Bài Tụng 23-27

Wednesday, 20 April 201610:49 PM(View: 3221)
Bài Tụng 23-27
Bài tụng 23: Căn và trần                 

Nương vào ý làm căn
Pháp trần làm đối tượng
Ý thức được phát sinh
Phạm vi nhận thức rộng.

 

Bài tụng này mở đầu cho lĩnh vực của thức thứ sáu. Thức thứ sáu tiếng  Phạn là manovijñāna. Chúng ta biết rằng các thức phát sinh khi giác  quan tiếp xúc với đối tượng. Năm thức cảm giác hay năm thức đầu - tức là  nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức và thân thức; thức nào cũng có  căn để phát sinh. Trần hay cảnh là đối tượng của năm thức đầu. Một bên  là căn, một bên là trần. Căn cứ của nhãn thức là mắt, căn cứ của nhĩ  thức là tai, căn cứ của tỉ thức là mũi, căn cứ của thiệt thức là lưỡi và  căn cứ của thân thức là thân thể. Sáu căn là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt,  thân, ý. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Ý căn, pháp trần:  Thức thứ sáu cũng có một căn cứ gọi là ý.  Nó nương vào căn là Ý và lấy pháp trần làm đối tượng. Vậy pháp trần là  trần của thức thứ sáu. Pháp trần (hay pháp) gồm tất cả các hiện tượng  vật lý và tâm lý.

Ý là căn của thức thứ sáu, đồng thời nó cũng là thức thứ bảy  (Mạt-na). Công việc của Ý hay Mạt-na là tư duy, tưởng tượng, nhận thức  và cảm xúc với tất cả mọi sự vật. Khi Mạt-na tiếp xúc với trần thì sinh  ra ý thức.

Phạm vi của ý thức:

Mạt-na có tầm hoạt động rất rộng, nên khả năng của ý thức cũng rất  rộng. Tất cả những gì chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, ngửi, nếm,  xúc chạm hay chỉ là các ý nghĩ, cảm xúc v.v...đều là đối tượng của ý  thức. Có thể nói phạm vi nhận thức của ý thức là tất cả vũ trụ.

Ý thức chỉ được phát sinh khi có đủ một số các điều kiện (nhân  duyên). Câu "Ý thức được phát sinh" mới đọc thì giống như Bụt chủ trương  Duy Vật chủ nghĩa. Vì thức sinh ra do căn và trần. Căn là vật chất mà  trần cũng là vật chất. Khi căn và trần sáp nhập vào nhau thì sinh ra  thức, giống như tâm do vật sinh ra. Có một nhà học giả Bỉ đã phê bình  câu này của Bụt. Ông ta cho rằng Bụt nói giống như một nhà duy vật.  Nhưng vì ông ta không biết rằng căn và trần chỉ là những tăng thượng  duyên (nhân duyên cần thiết) chứ chưa phải là các nhân duyên đầy đủ.

Dù Mạt-na là căn của ý thức nhưng nhân duyên (chính) của ý thức là  những hạt giống nằm trong tàng thức. Tàng thức là khu vườn và ý thức là  người làm vườn. Người làm vườn gieo hạt vào đất. Tàng thức có khả năng  cất giữ, nuôi dưỡng và đưa các hạt giống lên khi ý thức cần tới chúng.  Mạt-na giống như sợi dây điện nối giữa ý thức và tàng thức. Vì tính chất  hữu phú (bị ngăn che) của Mạt-na nên nó đã làm méo mó các dữ kiện khi  đưa từ tàng thức lên ý thức.

Trong khi thực tập chánh niệm, chúng ta gieo các hạt giống tốt vào  tàng thức, tưới tẩm chúng, và chúng ta nên tin rằng một ngày kia các hạt  giống tốt kia sẽ nẩy mầm, mọc lên thành cây và đơm bông, kết trái, và ý  thức không còn bị mù mờ vì bị Ý căn (Mạt-na) che mắt nữa. Khi có chánh  niệm, ý thức tiếp xúc trực tiếp được với các hạt giống trong tàng thức,  không qua sự vặn tréo của Mạt-na, thì Ý thức mới tiếp xúc được với chân  như của thực tại.

Câu được lặp đi lặp lại nhiều lần trong kinh "Khi mắt, tai... (nhãn,  nhĩ...) tiếp xúc với hình ảnh, tiếng động... (sắc, thanh...) thì sinh ra  nhãn thức, nhĩ thức..." không phải là lối nhìn theo duy vật. Đây chỉ là  một số điều kiện tất yếu nhưng không phải là những điều kiện đầy đủ để  phát sinh ra thức. Phải có những điều kiện phụ thuộc nữa mới có được sự  phát sinh của một hiện tượng. Vì vậy cho nên phạm vi nhận thức của ý  thức rất rộng rãi. Rộng rãi như thế nào? Chúng ta đọc bài tụng 24 sẽ  thấy.

Bài tụng 24: Phạm vi nhận thức của Ý thức                

Thông ba tánh, ba lượng
Tiếp xúc với ba cảnh
Đủ thiện, ác, bất định
Biệt cảnh và biến hành.

 

Bài tụng này nói rõ về phạm vi nhận thức rộng rãi của thức thứ sáu.

Thông ba tánh, ba lượng. Ba tánh là thiện, ác và vô ký. Ý  thức khi có chánh niệm là thiện, khi chìm đắm trong thất niệm là bất  thiện. Nó cũng có thể là vô ký (trung tính, không thiện, không ác).

