Bài Tụng 06-10

Wednesday, 20 April 201610:42 AM(View: 3408)
Bài Tụng 06-10

Bài tụng 6: Phẩm chất của hạt giống

Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức.

 

Đời sống một người có giá trị hay không, có hạnh phúc hay đau khổ, đều tùy thuộc vào phẩm chất của những hạt giống trong tâm thức. Muốn hiểu được một người nào, ta cần nhìn vào phẩm chất các hạt giống trong người đó. Tuy nhiên ta cần nhớ: người đó không phải là cá nhân duy nhất chịu trách nhiệm về những hạt giống của đời họ. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên, xã hội đều chịu trách nhiệm. Thấy được điều đó rồi, chúng ta không còn đổ hết trách nhiệm cho người kia nữa, mà chúng ta thương được họ.

Chúng ta hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của tổ tiên, học đường và xã hội trong quá khứ. Vì vậy khi muốn giúp đỡ, muốn vạch ra một đường lối tu học cho một người thì phải nhìn sâu để thấy cho được những hạt giống chìm sâu trong tiềm thức người đó. Như vậy gọi là quán cơ. Quán cơ là nhìn vào những hạt giống ở trong một người. Công việc của một giáo thọ, một vị thầy là biết quán chiếu cho sâu để thấy rõ những hạt giống trong tàng thức học trò, để có thể hành xử, hướng dẫn trò cho thành công.

Cách thức tu học trước hết là gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tươi mát tốt đẹp, những hạt giống mà lâu nay không ai động tới, không ai tưới tẩm. Sau nữa là nhận diện những hạt giống không đẹp, những hạt giống khổ đau và tìm cách chuyển hóa những hạt giống khổ đau đó.

Một tăng thân đích thực là một tăng thân trong đó mỗi cá nhân đều có con mắt quán cơ, đều có khả năng nhận diện được những hạt giống vui khổ của từng bạn tu của mình. Từ đó mà biết cách chạm vào những hạt giống tốt để tưới tẩm, để làm cho chúng lớn lên và tránh không đụng vào các hạt giống khổ đau, đợi khi thấy người kia vững chãi rồi mới tìm cách giúp họ chuyển hóa. Đó là thái độ của một người thiện tri thức. Đó là công trình tu học. Sự thành công là ở khả năng thấy được, tưới tẩm được. Dưới ánh sáng của đạo Bụt hạt giống của hạnh phúc, của giác ngộ đều đã có sẵn trong mỗi người.

Con người là tổng thể của nghiệp.

Bài tụng thứ 6 này nhắc chúng ta nhớ tới một câu nói của triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980): "Con người là tổng thể của tất cả những hành động của mình" (l'homme est la somme de ses actes). Danh từ Phật học gọi hành động là nghiệp (karma). Khi hành động đó là một nguyên nhân thì gọi là nghiệp nhân (karma-hetu), khi hành động đưa tới một kết quả thì đó là nghiệp quả (karma-phala).

Có ba loại nghiệp:

Ý nghiệp (hành động bằng tư tưởng). Ví dụ tư tưởng phá thai hay ý niệm giết người. Tuy chưa phá thai, chưa giết người, chỉ mới có tư tưởng, chỉ mới có ý nghiệp thôi là vũ trụ đã bị rung chuyển rồi.

Thân nghiệp (hành động của thân). Giết hại, đánh đập, làm hại hoặc làm chuyện gì giúp người khác là các thân nghiệp.

Khẩu nghiệp (hành động bằng lời nói): Nói làm người khác đau khổ hay nói để tưới tẩm thương yêu hạnh phúc đều là khẩu nghiệp.

Bất cứ thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp, nghiệp nào cũng đều gieo hạt giống vào tàng thức cả. Nghiệp nhân hay nghiệp quả đều hoàn toàn nằm trong tàng thức, đều được giữ gìn nguyên vẹn và duy trì trong tàng thức. Chúng không bị mất mát đi đâu hết.

Điều thứ năm trong năm điều tâm niệm mà các thầy, các sư cô luôn luôn ghi nhớ là:"Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, miệng và ý của tôi tạo nên, và những nghiệp quả ấy là cái duy nhất tôi có thể mang theo với tôi sau này." Khi chết nghĩa là khi chuyển từ hình thái sinh mạng này sang hình thái sinh mạng khác. Chúng ta sẽ phải bỏ tất cả những người chúng ta thương hoặc ghét, bỏ hết tài sản, của cải, sự nghiệp. Chỉ có nghiệp của chúng ta đi theo ta mà thôi. Nghiệp nhân kéo theo nghiệp quả. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều trở về trạng thái hạt giống và sẽ được tàng thức giữ gìn để đi theo chúng ta sang hình thái sinh mạng mới.

Trong tiến trình cải thiện các hành nghiệp, phép thực tập thứ nhất trong Tứ Chánh Cần[2] khiến ta ngăn ngừa để những hạt giống bất thiện không biểu hiện ra. Nếu tưới tẩm những hạt giống bất thiện, chúng sẽ biểu hiện ra và lớn lên. Nhưng khi ta bao bọc chúng bằng chánh niệm, thì sớm muộn các hạt giống bất thiện đó cũng nhỏ đi và chỉ ẩn trong tàng thức mà không hay hiện hành ra nữa.

Phép thực tập thứ hai trong Tứ Chánh Cần là giúp đưa các hạt giống bất thiện đang biểu hiện sớm trở về tàng thức. Chánh niệm cũng là yếu tố chính. Khi nhận biết được các hạt giống bất thiện đang hiện hành trên ý thức, thì ta sẽ không bị chúng chỉ huy.

Phép thực tập thứ ba trong Tứ Chánh Cần là tìm cách tưới tẩm các hạt giống thiện để chúng từ tàng thức hiện hành lên trên ý thức. Và thứ tư là: khi đã có các tâm sở thiện đang hiện hành thì tìm cách giữ chúng trong ý thức càng lâu càng hay.

Thực tập Tứ Chánh Cần được nuôi dưỡng bằng những niềm vui. Khi chúng ta tưới tẩm các hạt giống hạnh phúc, thương yêu, trung kiên và hòa giải mỗi ngày, chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng, và niềm vui đó sẽ khích lệ các hạt giống hạnh phúc mạnh hơn, hiện hành lâu hơn.

Chuyện kể Bụt có lần hỏi tăng sĩ Sona:

"Trước khi xuất gia, thầy là nhạc sĩ phải không?" Sona đáp phải.

Bụt hỏi tiếp:

"Khi dây đàn quá trùng (quá lỏng) thì có chuyện gì xảy ra?

"Khi dây đàn quá trùng, thì gảy không ra tiếng"

"Vậy còn khi dây đàn quá căng?"

"Thưa, dây sẽ đứt"

Bụt dạy:

"Tu tập cũng vậy. Giữ gìn sức khỏe, sống an lạc. Đừng quá cố gắng để làm những gì mà ta không thể làm."

