Bài Tụng 36-40

Thursday, 21 April 201611:03 PM(View: 3967)
Bài Tụng 36-40
Bài tụng 36: Không có cũng không không                

Nhân duyên đủ biểu hiện
Nhân duyên khuyết ẩn tàng
Không đi cũng không đến
Không có cũng không không.

 

Nhân duyên ở đây phải hiểu là bốn duyên: nhân duyên, sở duyên duyên,  tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên. Khi các nhân duyên đầy đủ, có thể  nhận thức được thì sự vật biểu hiện ra. Khi các nhân duyên không đầy  đủ, không thể nhận thức được thì sự vật ẩn tàng. Không phải do nhân  duyên đủ mà bắt đầu có cũng chẳng phải do nhân duyên thiếu mà bắt đầu  không. Chỉ có vấn đề biểu hiện và ẩn tàng mà thôi. Nghĩa là không có vấn  đề sống và chết.

Nhân duyên đầy đủ thì sự vật biểu hiện ra chứ không phải sinh ra. Sinh là từ không mà trở thành có. Nhân duyên thiếu thì nó ẩn tàng, ta không thấy nó nhưng không có nghĩa là nó không hiện hữu.

Cả hai quan niệm không đều là tà kiến. Người  tu tập cần phải quán chiếu để vượt qua những tà kiến đó. Hãy lấy ví dụ  của một bông hoa. Khi các nhân duyên nào là mặt trời, đám mây, hột  giống, đất, nước, phân bón, người làm vườn... tập hợp lại đầy đủ thì  bông hoa hiện ra cho chúng ta thấy. Bông hoa sẽ nói rằng "Bạn đừng bảo  tôi mới có. Nếu có thì tôi có từ vô thỉ. Tôi không có mà cũng không  không. Đừng lấy nhận thức của bạn mà bảo tôi có hoặc tôi không. Tôi  thoát ra ngoài ý niệm có và không của bạn và hôm nay tôi hiển hiện ra là  vì nhân duyên đầy đủ mà thôi". Mai kia bông hoa sẽ tàn úa và nó sẽ nói  rằng: "Bạn đừng bảo là tôi đã chết, tôi chỉ ẩn đi mà thôi. Do vì tôi  không có sinh và không có diệt".

Một ví dụ khác là đài phát thanh. Đài phát thanh phát ra một bản  nhạc. Nếu chúng ta có một chiếc máy thu thanh tốt và bật lên đúng tần số  thì chúng ta nghe được bản nhạc, khi đó bản nhạc hiển hiện. Đâu phải  bản nhạc chỉ bắt đầu có vào lúc máy thâu thanh bắt đúng tần số? Nếu máy  thâu thanh bị hư thì chúng ta không thể nghe được bản nhạc, nhưng đâu  phải bản nhạc chết đi, bản nhạc chỉ ẩn tàng, các làn sóng âm thanh vẫn  hiện hữu, chỉ không biểu hiện ra trong máy của ta thôi.

Cũng vậy, sinh ra và chết đi chỉ là những ý niệm do nhận thức. Thực tại vượt ra khỏi ý niệm sinh diệt.  Đây là một phép quán chiếu rất sâu sắc ở trong Đạo Bụt. Nếu không nắm  được ý nghĩa này thì chúng ta đánh mất đi phần thâm sâu nhất trong Đạo  Bụt.

Sự vật biểu hiện khi có đủ nhân duyên, chúng ẩn đi khi thiếu một vài  điều kiện, nhưng chúng vẫn hiện hữu dưới hình thức các hạt giống. Nhiều  khi chúng biểu hiện ra mà chúng ta không tiếp xúc được với chúng. Hai  ngàn sáu trăm năm trước, hàng ngàn người được sống cùng thời với Bụt  nhưng có thể không tiếp xúc được với Ngài. Trong khi đó, chúng ta có thể  gặp được Bụt ngay lúc này đây.