Ba lượng là ba hình thái của nhận thức (pramāṇa, modes of perception). Đó là hiện lượng, tỉ lượng và phi lượng :

1. Hiện lượng (pratyakṣa-pramāṇa, direct perception,  things-in-them-selves) là nhận thức trực tiếp, không qua suy luận. Khi  thấy bình trà thì biết ngay là bình trà, khi chạm lửa thì biết ngay là  nóng.

Một hiện lượng có thể đúng, gọi là chân hiện lượng mà cũng có thể  sai, gọi là tợ hiện lượng. Tợ hiện lượng là giống như đúng nhưng thực sự  không đúng. Ví dụ như mình thấy ngoài vườn một con ma. Chính mắt mình  thấy rõ ràng con ma mặc áo trắng dài mà nói không ai tin. Nhưng con ma  đó có thể chỉ là một tàu lá chuối lấp loáng dưới ánh trăng. Con ma đó là  một nhận thức trực tiếp không qua suy luận, là một hiện lượng, nhưng  không phải là một chân hiện lượng. Nó là một tợ hiện lượng.

Một ví dụ khác: trong bóng tối, khi thấy sợi dây ta tưởng đó là con  rắn. Con rắn là nhận thức trực tiếp làm cho chúng ta sợ, nhưng nó là một  tợ hiện lượng vì nó chỉ là sợi dây. Nhiều khi chúng ta quả quyết "Chính  mắt tôi thấy mà, tôi không nghe ai nói lại gì hết, tôi không suy nghĩ  gì hết, đó là chuyện rõ ràng". Tuy vậy, nhận thức đó vẫn là tợ hiện  lượng. Đôi khi chúng ta còn nói: "Có anh đó đứng với tôi. Anh đó cũng  thấy nữa chứ không phải chỉ mình tôi thấy", mà vẫn là tợ hiện lượng.  Không phải nhiều người thấy mà đã là sự thật.

2. Tỉ lượng (anumāna-pramāṇa, inference) là nhận thức qua  trung gian suy luận. Tỉ lượng cần tới suy tính. Tỉ lượng căn cứ vào vài  dữ kiện để đi tới một đoán định, một kết luận.  Suy tính giỏi, đoán định  giỏi thì có thể đạt đến sự thật, gọi là chân tỉ lượng. Suy tính sai thì  chỉ đạt đến tợ tỉ lượng.

Một nhà khảo cổ đào được một số những vật liệu ở dưới lòng đất. Căn  cứ trên những số vật liệu tìm ra ông ta có thể dựng lại khung cảnh sinh  hoạt của những bộ lạc ngày xưa. Kết quả có thể đúng (chân tỉ lượng) mà  cũng có thể có cái sai (tợ tỉ lượng). Nhà học giả Claude Levi-Strauss có  dùng một ví dụ buồn cười về tợ tỉ lượng. Ông nói là ví dụ tới một vùng  mà chưa bao giờ có văn minh loài người và đào dưới đất lên được một cái  máy đánh chữ cũ rỉ sét và kết luận rằng cách đây năm, sáu ngàn năm, dân  chỗ nầy biết dùng máy đánh chữ. Như vậy là có bằng cớ đàng hoàng, nhưng  mà kết luận là sai.

Một ví dụ khác là nhìn thấy đàng xa, sau bức tường hay bụi cây có  khói bốc lên, có tiếng máy nổ rồi đoan quyết là đàng sau bức tường hay  bụi cây có chiếc xe hơi đang rồ máy. Nhưng có thể không có chiếc xe hơi  rồ máy. Khói kia có thể chỉ là sương và tiếng máy có thể chỉ là tiếng  máy của cái tủ lạnh gần đó.

Khi nghi người khác thì chúng ta tạo ra rất nhiều tỉ lượng. Một em bé  mất cái đồng hồ đeo tay mà em rất thích cho nên em rất đau khổ. Rồi em  nhìn những đứa bạn đi qua và thấy đứa nào cũng khả nghi. "Sao thằng này  hôm nay có vẻ khả nghi quá! Nó không lấy thì ai lấy? Con bé này có mặt  đó khi mình nhận món quà đồng hồ hôm qua. Cặp mắt nó có vẻ thèm thuồng.  Chắc là nó ăn cắp đồng hồ của mình". Căn cứ vào các ý nghĩ đó, em bé kết  luận rằng bạn em đã ăn cắp đồng hồ của em. Nếu đúng, đó là một chân tỉ  lượng. Nếu không đúng, đó là một tợ tỉ lượng.

Khả năng và giá trị của nhận thức rất hạn hẹp. Chúng ta không đem mắt  thương và mắt hiểu để nhìn đời mà thường đem cái nghi, cái giận, cái  buồn, cái tham ra mà nhìn đời. Cho nên chúng ta hiểu lầm rất nhiều và  khổ vì cái tỉ lượng không ít. Khi có một nhận thức và khổ vì nhận thức  đó thì chúng ta phải tự giúp mình bằng cách tự hỏi: "Cái nhận thức này  là chân tỉ lượng hay tợ tỉ lượng?"