Muốn thực tập cho có kết quả, chúng ta phải biết các giới hạn của cơ thể ta, và tìm được quân bình giữa sự gắng sức và nghỉ ngơi. Đừng buộc mình phải cố gắng thái quá. Tu tập phải đem lại sự thoải mái, an vui và có tính cách trị liệu. Đồng thời ta cũng cẩn thận đừng buông thả quá, nhất là để bị lôi cuốn về vật chất. Thực tập Tứ Chánh Cần là trung đạo, con đường trung dung giữa hai thái cực đó.

Bài tụng 7: Tập khí

Tác dụng A-lại-gia
Là tiếp nhận duy trì
Và làm biểu hiện ra
Hạt giống cùng tập khí.

 

Thức A-lại-gia có ba tác dụng: tiếp nhận, duy trì và làm biểu hiện các hạt giống. Hạt giống khi tiềm tàng thì không thể nhận biết, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì biểu hiện và gọi là hiện hành. Ví dụ như những hạt giống của cơn giận. Bình thường cười nói thì không thấy, nhưng khi động đến thì "đùng đùng nổi giận": hạt giống giận biểu hiện (hay hiện hành). Hạnh phúc, khổ đau cũng vậy. Tổ tiên trong mỗi chúng ta hiện hành ra trong cách chúng ta cười, nói, hay suy nghĩ. Thân thể là hiện hành của A-lại-gia. Tổ quốc, thế giới cũng là hiện hành của A-lại-gia, đó là A-lại-gia cộng đồng.

Hạt giống có tính cách riêng và tính cách chung, có tự tướng và cộng tướng. A-lại-gia tiếp nhận và duy trì tất cả các hạt giống nên cũng có tính cách riêng và tính cách chung, cũng có tự tướng và cộng tướng.

Làng Mai là một biểu hiện, một hiện hành. Có Làng Mai chung và có Làng Mai riêng. Có Làng Mai tự tướng và có Làng Mai cộng tướng. Làng Mai (riêng) của Sư Cô Đoan Nghiêm khác với Làng Mai (riêng) của Sư chú Pháp Đăng. Một thiếu phụ từ xứ Mỹ sang Làng Mai sau năm bảy ngày mà vẫn đi lang thang trên Xóm Thượng như một bóng ma. Thiếu phụ ấy đã đến Làng Mai, đã gặp người Làng Mai mà không tiếp xúc được với Làng Mai chung. Thành ra Làng Mai của thiếu phụ đó là Làng Mai rất là riêng, không phải Làng Mai chung. Nếu nói rằng "tôi đã tới Làng Mai rồi, tôi biết Làng Mai rồi", thì câu tuyên bố đó chỉ có một giá trị nào đó thôi. Đó là Làng Mai của bạn, chưa chắc gì đó là Làng Mai của tôi.

Trong bài tụng thứ tư chúng ta có đề cập đến danh từ huân tập. Trong bài tụng này chúng ta bàn đến một danh từ gần gũi với danh từ huân tập đó là danh từ tập khí. Tập là xông ướp, làm thành thói quen (huân cũng có nghĩa là xông ướp). Khí là một loại năng lượng. Tập khí là những thói quen. "Ngựa quen đường cũ". Có những thói quen cũ từ lâu đời, và cũng có những thói quen mới. Tập khí ảnh hưởng trên cách nhìn, cách nghe, trên các cảm xúc và hành xử của chúng ta. Vì các tập khí, ta không thể nhìn hay nghe được thực tại của sự vật.

Tu tập là làm ra những thói quen tốt đẹp mới, những tập khí tốt đẹp mới. Ví dụ thói quen cũ là nghe câu nói không vừa ý thì nhăn mặt, không muốn nhăn cũng cứ nhăn. Muốn có thói quen mới thì khi nghe câu nói không vừa ý, ta trở về ngay với hơi thở. Ban đầu chưa phải là thói quen, từ từ tập sẽ thành thói quen, thành tập khí mới, không làm không được. Trở về với hơi thở, ta có ý thức về tập khí cũ (nhăn mặt) nên không nhăn nữa. Khi tu tập, chúng ta có thể chuyển hoá được các tập khí của mình và sẽ thay đổi được con người mình.

Một tờ giấy được cuốn lại, khi thả ra thì vẫn uốn cong lại. Tờ giấy đã có tập khí, không thẳng như trước nữa. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng có rất nhiều tập khí. Muốn biết được tập khí của mình thì chỉ có một cách thôi: đó là thực tập chánh niệm. Khi có chánh niệm, ta nhận diện ra tập khí và mỉm cười với nó. Chúng ta cứ mỉm cười hoài, nhận diện được nó hoài thì sẽ chuyển hóa được tập khí.

Có nhiều tập khí rất khó chuyển hóa, như tập khí hút thuốc chẳng hạn. Phương pháp hay nhất để bỏ tập khí hút thuốc là khi hút thuốc thì biết rằng mình đang hút thuốc. Cái biết đó càng ngày càng sâu và mình sẽ thấy hành động hút thuốc đang tàn phá hai lá phổi... và ta thấy những liên hệ giữa phổi với sức khỏe của mình và của những người mình thương. Nếu mình bị ung thư phổi thì tội nghiệp cho họ. Không phải chỉ tội nghiệp cho riêng mình mà thôi mà còn tội nghiệp cho những người mình thương. Thành ra mình giữ gìn không những cho mình mà cho những người kia nữa. Chánh niệm cho mình những cái thấy như vậy. Khi uống rượu cũng vậy. Mỗi khi buồn thì cần chén rượu để quên, dần dà thành thói quen. Khi thực tập chánh niệm quen rồi thì mỗi khi cầm chén rượu mình sẽ nói: "Tôi uống rượu và biết rằng tôi đang uống rượu". Càng ngày cái thấy càng sâu và thấy rằng rượu đang tàn phá cơ thể mình và tàn phá những người đang trông cậy vào mình.

Hạnh phúc cũng là tập khí. Ví dụ như đi thiền hành mà thấy được an lạc. Ban đầu khi mới về Làng Mai thấy ai cũng đi thong thả mà mình thì đi như ma đuổi, coi không được, cho nên mình cũng phải ráng đi thong thả. Đi sao cho coi được mà thôi, và cố để được an lạc, ráng để được an lạc. Lúc đó là tại mình tu chưa giỏi. Cần phải tập. Sau một thời gian khi đi thiền hành mà nếm được sự khỏe khoắn thảnh thơi thì tự nhiên đi thong thả và thấy an lạc, không cần cố gắng. Từ từ thành một tập khí hạnh phúc. Nếu có thói quen sống nhẹ nhàng, hạnh phúc thì hạnh phúc là chuyện tự nhiên, dễ dàng. "Anh là người có khả năng sống hạnh phúc, chị là người có khả năng sống hạnh phúc". Đó là một lời khen ngợi đẹp nhất. Đó là tập khí do công phu tu tập.

