A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)

Wednesday, 11 January 20237:21 PM(View: 957)
A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT GIẢNG GIẢI
Thiền Sư Chân Nguyên - Thích Thanh Từ dịch

A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)

 


Kệ rằng:


I-


Ngàn kinh muôn luận trỏ tâm tông,
Bốn mắt trừng nhau mắt tuệ thông.
Ba thuở Như Lai truyền pháp ấn,
Một tâm là Phật sẵn vậy đồng.


Âm:


Thiên kinh vạn luận chỉ tâm tông,

Tứ mục trừng giao tuệ nhãn thông.
Tam thế Như Lai truyền pháp ấn,
Nhất tâm thị Phật bản nhiên đồng.


II-


Ngộ tâm thành Phật không thừa pháp,
Mê tánh bôn ba kiếm ngoài tâm.
Một niệm rỗng thênh siêu bản tế,
Giống hệt rửa chân lên mũi thuyền.


Âm:


Ngộ tâm thành Phật vô dư pháp,

Mê tánh bôn ba tâm ngoại cầu.
Nhất niệm khuếch nhiên siêu bản tế,
Hoàn như tẩy cước thướng thuyền đầu.


III-


Che trời che đất đây tâm báu,
Không cổ không kim Tự tánh châu.
Giá trị càn khôn chưa dễ trả,
Sáng ngời pháp giới vẫn hằng như.


Âm:


Cái thiên cái địa ngô tâm bảo,

Vô cổ vô kim Tự tánh châu.
Giá trọng càn khôn thù vị đắc,
Linh quang pháp giới nghiễm nhiên như.


IV-      


Tâm ta, tâm Phật vốn không hai,
Nhiều kiếp nổi chìm chỉ tại mê.
Nay đã tỏ tường mình tự nhận,
Linh quang lặng chiếu ấy Bồ-đề.


Âm:


Ngã tâm bản dữ Phật tâm tề,

Lịch kiếp phiêu trầm chỉ vị mê.
Kim nhật phân minh tương tự nhận,
Linh quang tịch chiếu thị Bồ-đề.


V-


Gượng gọi là Phật, gượng nói tâm,
Pháp tánh sáng tròn suốt cổ kim.
Thượng trí siêu quần xoay tự ngộ,
Như vầy mới hiểu đạo cao thâm.


Âm:


Cưỡng danh vi Phật cưỡng xưng tâm,

Pháp tánh viên minh tuyên cổ kim.
Thượng trí siêu quần hồi tự ngộ,
Năng như thị giải đạo cao thâm.


VI-


Đạt-ma Tây đến một chữ không,
Toàn y tâm địa để dụng công.
Chín năm ngó vách không lời nói,
Một sớm truyền tâm Huệ Khả thông.


Âm:


Đạt-ma Tây lai nhất tự vô,

Toàn bằng tâm địa dụng công phu.
Cửu niên diện bích vô ngôn thuyết,
Nhất đán truyền tâm Huệ Khả sư.


VII-


Một điểm đèn tâm đuốc tuệ sanh,
Truyền nhau bốn mắt đã phân rành.
Nối hương tiếp lửa luôn sáng mãi,
Soi khắp đất trời độ hữu tình.


Âm:


Nhất điểm tâm đăng tuệ cự sanh,

Tương truyền tứ mục thái phân minh.
Liên phương tục diệm quang vô tận,
Phổ chiếu càn khôn độ hữu tình.


VIII-


Chân Phật, chân kinh thảy ở tâm,
Kho báu nhà mình chớ chạy tầm.
Có ai thử hỏi đâu là Phật?
Ngay khi hỏi đáp tại mắt, âm (lời).


Âm:


Chân Phật chân kinh tổng tại tâm,

Tự gia bảo tạng mạc tha tầm.
Hữu nhân thí vấn Phật hà tại,
Ứng đối đương thời tại nhãn âm.


IX-


Chân kinh chẳng đổi vốn như thường,
Chưa từng mở miệng hiện tỏ tường.
Nghĩ toan nắm bắt lầm qua mất,
Một chữ vô sanh thẳng thừa đương.


