- Dẫn Nhập
- A. Chánh Văn - I. Lời Tiểu Dẫn
- A. Chánh Văn - II. Tựa
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- A. Chánh Văn - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - I. Lời Tiểu Dẫn
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - II. Tựa (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 1)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 2)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 3)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 4)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 5)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 6)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 7)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 8)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 9)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 10)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 11)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 12)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 13)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 14)
- B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 15)
- B. Giảng Giải - IV. Kệt Luận
B. Giảng Giải - III. Kệ Kiến Tánh (Đoạn 13)
Sau đây Ngài dẫn kinh:
Kinh nói: “Tâm ta như nước, Di-đà như trăng, nước trong thì trăng hiện, chẳng cần người khác nói.” Trăng dụ Pháp thân, bóng dụ Hóa thân, trong và đục dụ nhiễm và tịnh.
Ở đây nói kinh mà tôi không nhớ kinh nào, chỉ nhớ một câu “trì thành nguyệt hiện”. Trì là cái ao, cái ao đào xong có nước lóng trong thì thấy mặt trăng hiện. Đoạn này giải thích về Tịnh độ của Tự tâm, Phật Di-đà chỉ cho Pháp thân, tâm người ví như nước, nước tâm trong thì thấy Phật Di-đà hiện, như mặt trăng hiện trong ao nước trong. Còn nước tâm đục thì Phật Di-đà không hiện. Như vậy hồ tâm trong thì mặt trăng Di-đà hiện, hồ tâm đục thì mặt trăng Di-đà không hiện, cho nên chúng tôi đặt tên cái hồ ở trước chánh điện Trúc Lâm là hồ Tĩnh Tâm. Tĩnh là lặng, lặng thì mới trong, trong thì thấy bóng trăng hiện. Như vậy qua cái nhìn của các Thiền sư không có chống đối pháp môn nào, Tịnh độ cũng được, Thiền cũng được, vì tất cả đều qui về Tự tâm, chủ yếu là nước tâm chúng ta phải trong, nên nói “nước trong thì trăng hiện không cần người khác nói”. Ngài nói thêm: Mặt trăng dụ cho Pháp thân, bóng mặt trăng dụ cho Hóa thân, tùy nước trong hay đục mà trăng hiện hay không hiện, tùy theo tâm nhiễm hay tịnh mà hóa thân là chúng sanh hoặc Bồ-tát. Như kinh Di-đà nói niệm danh hiệu Phật từ một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung thấy đức Phật A-di-đà và chư Thánh chúng đến đón. Tâm không loạn là tâm tịnh, mà tâm tịnh thì Phật hiện. Thiền Tứ niệm xứ, đức Phật nói ai trụ tâm nơi pháp quán từ một ngày cho đến bảy ngày mà không dời chỗ trụ, thì người đó chứng từ Sơ quả đến Tứ quả. Tu Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Giả sử như chúng ta quán pháp vô ngã từ một ngày cho tới bảy ngày không có một tạp niệm, tâm thanh tịnh thì Phật hiện tiền. Còn chúng ta tu theo pháp Thiền này thì sao? Nếu tâm không dấy niệm, lặng trong sáng suốt thì Phật hiện. Vậy mà nhiều người than, đời mạt pháp Phật nhập Niết-bàn hơn hai ngàn năm, khó thấy Phật quá! Phật ở gần một bên, tại chúng ta để tâm chạy theo cảnh nên không nhận ra, rồi khởi niệm đi tìm Phật ở núi này núi nọ, thật là xa, cho dù có tìm Phật ở Ấn Độ cũng không gặp. Tâm mình yên lặng trong sáng là Phật hiện tiền, không phải nhọc nhằn tìm đâu cả. Như vậy tu mà ngộ được lý đạo sâu xa rồi thì công phu rất là nhẹ nhàng và không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu không ngộ thì than rằng Phật niết-bàn hơn hai ngàn năm rồi, làm sao tìm cho ra, mà tìm Phật không thấy thì làm sao tu?
Nước trong trăng hiện, trăng cũng chẳng đến. Nước đục trăng ẩn, trăng cũng chẳng đi. Chỉ do nước có trong đục, chẳng phải bảo trăng có đến đi. Trong pháp cũng như vậy, tâm sạch thì thấy Phật, chẳng phải là Phật đến, tâm nhơ thì chẳng thấy, chẳng phải là Phật đi. Bởi do chúng sanh có nhơ sạch, chẳng phải bảo chư Phật có ẩn hiện.