Dù có hai loại tập khí tích cực và tập khí tiêu cực nhưng hầu như các tập khí bất thiện lại là thứ được huân tập nhanh hơn. Muốn hiểu và thưởng thức văn chương của William Shakespeare (văn hào người Anh, 1564-1616) phải mất nhiều thời gian, nhưng học sinh có thể học uống ruợu rất mau. Chúng ta cần dạy trẻ để chúng có nhiều thói quen tốt, bằng cách nhắc đi nhắc lại nhiều lần, để gieo những hạt giống tốt vào tâm thức trẻ.

Bài tụng 8: Ba cảnh, mười tám giới

Biểu biệt A-lại-gia
Là thế giới tánh cảnh
Độc ảnh và đới chất
Mười tám giới hình thành.

 

Vì  tàng thức (A-lại-gia) có hai tác dụng biểu hiện và nhận thức nên A-lại-gia còn được gọi là biểu biệt. Khi nói đến nhận thức chúng ta thường nghĩ đến ý thức (chức năng tri giác) mà thôi. Nhưng ý thức chỉ là một trong những chức năng của tàng thức. Chúng ta biết rằng vai trò đầu tiên của tàng thức là duy trì thế giới, duy trì sinh mạng nghĩa là duy trì các hạt giống trong tâm thức chung và riêng mà ta đã nói tới trong những bài tụng trước.

Trong bài tụng này chúng ta nói tới chức năng biểu hiện của thức. Khi thức biểu hiện thì luôn luôn có hai phần: phần chủ thể nhận thức và phần đối tượng nhận thức. Đối tượng nhận thức gọi là cảnh (viṣaya). Cảnh có khi còn được gọi là tướng hay tướng phần (nimitta-bhāga), hoặc có khi gọi là sở duyên (ālambana-bhāga). Ngược lại với tướng phần là kiến phần (darśana-bhāga). Ngược lại với sở duyên là năng duyên. Kiến phần hay năng duyên là chủ thể của nhận thức. Tướng phần hay sở duyên là đối tượng của nhận thức.

Khi các hạt giống trong tàng thức biểu hiện trên ý thức, thì chúng ta có thể nhận biết được chúng một cách trực tiếp hoặc chỉ nhận biết được hình ảnh của chúng trong tâm ta mà thôi. Theo giáo pháp Duy Biểu, tùy vào cách chúng ta nhận thức thực chất của vạn hữu mà chúng ta có hạnh phúc hay bị đau khổ.

Có ba loại nhận thức, gọi là ba loại "cảnh":

1. Tánh cảnh

Tánh là bản chất. Tánh cảnh là nhận thức trực tiếp thực tại, không bị méo mó, không có ảo giác. Thế giới tánh cảnh là chân như, là tự thân của thế giới, của sự vật (la chose en soi, thing-in-itself - danh từ của Kant) Chân như là bản chất của mọi sinh vật, giống như nước là bản chất của sóng vậy.

Chúng ta có thể tiếp xúc được với bản chất của sự vật không? Giáo pháp của Bụt cho biết là chúng ta có thể. Một bông hoa có thể là một biểu hiện của chân như, nếu chúng ta biết nhận thức nó một cách trực tiếp. Tùy theo cách ta nhìn bông hoa mà ta tiếp xúc được với bản chất thực của hoa, hay chỉ tiếp xúc được với hình ảnh về hoa mà tâm trí ta đã sáng tạo ra. Trong thực tế thì chúng ta hiếm khi đạt được tới thế giới tánh cảnh, thế giới của tự thân thực tại. Chúng ta thường chỉ nhận biết sự vật theo hai loại nhận thức kia (đới chất cảnh và độc ảnh cảnh).

Ví dụ như núi Pyrénées. Núi Pyrénées có tự thân, có tánh cảnh của núi Pyrénées. Hiểu biết, tri giác của chúng ta về núi Pyrénées có thể rất là sai lầm, có thể là không dính dáng gì đến núi Pyrénées cả. Nhận thức của chúng ta không thể đạt đến tánh cảnh của núi Pyrénées vì bình thường các nhận thức của ta bị méo mó, xa với thực chất của núi.

Ví dụ thương hay ghét một ai. Đối tượng của sự thương hay ghét không hẳn là tự thân người đó. Chúng ta tạo ra một hình ảnh của người kia để thương hay ghét. Trong nhận thức của chúng ta có những sáng tạo sai lầm của tâm thức. Cũng như khi chụp hình. Người mà chúng ta muốn chụp hiện lên trên tấm phim của máy hình và chúng ta chỉ có được cái hình trên tấm phim đó. Chúng ta không chụp được thực chất của người đó mà chỉ chụp "cái hình" của người đó. Rất ít khi chúng ta đạt được cái nhìn tánh cảnh.

2. Đới chất cảnh

Tâm thức nương theo tánh cảnh mà tạo ra một hình ảnh khác với thực chất sự vật và cho đó là thực tại, gọi là đới chất cảnh (representation). Đới chất cảnh là hình ảnh méo mó về thực tại, là một cảnh giới mang theo một chút ít bản chất của tánh cảnh nhưng không phải là tánh cảnh.

Chúng ta nghĩ là chúng ta biết núi Pyrénées. Có thể là chúng ta có thấy vài tấm hình hay đã leo núi Pyrénées vài giờ. Thật ra núi Pyrénées khác hơn nhiều, phong phú hơn nhiều. Cũng vậy, người mà chúng ta thương hay ghét không phải là con người có thực trong cuộc sống mà là người do chúng ta tạo ra. Hình ảnh về người đó trong tâm thức chúng ta có thể rất khác với bản chất thực của người đó. Nhận thức sai lầm về người đó gọi là đới chất cảnh. Đới chất cảnh thường gây ra nhiều khổ đau.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử đau khổ vì yêu mà không được yêu lại. Ông đã tự hỏi: "Làm sao giết được người trong mộng" bởi vì người trong mộng cứ ám ảnh ông như một bóng ma. Giết người trong mộng (hình ảnh người đó trong tâm) thì chắc là không bị tù vì người trong mộng chỉ là người đới chất cảnh, do ông tưởng tượng ra mà thôi.

Trong đời sống hằng ngày, những nhận thức, những ước mơ, những thương ghét của chúng ta đều có đối tượng là đới chất cảnh. Chúng ta thù ghét, mê đắm những hình ảnh mà chúng ta tự tạo ra trong tâm chứ không phải chúng ta thù ghét, mê đắm thế giới thực tại. Đôi khi mang tâm niệm hận thù trong suốt ba bốn mươi năm mà chỉ hận thù những hình ảnh do chính mình tạo ra mà thôi.

