kim Cương Đảnh. Nếu kể thêm ba bộ kinh: Tô Tất Địa, Du Ký và Yếu lược niêm tụng, thì thành ra năm bộ kinh về Mật tông.
Đức Đại Nhật Như Lai, (hay Tỳ Lô Giá Na) là thế nào? Như chúng ta đã thấy ở đoạn đầu, tông này thờ đức Đại Nhật Như Lai, (hay Tỳ Lô Giá Na) làm giáo chủ và ngài Kim Cương Bồ Tát (tức Ngài Kim Cương Tát Đỏa) bằng phương pháp quán đỉnh, đã nhận lĩnh pháp mầu nhiệm của đức Đại Nhật Như Lai để truyền thừa tông này.
Nhưng Đức Đại Nhật Như Lai, hay Tỳ Lô Giá Na là thế nào?
- Như chúng ta thường nghe nói Phật có 3 thân là: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân.
1. Pháp thân, hay Tự tính thân, là pháp giới chân tịnh của các đức Như Lai, làm sở y bình đẳng cho Báo thân và Ứng thân; Pháp thân cũng tức là thể tính thanh tịnh có đầy đủ công đức, thật tính bình đẳng của hết thảy các pháp.
2. Báo thân, hay Thọ dụng thân, là thân của các Như Lai do thành tựu công đức tu hành trải qua ba đại kiếp mà được.
3. Ứng thân, hay Biến hóa thân, là thân chư Phật do trí thành sở tác mà biến hóa ra thành vô lượng thân, ứng theo căn cơ của chúng sinh mà hóa độ. Như đức Phật Thích Ca là ứng thân của Phật trong cõi Ta-bà này. Vậy Đại Nhật Như Lai hay Tỳ Lô Giá Na, không phải là đức Phật Thích Ca như một số người lầm tưởng, mà chính là Pháp thân Phật.
Theo các tông phái khác thì Pháp thân không có hình tướng, không thuyết pháp, chỉ Báo thân và Ứng thân, như đức Phật Thích Ca mới có hình tướng và nói pháp.
Theo Mật tông thì có chia ra làm hai loại giáo pháp: Hiển giáo và Mật giáo.
Những lời dạy của Ứng thân Phật, như đức Phật Thích Ca thì tủy theo căn cơ của mỗi chúng sinh mà chỉ dạy, tức là những pháp môn quyền thiệt hay là Hiển giáo.
Còn Mật giáo là những pháp môn mầu nhiệm, bí mật mà chỉ những vị Đại Bồ tát, nhờ trí huệ sáng suốt, mới cảm thông, thọ lĩnh được của Pháp thân Phật, như ngài Bồ tát Kim Cương Tát Đỏa, nhờ quán đỉnh mà thừa tiếp pháp mầu nhiệm của đức Đại Nhật Như Lai, hay Tỳ Lô Giá Na.
Tóm lại, Mật tông thuộc về Mật giáo. Vị giáo chủ bí mật là đức Đại Nhật Như Lai, hay Pháp thân Phật. Còn vị Sơ tổ của tông này chính là ngài Bồ tát Kim Cương Tát Đỏa, là vị Bồ tát đã chép lại kinh Đại Nhật và kinh Kim Cương Đảnh.
II. TÔNG CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN
1. Lục đại: Mật tông chủ trương Lục đại là chân thật thể của vũ trụ. Lục đại là: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, không đại và thức đại. Lục đại là bản nguyên của các tính năng sinh (sinh ra), năng lưu (lưu xuất ra).
Trong lục đại thì năm đại trước thuộc về vật, đại cuối cùng (thức đại) thuộc về tâm. Sáu đại này mỗi mỗi đều dung thông, không ngăn ngại, thâu nhiếp lẫn nhau, làm nhân làm duyên cho nhau mà sinh ra các pháp.
Lục đại bao hàm 3 phương diện:
- Thể đại, tức là bản thể chung cùng của vũ trụ;
- Tướng đại, tức là hình tướng của sự vật và chúng sinh;
- Dụng đại, tức là ngôn ngữ, động tác, công dụng của mỗi sự vật.
Vũ trụ vạn hữu không có cái gì ra ngoài Thể đại, Tướng đại, Dụng đại.
Thể, Tướng, Dụng là chúng ta dùng trí lực chia chẻ ra như thế để dễ quán sát; chứ thực ra ba phương diện ấy không thể rời nhau, không thể tồn tại riêng rẽ được. Ngoài Thể đại, thì Tướng đại và Dụng đại cũng không thể có được; ngoài Tướng đại thì Thể đại và Dụng đại cũng không thể có được. Vì vậy xét một phương diện thì rõ được cả ba.
Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên: Sáu đại dung thông, thâu nhiếp lẫn nhau, và ba phương diện: Thể, Tướng, Dụng cũng không thể rời nhau, nên vũ trụ vạn hữu, mặc dù muôn hình vạn trạng, rộng lớn vô biên, vẫn có cái lý dung thông vô ngại, châu biến khắp tất cả. Cái đó gọi là lý tính hay chân như. Lý tính hay chân như là nồng cốt của sự tướng, nhưng nếu không có sự tướng, thì chân như hay lý tính cũng không thể biểu dương được. Lý tính và sự tướng là hai khía cạnh tịnh và động của nhất như. Nói tóm lại, có lý tức có sự, có sự tức có lý.