Âm:


Chân kinh bất dịch bản như thường,

Vị tằng khai khẩu hiển đường đường.
Bất khả nghĩ trì sai thác quá,
Vô sanh nhất cú trực thừa đương.


X-


Không văn không chữ đấy chân kinh,
Một quyển trường không quá phân minh.
Miệng nói còn xa ba ngàn dặm,
Tai nghe thêm tiến chục vạn trình.


Âm:


Vô văn vô tự thị chân kinh,

Trường không nhất quyển thái phân minh.
Khẩu tuyên thượng cách tam thiên lý,
Nhĩ thính tăng dao thập vạn trình.


XI-


Chân Phật chân kinh vốn một đồng,
Tịch quang tròn lặng suốt hư không.
Thật tế nhất như gồm mọi lý,
Tạm bày muôn pháp độ quần mông.


Âm:


Chân Phật chân kinh bản nhất đồng,

Tịch quang viên trạm đẳng hư không.
Thật tế nhất như bao chúng lý,
Quyền khai vạn pháp độ quần mông.


XII-


Lý mầu Phật pháp không văn tự,
Cơ huyền đạo Tổ chẳng ngữ ngôn.
Rộng tiếp người sau thông một tuyến,
Thượng căn mắt thấy đạo tâm còn.


Âm:


Phật pháp diệu lý vô văn tự,

Tổ đạo huyền cơ mạc ngữ ngôn.
Hoằng tiếp hậu lai thông nhất tuyến,
Thượng căn mục kích đạo tâm tồn.


XIII-


Tâm tông Bát-nhã ai lãnh ngộ,
Rõ ràng Tự tánh tức Như Lai.
Kẻ kẻ viên thành đồng chứng Phật,
Người người đầy đủ chẳng cầu ai.


Âm:


Bát-nhã tâm tông thùy lãnh ngộ,

Liễu minh Tự tánh tức Như Lai.
Cá cá viên thành đồng chứng Phật,
Nhân nhân cụ túc bất cầu ai (tha).


XIV-   


Kinh, lục trùng trùng phương tiện biển,
Cơ duyên Phật Tổ lưới giáo bao.
Một tông vô trụ tâm ấn Phật,
Muôn pháp hữu vi bọt nước xao.


Âm:


Kinh, lục trùng trùng phương tiện hải,

Phật Tổ cơ duyên giáo võng bao.
Vô trụ nhất tông Phật tâm ấn,
Hữu vi vạn pháp thủy phù bào.


XV-


Ba thuở Như Lai truyền diệu chỉ,
Hai người bốn mắt đối nhìn nhau.
Nguồn linh nước pháp sa giới chảy,
Đuốc tuệ sáng thông cõi cõi nào.


Âm:


Tam thế Như Lai truyền diệu chỉ,

Nhị nhân tứ mục nhãn tương giao.
Linh nguyên pháp thủy lưu sa giới,
Tuệ chúc quang thông sát hải dao.


Cho nên Tổ sư Đại Huệ nói: “Học đạo vốn không nhiều pháp, chỉ lấy tin ngộ Tự tánh làm khuôn phép. Đời nay nếu chẳng lãnh ngộ cũng gieo được trí Bát-nhã trên đất tánh, đời đời chẳng rơi vào đường ác, kiếp kiếp chẳng mất thân người, chẳng sanh vào nhà tà kiến, chẳng vào loài quân ma, mầm linh giống trí, đồng tử đi xuất gia, theo Phật tu hành, một nghe ngàn ngộ.” Giả sử tham học như trên mà chưa triệt, vẫn kết chủng duyên Phật; tu mà chưa thành, còn hơn quả trời người. Chúng sanh phải gắng sức tự độ, Phật chẳng thể độ. Nếu chẳng thật tâm tu hành, bền giữ trai giới, mà ngưỡng trông Phật đến cứu độ, không có lẽ ấy. Nếu tự mình chẳng đoạn trừ nghiệp ác, cứ đợi Phật khác đến cứu độ, thì chư Phật quá khứ đã thành đạo, ứng hiện nơi đời số như vi trần, sao chẳng độ hết tất cả chúng sanh? Vì sao chúng ta còn trôi nổi nơi biển khổ sanh tử đến nay, chẳng thể thành Phật? Phải biết tự tu, tự độ, Phật chẳng thể độ. Nên biết, phân nửa ở Phật, phân nửa ở ta, xét cho tường tận lý này. Hãy gắng sức tự tu chớ ỷ lại vào tha lực.