Chúng ta hãy nhìn chung quanh chúng ta, trời xanh kia, mây trắng kia, những trái núi kia, những con chim kia, những người ngồi chung quanh ta mà ta tin rằng thuộc về thế giới tánh cảnh, tất cả có thể chỉ thuộc về thế giới đới chất cảnh mà thôi. Tôi ngồi đây uống trà với anh. Anh ngồi đó và anh có thể chỉ thuộc về thế giới đới chất trong tâm thức tôi, vậy mà tôi cứ tin là anh thuộc về thế giới tánh cảnh, anh thuộc về thế giới hoàn toàn khách quan. Thật ra tôi đã tạo ra anh.

Bụt cũng vậy. Bụt trong chúng ta là Bụt tự thân hay là Bụt của thế giới đới chất? Chúng ta đã đạt tới con người đích thực của Bụt chưa? Hay là chúng ta chỉ sáng tạo ra một hình ảnh của Bụt bằng một số tài liệu mà ta gom góp được trong kinh điển hay qua những điều nghe nói về Bụt. Hình ảnh về Bụt của ta hôm nay có thể thay đổi và gần với Bụt tự thân hơn là hình ảnh của Bụt mà ta có trước đây năm mười năm. Tuy nhiên hình ảnh mới nhất về Bụt ngày nay vẫn còn mang nặng tính đới chất như thường. Đôi khi chúng ta có những hình ảnh rất sai lầm về Bụt, về cha mẹ ta, anh chị em ta, đồng bào ta, những sự vật đang bao quanh ta và chúng ta sống trong thế giới của đới chất cảnh mà cứ đinh ninh rằng đó là thế giới của thực tại, thế giới của những vật tự thân (The world of things in themselves - le monde des choses en soi).

3. Độc ảnh cảnh.

Là thế giới trong đó chỉ có hình ảnh mà thôi. Thế giới trong giấc mơ là thế giới độc ảnh. Thế giới độc ảnh cũng là biểu hiện của thức A-lại-gia. Trong giấc mơ chúng ta thấy những người thân, những người lạ, những chuyện vui, những chuyện buồn. Trong giấc mơ chúng ta cũng khóc, cũng cười, cũng buồn, cũng giận và vững tin rằng những cái đó có thật cho đến khi thức dậy mới biết rằng thế giới mà chúng ta vừa đi qua là thế giới của độc ảnh.

Nhưng không phải chúng ta chỉ tiếp xúc với thế giới độc ảnh trong giấc mơ. Đôi khi chúng ta cũng tiếp xúc với thế giới độc ảnh trong khi thức. Nếu ta nhắm mắt lại và hình dung hình ảnh của một người mà ta đã từng gặp cách đây hai mươi năm thì hình ảnh người đó thuộc về thế giới độc ảnh.

Nói tóm lại, trong thức A-lại-gia có rất nhiều hạt giống trong đó có những hạt giống của đối tượng nhận thức thuộc cả ba thế giới tánh cảnh, thế giới đới chất và thế giới độc ảnh. Khi ta nhắm mắt lại và hình dung ra tháp Eiffel thì hình ảnh tháp Eiffel trong ta là độc ảnh. Đứng trước tháp Eiffel thì trong ta lúc đó có hình ảnh Eiffel của thế giới đới chất. Còn tánh cảnh của tháp Eiffel thì chưa chắc ta đạt được. Điều mà chúng ta biết chắc là các hình tượng của đới chất cảnh và độc ảnh cảnh có nương tựa, có vay mượn từ thế giới tánh cảnh.

Thiền quán là nhìn sâu, nhìn kỹ để đạt tới thực tại. Thực tại trước hết là thực tại bản thân và kế đến là thực tại của thế giới bên ngoài. Trong quá trình đó chúng ta phải buông bỏ những hình bóng do tâm tạo tác. Duy Biểu Học nói rằng chúng ta sống trong thế giới của đới chất cảnh và độc ảnh cảnh nhiều hơn của tánh cảnh. Các hình ảnh mà ta nhận thức theo đới chất hay độc ảnh cảnh, đều có tính cách sai lầm. Tâm thức chúng ta không đạt tới thực tại, chúng ta biến chế thực tại, biến chế ra một hình ảnh mà chúng ta gọi là thực tại và giam hãm chúng ta trong thế giới đó. Nhiều khổ đau khởi lên từ những nhận thức sai lầm đó. Nhờ tu tập và quán chiếu mà càng ngày hình ảnh đới chất càng đến gần thực tại tánh cảnh hơn. Năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và thân thức) có khả năng đạt tới thế giới tánh cảnh, nhất là khi chúng tiếp xúc với sự vật mà không có sự tham dự của ý thức. Khi có thêm các suy nghĩ và tưởng tượng (ý thức tham dự), thì hình ảnh, âm thanh, mùi hương hay vị giác, xúc giác của chúng ta sẽ bị méo mó đi.

Khi nhìn một cái bàn chẳng  hạn, chúng ta có cái nhìn đới chất về nó, với nhiều quan niệm sẵn có, tỷ như "bàn" là chỗ chúng ta có thể dùng để đặt đồ vật lên, để ngồi viết... Mấy con mọt thì lại nhìn cái "bàn" là kho thực phẩm của chúng. Dù nhìn cái bàn là nơi chứa đồ hay chỉ là thực phẩm, thì các nhận thức đó cũng không phải là tánh cảnh...Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta có thể tiếp xúc được với thế giới tánh cảnh - Khi có trực giác mạnh, ta có thể tiếp xúc được với chân như của thực tại. Trực giác là cái biết, là một hình thức nhận biết không căn cứ vào suy nghĩ hay tưởng tượng.

Tàng thức của chúng ta có cả ba loại nhận thức: tánh cảnh, đới chất và độc ảnh cảnh. Cả ba loại nhận thức này đều bao gồm trong 18 giới.

Mười tám giới hình thành. Mười tám giới đó là mười tám lĩnh vực của hiện hữu (aṣtadaśadhātavaḥ, eighteen realms of existence.) Mười tám giới gồm có: sáu căn, sáu trần và sáu thức.

- Sáu căn (saḍindriyāṇi, six sense organs): sáu căn cứ để phát sanh ra nhận thức: mắt (nhãn căn), tai (nhĩ căn), mũi (tỉ căn), lưỡi (thiệt căn), thân (thân căn) và ý (ý căn.)

- Sáu trần (viṣaya, six corresponding objects): tức là sáu đối tượng của sáu căn. Đó là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Sáu căn và sáu trần gọi là thập nhị xứ (āyatana, gates.)

- Sáu thức (vijñāna, six sense consciousnesses): Khi mắt tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì phát khởi ra các nhận thức mà ta gọi là cái thấy (nhãn thức), cái nghe (nhĩ thức), cái ngửi (tỉ thức), cái nếm (thiệt thức), cái xúc chạm (thân thức) và cái biết (ý thức.)

