29. Phẩm Tán Hoa

Thursday, 25 August 202211:04 AM(View: 872)
29. Phẩm Tán Hoa
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

29. PHẨM TÁN HOA THỨ HAI MƯƠI CHÍNBỐN

Bấy giờ Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn và chư Thiên Vương trong Đại Thiên thế giới nghĩ rằng Đại Đức Tu Bồ Đề vì chúng ta mà ban pháp vũ. Chúng ta nên hóa hiện hoa đẹp để rải trên đức Phật, chư đại Bồ Tát, chư Tỳ Kheo Tăng, Đại Đức Tu Bồ Đề và Bát nhã ba la mật.


Liền đó chư Thiên Vương hóa hiện hoa đẹp rải trên đức Phật, chư đại Bồ Tát, chư Tỳ Kheo Tăng và Đại Đức Tu Bồ Đề và cũng cúng dường Bát nhã ba la mật. Khắp Đại Thiên thế giới lúc bấy giờ đầy những hoa trong không gian. Những hoa nầy hóa thành những hoa đài đoan nghiêm vi diệu.


Ngài Tu Bồ Đề nghĩ rằng những hoa trên hư không do chư Thiên Tử rải, từ nào chưa từng thấy. Đây là hóa hoa, chẳng phải hoa từ cây sanh ra. Đây là hoa từ tâm thọ sanh, chẳng phải từ cây sanh.


Biết tâm niệm của Ngài Tu Bồ Đề, Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn nói: “Bạch Đại Đức! Hoa nầy chẳng phải sanh, hoa cũng chẳng từ tâm thọ sanh”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Ngài nói hoa nầy chẳng phải sanh, hoa cũng phải từ tâm thọ sanh. Hoa nầy nếu chẳng phải là sanh pháp thời chẳng gọi là hoa”.


Thiên Đế Thích Đê Hoàn Nhơn nói: “Bạch Đại Đức! Chỉ có hoa nầy là chẳng sanh, hay là sắc và thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng sanh?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Chẳng phải chỉ có hoa nầy là chẳng sanh, mà sắc cũng chẳng sanh. Nếu đã chẳng sanh thời chẳng gọi là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng sanh. Nếu chẳng sanh thời chẳng gọi là thọ, tưởng, hành, thức.


Như ngũ ấm, lục nhập, lục thức, lục xúc và lục xúc, nhơn duyên, sanh thọ cũng vậy.


Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật chẳng sanh, nếu chẳng sanh thời chẳng gọi là Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật. Nội không đến vô pháp hữu pháp không cũng như vậy. Tứ niệm xứ đến bất cộng pháp chẳng sanh, nhứt thiết chủng trí cũng chẳng sanh. Nếu chẳng sanh thời chẳng gọi là tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí”.


Thiên Đế nghĩ rằng Đại Đức Tu Bồ Đề có trí huệ rất sâu, chẳng hoại giả danh mà nói các pháp tướng.

Đức Phật biết tâm niệm của Thiên Đế nên nói rằng: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Tu Bồ Đề có trí huệ rất sâu, chẳng hoại giả danh mà nói các pháp tướng”.


Thiên Đế thưa: “Bạch Thế Tôn! Đại Đức Tu Bồ Đề chẳng hoại giả danh mà nói các pháp tướng như thế nào?”


Đức Phật nói: “Sắc chỉ là giả danh, Tu Bồ Đề chẳng hoại giả danh mà nói các pháp tướng. Thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ là giả danh, Tu Bồ Đề cũng chẳng hoại giả danh mà nói các pháp tướng.


Tại sao vậy? Vì các pháp tướng không có hoại, chỗ nói của Tu Bồ Đề cũng không có hoại và chẳng hoại vậy.

Như ngũ ấm, lục nhập đến lục xúc, nhơn duyên, thọ sanh, Đàn na ba la mật đến vô pháp hữu pháp không, tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, Tu Đà Hoàn quả đến Phật đạo, nhứt thiết trí đến nhứt thiết chủng trí, Tu Đà Hoàn đến Phật, tất cả chỉ là giả danh, Tu Bồ Đề cũng chẳng hoại giả danh mà nói các pháp tướng.


Tại sao vậy? Vì các pháp tướng không có hoại và chẳng hoại, chỗ nói của Tu Bồ Đề cũng không có hoại và chẳng hoại vậy.


Nầy Kiều Thi Ca! đúng như vạy, Tu Bồ Đề chẳng hoại giả danh mà nói các pháp tướng”.


Ngài Tu Bồ Đề nói với Thiên Đế: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Như lời đức Phật nói, các pháp chỉ là giả danh.


Đại Bồ Tát phải biết các pháp chỉ là giả danh như vậy. Phải học Bát nhã ba la mật như vậy.