Xưa đức Phật Bổn sư Thích-ca Thế Tôn đinh ninh dặn dò: Phật còn tại thế, lấy Phật làm thầy, Phật vào Niết-bàn lấy Giới làm thầy. Phật tức là tâm, tâm tức là Phật. Tự tánh xưa nay rỗng lặng tròn sáng, trong lặng nhiệm mầu, như như đó là chân Phật của ta, dẫu Phật ở đời cũng không có lý khác. Nên biết người có trí phải lập chí, phước tuệ song tu, Chân như riêng chứng. Niệm niệm từ bi, cửa cửa lợi ích, thường nói diệu pháp Bát-nhã, phương tiện tiếp dẫn người sau. Người chưa ngộ thì chỉ bày cho tỏ ngộ, nếu chưa thành mong khiến cho chóng thành. Kinh nói: Tài thí như ngọn đèn chỉ soi sáng một căn phòng, pháp thí như mặt trời sáng đầy khắp mười phương. Tự tánh nếu mê, phước làm sao cứu? Thân người khó được, Phật pháp khó gặp, Thánh tăng khó thấy, chánh pháp khó nghe, lòng tin khó sanh, bạn lành khó hội ngộ. Phước duyên kim cải, mừng đã hợp nhau. May thay như rùa mù gặp được bộng cây. Chúng ta bỏ sự nghiệp đi xuất gia nên cầu việc gì? Chớ tham đắm danh lợi, phải chọn bạn tìm thầy, vì pháp quên mình, lội nước trèo non, kính lễ thưa hỏi.


Hỏi: Thế gian không việc khó, thế gian có hai việc khó. Thế nào là hai việc khó?


Dạy rằng: Sanh từ đâu đến? Chết rồi đi đâu? Đây là hai việc thật rất khó. Song này các người, do hai việc này mà bỏ sự nghiệp đi xuất gia, lội suối trèo non, tham tìm minh sư, bạn tốt, cúi đầu lễ bái thưa hỏi: Kính mong Đại đức từ bi, mở rộng phương tiện chỉ bày cho sáng tỏ lý này, sớm được ngộ đạo.


Hỏi: Trước khi trời đất và cha mẹ chưa sanh, cái thân người này sanh từ đâu đến?


Đáp: Vốn từ vô vi đến.


Lại hỏi: Người sanh ra ở đời, đến khi số hết, chết đi về đâu?


Đáp: Lại từ vô vi đi.