3. Phi lượng (abhāva-pramāṇa, wrong perception) là một hiện lượng hay tỉ lượng không chính xác.

Ý thức có thể nhận thức theo cả ba lượng: nhận thức trực tiếp (hiện  lượng), nhận thức có suy tính (tỉ lượng) và nhận thức không chính xác  (phi lượng). Từ đó, ý thức có thể đạt tới ba cảnh: tánh cảnh, đới chất  cảnh và độc ảnh cảnh.

Những nhận thức của Mạt-na (thức thứ bảy) luôn luôn sai lầm (phi  lượng) vì thức thứ tám không phải là ngã mà Mạt-na cứ cho đó là ngã nên  hình thái nhận thức của Mạt-na là phi lượng (Tùy duyên chấp ngã lượng vi phi - Bát thức Quy Củ của Thầy Huyền Trang). Vì Mạt-na là căn của Ý thức, nên ý thức cũng dễ dàng có những nhận thức sai lạc.

Năm thức đầu (nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức) khi hoạt động  độc lập, chúng không bị phối hợp với ý thức, và không bị Mạt-na ảnh  hưởng, thì chúng có các nhận thức trực tiếp (hiện lượng) về các đối  tượng. Nhưng khi Mạt-na và ý thức xen vào (có so sánh, phân biệt, đo  lường, lý luận...) thì năm thức đầu chỉ có được các nhận thức tỉ lượng  mà thôi.  Nói tóm lại, nhận thức về thế giới, con người và vạn vật,  chúng ta ít khi đi thẳng tới chân hiện lượng hay là chân tỉ lượng mà  thường thường chỉ là tợ hiện lượng và tợ tỉ lượng.

Tri giác sai lầm

Trong bộ kinh Tăng Nhất A Hàm (ekottarāgama - tập anguttara-nikāya),  Bụt có nói rằng "nhận thức phần lớn là sự hồi tưởng để so sánh". Chúng  ta nhận thức về một cái gì tức là chúng ta lấy cái hạt giống cũ ra để so  sánh. Nhiều khi chúng ta không nhận thức chính sự vật trước mặt mà chỉ  nhận thức hạt giống có sẵn trong lòng. Vì vậy cho nên, nhận thức có thể  không dính dáng tới đối tượng thật sự của nhận thức.

Vì vậy, các tri giác hay Tưởng (một trong ngũ uẩn  sắc-thọ-tưởng-hành-thức) thường sai lầm. Bụt nói tri giác chẳng qua chỉ  là hồi tưởng và chúng ta không đạt được thực tại. Thực tại có thể rất  mới mẻ, rất tươi mát nhưng mình không tiếp xúc được, mình chỉ sờ mó cái  hạt giống của nó ở trong tàng thức mình mà thôi.

Bụt là người đầu tiên dạy chúng ta rằng "Tưởng chỉ là hồi tưởng, là  thói quen hồi tưởng": các ý tưởng, hiểu biết của ta chỉ là những gì ta  đã quen nhận thức trong quá khứ, là những nhớ tưởng về các chuyện đã xảy  ra. Vậy nên bình thường, nhận thức của ta chỉ là nhận thức của các hạt  giống xưa cũ trong tàng thức, chứ không liên quan gì tới thực tại bây  giờ và ở đây. Vì Mạt-na mà ta không tiếp xúc được với sự thật mới mẻ, ta  chỉ tiếp xúc được với các hạt giống có sẵn trong tàng thức. Thỉnh  thoảng, nhờ có tỉnh thức (chánh niệm), chúng ta mới có những nhận thức  trực tiếp (chân hiện lượng hay chân tỉ lượng). Ta thường chỉ có nhiều  nhận thức sai lạc (phi lượng), nhất là khi chúng ta không dùng con mắt  thương yêu và hiểu biết mà chỉ dùng những nhận thức đầy nghi ngờ, sân  hận, phiền não hay vướng mắc.

Khi có một nhận thức làm cho ta đau khổ, ta cần tự hỏi "Đây là nhận  thức chân thực hay sai lạc?" Người khác có thể giúp ta khi ta hỏi họ:  "Tôi đau khổ vì có nhận thức kia. Tôi không biết nó đúng hay sai, xin  bạn hãy giúp tôi, xem những gì tôi nhìn thấy hay nghe được có phải là sự  thật hay không?"  Khi chúng ta giận dữ, nghi ngờ, chúng ta cũng đau  khổ. Thay vì câm lặng, chúng ta nên tìm bạn để được giúp đỡ. Mọi người  đều được lợi lạc. Sự đau khổ và niềm hạnh phúc của chúng ta đều liên  quan mật thiết với người khác. Chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau.

Tiếp xúc ba cảnh

Với ba cách nhận thức khác nhau (ba lượng), ý thức tiếp xúc với ba  cảnh. Đó là tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh. Cảnh của thức thứ  tám là tánh cảnh: thực tại không bị bóp méo vì các ý tưởng hay cảm xúc  của ta.

Năm thức cảm giác khi hoạt động độc lập, nghĩa là khi không hoạt động  chung với thức thứ sáu, thì cũng đạt tới tánh cảnh. Nếu chúng ta nhìn,  nghe, ngửi, nếm và xúc chạm với các đối tượng mà không kỳ thị, so sánh,  không phân biệt, thì đó là thế giới tánh cảnh.