Có người hỏi Bụt: "Thế giới là gì? Thế nào gọi là mọi sự mọi vật?" Bụt trả lời: "tất cả mọi sự mọi vật gồm trong mười tám giới, ngoài ra không còn gì cả." Mười tám giới biểu hiện từ tâm thức của chúng ta, tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Nó bao gồm tất cả những lãnh vực của hiện hữu.

Khoa học đã cho chúng ta vài dữ kiện để chúng ta có thể lay đổ một vài nhận thức ngây thơ của chúng ta. Ví dụ như khi nói tới vật chất và năng lượng (matter and energy) khoa học nói vật chất là năng lượng cô đọng và năng lượng là vật chất pha loãng. Năng lượng và vật chất có cùng một bản chất. Vật chất có thể biến thành năng lượng. Một gram vật chất (như uranium) thì có thể dời sông lấp biển. Và năng lượng có thể biến thành vật chất. Mặt trời là một nguồn năng lượng vĩ đại nuôi sống vạn vật trên trái đất (thực vật, động vật)

Tất cả những hiện tượng vật lý, sinh lý hay tâm lý đều là năng lượng. Cái giận của chúng ta là năng lượng, Tình thương là một năng lượng rất lớn. Sự thù hận là nguồn năng lượng có thể gây nên bao giết chóc. Thân chúng ta cũng là năng lượng, thế giới chung quanh ta cũng chỉ là năng lượng. Tất cả những nguồn năng lượng đó đều phát xuất từ tâm thức cộng đồng của chúng ta. Nói tóm lại, đối tượng nhận thức gồm ba cảnh và không ngoài mười tám lãnh vực (18 giới) của hiện hữu.

Bài tụng 9: Dị thục và luật đồng thanh tương ứng

Tất cả mọi hiện hành
Đều tự biểu, cộng biểu
Dị thục khi dự vào
Giới và Địa cũng thế.

 

Hiện hành (biểu hiện: vijñapti - manifestation) là danh từ đi đôi với danh từ hạt giống. Hạt giống được gọi là chủng tử khi nó ở thế tiềm phục (tiềm thế) ta thường không nhận thức được. Hạt giống khi biểu hiện ra (hiện thế) là nó đang hiện hành. Vậy hạt giống cũng là hiện hành và hiện hành cũng là hạt giống. Ví dụ như cơn giận khi là hạt giống ở trong trạng thái tiềm thế thì người ngoài không thấy. Khi biểu hiện, mặt đỏ lên (hiện thế) người khác nhận biết được: hạt giống giận đang hiện hành.

Tất cả mọi hiện hành, nói một cách khác: tất cả mọi hiện tượng vật lý, sinh lý hoặc tâm lý, đều có bản chất tự biểu (biểu hiện riêng) và cộng biểu (biểu hiện chung.) Nhìn sâu vào mỗi hiện hành chúng ta có thể thấy tính chất biểu hiện riêng và biểu hiện chung của nó. Trong cái chung có cái riêng. Lấy ví dụ về một cơn giận. Nếu nhìn vào cho thật sâu sắc thì sẽ thấy được bản chất tự biểu và cộng biểu của cơn giận. Trước hết cơn giận đó là riêng của ta, vì nó phát xuất từ hạt giống giận trong tàng thức của riêng ta, hạt giống giận đó có tính cách tự biểu. Nhưng hạt giống giận cũng có tính cách cộng biểu tại vì những người quen, hoặc những người thân có thể đã gieo rắc, tưới tẩm hạt giống giận trong chúng ta. Vì vậy hạt giống trong chúng ta không phải chỉ một mình chúng ta chịu trách nhiệm mà cha mẹ, tổ tiên, bạn bè và xã hội một phần chịu trách nhiệm.

Ví dụ thứ hai: Làng Loubès-Bernac, trong đó có Làng Mai, là một làng nhỏ của nước Pháp. Nó là một hiện hành, là một pháp, một sự vật mà chúng ta đang tiếp xúc. Loubès-Bernac là một vật sở hữu chung cho tất cả dân làng này và của tất cả người Pháp. Làng Loubès-Bernac là một hiện tượng cộng biểu ai cũng có thể hưởng, đến thăm, mua nhà, mua đất ở làng này, giẫm chân trên làng này. Nhưng đối với người dân ở Loubès-Bernac thì miếng đất này thân thiết hơn vì họ có những người thân sinh ra và chết ở đây, cho nên đối với những người dân làng thì Loubès-Bernac có tính cách tự biểu. Chúng ta từ nhiều nơi xa đến đây tu học, tham dự vào làng Loubès-Bernac. Loubès-Bernac đối với chúng ta vừa có tính cách tự biểu và cộng biểu. Làng Loubès-Bernac của chúng ta không giống với làng Loubès-Bernac của người dân làng ở đây. Loubès-Bernac đối với chúng ta là Làng Mai, là chỗ đi thiền hành, chỗ thiền tọa, chỗ có pháp thoại, pháp đàm, là chỗ mà người dân làng ở đây không hề tham dự, không hề tiếp xúc. Thành ra trong mỗi chúng ta có một Loubès-Bernac riêng (tự biểu) và một Loubès-Bernac chung (cộng biểu). Chúng ta sống với làng Loubès-Bernac trong cả hai mặt tự biểu và cộng biểu.

Thần kinh thị giác của chúng ta cũng có tính cách tự biểu và cộng biểu. Nếu mắt chúng ta mờ thì chúng ta không đọc sách được. Đó là chuyện riêng của chúng ta, đó là tự biểu. Nhưng khi chúng ta lái xe thì sinh mạng những người trên xe tùy thuộc rất nhiều vào thần kinh thị giác của ta, đó là cộng biểu.

Nói về luật pháp, theo nguyên tắc, luật pháp của nước Pháp được làm ra, bình đẳng cho tất cả công dân Pháp. Nhưng trước luật pháp, những người dân ít học, thấp cổ bé miệng thường bị thiệt thòi hơn những người giàu, có học thức. Vậy luật pháp cũng có tính cách cộng biểu và tự biểu.

Ví dụ về ánh sáng trong căn phòng có thắp nến: Khi ta đốt lên nhiều cây nến để gần nhau thì vùng ánh sáng gần một cây nến không chỉ là do từ cây nến ấy phát xuất (tự biểu) mà còn do từ các cây nến chung quanh chiếu đến (cộng biểu)

Sư chú Pháp Đăng là một hiện tượng vừa tự biểu vừa cộng biểu. Sư chú đã tự tạo ra đời sống của mình, sự nghiệp tu học của mình. Đó là hiện tượng tự biểu. Nhưng cha mẹ của sư chú, thầy tổ của sư chú, tăng thân, bạn bè của sư chú cũng đã đóng góp vào sự tạo tác ra sư chú Pháp Đăng. Đó là hiện tượng cộng biểu.

Cuốn "Đường Xưa Mây Trắng" do một tác giả viết, Thầy Nhất Hạnh viết. Nó là một tự biểu. Nhưng nhìn cho kỹ thì ông bà của tác giả, thầy tổ của tác giả, bạn bè, học trò của tác giả đều có ảnh hưởng vào việc sáng tác cuốn sách đó và nó là một cộng biểu.