Đoạn này giải thích thêm: nước trong thì mặt trăng hiện, nước đục thì mặt trăng ẩn, mặt trăng không có đến đi. Cũng vậy tâm thanh tịnh thì Phật hiện, tâm nhiễm nhơ thì Phật ẩn khuất, Phật không đến không đi. Chúng ta thấy mặt trăng trên trời có đến với nước hay có rời nước không? - Không đến mà cũng không rời, chỉ tại nước trong thì trăng hiện, nước đục thì trăng khuất mà thôi. Cũng vậy, Pháp thân Phật không đến cũng không đi, chúng ta tu tâm trong lặng thì Phật hiện tiền, tâm ngầu đục thì Pháp thân Phật ẩn. Tưởng chừng như Phật có đến có đi, nhưng thật sự thì Phật không đến không đi bao giờ. Cũng thế, chúng ta ngồi thiền để dừng tâm chạy nhảy lăng xăng, tâm lăng xăng đó lặng rồi thì ông Phật của chúng ta hiện tiền. Vậy ông Phật hiện ra sao? Ngồi tòa sen hay tòa sư tử? Nếu thấy Phật hiện ngồi tòa sen chúng ta có chấp nhận không? Chỗ này phải hiểu cho kỹ kẻo lầm. Khi ngồi thiền tâm thanh tịnh thấy Phật đến xoa đầu thọ ký hoặc tán thán công đức tu hành, tự cho là mình đã chứng quả, nhưng ít lâu phát điên, người ngoài không biết cho rằng tu thiền điên. Tại sao thấy Phật lại phát điên? Khi ngồi tu tâm đạt đến chỗ lặng lẽ thì Thể chân thật hiện tiền, đó là Phật hiện. Phật tại tâm mình hiện thì không có tướng mạo, nhưng vì chúng ta chạy theo tướng Phật hư dối ở ngoài do tâm mình phóng hiện ra; tướng hư dối mà cho là thật nên lầm, điên đảo cuồng loạn rồi phát điên.
Trong sử Thiền Ấn Hoa có ghi câu chuyện: Tổ Ưu-ba-cúc-đa hàng phục được Ma vương bèn trao Tam qui cho nó. Sau khi thọ Tam qui xong, Tổ bảo Ma vương:
- Xưa ngươi thường thấy đức Như Lai giờ đây hiện thử cho ta xem.
Ma vương thưa:
- Hiện việc xưa không khó, chỉ xin Tôn giả trông thấy đừng lễ.
Tổ khả hứa. Ma vương vào rừng ẩn mất, chốc lát bỗng thấy Phật từ mé rừng đi ra oai nghi nghiêm chỉnh, theo sau là đoàn Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, Tổ vừa trông thấy cúi mình đảnh lễ. Ma vương hoảng kinh biến mất.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy ma hiện Phật, mà Tổ còn lầm tưởng Phật thật, quì xuống lạy. Chúng ta là phàm phu thường mơ ước được thấy Phật, ma biết được nên nó hiện hình Phật. Chúng ta thấy mừng quá lễ lạy, nhân cơ hội ấy nó nhập vào khiến chúng ta phát cuồng phát điên. Nên nhớ, Phật là tâm thanh tịnh sáng suốt ở mỗi người chớ không phải Phật ở bên ngoài.
Trong Thiền sử Trung Hoa có ghi câu chuyện: ngài Văn Hỷ đi đến núi Ngũ Đài để tìm Bồ-tát Văn-thù, Ngài không gặp Bồ-tát Văn-thù chỉ gặp một ông già dắt trâu đi, mời Ngài vào chùa uống trà. Qua câu chuyện đối đáp, trời tối Ngài xin nghỉ lại đêm không được, ông già cho một đồng tử đưa Ngài xuống núi. Ngài hỏi đồng tử mới biết đó là chùa Bát-nhã trong hang Kim Cang, ông già gặp vừa rồi là Bồ-tát Văn-thù. Ngài buồn bã vì không thể nào gặp lại được. Lúc đó đồng tử và chùa cũng đều ẩn mất, chỉ thấy Bồ-tát Văn-thù cỡi sư tử vàng qua lại ở trên mây, Ngài đảnh lễ rồi đi về.