Nhưng khi có sự so đo, phân biệt của thức thứ bảy thì không còn tánh  cảnh mà chuyển sang đới chất cảnh. Sự vật kia "đẹp đẽ" vì ta yêu nó,  "xấu xí" vì ta ghét nó. "Đẹp, xấu" là những gì ta gán cho đối tượng, căn  cứ vào các hình ảnh có sẵn trong tàng thức. Các hạt giống đó, từ tàng  thức, đi qua Mạt-na thức mà khởi lên trong ý thức của ta. Thức thứ sáu  có thể đạt tới tánh cảnh nhưng bình thường không có chánh niệm nên chỉ  đạt tới đới chất cảnh và độc ảnh cảnh cho nên gọi là "tiếp xúc ba cảnh".  (Tam tánh tam lượng thông tam cảnh - Bát thức Quy Củ của Thầy Huyền Trang).

Thức thứ bảy không đạt tới được tánh cảnh mà chỉ đạt tới đới chất  cảnh. Các nhận thức đới chất không phải là thực tại mà chúng đã bị  Mạt-na nhào nặn mà thành. Các hạt giống trong tàng thức, khi bị ảnh  hưởng của Mạt-na, không còn tính chất tánh cảnh mà một phần lớn biến  thành đới chất cảnh, chỉ còn chút ít tánh cảnh mà thôi. Với Mạt-na,  chúng ta thường suy tư theo quan niệm có cái Ngã, có sự vĩnh cửu thường  hằng và tin rằng mỗi sự vật đều độc lập. Chúng ta cũng rất tin vào những  cặp đối đãi như sinh - diệt; hiện hữu - không hiện hữu... vậy nên ta có  rất nhiều nhận thức sai lầm và chúng ta đau khổ.

Cảnh tượng trong giấc mơ (người, vật, sông, núi v..v..) là những cảnh  tượng độc ảnh. Các cảm xúc, tư duy trong giấc mơ cũng là những độc ảnh  cảnh. Đó là những cảnh tượng, những cảm nghĩ chúng ta đã tiếp xúc trong  quá khứ và đã được tàng trữ trong thức thứ 8. Khi cần tới, ý thức lục  tìm trong tàng thức, như tìm những hạt giống đó trong nhà kho, để đem ra  dùng. Các văn nhân thi sĩ, họa sĩ, khi sáng tác họ thường dùng nhiều  độc ảnh cảnh có sẵn, phối hợp với các hình tượng họ mới cảm nhận.

Khi ngồi thiền, chúng ta quán tưởng "là núi vững vàng" thì hình ảnh  quả núi đó là một độc ảnh. Tuy hình ảnh đó là độc ảnh nhưng nếu có chánh  niệm thì hình ảnh đó gần "sự thực" (chân như) hơn là khi mở mắt nhìn  núi trong thất niệm. Trong khi thiền quán, màu trời xanh của thế giới  độc ảnh mà chúng ta quán chiếu có thể là rất đẹp. Đôi khi cảnh tượng  trong độc ảnh cảnh đẹp hơn cảnh tượng ở ngoài. Độc ảnh cảnh có thể là  cánh cửa giúp ta tiếp xúc được với chân như.

Các giác quan, các nhận thức của chúng ta cần được mài giũa lại cho  sắc bén, để khi nhìn bông hoa chúng ta tiếp xúc được với bông hoa, nhìn  trời xanh tiếp xúc được với trời xanh. Khi sống trong thất niệm lâu ngày  quá thì giác quan mòn mỏi, lu mờ và thế giới đối với chúng ta cũng trở  thành mòn mỏi, lu mờ. Sống như vậy thì không có hạnh phúc. Khi thấy mầu  trời xanh, phải thấy thật sâu đậm, phải có hạnh phúc. Trong những bài  thiền tập có hướng dẫn trong cuốn 'Sen Búp Từng Cánh Hé' có hai bài (thứ  7 và thứ 8) giúp chúng ta mài giũa lại giác quan để có thể tiếp xúc với  những mầu nhiệm của cuộc đời.

Thiện, ác, bất định, biệt cảnh và biến hành.

Thiện, ác ở đây là nói về tâm sở thiện và tâm sở ác, chứ không phải  nói về ba tánh. Tâm sở bất định là những tâm sở có thể thiện hay ác.  Thức thứ tám chỉ tương ưng với năm tâm sở biến hành trong khi đó thì  thức thứ sáu tương ưng với tất cả năm mươi mốt tâm sở trong đó có các  tâm sở bất định. Biệt cảnh tức là năm liễu biệt cảnh (dục, thắng giải,  niệm, định, huệ). Biến hành tức là năm tâm sở biến hành (xúc, tác ý,  thọ, tưởng, tư).

Thầy Huyền Trang và ý niệm về ba cảnh:

Ý niệm về ba cảnh có lẽ đã được sáng tạo và diễn bày tại đại học  Nalanda Ấn Độ. Vào thế kỷ VII Thầy Huyền Trang từ Trung Quốc tới học.  Sau khi về nước, thầy xướng xuất ý niệm về ba cảnh. Thầy Huyền Trang đã  truyền lại cho cao đệ rất giỏi về Duy Biểu là thầy Khuy Cơ một bài tụng  ngắn về ba cảnh mà chúng ta phải biết:

Tánh cảnh bất tùy tâm

Độc ảnh duy tùy kiến

Đới chất thông Tình, Bản

Tánh, chủng, đẳng tùy ưng.