Một ví dụ khác: trường hợp các thiếu niên phạm pháp ma túy, nghiện ngập. Hành động phạm pháp của thiếu niên đó là một hiện tượng vừa tự biểu vừa cộng biểu. Ta nói người thiếu niên đó hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động phạm pháp thì không đúng. Tại vì người thiếu niên ấy là sản phẩm của gia đình, học đường và xã hội. Có thể là thiếu niên đó trong thời thơ ấu không được yêu thương. Cha mẹ thiếu niên đó đã cãi lộn nhau làm cho thiếu niên đó đau khổ rồi đi tìm quên lãng trong ma túy nghiện ngập. Nhìn được như vậy thì chúng ta hiểu được nhiều hơn, thương được nhiều hơn, rồi tìm cách giúp đỡ mà không trách móc, trừng phạt.

Tất cả những ví dụ trên là để cho thấy rằng những hiện tượng vật lý (mặt trời, cây cỏ, sông núi), hiện tượng sinh lý (trong thân thể) và tâm lý (vui buồn, lo sợ) đều là những biểu hiện từ tâm thức như là năng lượng và tất cả đều có cả hai tính cách tự biểu, cộng biểu. Không thể tìm ra một hiện tượng nào thuần túy tự biểu hay thuần túy cộng biểu. Mặt trời là mặt trời chung nhưng nó có thuần túy cộng biểu không? Mặt trời của tôi rất khác với mặt trời của bác nông phu. Tôi mong trời nắng để đi pic-nic, nhưng bác nông phu hôm đó lại mong không có mặt trời, mong trời mưa để trồng trọt.

Dị thục khi dự vào, giới và địa cũng thế. Tàng thức A-lại-gia là một chùm đủ loại hạt giống mà sự chín mùi của chúng có nhiều khác biệt, nên A-lại-gia có một tên khác là Dị thục thức.

Dị thục (Dị là khác. Thục là chín - vipāka, ripening.) Dị thục là chín không đồng đều, chín một cách khác nhau. Khi chín, các hạt giống trong tàng thức mới hiện hành. Có ba loại dị thục:

-   Dị thời nhi thục (ripening at different times) là không chín cùng một lúc. Khi ta "giú" (giấm - ủ) trái cây cho chín, không phải tất cả các trái cây cùng chín một lúc, mãng cầu chín trước rồi đến chuối, mít chín sau. Đó là dị thời, tức là khác thời. Những hạt giống trong chúng ta do ông bà, thầy bạn gieo vào và tưới tẩm sẽ chín trước hay chín sau tùy thời gian. Hạt giống nào cũng cần thời gian để chín và sự thực tập là tưới tẩm những hạt giống đó. Với thời gian và sự tưới tẩm hạt giống sẽ lớn lên đúng lúc và sẽ chín mùi.

-   Dị loại nhi thục (ripening of different varieties) là chín tùy theo loại. Trái chuối khi chín sẽ thành chuối chín chứ không thành mãng cầu chín, mãng cầu khi chín sẽ thành mãng cầu chín chứ không thành chuối chín.

-   Biến dị nhi thục (ripening and changing) là khi chín thì biến dạng chứ không giống như khi mới sinh. Trái cam khi chưa chín thì xanh và chua, khi chín rồi thì vàng và ngọt.

Thức A-lại-gia gồm đủ loại hạt giống và chúng chín, chúng hiện hành ở những thời điểm khác nhau. Hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta tùy thuộc vào sự chín tới của những hạt giống. Hạt giống hạnh phúc chín thì sẽ có hạnh phúc, hạt giống đau khổ chín thì sẽ có đau khổ.

Một hạt giống mới gieo vào là một cái nhân gọi là nghiệp nhân (karma-hetu, action-as-cause.) Cái nhân đó khi chín sẽ đưa đến một kết quả gọi là nghiệp quả (karma-phala, action-as-result.) Dị thục thức là tổng thể các hạt giống, khi chín sẽ tạo ra một kết quả tổng hợp gọi là dị thục quả. Con người của mình trong giờ phút hiện tại là một dị thục quả - kết quả của nhiều loại hạt giống đã chín.

Để cho đơn giản, chúng ta hãy lấy ví dụ một người tiếp nhận hai nghiệp nhân, một nghiệp nhân mang lại hạnh phúc và tiếp theo một nghiệp nhân mang lại đau khổ. Nghiệp nhân gây đau khổ sẽ làm giảm sút ít nhiều nghiệp quả hạnh phúc. Tình trạng hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta trong giờ phút hiện tại là một kết quả tổng hợp (một vectơ tổng hợp - nói theo ngôn ngữ hình học) của tất cả các nghiệp nhân. Đó là một dị thục quả.

Vậy dị thục thức (A-lại-gia thức) là sự kết hợp của tất cả các nghiệp nhân khi các nghiệp nhân đó chín. Khi đó, tâm thức ta là một thứ nghiệp quả, ở một vị trí gần nhất với tổng thể các nghiệp nhân. Nếu ta có nghiệp nghiện thuốc phiện, thì lực hấp dẫn của thuốc sẽ dẫn ta liên hệ với những người nghiền ma túy. Dị thục là động lực sâu xa dẫn dắt ta tới những nơi có sinh hoạt mà ta ưa thích.

Khi thực tập thiền quán, chúng ta nhìn vào thân tâm hiện tại và cảm nhận trình độ hạnh phúc, thanh thoát hay buồn giận, ganh ghét trong chúng ta. Rồi nhìn lui trở lại, tìm từ từ để thấy được những nghiệp nhân trong quá khứ: chúng ta đã làm những việc gì, được ai giúp đỡ, thực tập được những gì để hôm nay được hạnh phúc, thanh thoát hoặc đã làm những nghiệp nhân nào mà hôm nay vẫn còn những cái buồn giận, ganh ghét trong ta. Đó là hành động quán chiếu để tìm ra những hạt giống năm xưa. Tiếp xúc với hoa trái hiện tại thì có thể nhận diện được những hạt giống ta đã gieo trồng ngày trước.

Dị thục khi dự vào giới và địa cũng mang tính chất tự biểu, cộng biểu. Giới, hoặc tam giới[3] là ba cõi trong đó chúng ta sống: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Địa hoặc cửu địa[4] là chín địa:  từ địa thứ nhất là ngũ thú đồng cư địa (dục giới) cho đến địa thứ chín là phi tưởng phi phi tưởng địa.

Tam giới hay cửu địa trong đó chúng ta sống là những cõi do sáng tạo của tâm thức nhiều người cộng tác mà làm ra. Làng Mai là một sáng tạo phẩm của tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng của những người muốn tu học. Đó là sáng tạo chung (cộng biểu) của chúng ta để sống chung, để cùng tu tập với nhau. Dị thục của ta gồm tập hợp các hạt giống nghiệp nhân đã chín, nó đưa đẩy chúng ta tìm tới và tham dự vào các giới và địa đó.