Không đi cũng không đến. Các pháp không từ đâu đến và cũng  không đi về đâu. Nếu đặt vấn đề bông hoa từ đâu đến tức là nêu lên câu  hỏi bông hoa từ phương nào trong không gian và thời gian mà đến? Và rồi,  khi tàn úa, bông hoa sẽ đi về không gian nào, thời gian nào? Trên thực  tế thì không có đi và không có đến. Thân tâm chúng ta cũng vậy. "Chúng  ta từ đâu tới, chúng ta chết rồi, sẽ đi về đâu?" Đó là những câu hỏi  không đúng.

Khi nhân duyên đầy đủ, cơ thể ta biểu hiện ra (sinh ra đời); khi  nhân duyên thiếu, chúng ta trở về trạng thái ẩn tàng, người thường gọi  là chết. Nhưng thật ra, ta không từ đâu tới mà cũng không đi về đâu cả. Đó là giáo lý "không tới không đi".

Chúng ta cần vượt thoát các ý niệm có-không, đi-đến; sinh-diệt v.v...  Sinh ra đời hoặc khi chết, lìa bỏ cõi đời, chỉ là hai khái niệm đối  đãi, trái ngược nhau. Thật ra, không hề có tới hay đi. Khi được hỏi ngài  từ đâu tới, Bụt đã trả lời: "Từ chân như mà tới". Hỏi Ngài sẽ đi về  đâu, Bụt trả lời: "Sẽ trở về chân như". Chân như là gì?  Chân như là  thực tại. Đã là thực tại thì không có đến và cũng không có đi. Tới từ  Chân như nghĩa là không từ đâu mà tới, cũng không đi về đâu cả. Thực tại  không bị vướng vào bất cứ khái niệm sinh-diệt, có-không hay còn-mất nào  hết. Chân như là niết bàn tịch tĩnh, cõi không có khái niệm, không có sự đối đãi.

"Như lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, thị danh Như lai"

Như lai (Tathāgata) nghĩa là không từ đâu tới cũng chẳng đi về đâu.  Đây là nội dung giáo lý mà ngài Xá Lợi Phất đã dạy cho ông Cấp Cô Độc  khi ông hấp hối (Kinh Độ Người Hấp Hối). Lúc chết không phải là lúc  ngừng mọi sự, mà chính là lúc tiếp tục biểu hiện dưới một hình thức  khác. Khi hiểu được như thế, người ta không còn sợ chết nữa.

Bài tụng 37: Nhân duyên                

Hạt giống sinh hiện hành
Đó gọi là nhân duyên.
Chủ thể nương đối tượng
Ta gọi sở duyên duyên.

 

Trong bài kệ 36 chúng ta đã nói về ý nghĩa "Nhân duyên đủ thì biểu  hiện, nhân duyên khuyết thì ẩn tàng." Trong bài kệ này và các bài kệ kế  tiếp chúng ta bàn sâu về vấn đề nhân duyên, chúng ta đi vào Giáo lý Tứ  Duyên.

Nhân duyên (hetu-pratyaya, primary cause). Hetu là nhân. Chữ Nhân tiếng Hán viết có chữ đại bên trong ô vuông, có nghĩa là tuy hạt giống  bị giam hãm trong cái vỏ nhỏ xíu nhưng nếu đủ nhân duyên thì sẽ trở  thành rất lớn. Hạt lúa là nhân duyên làm ra cây lúa, một ý giận bộc lộ  thành một cơn giận. Đó là chủng tử (hạt giống) sinh hiện hành. Trong  trường hợp này hạt giống được gọi là nhân duyên. Nhân là điều kiện chính  và gần nhất. Tuy nhiên nhân duyên là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để  sinh ra quả. Nó cần thêm sở duyên duyên - điều kiện phụ để làm cho nhân  duyên hiện hành.

Sở duyên duyên (ālambana-pratyaya, object as cause) là đối  tượng nhận thức. Không có sở duyên (đối tượng) thì không có nhận thức.  Vì vậy sở duyên là điều kiện thiết yếu cho Thức. Chữ duyên thứ hai trong  cụm từ sở duyên duyên có nghĩa là điều kiện. Thức mà không có đối  tượng, không có sở duyên thì không gọi là Thức được. Có chủ thể nhận  thức thì phải có đối tượng nhận thức. Ví dụ khi ta nói giận thì phải nói  giận ai, buồn thì phải nói buồn việc gì mới được. Điều này cũng đúng  cho các thức Mạt-na, A-lại-gia v.v...