Sau, Ngài đến Thiền sư Ngưỡng Sơn học đạo, được sung chức Điển tọa. Ngài nấu cháo thường thấy Bồ-tát Văn-thù hiện trên nồi cháo, Ngài lấy cây dầm quậy cháo đập, nói:
- Văn-thù tự Văn-thù, Văn Hỷ tự Văn Hỷ.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy tinh thần Thiền là trở về với Phật chính mình, không lệ thuộc vào Phật, Bồ-tát bên ngoài. Trong nhà Phật có câu “Phật cao một thước, ma cao một trượng”, sống trong cõi Dục này ma ở gần chúng ta rất nhiều, cho nên chúng ta nghĩ gì, mơ ước điều gì, ma biết hết và nó hiện đúng như ý mình mong cầu. Nếu chúng ta không biết thì bị nó lừa, tu một thời gian kết quả điên khùng là tại chỗ đó. Nếu chúng ta biết tất cả đều là giả tướng, thì không chấp nhận những tướng bên ngoài từ tâm phóng hiện ra, không chấp nhận thì không lầm, không bị hại. Giả sử chúng ta ngồi thiền gặp Phật thật hiện ra, chúng ta không chấp nhận Phật cũng không rầy, vì biết mình có cái nhìn đúng. Nếu chúng ta gặp Phật không lễ sợ có lỗi, Phật thuyết pháp không nghe sợ có tội, sẽ bị lừa bị hại. Thỉnh thoảng có ít người tu ban đêm ngồi thiền nghe bên tai có tiếng nói pháp, hoặc bên tai nghe có tiếng nói xì xào, muốn hết tiếng không biết làm sao, đến nhờ tôi chỉ cách để giải trừ. Những trường hợp như thế phần nhiều là do quỉ thần đánh lừa chúng ta. Ban đầu nó đem một hai câu kinh Phật ra nói, chúng ta nghe thích quá, tin theo cho là lời Phật Thánh nói pháp. Khi tin sâu rồi nó xúi chúng ta nói làm bậy bạ, lúc đó ý chí nhu nhược, trí tuệ lu mờ, nó bảo điều chi là nghe theo làm theo, không cưỡng lại được. Đó là cái lầm của người tu không biết rõ những chứng thiền bệnh. Trong nhà Thiền có câu “phùng Phật sát Phật, phùng ma sát ma” (gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma). Nói nghe như vô lễ tàn nhẫn lắm, nhưng đó là điều tất yếu phải làm để trong khi tu chúng ta tránh được sự lầm lẫn tai hại. Nên nhớ ai tu mà ham Phật, Bồ-tát đến xoa đầu thọ ký thì người đó dễ bị điên cuồng.
Lý rốt ráo tột cùng, cực tắc tuyệt diệu thì Pháp thân vốn rỗng lặng, tròn đồng thái hư, không đi không đến, không nơi không chốn, tùy cơ mà cảm đến, ứng hiện tự tại, nên gượng gọi là Như Lai.
Đoạn này Ngài nói thêm để chúng ta hiểu rõ cái lý tột cùng không đến không đi của Pháp thân và danh từ Như Lai cũng gượng gọi chớ không có thật.
Chánh giác không nơi đến,
Đi cũng không chỗ nào.
Thân thanh tịnh diệu sắc,
Do thần lực hiển hiện.
Phật thân rỗng lặng trùm pháp giới,
Rõ ràng trước mắt quần sanh loại.
Tùy cơ cảm đến khắp mọi nơi,
Tự do ứng hiện đều vô ngại.
Âm:
Chánh giác vô lai xứ,
Khứ diệc vô sở tùng.
Thanh tịnh diệu sắc thân,
Thần lực cố hiển hiện.
Phật thân không tịch biến pháp giới,
Đường đường đối nhãn quần sanh loại.
Tùy cơ phó cảm mỵ bất chu,
Tự như ứng hiện lực vô ngại.
Đến đây Ngài nói thêm bài kệ để chúng ta rõ nghĩa lý không đến đi của Pháp thân.
Chánh giác không nơi đến, đi cũng không chỗ nào. Thân thanh tịnh diệu sắc, do thần lực hiển hiện.