Đồng thanh tương ứng. Cứ nhìn vào dị thục quả của ngày hôm nay thì chúng ta biết ngay những dị thục nhân chúng ta đã gieo ngày trước. Sự kiện ngày hôm nay chúng ta cùng ngồi tại Làng Mai lúc này đây không phải là việc ngẫu nhiên mà đã được sắp đặt từ trước. Các hạt giống gieo vào tâm điền A-lại-gia từ xa xưa đã được tưới tẩm lớn mạnh để hôm nay đủ sức đưa chúng ta tới, tham dự vào cộng đồng tu học này.

Làng Mai là một sáng tạo phẩm của tâm thức thầy trò, bạn hữu, đại chúng tu học tại Làng Mai. Làng Mai là một thế giới cộng biểu. Tại sao giờ này chúng ta không ở Canada hay Bordeaux mà lại ở đây? Tại vì trong ta có những hạt giống liên hệ với hạt giống của những người đang ngồi tại đây và vì thế hôm nay chúng ta tìm tới đây.

Dị thục, theo luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu (the Law of Affinity) đã tạo nên một sức mạnh khiến cho chúng ta tìm tới Làng Mai chứ không phải tới một nơi khác. Sức mạnh đó gọi là nghiệp lực. Nếu chúng ta có hạt giống của rượu chè, ma túy thì chúng ta đâu có ngồi đây hôm nay? Có những người giờ này đang xem video, phim chưởng hay nhậu nhẹt rượu thịt vì trong họ có những hạt giống bạo động, những hạt giống nhậu nhẹt, còn chúng ta có hạt giống Bụt, nên chúng ta bị lôi cuốn về Làng Mai.

Nói tóm lại, tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng của chúng ta đã tạo ra chín địa hay ba cõi. Tâm chúng ta màu nhiệm vô cùng. Chính Tâm chúng ta tạo ra Bụt, tạo ra ma, tạo ra thiên đường, tạo ra địa ngục. Không có cõi nào mà Tâm không tạo ra được. Chín địa hay ba cõi do Tâm tạo ra luôn luôn có tính cách tự biểu và tính cách cộng biểu.

Ví dụ xã hội tây phương mà đại chúng Làng Mai đang sống, đang tham dự là một dục giới. Dục giới này có một tính cách cộng biểu là nặng về tiêu thụ xa xỉ. Tuy nhiên các sư cô, sư chú ở đây không bị ảnh hưởng bởi lề lối tiêu thụ, bởi sự khích động của quảng cáo. Tại Làng Mai, chúng ta không xem TiVi, không coi quảng cáo nên những hạt giống "dục" trong chúng ta không bị tưới tẩm. Chúng ta sống đơn giản, ít nhu cầu. Tuy là cùng một cõi dục mà chúng ta ít bị ái dục.

Các vị hiền thánh cũng có thể ở trong cõi dục, nhưng không bị cái dục làm cho trôi nổi bềnh bồng. Cũng xã hội tiêu thụ đó, cũng những cám dỗ dục vọng đó, nhưng những người thánh thiện vẫn giữ được tự do, an lạc, trong khi những người phàm phu thì bị đắm chìm. Cho nên ta gọi cõi này là cõi "phàm thánh đồng cư." Trong cái chung có cái riêng, trong cái riêng có cái chung; trong cộng biến có tự biến.

Khi chúng ta tham dự vào giới hay địa nào, đó là vì trong Dị thục thức ta đã sẵn có những hạt giống thích hợp với giới hay với địa đó. Hành động của ta thường có tính cách "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Ví dụ Làng Mai là một vùng nhỏ, Âu châu là một vùng lớn. Sự tham dự vào Làng Mai tùy thuộc vào bản chất dị thục của chúng ta, tại vì chúng ta có nhiều sự gần gũi, nhiều sở thích với giới, địa Làng Mai. Điều đó không có nghĩa là chúng ta buông bỏ Âu châu hoàn toàn vì nơi thành phố kia của Âu Châu chúng ta vẫn còn có người thân ở đó. Chúng ta tham dự vào cả hai, duy một điều là liên hệ của chúng ta với Làng Mai đậm đà hơn liên hệ với Âu châu.

Có tất cả chín địa. Khi tham dự vào một trong chín địa thì không có nghĩa là không tham dự vào tám địa khác. Như một máy truyền hình, khi mình mở một đài lên thì đài này hiện rõ nhưng không có nghĩa là các đài kia không có đó. Dị thục là trái cây của tâm thức, khi chín thì nó tìm tới và tham dự nhiều nhất vào giới hay địa gần gũi nhất với nghiệp quả của nó.

Có một lần Bụt ngồi tại tịnh xá Kỳ Viên, Ngài chỉ ra ngoài sân và nói với vài đệ tử chung quanh: "Này quý thầy, hãy nhìn ra sân mà coi: Các thầy thấy rằng có những thầy đang ngồi vây quanh thầy Xá-lợi-phất phải không? Tại vì các thầy đó ưa pháp đàm. Các thầy ưa giới luật, ưa học về tì ni thì ngồi quanh thầy Ưu-bà-ly. Còn các thầy ưa thuyết pháp thì đang quây quần bên thầy Phú-lâu-na. Lý do là vì thầy Xá-lợi-phất pháp đàm giỏi, thầy Ưu-bà-ly giới luật giỏi và thầy Phú-lâu-na thuyết pháp hay."

Các hạt giống trong ta dẫn chúng ta tìm tới những người giống với mình - có thể thiện, có thể bất thiện. Tuy nhiên, sự chuyển hóa là điều có thể xảy ra. Trước hết ta cần xác định coi mình muốn đi, đang đi về hướng nào. Sau đó, ta phải có ước mong đi theo một tiến trình để chuyển hóa và chữa trị. Thứ ba, ta khám phá ra một con đường mà ta có thể theo được, và tìm cách thực tập với những người có nhiều tỉnh thức hơn ta. Chúng ta sẽ thấy rằng mình có cùng nghiệp dĩ với những người đó, muốn chuyển hóa và chữa trị. Những người chỉ thích ăn, ngủ, dục lạc thì họ sẽ tìm tới cõi dục. Những người quan tâm tới nỗi khổ của người khác sẽ tìm cách cộng tác với nhau để phục vụ tha nhân. Đó là luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Sự giải thoát khổ đau và tham dự vào cõi an lạc, chỉ là vấn đề tiếp xúc và chuyển hoá các hạt giống để giúp cho các hạt giống thiện lớn mạnh lên. Chúng ta không cần phải chết mới vãng sinh hay trở thành con người mới. Một vài tuần, một vài tháng tu tập để chuyển hóa các hạt giống bất thiện có thể đưa ta tới một cuộc đời mới, biết sống với bây giờ và tại đây. Tôi đã chứng kiến những người chỉ thực tập ba-bốn ngày là đã biến thành những con người mới. Họ trở về gia đình và hòa giải được với người thân, tái lập lại hạnh phúc mà họ đáng được hưởng. Những hạt giống làm mới, nhìn sâu, chuyển hóa và trị liệu trong họ đã được chăm sóc, và chúng chín rất nhanh. Chúng ta cũng có thể sản xuất những hạt giống mới từ trong tâm thức, để sống cuộc đời tươi đẹp, hạnh phúc hơn. Không có lý do gì để nghĩ rằng mình không thể làm được.