Đại Bồ Tát học như vậy là chẳng học sắc, chẳng học thọ, tưởng, hành, thức.


Tại sao vậy? Vì chẳng thấy có sắc để học, cũng chẳng thấy có thọ, tưởng, hành, thức để học.


Đại Bồ Tát học như vậy là chẳng học Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật.


Tại sao vậy? Vì chẳng thấy có Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật để học.


Đại Bồ Tát học như vậy là chẳng học nội không đến vô pháp hữu pháp không, là chẳng học tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng.


Tại sao vậy? Vì chẳng thấy có nội không đến pháp bất cộng để học.


Đại Bồ Tát học như vậy là chẳng học Tu Đà Hoàn quả đến nhứt thiết chủng trí.


Tại sao vậy? Vì chẳng thấy có quả Tu Đà Hoàn đến nhứt thiết chủng trí để học”.


Thiên Đế hỏi: “Bạch Đại Đức! Do nhơn duyên gì mà chẳng thấy sắc đến chẳng thấy thấy nhứt thiết chủng trí?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc sắc không nhẫn đến nhứt thiết chủng trí không.


Nầy Kiều Thi Ca! Sắc không chẳng học sắc không nhẫn đến nhứt thiết chủng trí không chẳng học nhứt thiết chủng trí không.


Nầy Kiều Thi Ca! Nếu chẳng học không như vậy thời gọi là học không, vì chẳng hai vậy.


Đại Bồ Tát nầy học sắc không nhẫn đến học nhứt thiết chủng trí không, vì chẳng hai vậy.


Nếu học sắc không vì chẳng hai, nhẫn đến học nhứt thiết chủng trí không vì chẳng hai, đại Bồ Tát nầy có thế học Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật vì chẳng hai vậy. Có thế học tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng vì chẳng hai vậy. Có thế học quả Tu Đà Hoàn đến nhứt thiết chủng trí vì chẳng hai vậy.


Đại Bồ Tát nầy có thể học vô lượng vô biên a tăng kỳ pháp.


Nếu có thể học vô lượng vô biên vô số pháp, thời đại Bồ Tát nầy chẳng vì sắc tăng mà học, chẳng vì sắc giảm mà học. Nhẫn đến chẳng vì nhứt thiết chủng trí tăng mà học, cũng chẳng vì nhứt thiết chủng trí giảm mà học.


Nếu chẳng vì sắc tăng giảm mà học, nhẫn đến nếu chẳng vì nhứt thiết chủng trí tăng giảm mà học, thời đại Bồ Tát nầy chẳng vì sắc thọ mà học, cũng chẳng vì sắc diệt mà học. Nhẫn đến chẳng vì nhứt thiết chủng trí thọ và diệt mà học”.


Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Học như vậy, đại Bồ Tát nầy chẳng vì thọ sắc mà học, chẳng vì diệt sắc mà học. Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng chẳng vì thọ và diệt mà học?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đại Bồ Tát nếu học như vậy thời chẳng vì thọ sắc mà học, chẳng vì diệt sắc mà học, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng chẳng vì thọ diệt mà học”.


Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Do nhơn duyên gì mà đại Bồ Tát chẳng vì thọ sắc mà học, chẳng vì diệt sắc mà học, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng chẳng vì thọ diệt mà học?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc nầy chẳng thọ được cũng không có ai thọ sắc, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí chẳng thọ được cũng không ai thọ, vì nội ngoại rỗng không vậy.


Vì chẳng thọ tất cả pháp nên đại Bồ Tát có thể đến nhứt thiết chủng trí”.


Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật như vậy có thể đến nhứt thiết chủng trí chăng?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật như vậy có thể đến nhứt thiết chủng trí, vì chẳng thọ pháp vậy”.


Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Nếu đại Bồ Tát đối với tất cả pháp chẳng thọ, chẳng diệt mà học, thời làm sao đến được nhứt thiết chủng trí?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, chẳng thấy sắc sanh, chẳng thấy sắc diệt, chẳng thấy sắc thọ, chẳng thấy sắc chẳng thọ, chẳng thấy sắc cấu, chẳng thấy sắc tịnh, chẳng thấy sắc tăng, chẳng thấy sắc giảm. Tại sao vậy? Vì sắc sắc tánh rỗng không vậy.


Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng chẳng thấy sanh, chẳng thấy diệt, chẳng thấy thọ, chẳng thấy chẳng thọ, chẳng thấy cấu, chẳng thấy tịnh, chẳng thấy tăng, chẳng thấy giảm. Tại sao vậy? Vì nhứt thiết chủng trí tánh rỗng không vậy.