Chánh giác là chỉ cho Pháp thân không đến đi, không có nơi chốn và cái thân đẹp đẽ có ba mươi hai tướng tốt của Phật cũng do thần lực hiển hiện.
Phật thân rỗng lặng trùm pháp giới, rõ ràng trước mắt quần sanh loại.
Pháp thân Phật rỗng lặng trùm khắp pháp giới, luôn luôn hiện ở trước mắt chúng ta. Như vậy thân có ba mươi hai tướng tốt của Phật Thích-ca ở Ấn Độ là
Ứng thân hay Hóa thân, còn Pháp thân Phật ai cũng sẵn có, nó rỗng lặng trùm khắp pháp giới và ở ngay trước mắt chúng ta, không hề xa cách.
Tùy cơ cảm đến khắp mọi nơi, tự do ứng hiện đều vô ngại.
Nghĩa là Pháp thân không có tướng mạo, nhưng tùy duyên mà có cảm ứng. Tùy duyên cảm ứng như thế nào? Giả sử chúng ta tu thể nhập được Pháp thân thanh tịnh, nhưng không phải an trú mãi trong Pháp thân thanh tịnh, mà tùy chúng sanh nào có duyên với chúng ta sanh nơi nào thì chúng ta đến đó để độ họ. Như chúng tôi thường nói, lâu nay Phật tử ủng hộ tịnh tài tịnh vật để chúng tôi cất chùa và lo cho Tăng Ni tu học, Phật tử làm việc ấy với tâm nguyện mong rằng đời đời được gặp chánh pháp, gặp quí thầy giáo hóa cho tu học, vì hiện tại Phật tử là cư sĩ gia duyên ràng buộc nên tu không được bao nhiêu. Tâm nguyện như thế là Phật tử đã muốn gieo duyên sâu với Tam Bảo, nhưng nếu chúng tôi tu giác ngộ thể nhập Pháp thân thanh tịnh, cảm thấy an lạc thảnh thơi quá, không trở lại thế gian giáo hóa những người có duyên với mình, như vậy, nếu nói theo thế gian thì chúng tôi không muốn trả nợ, mặc tình Phật tử muốn tu như thế nào thì tu, mình không để ý tới, đó là vô trách nhiệm. Cho nên người tu tự giác rồi phải giác tha, không nên ích kỷ, tu liễu ngộ rồi không hưởng an lạc một mình, phải tùy duyên ứng hiện độ chúng sanh có duyên với mình, đó cũng là một hình thức trả nợ cơm áo cho Phật tử. Hơn nữa, khi tu đã giác ngộ, dù chúng ta có ứng thân độ chúng sanh chúng ta vẫn tỉnh chớ không mê, do tỉnh cho nên thấy việc ứng thân để độ chúng sanh là hư dối, không thật. Vì chúng sanh mê nên thọ thân giả dối cho là thật, còn người tỉnh đi vào trong cảnh giả biết là giả, mang thân giả làm việc lợi ích cho chúng sanh, dù có gặp cảnh thuận nghịch vui buồn cũng biết là giả dối, không động tâm, đó mới là tùy duyên cảm ứng. Nếu gặp cảnh thuận thì vui, gặp cảnh nghịch thì buồn khổ thở than, đó là theo nghiệp chiêu cảm.
Tùy duyên cảm ứng thì gặp cảnh thuận nghịch gì cũng vui, vì nó không thật, không thật cho nên không lo buồn sợ hãi. Do đó các Bồ-tát đi khắp thế gian để làm lợi ích cho chúng sanh mà vẫn luôn ở trong Niết-bàn tự tại, vì đâu có gì bận tâm. Hạnh của Bồ-tát là như vậy, không hẳn Bồ-tát là phải có thần thông, có quyền lực phi thường, mà Bồ-tát vẫn ở tại thế gian và sanh hoạt như mọi người. Tuy nhiên, người thế gian gặp cảnh khổ thì than khóc, Bồ-tát gặp cảnh khổ thì cười. Người thế gian gặp duyên tốt họ hãnh diện cho là vinh dự rồi sanh ngạo mạn, Bồ-tát gặp duyên tốt duyên xấu gì cũng thế thôi. Bồ-tát thật thì hành động như vậy, còn khác đi là thứ giả, dù có xưng là Bồ-tát cũng chỉ là giả mà thôi. Cho nên trên đường tu nếu chúng ta khéo ứng dụng thực hành thì đâu đâu cũng là Bồ-đề là Niết-bàn, nếu không khéo thì đâu đâu cũng là cõi khổ đau.