Bài tụng 10: Các tâm sở biến hành

Là vô phú, vô ký
Vừa chuyển lại vừa hằng
Tàng thức luôn tương ứng
Năm tâm sở biến hành.

 

Vô phú, vô ký, chuyển, hằng: Các chữ này nói lên sự khác biệt giữa tàng thức với các thức khác. Vô phú (anivṛta, unobstructed), vô ký (avyākṛta, undetermined), chuyển (changing) và hằng (continuously flowing) là bốn tính chất của tàng thức A-lại-gia.

Vô phú là không bị che lấp, không bị làm cho đen tối. Thức thứ tám A-lại-gia không bao giờ bị che lấp trong khi đó thì thức thứ bảy Mạt Na luôn luôn bị vô minh che lấp.

Vô ký là vô thưởng, vô phạt không phải là thiện hay bất thiện. Mỗi hành động, lời nói hay tư tưởng đều thuộc một trong ba tánh: thiện (kuśala), bất thiện (akuśala) và vô ký. Những hành động làm lợi ích cho mình và cho người là thiện, hành động nào gây hại cho mình và cho người là bất thiện và những hành động nào vô thưởng vô phạt thì gọi là vô ký.

Chuyển là luôn luôn biến chuyển. Hằng là hoạt động một cách liên tục. Tác dụng chính của thức thứ tám là duy trì tất cả mọi hạt giống và hoạt động âm thầm ngày đêm, không bao giờ ngừng. Nhưng hằng không có nghĩa là thường, là không thay đổi. Giống như một dòng sông, vừa chuyển vừa hằng, mới nhìn qua thì tưởng như y nguyên, nhưng "không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông" như Heraclitus đã nói, vì dòng sông không giống nhau trong hai giây phút liên tục.

Trong bài "Ruột đau chín khúc" có câu "Chúng ta còn đây trong cuộc đời hằng chuyển, sẽ xin đứng bên nhau mà dựng lại quê hương" (Thơ Nhất Hạnh.) Hai danh từ hằng và chuyển diễn tả được thức thứ tám A-lại-gia. Giống như dòng sông, tàng thức hoạt động liên tục và các hạt giống trong đó (cũng gọi là các tâm sở), thì giống như những giọt nước sông, luôn luôn thay đổi, biến chuyển.

Tàng thức tương ứng năm tâm sở biến hành:

Trong 51 tâm sở của tàng thức (mà chúng ta sẽ học sau này,) có 5 tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư - là những tâm sở có mặt trong tất cả tám thức. Nhưng năm tâm sở biến hành đó không giống nhau trong mỗi thức.

Tương ứng là ứng hợp với nhau (samprayukta) Năm tâm sở xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư là năm tâm sở biến hành vì chúng vận hành một cách phổ biến. Mỗi thức có cách làm việc riêng cho nên xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư của tàng thức không giống xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư của thức thứ bảy hay thức thứ sáu. Đó là vì hình thái nhận thức của các thức  không giống nhau.

Hình thái nhận thức gọi là lượng (pramāṇa, mode of cognition). Có ba hình thái nhận thức, gọi là tam lượng:

1.  Hiện lượng (pratyakṣa-pramāṇa, things-in-them-selves) là hình thái nhận thức trực tiếp của riêng thức thứ tám, một lối nhận thức không suy nghĩ, không so sánh như các thức khác. Ví dụ khi thấy lửa thì biết ngay đó là lửa, không cần suy nghĩ gì cả, giống như trực giác (direct cognition)

Trong bài tụng số 8 chúng ta nói tới ba cảnh (tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh). Hiện lượng hay  trực giác đưa tới tánh cảnh. Tàng thức luôn luôn có nhận thức trực tiếp - các tâm sở biến hành của thức này cũng nhận thức một cách trực tiếp, không qua suy luận. Năm tâm sở đó cũng hành động theo hiện lượng: xúc là trực tiếp xúc, tác ý cũng trực tiếp tác ý, thọ cũng trực tiếp thọ, tưởng, tư cũng trực tiếp tưởng, tư chứ không suy luận. Lý do là vì tâm sở đồng tính chất với tâm vương, tâm sở là nội dung của tâm vương, như những giọt nước là nội dung của dòng sông. Tàng thức cùng các tâm sở biến hành trong nó đều luôn luôn biến chuyển và không bị ngăn che, không có tính thiện ác... (vô phú vô ký, hằng và chuyển.)

2.  Tỷ lượng (anumana-pramāṇa, perception by inference) là nhận thức đạt được do sự suy nghĩ, sự so sánh. Tỷ là so sánh. Khi thấy khói sau bức tường chúng ta nghĩ rằng sau bức tường thế nào cũng có lửa. Tỷ lượng không có ở tàng thức, mà chỉ có ở Ý thức và Mạt-na thức.

3. Phi lượng (abhāva-pramāṇa, erroneous perception.) Những hiện lượng hay tỷ lượng có khi đúng khi sai. Khi sai thì gọi là phi lượng. Khi thấy khói sau bức tường mà tin chắc là có lửa nhưng té ra là sương mù. Sương mù mà nói lửa là phi lượng. Chúng ta sống với rất nhiều phi lượng mà chúng ta cứ tin chắc là hiện lượng.

Nói tóm lại, thức thứ tám (A-lại-gia hay tàng thức) và cả năm tâm sở biến hành trong nó đều vô phú, vô ký, đều hằng và chuyển (trong chủ thể cũng như đối tượng nhận thức). Không những tàng thức là như vậy mà mỗi hạt giống, mỗi đối tượng, mỗi nhận thức, mỗi tâm sở trong tàng thức cũng như vậy hết. Mỗi hạt giống, mỗi đối tượng, mỗi chủ thể nhận thức giống như những hạt nước trong dòng sông A-lại-gia, chúng đều có các tính chất trên của A-lại-gia thức.

Vì có tính cách vô phú, vô ký, hằng và chuyển nên các hạt giống trong tàng thức có thể được chuyển hóa. Mỗi ngày đều là một cơ hội để chuyển đổi tâm thức mình. Đó là sự chuyển hoá căn bản, thay đổi tận gốc rễ, bắt đầu từ các hạt giống trong tàng thức, ngay cả khi nó chưa hiện hành.