Gượng nói đến đi, mà thật không có đến đi. Thế nào là thật không có đến đi? - Chỉ kinh Bát-nhã làm chứng, nói: “Tướng không của các pháp đó, chẳng sanh chẳng diệt.” Sanh diệt đã không, thì đến đi đâu có. Đây là khí âm dương biến hóa, ngưng tụ thành hình mà người sanh ra. Sắc thân bốn đại dụ như hòn bọt nổi, có sanh có diệt. Còn Pháp thân tròn sáng thì rỗng rang, rộng lớn, đích thật là biển tánh Tỳ-lô, không có lay động, vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, tánh đồng với hư không, biết khắp mọi nơi. Vì vậy gọi là xưa nay vô vi, vẫn hằng thường trụ, chân không lồ lộ, Thật tướng rành rành, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, sáng thông bát ngát, trong lặng như như, đối diện ngay trước mắt, tại sao chẳng hội? Kinh nói: “Chân Phật pháp thân giống như hư không.” Đây thật là Pháp thân tức hư không, hư không tức Pháp thân. Hư không cùng với Pháp thân không có tướng khác, chư Phật cùng với chúng sanh không có tánh khác. Chẳng ngộ Tự tánh tức gọi chúng sanh, giác biết Tự tánh nên gọi chư Phật. Đó là chân Phật vốn không hình tướng, đầy khắp cả hư không, thế giới, đâu có đến đi? Song Pháp thân viên dung rỗng thênh, trong lặng vô vi, trọn không một vật, chẳng rơi vào các số. Tuy vô vi, chẳng rơi vào các số, mà cũng hay ứng vật hiện hình, ẩn hiện cùng bày, sắc và không chẳng hai, đầy đủ mọi lý, làm ra muôn việc. Đó chính là mọi người trong mười hai giờ đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hiểu biết, nhướng mày chớp mắt, ứng cơ tiếp vật, giơ tay động chân, một thể tròn sáng, sáu căn vận dụng, ứng với tiếng với âm, hay thấy hay nghe, biết nói biết bàn, biện rõ phải quấy. Nói năng đó là gì? Cái gì biết hỏi đáp? Đây chính là Pháp thân của mọi người, là Tự tánh chân không, hay ứng ra âm thanh, miệng lưỡi mà hỏi đáp. Đấy là tánh chân không người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành, ở Thánh chẳng thêm, ở phàm chẳng bớt, không đổi khác, không cũ mới, không quá khứ hiện tại vị lai, rỗng rang bình đẳng, trong lặng tròn sáng, từ vô lượng kiếp đến nay đặc biệt hiện tiền, gió thổi chẳng động, mưa rưới chẳng ướt, lửa đốt chẳng cháy, mặt trời rọi nóng chẳng khô, chùy nhọn dùi chẳng phủng, đao cắt chẳng đứt, thuốc nhuộm chẳng đen, đá mài chẳng mòn, sương rét chẳng lạnh, nước tưới chẳng thấm, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, không một vật, không thể nắm bắt, lồ lộ trước mắt, rõ ràng soi khắp. Đây là Pháp thân thanh tịnh chân không, không hình không tướng, tròn đồng thái hư, nghiễm nhiên thường trụ. Song hư không rộng lớn, bao trùm cả trời đất, xuyên suốt núi sông, tột cả xưa nay, vững mãi như vậy. Nên biết, núi sông, quả đất trọn là hoa đốm trong hư không, sắc thân bốn đại là âm dương huyễn hóa, “phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”. Chân không thì không tướng, muôn kiếp còn mãi, đó là thân vô vi, là thân Chân Phật. Bởi Thật tướng của Chân Phật vốn là chân không diệu hữu, Thật tướng của chân không là Thật tướng vô tướng. Không tướng chẳng tướng, đó gọi là Thật tướng. Thật tướng của Pháp thân ấy, trong lặng tròn sáng, rỗng rang rộng lớn, bao gồm một thể, tròn đồng thái hư trùm cả mười phương đủ khắp muôn vật.