Kinh nói: “Thân pháp giới thanh tịnh vốn không có ra vào, sức bản nguyện đại bi thị hiện như hoa trong không.”
Đoạn này giải thích về Pháp thân thanh tịnh của Phật không ra không vào, nhưng vì do sức bản nguyện đại bi mà có ra có vào, sự ra vào đó giống như hoa đốm trong hư không. Thường chúng ta chỉ biết Phật là Phật Thích-ca ở Ấn Độ, có lịch sử, sanh ra trong cung vua Tịnh Phạn và nhập Niết-bàn ở rừng Sa-la, Phật đó là Phật hóa thân, hay báo thân có sanh có diệt. Phật pháp thân thì không sanh không diệt, tại sao Phật hóa thân lại có sanh diệt? Như Phật Thích-ca khi còn làm Thái tử phát tâm đi tu nguyện giải thoát sanh tử cho mình và cho tất cả chúng sanh. Giải thoát sanh tử là nhập Niết-bàn, mà nhập Niết-bàn tức là tử. Như vậy nói thành Phật giải thoát sanh tử tại sao đến tám mươi tuổi Ngài vẫn tử như mọi người. Đoạn này ngài Chân Nguyên giải thích Phật có ba thân: thân có sanh có tử là Hóa thân hay Báo thân, thân không sanh tử là Pháp thân. Khi chứng quả Phật các ngài sống với Pháp thân không sanh tử, còn thân tứ đại hiện có hình tướng là Hóa thân, thân này có sanh thì phải có tử. Vì nó là Hóa thân nên dụ như hoa đốm trong hư không, chợt hiện chợt mất không thật. Còn Pháp thân thì như hư không thênh thang không sanh diệt. Vì vậy mà nói Phật chứng được Pháp thân thì không còn sanh tử. Chúng ta tu giả sử kiếp này ngộ được Pháp thân, song thân tứ đại của chúng ta một ngày nào đó hết duyên nó cũng tan hoại. Nhưng có nhiều người quan niệm rằng không tu khi già cũng chết, cố gắng tu hành khổ cực tới già cũng chết, như vậy đâu có ai hơn ai. Đó là lý lẽ mà người không muốn tu nêu lên để bào chữa. Phải thấy rõ người tu và không tu có khác, người tu biết thân này giả tạm, nhận ra nơi mình có Pháp thân chân thật không sanh tử thì thân giả tạm có hư hoại cũng không buồn không tiếc. Còn người thế gian không biết tu, thấy thân giả tạm này là thật cho nên khi thân này hoại tìm thân khác, theo nghiệp đi mãi trong luân hồi thọ quả báo. Đó là chỗ khác nhau của người tu và không tu. Chúng ta phải hiểu cho thấu đáo để khỏi lầm lẫn như ở trên.
Bởi thị hiện có ra vào là ở cơ duyên, cơ duyên ứng thì hiện ra trong cung vua Tịnh Phạn, cơ duyên hết thì ở dưới gốc Sa-la(1) vào Niết-bàn.
Hóa thân thì ứng theo duyên mà thị hiện, sở dĩ Thái tử sanh vào cung vua là vì nơi đó có duyên với Ngài, thị hiện tu hành, thành đạo giáo hóa chúng sanh, cơ duyên viên mãn thị hiện vào Niết-bàn. Ứng theo duyên mà Hóa thân thị hiện chớ không phải Pháp thân. Đoạn kế là ví dụ:
Do vì nước trong sạch vô tâm mà không hình tượng nào chẳng hiện. Hình tượng chẳng phải là ta vốn có, đây là hoa đốm trong không thuộc vật bên ngoài. Tướng chẳng phải là thân Phật, há Như Lai có ra vào?