Thức Mạt-na có nhân duyên từ tự thể phần, nương vào kiến phần của  A-lại-gia để làm đối tượng rồi tạo ra sở duyên của riêng mình. Kiến phần  của A-lại-gia không phải là sở duyên trực tiếp của Mạt-na. Kiến phần  của A-lại-gia chỉ đóng vai trò tăng thượng duyên để Mạt-na tạo ra sở  duyên của mình. Sở duyên của Mạt-na là tri giác sai lầm, là người trong  mộng, không phải là người thật, không phải là kiến phần của A-lại-gia.

Bài tụng 38: Các duyên khác                 

Điều kiện thuận hay nghịch
Đều là tăng thượng duyên.
Vô gián duyên thứ tư
Là liên tục chuyển biến.

 

Tăng thượng duyên (adhipati-pratyaya, supporting cause) là  những điều kiện giúp cho nhân duyên phát triển. Ví dụ như khi có hạt  giống (nhân duyên) và đất (tăng thượng duyên), ta vẫn cần có nắng, hơi  ấm; có mưa (nước) và muối khoáng... Đó là các tăng thượng duyên, giúp  cho hạt lúa nẩy mầm, lớn lên thành cây lúa.

Có thuận tăng thượng duyên (thuận duyên) và nghịch tăng thượng duyên  (hay là nghịch duyên). Không phải nghịch tăng thượng duyên nào cũng xấu.  Ví dụ có người định tới nhà mình ăn cướp nhưng nhờ giông bão nổi lên  (nghịch tăng thượng duyên) mà hắn không đi tới nơi được, nên chuyện cướp  bóc không xảy ra... Có khi nhờ những nghịch duyên (như sự thất bại  chẳng hạn) mà chúng ta có cơ hội mài giũa tính khí, sửa chữa tính xấu  (ví dụ tính tự kiêu, tự đại) và sau đó, thành công dễ dàng hơn. Đề Bà  Đạt Đa là người luôn luôn gây trở ngại cho Bụt và nhờ vậy mà Bụt thành  công hơn trong việc giáo hóa các đệ tử.

Đẳng vô gián duyên (samanantara-pratyaya, condition of  immediate continuity) là những duyên liên tục, đều đều, không đứt đoạn.  Vô gián là sự liên tục, không bị gián đoạn. Ví như những móc xích của  một sợi dây, nếu mất đi một móc xích thì không thể cài được. Trong dòng  hiện hữu của các hiện tượng cần có sự liên tục, không gián đoạn. Các  duyên của phút trước liên tục trong những giờ phút sau. Không có sự liên  tục thì không có gì thành cả. Đây là một điều kiện quan trọng. Đóa hoa  mà chúng ta thấy lúc này không thể có mặt nếu không có đóa hoa cách một  giây trước đó. Nếu không có tôi của giờ phút trước thì không có tôi của  giờ phút này. Nếu dòng điện mà bị cắt đứt thì không có điện để làm sáng  bóng đèn.

Trong giáo lý Đạo Bụt có khi nói đến rất nhiều duyên, trên mười hay  hai mươi duyên. Nhưng giáo lý bốn duyên được xem như tạm đủ và được  nhiều bộ phái chấp nhận.

Bài tụng 39: Vọng thức và chân tâm                

Nhân duyên có hai mặt
Vọng thức và chân tâm.
Vọng thức vì biến kế
Chân tâm do viên thành.

 

Nhân duyên biểu hiện ra vạn hữu, luôn luôn có hai mặt: duyên sinh  vọng tâm và duyên sinh chân tâm. Duyên sinh vọng tâm do nhận thức sai  lầm (vọng thức) gây nên khổ đau, tạo nên thế giới có tham, sân, si, có  sinh/diệt, có/không, còn/mất, tới/đi. Vòng thập nhị nhân duyên biểu hiện  luân hồi, sinh tử: Vô minh - Hành -Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc -  Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sinh - Lão tử.