Đại Bồ Tát vì tất cả pháp chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thọ, chẳng xả, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng hiệp, chẳng tan, chẳng tăng, chẳng giảm, nên học Bát nhã ba la mật có thể đến nhứt thiết chủng trí. Vì không chỗ học, không chỗ đến được vậy”.


Bấy giờ Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi Ngài Xá Lợi Phất: “Đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật nên cầu chỗ nào?”

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật nên cầu ở trong phẩm Tu Bồ Đề”.


Thiên Đế hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Có phải thần lực của Đại Đức khiến Xá Lợi Phất nói đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật nên cầu ở trong phẩm Tu Bồ Đề chăng?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “ Chẳng phải thần lực của tôi”.


Thiên Đế hỏi: “Thần lực của ai vậy?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đó là thần lực của Phật”.


Thiên đế nói: “Tất cả pháp đều không thọ xứ. Tại sao vậy? Nói là thần lực của Phật, rời tướng không thọ xứ thời Như Lại bất khả đắc, rời pháp như thời Như
Lai cũng bất khả đắc”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Rời tướng không thọ xứ thời Như Lai bất khả đắc, rời pháp như thời Như Lai cũng bất khả đắc. Trong tướng không thọ xứ, Như Lai bất khả đắc. Trong pháp như, Như Lai bất khả đắc.


Trong sắc như, Như Lai như bất khả đắc. Trong Như Lai như, sắc như bất khả đắc.


Trong sắc pháp tướng, Như Lai pháp tướng bất khả đắc. Trong Như Lai pháp tướng, sắc pháp tướng bất khả đắc. Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng như vậy.


Nầy Kiều Thi Ca! Như Lai trong sắc như chẳng hiệp, chẳng tan, Như Lai trong thọ, tưởng, hành, thức như chẳng hiệp, chẳng tan.


Như Lai rời sắc như chẳng hiệp, chẳng an, Như Lai rời thọ, tưởng, hành, thức như chẳng hiệp, chẳng tan.


Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng như vậy.


Như Lai trong sắc pháp tướng chẳng hiệp, chẳng tan, Như Lai trong thọ, tưởng, hành, thức pháp tướng chẳng hiệp, chẳng tan.


Như Lai rời sắc pháp tướng chẳng hiệp, chẳng tan, Như Lai rời thọ, tưởng, hành, thức pháp tướng chẳng hiệp, chẳng tan.


Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng như vậy.


Nầy Kiều Thi Ca! Trong tất cả pháp chẳng hiệp, chẳng tan là thần lực của Như Lai, vì dùng pháp vô sở thọ vậy.


Như lời Kiều Thi Ca nói, đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật nên cầu ở chỗ nào?


Nầy Kiều Thi Ca! Chẳng nên ở trong sắc hay rời ngoài sắc mà cầu Bát nhã ba la mật. Chẳng nên ở trong thọ, tưởng, hành, thức hay rời ngoài thọ, tưởng, hành, thức mà cầu Bát nhã ba la mật.


Tại sao vậy? Bát nhã ba la mật nầy và sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tất cả pháp đây đều chẳng hiệp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, một tướng duy nhứt đó là vô tướng.


Nhẫn đến chẳng nên ở trong nhứt thiết chủng trí mà cầu Bát nhã ba la mật, cũng chẳng nên rời ngoài nhứt thiết chủng trí mà cầu Bát nhã ba la mật.


Tại sao vậy? Bát nhã ba la mật đây và nhứt thiết chủng trí, tất cả pháp nầy đều chẳng hiệp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, một tướng duy
nhứt là vô tướng.


Tại sao vậy? Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng phải rời ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhẫn đến chẳng phải nhứt thiết chủng trí, cũng chẳng phải rời ngoài nhứt thiết chủng trí.


Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc như, cũng chẳng phải rời ngoài sắc như. Nhẫn đến chẳng phải nhứt thiết chủng trí như, cũng chẳng phải rời ngoài nhứt thiết chủng trí như.


Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc pháp, cũng chẳng phải rời ngoài sắc pháp. Nhẫn đến chẳng phải nhứt thiết chủng trí pháp, cũng chẳng phải rời ngoài nhứt thiết chủng trí pháp.


Tại sao vậy? Nầy Kiều Thi Ca! Tất cả pháp nầy đều vô sở hữu bất khả đắc.


Vì vô sở hữu bất khả đắc, nên Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc cũng chẳng phải rời sắc, nhẫn đến cũng chẳng phải nhứt thiết chủng trí cũng chẳng phải rời nhứt thiết chủng trí. Chẳng phải sắc như cũng chẳng phải rời sắc như, nhẫn đến cũng chẳng phải nhứt thiết chủng trí như cũng chẳng phải rời nhứt thiết chủng trí như. Chẳng phải sắc pháp cũng chẳng phải rời sắc pháp, nhẫn đến cũng chẳng phải nhứt thiết chủng trí pháp cũng chẳng phải rời nhứt thiết chủng trí pháp”.