Đoạn này nói do nước trong cho nên hình tượng hiện. Ví dụ như có một hồ nước thật trong, mọi vật có hình tướng như núi rừng, cây cối, mặt trăng v.v... đều hiện bóng dưới hồ. Như vậy trong hồ thật có những thứ đó hay không? Chỉ do hồ nước trong nên các thứ đó mới hiện. Cũng vậy nếu hồ tâm của chúng ta trong lặng thì tất cả hình tượng đều hiện rõ ràng. Hình tượng không phải là cái sẵn có mà nó là cái bóng hư ảo giả tạm, giống như hoa đốm trong hư không, nó là cái ở bên ngoài, hồ tâm mới thật là ta. Nếu hồ tâm chúng ta không trong lặng thì bao nhiêu nghiệp chướng lôi dẫn chúng ta lăn lộn trong sanh tử. Nếu hồ tâm trong lặng thì mọi hình tượng hiện trong đó chỉ là tướng huyễn hóa không thật, không làm xao động cái hồ. Tất cả tướng không phải là Pháp thân Phật, mà Pháp thân Phật là Như Lai thì không có ra vào, vì Như Lai không hình tướng. Như vậy chúng ta tu thành Phật rồi chúng ta có chết không? Nếu không chết thì hơn đức Phật rồi. Chúng ta cũng chết nhưng chết thân tứ đại hư dối, còn Pháp thân thanh tịnh bất sanh bất diệt thì đâu có mất. Vì Pháp thân không hình tướng nên không sanh diệt, Sắc thân có hình tướng có sanh ắt phải diệt. Vậy mục đích của người tu là hướng về Pháp thân hay hướng về Sắc thân? - Hầu hết chúng ta đều muốn sống với Pháp thân bất sanh bất diệt. Như vậy đối với Pháp thân thì Sắc thân quí chừng bao nhiêu phần trăm? Pháp thân bất sanh bất diệt nó không có tuổi, còn Sắc thân tứ đại sống chỉ mấy mươi tuổi thì tan hoại, nó tạm bợ nên không phải là cái thân quí. Chúng ta không nên vì nó mà tạo nghiệp, rồi theo nghiệp chịu khổ liên miên trong sanh tử luân hồi. Cho nên người hiểu đạo nhận ra Pháp thân, đây gọi là Kiến tánh, thì những người này đối với thân tứ đại không cho là quí trọng, không còn cưng yêu nó nữa, mà thấy nó là phương tiện để tu và làm lợi ích cho chúng sanh. Thấy như vậy là thấy đạo. Nếu thấy thân là quí trọng, muốn cho nó mặc đẹp ăn sang, thụ hưởng tất cả mọi thứ tiện nghi sung sướng hiện có trên thế gian này là người không hiểu đạo. Như vậy người hiểu đạo và không hiểu đạo khác nhau ở chỗ đó. Hiểu đạo thì quay về sống với Pháp thân, thấy Sắc thân chỉ là phương tiện tạm bợ để tu và làm lợi ích cho chúng sanh, không hiểu đạo thì cưng dưỡng Sắc thân mà quên Pháp thân.
Đó gọi là thân Phật vô vi, đầy khắp cả pháp giới, thanh tịnh tròn sáng, trong lặng thường trụ. Chân Phật thì vô tướng, vốn không có lý Niết-bàn. Quyền Phật thì giả hiện, huyễn có việc ứng hóa.
“Đó gọi là thân Phật vô vi.” Vô vi là không có tướng sanh diệt. Thân Phật vô vi là Pháp thân Phật không có tướng sanh diệt.
Đầy khắp cả pháp giới, thanh tịnh tròn sáng, trong lặng thường trụ.
Pháp thân Phật của mỗi người thanh tịnh tròn sáng trong lặng trùm cả pháp giới không sanh không diệt nên thường trụ.
Chân Phật thì vô tướng, vốn không có lý Niết-bàn.