Tánh cảnh bất tùy tâm có nghĩa là tự thân của thực tại không  đi theo, không bị dính líu với tâm của mình. Không phải tâm mình buồn  thì cảnh buồn, không phải tâm mình vui thì cảnh vui. Câu "Cảnh nào cảnh  chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ'" là cảnh tùy tâm, là  đới chất cảnh. Nhưng tánh cảnh thì không tùy tâm vì tánh cảnh là tự thân  thực tại và không thể bị nhận thức làm méo mó.

Hãy lấy ví dụ về nước hoa chẳng hạn. Nước hoa thì chỉ là một loại  nước thơm mà thôi. Còn mình thích nước hoa hay ghét nước hoa, hay là bị  nội kết với nước hoa là hoàn toàn do mình, nước hoa không chịu trách  nhiệm. Trong truyện Kiều cụ Nguyễn Du dùng bốn chữ "hương gây mùi nhớ"  để đổ tội cho mùi hương là không đúng. Trách nhiệm là nơi hạt giống ở  trong mình.

Trong nhiều kinh Bụt có nói rằng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp  không phải là dục, không phải là khổ. Chính sự vướng mắc của mình vào  sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mới chịu trách nhiệm gây nên khổ. Tâm  của mình quyết định sự vướng mắc của mình chứ không phải tánh cảnh quyết  định. Tánh cảnh bất tùy tâm là như vậy.

Độc ảnh duy tùy kiến nghĩa là độc ảnh hoàn toàn tùy thuộc  nơi kiến phần, phần chủ thể của nhận thức. Kiến phần không cần phải có  gốc ở tánh cảnh. Độc ảnh thì chỉ lệ thuộc vào chủ thể nhận thức mà thôi,  không cần ảnh hưởng từ ngoài. Nó có sẵn bên trong mình rồi. Hàn Mặc Tử  nói rằng: "Làm sao giết được người trong mộng?" Người trong mộng đó là  độc ảnh. Những đau khổ, những trầm luân của mình không phải do "người  tánh cảnh" mà do "người độc ảnh" gây nên rất nhiều.

Đới chất thông tình, bản. Thông nghĩa là có liên hệ. Tình là  thức thứ bảy: Mạt-na. Bản là thức thứ tám: A-lại-gia. Cảnh đới chất  không phải là tánh cảnh, cũng không phải là độc ảnh mà là một cảnh có  đèo theo một chút bản chất của tánh cảnh và có liên hệ giữa thức thứ bảy  (tình) và thức thứ tám (bản).

Tánh chủng đẳng tùy ưng có nghĩa là ba tánh và hạt giống tùy  theo trường hợp mà đi đôi với nhau. Nhận thức của Ý thức cũng tương ưng  với tất cả năm mươi mốt tâm sở gồm: 11 tâm sở thiện, 26 bất thiện, 4  bất định, 5 biệt cảnh và 5 tâm sở biến hành. Chúng ta đã học về các loại  tâm sở này trong bài tụng số 10 và số 20.

Tóm lại bài tụng 24 này bổ túc cho câu "Phạm vi nhận thức rộng"  trong bài tụng 23. Nhận thức của ý thức liên hệ với ba tánh (thiện, ác  và vô ký), ba lượng (hiện lượng, tỉ lượng và phi lượng), ba cảnh (tánh  cảnh, đới chất cảnh, độc ảnh cảnh).

Nhận thức là một hình thức nhận biết. Nhận thức có khi chỉ ngắn hơn  một giây đồng hồ rồi nhận thức khác lại khởi lên. Mỗi nhận thức đều có  chủ thể và đối tượng. Chủ  thể có thể thay đổi, đối tượng cũng vậy. Khi  nhận thức sai lạc, nó có thể gây ra nhiều khổ đau cho chính người đó,  cùng những người ở bên cạnh. Khi nhận thức có thể tiếp xúc được với thực  tại, nhận thức đó có tính chất thiện, vì nó có khả năng giải phóng con  người, giúp họ thoát ra khỏi sự ngu si. Đôi khi nhận thức không thiện,  cũng không bất thiện. Nó không có hại nhưng cũng không giúp được gì, vì  chúng ta không thể tiếp xúc sâu sắc với thực tại được. Chỉ có cái nhìn  sâu của chánh niệm mới cho phép ta tiếp xúc được với chân như và có được  trí tuệ, hiểu biết - từ đó mới có chuyển hóa.

Trong cuộc đời, có những khi ta tiếp xúc được với chân như của thực  tại (bình diện bản môn), nhưng chuyện này không hay xảy ra vì lối suy tư  bình thường của ta. Ta có thói quen chia chẻ thực tại ra thành từng  mảnh nhỏ, và nhìn mỗi mảnh đó như một thứ gì độc lập với các mảnh khác.  Đó là cái tâm phân biệt. Nhìn một người khác, ta thường nghĩ "hắn không  phải là tôi, sao tôi lại phải lo cho hắn? Tôi chẳng liên quan gì tới hắn  hết!" Chúng ta thường suy nghĩ như vậy trong đời sống hàng ngày. Ý thức  của ta thường bị bẻ quẹo ra như vậy, nhưng chính nó cũng có thể giúp ta  tiếp xúc được với bản môn, với chân như của thực tại, nếu ta biết dùng  nó để thực tập chánh niệm.