Thiên Đế nói: “Ma ha ba la mật nầy là đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật.


Vô lượng ba la mật, vô biên ba la mật là đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật.


Chư Tu Đà Hoàn và quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến chư A La Hán và quả A La Hán, chư Bích Chi Phật và đạo Bích Chi Phật, chư đại Bồ Tát đều từ trong Bát nhã ba la mật nầy mà học thành.


Có thể thành tựu chúng sanh, thanh tịnh phật độ, chứng Vô thượng Bồ đề đều từ trong Bát nhã ba la mật nầy mà học thành”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Ma ha ba la mật nầy là đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật. Vô lượng ba la mật, vô biên ba la mật là đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật.


Cũng từ trong Bát nhã ba la mật nầy mà học thành quả Tư Đà Hoàn đến thành Vô thượng Bồ đề.


Nầy Kiều Thi Ca! Vì sắc rộng lớn nên Bát nhã ba la mật cũng rộng lớn.


Tại sao vậy?


Sắc tiền tế, hậu tế và trung tế đều bất khả đắc.


Thọ, tưởng, hành, thức rộng lớn nên Bát nhã ba la mật cũng rộng lớn, vì thọ, tưởng, hành, thức, tiền tế, hậu tế và trung tế đều bất khả đắc.

Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí cũng như vậy.


Do nhơn duyên nầy nên Ma ha ba la mật nầy là đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật.


Nầy Kiều Thi Ca! Vì sắc vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng, vì sắc lượng bất khả đắc vậy.


Như hư không lượng bất khả đắc, cũng vậy sắc lượng bất khả đắc.


Hư không vô lượng nên sắc vô lượng. Vì sắc vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng.


Nhẫn đến vì nhứt thiết chủng trí vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng.


Tại sao vậy? Vì nhứt thiết chủng trí vô lượng bất khả đắc.


Như hư không lượng bất khả đắc, cũng vậy nhứt thiết chủng trí lượng bất khả đắc.


Hư không vô lượng nên nhứt thiết chủng trí cũng vô lượng.


Nhứt thiết chủng trí vô lượng nên Bát nhã ba la mật cũng vô lượng.


Do nhơn duyên nầy nên đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật vô lượng.


Nầy Kiều Thi Ca! Sắc vô biên nên đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật vô biên.


Tại sao vậy? Sắc, tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc.


Nhẫn đến nhứt thiết chủng trí vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên. Vì nhứt thiết chủng trí, tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc vậy.


Do nhơn duyên nầy nên Bát nhã ba la mật vô biên.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Vì duyên nơi vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên”.


Thiên Đế hỏi: “Thế nào là duyên nơi vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì duyên tất cả pháp vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên”.


Thiên Đế hỏi: “Thế nào duyên tất cả pháp vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì duyên vô biên pháp tánh nên Bát nhã ba la mật vô biên.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Vì duyên vô biên pháp như nên Bát nhã ba la mật vô biên”.


Thiên Đế hỏi: “Thế nào duyên vô biên pháp như nên Bát nhã ba la mật vô biên?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì pháp như vô biên nên duyên cũng vô biên. Vì duyên vô biên nên pháp như cũng vô biên”.


Do nhơn duyên nầy nên đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật cũng vô biên.


Lại nầy Kiều Thi Ca! Vì chúng sanh vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên”.


Thiên Đế hỏi: “Thế nào chúng sanh vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Theo ý Ngài thời những pháp gì gọi là chúng sanh?”


Thiên Đế nói: “Không có pháp gì gọi là chúng sanh. Vì giả danh nên gọi là chúng sanh.


Danh tự ấy vốn không có pháp cũng không có chỗ đến. Chỉ gượng đặt tên thôi”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Ý Ngài nghĩ thế nào. Trong Bát nhã ba la mật nầy nói chúng sanh có thiệt chăng?”


Thiên Đế nói: “Không có thiệt”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu trong Bát nhã ba la mật chẳng nói thiệt có, thời chúng sanh vô biên cũng bất khả đắc.


Nầy Kiều Thi Ca! Ý Ngài nghĩ thế nào? Chư Phật trong hằng sa kiếp nói chúng sanh và danh tự chúng sanh. Vả có pháp chúng sanh có sanh, có diệt chăng?”


Thiên Đế nói: “Không có. Vì bổn lai chúng sanh thường thanh tịnh vậy”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Do nhơn duyên nầy, vì chúng sanh vô biên nên biết Bát nhã ba la mật cũng vô biên”.


***