Song từ thuở ban sơ chưa có trời đất, chưa có cha mẹ, một thể chân không, thái hư bình đẳng, lặng lẽ sáng rỡ như vậy, tự tại viên dung. Trạng thái đó, không hình không tướng, không đầu không đuôi, không trong không ngoài, không nhỏ không lớn, không một không khác, không sáng không tối, không thô không tế, chẳng phải không chẳng phải có, chẳng phải mở chẳng phải đóng, chẳng phải tụ chẳng phải tan, chẳng phải thành chẳng phải hoại, chẳng phải động chẳng phải tịnh, chẳng phải lại chẳng phải qua, chẳng phải sâu chẳng phải cạn, chẳng phải ngu chẳng phải trí, chẳng phải trái chẳng phải thuận, chẳng phải thông chẳng phải bít, chẳng phải giàu chẳng phải nghèo, chẳng phải mới chẳng phải cũ, chẳng phải tốt chẳng phải xấu, chẳng phải cứng chẳng phải mềm, không sanh không diệt, không qua không lại, không đi không đứng, không ngồi không nằm, không già không trẻ, không cao không thấp, không tên không hiệu, không mặt không mày, không nam không nữ, không sắc không thanh, không gan không phổi, không thịt không máu, không xương không tủy, không tóc không da, không xanh không vàng, không đen không trắng, không xuân không hạ, không thu không đông, không thời không tiết, không số không kiếp, không đầu không cuối, không trước không sau, không trên không dưới, không giữa không bên, không trong không ngoài, không kia không đây, không sanh không tử, không động không lay, không dài không ngắn, không vuông không tròn, không tội không phước, vô lậu vô vi, không tâm không tánh, không lẻ không đôi, không được không mất, bởi lược bày tướng đối đãi mà tạm nói, đâu thể nói tột hết ý nghĩa kia. Lìa tất cả tướng rõ một chẳng một, gọi là “một vật” lại chẳng trúng lý. Rõ vô trụ chẳng phải một, nhận pháp môn chẳng hai. Pháp thân chân thật vốn không hình tướng, tròn sáng rộng lớn, trong lặng như thái hư, rộng thì pháp giới chẳng thể chứa, hẹp thì một mảy lông không chỗ lập. Nếu y cứ nơi thật tế thì vốn không có Sắc thân, người ngộ được thì hư không chẳng sanh hoa. Người rõ suốt thì hoàn toàn không một điểm che mờ. Vô vị chân nhân rành rành đối trước mắt, chớ chấp vào Sắc thân, thân như điện chớp; chớ tham đắm phước báo, phước tợ mây nổi, sanh tử toàn không, đâu có gì đến đi, giả gọi là chúng sanh thôi. Bỏ sự nghiệp đi xuất gia, ẩn náu nơi núi rừng giác ngộ gọi là tu hành. Tự giác, giác tha, và giác hạnh được viên mãn gọi là Phật.


Lại nói: Thân ta hiện nay đây, là do bốn đại hòa hợp, dụ như bốn con rắn độc đồng nhốt chung một cái rương; hai con rắn đất và nước tánh nó nặng chìm xuống, hai con rắn gió và lửa thì tánh nhẹ bay lên, đến lúc tan hoại thì mỗi thứ trở về chỗ của nó. Nghĩa là tóc, lông, răng, móng, da thịt, gân xương, tủy não, cáu bẩn... đều trở về đất; nước mắt nước mũi, máu mủ, mồ hôi, nước miếng đàm dãi, tinh khí, đại tiện, tiểu tiện... đều trở về nước; hơi ấm trở về lửa; động chuyển trở về gió, bốn đại mỗi thứ rã tan, thì thân huyễn hiện nay sẽ ở chỗ nào? Rõ biết Sắc thân bốn đại, năm ấm nhóm họp rỗng mà nó hiện có ra; như đá nháng, điện xẹt, khởi diệt chẳng lìa ngay đây mà trở về không. Sóng to nước lặng, vốn tự như, đâu có đến đi. Sắc thân ngoại vật không thật, như mộng huyễn, không hoa; trong cõi chân tịnh thì Pháp thân như vậy, lặng sáng chiếu khắp, thường trụ ở trước mắt.


Vốn từ vô vi đến,
Lại từ vô vi đi.
Nay ngộ thân vô vi,
Thường trụ chỗ vô vi.


Âm:


Bản tùng vô vi lai,

Hoàn tùng vô vi khứ.
Kim ngộ vô vi thân,
Thường trụ vô vi xứ.


*

Có vật trước trời đất,
Không hình vốn lặng yên.
Hay làm chủ muôn vật,
Chẳng theo bốn mùa dời.


Âm:


Hữu vật tiên thiên địa,

Vô hình bản tịch liêu.
Năng vi vạn vật chủ,
Bất trục tứ thời diêu.

Phó Đại Sĩ


*


Có hình, giả chóng mất,
Không tướng, thật lâu bền.
Trời đất mặc tạo hóa,
Pháp thân thường trụ luôn.