Nếu ta không thực tập nhìn sâu, thì dù ta suy nghĩ, lý luận cách nào,  ta cũng vẫn chỉ có các nhận thức sai lạc (phi lượng và đới chất cảnh).  Đó là do cái tâm phân biệt (parikalpita-svabhāva) chi phối ta. Khi thực  tập thiền quán để nhìn sâu mọi chuyện, quán về vô thường, vô ngã không,  chúng ta có thể bỏ dần được cách nhận thức cũ và có cơ hội tiếp xúc  được với chân như. Đó là khả năng của cái trí không phân biệt  (nirvikalpaka-jñāna).

Tóm lại: ý thức có phạm vi nhận thức rộng lớn nhất. Ba lượng và ba  cảnh là các đặc tính của ý thức. Ý thức cũng có đủ ba tính cách thiện,  bất thiện và trung tính, nó có khả năng biểu hiện tất cả mọi hạt giống,  đầy đủ 51 tâm hành, tùy lúc và tùy nơi.

Nhận thức là một biểu hiện của sự nhận biết hay tri giác. Nếu tri  giác sai lầm, nó gây ra nhiều đau khổ cho người có các tri giác đó, cũng  như những người ở gần bên. Khi ý thức có khả năng tiếp xúc với sự thật,  ta sẽ có các nhận thức thiện vì chúng có khả năng giải thoát ta và  người thân chung quanh khỏi vòng vô minh mê muội. Cũng có khi nhận thức  của ta không thiện cũng không ác, nó trung tính, không làm hại nhưng  cũng không giúp ta nhìn sâu để hiểu được chân lý. Chỉ có sự quán chiếu  thâm sâu bằng chánh niệm mới giúp ta tiếp xúc được với chân như và có  trí tuệ để dẫn tới sự chuyển hóa tận gốc.

Bài tụng 25: Ý thức - kẻ gieo trồng                

Là gốc của thân khẩu
Có thẩm mà không hằng
Tạo tác nghiệp dẫn mãn
Đóng vai kẻ gieo trồng.

 

Thức thứ sáu tạo nghiệp. Nó là gốc của thân, khẩu và ý nghiệp. Những động tác của thân thể cũng như lời nói có gốc rễ từ ý thức. Ý thức sai sử cả ba nghiệp thân, khẩu, ý.

Có thẩm mà không hằng. Thẩm tức là suy tính, đo lường. Không hằng nghĩa là hoạt động không liên tục, có khi ngưng nghỉ. Thức thứ 6 biết  so đo và không hoạt động liên tục. Khi ngủ mà không nằm mơ, khi bất tỉnh  và trong phép thiền phi tưởng, ý thức cùng năm thức cảm giác ngừng hoạt  động, trong khi Mạt-na và A-lại-gia hoạt động liên tục.

Tạo tác nghiệp dẫn mãn: Thức thứ sáu làm phát khởi hành động. Có hai loại hành động: dẫn nghiệp và mãn nghiệp.

Dẫn nghiệp (leading action) là một hành động kéo mình đi về  một hướng nào đó.  Hoặc là hướng ma dẫn đường, đưa ta tới khổ đau, hoặc  là hướng Bụt dẫn đường, đưa ta tới an lạc. Thi hào Nguyễn Du có viết  trong truyện Kiều: "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn  trường mà đi"

Mãn nghiệp (ripening action) là hành động làm chín quả dị thục. Quả có thể tốt hay xấu, tùy vào hạt giống trong tàng thức chúng ta.

Thức thứ sáu rất quan trọng vì nó tạo ra cả hai thứ nghiệp: hướng đi  và quả dị thục. Vậy nên ta cần phải học hỏi, hiểu biết và thực tập để có  thể chuyển hóa thức thứ sáu. Chúng ta thường hành động, nói năng theo  các ý tưởng và nhận thức của ta. Mỗi khi nói, làm hay suy nghĩ một  chuyện gì, ta lại tưới tẩm các hạt giống trong tàng thức. Nếu biết tưới  tẩm các hạt giống thiện, thì ta sẽ có hiểu biết, thương yêu và nhiều  hạnh phúc hơn. Nếu ý thức học hỏi và nhận thức được về vô thường, vô ngã  và tương tức tương nhập, thì các hạt giống giác ngộ sẽ được lớn mạnh và  nở hoa.

Thức thứ tám (A-lại-gia) là đất, là mảnh vườn giữ gìn hạt giống và  làm mọc lên hoa, trái. Trong khi đó thức thứ sáu là người làm vườn, là  người gieo giống, tưới tẩm, chăm sóc hạt giống - là kẻ gieo trồng. Cho  nên vai trò chính của thức thứ sáu là vai trò khởi xướng, thức thứ sáu  có thể dìm chúng ta xuống địa ngục hay đưa chúng ta tới giải thoát. Địa  ngục hay niết bàn đều là hoa trái của các hạt giống ta đã gieo trồng.  Gieo bắp sẽ được bắp, gieo đậu sẽ được đậu. Gieo gió sẽ gặp bão.

Người làm vườn phải tin tưởng ở đất, vì đất có thể giúp cho các hoa  trái hiểu biết và thương yêu lớn lên. Kẻ gieo trồng cũng cần nhận biết  những hạt giống tốt trong tàng thức, và ngày đêm thực tập để tưới tẩm  những hạt giống đó, giúp cho chúng lớn lên. Đất hay tàng thức sẽ nuôi  dưỡng chúng và làm cho hoa trái biểu hiện. Hoa giác ngộ, từ bi và trí  tuệ là những tặng phẩm của đất. Người làm vườn chỉ cần chăm sóc khu vườn  là hoa trái có cơ hội lớn lên.

