Chương 1 - Thứ Thứ Tâm (Tàng Thức)

Wednesday, 20 April 201610:27 AM(View: 3522)
Chương 1 - Thứ Thứ Tâm (Tàng Thức)
Chương 01: Thức thứ tám (Tàng Thức)                 

"Do giả thiết ngã pháp" là câu mở đầu Tam thập tụng, văn bản chính  của Duy Biểu Học thời xưa do thầy Thế Thân trước tác. Như bất kỳ khoa  học nào khác, ngành học về Duy Biểu đặt ra một tiền đề: giả thiết rằng  có cái gọi là Ngã (cái Tôi) và có các sự vật khác gọi là Pháp.  Từ giả  thiết đó, các thầy tổ trong học phái Duy Biểu tìm hiểu về sự vận hành  của tâm thức con người.

Theo Duy Biểu Học, tâm thức mỗi cá nhân có thể chia ra làm tám loại,  gọi là tám tâm vương hay tám thức (8 consciousnesses). Quý thầy chỉ tạm  phân chia ra để cho dễ hiểu. Thực ra tám tâm thức đó không độc lập với  nhau mà trong một cái đều có chứa đựng bảy cái kia. Tám thức hoạt động  như một khối, có thể tạm chia làm bốn tầng - giống như bốn bản phim của  một tấm hình mầu:

Năm thức đầu bắt nguồn từ năm giác quan của cơ thể. Đó là các thức  phát sinh khi mắt ta nhìn thấy các hình sắc (Nhãn thức); tai nghe thấy  các âm thanh (Nhĩ thức); mũi ngửi mùi hương (Tỷ thức); lưỡi nếm vị các  thứ trong miệng (Thiệt thức) và khi thân xúc chạm với một vật gì đó  (Thân thức).

Ý thức (mano-vijñāna) là thức thứ sáu phát khởi khi ta tiếp xúc với  bất kỳ một đối tượng nào của nhận thức. Ý thức có căn là Ý (cũng là thức  thứ 7 hay thức Mạt-na); có đối tượng là các pháp bao gồm tất cả mọi sự  vật, mọi hiện tượng, kể cả những gì trong tâm thức của con người.

Mạt-na (Manas), căn cứ cho ý thức phát sinh, cũng là một thức. Mạt-na  có căn là Tàng thức (A-lại-gia) và nó cũng coi A-lại-gia là đối tượng.  Mạt-na là thức thứ bảy trong tám thức. Thức này rất đói khát về một cái  ta riêng biệt và nó ôm quàng lấy hình ảnh mà nó "nhìn" tàng thức, coi đó  là người yêu của nó. Do đó Mạt-na cũng có khi được gọi là Tình thức  (The lover).

Tàng thức hay A-lại-gia thức (alaya-vijñāna) là thức căn bản, là nền  tảng của tất cả 7 thức kia. Các nhà Duy biểu cho rằng một trong các tác  dụng của Tàng thức là biến hiện (biểu hiện ra, đồng thời làm biến  chuyển). Tàng thức biến hiện ra sinh mạng (căn thân) và hoàn cảnh trong  đó sinh mạng sống (khí thế gian).

Trong 50 bài tụng Duy Biểu thời nay, các bài tụng từ số 1 tới số 15 nói về tàng thức. Tàng thức có 3 nhiệm vụ:

Thứ nhất, nó chứa đựng và bảo tồn (năng tàng) tất cả các hạt giống  hay chủng tử (bīja) của những gì ta trải qua. Những hạt giống trong tàng  thức là biểu hiện của tất cả những gì ta đã làm, đã kinh nghiệm, đã có  nhận thức hoặc có tri giác. Tàng thức thu hút tất cả các hạt giống đó,  giống như nam châm hút các miếng sắt vậy.

Thứ hai, tàng thức cũng chính là các hạt giống (sở tàng). Viện bảo  tàng không phải chỉ là các căn nhà nhiều tầng. Nó cũng là những tác phẩm  nghệ thuật trưng bày trong đó. Tàng thức cũng vậy, nó không phải chỉ là  kho chứa hạt giống mà nó cũng là những hạt giống trong kho. Hạt giống  có thể khác với kho chứa, nhưng ta chỉ tìm thấy hạt giống trong kho chứa  mà thôi. Khi bạn có một rổ táo, những trái táo khác với cái rổ. Khi rổ  trống không, bạn không thể gọi nó là rổ táo được. Tàng thức vừa là kho  chứa (chủ thể), vừa là những hạt giống có trong kho (đối tượng). Và khi  nói tới thức, là ta muốn nói tới cả hai: chủ thể và đối tượng của thức.

Công năng thứ ba của tàng thức là chứa đựng những luyến ái về cái tôi  (ngã ái chấp tàng). Đó là do liên hệ phức tạp và vi tế giữa tàng thức  và Mạt-na. Mạt-na phát sinh từ tàng thức, và nó cũng quay lại, nắm lấy  tàng thức, coi đó là cái Ngã riêng biệt và độc lập của nó. Đa số các khổ  đau của chúng ta đều là kết quả từ nhận thức sai lầm này của Mạt-na. Và  đó là chủ đề của các bài học trong phần thứ hai trong cuốn sách này  (bài tụng số 16 tới số 22 trong năm mươi bài tụng Duy biểu.)

Tàng thức là tâm căn bản. Tàng là cất giữ, gồm chủ thể cất giữ (năng tàng - adāna) và đối tượng cất giữ (sở tàng). Tâm căn bản cũng có tên khác là nhất thiết chủng thức (sarvabīja-vijñāna) nghĩa là gồm tất cả các hạt giống. Sarva là tất cả  (nhất thiết). Bīja là hạt giống, là chủng tử. Một tên khác nữa của Tâm  là ngã ái chấp tàng. Lý do có tên này là vì Tàng Thức bị Mạt-na  thức nhận lầm làm cái ngã, cái ta. Tàng thức vì vậy đôi khi bị kẹt và  mất tự do. Tàng thức trở nên đối tượng của sự thương yêu, chấp chước. Sự  thương yêu và chấp chước, dính mắc do Mạt-na chủ trương gọi là ngã ái.  Tàng thức, đối tượng của sự dính mắc, gọi là ngã ái chấp tàng.

Những danh từ năng tàng, sở tàng, ngã ái chấp tàng và nhất thiết  chủng thức được dùng trong Đạo Bụt Đại Thừa nhưng nội dung cũng có trong  Đạo Bụt Bộ Phái. Truyền thống Nhất thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) ở miền  bắc Kashmvi không dùng danh từ nhất thiết chủng thức mà dùng danh từ căn  bản thức (mūla-vijñāna). Mūla là căn bản, là gốc rễ. Trong Ba Mươi Bài  Tụng Duy Thức của Thầy Thế Thân cũng có danh từ căn bản thức trong bài  tụng số 15: "Y chỉ căn bản thức, ngũ thức tùy duyên hiện, hoặc câu hoặc  bất câu, như ba đào y thủy" (Nương vào thức căn bản; năm thức tùy duyên  khởi; hoặc cùng hoặc không cùng; như sóng nương vào nước.)

Tóm lại, tâm hay tàng thức, là thức căn bản, có những tên chính sau  đây: năng tàng, sở tàng, ngã ái chấp tàng, nhất thiết chủng thức. Những  tên này để chỉ một vài công năng của tàng thức mà thôi. Tâm còn nhiều  công năng và các tên khác nữa, như sở tri y, dị thục thức.