Phật thật thì không có tướng, cho nên không có cái lý nhập Niết-bàn. Nhập Niết-bàn không phải là Phật thật. Nói như thế, có thể quí vị hiểu thân mình là tướng có thật, cân nặng năm sáu chục ký, đi lại, nói năng, làm việc đủ thứ, như vậy là thật. Còn nói Pháp thân không hình tướng thì đâu có cái gì? Không hình tướng thì như hư không, vậy tại sao coi thường thân thật có hình tướng đi đứng hoạt động mà quí trọng Pháp thân không hình tướng rỗng không? Chỗ này có rất nhiều người hiểu lầm. Nghe nói Pháp thân Phật vô vi vô tướng... tưởng nó rỗng không như hư không, nếu như hư không thì vô tri không có giá trị. Tôi xin hỏi quí vị nơi chúng ta mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, nếu đứng về mặt thấy, biết, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, cái biết đó có hình tướng không? Cái biết nghe không phải lỗ tai, cái biết sắc không phải con mắt v.v... Cái biết đó không hình tướng mà nó chỉ huy toàn thân này, vì nếu không có nó thì thân này không hoạt động được. Hiểu kỹ chỗ này rồi chúng ta mới thấy rằng Pháp thân không hình tướng không phải là rỗng không vô nghĩa, mà nó có diệu dụng vô cùng. Hiểu rồi chúng ta mới thấy giá trị chân thật của sự tu hành là hướng đến Pháp thân bất sanh bất diệt. Chúng tôi tạm mượn những hình tướng thế gian để quí vị thấy giá trị mạnh yếu của sự vật, để sáng tỏ giá trị thật của Sắc thân và Pháp thân. Chúng ta thường thấy đất, đá, sỏi... những thứ đó thì cứng, còn nước thì mềm nhưng nước xoi mòn được đất, đá, sỏi... Như vậy, nước tuy mềm nhưng nó mạnh hơn đất đá. Nước có tướng chúng ta sờ mó và vốc nước thành bụm được, mà nó xoi mòn được đất đá cứng hơn nó. Còn gió thì sao? Gió không có tướng mạo, nhưng gió thổi thì nước dâng lên, đất rung rinh bốc bụi. Như vậy thì gió mạnh hơn nước. Chúng ta xét kỹ những sự vật có hình tướng thô chừng nào thì yếu chừng nấy, những cái tế lại mạnh hơn. Như hiện giờ có những loại bom nổ một tiếng làm rung rinh cả trời đất, nó do những hạt nguyên tử rất nhỏ hợp thành. Nếu chúng ta đem đất đá dồn lại bằng quả bom nguyên tử thì tiếng nổ không bằng và gây tác hại cũng không bằng quả bom nguyên tử. Như vậy mới thấy những vật vi tế chừng nào nó lại có năng lực mạnh chừng nấy. Cũng vậy, tâm chúng ta vô vi không hình tướng, nhưng nó lại là cái chân thật điều khiển cả con người chúng ta, thế mà chúng ta lại quên, chỉ lo chạy theo những hình tướng giả dối cho là thật và khi nó bại hoại thì đau khổ. Thử hỏi mọi người chúng ta buồn khổ khi thân này sắp tan hoại, hay buồn khổ khi chúng ta quên thân quay về sống với Tâm thể chân thật? Có lúc nào chúng ta tự than trách: sao mấy hôm rồi tôi cứ để tâm chạy đông chạy tây, hay chỉ than: thân này đau đủ thứ chẳng biết có qua khỏi không? Cái Tâm chân thật là quí mà bị bỏ quên để chạy theo những thứ giả dối bên ngoài, lý đáng phải buồn nhiều lắm! Cái thân hư dối tạm bợ mất đi lý đáng phải vui mừng. Giống như người giàu, có hột xoàn, có vàng bị mất cắp thì buồn, ngược lại có vài ba cục sỏi, cục đất bị mất thì đâu có buồn tiếc. Nói như thế để thấy chúng ta mê muội chỉ biết quí cái thân hư giả tạm bợ, mà xem thường cái Tâm chân thật quí báu của mình, do đó mà bị trầm luân sanh tử. Vì vậy ngài Chân Nguyên nhắc chúng ta không nên lo lắng sự tan hoại của Sắc thân, mà quên mất Pháp thân chân thật sẵn có nơi mình. Ngài cố giải thích cho chúng ta nhận ra rằng Pháp thân chân thật vốn thường trụ rỗng lặng, không dấu vết, mà diệu