Vì ý thức là nguồn gốc tạo ra mọi nghiệp dĩ, nên thực tập tỉnh thức là chuyện rất quan trọng. Tỉnh thức hay chánh niệm là tình trạng tốt đẹp nhất của ý thức.  Có tỉnh thức, các hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta đều đi  theo chiều hướng trị liệu và chuyển hóa. Tăng thân (một nhóm người cùng  thực tập) có thể giúp chúng ta rất nhiều trong sự thực tập tỉnh thức.  Nếu có nhiều người chung quanh cùng thực tập, chúng ta sẽ được khích lệ  để thực tập nhiều hơn. Và do sự thực tập chuyên cần, tỉnh thức sẽ trở  thành một thói quen, từ đó, sự chữa trị và chuyển hoá tâm thức là điều  ta có thể đạt được.

Bài tụng 26: Ý thức vắng mặt                

Ý thức thường hiện hành
Trừ trong trời vô tưởng
Trong hai định vô tâm
Ngủ say và bất tỉnh.

 

Thức thứ bảy và thức thứ tám vận hành ngày đêm không nghỉ (hằng),  trái lại các thức cảm giác đầu và thức thứ sáu thường hoạt động, nhưng  cũng có khi ngừng nghỉ. Bài tụng 26 này nói đến năm trường hợp mà trong  đó thức thứ sáu không hoạt động, không hiện hành.

-      Trường hợp thứ nhất: khi sinh ra trong cõi trời vô tưởng. Cõi trời vô tưởng là một cõi trong đó không có tri giác, không có tưởng. Trong cõi trời  vô tưởng A-lại-gia và Mạt-na vẫn hoạt động nhưng không có thức thứ sáu,  nghĩa là không có tri giác. Nếu quan sát chúng ta có thể thấy ngay trên  trái đất có những loài động vật hay thực vật có sự sống nhưng không có  tri giác.

-      Trường hợp thứ hai: khi ở trong vô tưởng định (còn gọi là vô tưởng tam muội[6],  vô tưởng tam ma bạt đề, asamjñika-samāpatti). Vô tưởng định (hay vô  tưởng đẳng trì) là một trong hai trạng thái vô tâm tam muội  (acitta-samāpatti). Vô tưởng định là trạng thái trong đó không còn tri  giác nữa. Vẫn có mặt đó, nhưng không còn tri giác, súng nổ bên tai cũng  không biết.

-      Trường hợp thứ ba: khi ở trong diệt tận định (nirodha-samāpatti), là trạng thái mà một vị A la hán đạt tới. Trạng  thái này tương đương với địa thứ tám (trong mười địa của một vị Bồ tát)  mà trong đó thức Mạt-na không còn níu kéo thức A-lại-gia và thức  A-lại-gia được giải thoát. Trong diệt tận định cả hai thức thứ sáu và  thức thứ bảy đều ngưng hoạt động, ngưng "níu lấy tàng làm ngã". Thức thứ  bảy sẽ chuyển hóa thành Bình Đẳng Tánh Trí. Diệt tận định còn được gọi  là diệt thọ tưởng định. Nirodha có nghĩa là chấm dứt.

-      Trường hợp thứ tư: ngủ mà không nằm mơ (ngủ say),  thức thứ sáu ngừng hoạt động. Khi ngủ mà có mộng thì thức thứ sáu vẫn  còn làm việc. Trường hợp thứ năm là khi bất tỉnh (coma), ý thức ngừng  hoạt động.

Bài tụng này chỉ chứng tỏ một điều: thức thứ sáu là thẩm mà không  phải là hằng. Thức thứ sáu có tánh chất thẩm sát, có tư duy nhưng không  liên tục như thức thứ bảy và thức thứ tám.

Bài tụng 27: Năm hình thái hoạt động của ý thức                

Năm trạng thái ý thức
Là tán vị, độc đầu
Trong định hoặc điên loạn
Cùng trường hợp ngũ câu.

 

Thức thứ sáu có năm hình thái hoạt động:

1. Ý thức ngũ câu: Khi hoạt động chung với năm thức đầu  (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) thì được gọi là ý thức ngũ câu. Câu có  nghĩa là chung, ngũ là năm.

Khi mới nhìn một bông hoa thì tác dụng của nhận thức chỉ là nhãn  thức, nhưng khi nhìn một bông hoa một cách chăm chú thì ý thức làm việc  chung với nhãn thức và được gọi là ý thức ngũ câu. Trái lại khi nhìn một  bông hoa mà ý hướng về chỗ khác, suy nghĩ chuyện khác, thì không có sự  cộng tác giữa ý thức và nhãn thức và trong trường hợp này ý thức không  phải là ý thức ngũ câu.

2. Ý thức độc đầu: (Ý thức độc lập): là thức hoạt động riêng rẽ.