Duyên đầu tiên trong vòng mười hai duyên sinh là Vô minh. Thế giới  của sinh diệt được tạo ra do các vọng thức từ vô minh mà biểu hiện. Thế  giới an lạc giải thoát cũng tùy thuộc vào quy luật của duyên sinh. Vậy  nên nhân duyên có hai mặt. Duyên sinh chân tâm là do nhận thức  trí tuệ (chân tâm) đưa tới, tạo nên thế giới màu nhiệm của Hoa Nghiêm:  không sinh/không diệt, không có/không không, không còn/không mất, không  tới/không đi. Chân tâm cho phép ta hiểu được sự vô sinh, bất diệt.

Hình ảnh trong thi ca của thiền sư Thiền Lão đời Lý (khi trả lời vua Lý Thái Tông) là hình ảnh thế giới của chân tâm:

Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh Trăng soi mây bạc hiện toàn chân (Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân)

Nguyễn Du trong Kiều, đã nói tới hình ảnh (cảnh) của thế giới vọng tâm:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

 

Thực ra, thế giới của vọng thức và thế giới của chân tâm chỉ là một.  Không cần phải loại bỏ đi thế giới của vọng thức mà chỉ cần "xoay đầu  trở lại" thì thế giới của chân tâm hiện bày và thế giới của vọng thức ẩn  tàng. Cũng mặt trời đó mà hôm qua khổ đau, và cũng mặt trời đó mà hôm  nay an lạc. Mặt trời của khổ đau và mặt trời của an lạc chỉ là một mặt  trời. Nếu tâm cởi mở, không có nội kết thì thế giới sẽ là thế giới tươi  đẹp, nếu tâm bị ràng buộc thì thế giới sẽ là thế giới của khổ đau.

Vọng thức vì biến kế - Chân tâm do viên thành.

Biến kế, nói cho đủ là biến kế sở chấp (parikalpita svabhāva, the  nature of imaginery construction and discrimination), là một loại nhận  thức rất dở. Thế giới của biến kế sở chấp là thế giới của khổ đau, của  sinh/diệt, một/nhiều, thường/đoạn, tới/đi, tương đương với Sinh Diệt Môn  trong Đại Thừa Khởi Tín Luận của Thầy Mã Minh.

Sống trong thế giới của ảo vọng, lầm mê là sống bằng nhận thức biến  kế. Nhận thức biến kế đi ngược lại nhận thức tương tức, tương nhập. Tỷ  dụ như: "Tôi không phải là anh. Nước Mỹ không phải là nước Pháp. Một là  tôi sống hai là anh sống. Tôi giết anh để tôi sống, không biết rằng tôi  giết anh là tôi giết chính tôi tại vì tôi không thấy anh với tôi là  một..." Trong thế giới biến kế tôi thấy tôi nằm ngoài anh, cái này không  liên hệ đến cái kia. Mình chỉ bảo vệ sự tồn tại và hạnh phúc của mình  mà không để ý tới ai cả, đó là thế giới của biến kế. Thấy sợi dây thành  con rắn, đó là thế giới của biến kế. Cũng từ thế giới biến kế mà ta thấy  có tự, có tha, có một, có nhiều, có đi, có đến. Do biến kế mà sinh ra  mê vọng. Do nhận thức mê vọng mà gây ra bao nhiêu khổ đau.

Chân tâm do viên thành. Viên thành ngược lại với biến kế.  Viên thành là biểu hiện của chân lý bất nhị, vô phân biệt, tương tức,  tương nhập. Viên thành và biến kế là hai thái cực. Hay nói theo Đại Thừa  Khởi Tín, một bên viên thành là Chân Như Môn, một bên biến kế là Sinh  Diệt Môn.

Mười Hai Nhân Duyên của vọng thức và chân tâm:

Khi chúng ta nói về mười hai nhân duyên, hay mười hai hữu chi (vô  minh duyên hành, hành duyên thức v.v...) là chúng ta nói về vọng thức  duyên sinh, bắt đầu bằng vô minh và chấm dứt bằng lão tử, cứ thế mà tiếp  tục.