dụng vô cùng. Chúng ta không nên lo lắng cho cái thân này quá lắm, mà hãy khéo trở về sống với Pháp thân chân thật của mình. Muốn thế, hồ tâm chúng ta phải lóng lặng hết những bợn nhơ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... chúng ta mới sống được với Pháp thân chân thật của mình. Vậy, chúng ta có chịu gạn lọc những bợn nhơ đó bỏ đi, hay để dành rồi chịu nhơ chịu khổ suốt kiếp? Chúng ta phải dùng trí tuệ quán xét coi cái nào là bợn nhơ của tâm thì loại bỏ, để hồ tâm chúng ta được trong sạch, hồ tâm trong sạch thì Pháp thân hiện tiền. Như vậy chúng ta có can đảm tự hứa với lòng là học Phật pháp trong vòng một năm sẽ lọc bỏ hết những bợn nhơ tham sân si... không? - Dạ không dám hứa. Tại sao biết những thứ đó là dở là tai hại mà không dám hứa bỏ? Đó là một điều khó khăn mà người tu Phật thường vấp phải. Chúng ta học Phật pháp thật nhiều mà lâu lâu tập khí phàm phu cũng hiện ra là tại sao? Tại hiểu mà không hành, hoặc hành mà không chuyên. Cho nên trong nhà Thiền có câu “hạnh giải tương ưng danh vi viết Tổ” nghĩa là hiểu và hành giống nhau thì gọi là Tổ. Còn chúng ta hiểu và hành không giống nhau nên gọi là phàm phu. Nên nhớ tu không phải là chuyện huyền hoặc trên trời trên mây, mà là chuyện thực tế nơi mình, chỉ chịu khó lọc bỏ bợn nhơ nơi tâm thì Pháp thân hiện tiền, cũng như hồ nước trong thì bóng trăng hiện. Tất cả kiểm lại xem trong tâm chúng ta có những niệm tham sân si... không? Chúng ta có quyền đuổi nó ra hay không? Có đủ thẩm quyền đuổi nó ra tại sao không đuổi? Điều đó thật là khó hiểu! Chúng ta biết mình có những điều dở, mình bỏ những điều dở đó thì ai cũng khen, thế mà không chịu bỏ, thật là mâu thuẫn, thật là lạ lùng! Chúng ta thường có cái bệnh nói một đàng làm một nẻo, lạy Phật thì xin cho con đời này hết phiền não, nhưng biết tham sân si là phiền não, là độc hại mà không chịu bỏ! Chủ yếu của việc tu hành là phải sáng suốt gan dạ và dứt khoát, nếu không thì tu cả đời vẫn y nguyên chẳng tiến bộ gì cả.
Nghĩa Niết-bàn tức là Pháp tánh của chư Phật, chẳng sanh chẳng diệt, nên nói Niết-bàn không đi không đến, gọi là Pháp thân Như Lai thường trụ, trong suốt rỗng lặng, không dấu vết, không tạo tác, không uống ăn, không tóc da.
Ngài Chân Nguyên nói trắng ra hết, không giấu giếm gì cả. Nói Niết-bàn là Pháp tánh của chư Phật, Niết-bàn không đến đi gọi là Pháp thân Như Lai thường trụ không dấu vết, không tạo tác, không ăn uống, không tóc da v.v... Nghe nói không ăn uống, không tóc da, có người sẽ nghĩ rằng tu chứng được Pháp thân chắc buồn lắm, chắc hết ăn hết mặc. Vì Sắc thân có hình tướng thì ăn ngon mặc đẹp, còn Pháp thân không hình tướng, không tóc da, không miệng lưỡi lấy gì ăn mặc? Vậy theo quan niệm thế gian chứng được Pháp thân thì buồn lắm. Nhưng chúng ta phải xét lại, tất cả những thứ chúng ta đang thụ hưởng là thật hay tạm bợ? Như ăn ngon, lúc mới ăn thì có cảm giác thơm ngon, nhưng khi trả nó ra thì thúi rùm ai cũng muốn lánh xa, như vậy có ngon thật, có giá trị thật không? Thân này cũng thế, bây giờ còn trẻ thì tóc xanh da mướt, đến khi già nua thì tóc bạc da nhăn, đâu còn đẹp đẽ gì! Như vậy, cái thân có tóc có da hiện giờ của chúng ta hưởng thụ đủ mọi thứ sung sướng là tạm bợ không thật, nếu chúng ta sống được với Pháp thân mà ở đây ngài Chân Nguyên nói không ăn uống, không tóc da, nhưng trùm khắp và ứng hiện diệu dụng không lường thì quí giá vô cùng mà chúng ta lại quên.
(1) Bản chữ Hán là bồ-đề thọ.