Cách Hành Thiền

Wednesday, 02 May 20186:52 AM(View: 4533)
Cách Hành Thiền
Cách Hành Thiền
Alexander Berzin,  Matt Lindén

Thiền là một công cụ có thể giúp ta tĩnh tâm, bớt căng thẳng và phát triển những phẩm chất tốt đẹp. Phần đông những người mới bắt đầu thì rất hăng hái với việc hành thiền ngay lập tức mà không học hỏi nhiều về Phật pháp. Tuy nhiên, việc tu tập tiến triển theo giai đoạn là điều tốt đẹp. Khi học hỏi thêm về những điều Phật dạy thì dần dần, việc hành thiền của chúng ta sẽ trở nên sâu sắc hơn.


Ở đây, chúng ta sẽ xem xét một vài điểm tổng quát về việc hành thiền. Một hành giả cao cấp thì có thể thiền bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào. Đối với người mới bắt đầu thì có một nơi thuận tiện để tĩnh tâm là điều hữu ích, vì môi trường xung quanh có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với mình.

Nơi Hành Thiền

Ta có thể tưởng tượng một gian phòng có đèn cầy, những bức tượng và nhang là tốt nhất cho việc hành thiền, và như vậy thì cũng tốt thôi, nếu như mình muốn những thứ này, nhưng cũng may là không nhất thiết phải có một khung cảnh rườm rà như vậy, mà điều quan trọng là phòng thiền nên gọn gàng và sạch sẽ.

Khi môi trường xung quanh ngăn nắp thì sẽ giúp cho tâm thức có trật tự hơn. Một khung cảnh bề bộn có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm của mình.

Vào lúc đầu, nếu như môi trường xung quanh yên tĩnh thì rất hữu ích. Điều này có thể khó có được, nếu như chúng ta sống trong một thành phố nhộn nhịp, nên nhiều người cố gắng thiền vào sáng sớm, hay lúc khuya. Cuối cùng thì tiếng động sẽ không làm phiền mình nữa, nhưng lúc đầu thì nó có thể tạo ra khó khăn cho mình.

Nhạc Và Thiền

Lời khuyên của đạo Phật là không nên sử dụng nhạc trong khi hành thiền, vì điều này có nghĩa là mình phải nương tựa vào một sự yên tĩnh từ bên ngoài. Đúng ra thì chúng ta muốn có khả năng tạo ra sự bình an trong nội tâm.

Tư Thế Hành Thiền

Điều quan trọng nhất là ngồi một cách thoải mái, giữ lưng thẳng, thư giãn vai, cổ và cơ bắp trên mặt. Nếu như ngồi trên ghế thoải mái hơn thì cũng tốt. Không nên có cảm giác như mình bị hành hạ! Trong một vài pháp thiền theo Zen thì hành giả hoàn toàn không được cử động. Đối với các pháp thiền khác thì nếu bạn cần cử động hai chân thì cứ cử động, không có vấn đề gì cả.

Thời Gian Hành Thiền

Khi mới bắt đầu thì nên hành thiền trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ cần ba đến năm phút là đủ. Ta sẽ thấy khó mà tập trung lâu hơn thời gian này. Nếu thiền trong thời gian ngắn mà tập trung tư tưởng được nhiều hơn thì tốt hơn là ngồi lâu mà tâm trí sao lãng, mơ mộng hay thậm chí ngủ gục!


Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất cần ghi nhớ là mọi việc đều có sự thăng trầm. Có những ngày bạn sẽ hành thiền suông sẻ, và có ngày thì không.

Điều quan trọng là thân tâm được thư giãn, và mình không cố gắng quá sức. Có những ngày mình muốn hành thiền, còn có ngày thì không. Sự tiến triển không bao giờ là một đường thẳng tiến, nên có những ngày, mình có thể cảm thấy yêu đời, rồi ngày kế tiếp thì không khá lắm.

Hành Thiền Thường Xuyên Như Thế Nào


Điều quan trọng là gắn bó với việc thực hành. Tốt hơn hết là hành thiền mỗi ngày, lúc mới bắt đầu thì mỗi thời thiền chỉ kéo dài vài phút. Sau một vài phút đầu thì có thể nghỉ một thời gian ngắn, rồi lại tiếp tục thiền. Cách thực hành như vậy thì tốt hơn là ngồi suốt một tiếng đồng hồ như bị hành hạ. Sau một vài năm kiên trì tu tập, nói chung thì ta sẽ thấy việc hành thiền của mình có tiến bộ.

Thiền Thở

Bài thiền thứ nhất mà đa số bắt đầu thực hành là chỉ ngồi yên lặng và chú tâm vào hơi thở. Điều này rất hữu ích cho việc tĩnh tâm, khi chúng ta bị căng thẳng.