Trong khi đó Bụt nói rằng "vô minh diệt minh sanh". Đêm tối chấm dứt  thì sẽ có ánh sáng, không thể nào mà không có gì xẩy ra. Vô minh chấm  dứt thì bắt buộc minh phải sinh ra, giác tính phải sinh ra.  Một bên là  năng lượng đưa về hướng đau khổ, một bên là năng lượng tạo ra trí. Thay  vì một bên là chấp ngã thì bên kia là Bình Đẳng Tính Trí. Vô minh sinh  hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc... Cả hai thế giới vọng tâm và  chân tâm đều có danh sắc. Bụt cũng có thân và tâm (danh sắc), nhưng mà  thân tâm của Bụt là biểu hiện cho chân như vì nguồn gốc danh sắc của Bụt  là minh. Thế giới của vọng tâm cuối cùng sẽ đi đến lão tử, trong khi đó  thế giới của chân tâm sẽ đi tới vô sinh bất diệt.

Duy Biểu mô tả ba tự tánh của thực tại: tự tánh biến kế - tự tánh y tha khởi và tự tánh viên thành thật. Chúng  ta cần thiền quán về các ý niệm trong tâm trí để không bị các vọng tâm  biến kế hướng dẫn ta vào thế giới của vô minh, sinh tử, khổ đau. Chúng  ta cần thực tập để dần dần có thể liên tục được sống với tự tánh y tha  khởi, tiếp xúc được với chân tâm (tự tánh viên thành), với thế giới an  lạc, vô sinh bất diệt của Hoa Nghiêm.

Mười hai nhân duyên thường được diễn tả bằng ngôn ngữ của duyên sinh  vọng tâm mà ít khi được diễn tả bằng ngôn ngữ duyên sinh chân tâm. Vì  vậy cho nên từ nay về sau chúng ta phải sửa đổi điều này, tức là tránh  nói nhiều quá về một mặt mà không nói tới mặt kia, nói tới bóng tối rất  nhiều mà không nói tới ánh sáng.

Chúng ta có thể nói với một em học sinh: "Tôi sẽ dạy cho em toán  học", nhưng chúng ta cũng có thể nói "Tôi sẽ lấy sự ngu dốt về toán ra  khỏi em."  Hai câu nói đó tuy hai mà là một. Cũng như nói Niết bàn là sự  chấm dứt các vô minh, phiền não. Đó là ngôn ngữ của đạo Bụt. Vậy thì  trong tương lai nếu phải dạy mười hai nhân duyên thì chúng ta phải dạy  mười hai nhân duyên về phương diện vọng tâm và cả mười hai nhân duyên về  phương diện chân tâm. Mười hai nhân duyên về phương diện chân tâm là  thế giới của Hoa Nghiêm.

Bài tụng 40: Luân hồi và chân như                

Biến kế huân vô minh
Kéo theo luân hồi khổ.
Viên thành mở tuệ giác
Hiển lộ cảnh chân như.

 

Biến kế huân tập những hạt giống vô minh, ngu si, thiếu hiểu  biết trong tàng thức, do đó mang lại những đau khổ của luân hồi  (saṃsāra). Trong biến kế chấp, ta phân biệt mình với người; cái này khác  với cái kia; bên trong khác bên ngoài, đây là trên, kia là dưới v.v...  Đó là thế giới của khổ đau, của kỳ thị. Với biến kế chấp, chúng ta tưới  tẩm hàng ngày các hạt giống vô minh, tạo tác thêm các điều kiện đưa ta  tới phiền não của cõi Ta-bà.

Viên thành thật mở cửa cho tuệ giác, gieo hạt giống từ bi,  trí tuệ, giải thoát và làm hiển lộ thế giới chân như. Sống với viên  thành thật, ta có cái nhìn vô phân biệt đối với mọi sự mọi vật; từ từ  chúng ta sẽ mở được cánh cửa của trí tuệ, từ bi và tiếp xúc được với  chân như của thực tại. Chúng ta sẽ chấm dứt luân hồi, khổ não. Điều căn  bản là chúng ta phải thay đổi được các quan niệm, các cách nhìn sự vật -  từ biến kế sang y tha khởi, đạt tới tự tánh viên thành thật.

Trên đây là những nguyên tắc, những lý thuyết. Nhưng làm thế nào để  chấm dứt biến kế và đạt được viên thành thật tánh? Đó là đối tượng của  những bài tụng sắp tới.