Lý tính của vũ trụ vạn hữu cũng tức là Phật tính. Như vậy, Phật tính đều sẵn có trong mọi chúng sinh, trong mọi hình thức.
Muốn chứng ngộ Phật tính, muốn thể nhập chân như, trước tiên phải quán sát sự tướng. Sự tướng có thể gồm trong bốn loại sau đây, tức là bốn Mạn trà la.
2. Bốn Mạn đà la: Mạn đà la nghĩa là tròn trịa đầy đủ, rộng lớn không lường. Bốn pháp Mạn đà la, hay gọi tứ Mạn tưởng đại, là bốn tướng rộng lớn, đầy đủ của bản thể do sáu đại mà biến hiện ra. Bốn pháp Mạn đà la là:
a) Đại Mạn đà la: Nghĩa rộng là thân của các loài hữu tình trong mười pháp giới, là sắc tướng của muôn pháp trong vũ trụ, y theo lục đại mà hiện. Nghĩa hẹp là chỉ cái sắc tướng trang nghiêm của Phật, Bồ tát được thể hiện trong các pho tượng chạm trổ, tô vẽ, v.v...
b) Tam muội gia Mạn đà la: Nghĩa rộng là hết thảy các cơ khí trong vũ trụ, những vật dụng thường ngày của chúng sinh, hay rộng hơn nữa là cái đặc tính riêng biệt của mỗi pháp, núi, sông, cây cỏ, v.v... Nghĩa hẹp là chỉ những vật mà Phật và Bồ tát thường cầm như hoa sen, ngọc bửu châu, cành dương liễu, v.v… để tiêu biểu cho lời thề nguyện hay cái đặc tính thù thắng riêng của quý Ngài trong việc cứu độ chúng sinh.
c) Pháp Mạn đà la: Nghĩa rộng là hết thảy âm thanh, lời nói, hình ảnh, tên gọi, ký hiệu trong vũ trụ. Nghĩa hẹp là chỉ cho những chủng tử hay chân ngôn của các đức Phật hay Bồ tát. Chủng tử ở đây tức là chữ Cái, chữ tiêu biểu cho bản thể của Phật và Bồ tát, như chủng tử của đức Đại Nhật Như Lai là chữ (đọc là A), chủng tử của Ngài Kim Cương Tát Đỏa là chữ (đọc là Hùm). Còn chân ngôn tức là Mật chú, và danh hiệu của Phật, Bồ tát cùng tất cả văn nghĩa trong các kinh điển.
d) Yết ma Mạn đà la: Yết ma là cử động làm các sự nghiệp. Vậy nghĩa rộng của Yết ma Mạn đà la là chỉ cho hết thảy động tác của chúng sinh và muôn vật. Nghĩa hẹp là chỉ cho hết thảy oai nghi động tác của chư Phật và Bồ tát để làm các sự nghiệp độ sinh.
Bốn Mạn đà la này đồng thời tồn tại, đã có một Mạn đà la, tức phải có ba Mạn đà la kia. Bốn Mạn đà la này Phật, Bồ tát và chúng sinh đều có. Bốn Mạn đà là của Phật không lìa bốn Mạn đà la của chúng sinh; bốn Mạn đà la của chúng sinh không lìa bốn Mạn đà la của Phật. Vì thế, kinh thường gọi là bốn Mạn đà la không lìa nhau.
III. PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH
Cũng như các tông phái khác trong Phật giáo, sự tu hành của Mật tông gồm có hai phương diện: Sự và Lý, hay nói theo danh từ của Mật tông là Giáo tướng và Sự tướng.
“Sự tướng” là tất cả những thực hành như tụng chú, kết ấn, cúng dường, lập đàn, v.v... Tất cả những thực hành ấy phải theo đúng khuôn phép nhất định, chứ không thể dùng ý riêng mà làm càn được.
“Giáo tướng” là tất cả những nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm mà chư Phật và Bồ tát đã rút ra trong sự tướng để chỉ dạy chúng ta.
Người tu hành phải học tập và thực hành cả hai phương diện ấy, không được thiên bỏ bên nào. Không học giáo tướng thời không lĩnh hội được ý nghĩa của sự tướng để làm cho đúng. Không học sự tướng thì hết thảy đều là nói suông. Giáo tướng thì có thể nương theo kinh điển mà học hỏi; còn sự tướng thì phải có các bậc A xà lê, tức các vị truyền đạo của Mật tông, truyền cho mới biết được.
Ngoài sự tu hành thường ngày, phương pháp tu hành trọng yếu của Mật tông là Tam mật.
Tam mật là phương pháp tu hành mầu nhiệm dựa trên thân, ngữ, ý. Tam mật gồm có: Thân mật, ngữ mật (khẩu mật) và ý mật.