Khi đi học bằng xe hơi mà bài chưa thuộc, sợ bị thầy rầy cho nên vừa  lái xe vừa ôn bài. Tuy rằng ta vẫn có ý thức đủ để lái xe nhưng trong  trường hợp này ý thức hoạt động độc lập (ôn bài) và nhãn thức cũng hoạt  động độc lập (lái xe).  Khi gặp xe ngược chiều, ta biết tránh; khi vô  chỗ đậu, ta biết ngừng xe đúng chỗ. Nhưng vì ý thức bận rộn nên nhãn  thức phải hoạt động độc lập.

Khi ý thức hoạt động độc lập, và khi ta nằm mơ thì không có sự cộng  tác giữa các giác quan với ý thức. Chúng ta vẫn nhìn thấy, nghe, ngửi và  nếm, xúc chạm được, nhưng các thức cảm giác chỉ tiếp xúc được với các  độc ảnh cảnh mà thôi. Ta không thật sự cần tới mắt, tai, mũi, lưỡi và  thân vì ta chỉ sử dụng các hạt giống độc ảnh có sẵn trong tàng thức.

Chúng ta cũng không cần tới giác quan để suy nghĩ. Chẳng hạn như cái  tâm giận dữ không cần phải liên hệ tới mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân thể  mới khởi lên. Đó là trường hợp ý thức hoạt động độc lập. Khi giận mà  biết mình đang giận, có chánh niệm về cơn giận, thì chánh niệm lúc đó  cũng là ý thức độc đầu, vì nó không liên hệ gì đến năm thức đầu. Chánh  niệm có khi là ý thức ngũ câu và có khi là ý thức độc đầu. Khi chú ý  nhìn một bông hoa, ta nghĩ nhận thức đó chỉ là nhãn thức (ý thức độc  đầu), điều này có thể đúng. Nhưng khi ta có ý thức (chánh niệm) về sự  ngắm nhìn bông hoa thì đó là ý thức ngũ câu.

Chúng ta có thể tập để nhận biết khi nào ý thức của ta hoạt động độc  lập (độc đầu), khi nào nó liên kết với các giác quan (ngũ câu). Khi ngồi  thiền, chúng ta cố gắng đóng cửa năm giác quan lại để tập trung tất cả  năng lượng vào ý thức để thiền tập. Chúng ta cố gắng để khi các âm thanh  hay hình ảnh từ bên ngoài tấn công, chúng ta không bị vướng mắc vào  chúng để thực hiện được ý thức độc đầu.

3.  Ý thức tán vị: Khi suy nghĩ mông lung, hết chuyện này  đến chuyện khác, lo lắng, buồn phiền, ý thức không cộng tác với năm thức  đầu thì tuy hoạt động độc lập nhưng được gọi là ý thức tán vị. Tán là  phân tán, vị là vị trí. Tán vị tức là tán loạn. Chúng ta thường rất hay  sống trong tán vị và quên lãng: nghĩ quanh nghĩ quẩn, nghĩ đứng nghĩ  ngồi về quá khứ, về tương lai, không bao giờ ngưng. Ta không thể có  chánh niệm khi ý thức ở tình trạng tán vị. Chúng ta không thực sự sống  mà chỉ suy tư, lo lắng, buồn phiền hay nghi ngại hết chuyện này tới  chuyện kia. Ý thức của ta cũng không cộng tác với mắt, tai, mũi, lưỡi  hay thân mà hoạt động tán loạn một mình.

Bụt thường ví tình trạng tán vị của ý thức như con khỉ luôn luôn  nhảy, chuyền từ cành cây này sang cành kia. Chúng ta cần thực tập để có  thể ôm lấy con khỉ với chánh niệm. Với hơi thở chánh niệm khi đi, đứng,  nằm, ngồi, chúng ta có thể làm cho con khỉ ý thức dừng lại, đứng im. Ý  thức cũng có khi được ví như bầy ong luôn luôn bay vo ve một cách vô kỷ  luật, không đậu vào được chỗ nào, cho tới khi ong chúa xuất hiện, chúng  mới tụ lại.

4. Định trung ý thức: Khi biết sử dụng hơi thở, đem tất cả  năng lượng của ý thức tập trung về một đối tượng, ý thức lúc đó ở trong  định, cho nên gọi là định trung ý thức. Định có được là nhờ chánh niệm.  Chánh niệm càng sáng, nhờ tu tập mỗi ngày, thì định càng vững.

5. Loạn trung ý thức: Những người mắc bệnh tâm thần, tâm trí  bất thường, điên cuồng thì ý thức ở trong tình trạng điên loạn gọi là  loạn trung ý thức (neurotic or psychotic mind). Đó là trường hợp ý thức  bị rối loạn vì những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay những gì họ tưởng  tượng sẽ xảy ra. Có sự trái ngược giữa các hạt giống trong tàng thức với  các cảm thọ và nhận thức trong họ. Để chữa lành những bệnh tâm thần  này, người ta cần được các tâm lý gia hoặc, thầy, bạn giúp đỡ để có thể  nhận biết được những xung đột trong nội tâm. Khi thực tập để có được  chánh niệm, người bệnh có cơ hội nhìn rõ được thực tại, và ý thức của họ  sẽ bớt bệnh, đi tới chỗ hết điên loạn.

Nói tóm lại, ý thức (thức thứ sáu) có năm hình thái hoạt động: ngũ  câu, độc đầu, tán vị, định và điên loạn. Thức thứ sáu được phát sinh dựa  trên thức thứ bảy (Mạt-na thức) và có thể hoạt động riêng rẽ hay cùng  chung với năm thức đầu.