    • Thở bình thường bằng mũi – không quá nhanh, không quá chậm, không quá sâu, không quá cạn.
    • Chú tâm vào hơi thở ở một trong hai nơi – hơi thở đi vào và ra ở mũi, để gia tăng năng lượng, nếu cảm thấy buồn ngủ; hoặc chú tâm vào cảm giác nơi bụng xẹp và phình ra, để an trú tâm, khi tâm trí bắt đầu sao lãng.
    • Hãy thở với ý thức bằng cách đếm các chu kỳ mười hơi thở vào và ra. Khi bắt đầu sao lãng thì hãy đưa sự chú ý trở lại với hơi thở một cách nhẹ nhàng.


Ở đây, chúng ta không khép kín tâm lại. Hành trì thật sự là nhận thức được khi tâm ý vừa rời xa hơi thở thì hãy đưa nó trở lại; hay làm cho mình tỉnh táo, khi mới bắt đầu cảm thấy hôn trầm và buồn ngủ. Điều này không phải dễ! Thậm chí, ta còn không để ý đến sự hôn trầm hay sao lãng, đặc biệt là khi có một phiền não liên quan trong đó, ví dụ như suy nghĩ về người nào mình đang giận. Tuy nhiên, lúc nào hơi thở cũng có mặt. Nó là điều ổn định mà lúc nào ta cũng có thể đưa tâm ý trở lại.


Lợi Ích Của Thiền Thở


Thiền thở còn có những lợi ích khác, bên cạnh việc giúp ta chống lại sự căng thẳng tinh thần. Nếu ta là người mà đầu óc lúc nào cũng “ở trên mây” thì việc chú tâm vào hơi thở sẽ giúp cho tâm ý an trú trong thực tại. Thiền thở đã được sử dụng để giảm bớt cơn đau ở một số bệnh viện, đặc biệt là ở nước Mỹ. Nó không chỉ giảm đau về mặt thể chất, mà còn giảm thiểu nỗi đau tinh thần.

Phát Tâm Từ Cho Tha Nhân

Một khi đã giúp tâm lắng dịu bằng thiền thở thì ta có thể sử dụng tâm thức mở rộng và tỉnh giác để phát tâm từ hướng về người khác nhiều hơn. Lúc mới bắt đầu thì ta không thể nghĩ rằng, “Bây giờ thì tôi thương tất cả mọi người”, rồi thật sự cảm nhận được điều này. Việc này không hàm chứa sức mạnh của sự thực hành. Ta sẽ sử dụng một quá trình tư tưởng hợp lý để xây dựng cảm nhận về tình thương:

      • Tất cả các sinh loài đều tương quan lẫn nhau. Chúng ta đều có mặt ở đây.
      • Tất cả mọi người đều giống nhau về mặt muốn được hạnh phúc và không muốn khổ.
      • Tất cả mọi người đều muốn được ưa chuộng; không ai muốn bị ghét bỏ hay thờ ơ.
      • Tất cả chúng sinh đều giống nhau, kể cả mình.

Vì tất cả chúng ta đều tương quan lẫn nhau, nên ta cảm thấy rằng:

  • Nguyện cho tất cả mọi người được hạnh phúc và nhân tạo ra hạnh phúc. Nếu như mọi người đều hạnh phúc và không có khó khăn thì tuyệt vời biết mấy.

Hãy tư duy về điều này, và tưởng tượng nơi tim mình có một luồng ánh sáng màu vàng như mặt trời, chiếu sáng khắp muôn phương với tình thương cho tất cả mọi người. Nếu như tâm sao lãng thì hãy đưa nó trở lại với cảm giác này: “Nguyện cho mọi người được hạnh phúc.”.

Thiền Cho Đời Sống Hàng Ngày

Nếu thực hành những pháp thiền này thì chúng ta sẽ phát triển những công cụ mà mình có thể sử dụng trong đời sống hàng ngày. Mục tiêu cuối cùng không phải là khả năng theo dõi hơi thở suốt cả ngày, mà nói chung là sử dụng kỹ năng này để tập trung vào bất cứ điều gì mình muốn. Nếu như đang nói chuyện với ai mà mình cứ nghĩ, “Chừng nào thì họ mới câm mồm đây?!”, thì công phu hành thiền sẽ giúp mình nghĩ rằng, “Đây là một con người, họ cũng muốn được người khác ưa thích và lắng nghe, giống như mình vậy thôi.”. Đó là cách mà thiền có thể giúp ích cho mình trong đời sống riêng tư và khi giao tiếp với mọi người.