Âm:


Hữu hình giả tốc vong,

Vô tướng thật cửu trường.
Càn khôn nhậm tạo hóa,
Pháp thân nguyên trụ thường.


*


Trước trời đất, mẹ cha chưa sanh,
Tịch quang tròn lặng ấy nguồn linh.
Rộng lớn vô vi trùm pháp giới,
Có duyên đáng độ ứng theo hình.


Âm:


Thiên địa phụ mẫu vị sanh tiền,

Tịch quang viên trạm thị linh nguyên.
Quảng đại vô vi chu pháp giới,
Ứng vật tùy hình độ hữu duyên.


*


Sáng siêu nhật nguyệt vững như như,
Soi suốt càn khôn rực thái hư.
Phật với chúng sanh đều một tánh,
Tròn đồng không thiếu cũng không dư.


Âm:


Minh siêu nhật nguyệt trấn như như,

Chiếu triệt càn khôn thước thái hư.
Phật dữ chúng sanh giai nhất tánh,
Viên đồng vô khiếm diệc vô dư.


*


Sáng ngời một kẻ chủ nhân ông,
Lặng yên chẳng động ở Linh cung.
Trong đây nếu được không ngăn ngại,
Bản thể thiên nhiên tự rỗng không.


Âm:


Hoàng hoàng nhất cá chủ nhân ông,

Tịch nhiên bất động tại Linh cung.
Đản đắc thử trung vô quái ngại,
Thiên nhiên bản thể tự hư không.


*


Di-đà Tự tánh vốn như như,
Rỗng lặng sáng tròn rực thái hư.
Cha mẹ chưa sanh, mày mặt thật,
Trở về đâu chẳng gặp y ư?


Âm:


Di-đà Tự tánh bản như như,

Không tịch viên quang thước thái hư.
Phụ mẫu vị sanh chân diện mục,
Đông tây qui khứ tất phùng cừ.

*


Quang minh lặng chiếu khắp hà sa,
Phàm Thánh đồng về chung một nhà.
Pháp tánh viên dung trùm sát hải,
Lặng trong thường trụ tát-bà-ha.


Âm:


Quang minh tịch chiếu biến hà sa,

Phàm Thánh đồng qui cộng nhất gia.
Pháp tánh viên dung chu sát hải,
Trạm nhiên thường trụ tát-bà-ha.


*


Một cái xưa nay, một cái không,
Trong không ẩn hiện thể lại đồng.
Không đầu không cuối không bờ mé,
Thường lặng sáng luôn thường biến thông.


Âm:


Nhất cá tùng lai nhất cá không,

Không trung ẩn hiện thể hoàn đồng.
Vô đầu vô vĩ vô biên tế,
Thường tịch thường quang thường biến thông.


*


Trong ánh tịch quang viên mãn giác,
Trên đảnh Tỳ-lô mặc tung hoành.
Hiện tại Như Lai luôn đối diện,
Tùy cơ cảm đến cứu quần sanh.


Âm:


Thường tịch quang trung viên mãn giác,

Tỳ-lô đảnh thượng nhậm tung hoành.
Đương xứ Như Lai hằng đối diện,
Tùy cơ phó cảm cứu quần sanh.


*


Tịnh độ rành rành ngay trước mắt,
Chẳng nhọc khảy tay đến Tây thiên.
Pháp thân trang trọng siêu ba cõi,
Hóa hiện Di-đà ngồi chín sen.


Âm:


Tịnh độ phân minh tại mục tiền,

Bất lao đàn chỉ đáo Tây thiên.
Pháp thân nghiễm hỉ siêu tam giới,
Hóa hiện Di-đà tọa cửu liên.


Hỏi: Ở trong ba cõi, trên trời dưới đất, cõi này phương khác, sáu đường bốn châu, quần sanh muôn loài, tất cả đều học Phật, chẳng biết thuở xưa Phật trước học ai mà chứng Bồ-đề, đời tôn là Phật?