Như trên đã nói, chúng sinh và đức Như Lai đều do sáu đại làm thể, bốn pháp Mạn đà la làm tướng, không sai khác. Vậy Như Lai và chúng sinh thì thể tướng mật. Như đức Đại Nhật Như Lai đều có Tam pháp giới là thân mật, hết thảy tiếng tăm là ngữ mật, cái thức lớn bao khắp tất cả là ý mật. Còn chúng sinh, thì tay bắt ấn là thân mật, miệng niệm chân ngôn là ngữ mật, tâm chuyên vào tam ma địa (thiền định) là ý mật.
Nhưng Phật và chúng sinh khác nhau ở tịnh và nhiễm, ngộ và mê, giải thoát và ràng buộc. Vậy chúng sinh muốn được như Phật, phải tu hành theo phép Tam mật. Nhờ tay bắt ấn mà tịnh được thân nghiệp, miệng niệm chân ngôn mà tịnh được khẩu nghiệp, trí quán tưởng đức Đại Nhật Như Lai mà dẹp được vọng tưởng, ý nghiệp được thanh tịnh. Sự tu hành Tam mật có thể chia làm hai giai đoạn lớn.
Giai đoạn đầu gọi là Tam mật gia trì. Trong giai đoạn này, sau khi hành giả đã làm chủ được thân, ngữ, ý rồi thì tâm thủy (tâm vắng lặng như nước đứng yên) của mình được ánh sáng mầu nhiệm của Đại Nhật Như Lai chói rọi vào, tức là “Gia”; và tâm thủy mình cùng cảm chịu, thu nhận được ánh sáng mầu nhiệm ấy tức là “Trì”. Một bên thì “Gia”, một bên thì ‟Trì”, hai bên thừa tiếp nhau nên gọi là Tam mật gia trì.
Giai đoạn thứ hai gọi là Tam mật du già. Khi giai đoạn Tam mật gia trì đã thuần thục, thì ánh sáng của đức Đại Nhật Như Lai là ánh sáng trong tâm thủy của hành giả hiệp nhau (du già) không sai không khác, thì gọi là “Tam mậu du già”. Đến đây tức là công phu tu hành hữu tướng Tam mật đã thành tựu.
IV. QUẢ VỊ TU CHỨNG
Hành giả sáu khi đã thành tựu Tam mật hữu tướng, thông suốt được ý nghĩa mầu nhiệm của bốn Mạn đà la, thì nhất cử, nhất động đều khuôn rập đúng theo oai nghi của Phật, làm lợi lạc cho chúng sinh một cách tự nhiên, có làm tất cả mọi việc lợi ích mà như không làm. Đó tức là vô tướng tam mật.
Đến độ vô tướng tam mật thì mọi hành vi cử động đều toàn là ấn cả, hết thảy lời nói đều là chú và chân ngôn, hết thảy ý nghĩ đều là diệu quán cả. Do đó mà trong kinh có câu nói sau đây để hình dung hạng người đã chứng được vô tướng tam mật: “Mở miệng ra tiếng, chân ngôn diệt tội; giơ tay động chân, đều thành mật ấn; theo việc khởi niệm, diệu quán tự thành”.
Đó cũng là ý nghĩa của bốn chữ ‟tức thân thành Phật”; nghĩa là hiện đời thành Phật.
V. KẾT LUẬN
Sự lợi ích tu về Mật tông, đến khi kết quả cùng tột cũng đồng một mục đích như các pháp môn khác; nghĩa là ba nghiệp thanh tịnh. Thân ngồi trì chú, tay bắt ấn, nên thân không làm các điều tội ác, vì thế mà thân nghiệp được thanh tịnh (thân mật). Miệng đọc thần chú, nên miệng không nói những điều tội lỗi, vì thế mà khẩu nghiệp được thanh tịnh (ngữ mật). Tâm tưởng chú hoặc quán tưởng những chữ thần chú, nên tâm không nghĩ tưởng các điều tội lỗi, vì thế nên ý nghiệp được thanh tịnh (ý mật) Kinh chép: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Nghĩa là: Nếu ai ba nghiệp thường thanh tịnh thì được về Tây phương đồng ở với Phật.
Trì chú có rất nhiều lợi ích, như trì chú Vãng Sinh sẽ được nhổ sạch hết gốc rễ của nghiệp chướng và được sinh về Tịnh độ (bạt nhất thế nghiệp chướng căn bản, đắc sinh Tịnh độ Đà la ni); trì chú Lăng Nghiêm sẽ được tiêu trừ các oan gia nghiệp chướng và tình ái dục nặng nề từ nhiều kiếp trước, như ông A-Nan và bà Ma-Đăng-Già (xin quý vị xem quyển Đại cương Lăng Nghiêm về đoạn nói lợi ích trì chú Lăng Nghiêm); trì chú Phổ Am sẽ tiêu trừ được phục thi cốt khí các yêu tinh quỷ quái trong gia trạch; trì Ngũ Bộ chú hay Đại Bi Thập chú sẽ được phước huệ tăng long, tùy tâm hành giả cầu như thế nào, sẽ được mãn nguyện như thế ấy.