Đáp: Phật vốn không học, do tỏ ngộ Trí tự nhiên vô sư, Pháp thân rộng lớn, tròn đồng thái hư, chân không trong lặng nhiệm mầu, lặng sáng không gì trên, cao vượt khỏi ba cõi, ngang khắp mười phương, suốt cả xưa nay, nghiễm nhiên thường trụ, vô vi vô tướng, chánh giác Bồ-đề, chẳng sanh chẳng diệt, ứng hiện còn mãi, tuyệt không gì sánh bằng, đời tôn là Phật. Lại nói: Phật là Tánh giác, chúng sanh là tình mê. Phật giác ngộ Pháp tánh tròn sáng, lóng trong, nhất như không tịch; chúng sanh thì mê tình vọng khởi mãi mãi thọ thân trong ba cõi. Nên kinh Lăng Nghiêm nói: “Thanh tịnh sẵn vậy, tại sao chợt sanh núi sông, quả đất?”


Dạy rằng:


Chân tánh lóng trong, vốn không có mờ tối. Vọng từ không dấy lên mà cảm đến gió thức. Song do gió thức thổi cho tâm động, nhân tâm lay động mà kích phát thêm gió cảnh. Nhân gió cảnh nổi dậy mãnh liệt nên khởi vọng niệm. Do một niệm vọng sanh mà ba cõi bắt đầu thành lập. Ba cõi bên trong là Sắc thân của ta; ba cõi bên ngoài tức là trời đất, thế giới, núi sông, quả đất, hết thảy muôn vật.


Giải rằng:


Thanh tịnh đến tột cùng thì sáng thông, đạt tịch và chiếu thì bao gồm cả hư không, rồi nhìn trở lại thế gian, giống như việc trong mộng. Pháp thân trong trẻo và lặng lẽ vốn không có nhơ sạch riêng khác, Chân tánh lắng trong, đâu có Thánh phàm sai biệt. Đều bởi có mê ngộ, đến nỗi khiến thành chẳng đồng. Kinh nói: Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có. Từ không mà khởi vọng, rồi vọng sanh mọi thứ sắc. Đã trái với lẽ không sanh không hóa, lại hằng có hóa, có sanh. Trọn là buông tâm phóng chạy, hoàn toàn không giác tánh hồi quang, lấy huyễn làm chân, trái không theo sắc. Bản tánh Chân như từ ban sơ, vốn tròn sáng, rỗng lặng vô vi, từ khi huyễn có Sắc thân, vọng thức, mà kết nhân kết quả, vọng sự vọng lý, vọng tạo vọng làm, vọng nghiệp vọng duyên, vọng năng vọng sở, vọng tưởng vọng chấp, thấm thêm vào sự mê hoặc mà thành thân, đi đi lại lại, theo nghiệp thọ báo. Thức thần đã theo nghiệp, rồi theo nghiệp thọ thân, ra nơi này vào nơi kia, bỏ kia sanh đây, lên xuống trong sáu đường, qua lại nơi ba cõi lành dữ chẳng đồng, muôn loài sai khác, giàu sang nghèo hèn, tùy hạnh nghiệp mà sanh, chẳng phải không nhân mà mong được quả. Thế gian mộng huyễn, há được dài lâu? Muốn chứng chân thường, hãy xuất gia theo Phật, học đạo vô thượng, vượt cao lên quả thù thắng. Đạo vô thượng, tức là Pháp tánh Chân như. Nếu ngộ Pháp tánh Chân như, trong trẻo tròn đầy, rỗng rang vắng lặng, thì vọng tình dần dần dứt sạch, chánh giác trong sáng tròn thành, không xưa không nay, vượt cao lên ba cõi, chẳng sanh chẳng diệt, ngang khắp mười phương, tròn đồng thái hư, bình đẳng như vậy, hằng chứng Bồ-đề.


Thân Phật siêu ba cõi,
Tịch quang đầy thái hư.
Hiện hình trăng trong nước,
Mãi làm thầy trời người.


Âm:


Phật thân siêu tam giới,

Tịch quang mãn thái hư.
Hiện hình thủy trung nguyệt,
Vĩnh tác thiên nhân sư.